Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
587
123.366.067
 
Chó Tha Đi Rồi
Vũ Ngọc Anh

Tiếp theo Yếu Cương và Mặc Tưởng về triết học Ấn độ, triết lý Vedanta.

 

Ushas là cựu hoa hậu hoàng vũ đã từng là đại sứ Liên Hiệp Quốc cho trẻ em toàn cầu và là đương kim danh ca Ấn Độ, và cũng đã từng ra vào bệnh viện để thay van tim. Chẳng những trái tim cô tìm đến bệnh viện mà nó còn đến với thiền nữa. Thiền đã giúp cô an lạc và vui sống và sống có ích cho tha nhân. Trẻ em đối với cô chỉ là trẻ em: cô không nhìn ra đẳng cấp nơi chúng, cô không thể phân biệt được, dù cô cũng nhiều lần tìm ở một khía cạnh nào đó để phân tách nhưng cô vẫn không thấy. Cái mà cô tâm đầu ý hiệp với Thánh Gandhi như lúc mà Ngài còn đấu tranh với thực dân Anh: “chủ- đích của (chương trình tranh- đấu) là làm cho chế- độ đẳng-cấp và paria cùng những mê- tín dị-đoan khác phải tiêu tan”, và; “Chúng ta đều biết rằng hệ-thống đẳng-cấp đã trở nên lỗi thời. Nó cần phải được hủy bỏ nếu cả Ấn-độ-giáo lẫn quốc-gia Ấn-độ muốn tồn-tại và phát-triển”(1). Có chăng chỉ là giàu với nghèo. Giàu và nghèo chưa nói lên cái đẳng cấp. Kể cả màu da hay chủng tộc cô cũng không nhìn thấy cái bản tính đẳng cấp nơi nhân loại ấy dầu cho Thánh nhìn thấy “Tôi coi hệ-thống tứ đẳng-cấp và tứ giai-đoạn (âshrama) như một sự phân-công hợp-lý theo dòng giống”[sd.trên-tr.44-chú thích(13)].

 

Cô nhiền lần tuyên bố khẳng định cần phải xóa bỏ quan niệm đẳng cấp trong tư tưởng Ấn Độ, dù cho đó là ý nghĩ “gian lận” như thánh Gandhi khẳng định: “Nhưng nếu muốn chuyển từ đẳng-cấp này sang đẳng-cấp khác ở trong cùng một kiếp thì chỉ đưa tới kết quả tất-nhiên là một sự gian-lận lớn lao”[sd.trên-tr.44]. Chính cái nước đôi bất nhất mơ hồ của Thánh: “Tôi là tay cải cách triệt-để từ gót chân cho tới đỉnh đầu, nhưng nhiệt-tâm của tôi không khi nào xui dục tôi bài-bát một phần cốt- yếu nào của ấn-giáo cả.”(2) lại làm cho cô quyết tâm hơn, khẳng định và thống nhất hơn trong tư tưởng và việc làm của cô càng vững vàng thêm ra như kiền ba chân. Nhưng dù vậy, tuyệt nhiên cô vẫn kính trọng Ngài vì Ngài là Hội trưởng trong Liên-Ấn Bảo-Trợ Tẩn-lao Hội ( Hội bảo-trợ bò cái ở khắp Ấn-độ)-[sd.tr.III: Tựa]. Đó là giải đồng tâm của nàng với Ngài, đơn giản vì nàng cũng là giống cái.

 

Gandhi là Thánh là không ngoa. Quả lời ông ứng nghiệm nhản tiền ! Và Ushas đã phải nhận cái giá của sự “gian lận” đó.

 

Là thế này, hôm đó, sau khi cô đi tắm ở sông Hằng về; cô vào Ashram của Thánh để thiền định thì đột nhiên cơn đau tim bùng phát và cô được đưa ngay vào bệnh viện tim; may thay lại là bệnh viện mà cô thường lui tới – cô thường gọi là bệnh viện nhà – Lần này bác sĩ riêng của cô buộc phải quyết định thay tim cho cô vì van tim của cô được thay nhiều lần quá rồi không thể bổn cũ soạn lại được nữa. Sau cấp cứu, cô tĩnh lại và cô đồng ý ký vào biên bản thay tim – tim nhân tạo - Phẩu thuật thay tim tiến hành.

 

Bác sĩ chính của cas phẩu thuật này vừa hoàn tất thao tác cuối cùng là cắt rời quả tim khỏi động mạch chủ và đưa cho bác sĩ phụ và bác sĩ phụ chuyển cho cô y tá. Cô y tá đưa hai tay ra nhận và vừa xoay qua để bỏ vào khay thì cùi chỏ cô đụng phải tay của một bác sĩ khác làm cho quả tim rơi xuống đất. Nhanh nhơ chớp, không biết con chó đứng đó tự bao giờ, ngoạm ngay quả tim nóng hổi phóng ra cửa; cô y tá tri hô lên, đuổi theo nhưng con chó mất dạng. Bác sĩ trưởng cas mổ vừa cùng với các bác sĩ khác lắp ráp quả tim nhân tạo cho cô vừa hỏi nó đâu rồi, và được trả lời “chó tha đi rồi”. Sự cố gây xôn xao và làm cả bệnh viện hoản loạn. Nhưng rồi mọi việc cũng êm xui, và mừng nhất là sau 5 giờ cô hồi phục và tĩnh táo làm như thể chẳng có sự gì xảy ra.

 

Câu đầu tiên sau khi cô tĩnh: “Quả tim tôi đâu rồi?”. Bác sĩ điều dưỡng đang đứng bên giường trả lời: “Chó tha đi rồi!”. Cô hốt hoảng: “Vậy Atman(+) tôi đâu?”. Cô y tá đứng đó nói vào: “Chó tha đi rồi!”

Chó tha đi rồi” trở thành chuyện lớn ở Ấn Độ.

 

Các Ashram, các tu viện, các thiền viện, các viện đại học nhốn nháo lên.

Các gourou bắt đầu nao núng vì câu hỏi, mà hình như là câu hỏi đồng nhất “Atman(+) ở đâu?” cùng với câu trả lời cũng đồng nhất: “Chó tha đi rồi”.

 

Do sự truyền tụng của đệ tử Vedanta đoan quyết rằng ở chính giữ trái tim - cái khối huyết nhục ấy - có một bông sen nhỏ xíu biểu hiệu thần thánh của tư tưởng Ấn Độ. Cái bông sen của trái tim đó chính là chốn thẳm sâu nhất của nội tâm (akasa), chính là nơi ẩn cư của Atman: “ Chỗ sâu kín (guha) của trái tim, đó là vị trí của Buddhi và được coi như chính buddhi. Và ătman nằm sâu giữ trái tim cũng được coi là nằm sâu trong nội-trí (buddhi)”(3) đã mau chóng trở thành đề tài sống cho những cuộc tranh luận sống chết chẳng những ở Ấn Độ mà còn lây lan sang các viện đại học Âu châu, và không dừng lại ở bất cứ biên giới quốc gia nào, ngay cả ớ Việt Nam – mà nhất là ở Trung Hoa cũng ồn ào không kém – Do là, một sự ngẫu nhiên kỳ lạ, có người cho là kỳ thú không khác gì các pha kiếm hiệp kỳ tình ly kỳ đệ nhất thiên hạ. Ấy là ở Thượng Hải cũng vừa thay tim nhân tạo cho một minh tinh màng bạc nổi tiếng Triệu A’Vy, chỉ trịch sau Ushas một ngày. Mà ở đây e còn gay gắt hơn vì câu hỏi “lương tâm ở đâu? Suy nghĩ ở đâu?” vì câu trả lời cũng y hệt: “Ở trong tim”.[“Ngày xưa tưởng lầm rằng trái tim là chỗ nghĩ ngợi lo lắng, nên phàm cái gì thuộc về nghĩ ngợi lo lắng đều gọi là tâm”-Đào Duy Anh-Hán Việt giản yếu-xb.Minh Tâm-]

 

Ushas có một trái tim thật bao la khi cô trả lời cuộc phỏng vấn trước các nhà báo và các hãng thông tấn quốc tế về việc thay tim của cô.

Hỏi. - Cô cho biết, tim của cô đâu rồi?

Ushas. - Chó na đi rồi. Còn cái đang trong lồng ngực của tôi đây là “quả tim của tôi”

Hỏi. - Vậy Atman của cô có trong quả tim nhân tạo đó không?

Ushas. - Xin kể hầu quí vị một câu chuyện: Hồi nhỏ đứa bạn tôi bị đứt một ngón tay; cô ấy lo lắng lắm, bèn đi hỏi một vị gourou: “ thưa thầy, khi con làm đứt ngón tay thì Atman của con có bị đứt không hay nó thụt vào trong?” Vị gourou của chúng tôi bảo “ nó không đứt mà nó cũng chẳng thụt vào, nó “ngụ ở nơi sâu kín trong tâm, chốn an vị của Đấng Tối Cao”[Tiết 3-Katha Upanishad,I], tức nó nằm ở giữa con tim con đó.[Kinh Upanishad dạy rằng: “Khi thân xác hấp-hối và yếu dần, linh-hồn thu-thập hết năng-lực vào trong tim. Khi cái ngã ở nơi con mắt tắt đi thì người đó không còn nhận biết hình-thể gì nữa. Khi ấy tất cả mọi cảm giác, ý-nghĩ và ngôn-ngữ đều ngưng tắt và trở nên một. Khi ấy điểm sáng trong tâm lóe lên và linh-hồn ra đi mang theo cả vốn liếng tri-thức cùng công-đức và tội-lỗi”](4). Bao giờ tim con ngừng hoạt động, ấy là lúc nó ra đi để nhập vào đại ngã Brahman, và con chính là Brahman.”

- Đố quí vị, giờ thì Atman tôi ở đâu?

 

Một nhà báo trả lời:- Nó đang ở trong bụng con chó.

Ushas. – Nó đang ở trong đầu ông đó.

Hỏi. – Xin cô nói rõ hơn.

Ushas. – Khi mà con người chưa đi sâu được vào vật thể thì họ lấy cái kinh nhiệm thường nghiệm làm dữ kiện cho suy luận của họ. Khả năng suy lý là khả năng bẩm sinh của con người: diễn dịch và tổng hợp là hai khả năng của luận lý ấy. Câu chuyện “mặt trời quay quanh quả đất” là một ví dụ. Những suy nghĩ ấy, những kết luận ấy là đương nhiên, và đương nhiên đúng. Đúng cho đương thời. Đúng cho não trạng của thời đại. Thời đại này bạn cũng khó bác bỏ được sự hiện hữu của thượng đế mặc dù người tin cũng như bạn đều không chứng minh được. Trí não con người vươn xa lắm, chỉ khi cá nhân nào vượt thời đại thì mới có thể khám phá ra cái lỗi thời của quan niệm cũ. Dẫu là quan niệm cũ ấy ngay chính đương thời cũng đã lỗi thời rồi mà gặp phải cái đầu cũng cũ rích nữa thì cái lỗi thời cũng mới toanh. Nói như Héraclite: “Thần thánh mà chiến đấu với cái ngu thì thần thánh cũng phải thua nữa là!”. Giordano Bruno, người tiếp nối công trình của Copernic, bị Tòa Án Tôn Giáo thiêu trên giàn hỏa tháng hai năm 1600 là bằng chứng, chỉ vì thành thật ngây thơ đến dại dột đi công bố “quả đất quay quanh mặt trời” “mà còn đi xa hơn nữa với ý kiến là có thể những thế giới khác cũng có người ở với những sinh vật văn minh bằng hay cao hơn chúng ta”(5).Cả John Calvin, người sáng lập một hệ phái Tin Lành (Calvinisme) cũng “hùng hồn buộc tội Copernic, nhắc lại bài thánh ca: “ quả đất đã được đặt định, nó không thể di chuyển đi được” và ông đã giận dữ hỏi: “ Ai dám cả gan đặt uy quyền của Copernic trên Chúa Thánh Thần?”(6). Bruno thiếu khôn ngoan như Galilée “ phải quì gối tuyên thệ từ bỏ mọi tin tưởng vào các thuyết của Copernic ”(7) nên Galilée thoát chết nhờ: một sự nhịn, chín sự lợi.

 

Hỏi. – Có khi nào cô bắt đầu nhiều chuyện rồi không đó?

Ushas. – Vâng, phải vậy thôi. Chúng ta đang đi vào câu chuyện dài. Dài dằng dặc nữa là khác. Câu chuyện buồn.

Hỏi. – Chuyện thay tim làm cô buồn?

Ushas. – Tôi vừa được y khoa cứu. Tôi cám ơn nhân loại, tôi cám ơn sự nổ lực của con người mang lại bao điều tốt đẹp…vải vóc - từ xe đạp đến xe hơi đến máy bay tàu thủy xe lửa – điện - radio-tv-computer, âm nhạc -hội họa -điêu khắc -thơ văn…toán học -khoa học…kỹ thuật kiến trúc -công kỹ nghệ, và mọi thành quả khó nhọc khác từ công lao của bao người, bao đời cho nhân loại chúng ta hôm nay ân hưởng…làm cho con người cần nhau và tin nhau hơn, quả đất đẹp thêm ra. Xin thưa với quí vị: tôi đang vui và quá hạnh phúc vì được sinh ra trong thời đại này. Cho tôi xin nói lời cám ơn Ba-Mẹ tôi đã cho tôi sự sống. Xin cảm ơn nhân loại nâng đở, bảo bọc sự sống của tôi.

 

Hỏi. – Còn chuyện buồn?

Ushas. – Buồn là buồn vì nhân loại bị các tay phù thủy hướng dẫn– như ngôn từ Đức Phật- và “Đứa mù dẫn đường” mà Đức Jésus nói [Mat.23:16]

 

Hỏi. – Khi nào cô hết buồn?

Ushas. - Bao giờ nhân loại còn buồn thì tôi còn buồn.

 

Hỏi. – Cô chờ đến tận thế à?

Ushas. – Năm 2000 đã tận thế rồi sao cứ đòi tận thế mãi vậy?

 

Hỏi. – Chuyện Y2K qua rồi, cô nhắc lại làm gì?

Ushas. – “Ôn cố, tri tân.”

 

Hỏi. – Liệu có ích gì?

Ushas. – Chỉ để mong ai đó thà làm thinh còn hơn nói bậy, đừng manh nha thêm nữa.

Chỉ xin họ “biết thì thưa thì thốt, không biết thi dựa cột mà nghe”, như Đức Khổng từng dạy: “ Biết thì nói rằng biết, không biết thì nói rằng không biết; ấy mới thật là biết.”, mà W. Shakespeare thì: “Không có di sản nào quí giá bằng lòng trung thực.”

Mong họ học được chữ “THÀNH” của Ngài Khổng ấy cho nhân loại thừa đau khổ được nhờ như nhân loại đang hưởng bao nhiêu công lao của những người ít nói mà âm thầm cống hiến cả trí lực lẫn tâm lực cho văn minh con người.

 

Hỏi. – Cô tưởng văn minh đem lại hạnh phúc cho con người ?

Ushas. – Thời đồ đá có cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Thời đồ đồng có cả đau khổ lẫn hạnh phúc. Thời nguyên tử cũng có cả khổ đau và hạnh phúc. Thời @ cũng thế thôi, có khác chi ? Tiếc cho người không biết sử dụng con dao chứ người thợ rèn có lỗi gì; sao không biết ghi công họ vào danh sách “ân nhân của nhân loại?” Họ rèn ra lưỡi cày, sao lấy lưỡi cày của họ rèn ra gươm giáo?

 

Hỏi. – Giờ cô thấy trong người cô thế nào?

Ushas. – Giờ thì y học đã minh chứng cả “cái Atman” lẫn “cái Tâm” không hiện diện trong quả tim tôi rồi chứ ?

Vì Atman không an cư lạc nghiệp trong tim tôi nên tôi mới còn “cái tâm” để bộc bạch cùng quí vị đây.

Vậy thì giờ chúng ta biết rõ: uy quyền của Copernic đã được đặt trên Chúa Thánh Thần rồi, phải không ? Và Copernic có chiến thắng là chỉ “chiến thắng sự ngu dốt và lòng câu chấp”(8) thôi.

 

Chủ nhiệm buổi phỏng vấn. – Xin cô một lời sau cùng.

Ushas.– Cho tôi xin mượn một ngạn ngôn của người Pháp:

-“Tant d’hommes ne seraient pas insolents si tant d’autres n’étaient pas si lâches

[=Nếu không có nhiều người khiếp nhược thì cũng không có nhiều người ngạo mạn thế.]

 

 

Chú thích:

 

(1) dẫn lại Lê Xuân Khoa-[“Triết học nhập môn Ấn Độ”-tr.49(chú thích 24 và 25)-TT.Học-Liệu Bộ Giáo-Dục xb.1972-]

(2) [“Đại tư-tưởng của Thánh Gandhi-”tr.80 trong “Tựa tr.II và III-“Thơ gởi về Ashram”-Gandhi-Nguyễn-Văn-Nhuận dịch-xb.Nguyễn-Văn-Huấn-Saigon-1949]

(3) Hoàng-Sỹ-Quý [“Triết sử Ấn Độ II”.Vedanta-tr.46 – Hưng-Đông Văn-Giáo xb.1974]

(4) Lê Xuân Khoa- sd.-Upanishad “Về vấn đề giải thoát” tr.138.

(5) “Những tác phẩm biến đổi thế giới”-tr.273- Hoài Châu và Từ Huệ dịch- Văn Đàn xb-1970-]

(6) [sd.trên (5)-tr.272]

(7) [sd.trên (5)-tr.273]

(8) [sd.trên (5)-tr.277]

 (+) Hình ảnh mà Vedanta gợi ý cho chúng ta có thể ý niệm được mối liên hệ giữa Đấng Sáng Tạo [Brahman] và Tạo Sinh [Atman] là Biển CảGiọt Nước Biển. Từng giọt nước biển là từng hiện sinh, là từng tạo vật, là một phần của biển cả; tức Atman là bản thể/tính thể của mỗi tạo sinh, được triết hóa thành công thức: “Brahman = Atman” hoặc   được phát biểu thành Thánh ngôn: “Om Tat Tat = Tôi là Đấng Ấy.” hay như Vedanta nói: “Tat Tvam Asi” = Ngươi là Đấng Ấy.

-Và cụ thể hơn, nói như Vivekananda: “Khi bạn cho con chó một miếng ăn, thì bạn sùng bái con chó như Thượng đế vậy, Thượng đế ở trong con chó đó, Thượng đế là con chó đó. Ngài là tất cả và ở trong tất cả.” [Vivekananda-“Tôn Giáo Là Gì,” tr.226; Vương Gia Hớn; An Tiêm; 1970]

 

Vũ Ngọc Anh
Số lần đọc: 2048
Ngày đăng: 14.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn Tay Ấy Vẫn Thanh Xuân - Nhật Chiêu
Jesse-3 - Nguyễn Hồng Nhung
Đặng Thân: điển hình của văn học hậu-Đổi Mới /Ghi sau khi đọc Đặng Thân - Nhiều Tác Giả
Ai Giàu Hơn Ai? - Hà Thúc Sinh
Những góc nhìn luễnh loãng Đông & Tây khi đọc Đỗ Minh Tuấn bên Nabokov & Trang Tử & Muhammad & v.v... - Đặng Thân
Nguyên Sa – Trong Màu Áo Tương Tư - Trần Ngọc Tuấn
Những Lần Đến Thăm - Lê Văn Thiện
Viết Cho Võ Phi Hùng, Viết Cho Ngọn Đèn Dầu Đã Tắt - Bùi Chí Vinh
Có Một Lời Cầu Hôn Trước Tượng Chúa - Lữ Quỳnh
Tấm Lòng Của Người Lính Miền Nam Cầm Bút, Đối Với Văn Học Miền Nam - Trần Phù Thế
Cùng một tác giả
Đặng Phùng Quân (truyện ngắn)
Cánh hoa vô ưu (tạp văn)
Đánh giặc (đối thoại)
Ta đi tìm Mình (tạp văn)
Thư mở...cho mầy (đối thoại)
Trái Cấm (tiểu luận)
“ Ừ ” (đối thoại)
Ngôn Pháp (nghệ thuật)
TomTom (tạp văn)
Chạy Mất Dép (tạp văn)
Thú tủi nhục (tạp văn)
Hóa văn (tạp văn)
Trái Cấm (tạp văn)
Vô ngôn sư (tiểu luận)
VÀNG và LỬA (tiểu luận)
Chuyện con tim (truyện ngắn)