Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
778
123.239.261
 
Mùa xuân - nhớ về một kỷ niệm
Vĩnh Xuân

Vào xuân, gió chướng bắt đầu thổi rong ngọn làm mát dịu lòng người, tươi mát cả làng quê.

 

Mấy cây mai vàng trước nhà chưa tới thời điểm lảy lá, nhưng đã nhú đầy bông búp chuẩn bị chào đón những ngày Tết đến.

 

Vài năm trước đây, lúc còn đang tại chức ở thời điểm nầy, biết bao công việc dồn dập để chuẩn bị phục vụ phục cho các ngày lễ lớn cuối năm: 22/12 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 17-1 kỷ niệm ngày Đồng Khởi và các hoạt động vui xuân trong mấy ngày Tết.

Nay thì có điều kiện hơn, ngồi nhớ lại kỷ niệm đã gần 40 năm trong cuộc đời chiến đấu biết bao gian nan vất vả nhưng cũng lắm tự hào.

 

Một đêm trầm ngâm sâu lắng không ngủ được, bây giờ tôi mới nhớ lại có lúc làm cho tôi vui sướng quá, sôi nổi hẳn lên, nhưng có lúc lại vui buồn lẫn lộn, vì trong suốt cuộc đời hoạt động đầy gian khổ khó khăn ấy có nhiều anh em đồng chí đã ngã xuống, họ đã cùng với mình chịu đựng biết bao gian nan thử thách của bom đạn chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa năm xưa, nay không còn nữa, không biết tự bao giờ hai dòng nước mắt chảy dài xuống má tôi không hề hay biết.

 

Đầu năm 1967 tôi là người lính trẻ, được rút về đơn vị cùng thời với nhiều anh chị em như: Vũ Hoàng lúc ấy là bí thư chi đoàn xã Long Mỹ - Giồng Trôm, nay là một đồng chí lãnh đạo của tỉnh, em Quốc nam, Phương Minh từ trường Văn hóa của tỉnh, anh Trường Sơn, Thanh Sơn từ xã Phước Mỹ Trung Ba Vát - Mỏ Cày, em Huyền Trang, Huyền Nhi từ xã Bình Khánh - Mỏ Cày và bé Huỳnh Hiệp từ xã An Định - Mỏ Cày...

 

Đến sau này tôi mới hiểu ra, đây là kế hoạch chiến lược của đơn vị nhằm phát triển một đội ngũ đủ mạnh để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân năm 1968.

 

Nói là thời chiến và ở chiến trường, nhưng thật sự là các đơn vị cách mạng ở Bến Tre đều sống trong dân, ăn ở nhà dân, sinh hoạt hằng ngày với dân, nên được nhân dân hết lòng thương mến, chở che và đùm bọc xem như những đứa con trong nhà, đặc biệt là anh chị em làm văn công.

 

Được lệnh khẩn cấp của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trong vòng 45 ngày đoàn phải có đầy đủ lực lượng, phải có chương trình hoàn chỉnh, hay, tốt để chuẩn bị cho Tổng tiến công và tiếp quản thị xã Bến Tre.

 

Như có một nguồn điện thật mạnh kích động vào từng người của tập thể đoàn. Từ ban lãnh đạo đến cán bộ, diễn viên, nhạc công và công nhân kỹ thuật của đoàn với một niềm vui và phấn khởi không sao kể xiết. Ban lãnh đạo vừa triệu tập mấy cuộc họp liền để sắp xếp lại tổ chức, phân công cán bộ với trách nhiệm rõ ràng để đi vào thực hiện có hiệu quả.

 

Tập hợp các đồng chí đầu ngành, có am hiểu chuyên môn nghiệp vụ và có khả năng sáng tác để bàn chương trình cụ thể, phân công từng đồng chí có trách nhiệm viết bài mới bổ sung cho chương trình theo chủ đề của Ban Tuyên huấn chỉ đạo.

 

Tôi còn nhớ lần nầy tôi nhận viết bài vọng cổ "Mùa xuân yêu thương" cho song ca nam nữ.

 

Trong thời điểm chiến tranh, thật ra tôi từ hoạt động thanh niên và văn công xã, được các anh rút về đoàn văn công giải phóng tỉnh, chẳng qua là có chút ít năng khiếu về ca hát chớ có qua trường lớp diễn viên hay lớp viết lách gì đâu. Nhưng với yêu cầu của đơn vị và lòng say mê nghề nghiệp, cộng với tinh thần tin tưởng phấn khởi tôi cũng phấn đấu vừa học vừa làm và cuối cùng cũng đạt yêu cầu của tập thể giao phó.

 

Do yêu cầu quá cấp bách, nội qui của đoàn đề ra mỗi ngày phải luyện tập ba buổi, ban ngày tập chương trình ca - múa - nhạc, ban đêm tập vở cải lương dài "Tình riêng nghĩa cả" của cố soạn giả Thanh Nha và vở cải lương ngắn "Ra tiền phương" của soạn giả Lê Huỳnh. Người chịu trách nhiệm dàn dựng là cố đạo diễn Thừa Vĩnh người của R chi viện về. Có đêm làm việc đến 11 - 12 giờ đêm mà anh chị em diễn viên không hề than van mỏi mệt. Lúc nầy do công việc quá cấp bách, khẩn trương nên Tiểu ban văn nghệ phân công tăng cường chị Việt Bình để giúp sức, hướng dẫn chị em đoàn may sắm phông màn mới, qui mô hơn, toàn bộ phục trang vở diễn và đồng phục cho đoàn.

 

Thời gian dàn tập chương trình đâu phải được suôn sẻ theo như ý muốn, mới được bảy hôm, không biết địch đánh hơi hám thế nào? Mà cho một phi vụ đánh ngay khu vực đoàn đóng quân. Trong mười mấy quả bom địch ném xuống, có một quả bom đánh trúng ngay giữa sân tập, cũng may mắn lúc nầy anh chị em đều có đầy đủ công sự nên tất cả đều được an toàn. Riêng tôi, chị Việt Bình và Quốc Nam xuống cùng một công sự cách quả bom nổ không đầy mười mét nhưng vẫn bình yên vô sự. Có lẽ, vì đã từng chịu đựng quá nhiều bom pháo như vậy riết rồi cũng quen, nên ngay ngày hôm sau dời sang sân tập khác, tiếng đàn giọng hát lại cất cao, những điệu múa "Đóa hoa hồng", "Hoa đông xuân", "Hái trà bắt bướm", "Trên đường phố"... lại được bắt nhịp đều đặn.

 

Vừa tròn một tháng vừa viết bổ sung vừa dàn dựng, hai chương trình tổng hợp ca - múa - nhạc - kịch đã được hoàn chỉnh.

 

Gần Tết tiết trời se lạnh, nhưng trong lòng chúng tôi thấy ấm áp lạ thường.

 

Đêm phúc khảo chương trình, lãnh đạo Ban Tuyên huấn, Tiểu ban văn nghệ rất hài lòng và cả đoàn vui sướng làm sao! Có tiết mục mới, trang phục, phông màn mới và ánh sáng đèn néon sáng rực sân khấu và sáng rực cả khu vườn dừa, thay vì nước đây mỗi lần biểu diễn phải dùng đèn manchon đốt rọi hoặc đuốc lá dừa. Lúc bấy giờ tư thế đã sẵn sàng, mấy ngày hôm sau chiến dịch tổng tiến công đồng loạt nổ ra long trời chuyển đất, tin chiến thắng dồn dập khắp chiến trường, bộ đội chủ lực đã bao vây thị xã, thị trấn, quân dân du kích đồng loạt bao vây bức rút gọi hàng các đồn giặc khắp nơi trong tỉnh. Ba ngày sau, chúng tôi được lệnh hành quân để chuẩn bị tiếp quản vào thị xã, vai mang ba lô, tay đàn, tay súng hành quân suốt sáng.

 

Theo tục lệ ông bà ta từ xưa đến nay cứ đến mùng ba, mùng bốn Tết là nấu bánh tét để cúng tổ tiên ông bà và trời đất, nhưng năm nay lại phá lệ, bánh tét được gói trước Tết, các mẹ các chị cùng đoàn thể lại gói thật nhiều, từng đống, từng đống bằng căn nhà chất khắp nơi trên đường vào thị xã để làm lương thực cho bộ đội, dân công và các lực lượng tổng hợp chuẩn bị vào tiếp quản.

 

Suốt năm ngày đêm tấn công đồng loạt, bộ đội ta đã vào thị xã, thị trấn chiếm những điểm xung yếu của địch, ngụy quân hoang mang hoảng sợ, số ra hàng, số đào ngũ, số còn lại co cụm chờ tiếp viện và chờ mệnh lệnh của đầu não cấp trên.

 

Tại thị xã Bến Tre, tình thế quá nguy ngập, không còn con đường nào khác, quân Mỹ phải dùng bom đạn ác liệt nhất, kể cả bom Napan để đối phó và dùng trực thăng đổ một đại đội quân Mỹ xuống cầu Cá Lóc để cứu nguy cho quân ngụy đã gặp sự giáng trả quyết liệt của bộ đội ta.

 

Điển hình là trung đội đặc công Thủy, đánh chiếm bãi thiết xa khi địch chi viện phản kích, các đồng chí ta chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, rồi nhảy lầu hy sinh không để cho địch bắt. Và còn, còn biết bao gương anh hùng khác...

 

Về phía đoàn văn công giải phóng, suốt hai ngày đêm nằm bên kia bờ sông Bến Tre thuộc Mỹ Thạnh An, trực chiến để chờ tiếp quản, nhưng gặp phải sự phản kích ác liệt của địch chúng tôi liền chia ra thành hai đội xung kích vào Phú Hưng, Tú Điền và một số điểm quanh thị xã, để phóng thanh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, động viên và con góp công, góp sức cùng bộ đội quyết tâm giải phóng thị xã, đồng thời cũng tuyên truyền kêu gọi binh sĩ ngụy hay xbỏ súng về với nhân dân với cách mạng để được cách mạng khoan hồng.

 

Cũng từ chiến thắng nầy, một loạt bài hát mới được ra đời: "Gởi về thành phố thân yêu" của nhạc sĩ Quốc Bửu, "Tiểu đoàn 516", "Người mẹ xứ dừa" của nhạc sĩ Lan Phong, "Cô du kích vùng ven" của nhạc sĩ Quốc Nam...

 

Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân, tuy ta chưa giành thắng lợi hoàn toàn, là do ta chưa đánh rã được đầu não của địch, trong khi đó tiềm lực chiến tranh của quân Mỹ còn quá lớn so với ta, nhưng đây là bước ngoặt quan trọng về quân sự, đánh dấu sự phát triển về chiến lược quân sự của Đảng và ý chí chiến đấu của quân và dân ta, cũng là tiền đề của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

 

Chặng đường từ mùa xuân Mậu Thân đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cường độ chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn, hiểm nguy, gian khổ và sự hy sinh cận kề trước mắt, nhưng với tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa không chùn bước trước hiểm nguy, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà Đảng và nhân dân giao phó.

 

Gần ba mươi năm, sau ngày giải phóng, có người mất, người còn, người đã nghỉ hưu, người còn làm việc tiếp tục sự nghiệp, người phải bỏ dở nửa chừng vì lý do gia cảnh phải làm việc khác, ngưng vẫn gắn bó, yêu thương, ấm áp tình đồng chí, đồng đội năm xưa trong những lần họp mặt.

 

Những em bé tuổi mười ba, mười bốn của đoàn ngày nào nay đã là "ông nội", "bà ngoại". Cuộc sống tuy chưa thật đủ đầy nhưng rất đầm ấm, hạnh phúc, vui tươi theo nhịp sống của mùa xuân mới, nhưng sao lòng tôi vẫn thấy ngậm ngùi vì thiếu vắng chín đồng chí đã ra đi không còn nữa.

Vĩnh Xuân
Số lần đọc: 2536
Ngày đăng: 26.01.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tết cố hương - Thanh Giang
Bữa cơm gạo mới - Thanh Giang
Bửu Chỉ, người chiến sĩ, chiến sĩ quả cảm - Võ Quê
Thời tiết Huế - Võ Quê
Nhớ đất - Nguyễn Ngọc Tư
Một mái nhà - Nguyễn Ngọc Tư
Mùa xoài - Lâm Triều An
Dòng sông quê mẹ - Trần Minh Trường
Cá rô lội ngược - Võ Ðắc Danh
Mùa trái mắm - Võ Ðắc Danh
Cùng một tác giả