Châu Bình, cái địa danh quá thân quen, gắn bó mật thiết với hầu hết cán bộ kháng chiến huyện Giồng Trôm - Bến Tre. Đối với tôi, vùng đất này đầy ấp kỷ niệm.
Những năm đầu sau giải phóng, mấy năm liền tôi cũng đã dầm sương dãi nắng, lặn lội khắp các ngõ ngách thôn làng của vùng đất khắc nghiệt nghèo khó nầy. Tôi đã từng làm hiệu trưởng ở đây!
Nếu tính trên tuyến sông Ba Lai, từ kinh Chẹt Sậy đi xuống, Châu Bình là xã cuối cùng của huyện Giồng Trôm. Nó nằm giáp với "Bốn Mỹ" của huyện Ba Tri.
Từ bao đời, sông Ba Lai ôm ấp và bồi đắp phù sa lẫn phèn mặn cho vùng đất hoang hóa nầy. Trước kia, triền sông Ba Lai là rừng lá dừa nước, bần, mắm, chà là gai, ô rô, cóc kèn... dày đặc hàng cây số; là vòng rào bất khả xâm phạm bảo vệ thôn làng vững chắc từ hướng sông Ba Lai vào. Phía đất liền lại cách xa quận lỵ Giồng Trôm của địch sáu, bảy cây số. Vì thế, Châu Bình - nhất là các cấp 3, 4, 5 là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Có những ấp như ấp 4, kể cả những trận càn quét lớn, địch cũng chưa từng đặt chân đến bao giờ. Các cơ quan đầu não, công binh xưỡng, trại tù binh, trại tù binh, trại quân y... của huyện, của tỉnh thường xuyên đóng tại đây.
Trong hai cuộc kháng chiến, Châu Bình đã bao bọc, chở che và cung cấp cho cách mạng không biết bao nhiêu là tiền của, lương thực. Cũng không biết bao nhiêu người con lên đường theo Đảng. Vì thế, Châu Bình là "vùng trắng", địch tự do oanh kích. Cũng chính vì thế, không biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ và dân lành đã ngã xuống!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Châu Bình được giải phóng từ phong trào Đồng Khởi. Chính quyền cách mạng được tái lập từ đó. Mặc dù qua cuộc "bình định" giành dân lấn đất những năm bảy mươi của thế kỷ trước, địch đã đóng một số đồn bót nhưng chủ quyền cách mạng vẫn được giữ vững, gây nhiều khó khăn cho địch tại đây, đồng thời góp phần rất lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Châu Bình bắt tay xây dựng lại quê một cách gian nan! Đất rộng, người thưa - mười ngàn dân trên hai ngàn sáu trăm héc-ta lại chịu ảnh hưởng nặng nề qua cuộc chiến tranh dài suốt mười lăm năm, kinh tế kiệt quệ, trình độ dân trí thấp, cán bộ thiếu và yếu... Có thể nói Châu Bình bắt đầu xây dựng lại từ con số... không! Cả xã, hầu hết là rừng hoang! Cái khó nhất của Châu Bình là nước mặn gần như quanh năm. Ban đêm, khoác nước lấp lánh đầy sao. Ai không quen sẽ giật mình hoảng hốt. Đất đai, nhất là ở ấp 3, 4, 5 nhiễm phèn nặng từ mấy chục thế kỷ qua. Có những giang đồng phèn bủn một lớp dày, bước đi lèo xèo, rờn rợn da chân. Cỏ năng, cỏ lát mọc cũng không nổi. Giữa cái nắng chan chan suốt ngày, bốn bề chỉ một vàng úa, xác xơ!
Chúng tôi những tưởng khó mà vực dậy một xã yếu kém nầy! Nhưng không. Lần này trở về thăm, Châu Bình thay đổi đến không ngờ! Con đường từ huyện Giồng Trôm dẫn về tận Ủy ban xã được trải nhựa rộng thênh thang. Điều này hai mươi năm trước người dân có nằm mơ cũng không thấy. Chính con đường nầy sau giải phóng "tôi đã đi lại lắm lần" nhưng lần nào cũng... lạc!
Ngày ấy, lộ chẳng ra lộ, cầu chẳng ra cầu! Nhiều đoạn, chúng tôi phải chui qua những lùm cây chằng chịt phủ kín trên đầu. Nhiều khúc phải lội ầm ào xuống mương hoặc phải bò qua những cây cầu chà là lắt lẻo. Có những đêm đi công tác bổ túc văn hóa về lạc lối, trời tối đen như mực. Cầm cái đèn pin huơ qua huơ lại, chỉ thấy bốn bề toàn là rừng! Tiếng kỳ đà, chồn chuột chạy sột soạt, tiếng chim cú kêu, tiếng rắn lục(?) huýt gió ro re, ánh đom đóm lập lòe... lạnh gáy lưng! Thế mà bây giờ xe cúp, xe dream, xe tốc hành vun vút, hai bên đường nhà gạch san sát tua tủa ăng-ten...
Cùng hướng dẫn tôi, có vài anh ở Ủy ban và trường học. Chúng tôi ghé vào nhà chị Bảy quen ngày trước, làm công tác phụ nữ. Nhà chị cũng đã lên tường khang trang thay cho căn chòi lụp xụp cũ. Một cô gái mời chúng tôi vào bộ sa lông mát lạnh. Cô gái mở tủ lạnh lấy nước đá. Nhìn cô gái tóc lòa xòa, mặc chiếc áo thun trắng, chiếc quần lửng cũn cỡn để lộ hai bắp chân trắng muốt; nhìn những tiện nghi cao sang trong nhà, tôi không tưởng tượng nổi sự mầu nhiệm nào đã đổi đời như vậy? Mẹ cô, ngày trước cũng hai bốn hai lăm như cô, nước da đen ngời, tóc vàng cháy, áo quần vá chằng vá chíu...
Chị bạn tôi vào. Tôi lại ngẩn ngơ! Năm mươi tuổi mà chị lại phốp pháp, trắng trẻo hơn xưa. Ngồi nói chuyện với chúng tôi chưa được mấy câu thì chuông điện thoại lại reo vang. Chị cười nói rổn rảng với ai đó trong máy. Tôi lại không ngờ nổi, một người đàn bà quê ở giữa "rừng sâu" ngày trước mà bây giờ lại được cầm cái điện thoại nói chuyện hết sức tự nhiên và cũng đã từng cầm cái rờ-mốt điều khiển cái truyền hình màu to tướng. Tôi ngó quanh quất lại thấy chiếc Dream II và chiếc Wave & láng bóng dựng ở góc nhà.
Đoán được điều ngạc nhiên của tôi, anh Phan Hải Tòng, phó Chủ tịch UBND xã Châu Bình cười bảo:
- Có mấy mùa mía đâu anh! Ở đây nhà nào cũng đất mẫu. Chỉ cần trúng giá vài ba vụ là đủ lên đời.
Tôi cười hỏi:
- Thế mấy năm nay bà con làm ăn khá lắm hả anh?
Anh hơi buồn:
- Chỉ được mấy năm trước thôi anh à. Mấy năm gần đây giá mía, giá trái cây hơi... hẻo! Một số bà con có vay tiền của Nhà nước cũng chạy sáng nhà đấy. Năm nay cái mòi giá mía, giá dừa khô này chắc đỡ. Nay mía đã hai trăm năm chục ngàn một tấn, dừa đã hăm bốn, hăm lăm ngàn một chục rồi. Dừa mắc nhờ vỏ mới lạ chứ. Mấy ông "chỉ xơ dừa" coi vậy mà làm ăn được. Đem "đồ bỏ" xuất khẩu cho dân chúng giàu. Phải biết tận dụng thế mạnh của mình chứ. Cứ giữ giá nầy ít năm là có người sắm xe bốn bánh chứ chẳng chơi.
Tôi cười:
- Cầu lộ như thế nào mà chạy?
Anh hùng hồn:
- Anh lạc hậu quá! Ba trục lộ chính xuyên suốt toàn xã đã nhựa và bê tông hóa hết rồi. Lộ chính nầy thì nhựa rộng ba mét rưỡi hén. Hai trục bên kia thì bê-tông hai đến hai mét rưởi. Mặc sức mà chạy. Chắc anh đã nghe vụ bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đấu bỏ tiền xây cầu xi măng được Chủ tịch nước Trần Đức Lương khen rồi hả? Rồi Trung ương Đoàn tặng một cầu thép không gian. Chúng tôi cũng mới vừa khánh thành cây cầu Xẻo Cạn dài mười mét, rộng hai mét rưỡi đó. Nhà cửa đã xong xuôi thì bà con lo đến cầu lộ và việc học hành của con cái chứ sao. Ngày trước, anh lội bộ cả ngày chưa giáp xã, bây giờ xách xe cúp đi không đầy một giờ.
Nghe nhắc đến việc học hành, tôi quay qua hỏi anh Nguyễn Thành Nhơn, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Châu Bình:
- Còn việc dạy dỗ, học hành ra sao anh?
Anh hiệu trưởng vui vẻ nói:
- Toàn xã được tách làm ba trường. Hai trường tiểu học ở hai cánh. Trường trung học tại trung tâm. Tất cả đã kiên cố hóa hết rồi. Hai trường tiểu học đang khởi công xây trường đạt chuẩn quốc gia đó. Lát nữa anh ghé xem. Phòng học, bàn ghế, giáo viên bây giờ đã... dư. Khỏi phải chạy vạy như anh hồi trước: nào cất trường, nào đóng bàn ghế, nào xin giáo viên... Nhờ số trẻ em giảm rất nhiều. Bây giờ tỉ lệ tăng dân số chỉ còn 1,2%; đâu như những năm tám mươi! Đúng là hễ ít con và gia đình khá giả thì bà con lo cho con cái học hành tốt hơn. Bây giờ họ đưa rước con đi học có khác gì ở thành phố đâu anh. Khỏi cần vận động ra lớp gì cả. Mấy năm liên tiếp, học sinh tốt nghiệp tiểu học đều 100%, tốt nghiệp trung học cơ sở 97,98%. Nếu hồi trước anh tìm một học sinh lớp bảy, lớp tám để vận động học sư phạm cấp tốc không ra thì bây giờ số tốt nghiệp đại học kể không hết. Sư phạm có, nông nghiệp có, bác sĩ có, dược sĩ cũng có luôn...
Tôi vọt miệng:
- Có em kỹ sư nông nghiệp hay bác sĩ nào tình nguyện về xã hay về Ủy ban phục vụ không?
Cả anh phó Chủ tịch và hiệu trưởng đều lắc đầu. Tôi cười:
- Các anh giáo dục như thế nào mà các em không yêu hương vậy?
- Nói các em không yêu quê hương thì không đúng - anh hiệu trưởng Nguyễn Thành Nhơn cãi lại - Về xã thì làm sao các em phát huy hết năng lực của mình, nhất là bác sĩ? Với lại, lương bỗng chênh lệch gấp mười lần như thế nầy thì có yêu quê hương đến mấy đi nữa bắt buộc các em cũng phải ở lại làm cho các công ty trên thành phố thôi. Đâu phải làm cho công ty nước ngoài là không yêu yêu hương, là yêu ngoại quốc đâu? Còn về Ủy ban hả? Bắp bênh hơn nhiều! Hết vài nhiệm kỳ thì đi đâu? Hưu bỗng như thế nào? Ngày nào chưa công chức hóa được cán bộ xã thì khó mà thu hút các em tốt nghiệp đại học về Ủy ban xã!
Tôi nhìn ra lộ tráng nhựa, một tốp học sinh đi học trung học phổ thông ở thị trấn Giồng Trôm về. Tà áo dài trắng bay giữa rừng dừa, rừng mía mới đẹp làm sao! Chuyện ấy ở đây chưa từng có bao giờ.
Tôi nhìn hàng cột điện trung thế cười nói với anh Tòng:
- Nhà nước đầu tư cho vùng căn cứ cách mạng dữ hén?
Anh đính chính:
- Đâu có anh! Nhà nước và nhân dân cùng làm đấy chứ. Hễ trên cho 50 - 60% thì ở dưới dân góp 40 - 50%. Miễn dân chịu là xong ngay.
Dọc theo lộ, tôi thấy những tấm bảng nhỏ đóng trên mấy cây dừa "Nhóm trồng trọt", "Nhóm chăn nuôi", "Nhóm hoa kiểng"... Tôi hỏi anh Tòng:
- Bảng gì vậy anh?
Anh giải thích:
- Ấp văn hóa phải có những nhóm sở thích vậy đó. Thu hút họ vào, mình dễ quản lý, dễ giáo dục, tệ nạn xã hội ít xảy ra; kể cũng hay thật!
Tôi ngạc nhiên:
- Đã có ấp văn hóa rồi à?
Anh cười hề hề:
- Anh hỏi dễ tự ái quá! Sáu trên tám ấp rồi anh ơi. Dự định năm 2005 lên xã văn hóa đó.
Tôi lại thấy những tấm bảng lớn được xây dựng kiên cố bằng gạch hai bên đường "Ấp văn hóa Bình Đông", "Ấp văn hóa Bình Khương"... Tôi nói:
- Xây kiên cố phải giữ vững đấy nhé.
Anh Tòng lại cười hề hề:
- Khỏe re!
Chuyện vãn được mươi phút, tôi thấy con gái chị Bảy xách về mấy chai bia. Chị lại mở tủ lạnh lấy miếng thịt heo rồi cười cười:
- Mấy thuở mấy anh mới về chơi, ở lại nhâm nhi với chúng tôi; chút nữa ông xã tôi về tới.
Tôi cười:
- Sẵn sàng thôi. Nhưng chị cho chúng tôi dùng đặc sản Châu Bình hà. Rượu đế, đuông chà là, mắm còng, cá kèo nướng... đó. Nhớ mấy thứ đó lắm! Nói thật chị, thịt heo, thịt gà bia bọt, ở trển tụi tui làm hoài!
Chị cũng cười:
- Rượu đế thì có đấy. Còn mắm còng, cá kèo, đốt đuốc tìm không ra đâu! Anh quên Nhà nước đã xây cống đập Ba Lai ngăn mặn rồi à? Nước ngọt hết rồi, làm sao còn cá kèo, còng lột? Mà ở đâu còn cá kèo, còn còng lột là còn nghèo xác nghèo xơ anh ơi; như mình hồi đó chẳng hạn. Còn đuông chà là hả? Cháu tôi còn không biết được cây chà là ra làm sao nữa ở đó mà đuông! Vườn tược đâu có thành khoảnh hết rồi. Mía, dừa, chuối, cam, quít, nhãn, sa bô... đủ hết. Ai để chi chà là? Anh xem dừa chuối cam quít có giống trên xứ nước ngọt của anh chưa?
Tôi chợt nhớ công trình cống đập Ba Lai đã hoàn thành mấy năm nay. Đúng là công trình thế kỷ, đã đổi đời và đem lại màu xanh cho không những Châu Bình mà còn nhiều xã khác.
Tiếng xe Honda tắt máy ngoài cửa. Anh Bảy về tới. Tôi lại giật mình. Cái anh nông dân da mốc thích, "mấy năm đói" hái đọt bình linh ăn độn cơm mà nay lại bỏ áo vào quần nữa à? Tôi đứng dậy vỗ vai anh:
- Đi thị xã về hả?
Anh lắc đầu nói lớn:
- Đâu mà có. Đi họp ngoài Ủy ban xã về.
Tôi nheo mắt:
- Họp Ủy ban cũng bỏ áo vào quần nữa à?
Anh Bảy lại cười:
- "Người ta" chuẩn bị lên xã văn hóa chứ bộ.
Rồi thì tiếng cụng ly, tiếng cười hô hố của anh em lâu ngày gặp lại.
Chúng tôi từ giã gia đình với chị Bảy trong cơn say khập khiễng. Chiếc xe du lịch vun vút qua những vườn vừa, vườn mía xanh mướt. Tôi lại nhớ đến chuyến xuyên Việt vừa rồi và chợt nghiệm ra rằng: đâu phải chỉ vùng đất Châu Bình đổi màu xanh mà khắp nước Việt Nam, từ khi cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay thì đất đai dần chuyển màu xanh...