Trước đây, tôi có viết bài “Cái gia gia là…cái nhà” đăng trong mục Đối thoại của vanchuongviet.org, phản bác ý kiến của ông An Chi trong bài “Cái gia gia chẳng là…cái gì cả”, đăng lần đầu tiên trên Đương Thời 2 (26)-2009. Sau đó, ông An Chi viết bài Không nên lẫn lộn các giống chim để trả lời chúng tôi (nhavantphcm.com.vn trích từ Đương Thời rồi đăng lại ngày 10 tháng 12 năm 2011). Thiết nghĩ còn vài điểm chưa thỏa đáng nên chúng tôi trao đổi tiếp như sau.
- Chúng tôi cho rằng bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan viết bằng chữ nôm, hiện nay bài thơ này có bốn, năm dị bản chữ Nôm, còn dịch sang tiếng Việt hiện đại thì có bảy, tám bản trở lên. Nhưng ông An Chi tỏ ra không hài lòng và muốn biết “đích xác là bản chữ Nôm nào”.
Về vấn đề này, trong bài Thử bàn về phiên Nôm GS TS Nguyễn Ngọc San viết: “Ông Nguyễn Hùng Vĩ (Văn hoá Hà Tĩnh số 71, 6/2004) cho ta biết rằng có 12 tư liệu ghi bài thơ Qua đèo Ngang, trong đó có 5 bản chữ Nôm và 7 bản chữ Quốc ngữ” (1). Ông An Chi có thể liên lạc với ông Nguyễn Hùng Vĩ để biết chính xác hơn.
- Ông An Chi khẳng định rằng “không có chuyện “dịch sang tiếng Việt” vì cả Nôm lẫn quốc ngữ đều là tiếng Việt”. Tôi viết rõ ràng là “tiếng Việt hiện đại” (tức quốc ngữ) để so sánh với chữ Nôm, nhưng ông An Chi lại cắt thành “tiếng Việt” rồi đưa ra một nhận xét hết sức hồn nhiên! Ông đã bảo như thế thì buộc tôi phải nhắc lại những điều mà ai quan tâm tới chữ Nôm cũng biết. Chữ Nôm hình thành từ chữ Hán bằng nhiều cách, thí dụ: ghép hai chữ Hán với nhau thành một chữ Nôm; vay mượn nguyên xi một chữ Hán cả hình, âm và nghĩa; giữ hình và nghĩa của chữ Hán, nhưng đọc theo âm Nôm; giữ nguyên hình và âm của chữ Hán, nhưng đổi nghĩa; giữ hình của chữ Hán, nhưng đổi hẳn âm và nghĩa; thêm nét và thêm chữ Hán; thêm bộ thủ khác v.v. Nói tóm lại, chữ Nôm sử dụng ký tự chữ Hán, còn quốc ngữ thì sử dụng mẫu tự Latin. Chữ Nôm thường có nhiều nét hơn, phức tạp và khó nhớ hơn chữ Hán. Cách đọc đôi khi cũng không thống nhất, tuy là một chữ song có thể có nhiều cách đọc và viết khác nhau, đến nỗi có người than rằng “chữ Nôm phải vừa đọc vừa đoán”. Vậy, khi chuyển những tác phẩm chữ Nôm sang quốc ngữ, nếu không gọi là “dịch” (hay dịch âm) thì gọi là gì? Tôi không phải là người duy nhất sử dụng từ “dịch”, ông thử vào Google gõ cụm từ “chữ Nôm dịch sang tiếng Việt”, “dịch chữ Hán và chữ Nôm sang chữ quốc ngữ” thì sẽ thấy tôi nói đúng không.
- Khi tôi “Viết ‘cái gia gia’ là nói về chim đa đa (đọc ‘gia gia’ thành ‘da da’ hoặc ‘đa đa’)”. Ông An Chi lại không đồng ý, ông viết: Đọc “gia gia” hay “da da” thành “đa đa” là một thao tác hoàn toàn vô nguyên tắc về mặt ngữ âm. Có lẽ ông An Chi cố tình không quan tâm ý kiến của GS TS Nguyễn Ngọc San mà tôi đã nêu trước đây. Tôi xin trích lại đầy đủ hơn: “Đa đa có thể biến âm thành DA DA”, giống như các trường hợp sau: Đình → Dừng; Đao → Dao; Đốc (tâm) → Dốc (lòng); Đẩy → Dẩy. (…) DA DA và GIA GIA không có gì khác nhau vì lúc này đã có sự xoá nhãn giữa đối lập D > < GI. Phiên là DA DA hay GIA GIA là do người phiên âm, và cũng để phô tài chơi chữ của tác giả . Như vậy, theo ông An Chi, cách đọc như thế có còn là “thao tác hoàn toàn vô nguyên tắc về mặt ngữ âm” không?
- Ông An Chi cho rằng tôi “đã nhầm trước lẫn sau khi đánh đồng chim ngói với đa đa (hay gà gô) vì chim ngói thuộc họ Columbidae, giống Streptopelia còn đa đa (hay gà gô) thì thuộc họ Phasianidae, giống Francolinus”. Một lần nữa, ông An Chi đã cố tình không chú ý nguồn mà tôi đã trích dẫn. Đó là quyển Hán Việt từ điển trích dẫn, trong quyển này mục 鷓 (chá, giá) viết như sau: 1. (Danh) Chá cô 鷓鴣 chim đa đa, chim ngói, gà gô. § Mình nó to như chim cưu 鳩, … Ta quen đọc là giá. Quyển từ điển Thiền Chửu và những tự điển Hán – Việt khác cũng nhận định như thế. Vậy thưa ông, tôi đánh đồng chim ngói với đa đa (hay gà gô) là có cơ sở hay không?
- Ông An Chi cho rằng tôi “sai một cách nghiêm trọng hơn nữa khi khẳng định “câu thứ hai nói về chim quốc” mà dịch giả kia lại dịch thành “giá cô” (鷓鴣鳴家家 giá cô minh gia gia). Thế là ở đây ta có “tam vị nhất thể” kỳ dị: – chim ngói (họ Columbidae, giống Streptopelia)= đa đa (họ Phasianidae, giống Francolinus)= cuốc ( họ Rallidae, giống Porzana)!
Nếu khẳng định tôi “sai một cách nghiêm trọng” thì ông đã quá cố tình, đánh lờ đi những câu tôi đã viết trong bài: “ Con quốc” là con cuốc; “Đỗ quyên” (杜 鵑) trong câu thứ nhất có nghĩa là “con chim quyên, chim quốc hay chim cuốc”. Khi đã viết như thế thì chắc chắn rằng tôi không nghĩ câu thứ hai lại nói về chim quốc nữa. Trong quá trình viết bài, bất kỳ ai cũng có thể viết nhầm điều gì đó. Nếu bắt bẻ một cách sơ đẳng như vậy thì trong bài Từ “mèo hóa cáo” đến “gà hóa quốc” của ông đăng trên tạp chí Người đô thị, có đoạn: “khổ ác điểu 苦â 惡 鳥¹, đầy đủ hơn thì là bạch hung khổ ác điểu 白? 胸¹ 苦â 惡 鳥¹”. Nếu tôi cố tình, không nghĩ rằng những chữ Hán trong đoạn văn của ông là lỗi in ấn thì tôi đã bắt bẻ ông đến nơi đến chốn và đề nghị ông viết lại chính xác là 苦惡鳥 và 白胸苦惡鳥.
Kế tiếp, ông An Chi đã so sánh hết sức khập khiễng, đó là dùng cụm từ “tam vị nhất thể” để nói về chim ngói, đa đa và cuốc. Chúng ta biết rằng trong giáo lý Công Giáo, khi nói “tam vị nhất thể” (L. Trinus; F. Trinité; E. Trinity) là nói về Đức Chúa Lời gồm có ba ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Vì thế, sử dụng cụm từ này cho chim ngói, đa đa và cuốc thì quả thật là… kỳ dị! (xin mượn cách dùng từ của ông).
- Ông An Chi cho rằng tôi “luôn luôn nhầm lẫn” rồi viết: “Cuốc nâu, tiếng Anh là band-bellied crake, tiếng Pháp là marouette mandarin, tiếng Hán là ban hiệp điền kê 斑脅田鸡, thuộc họ Gà nước (Rallidae), còn tiểu đỗ quyên hay cu cu nhỏ, tiếng Anh là lesser cuckoo, tiếng Pháp là petit coucou thì thuộc họ Đỗ quyên (Cuculidae), mà ông Vương Trung Hiếu lại gộp vào “những loài chim cuốc” thì còn đâu là khoa học!”.
Thưa ông An Chi, ông thấy cây mà không thấy rừng. Trên thực tế, có những loài tuy khác giống (hay chi) và họ, chúng vẫn được xem là tương đồng về điểm nào đó, ít nhất là trong cách gọi tiếng Việt. Thí dụ như hai loài mai ở Việt Nam: mai vàng thuộc chi Ochna, họ Ochnaceae; mai chiếu thủy thuộc chi Wrightia, họ Apocynaceae. Ông có thể phủ nhận chúng không phải là hai loài mai được không? Tương tự như vậy, khi tôi gọi “những loài chim cuốc” là căn cứ vào cách gọi tên của những loài chim đó bằng tiếng Việt. Chúng ta thử nghĩ xem: nếu “cuốc nâu” không phải là một loài chim cuốc thì gọi nó là loài chim gì? Thêm một thí dụ khác, chúng ta biết rằng “cuốc nâu” thuộc giống Porzana; còn “cuốc ngực trắng” thuộc giống Amaurornis. Cả hai loài này tuy khác giống nhưng chắc chắn chúng là hai loài chim cuốc. Còn chim Đỗ Quyên thì chúng ta đã biết đó là một loài chim cuốc. Vậy, chẳng có gì “luôn luôn nhầm lẫn” như ông An Chi đã nhận xét. Nhân tiện, tôi cũng xin nói thêm để ông tham khảo. Có những trường hợp ngược lại, tuy cùng một loài nhưng lại có hai hoặc ba tên khoa học trở lên. Thí dụ: cá ngựa Hedgehog (Hedgehog seahorse) có hai tên khoa học là Hippocampus aimei và Hippocampus spinosissimus; cá ngựa đốm (spotted seahorse) có hai tên khoa học là Hippocampus aterrimus và Hippocampus kuda. Sở dĩ có sự khác biệt trong tên gọi là vì cá ngựa có thể thay đổi màu sắc và phát triển tơ da để hòa hợp với môi trường xung quanh. Nhiều nhà khoa học ngộ nhận là họ đã khám phá ra một loài mới, nhưng thật sự thì loài ấy đã được miêu tả từ lâu. Nếu chưa biết điều này, thấy tên khoa học rồi vội phán rằng Hippocampus aimei và Hippocampus spinosissimus là hai loài cá ngựa khác nhau thì thật là tai hại!
- Khi tôi viết “ở Việt Nam, chim cuốc còn được gọi bằng những cái tên khác là cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột”, ông An Chi lại cho rằng “lời khẳng định này hoàn toàn sai sự thật”. Ông dựa vào tài liệu nào để khẳng định rằng chim cuốc không được gọi bằng những cái tên khác như cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột? Nếu ông vào Wikipedia tiếng Việt, đọc mục Chi Cu cu (tức giống Cu Cu – Cuculus), ông sẽ thấy rằng “Tên gọi đỗ quyên (…), trước đây được dùng để chỉ các loài chim trong chi này”, và chi này chính là “một chi bao gồm 16 loài chim mà trong tiếng Việt ngày nay gọi là cu cu, chèo chẹo, bắt cô trói cột v.v.”, “nhưng ngày nay chủ yếu được dùng để chỉ các loài cuốc trong các chi Amaurornis, Porzana thuộc họ Gà nước (Rallidae) nhiều hơn”. Vậy nhận định của tôi có hoàn toàn sai sự thật không?
Cuối cùng, xin nói riêng với ông An Chi rằng, chưa chắc ý kiến của ông đã chính xác, vì thế khi trao đổi có tính học thuật, ông không nên nhận xét kiểu đao to búa lớn, nếu không nói là ngạo mạn, nhắc nhở thiên hạ phải thế này thế kia; rồi phán rằng họ “nhầm trước lẫn sau”, “sai một cách nghiêm trọng”, “hoàn toàn sai sự thật”, “luôn luôn nhầm lẫn”…Thưa ông, nếu tôi “luôn luôn nhầm lẫn”, chắc chắn rằng ông đã không chịu để yên khi tôi viết rằng ông đã sai khi nhận định “Đỗ quyên là chim tu hú”, vì trên thực tế, hai loài này khác nhau (xem bài Cái gia gia là…cái nhà của VTH trên vanchuongviet.org). Nếu cần tôi sẽ tiếp tục hầu chuyện với ông trong những bài sau.
(1) Thử bàn về vấn đề phiên Nôm, GS TS Nguyễn Ngọc San
Trường Đại học Sư phạm, Hà Nội
Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm
Ngày 12-13 tháng 11 năm 2004