Góc đường Las Tunas và Rosemead trong thung lũng San Gabriel có một quán cà phê nhỏ. Tên quán là Hải Ký. Chủ nhân là một cặp vợ chồng người miền Nam. Cả hai tuổi đã ngoại lục tuần. Nghe nói xưa ông chủ là dân giang hồ, giỏi võ. Họ có cô con gái đẹp không dưới hăm lăm. Tên cô là Cẩm Hồng. Sau một thời gian ở Mỹ, Cẩm Hồng có theo chúng bạn học một hai năm ở đại học cộng đồng Pasadena, môn tâm lý hay xã hội gì đó, ông bà Hải Ký không rõ lắm, và cũng không quan tâm đến việc học lẫn thôi học của con. Nhưng từ đó họ hay nói “Con nhỏ cử nhơn nhà tui!”
Trước Cẩm Hồng ít ra quán, sau nghỉ học, cô ra thường xuyên và ngồi nơi ghế thu ngân. Cô thường chỉ tủm tỉm với những ông khách tử tế, còn thì ngồi chăm chú đọc sách dưới ngọn đèn nhỏ, giống như đó là nơi cho cô trốn tránh một số phận.
Cũng có một thanh niên tên là Huy Cường đôi khi có mặt ngoài quán. Anh ta phải ngoài ba mươi, to lớn, đầu hói sớm, có đôi mắt ngầu ngầu của hạng hảo hán, nhưng khi nói với khách lại có giọng ngọt ngào kiểu một anh kép cải lương đĩ tính. Huy Cường hay gấu ó với Cẩm Hồng sau bếp, kiểu như người anh lớn khó tính với đứa em gái chỉ có vũ khí là sự nín nhịn. Lâu lâu khách nghe thấy sau bếp có tiếng bốp bốp như tiếng bợp tai. Không ai la ó, không ai khóc, cứ như tất cả những người sau bếp đều là hạng quen chịu đựng nhau, giống cánh cửa có gió thì phải dập vào khung cửa, nếu khung cửa mà phản ứng thì hoạ đã có động đất. Mà động đất là hết, là chẳng ai còn hy vọng giữ được nguyên vẹn chút vốn liếng sau cùng.
“Cái tình cái nghĩa là trọng chớ. Ngũ quả thì phải mua cho có ý nghĩa, ít ra cũng phải cầu-dừa-đủ-xài-riêng. Mua chi toàn đồ rởm!”
Không thấy ông bố lên tiếng, chỉ bà mẹ khẽ nhằn:
“Táo lê nho cam chuối mà mày nói rởm sao Hai? Mày biết trái mãng cầu nhiêu hôn, hơn mười đồng. Trái đu đủ cũng sáu bảy đồng. Xoài trái mùa mắc như quỷ. Còn sầu riêng… Dĩa trái cây xíu xiu mấy chục bạc buôn bán lúc này tao chịu sao thấu!”
“Thì đừng cúng.”
“Thôi mày đi nhậu đi Hai, đi nhậu đi! Mày tưởng mày còn là cậu công tử sao Hai?”
Ngày rằm hay cúng quẩy chi đó khách thường nghe thấy Huy Cường mất đi giọng ngọt ngào cố hữu mà trở nên cọc cằn, cự nự mọi người trong bếp.
Lại có lúc Huy Cường hằn học vu vơ:
“Về nấu cho miếng cơm chớ! Bộ cây không trái gái không con không là vợ chồng sao? Tui như thằng chết vợ.”
Đến lúc đó Cẩm Hồng mới nói nhỏ:
“Anh mình ên. Anh ở không. Bộ anh tính làm công tử Bạc Liêu mãn đời sao? Tui ra giúp ba má, đói sao anh không ra đây ăn cho rồi, hành tui chi vậy? Bữa nào tui nấu cơm rồi cũng đem đổ.”
Lại có mấy tiếng bốp bốp:
“Nói nghe coi, đây quán cà phê hay quán cơm, đồ đĩ ngựa?”
Bấy giờ khách mới biết Cẩm Hồng và Huy Cường là đôi vợ chồng trẻ không hạnh phúc.
Ông Hải Ký rất thương yêu con gái nhưng ông không bênh. Ông tự hiểu ông không có quyền bênh. Thuyền theo lái gái theo chồng. Con ông giờ thuộc nhà khác dù vì hoàn cảnh nó vẫn tiếp tục sống trong nhà ông. Bà cũng vậy. Bà đứt ruột nín nhịn dù Cẩm Hồng là đứa con gái duy nhất còn sót lại sau lần vượt biển lắm tai ương. Họ quý rể không thì không biết, nhưng cách nào đó người ta ngờ ông bà có nợ nần bên con rể điều gì to lớn lắm, mà họ lại là người nghĩa khí, thà chịu đựng đau khổ hơn là mang tiếng phụ ân.
Trai gái yêu nhau, lấy nhau, rồi xung đột nhau, chuyện thường; nhưng bước kế tiếp bỏ nhau là ác mộng sau cùng của cặp vợ chồng già. Cho nên ông bà cố chịu đựng người con rể, khổ như chạy đua có sạn trong giày, nhưng đích đến đời họ nào còn bao xa! Mất hết rồi. Xứ người rốt cuộc chỉ còn nhiêu đây. Dù không êm chèo mát mái, ông bà vẫn cố giữ cho con tàu đừng chìm, cho hai đứa nhỏ hiểu rằng người ta khó sống khi không còn nhau.
Dù lắm rầu rĩ nhưng ông bà Hải Ký là người sở hữu sự ngọt ngào pha khôn lanh của người mở quán nhiều kinh nghiệm. Sự ngọt ngào khôn lanh ấy lôi được khách; còn nụ cười ẩn mật của cô gái thì giữ được họ, và khiến những khách thiếu hào hoa chồn tay khi muốn vơ về những đồng tiền lẻ.
Ông khách gặp cơn buồn nhưng chán những trà đình tửu điếm ồn ào? Ông sẽ đến quán Hải Ký. Ở đây ông bà chủ biết cách kín đáo giúp ông giải sầu. Họ không có nhiều món đâu, nhưng món lươn um sữa của họ không tệ, nhất là món cánh gà chiên bơ thì thật xuất sắc.
“Cho cái ấm đi!” Đó là mật hiệu.
Bà chủ chào khách bằng ánh mắt ấm áp. Bà mời khách ngồi vào chiếc bàn sâu phía trong. Chiếc ấm đem ra. Khách kín đáo rót vào cốc dòng bia vàng lạnh. Mươi phút sau khách đã có thể vừa nhâm nhi món ngon, vừa hưởng chút cảm giác hồi hộp của kẻ ăn vụng thứ khoái khẩu trong một quán nhậu vô phép tắc giữa một nước Mỹ đầy phép tắc.
Nhưng chín giờ tối quán nhất định ngưng giúp khách giải sầu. Khách quen lắm, buồn lắm quán mới bấm bụng mở lòng thêm cho đôi ba “cái ấm” với đĩa đậu phọng da cá, hay con mực nướng, coi như thiếp tạ chàng mối ân tình quyến luyến bấy lâu nay.
“Cho cái ấm đi!”
Ít ra cũng hơn hai tháng qua anh thanh niên đã đến với quán vào những giờ muộn màng. Và chỉ thứ bảy chủ nhật. Cẩm Hồng không nhớ rõ dịp nào anh ta đến làm quen với bộ bàn ghế nơi góc quán, chỗ nhìn ra con hẻm trồng nhiều liễu. Cô chỉ nhớ lần cô chú ý đến anh là bữa đó có trăng. Con trăng to và sáng, khi nhú lên khỏi toà cao ốc có rạp hát Edwards Theater, nó như bị lũ bạch đàn cao ngất níu kéo sao đó, khựng lúc lâu, giúp cô cơ hội thấy được bộ mặt anh như tráng một màu buồn phiền kỳ dị. Đó là bộ mặt có râu rậm, mái tóc nghệ sĩ bờm xờm, đôi mắt sâu u hoài như cố nhìn xuống đôi môi thường mím chặt. Trông anh có vẻ lúc nào cũng có một bài toán khó không giải không xong. Cẩm Hồng tìm thấy ở anh một nét đàn ông cô từng gặp đâu đó, có thể giống một anh đánh đàn từng xuất hiện trên truyền hình Việt Nam, mà cũng có thể trong một giấc mơ. Đã có lúc cô muốn tháo bỏ khỏi vách mấy tấm tranh in hình hiệp sĩ Nhật Bổn. Họ là những thần tượng của ba cô từ trẻ. Ông hay nói: “Lũ hói đó chỉ có tiến lên để sống hùng hoặc chết hùng. Tụi nó không bỏ chạy.” Nhưng giờ thì cô ghét những cái đầu hói, ghét quá trời.
Nhớ lần đầu má cô có lưỡng lự khi tiếp ông khách này. Bà bảo khẽ lúc này bọn cảnh sát cộng đồng đóng vai cớm chìm nhiều lắm. Rồi anh nói gì đó với bà và được toại nguyện. Một cái ấm và một đĩa đậu phọng rang.
Thường anh ngồi cả tiếng, tiêu chuẩn nhâm nhi đúng hai ấm, rồi đứng lên, tuồng như không bao giờ có ý biến mình thành người khách sau cùng. Anh giằn tiền dưới ấm, tờ mười đô, rồi lẳng lặng ra về.
Má cô nói: “Thiệt kỳ, chả không khi nào chịu chờ thối tiền nghe.” Nhưng nhờ đó anh nhanh chóng biến thành đối tượng quan tâm đặc biệt của bà, đến nỗi có lần phá lệ bà hỏi anh muốn ăn chi không. Anh chỉ nhẹ lắc đầu, giọng lạnh lùng: “Ăn rồi bà chủ!”
Ông Hải Ký có lần nói đùa: “Chắc phá sản hay hèn ra cũng mới thất nghiệp.” Nhưng Huy Cường không đồng ý, anh nói: “Tui sợ là giả mới chết vợ. Ai chớ tui...” Bà Hải Ký kín đáo nhìn con rể. Huy Cường thôi nói nhưng đó là lúc hiếm hoi anh nhìn vợ bằng đôi mắt dịu dàng.
Hai năm sau quán cà phê Hải Ký vẫn còn, nhưng khách hết đông như trước. Hoạ vô đơn chí. Sau lần vợ chồng xô xát nhau, Cẩm Hồng bỏ nhà đi không lâu thì Huy Cường tử nạn xe hơi. Xe Huy Cường lao xuống đèo siêu lộ 118 vào một chiều Thu. Đám cháy làm đen một khoảng cỏ vàng rộng lớn. Đống sắt vụn không để lại mấu chốt cho sở cảnh sát: Y say rượu, say ma tuý, y tự tử hay xe bị trục trặc dầu nhớt thắng lái?
Đôi khi bà Hải Ký thở dài: “Ghe ba má nó, tiền ba má nó, cái gì cũng của ba má nó; mình kiếp nào mới trả nổi?” Không hiểu sao lời than thở ấy làm được người đằm tính như ông Hải Ký phát nổi giận. Nhưng ông không nói gì hết, giống như ông muốn cơn giận sẽ là ngọn lửa chỉ để thiêu đốt âm thầm lòng ông, cho ông có dịp tạ lỗi với người bạn tri kỷ đầy tình nghĩa giang hồ.
Mười năm rồi ông không nhận được thư bạn. Hay đã vượt chuyến sau mang hoạ cả nhà? Nhưng ông vẫn nhớ lá thư đầu bạn gửi từ quê hương. Bạn viết: “Giữ thằng nhỏ giùm tui, cứ coi như mình là sui rồi đó.” Ông lại nhớ đến thư con gái ông để lại. Cẩm Hồng viết: “Đừng phi báo chi hết nghen ba má. Con chỉ đi xa một thời gian thôi. Đừng nghĩ con giận ai đâu nha. Có điều những con tàu chìm không cứu được nhau.” Nó viết chi kiêu kỳ quá, vợ chồng ông không hiểu được thấu đáo. Ông bà nghĩ con nhỏ đọc riết ngộ sách. Nhưng lá thư vẫn là bằng chứng cho ông bà yên tâm. Họ biết đâu đó con gái họ còn sống.
Bà chủ quán mừng rỡ gặp lại người khách cũ. Anh ta vẫn lặng lẽ như hai năm trước, duy có vẻ buồn hơn, xơ xác hơn và dường như cũng khó tính hơn. Anh nốc một hơi bia, đặt ly xuống, đôi môi vẫn mím. Một lát anh nói thật khẽ với chiếc ly:
“Con Lan đã sạch nợ đời, bắt chi cái thằng Điệp đứng giựt dây chuông hoài bà chủ!”
Anh đề nghị bà tắt đi bản vọng cổ. Rồi anh lại uống, uống tiếp hoài, uống cho tới khi anh biến thành người khách cuối cùng.
Ông Hải Ký mấy lần sửa soạn đóng cửa, nhưng nể khách quen lâu ngày gặp lại, ông đành rót cho ông một ly, bày thêm mấy miếng khô cá thiều trước sự nóng lòng của bà vợ.
Ông nốc một hơi, khà một tiếng:
“Lâu quá chú em không tới chơi, dễ hai năm rồi à nha.”
“Tôi đi làm ăn xa, ông chủ.”
“Hên chớ?”
“Dạ là sao?”
“Thì may mắn, cái chi cũng có thêm vô.”
“Ồ, vậy tôi chỉ mất thêm ra, mất ráo trọi. Mà ông chủ...”
“Gì chú?”
“Hỏi thiệt ông chủ... người ta sống nổi không nếu người ta đã mất ráo trọi?”
Ông Hải Ký rờ rờ chiếc cằm có nhiều cọng râu bạc, mắt lim dim:
“À à... khó đa. Nhưng chắc nổi khi người ta chưa biết chắc đã mất ráo trọi.” Ông đột ngột nhìn khách, dò xét: “Mà chú hỏi chi vậy?”
Anh thanh niên chỉ cười ngặt nghẽo, làm thêm ngụm bia, khẽ hỏi:
“Tôi nghe nói anh con rể ông chủ chết rồi?”
Bà Hải Ký thở dài:
“Nó bị tai nạn xe.”
Anh nhìn cả hai vợ chồng, giọng bất ngờ khó hiểu:
“Hay giả là kẻ đã biết chắc giả mất ráo trọi?”
Ông Hải Ký bối rối; còn bà vợ thì không muốn dây vào câu chuyện bà thấy khó hiểu, thấy kỳ cục. Bà nhìn ra trời khuya, nói đại:
“Chú say rồi đó. Về ngủ đi!”
Người thanh niên giờ mới trợn đôi mắt lên. Bộ râu rậm máy động. Nhưng anh không nhìn ông bà chủ quán nữa mà nhìn lên con trăng chênh chếch trên toà cao ốc, lẩm bẩm lập lại:
“Hay giả đã biết chắc giả mất ráo trọi?”
Bà vợ nói với chồng thay vì với khách:
“Ngưng uống nghe ông. Tui đóng cửa ạ!”
Anh thanh niên không đợi bị đuổi. Như bao giờ, anh móc tờ mười đô dằn dưới chiếc ấm. Anh xốc lại áo. Nhưng hơi khác xưa, lần này anh ra trước quầy, đứng nhìn đăm nụ cười ẩn mật của cô gái trong ảnh lúc lâu, rồi mới lặng lẽ kéo cao cổ áo, lặng lẽ bước ra.
Cơn gió đêm thổi những cành liễu rào rào. Mấy lon bia không của đám vô gia cư lăn leng keng trên hè phố đêm. Ông bà chủ quán nhìn theo anh thanh niên lắc đầu ái ngại. Họ đều tính hỏi lẫn nhau “Hay chú ấy đã thương thầm con Cẩm Hồng?”
Khi đóng cửa, ông bà Hải Ký còn thấy anh đứng ngắm con trăng nơi góc đường vắng người.
Ông nói khẽ với bà:
“Ở đây riết điên hết. Chú ấy chắc điên. Mà khi nãy tôi nói vậy đúng hay sai bà?”
“Ông nói gì?”
“Người ta sống nổi khi chưa biết chắc đã mất ráo trọi.”
Bà vợ khó chịu:
“Nghĩa là sao?”
“Nghĩa là người ta sẽ chết khi đã biết chắc mình mất ráo trọi!”
Câu chuyện nãy giờ khiến bà Hải Ký vừa bực lại vừa rối trí, nhưng chắc là bà đã thấy mọi việc chẳng có gì quan trọng nếu như đúng lúc đó bà đừng bồn chồn nghĩ tới đứa con gái thân thương vắng nhà.
Alhambra 2-94