Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.152.477
 
Ông thầy quái đản của tôi
Vũ Anh Tuấn

Trong đời chúng ta, mọi người không ít thì nhiều đều có một vài ông thầy. Trong số các ông thầy của tôi, kể cả những ông thầy ngoài đời và những ông thuộc các dòng tu, vì tôi vốn là học sinh của trường Thầy Dòng (thường được gọi là các Sư Huynh các trường Công giáo), có một ông mà tôi nghĩ rằng tôi không bao giờ quên được, và ông này cũng chính là ông thầy mà tôi thường gọi một cách yêu thương và kính phục là “Ông thầy quái đản”.

 

Đọc trong hàng ngàn bài báo nói về các ông thầy từ xưa đến nay, mọi người viết đã “ca” các thầy bằng muôn vàn điệu khác nhau, hôm nay xin cho phép tôi được ca ông thầy của tôi theo những cảm nghĩ và âm điệu của riêng tôi.

 

Chữ “quái đản” mà tôi dùng để gọi thầy một cách đầy yêu thương và kính phục không có nghĩa là kỳ dị, ma quái mà chỉ có nghĩa thông thường thân mật là “phi thường” là “khó tin” mà thôi.

 

Xin được kể dưới đây để mọi người cùng thưởng lãm một vài chi tiết đã khiến tôi âu yếm gọi thầy là “quái đản sư”. Thầy được người đời đặt cho một cái tên là thầy Tuân Sách (sở dĩ người đời gọi thế vì thầy là một thứ mọt sách thứ thiệt, đọc rất nhiều và cũng nhớ khá nhiều).

 

Thầy tôi vui vẻ chấp nhận danh xưng đó và tự giới thiệu tên Tuân Sách của mình như sau: “Thời Chiến Quốc, ở nước Triệu có thầy Tuân Tử, thấy đời loạn ly, hỗn loạn, hoang tàn bèn ra công viết sách răn người; thời Tân Xuân Thu, đệ nhị thiên niên kỷ (thầy nói thế kỷ 20 vừa qua), tại Việt Quốc Nam phương có thầy Tuân Sách thấy đời lộn lạo nhiễu nhương bèn ra công viết sách để…RĂN MÌNH”. Quả là một lời tự giới thiệu khá ấn tượng.

 

Năm nay thầy tôi đả ở tuổi cổ lai hy nhưng ông tuyệt đối không cho là mình đã là một ông cụ, thầy cấm con cháu không được dùng tiếng “cụ” với mình và khẩn khoản yêu cầu bạn bè và người đời đừng dùng từ đó với mình. Thầy chỉ nhận là mình chỉ mới 24 tuổi lần thứ ba và đang ở tuổi trẻ cũng lần thứ ba. Tóm lại, thầy định nghĩa là mỗi tuổi trẻ là một phần tư thế kỷ…

 

Thầy luôn sống lạc quan vui vẻ, ngay cả những khi gặp phải những tai biến, những nỗi khổ đau, vì triết lý tầm thường bình dân của thầy là “Cái gì đã xảy ra rồi và không thay đổi, sửa chữa được nữa thì nên quên phắt” và “Ông Trời cho mình nhiều đôi lúc Ông cũng lấy lại một chút, hà cớ chi phải buồn”. Thầy có một tinh thần ái quốc hơi bị cực đoan vì thấy ghét mọi hành vi, tư tưởng vọng ngoại, nhất là về phương diện ngôn ngữ (nếu học lâu và sử dụng trong nhiều thập niên thì nhất định là giỏi tự vựng hơn một người bản xứ là cái chắc) và sử dụng chúng để tiếp xúc với văn minh, văn hoá của nhân loại, do đó chỉ nên coi ngoại ngữ là những phương tiện, dụng cụ, không hơn không kém, chứ không thể quá đề cao chúng để coi thường tiếng mẹ đẻ, tiếng của cha ông mình. Thầy thường xuyên lý luận rằng có ai trong chúng ta mà mới chào đời khóc “hello” và ngày ra đi cũng chẳng có ai lại được các người thân yêu khóc “bye bye” bằng tiếng Anh Cát Lỵ… Hồi còn đi dạy học, thầy có một học sinh rất e ngại phát âm tiếng Anh, tiếng Pháp vì sợ phát âm sai; thầy có một phương pháp cực kỳ đơn giản hoá giải ngay được mặc cảm đó của các học sinh. Thầy nói với họ: “Nếu sợ phát âm Anh hay Pháp ngữ sai, các bạn hãy tự đặt mình vào địa vị của một người Anh hay người Pháp, và sẽ thấy rằng khi phát âm tiếng Việt của mình họ nói ngọng líu ngọng ló như thế nào? Do đó chẳng có lý do nào để e ngại vì mình phát âm tiếng ngoại quốc HAY hơn ngoại quốc phát âm tiếng Việt của mình nhiều.

 

Một điều nữa tôi thích ở thầy là thầy không hề có thái độ xu nịnh, phù thịnh hay điều đóm đối với một số người nào đó có tiền tài, danh vọng, quyền thế. Ngược lại thầy luôn áp dụng nguyên tắc coi mọi người là bình đẳng, và thầy thường qua niệm rằng mỗi khi trong cuộc đời mình may mắn gặp được một người tốt, thì là mình đã gặp thánh, gặp thần rồi đó. Thấy tôi kỵ những kẻ hay đi khoe với người khác là mình có quan hệ với ông X. ông Y. ông K. là những người có danh, có thế ở đời. Mỗi khi đụng những người hay khoe như vậy thầy thường áp dụng một lời khoe mà tôi vô cùng yêu thích và khâm phục; với những người đó, thầy để cho họ “ca” hết một cách thoải mái rồi mới trả lời họ rằng: “Ông quen những người ghê gớm, nổi tiếng, nổi tăm, vậy ông tưởng tôi không quen những người tương tự à? Ông quen thân với ông X. ông Y. thì đã ăn thua gì, tôi à, tôi quen thân với Á-Lịch-Sơn Đại-Đế tức Á-Lịch-Sơn Đệ Tam, người sáng lập ra đế quốc Ba Tư cổ, rồi lại còn quen với Cléopâtre, người mà nếu cái mũi ngắn hơn một chút, cục diện thế giới vào lúc đó có thể khác đi…”

 

Thầy tôi là người bị sao Đào hoa chiếu mạng nên thầy có khá nhiều “Mẫu hậu” và được họ đặt cho thầy khá nhiều danh vị, trong đó có một danh vị thầy rất thích mà tôi cũng thấy khoái đó là “Hiệp sĩ bàn Tam Giác” mà các mẫu hậu của thầy diễn tiếng Anh là “Knight of the Triangular Table” và tiếng Phansa là “Chevalier de la Table Triangulaire” vì họ cho rằng nếu ngày xưa vua Arthur có Hiệp sĩ Bàn Tròn của mình thì sao bây giờ họ lại không có “Hiệp sĩ bàn Tam Giác” của họ? Có ai cấm đâu?

 

Thầy tôi sau những năm tháng dạy học đã âm thầm làm việc, thầy chuyên dịch một số các tác phẩm mà những nhà nghiên cứu người Pháp nghiên cứu về phong tục, tập quán, nguồn gốc của dân ta, những điều mà theo thầy ngày nay đã rơi vào quên lãng và không còn có công dụng khi để ở dạng viết bằng tiếng Pháp vì số người sử dụng Pháp văn ngày nay rất hiếm, còn các lâng bang của chúng ta trong khối ASEAN thì chỉ dùng tiếng Anh. Cho nên thầy âm thầm làm và coi những việc đó như những đóng góp gián tiếp cho đất nước mà thầy yêu thương và nhất quyết gửi lại thân xác khi đi sang thế giới bên kia, cho dù thầy có cả chục con cháu mang Mỹ tịch, thường xuyên ước mong thầy qua với họ.

 

Thầy hay viết những bài báo nho nhỏ điều chỉnh lại những sai lầm thầy bắt gặp trong các sách vở trong lúc đọc, nhưng thầy làm rất thận trọng và luôn luôn nói “có sách”, mách “có chứng” nên tôi thấy đó là những việc tốt.

 

Mới đây tôi lại nghe thấy có người gọi thầy là thầy Ba Hi, tôi bèn chạy lại hỏi thầy: “Chà! Ghê thật, thế hoá ra thầy cũng có một tên trong thời chiến tranh chống xâm lược mà thầy dấu con kỹ thế?”. Thầy cười nhe chiếc răng khểnh hiền lành và giải thích cho tôi biết xuất xứ của tên BA HI. Thầy nói: “Con thừa biết là thầy chẳng bao giờ dám nhận vơ một thứ gì, tên đó đơn giản có nghĩa như thế này: Thầy năm nay đã ở tuổi cổ lai hi và trong cụm từ cổ lai hi đó có 1 chữ hi (nói theo kiểu cái nhà anh Long gì đó) mà thầy đã cổ lai hi rồi lại vẫn cứ cười hi, hi cho nên được gọi là Ba Hi chứ có gì là lạ đâu?”…

 

Thầy thường bị một số người cho là nói năng hơi ác khẩu, tuy nhiên là người sống gần thầy, tôi hiểu rất rõ là thầy khẩu dù có xà đến đâu đi nữa thì tâm vẫn khá Phật, vì tôi chưa hề thấy thầy làm gì hại ai hoặc tìm cách hại ai. Thầy thường tâm sự với tôi: “Khẩu xà thì đôi khi Phật tha chứ tâm xà thì Phật chẳng bao giờ tha” và “điều chính yếu là đừng bao giờ làm gì thật sự hại cho ai, ngược lại chỉ nên làm hết sức mình để giúp đỡ những con người chân chính lâm vào hoàn cảnh khó khăn, làm được như vậy thì trong đời, nếu gặp tai biến gì thì cũng chỉ NHẸ thôi và dễ qua khỏi, chứ còn thực tâm muốn hại người, gặp chuyện gì thì chỉ có ĐI ĐỨT!”

 

Nhiều năm đã trôi đi và tình cảm của chúng tôi vẫn không thăng không giảm, và tôi cho rằng đó cũng lại là một điều tốt nữa, và tôi xin ngừng bút ở đây.

 

10.9.06

Vũ Anh Tuấn
Số lần đọc: 1783
Ngày đăng: 16.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê Thiêng, Một bài thơ hay, vì giản dị - Nguyễn Đông Nhật
Chó Tha Đi Rồi - Vũ Ngọc Anh
Bàn Tay Ấy Vẫn Thanh Xuân - Nhật Chiêu
Jesse-3 - Nguyễn Hồng Nhung
Đặng Thân: điển hình của văn học hậu-Đổi Mới /Ghi sau khi đọc Đặng Thân - Nhiều Tác Giả
Ai Giàu Hơn Ai? - Hà Thúc Sinh
Những góc nhìn luễnh loãng Đông & Tây khi đọc Đỗ Minh Tuấn bên Nabokov & Trang Tử & Muhammad & v.v... - Đặng Thân
Nguyên Sa – Trong Màu Áo Tương Tư - Trần Ngọc Tuấn
Những Lần Đến Thăm - Lê Văn Thiện
Viết Cho Võ Phi Hùng, Viết Cho Ngọn Đèn Dầu Đã Tắt - Bùi Chí Vinh