- Lệnh của Đào chủ tướng cho nhóm nghĩa binh ta đêm nay phải chiếm lĩnh núi Trường Úc, chốt đấy để chận quân Pháp từ Qui Nhơn kéo lên.
Ngồi quanh trong hang, sau chùa, không đèn, chỉ nghe tiếng, nhóm gồm 20 người thân cận của Thầy Nguyễn, Vọng nghe hơi thở người ngồi cạnh biết là Hằng con gái của hương kiểm Đoàn, cũng là học trò yêu của Thầy Nguyễn, từ lúc được cha nuôi là ông giáo Võ gởi xuống nhà thầy Nguyễn học võ đã hơn 3 năm, Vọng mới biết nơi lò võ của Thầy Nguyễn cũng là một tổ chức nghĩa binh, lâu lâu, các học trò được Thầy Nguyễn báo có giáo Võ đến, thì sau khi tập võ xong các học trò ngồi bệt xuống đất nghe ông giáo Võ nói chuyện, thường là chuyện đời xưa, chuyện luyện võ, chuyện chàng Lía, chuyện nghĩa khí, thích nhất là chuyện chàng Lía giết tên cường hào, rồi phi thân lên nóc nhà, cứ vậy chạy thẳng lên núi, hay chuyện chàng Lía thu phục cha Hồ, chú Nhẫn, mẹ Chân. Có lần anh Tâm hỏi Thầy Nguyễn, ông giáo Võ chắc giỏi võ lắm phải không Thầy, Nghe Thầy Nguyễn nói ông giáo Võ là gọi theo họ chứ không phải dạy võ, ông có dạy chữ, nghe đâu ông đi thi hai lần đều không đậu, sau đó ông không đi thi nữa, đêm nay có ông giáo Võ tham gia.
Đêm 14 tháng 7, trăng sáng lạnh, nghĩa binh đi lẫn với người vào lễ Phật, tập trung phía tây chùa, đầu giờ hợi là tấn công, khi đó trăng đã chếch hướng tây làm bóng cây đổ về hướng chùa, nghĩa binh nương theo bóng tối tiến lên chiếm lĩnh núi Trường Úc, ở đó đang có một nhóm lính tập án ngữ, chờ quân Pháp từ Qui Nhơn kéo lên dẹp nghĩa binh đang ở vùng Làng Sông, Gò Thị.
Lẫn sau các gốc cây, nương theo bóng tối, các nghĩa binh như bóng cô hồn đêm Vu Lan tiến lên đỉnh núi, Thu Hằng ở đội cõng người bị thương. Vọng dẫn nhóm 5 người áp sát 3 tên lính tập đứng gát, với ám hiệu nhỏ, nhóm Vọng lao lên, Vọng nghe ở khắp tiếng hét giết chết gặc Pháp lanh lảnh, 2 thằng lính tập bị hạ trong chớp mắt, thằng phía trên quay súng nhắm vào Vọng bóp cò, Vọng nghe tiếng nổ và thoáng lạnh bên tai, như tia chớp, con dao cắm phập vào tên lính tập làm đổ sập, Vọng trúng đạn ngã nhào, thoáng nhìn thấy dáng chú Võ, bế xốc Vọng lui về sau, Vọng được Hằng cõng chạy dọc theo sông Hà Thanh, ra chòi vịt của gia đình, phía bắc núi Trường Úc, băng và rịt thuốc vết thương vai phải, Vọng lơ mơ thấy Hằng nắm chặt tay mình.
Em thích nhất là trăng 14, Vọng thường nghe Hằng nói vậy, vì chưa tròn hẳn, còn đang tơ, mà Vọng thấy cũng đúng, trăng 14 rất đẹp, có lần Hằng nói, anh còn biết tại sao nữa không, Vọng chịu, Hằng nói vì khi em thấy anh lần đầu ở nhà Thầy Nguyễn, em mới 14 tuổi, à là vậy! Vọng nhớ lúc đó đã 16 tuổi mà sao ngu ngơ, Hằng là con giữa của hương kiểm Đoàn, ở thôn Huỳnh Mai, bên kia sông, có mành vịt bãi sông Hà Thanh ở sau núi Trường Úc, tên Đoàn Thị Hằng, nhưng em nói thích là Đòan Thu Hằng, cha Hằng nói đàn bà con gái thì phải có chữ thị, như phải xỏ lỗ tai và đeo bông tai vậy, tính Hằng mạnh, thích học võ, nhờ vậy mà Vọng mới gặp Hằng,
Cũng đêm 14 như vầy 3 tháng trước, sau khi tập võ, Vọng theo Hằng ra chòi vịt này, trời mùa hè nóng, Hằng xuống sông tắm, ánh trăng gần đầy rọi sáng thân hình cô gái 17 tràn sức sống, làm mượt mà thêm làn tóc đen phủ hờ trên bờ vai trắng, Hằng hụp, khoác nước vào người tạo các con sóng nhỏ lan xa, gợn dưới ánh trăng muôn vàn cơn sóng trăng nhỏ bao quanh nàng, trăng đêm ấy ấm vô cùng.
Vọng rên khẽ, Hằng cuối xuống, giọng thều thào, Vọng nói, có thể anh không qua khỏi, dù sau này sinh con trai hay gái em cũng đặt tên con là Vọng Nguyệt, Hằng nắm chặt tay Vọng, nhớ lại đêm trăng 14 sau khi tắm, cả hai vụng dại và nóng bỏng trong nhau, hạnh phúc. Với nước mắt ràn rụa, Hằng nói anh không sao đâu, vâng em sẽ đặt tên nó là Vọng Nguyệt, Trần Vọng Nguyệt
Vọng thấy chú Võ đứng kề bên, nhìn vết thương đã được lấy viên đạn ra và rịt thuốc, loáng thoáng dưới ánh đuốc ánh mắt của chú nhìn mình tha thiết vô cùng, Vọng ấm lòng, chỉ nghe nói mình mồ côi cả cha, lẫn mẹ từ nhỏ được chú Võ đem về nuôi, chú Võ ở Nho Lâm, có học chữ nho, đi thi không đậu, sau nghe tham gia nghĩa binh của Đào chủ tướng ở Tùng Giản, chú ít nói, Vọng đưa tay về phía chú Võ, chú Võ cầm tay Vọng, cả hai bàn tay đẫm sương và mồ hôi nhưng cả hai đều thấy ấm. Vọng nhớ đêm trăng 14 tháng trước, Vọng được theo Thầy Nguyễn hầu trà cho 3 người, Thầy Nguyễn, chú Võ và hương kiểm Đoàn, ở chòi vịt này, nghe chú Võ nói Đào chủ tướng đã đánh chiếm thành Bình Định, và trừng trị viên quan thân Pháp là tổng đốc Lê Thận, giờ đang kéo binh xuống vùng Gò Thị, Làng Sông, khi Vọng góp chuyện, nói làm trai phải trung với vua, báo đền ơn nước, thì ông giáo Võ nói, sau bao nhiêu năm ta bám vào các sách của thánh hiền đi thi, để làm quan, không đạt. Những năm sau này ta không màng đến công danh nữa, nghiền ngẫm sách cũng của thánh hiền không để làm quan mà để làm người, thấy chữ trung vốn nó là trung thực, thánh nhân dạy ta phải có đời sống trung thực, con nên phân rõ trung thực khác với trung thành, trung thực là với mình, còn trung thành là với người, người có trung thực thì tất có trung thành, còn người trung thành chưa hẳn đã là người trung thực, trong Nho giáo, và cả các sách mà đức Khổng san định lại cũng không có chỗ nào nói trung là trung thành với vua cả, mà chỉ có trung là trung thực thôi, sau này bọn Hán nho, để bảo vệ quyền lợi của vua quan nên đưa vào, bảo trung là trung thành với vua, Vọng thưa, con còn nghe có câu: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu. Như vậy bất trung này là đối với vua rồi. Ta thấy trong tứ thư, ngũ kinh không có câu này, theo ta biết thì câu này do thái tử Phù Tô nói, con biết bên Tàu thời xưa, mỗi nơi đều có các họ chiếm cứ, sau dần tạo sáu nước, vì quyền lợi của những kẻ cầm quyền nên sáu nước này thường đánh nhau, dân rất khổ, Tần Thỉ Hoàng, thống nhất được sáu nước này, tạo ra nhà Tần đầu tiên, để người dân chỉ nghe mệnh lệnh của mình và chỉ nghĩ về mình, Tần Thỉ Hoàng cai trị hà khắc, áp dụng chính sách của pháp gia một cách triệt để, thống nhất ngôn ngữ, chữ viết, thống nhất suy nghĩ, nên tứ thư lục kinh của Nho giáo bị liệt vào loại sách xúi dục dân làm loạn, Tần Thỉ Hoàng cho thực hiện đốt sách, chôn học trò, con cả của Tần Thỉ Hoàng là Phù Tô can ngăn, Tần Thỉ Hoàng tức giận mới đày lên mạn bắc ở Thượng Quận, trong lúc Tần Thỉ Hoàng đi thăm dân tình, chết dọc đường, thì Triệu Cao và Lý Tư âm mưu đưa Hồ Hợi là con thứ lên làm vua, vì Hồ Hợi yếu đuối, và giả chiếu thư gởi đến Phù Tô, ghi đã cãi lệnh vua cha phải tự sát, các quan của Phù Tô can, để điều tra lại, nhưng Phù Tô cương quyết chết theo lệnh của chiếu thư và nói câu đó, sau này bọn Hán nho dựa vào cho là một đạo đức sống của kẻ sĩ, cũng nhằm ý đồ phục vụ quyền lợi của bọn vua quan mà thôi.
Trăng lên gần đỉnh núi, một màu vàng đều trùm khắp núi, trải dài xuống đám lau sậy, loang ra bãi sông, trăng 14 đẹp thật, Vọng nhớ đến Thu Hằng, cô bạn gái cùng học võ, cứ khen và thích trăng 14, trăng gần tròn, có sương, khí trời dễ chịu, ngồi hầu trà với ba người thân, nghe họ nói về nghĩa binh, về các nhóm cần vương, Vọng thấy ánh trăng vàng rực, bỗng nghe bầy vịt trong mành lao xao, bác hương kiểm nói, trong đám sậy có ổ chồn, có một con chồn đèn to bằng bắp chân, thường ra bắt vịt, có hôm cả đàn ra chộ làm bầy vịt hỗn loạn, đẻ sút, chắc con chồn lớn ra bắt vịt đó, Vọng thấy chú Võ quơ tay lấy miếng đá dăm, theo hướng chỉ của bác hương kiểm, Vọng thấy con chồn đèn to, màu khói ám, bò sát mành vịt, bầy vịt lao xao, con chồn vừa ngẩng đầu lên dò chừng, chú Võ hất tay, như tia chớp, mảnh dăm đá bay vút, đánh toạc đầu con chồn, bác hương kiểm ồ kinh ngạc, Thầy Nguyễn nói cái ngón ném thia lia của anh vẫn sắc. quay sang nói với Vọng, con ra lấy, đem về làm, tí nữa Thầy, bác hương kiểm và giáo Võ về ăn khuya. Vọng đứng dậy chào, ra về, ý chừng ba người ngồi lại bàn điều gì hệ trọng lắm, chú Võ chiêu một ngụm trà rồi nói,
- Đạo làm người của người xưa đơn giản lắm, phàm người quân tử thì quí tính mạng, còn kẻ tiểu nhân thì trọng lợi