Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
636
123.366.145
 
Nhận Diện Bọn Sát Nhân Và Những Kẻ Giấu Mặt 1
Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền

Lời nói đầu:

 

Đầu tuần qua, tại Tòa án xử tội diệt chủng của các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, Nuon Chea, nhân vật số 2 của chế độ Polpot đã đổ trách nhiệm cho Đảng Cộng sản Việt Nam là thủ phạm của chính sách diệt chủng người Khmer.

 

Thông tin trên mạng ngày 9/12/2011 của Đài Phát Thanh ABC Australia trích dẫn phát biểu của Nuon Chea như sau:”Mọi việc đều do Việt Nam kiểm soát, với tổng hành dinh từ Hà Nội. Vì thế những tội ác như, tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và diệt chủng là do người Việt giết người Khmer.”

 

Còn theo báo mạng Phnom Penh Post ngày 7/12/2011 viết rằng: ”Trong ngày hỏi cung thứ hai, Người Anh Hai vẫn giữ nguyên lập trường của ông ta, tức là, không phải Khmer Đỏ mà chính Việt Nam, một quốc gia đã nuốt chửng Cam Bốt và có ý định diệt chủng người Khmer”.

 

Vậy sự thật lịch sử như thế nào?

 

Chúng tôi xin giới thiệu một phần nội dung của Luận văn tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học, Trường Đại học Mở TP.HCM liên quan đến tội án diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ.

 

Người thực hiện: Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền (Khóa 1995-1999)

Người hướng dẫn: Đinh Kim Phúc

 

 

1. NHỮNG KẺ CẦM ĐẦU KHMER ĐỎ – CHÚNG LÀ AI?

 

Pol Pot có tên thật là Saloth Sar, dân tộc Khmer, sinh năm 1925 tại làng Prek Scov, tỉnh Kompong Thom, gia đình thuộc tầng lớp trung nông, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Campuchia, nguyên Thủ tướng Chính phủ Campuchia dân chủ (vợ là Khieu Ponnari).

Lúc sáu tuổi, Saloth Sar được một người chị họ (con của bác) tên Khun Meak vốn là một cung nữ và là ngôi sao trong đội múa hoàng cung của vua Monivong đem vào cung chăm sóc và nuôi dưỡng. Về sau, chính bà đã vận động xin học bổng cho Saloth Sar sang Pháp du học.

Theo học tại một trường Trung học tư ở Paris và tham gia đấu tranh chính trị bí mật, hắn đã lấy bí danh Pol Pot vào khoảng giữa những năm 1950 sau khi từ Pháp trở về Campuchia.

Ieng Sary, dân tộc Khmer, sinh năm 1925 tại ấp Hòa Lạc, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh (Việt Nam), nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng sản Campuchia, nguyên Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Campuchia dân chủ (vợ là Khieu Thirith)(1).

 

Khieu Samphan, dân tộc Khmer, sinh ngày 27-7-1931 tại tỉnh Svai Rieng, là con của một hiệu trưởng trường tiểu học. Năm 1954, hắn được cử đi học ngành thương nghiệp tại Pháp. Hắn tham gia hoạt động chính trị, làm Thư ký Hội Sinh viên Khmer ở Pháp, hoàn thành văn bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Pháp.

 

Khmer đỏ chưa bao giờ là một tổ chức đồng nhất. Thực ra, từ “Khmer đỏ” là do Sihanuok đặt ra để chỉ cánh đối lập cực tả ở Campuchia. Như vậy, “Khmer đỏ” là một nhãn hiệu do người ngoài cuộc đặt tên cho phong trào. Ban đầu, nhãn hiệu này được dùng để chỉ những đảng viên kỳ cựu người Khmer của Đảng Cộng sản Đông Dương, và về sau để chỉ những sinh viên được gọi là “nhóm Paris”, cùng như những người đi theo cả hai nhóm.

 

Song ngày nay, tất cả mọi người đều dùng từ Khmer đỏ để chỉ bọn Pol Pot – Ieng Sary – Khieu Samphan, những tên cầm đầu của Chính phủ “Campuchia dân chủ” từ  năm 1975 đến 1979 ở đất nước Campuchia, những kẻ đã gây nên thảm họa diệt chủng chống lại dân tộc mình, và tàn sát các dân tộc láng giềng. Bọn chúng đã thực hiện tội ác kinh tởm chống lại loài người, làm kinh hoàng nhân dân trên thế giới.

 

Bối cảnh Campuchia từ những năm 1950 do những viễn cảnh và kinh nghiệm khác nhau giữa những người kỳ cựu và “nhóm Paris” đã dẫn đến những bất đồng liên tục và cơ bản về mục tiêu, sách lược của phong trào. Chính ngay trong nội bộ “nhóm Paris” tình hình cũng như vậy, nhưng bất đồng ít hơn và hầu hết là về sách lược. Cuộc đấu tranh càng phát triển, thì phe Pol Pot trong “nhóm Paris” càng đối phó với những bất đồng bằng cách thật đơn giản là sát hại những người chống lại chúng về lý luận cũng như về tổ chức.

 

Trong những năm cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được tiến hành mạnh mẽ nhất, hầu hết những người lãnh đạo sau này của Khmer đỏ vẫn còn là sinh viên ở Paris. Người đến Paris đầu tiên, năm 1946 là Keng Vansak(2), con của một viên quan lại làm việc cho thực dân Pháp, sau này trở thành người dìu dắt Pol Pot và Ieng Sary. Keng Vansak theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Saint Cloud nổi tiếng ở ngoại ô Paris, sau đó làm chuyên gia về tiếng Khmer cho Viện nghiên cứu về Châu Phi và phương Đông ở Luân Đôn. Trở lại Paris, Keng Vansak trở thành một trong ba người thuộc “Ủy ban chính trị” – nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Marx gồm các sinh viên lần lượt đến từ Campuchia vào năm 1949. Trong số họ có Hou Youn, Ieng Sary, Saloth Sar… nhưng tham gia “Ủy ban chính trị” với Keng Vansak là Ieng Sary và Saloth Sar.

 

Nhiều người trong số sinh viên này, lúc đầu là những người yêu nước lý tưởng chủ nghĩa, nguyện cống hiến tài năng và tìm cách tiếp cận các lý thuyết cách mạng hiện đại để cải tạo xã hội Campuchia, nhằm phục vụ lợi ích cho những người nghèo khổ, nhất là nông dân. Trong quá trình học lấy bằng cử nhân và tiến sĩ, một số sinh viên cánh tả – nhất là Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn – đã có những công trình nghiên cứu sâu sắc đầu tiên về hệ thống kinh tế – xã hội Campuchia và những triển vọng đổi thay. Những lời khẳng định trích trong luận án của Hou Youn đã báo hiệu trước chính sách của họ sau này:

 

“ … Những cái mà chúng ta quen gọi là “thành phố” hoặc “thị trấn” là những máy bơm hút kiệt sức sống của nông thôn… Vùng nông thôn rộng lớn nuôi sống các thành phố và thị trấn. Các thành phố, các thị trấn với bề ngoài tươi mát và hiện đại, sống trên mồ hôi, nước mắt của nông thôn, cưỡi trên lưng nông thôn…

… Những người lao động trên ruộng đất, với những bàn tay xương xẩu… chỉ nhận được 26%… trong khi những người khác, trong bóng mát, không dùng đến cái gì khác ngoài đồng tiền, nhận được có khi tới 74%… Nông thôn nghèo nàn, da bọc xương và khốn khổ, bởi vì hệ thống thương mại áp bức nó. Cây mọc ở nông thôn, nhưng quả lại đi ra thành phố…

… Dân “đại bợm thành phố” là kẻ thù tự nhiên của chúng tôi…”(3).

 

Các luận án tiến sĩ do Hou Youn và Khieu Samphan viết tại trường Đại học Sorbonne ở Paris đều nói nhiều đến sự bóc lột trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nông dân Campuchia. Những lập luận về một sự phát triển kinh tế tự trị, thậm chí tự cấp, tự túc. Người ta có thể thấy mầm mống của những quan điểm đã khiến Khmer đỏ tự cô lập hầu như hoàn toàn với thế giới bên ngoài (trừ Trung Quốc) sau khi chúng nắm được chính quyền.

 

Năm 1953, trong số những người đầu tiên từ Paris trở về Campuchia có Pol Pot. Sau khi tìm cách chui vào Đảng Dân chủ Campuchia(4) không thành, một thời gian sau Pol Pot bỏ vào rừng. Khi đó, trong tỉnh Kompong Cham có cơ quan lãnh đạo của Đảng Pracheachon (Nhân dân cách mạng). Đến Kompong Cham, Pol Pot và vài sinh viên khác vừa về nước tiết lộ rằng họ đã từng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nay muốn gia nhập Đảng Cộng sản của người Khmer (5), và Pol Pot được phân công vào Ban Dân vận.

Nhiệm vụ trước mắt của Pol Pot là nghiên cứu cặn kẽ tình hình nông thôn để phân định rõ các hình thức bóc lột khác nhau; tình hình tư tưởng nông dân; và quan hệ giữa nông dân và công nhân, nhằm đề ra một đường lối đúng đắn trong cương lĩnh tương lai của Đảng. Pol Pot không đóng vai trò gì quan trọng trong cuộc kháng chiến, ngay sau khi hoàn thành việc nghiên cứu, Pol Pot được cử đi học tại một trường dành cho cán bộ Đảng. “Là một người trẻ tuổi, năng lực trung bình, nhưng có khát vọng rõ rệt về quyền lực và những phương kế ngang tắt để leo lên tột đỉnh… Về sau, y rõ ràng lấy làm khó chịu vì không có trong danh sách những người được cử vào Ban chấp hành Trung ương”(6).

 

Sau hiệp định Génève 1954, là một trong những đảng viên được phân công ở lại Campuchia để tiếp tục công tác bí mật (không phải tập kết ra miền Bắc Việt Nam), Pol Pot được phân công đến vùng Phnom Penh với cương vị là thành ủy viên của Đảng Pracheachon để tổ chức cho sinh viên hoạt động cách mạng. Pol Pot đã dùng cương vị này để tập hợp một số sinh viên làm nòng cốt cho việc xây dựng phe cánh của mình trong đảng.

 

Có thêm những người thuộc “nhóm Paris” trở về Campuchia, họ tuyên truyền cho việc thành lập một đảng không có mọi quan hệ với những đảng bộ Khmer và những đảng viên Khmer kỳ cựu trong Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây. “Nhóm Paris”  khinh thường các đảng viên Khmer kỳ cựu, coi họ là những “lão nhà quê” ít kiến thức lý luận. Những người kỳ cựu lại cho rằng “nhóm Paris” hoàn toàn chẳng biết gì về tình hình trong nước và chỉ được trang bị bằng những câu trích dẫn đúng chỗ của Marx và Lénine. Ngay từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhóm này, đã nảy sinh chia rẽ. Một trong những bất đồng đầu tiên và quan trọng là việc những người kỳ cựu cho rằng đế quốc Mỹ là nguy cơ lớn nhất, trong khi “nhóm Paris” lập luận rằng đó chính là Sihanouk.

 

Trong khi Pol Pot và Ieng Sary tăng cường số người theo chúng trong bộ phận bí mật của Đảng Pracheachon, thì Khieu Samphan, Hou Youn và Hu Nim hoàn thành việc học tập ở Paris, trở về Phnom Penh dạy học và làm việc với chính phủ. Ngay khi trở về, Khieu Samphan và Hou Youn được bổ dụng vào Khoa Kinh tế và Khoa Luật của Trường Đại học Phnom Penh.

 

Từ năm 1958 đến 1963, Khieu Samphan (tiến sĩ kinh tế), Hou Youn và Hu Nim (cả hai là tiến sĩ luật) đều phục vụ trong chính phủ của Sihanouk. Hou Youn làm việc lần lượt tại Bộ Thương nghiệp và Công nghiệp, Cục Ngân sách, Bộ Kế hoạch, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, và sau cùng trở về Bộ Kế hoạch(7). Khieu Samphan làm Quốc vụ khanh về thương nghiệp từ 1962 đến 1963. Còn Hu Nim trên cương vị đứng đầu một số vụ và bộ khác nhau(8).

 

Đảng Pracheachon đổi tên thành Đảng Cộng sản Campuchia vào năm 1960, nhưng giữ bí mật không công bố. Ở Phnom Penh, Pol Pot leo lên cương vị lãnh đạo trong đảng, khi Tusamust bí thư bộ phận bí mật, đột ngột mất tích ngày 20-7-1962(9). Lợi dụng cơ hội này, Pol Pot cùng phe cánh triệu tập một “đại hội bất thường”, qua đó Pol Pot “được bầu” làm Bí thư Đảng, Ieng Sary nắm chức Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng.

 

Năm 1963, các cuộc biểu tình của sinh viên do phe Pol Pot – Ieng Sary kích động rầm rộ diễn ra. Sihanouk phản ứng quá mức và thanh trừng khỏi chính quyền các phần tử cánh tả thân “Đảng Pracheachon”. Vì vậy Khieu Samphan bị cách chức Quốc vụ khanh. Pol Pot, Ieng Sary cùng một số trí thức khác bỏ vào rừng.

 

Pol Pot sử dụng cương vị Bí thư Đảng hoạt động bí mật để đẩy mạnh chiến dịch đấu tranh vũ trang chống Sihanouk (trong khi phái cực hữu Lon Nol trong chính phủ và CIA cũng ra sức chống Sihanouk). Đường lối này tiếp tục gây nên sự chống đối đáng kể trong nội bộ đảng.

“Nhãn quan dân tộc chủ nghĩa của Pol Pot cũng là một nhãn quan truyền thống, có thể so sánh với nhãn quan Lon Nol. Lon Nol nói toạc ra hy vọng “thống nhất” những người Khmer ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam; người Chàm ở Campuchia và Việt Nam; người Thượng ở Campuchia và miền Nam Việt Nam, và cả người Mon ở Thái Lan và Miến Điện.

 

Cả Pol Pot và Lon Nol đều muốn khôi phục đế chế Angkor cổ đại, nhưng trong đế chế của Pol Pot, chỉ những người Khmer “trong sạch” về chủng tộc và những người về chính trị trong sạch theo tiêu chuẩn của y là sẽ sống sót”(10)

 

Năm 1963, khi rời Phnom Penh, Pol Pot – Ieng Sary ra vùng dân tộc ít người ở Đông Bắc, và sống phần lớn ở đó trong năm năm tiếp theo. Vừa là Bí thư Trung ương Đảng, Pol Pot vừa kiêm Bí thư Khu Ủy khu Đông Bắc từ năm 1968 đến 1970. Năm 1970, Pol Pot ra nước ngoài (Trung Quốc), cả Ieng Sary và Son Sen cùng phụ trách khu Đông Bắc.

 

Năm 1967, Khieu Samphan, Hou Youn và Hu Nim trốn vào rừng tham gia các lực lượng du kích chống Sihanouk.

Năm 1970, cuộc đảo chính của Lon Nol lật đổ Sihanouk và sự can thiệp của Mỹ vào Campuchia đã làm thay đổi tất cả các cơ cấu xã hội và kinh tế của đất nước. Bao trùm lên toàn bộ tình hình đó là việc Khmer đỏ bị ám ảnh bởi cuộc Cách mạng văn hóa của Trung Quốc: để cho nông dân “cải huấn” trí thức; đặt nông dân – ít ra là về lý thuyết – lên bậc thang cao nhất của xã hội; săn lùng và tàn sát cán bộ kỳ cựu của đảng và cả tư sản dân tộc mà trước đây từng được dễ dãi chấp nhận”. Những người như Pol Pot và Son Sen, từng theo các khóa nghiên cứu ở Bắc Kinh trong thời kỳ cao điểm của cách mạng văn hóa, như nhận được một liều thuốc mạnh (trong đó có tuyên truyền chống Việt Nam) và đã truyền cho đồng bọn trong giới lãnh đạo. Khieu Samphan được mô tả là “ôn hòa”, nhưng chính là kẻ khát máu nhất khi đụng đến vấn đề quan hệ với Việt Nam hoặc với các chiến sĩ kỳ cựu đã bị “ô nhiễm”, do họ đã từng kề vai sát cánh với người Việt Nam chiến đấu chống Pháp.

 

Khieu Samphan được coi là nhà tư tưởng tối cao của Khmer đỏ và là “kiến trúc sư“ của chế độ diệt chủng sau này. Trong thời gian tham gia chính phủ Sihanouk, hắn đã tìm cách giải quyết các vấn đề kinh tế bằng những giải pháp “cấp tiến” của mình, nhưng do thực tế tình hình nên đó chỉ là “ảo tưởng tả khuynh”. Trong lúc đang tìm kiếm những tư tưởng mới, giải pháp mới, hắn nhìn sang Trung Quốc. Trước đó, hắn đã tiếp thu đường lối Maoism (Mao-ít): cách mạng phải do giai cấp nông dân lãnh đạo. Thật đúng lúc, Trung Quốc cũng nhận thấy và đã lợi dụng tình trạng rất lúng túng về tư tưởng trong Ban lãnh đạo Khmer đỏ lúc bấy giờ để áp đặt đường lối của chính họ về phong trào cách mạng, bao gồm: phá hủy các kế hoạch của những nhà cách mạng kỳ cựu muốn đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là yếu tố bao trùm trong chính sách diệt chủng sau này: không tranh cải với những người đối lập; phải tiêu diệt họ tận gốc rễ!

 

Khieu Samphan bắt đầu đưa những khái niệm mới vào triết lý của hắn. Từ tư tưởng cơ bản cho rằng con người vốn là tốt, nhưng đã bị nền văn minh làm cho hư hỏng; xã hội công nghiệp càng văn minh thì con người càng hư hỏng, hắn đã tiếp thu thêm một tư tưởng nguy hiểm hơn nhiều, đó là sự chuyên chính của một nhóm nhỏ trí thức ưu tú (giáo dục cũng bị hắn coi là một nguồn gốc làm hư hỏng quần chúng), chỉ cần một hệ thống xã hội thật đơn giản để duy trì sự “trong sạch và sự lành mạnh” của con người. Nhóm ưu tú sẽ làm công việc suy nghĩ thay cho tất cả, quần chúng sẽ làm công việc lao động – họ càng lao động thì càng ít có thì giờ để suy nghĩ vô ích.

 

Năm 1970, Khieu Samphan, Hou Youn và Hu Nim đáp ứng lời kêu gọi của Sihanouk về việc gia nhập Mặt trận Thống nhất dân tộc Campuchia (FUNK) để chống Lon Nol do Sihanouk đứng đầu. Và khi Sihanouk thành lập Chính phủ kháng chiến (Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia – GRUNK) ở Bắc Kinh, thì Khieu Samphan được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng Tư  lệnh các lực lượng vũ trang (thực ra, chính Pol Pot phụ trách các vấn đề quân sự ngay từ đầu nhưng chưa xuất hiện công khai, Khieu Samphan vẫn là nhà tư tưởng tối cao). Còn Ieng Sary vừa là người thực hiện tư tưởng, vừa là người liên lạc chủ yếu với Bắc Kinh và Hà Nội.

 

Thời gian này, trong nội bộ Khmer đỏ có ba phái khác biệt:

 

1/ Nhóm sô-vanh (chauvinist), dân tộc cực đoan và phân biệt chủng tộc đứng đầu là Pol Pot, Ieng Sary, Son Sen, với vợ của chúng là Khieu Ponnari, Khieu Thirith, Yun Yat, Khieu Samphan, muốn hình thành một xã hội “cộng sản độc đáo” theo kiểu riêng của Campuchia chứ không phỏng theo Liên Xô, Việt Nam hay bất cứ một mô hình nào khác. Kể cả Trung Quốc cũng bị chúng đánh giá thấp (tuy chúng phụ thuộc nặng nề vào sự ủng hộ vật chất của những người cầm quyền ở Bắc Kinh).

 

2/ Một nhóm do Hu Nim, Hou Youn, Phok Chay va Tin Op đấu tranh đòi áp dụng mô hình cách mạng văn hóa của Trung Quốc vào điều kiện Campuchia.

 

3/ Một nhóm đứng đầu là So Phim, Keo Moni, Chou Chet và những người khác, tán thành xây dựng một nước Campuchia xã hội chủ nghĩa theo mô hình Việt Nam. Nhóm này chủ yếu là đảng viên kỳ cựu thuộc đảng bộ Khmer của Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và những người ủng hộ lập trường quốc tế chủ nghĩa.

 

Mỗi nhóm có căn cứ  riêng và trung tâm quyền lực riêng. Pol Pot lúc đầu ở Đông Bắc thuộc vùng dân tộc thiểu số; Hu Nim ở miền Nam và Tây Nam trong vùng dãy núi Con Voi và dãy núi Đậu Khấu(11); còn So Phim ở các tỉnh đông dân khu vực giữa sông Mekong và biên giới Việt Nam. Chỉ có nhóm của So Phim tôn trọng thỏa thuận với Sihanouk ở Bắc Kinh về việc đoàn kết trong cuộc đấu tranh vũ trang chung chống chế độ Lon Nol. Hai nhóm kia đều ra sức tiêu diệt các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc của Sihanouk và kể cả các lực lượng của So Phim.

 

Mặc dù vậy, nhóm của Pol Pot cũng không tha thứ cho nhóm của Hu Nim, Hou Youn trong cuộc chiến đấu giành ân huệ của Trung Quốc(12), bọn họ đều bị giết sau khi nhóm Pol Pot – Ieng Sary – Khieu Samphan lên cầm quyền năm 1975. Tương tự như vậy, gần như toàn bộ những người lãnh đạo nhóm khu miền Đông của So Phim cũng đều bị giết vào tháng 5-1978, sau những cuộc khởi nghĩa quân sự chống Pol Pot thất bại. Một số ít còn sống sót, trong đó có Heng Samrin, tuy không phải là đảng viên kỳ cựu từ thời chống Pháp, nhưng là một nhân vật tích cực chống Pol Pot trong hàng ngũ do So Phim lãnh đạo (Mâu thuẫn giữa hai nhóm là mâu thuẫn cơ bản giữa chủ nghĩa dân tộc cực đoan của nhóm Pol Pot – Ieng Sary – Khieu Samphan và chủ nghĩa quốc tế của nhóm So Phim. Về thực chất, chính sự khác biệt này về sau đã khiến Pol Pot đi theo con đường vị chủng và diệt chủng).

 

Rõ ràng là trong đảng của những người cộng sản Campuchia đã có những căng thẳng đáng kể ngay từ giữa những năm 1960, và giữa những người lãnh đạo của đảng đã có những hố sâu ngăn cách sâu rộng về tư tưởng và sách lược. Một sự thật là, họ đã không hoạt động chung với nhau. Đảng thì nhỏ, nhiều đảng viên thì còn ở miền Bắc Việt Nam hoặc đang ở Trung Quốc, còn những người trong nước lại thuộc các nhóm du kích độc lập, phân tán khắp nông thôn. Trong quyển Lịch sử Đảng Cộng sản Khmer xuất bản ở khu miền Đông năm 1973, có một đoạn  đáng buồn như sau: “…Năm 1973, năm mà những cuộc thanh trừng nội bộ của Pol Pot nổ ra gay gắt, chống lại xu hướng trong đó có các tác giả của văn kiện này… (tất cả những người này về sau đều bị hành quyết) … đáng lẽ tấn công kẻ thù bên ngoài, chúng ta lại đem máu thịt của chính mình làm mồi cho kẻ thù…”.

 

2. NGUỒN GỐC VÀ BẢN CHẤT CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG CỦA BỌN POL POT – IENG SARY

 

Một điều chắc chắn là mọi người trên thế giới, khi được biết về tội ác kinh tởm chống lại loài người của bọn diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary gây ra, sẽ đặt câu hỏi là bằng cách nào mà những quái thai của nhân cách và đạo đức cách mạng như Pol Pot – Ieng Sary cùng một dúm nhân thân và bè lũ đã có thể leo lên tột đỉnh và thực hiện các chính sách diệt chủng của chúng(13).

 

Đây là một chủ đề mà trong thời gian qua các nhà viết sử, các nhà khoa học chính trị – xã hội, các nhà tư tưởng, các nhà nghiên cứu về châu Á và nhiều người khác đã đưa ra những cách trả lời, những ý kiến  khác nhau. Điều này cũng tương đối dễ hiểu, vì mỗi cá nhân đều có góc nhìn khác nhau, phụ thuộc vào vị trí, vào hoàn cảnh của họ khi nhìn nhận vấn đề. Riêng ở đề tài này, sau khi tìm hiểu, tổng hợp các nhận định và các phân tích, tác giả xin phép nêu ý kiến như sau về nguồn gốc chế độ diệt chủng của bọn Pol Pot – Ieng Sary.

Có hai nguồn gốc: nguồn gốc bên trong và nguồn gốc bên ngoài:

 

2.1. Nguồn gốc bên trong

 

Khái niệm “diệt chủng” đã được thế giới định nghĩa như sau: “diệt chủng” là những tội ác thực hiện với ý đồ nhằm tiêu diệt một nhóm người, một dân tộc, một tộc người, một chủng tộc hoặc một tôn giáo”(14).

 

Nhưng với trường hợp ở Campuchia phải hiểu thêm một cách cụ thể là: những tội ác đó gây ra nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng và xâm lược của giới lãnh đạo Bắc Kinh thông qua bàn tay đẫm máu của bọn tay sai Pol Pot – Ieng Sary. Chính vì vậy, đối tượng tiêu diệt cần phải hiểu rộng hơn, gồm cả những lực lượng tiến bộ, cách mạng ở trong nước và cả ngoài nước. Tùy vào tương quan lực lượng giữa cách mạng và phản động, mà hướng diệt chủng có thể được bắt đầu từ trong nước trước rồi sau đó là ngoài nước, hoặc tiến hành đồng thời.

Trở lại lịch sử, chủ nghĩa phát xít Hitler được hình thành trong điều kiện giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ở Đức đều yếu. Giai cấp tư sản không thể thống trị nhân dân được như trước nữa, song giai cấp vô sản cũng không đủ khả năng giành chính quyền về tay mình. Tầng lớp trung gian dao động ngả về phía lực lượng phát xít (fascist). Do vậy, phát xít Đức chưa cần tập trung cao độ lực lượng vào việc chống lại các lực lượng trong nước. Hơn nữa, với chính sách của bọn tư bản phương Tây là muốn đẩy nước Đức vào một cuộc chiến tranh khốc liệt với Liên Xô để chúng đứng giữa hưởng lợi. Với tình hình trong và ngoài nước như vậy, phát xít Đức đã chĩa mũi nhọn tiêu diệt nhân dân châu Âu. Những cuộc tàn sát của chúng đã làm kinh hoàng khắp thế giới.

 

Khác với Hitler, khi Pol Pot – Ieng Sary lên nắm quyền lãnh đạo và giành thắng lợi trong tình hình tương quan lực lượng rất bất lợi cho chúng. Chúng yếu cả về thế và lực, trong khi lực lượng quần chúng cách mạng trong và ngoài nước đang lên rất mạnh. Mặt khác, bằng thủ đoạn, trước tiên chúng tiếm quyền, rồi sau đó chúng giành chính quyền trong tình hình cách mạng ở Đông Dương đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ (Cách mạng ở các nước Đông Dương đã toàn thắng vào mùa xuân 1975) và trong khi tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương – một trong những nhân tố để giành thắng lợi của nhân dân các nước Đông Dương – đã phát triển tới đỉnh điểm. Đồng thời, lúc này chính quyền Bắc Kinh lại tăng cường sử dụng bọn chúng để chống phá cách mạng Đông Dương, khoét sâu “khâu yếu” của cách mạng Đông Dương, biến Campuchia thành căn cứ phản cách mạng của chúng. Do vậy, Pol Pot – Ieng Sary phải tiến hành đồng thời cùng một lúc việc tiến công diệt chủng ở trong và ngoài nước(15).

 

Pol Pot – Ieng Sary không chỉ diệt dân tộc Campuchia, mà còn tiến hành tiêu diệt tất cả các dân tộc thiểu số, dân tộc láng giềng. Đồng thời với việc diệt chủng trong nước, bao gồm giết người Khmer cùng huyết thống, tiêu diệt các dân tộc thiểu số: Việt kiều, Chăm và các dân tộc miền núi, Pol Pot đã tấn công xâm lược Việt Nam, tấn công biên giới Lào, Thái Lan(16).

 

Năm 1973, đế quốc  Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam, do đó giới cầm quyền Bắc Kinh vội vã tăng cường sử dụng con bài Pol Pot – Ieng Sary để chống phá cách mạng Đông Dương nói chung và cách mạng Campuchia nói riêng.

 

Về phía các lực lượng ở Campuchia, lúc này cũng đấu tranh với nhau gay gắt, các lực lượng Lon Nol thân Mỹ cũng chống lại cách mạng quyết liệt để bảo vệ “nền cộng hòa” của chúng.

 

Trong nội bộ Đảng Cộng sản Campuchia, bọn Pol Pot – Ieng Sary, dưới tác động của Bắc Kinh, cũng đấu tranh quyết liệt với những người cộng sản chân chính. Năm 1973, Pol Pot đã nắm giữ hoàn toàn hai chức vụ quan trọng: Bí thư Đảng và Chủ tịch Ủy ban quân sự của Đảng. Và, như phần trên đã nêu(17), hắn cho tiến hành những cuộc thanh trừng, hành quyết các cán bộ đảng đối lập về tư tưởng và bắt đầu thanh lọc, tiêu diệt dân thiểu số tại các “vùng giải phóng”.

 

Vào năm 1973, sau khi đã dồn ép để kiểm soát một phần lớn dân cư ở vùng giải phóng bằng các “hợp tác xã” theo mô hình của Mao, đồng thời tăng cường nhận viện trợ quân sự của Trung Quốc, Pol Pot – Ieng Sary đã bộc lộ bộ mặt chống Việt Nam. Cưỡng bức dân Campuchia không được giúp đỡ, buôn bán với bộ đội Việt Nam. Ngày càng gia tăng những cuộc tấn công vào bộ đội Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế, ngay giữa lúc đang tiến hành chiến tranh chống Mỹ và Lon Nol. Từ cuối năm 1972, chúng đã yêu cầu bộ đội Việt Nam rút về biên giới, nhưng khi chúng bị quân Mỹ và quân Lon Nol tấn công, thì chúng lại yêu cầu bộ đội Việt Nam giúp đỡ. Chúng muốn giành thắng lợi mà không tốn xương máu, đồng thời muốn dùng bàn tay của Mỹ và Lon Nol tiêu diệt bộ đội Việt Nam. Cho nên, sau khi bộ đội Việt Nam tiến vào bẻ gãy các cuộc tấn công của quân Mỹ và Lon Nol, lúc họ rút quân ra thì bọn Pol Pot lại tìm cách phục kích tiêu diệt. Chưa kể đến các cuộc tập kích, tấn công bộ đội Việt Nam, cướp vũ khí, lương thực bất ngờ của quân Pol Pot. Năm 1973 cũng là năm mà bọn Pol Pot đuổi sạch và “thanh toán” nốt số Việt kiều còn lại sau thảm họa diệt “Duôn” do bọn Lon Nol phát động và tiến hành từ năm 1970(18).

Mốc diệt chủng của bọn Pol Pot – Ieng Sary như vậy khởi đầu từ năm 1973, với mức độ và quy mô diệt chủng ngày càng ác liệt, khủng khiếp; bởi bàn tay của bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh ngày càng thọc sâu vào Campuchia; bởi bọn Pol Pot – Ieng Sary ngày càng giành được chính quyền trong cả nước; bởi cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia ngày càng lên cao và cách mạng Đông Dương ngày càng giành được thắng lợi to lớn hoàn toàn.

 

Có ba nguyên nhân bên trong, hình thành nên thảm họa diệt chủng của chế độ Pol Pot – Ieng Sary(19):

 

2.1.1.  Sự tồn tại của chủ nghĩa vị chủng dân tộc cực đoan ở Campuchia

 

Từ khi chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa đế quốc đã đi vào con đường tổng khủng hoảng, giai cấp tư sản ngày càng trở nên cực kỳ phản động, thì chủ nghĩa “dân tộc cực đoan” đã xuất hiện và “thắng thế” ở nhiều nơi(20).

 

- Ở châu Au, chủ nghĩa dân tộc cực đoan xuất hiện ở nhiều trung tâm, nhưng tiêu biểu nhất là việc đề cao “dân tộc German” của phát xít Hitler.

 

- Ở châu Á, chủ nghĩa “Đại Đông Á” của Nhật Bản cũng bị kích động mạnh với sự ra đời chủ nghĩa phát xít quân phiệt Nhật Bản.

 

- Ở Trung Quốc, chủ nghĩa Đại Hán, cái nôi của chủ nghĩa bá quyền, bành trướng, sô-vanh, vị chủng, lúc này cũng phát triển mạnh mẽ.

 

Như vậy là vào giai đoạn này, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sô-vanh, vị chủng trở thành luồng “gió độc” lan tràn khắp nơi trên thế giới.

Trong khi đó, ở một số nước nông nghiệp lạc hậu lại có những điều kiện “thuận lợi” để tiếp thu luồng “gió độc” đó. Vấn đề này, Lénine đã chỉ rõ: “Một nước lạc hậu, thì với nền sản xuất tiểu nông nghiệp, tính chất gia trưởng và lạc hậu ở đó lại càng mạnh mẽ, tình trạng đó không thể không làm cho những thành kiến tiểu tư sản thâm căn cố đế nhất như: tính ích kỷ dân tộc, hẹp hòi dân tộc có một sức mạnh đặc biệt và tính dai dẳng”(21).

 

Ở Campuchia từ lâu đã tồn tại một thiết chế xã hội, tôn giáo hết sức chặt chẽ từ trung ương xuống đến tận nông thôn. Quyền hành tập trung tất cả vào tay nhà vua, vào giới tăng lữ tôn giáo và giới quý tộc. Giới tăng lữ vừa có vai trò điều hành công việc đất nước, vừa có chức năng truyền bá hệ tư tưởng chính thống,… Chỗ dựa tinh thần của nhà nước trung ương tập quyền Angkor (cũng như các quốc gia phong kiến ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ khác) là thờ “vua thần” – quyền lực nhà vua được xem như quyền lực của thần Shiva tạo nên thế giới. Ngoài ra Campuchia đã từng trải qua một thời kỳ “huy hoàng” của đế chế Angkor, với lãnh thổ rộng lớn, sự thịnh vượng và sức mạnh của nó đã đưa đến một ý niệm chính xác về sự quang vinh và phồn vinh của thời Khmer xa xưa. Khi đế chế Angkor sụp đổ, đất nước lại bước vào thời kỳ phân liệt và lãnh thổ bị thu hẹp. Dân chúng bị bắt làm nô lệ cho người Thái, rồi sau này là sự can thiệp của nhà Nguyễn,… Sức ly tâm ngày càng lớn. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều người yêu nước Campuchia muốn đấu tranh cho độc lập, thống nhất dân tộc, nhưng do những điều kiện lịch sử nhất định, đều không thành công. Do vậy, họ chỉ còn biết trở lại với “lịch sử huy hoàng” của thời Angkor làm nguồn động viên tinh thần. Cho nên, Campuchia dễ trở thành miếng đất thuận lợi cho tư tưởng phục hưng dân tộc cực đoan nảy mầm, phát triển.

 

Hơn thế nữa, từ khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị Campuchia, chúng đã thực hiện chính sách chia để trị, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương. Chúng kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, xuyên tạc lịch sử, chia rẽ các dân tộc Đông Dương, đề cao công lao “cứu tinh” của người Pháp đối với Campuchia. Chúng luôn đề cao đế chế Angkor, hướng tới dĩ vãng vàng son của một “đế chế đã mất”. Khẩu hiệu của chúng là: “Hãy xứng đáng với tổ tiên Angkor chúng ta”.

 

Chủ nghĩa dân tộc vị chủng cực đoan càng phát triển mạnh và được bọn đế quốc sử dụng làm công cụ tinh thần lợi hại để chống phá cách mạng Đông Dương, chĩa mũi nhọn vào cách mạng Việt Nam.

 

Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhất là sau năm 1954, do âm mưu của bọn đế quốc và bọn bành trướng Bắc Kinh, Campuchia – khâu yếu nhất của cách mạng Đông Dương – càng bị khoét sâu (Campuchia không có vùng tập kết như của Lào và không được giải phóng một nửa nước như Việt Nam), Campuchia từng bước trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Ở đó chính quyền quan liêu, quân phiệt, phong kiến, tư sản mại bản thống trị. Với một xã hội như vậy, đã lần lượt xuất hiện hàng loạt thứ chủ nghĩa vị chủng:

  1. “Chủ nghĩa xã hội Phật giáo Khmer” của Sihanouk đưa ra từ năm 1961, Sihanouk là một trong những đại diện chủ nghĩa dân tộc vị chủng Khmer, từng coi Việt Nam và những quốc gia láng giềng là kẻ thù truyền kiếp. Nhưng trong tình hình cách mạng Đông Dương những năm 1960, do tương quan lực lượng trong và ngoài nước, do đường lối “len lỏi giữa các thế lực để tồn tại” của mình, nên Sihanouk chỉ đưa ra thứ chủ nghĩa vị chủng ôn hòa, ít độc hại hơn. Trong bài “Chủ nghĩa xã hội Phật giáo”, Sihanouk đã viết: “Chúng ta hướng vận mệnh đất nước của chúng ta vào với chủ nghĩa xã hội, vì con đường lâu dài này mà các vị quốc vương của chúng ta đã theo đuổi hơn một nghìn năm nay,… Nhưng chủ nghĩa xã hội của chúng ta không phải là thứ chủ nghĩa xã hội kiểu của Marx…”. Sihanouk đưa ra thứ chủ nghĩa xã hội riêng của mình nhằm đề cao dân tộc Khmer: cái mà nhiều dân tộc trên thế giới hiện nay đang mơ ước – chủ nghĩa xã hội – thì đã “từng tồn tại hàng ngàn năm nay ở Campuchia”. Qua đó, Sihanouk còn muốn khẳng định sự ưu việt của chủng tộc Khmer nhằm đánh giá thấp chủ nghĩa Marx – Lénine và chống lại trào lưu chung của thời đại là cách mạng xã hội chủ nghĩa.
  1. Tình hình cách mạng Đông Dương ngày càng phát triển mạnh khiến đế quốc Mỹ buộc phải tiến hành đảo chính lật đổ Sihanouk, đưa Lon Nol lên lập nước “Cộng hòa Campuchia”, Lon Nol biến Campuchia thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Lon Nol đã đẩy chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên” phát triển lên một bước cao hơn nữa. Đi đôi với việc tuyên truyền, kích động tâm lý chống kẻ thù truyền kiếp Việt Nam là tàn sát Việt kiều,… Đó là “Chủ nghĩa Khmer mới”. Trong đó, Lon Nol quả quyết rằng: “Lịch sử nhân loại không có gì khác hơn là lịch sử của cuộc đấu tranh giữa các dân tộc. Trong lịch sử, người ta thường nhắc lại một sự thật lịch sử là kẻ mạnh bắt kẻ yếu phải phục tùng,… Tuy nhiên dân tộc văn minh và hùng mạnh thì không thể bị chinh phục, dân tộc đó tìm kiếm độc lập, dân tộc đó tìm cách giữ vững chủ quyền của riêng mình,…”, và Lon Nol đã kích động: “Và hy vọng quý báu nhất của chúng ta là chính nhờ vào sự hy sinh của dân tộc chúng ta, nhờ vào ý chí không chịu khuất phục trước kẻ thù của chúng ta mà sẽ làm cho thế giới có thể tránh được cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Đó là sứ mệnh lịch sử thiêng liêng mà mỗi người Khmer phải đảm nhận với lòng quả cảm và quyết tâm”(22).
  1. Kế thừa thứ chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên” ấy, Pol Pot – Ieng Sary, bọn khoát áo cộng sản, càng có điều kiện đẩy chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên” phát triển đến đỉnh điểm. Việc tô màu sắc cộng sản cho những phong trào đấu tranh ở các nước chậm tiến, khiến cho lòng “tự hào dân tộc” bồng bột ở đó phát triển một cách nguy hại. Ngay từ khi còn ở Paris, chúng đã bộc lộ lập trường biệt lập, chống lại sự đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung của phong trào cách mạng Đông Dương.

Đặc biệt, từ khi gặp chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán, chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên” đã được giới lãnh đạo Bắc Kinh tâng bốc, sử dụng làm một thứ vũ khí độc hại để chống phá phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia ngay từ trong lòng ba nước Đông Dương. Chúng ra sức tô đậm màu sắc cộng sản cho bọn Pol Pot – Ieng Sary với ý đồ nhằm đánh lừa nhân dân Campuchia, đánh lừa các lực lượng cách mạng và phong trào cộng sản quốc tế.

Ngay từ năm 1965, Mao Trạch Đông đã ca ngợi Pol Pot là “người có tinh thần Khmer nhất”. Năm 1975, lại chính Mao đã khen ngợi: “Các đồng chí đã giành được một thắng lợi kỳ diệu, chỉ một đòn là quét sạch sành sanh giai cấp. Các công xã nông thôn với bần nông và trung nông lớp dưới sẽ là tương lai của chúng ta(23).

 Trong chuyến đi thăm Trung Quốc ngày 28-9-1977, Pol Pot được Hoa Quốc Phong khen ngợi: “Các đồng chí không chỉ giỏi phá hủy chế độ cũ mà còn giỏi xây dựng chế độ mới”. Pol Pot khẳng định: “Chúng tôi đã vận dụng một cách sáng tạo và thành công tư tưởng Mao Trạch Đông vào thực tiễn Campuchia,… Đối với Campuchia, sự giúp đỡ quý báu nhất của Trung Quốc là tư tưởng Mao Trạch Đông”.

Pol Pot – Ieng Sary còn câu kết với Bắc Kinh trong các hoạt động ở Đông Nam Á: “Chớp lấy thời cơ này nếu cách mạng Đông Nam Á tiến công mạnh, tình hình sẽ tốt hơn và chúng tôi sẽ giải quyết được vấn đề của chúng tôi. Chúng tôi đã trao đổi và thống nhất với các bạn Miến Điện, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đây là một thắng lợi chính trị rất lớn. Dù đi vào cụ thể còn nhiều phức tạp, phía bắc có bạn Trung Quốc là chỗ dựa, phía Đông Nam Á đã thống nhất, đây là ánh sáng chiến lược động viên chúng tôi. Trước đây chúng tôi đã an tâm thì nay càng an tâm hơn nữa với các bạn Trung Quốc”(24).

 

Được hỗ trợ về tinh thần và từng bước được viện trợ về quân sự, kinh tế của giới lãnh đạo Bắc Kinh, bọn Pol Pot – Ieng Sary đã từng bước bộc lộ bộ mặt chống Việt Nam. Ngay từ năm 1967, sau những hoạt động vũ trang bị Sihanouk đàn áp đẫm máu, Pol Pot – Ieng Sary đã gởi thư đến Bắc Kinh tỏ rõ lập trường “đi theo con đường mà Chủ tịch Mao Trạch Đông đã vạch ra”.

 

Như vậy là chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên” ở giai đoạn này đã được maoism hóa và đã được chủ nghĩa bá quyền, bành trướng Đại Hán nhân lên gấp bội. Chính vì vậy, bọn vị chủng cực đoan dân tộc Pol Pot – Ieng Sary đã coi Việt Nam là kẻ thù số một. Chúng dự tính đánh chiếm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cao hơn nữa, Pol Pot tuyên bố “giải phóng Sài Gòn”!. Chúng ra “Sách đen” tuyên truyền kích động cái gọi là “hận thù dân tộc”, bôi nhọ sự thật lịch sử, bội nhọ truyền thống tốt đẹp của nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Điên cuồng hơn nữa, chúng kêu gào: “Toàn thể giống nòi Việt Nam phải được coi là kẻ thù”. Trên đài phát thanh Phnom Penh, Pol Pot tính toán và kêu gọi hy sinh hai triệu người Campuchia để tiêu diệt toàn bộ 60 triệu người Việt Nam. Ngày 02-10-1978, Pol Pot lại thúc giục hò hét: “Đánh người Việt Nam là nghĩa vụ của mỗi người chúng ta,… Dứt khoát không có người Campuchia nào trong thế hệ hiện nay cũng như sau này bỏ vũ khí thôi không đánh người Việt Nam”.

Tóm lại, chủ nghĩa vị chủng dân tộc cực đoan đã có những nguồn gốc từ bên trong với những cơ sở xã hội và giai cấp của Campuchia. Bọn đế quốc thực dân và bọn phản động quốc tế đã sử dụng chủ nghĩa vị chủng đó để chia rẽ các dân tộc Đông Dương, chống phá cách mạng Đông Dương, chĩa mũi nhọn chống phá cách mạng Việt Nam(25).

 

Và, chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên” đó đã trở thành cực đoan nhất, phản động nhất, tàn bạo nhất kể từ khi nó bắt gặp chủ nghĩa bá quyền bành trướng Đại Hán. Chính vì vậy nó đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm họa diệt chủng.

 

2.1.2  Campuchia, một khâu yếu trong phong trào cách mạng Đông Dương

 

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Nhưng ở Campuchia, do quy luật phát triển không đồng đều của cách mạng, lúc này bộ phận tiên phong của giai cấp vô sản Campuchia chưa được hình thành. Mãi tới năm 1934, Ban Cán sự Cao Miên mới ra đời, thành viên của tổ chức phần lớn lại là các Acha(26), trình độ giác ngộ lý luận cách mạng non yếu.

Do còn non yếu, chưa có kinh nghiệm chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nên vào năm 1937, nhất là năm 1938, cơ sở Đảng nhiều nơi bị vỡ. Cũng chính vì vậy, mặc dù thời cơ đã đến vào những ngày tháng Tám năm 1945, nhưng ở Cam puchia quần chúng không sử dụng được thời cơ để vùng dậy giành chính quyền.

Năm 1951, Đảng Pracheachon Campuchia ra đời. Từ đây, nhân dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và sự giúp đỡ tận tình của cách mạng Việt Nam, nhân dân Campuchia đã từng bước giành được thắng lợi ngày càng lớn hơn trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao,…(27)

 

Nhưng bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh đã tìm mọi cách kiềm chế thắng lợi của nhân dân Đông Dương, biến Campuchia thành địa bàn có lợi cho chúng để từng bước chèn ép, tấn công thôn tính ba nước Đông Dương, bành trướng xuống vùng Đông Nam Á, vì vậy chúng đã thỏa hiệp với thực dân, đế quốc tại hội nghị Génève 1954 về Đông Dương. Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam có ghi: “Nhưng giải pháp Génève đã ngăn cản nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đạt được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một khả năng rõ ràng và hiện thực như so sánh lực lượng trên chiến trường bấy giờ đã chỉ rõ.

 

Đó là điều mà những người lãnh đạo Trung Quốc hiểu hơn ai hết. Đây là sự phản bội lần thứ nhất của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia”(28).

 

Thế là, với sự phản bội lần thứ nhất của những người lãnh đạo Trung Quốc, thành quả cách mạng của nhân dân Campuchia bị thủ tiêu hoàn toàn: không có vùng tập kết, bộ đội bị giải giáp, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền Sihanouk ngay sau đó tấn công tiêu diệt những cơ sở cách mạng còn lại,… Chính do vậy, Campuchia là một khâu yếu nhất trong phong trào cách mạng Đông Dương, vẫn tiếp tục bị kiềm chế ở tình trạng yếu kém nhất.

 

Giai đoạn sau đó, tính thống nhất trong Đảng không mạnh(29). Điều đó biểu hiện rất rõ trong nguồn gốc hình thành, cơ cấu thành phần và các nhóm phái khác nhau của tổ chức Đảng.

 

Trong khi phong trào cách mạng không có sự chỉ đạo thống nhất, ở Campuchia lúc đó lại không có lãnh tụ có vai trò và khả năng tập hợp, thống nhất các lực lượng. Việc này có nhiều nguyên nhân, trước hết phải kể đến sự phá hoại của giới cầm quyền Bắc Kinh. Người có khả năng đảm nhận sứ mệnh lịch sử đó là đồng chí Sơn Ngọc Minh (vì nhiều chiến sĩ xuất sắc khác đã bị ám hại), nhưng đồng chí cũng bị chúng giết hại bằng cách đầu độc tại Bắc Kinh vào năm 1972. Trong tình hình không có người có khả năng thống nhất các tổ chức, thì nhóm của Pol Pot – Ieng Sary và nhóm của Hu Nim, Hou Youn từng bước kết hợp nhau, tiếm quyền lãnh đạo trong Đảng, đẩy Đảng vào con đường sô-vanh, vị chủng, chống lại tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Campuchia, làm Đảng Cộng sản Campuchia hoàn toàn biến chất, trở thành công cụ của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

 

Phong trào cách mạng Campuchia tuy yếu kém, bọn Pol Pot – Ieng Sary ra sức phá nát cách mạng và tổ chức, nhưng Campuchia lại luôn chịu tác động có hiệu quả to lớn của cách mạng Đông Dương, luôn luôn được sự giúp đỡ hết sức to lớn của Việt Nam, cho nên Campuchia mới thực hiện được những bước nhảy vọt to lớn trong những năm 1970 và giành thắng lợi, đánh thắng đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai vào ngày 17-4-1975. Chính Sihanouk cũng đã phải thừa nhận trong quyển Biên niên sử chiến tranh và hy vọng: “Ta phải nói thẳng ra rằng trong cái “chiến thắng của Khmer đỏ” vào những năm 1971,1972 váng xuống đầu các lực lượng Mỹ, Sài Gòn và Lon Nol, ở biên giới Việt Nam – Khmer cũng như trong  nội địa nước ta: các trận Kirirom, Pichnin (trên đường số 4), Kompong Saom, Kampot (trên đường số 5), Kompong Chnang, Kompong Cham, Kompong Thom (Chenla I, Chenla II), các đơn vị pháo và xe tăng Việt Nam, chưa kể nhiều đơn vị bộ binh khác của họ, đã đóng góp một phần rất quan trọng nếu không nói là quyết định”. ”…Cho tới tận cuối cuộc chiến hồi tháng 4 năm 1975, các lực lượng vũ trang Khmer đỏ cũng vẫn chưa có khả năng thành lập bất kỳ đơn vị thiết giáp hoặc pháo binh nào cho ra hồn cả”(30).

Hơn thế nữa, trong suốt quá trình “đấu tranh cách mạng”, Pol Pot đã không lấy đấu tranh chống đế quốc Mỹ, bọn Lon Nol và đoàn kết với các lực lượng cách mạng Đông Dương làm lý do để tồn tại, để phát triển thế và lực của mình, mà trái lại, trong suốt thời kỳ đó, Pol Pot chỉ lợi dụng xương máu của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, lợi dụng thành quả cách mạng Đông Dương, để giành thắng lợi cho riêng mình và chỉ nhằm chống lại Việt Nam, nghĩa là chống lại nguồn gốc tạo nên sức mạnh cho mình. Cũng trong tác phẩm trên, Khieu Samphan đã nói với Sihanouk: “Ngay giữa khi đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ (1970 – 1975), Đảng Cộng sản và quân đội cách mạng Campuchia đã không ngừng coi Bắc Việt Nam và quân đội của nước này là kẻ thù số một, còn đế quốc Mỹ chỉ là kẻ thù thứ yếu của Campuchia”. Cho nên, Campuchia vốn là khâu yếu trong phong trào cách mạng Đông Dương. Mặc dù có cách mạng Việt Nam giúp đỡ toàn diện và triệt để nhằm tạo điều kiện để cách mạng Campuchia ngày một trưởng thành, tự đảm nhận lấy sứ mệnh lịch sử của mình. Nhưng bọn tay sai Bắc Kinh, Pol Pot – Ieng Sary đã thực thi âm mưu, thủ đoạn khiến cho cách mạng Campuchia luôn bị non yếu, không phát triển lên được, tạo điều kiện để chúng phá nát đất nước Campuchia, biến Campuchia thành địa bàn chiến lược cho giới cầm quyền Bắc Kinh thực hiện giấc mộng bá quyền, bành trướng.

 

Mặc khác, vì cũng tự thấy thế và lực của lực lượng mình còn yếu trong khi sức mạnh của cách mạng Đông Dương ngày càng phát triển như vũ bão, nên bọn Pol Pot – Ieng Sary càng điên cuồng thực hiện chủ nghĩa “vị chủng Cao Miên” đã được maoism hóa ở quy mô và mức độ cực đoan nhất, phản động nhất, tàn bạo nhất(31).

 

Còn một  kỳ tiếp



(1)  Khieu Thirith là chị ruột của Khieu Ponnari. Cả hai đều được đào tạo tại Paris. Riêng Khieu Thirith có bằng về văn học Anh. Lúc học tiểu học và trung học tại Campuchia, Khieu Thirith học chung trường với Sihanouk và Thirith luôn đứng đầu lớp .

(2)  Khi Keng Vansak về nước, ông giữ chức Chủ nhiệm Khoa Văn chương Trường Đại học Phnom Penh thời Sihanouk. Ông trở lại Pháp giảng dạy, sau được phong hàm giáo sư. Chính ông cũng hết sức kinh hoàng đối với chính sách diệt chủng của tập đoàn phản động Pol Pot – Ieng Sary trong những năm chúng cầm quyền – Xem thêm các tác phẩm của ông: tiểu luận Niềm say mê tìm kiếm sự trả thù và tác phẩm Khái quát về cuộc cách mạng của Khmer đỏ – Montmorency – France, 1977.

(3)  Uyn-phrết Bớc-sét – Tam giác Trung Quốc-Campuchia-Việt Nam – NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1986, sách đã dẫn, tr. 64.

(4)  Một đảng tư sản gồm các đảng viên thuộc tầng lớp trí thức và công chức cao cấp, ra đời năm 1946 – TGĐT.

(5)  Sau khi xác minh, Đảng Cộng sản Pháp thông báo thêm rằng toàn bộ “nhóm Paris” đều hết sức “Stalenist” (Xta-lin-nít), đặc biệt là tư tưởng thép của Stalin về việc nắm lấy quyền lực hầu như tuyệt đối bằng cách kiểm soát các bộ máy Đảng và quân sự ở các cấp cao nhất, đồng thời nhóm này còn chịu ảnh hưởng của các lý thuyết cực tả khác.

(6)  Nhận xét của đồng chí Phạm Văn Ba, người được Đảng Cộng sản Việt Nam cử sang giúp cho Campuchia thành lập đảng của họ từ năm 1951, về sau là đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại nước Campuchia của Khmer đỏ cho đến khi Khmer đỏ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1977 – Trích từ Uyn-phrết Bớc-sét – Tam giác Trung Quốc-Campuchia-Việt Nam, sđd, tr. 68.

(7)  Sau này, khi bị Pol Pot bắt giam vào nhà tù nổi tiếng Tuol Sleng (trung tâm tra tấn và thủ tiêu), Hou Youn đã cắt mạch máu tự sát vào tháng 8-1975.

(8)  Sau này, cũng bị Pol Pot bắt giam và bị tra tấn chết ở nhà tù Tuol Sleng vào tháng 3-1977.

(9)  Theo Sihanouk thì Tusamust bị phe cánh Pol Pot – Ieng Sary sát hại, nhằm bảo đảm cho Pol Pot leo lên cương vị lãnh đạo.

(10)  “Chủ nghĩa Khmer mới” của Lon Nol được Pol Pot kể thừa với mức độ cao hơn. Nhận xét của hai Nhà nghiên cứu, chuyên gia về vấn đề Campuchia: Ben Kirnan, người Australia và vợ là Chanthu Bua, người Khmer. Trích từ Uyn-phrết Bớc-sét – Tam giác Trung Quốc-Campuchia-Việt Nam, sđd, tr. 74.

(11)  Dãy Elephant và dãy Cardamomes – TGĐT.

(12)  Vận may của hai nhóm đầu theo sát những thăng trầm của Đặng Tiểu Bình trong cuộc vật lộn với “bè lũ bốn tên”. Việc Đặng sa cơ, tất yếu sẽ dẫn đến việc hành quyết Hu Nim, Hou Youn và các cộng sự về sau này.

(13)  Sau khi nắm chính quyền vào năm 1975, những cuộc thanh trừng trong nội bộ Ban lãnh đạo Khmer đỏ tiếp tục tăng lên. Chính phủ đầu tiên được thành lập sau cuộc “tuyển cử” 30-3-1976, gồm:

   - Khieu Samphan thay Norodom Sihanouk làm Quốc trưởng.

   - Pol Pot trở thành Thủ tướng, ngoài ra còn giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Khmer và Chủ tịch Quân ủy.

   - Ieng Sary trở thành Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

   - Khieu Thirith (vợ Ieng Sary) nắm chức Bộ trưởng Bộ Xã hội, về sau thay Hu Nim (bị tra tấn chết ở Tung Sleng).

   - Khieu Ponnari (vợ Pol Pot, em gái Khieu Thirith) nắm chức Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia.

   - Son Sen trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

   - Yun Yat (vợ Son Sen) nắm chức Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa.

(14)  Xem Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng – Phần Phụ lục 6, trang 110.

(15)  Về lịch sử – văn hóa ba nước Đông Dương – Viện Đông Nam Á – Hà Nội, 1983, tr. 72.

(16)  Đối với Lào, từ năm 1977 trở đi, Khmer đỏ tấn công chiếm các đảo trên sông Mékong, thường xuyên bắn vào các ngư dân và bộ đội Lào trên lãnh thổ Lào.

       Đối với Thái Lan, sau những cuộc quấy rối liên tiếp trên biên giới, đánh chìm tàu đánh cá Thái Lan… từ năm 1975. Ngày 28-01-1977 quân Pol Pot tràn qua biên giới tàn sát dã man thường dân, giết chết 30 người ở ba làng Ban Noong Do, Ban Kloong Ko và Ban Noiparai thuộc tỉnh Prachinburi (cũng bằng những cách giết người đặc trưng của bọn chúng), Chính phủ Thái Lan đã cho công bố Sách trắng về sự kiện trên và tố cáo tại Liên Hiệp Quốc. Trong công hàm trả lời vào ngày 11-02-1977, bọn Khmer đỏ không phủ nhận những tội ác này mà còn ngang ngược tuyên bố ba làng đó nằm trên lãnh thổ Campuchia, rằng Thái Lan đã can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia và Campuchia có “toàn quyền sắp đặt lại công việc nội bộ của mình”. Sau đó, Thái Lan tố cáo từ tháng 1 đến tháng 8-1977 có khoảng 400 cuộc xâm nhập từ phía Campuchia.

(17)  Đã trình bày ở mục 1, chương IV – TGĐT.

(18)  Xem thêm Lê Hương – Việt kiều ở Kampuchéa – Trí Đăng – Sài Gòn, 1971.

(19)  Về lịch sử – văn hóa ba nước Đông Dương –  sđd, tr. 76.

(20)  Xem thêm Thông tấn xã Việt Nam (Oa-sinh-tơn 27-1) – Thế kỷ 20: Những điểm đặc trưng – Tài liệu tham khảo đặc biệt (ra hàng ngày), số 032, năm 1999.

(21)  Về lịch sử – văn hóa ba nước Đông Dương –  sđd, tr. 78.

(22)  Về lịch sử – văn hóa ba nước Đông Dương –  sđd, tr. 83.

(23)  Biên bản cuộc họp Mao Trạch Đông và Pol Pot tại Bắc Kinh, tháng 6-1975 – Về lịch sử – văn hóa ba nước Đông Dương – sđd tr. 86.

(24)  Tội ác diệt chủng của bọn Pôn Pốt – Iêng Xa-ryNXB Sự thật – Hà Nội,1980, từ tr. 42-44.

(25)  Về lịch sử – văn hóa ba nước Đông Dương –  sđd, tr. 88.

(26)  Các nhà sư Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa – TGĐT.

(27)  Đảng Pracheachon thành lập năm 1951, tách ra từ Đảng Cộng sản Đông Dương, ban đầu chỉ có 300 đảng viên.

(28)  Sách trắng Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam – Sự Thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua – NXB Sự Thật, Hà Nội, 1979, tr.33.

(29)  Đã trình bày ở mục 1, chương 4 – TGĐT.

(30)  Xem thêm Norodom Sihanouk – Người tù của Khmer đỏ – NXB Thông tin lý luận – Hà Nội, 1988.

(31)  Về lịch sử – văn hóa ba nước Đông Dương –  sđd, tr. 94.

 

Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền
Số lần đọc: 5557
Ngày đăng: 16.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Việt Nam Trong Thế Kỷ XIX - Một Cách Nhìn Khác (*) - Đinh Kim Phúc
Vua Càn Long tìm cách từ chối giao trả Hoàng Công Toản cho An Nam - Hồ Bạch Thảo
Vai trò lúa gạo trong đời sống kinh tế và chính trị ở Saigon-Chợ Lớn đầu thế kỷ 20 - Nguyễn Đức Hiệp
Vai trò lúa gạo trong đời sống kinh tế và chính trị ở Saigon-Chợ Lớn đầu thế kỷ 20 - Nguyễn Đức Hiệp
Vai trò lúa gạo trong đời sống kinh tế và chính trị ở Saigon-Chợ Lớn đầu thế kỷ 20 - Nguyễn Đức Hiệp
Tìm Hiểu Về Con Người Vua Tự Đức - Hồ Bạch Thảo
Thăng Trầm Po Nagar Nha Trang - Nguyễn Lục Gia
Trung Quốc từng nêu việc đánh chiếm An Nam để gây áp lực với các nước Ðông Nam Á - Hồ Bạch Thảo
Đóng góp của John K. Whitmore cho các nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á - Lê Hải*
Do Đâu Qui Ninh Thành Qui Nhơn Và Diên Ninh Thành Diên Khánh? - Nguyễn Lục Gia