"Dân Bến Tre" - tôi cũng như hàng ngàn bạn bè khác, rời Bến Tre yêu dấu vào năm 1951, đợt "giản chính" cán bộ, đưa vào khu IX, rồi sau đó, không về lại quê hương, khi có ai nói mình "dân Bến Tre", đều lấy làm tự hào, và da diết nhớ...
Tết này, chúng tôi xa quê hương hơn nửa thế kỷ. Hôm rồi Cồn Rừng, chuẩn bị qua sông "Băng Cung", tôi còn ghi nhớ mãi một câu chuyện bên lề, chuyện bé xíu, mà sao cứ nhớ:
- Mầy xem mặt thằng nhỏ nầy ngu hay khôn? Một thanh niên độ mười tám tuổi hỏi bạn về tôi như vậy.
- Thằng nầy ngu là cái chắc! Một thanh niên khác trả lời.
Năm đó tôi mười ba tuổi, theo đoàn cán bộ giản chính rời quê hương, lúc ngồi bên gốc cây bình linh bờ sông, chờ ghe đến rước, bị hai "ông anh" lấy mình làm vật đố như vậy. Tôi nhớ là mình có phản ứng:
- Hai anh có học không mà nói kém văn hóa vậy?
- Quý trời trời! Không học sao biết chú mày ngu?
Chú Mười Huệ - nguyên Chủ tịch tỉnh Bến Tre, cùng đi trong đoàn trờ tới nghe cãi vã, chú nói:
- Hai cháu lớn mà nói về đứa em mình như vậy là sai. Biết đâu 5 năm sau, khi cháu bé nầy bằng tuổi hai cháu, lại sẽ là người học giỏi và chỉ huy hai cháu.
Chú Mười rầy, hai chàng trai giạt chỗ khác, tuy không hề "xin lỗi tôi, nhưng có vẻ mắc cỡ. Khi qua cù lao Long Hòa, tàu đầu bằng giặc Tây ngăn chận, đoàn phải dừng lại lâu, tôi được chú Sáu Dõng phân công dạy bình dân cho bà con trong đoàn, tôi dạy cho hai anh về toán chia và phép "tam suất" - tìm một số chưa biết, hai anh mởi tỏ vẻ ái ngại và khen tôi "sáng dạ". Vào đến Tân Phú - Cà Mau, hai anh đăng tên vào Vệ quốc đoàn, và từ đó bặt tin nhau.
Lần đó, tôi cùng đoàn tản cư qua sông, đụng tàu giặc. Ghe đến nửa sông thấy một cột nước dựng lên trắng xóa, lao thẳng vào ghe mình với chớp lửa đỏ rực. Chưa tới bờ, nhưng mọi người thi nhau nhảy ùm xuống nước, chỉ còn các chị và chú Mười, chú Sáu ở lại ghe cho đến lúc ghe chìm. Các chị và các chú mới lội vào bãi ô rô cù lao. Chị Nhuần, chị Nhân, chị Sáu là con gái xứ dừa, chị nào cũng đẹp như mơ - con gái xứ dừa, da trắng mịn, các chàng trai miệt cù lao cứ cậy người đến nói, các chị bảo "Độc lập mới lấy chồng?".
Nào ngờ trong đoàn lại có nhạc sĩ Quốc Hương. Mấy đêm liên hoan văn nghệ ở cù lao Long Hòa, tổ chức gần đền thờ xương Cá Ông, anh đều lên sân khấu hát liên tiếp mấy bài "Đoàn Giải phóng quân", "Chiến sĩ Việt Nam", "Cương quyết ra đi". Còn anh Thuận - cán bộ văn hóa thông tin Bến Tre thì hát "Dứt đường tơ", "Bến cũ". Tôi hát bài "Đến trường", "Bạch Đằng Giang". Chị Nhuần, chị Nhân, chị Sáu thì song ca, tam ca bài "Con thuyền xa bến", "Mùa đông binh sĩ", "Mẹ mong chờ"... Anh Quốc Hương và các chị được hoan nghinh nhiệt liệt. Nhưng mợ hai tôi (bà già các chị) không cho các chị theo anh Quốc Hương tập hát, ở nhà lo vá quần áo cho du kích và nấu cơm cho đoàn tản cư ăn, tiếp với mợ và mấy dì.
Đoàn tản cư Bến Tre đùm bọc nhau đi, không có va-li, mọi người đốn lá dừa nước chằm bịt đựng quần áo. Anh Hai Thu (chồng chị Hai ơn) người ở Phong Mỹ khéo tay nhất. Anh chằm cho tôi một cái bịt con rất đẹp, quần áo và sách vở tôi dồn trong chiếc bịt vạn dặm ấy.
Một thời gian, tàu Pháp thưa chạy, chú Mười Huệ liên hệ du kích cho đoàn qua sông, đến ấp Bến Đáy xã Mỹ Long - Trà Vinh. Ở vùng đất cát một lúc, rồi đoàn vượt cửa Mỹ Thanh - qua cù lao Dung - Sóc Trăng, đến xã Hòa Tú - quê hương cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổi tiếng ở đây. Anh Quốc Hương soạn bài "Du kích Long Phú" bằng cây đờn Mandolin và hát cho bà con nơi đây nghe. Anh được hoan hô nhiệt liệt. Tôi còn nhớ lúc qua Cồn Nóc vượt biển Mỹ Thanh, giữa chừng bị gió lớn, suýt chìm ghe. Các anh chị thay nhau tát nước, còn tôi lo thu gom quần áo, khăn nón trôi lỏng bỏng trong lòng ghe ngập nước. Chú Sáu Dõng đứng chỉ huy như tướng lĩnh, động viên tay lái bình tĩnh. Ghe rướn cạn nhảy bánh lái mấy lần, các anh lấy chèo kềm ghe, chờ lấp bánh lái trở lại. Đến bến Đại Ngãi, chú Mười Huệ tổ chức liên hoan ăn mừng. Anh Quốc Hương và chị em tôi lại "đeo vè" ca hát mấy đêm liền. Mấy anh chị địa phương xin theo đoàn đã cạn, do đi quá lâu.
Qua Cầu Trắng, vượt lộ Đông Dương, cuối cùng đoàn đến Cà Mau, ở xã Tân Phú - huyện Hồng Dân và một tóp xống vùng Khánh Bình, hòa nhập vào dân địa phương như người Cà Mau, tham gia kháng chiến. Đến năm 1954, một số anh chị trở về cố hương, còn tôi, anh Năm Hạnh, Năm Đoàn... ở luôn với quê mới, vì tham gia công tác thanh vận, sau khi trường Tiền Phong bế giảng, "mắc gốc" Cà Mau.
***
Tôi không còn nhớ rõ các anh chị tôi, cùng cô chú trong đoàn tản cư vào khu chiến, nay ai còn ai mất. Nhưng tôi biết một nỗi buồn sâu thẳm là những kẻ ly quê, đến ngày toàn thắng, vẫn không có dịp hồi hương, trong đó có gia đình tôi.
Phong Mỹ là một làng nhỏ nằm cặp sông Ba Lai, hữu ngạn, mỗi năm có mấy ngày bị nước mặn từ cửa biển tràn lên. Anh Hai tôi, mấy cậu tôi làm rẫy, làm ruộng cặp ven sông mà không thu hoạch kịp thì bị mất mùa. Anh Hai tôi có miếng vườn và rẫy. Tôi nhớ, lúc nhỏ tôi theo anh ra rẫy, thấy người ta dọn cây chà là đầy gai nhọn để cấy lúa, trồng dưa, mùi cây chà là mục xông lên khó thở và lội không khéo sẽ bị gai đâm thấu xương. Có câu ca dao "về rẫy anh còng" - thật đúng vậy, ở miệt rẫy còn nhiều quá. Cậu tôi bắt còng làm mắm, ăn với bún rất ngon. Khi chiến tranh diễn ra, rẫy là căn cứ của du kích xã, nơi đóng quân của bộ đội và cơ quan huyện xã. Những miếng vườn liền liền với rẫy cũng khá sầm uất nên khi nhỏ tôi ở nhà một mình, lúc chiều ba má làm ruộng chưa về, nghe chim cú kêu phía bờ tre, tôi rất sợ ma. Năm 1944 - 1945 người chết nhiều quá - cả ta và địch - nên thây ma trôi nổi bập bềnh, người già và con nít thấy sợ lắm. Tôm tép dưới sông không ai dám ăn. Ba tôi, anh Hai tôi, cậu Hai, cậu Ba tôi và nói chung cả làng đều tham gia kháng chiến.
Cậu Hai tôi là một võ sĩ hào hiệp, thời kháng Pháp đã dùng thế võ giết Tây, hiên ngang như những anh hùng. Cậu là liệt sĩ, tên tuổi làm vẻ vang cho làng xóm quê hương. Năm còn nhỏ, khi má tôi dẫn ra rẫy, thấy hai cậu tôi (cậu Hai, cậu Ba) treo bao cát để luyện cánh tay và cú đấm bão táp. Thân hình hai cậu khỏe đẹp như thần! Mấy mươi năm trước, ông tôi, thân phụ của hai cậu cũng là nhà võ hiệp. Anh Hai tôi thoát ly gia đình, công tác địch ngụy vận. Khi anh vào lính giặc, cả nhà khóc lóc, bè bạn chê cười. Các chị trước từng mến yêu anh, lúc đó gặp anh tránh mặt. Nào ngờ, anh làm nội ứng lấy đồn, được tuyên dương, ai nấy hò reo. Sau đó anh vào vệ quốc đoàn. Anh Hai tôi là người con chí hiếu. Anh câu cá bóng dừa rất tài, câu nhiều cá bỏ đầy gáo dừa, đem cho bà nội và má. Anh hay cho tôi tiền, nhưng có lần tôi gài cửa nhà ngoại sao đó, anh nói tôi không nghe, anh xáng tôi mấy bạt tai! Nay anh đã già, trên bảy mươi tuổi, không biết anh có còn mạnh giỏi ở trên miền đất cũ hay không?
Và, cuối bài nầy, tôi xin nói thêm một chuyện nữa: Đó là Y. người tôi yêu thời đồng khởi. Lúc tôi được "điều lắng" về Bến Tre dạy học, và có lịnh gọi về Cà mau công tác đúng vào mùng Ba Tết 1960. Tôi chưa kịp từ biệt Y. vì hôm đó, giặc đối phó với cuộc nổi dậy ở Định Thủy. Mấy tiểu đoàn giặc bao vây cả xã Lương Hòa. Người con gái mà chúng tôi định chung sống cùng nhau, bị cuộc chiến tranh lâu dài cách bức. Bây giờ, mỗi chúng tôi đều có gia đình, con cháu đầy đàn, nhưng hình ảnh Y. bao giờ cũng trẻ trung xinh đẹp trong tôi. "Y. ơi, em có còn nhớ, anh từng chép tặng em bài thơ Áo trắng?".
Nếu như quê hương là một mảnh hồn, thì mỗi người sinh ra chỉ có một quê hương - với tôi, đó là BẾN TRE yêu dấu.
Cà Mau, mùa xuân 2005