Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.133
123.140.906
 
Chạm Bóng – Chạm Vào Cõi Nhân Sinh
Trần Hoài Anh

( Đọc tập thơ Chạm bóng của Đinh Tấn Phước – Nxb. Hội Nhà Văn, 2009)

 

Chế Lan Viên, một thiên tài thơ ca, ngay từ buổi đầu cầm bút làm thơ đã từng lặn sâu vào cõi hư vô của thế giới “Điêu tàn” * . Nhưng rồi, cũng từ trong cõi hư ảo ấy ông đã quay về với cuộc đời, để cảm nhận ý nghĩa nhân sinh của thơ ca theo cách nói đầy minh triết của Chế Lan Viên

 

Dù là Phật

Thì trước khi ngồi trên tòa sen hư ảo

Câu thơ cũng phải xuất gia ra bốn cửa ô cuộc đời có thực,

cuộc đời.

(Sổ tay thơ)

 

Thật vậy, “Thơ đâu phải là con của trang giấy hồng hay trang giấy trắng”( Sổ tay thơ, Chế Lan Viên) mà thơ chính là “con đẻ” của đời. Chạm bóng của Đinh Tấn Phước là thơ đi ra từ cuộc đời, từ sự nghiệm sinh của chính anh trong cõi nhân gian này. Đến với Chạm bóng, tưởng chừng người đọc sẽ đắm mình trong những ảo ảnh, hư hao của chiếc bóng cuộc đời. Nhưng không, thế giới thơ của Chạm bóng là thế giới thơ nhuần thấm cõi nhân sinh. Đó là “mùa cỏ chín/ đốt lòng tro mục” để “bóng cỏ/ soi mình”; đó là một “Nẽo chơi” mà ở đó cái chết cũng là một thực thể của đời sống. “Đêm nay/ ngủ với mộ bia/ chợt nghe/ như đã xa lìa thế gian”; là một “Ngày Đông”; một “Bến đợi”; một “Ngọ môn”; một “Bóng chân cầu”; một “Lối sen”; một “Trăng Qui Nhơn”; một “Hà Nội cũ”; “Thu Hà Nội”; một “Chim Dồng Dộc”; một “Chiều biển Bắc”; một “Chợ phiên”…

 

Chạm bóng là thi giới của những hoài niệm, của tâm thức văn hóa, gắn với những trải nghiệm của cuộc đời thi nhân. Cho nên dù Chạm bóng có những bài thơ gắn với thế giới của mộng tưởng, của tâm linh, của hư ảo thì trong tính hiện thực của nó Chạm bóng vẫn là thơ của một kiếp nhân sinh giữa cuộc đời trần thế.  Vì vậy, dẫu Chạm bóng có viết về một cõi không nào đó thì người đọc vẫn cảm nhận được vị mặn của cuộc đời thấm đẫm trong mỗi tế bào của ngôn ngữ thơ.

 

Thôi em từ giã câu thề

đành như cánh én bay

về cõi không.

(Lúc chết)

 

Và dù Hà Nội có “sương giăng/ có mùa thu ướt sũng” đầy viễn mơ thì ta vẫn thấy hiện hữu giữa lòng Hà Nội bóng dáng một “người lữ hành khập khễnh/ giữa Hà Nội mông mênh”. Như vậy, Hà Nội trong Chạm bóng là một Hà Nội vừa thực lại vừa mộng, vừa hiện hữu lại vừa hư không, vừa gần gũi lại vừa xa xôi và lấp lánh một thứ ánh sáng của những mỹ cảm làm se siết, lãng đãng hồn người.

 

Hà Nội ơi!

Sương giăng!

Chút mùa thu để lại

trọn một nửa cuộc đời

anh có thời lãng đãng

em,

mùa thu xa khơi.

( Thu Hà Nội)

 

Trịnh Công Sơn trong nhạc phẩm  Nhớ mùa thu Hà Nội đã có những ca từ làm xao xác lòng người...

 

Hà Nội mùa thu mùa thu Hà Nội

Nhớ đến một người để nhớ mọi người

 

 

Hà Nội, phải chăng là thế đó!? Hà Nội là riêng của mỗi người nhưng cũng là chung của mọi người. Và điều nầy ta cũng bắt gặp trong những cảm hứng thơ rất đẹp chứa đầy tâm thức hiện sinh trong Chạm bóng.

 

Có một Hà Nội rất cũ

như bờ đê

chiều Yên Phụ

lối mòn gót cỏ

gánh hàng hoa tan chợ đi về

…....

Có một Hà Nội mùa đông

những cây bàng đỏ bầm chết rét

tiếng dương cầm lạnh ngắt

rơi từng giọt

khói,

sương.

...........

 

( Hà Nội cũ)

 

Quả thật, bước vào cõi thơ Đinh Tấn Phước trong Chạm bóng là bước vào một cõi nhân sinh diệu kỳ. Thơ anh luôn có lực hút đối với người đọc như từ trường của sóng điện từ. Ma lực trong thơ anh đầy quyến rũ như một thứ nhan sắc lặng lẽ, nhưng luôn tạo những cơn sóng đam mê nơi người tiếp nhận. Có lẽ đây là hệ quả của chất nhân sinh thấm đẫm trong thơ anh. Và ta sẽ thấy rõ điều nầy khi đọc những đoạn kết ở các bài thơ trong Chạm bóng.

 

Có thể nói sự độc đáo trong thi pháp thơ của Chạm bóng chính là những câu kết trong các bài thơ luôn có sự dồn nén của hiện thực tâm trạng. Nó luôn gợi cho người đọc những trường liên tưởng mênh mang, thú vị và bất ngờ, tạo cho người đọc khả năng đồng sáng tạo với thi nhân. Bởi cấu trúc trong các câu kết của mỗi bài thơ bao giờ cũng là một cấu trúc mở, gợi thức cho người đọc những chân trời của sáng tạo và cảm nhận. Có thể nói, đây là một thành công đáng ghi nhận trong Chạm bóng.

 

Tôi muốn dẫn ra đây một số câu kết ở các bài thơ để chúng ta đọc và suy ngẫm. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với cảm nhận của tôi. Nhưng tôi tin bạn sẽ có cảm giác rất lạ khi đọc những câu kết ở các bài thơ này. Đó là những bài thơ tuy đã kết thúc nhưng ý tưởng trong thơ thì cứ mãi ám ảnh chúng ta như một thứ kinh cầu.

 

Chắp tay

một tiếng Di Đà

về xin khổ hạnh

ta bà

Chốn tu!

(Thiên An Môn)

 

Hay một kết thúc thật bất ngờ… trong Bến đợi

 

Khản giọng gọi đò

anh sương giá

đợi em.

( Bến đợi )

 

Và  một kết thúc đầy thảng thốt trong Ngọ môn

 

Sương lan

hương nhãn

Sững sờ .

( Ngọ môn )

 

Còn đây là một kết thúc đầy xa xót khiến ta không khỏi se lòng khi đọc Bóng chân cầu

 

Chiều đứng ngóng sông xưa

Con nước xuôi đã lâu

về biển,

anh

riêng vẫn đổ

bóng chân cầu

Giờ em ở đâu?

( Bóng chân cầu )

 

Đọc những câu thơ như thế, tôi cứ thấy lòng mình rưng rưng…thê thiết!? Phải chăng những câu thơ nầy đã chạm đến cõi thẩm sâu trong tâm hồn chúng ta, nó hiện hữu giữa cõi nhân gian nầy như những thông điệp đầy tính nhân văn, kết nối tâm hồn con người. Thế giới thơ trong Chạm bóng là thế giới thơ chạm đến những giá trị nhân bản  của cuộc đời. Đọc Chạm bóng ta không chỉ bắt gặp những câu thơ giàu chất trữ tình mà còn có những câu thơ đầy chất triết lý nhân sinh mà nếu không có sự trải nghiệm cuộc sống, thi nhân không thể nào viết được những câu thơ “Đời” đến như thế !?

 

Bây giờ nụ cười đã khác

mùi phấn son cũng khác…

Chỉ có cỏ còn nguyên

màu đắng

chim áo già

vẫn cất giọng chàm nâu.

......

Giờ mọi cái đều ảo

Chỉ có tiếng trẻ con là thật

em cứ về đi!

(Bây giờ)

 

Và như vậy, có thể nói, thơ Đinh Tấn Phước trong Chạm bóng là thơ của một cõi nhân sinh mà ở đó ta có thể tìm thấy mọi bình diện của đời sống với tất cả sự hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục... Đến với thơ Đinh Tấn Phước trong Chạm bóng là đến với một tiếng gọi thao thiết từ những dâu bể của cuộc đời vốn đầy bất an. Ở đó ta không chỉ tìm thấy được hình bóng cuộc đời mà còn chạm đến những nỗi đau nhân tình thế thái của phận người trong cõi nhân gian. Vì vậy, nếu Phạm Thiên Thư với Ngày xưa Hoàng Thị là người suốt đời đi tìm bụi đỏ, thứ bụi đỏ của thân phận và tình yêu thì Đinh Tấn Phước là người suốt đời tìm  bóng, cái bóng hiện hữu và hư vô của bản thể và của kiếp nhân sinh!?

 

Nhưng làm sao chúng ta có thể chạm được bóng của mình khi vẫn còn hiện hữu trên đầu ta bóng tối và ánh sáng, ngày và đêm… Chiếc bóng ấy mãi treo lơ lững giữa cõi nhân gian như một thứ định mệnh. Vì thế, đến với Chạm bóng chính là đến để chạm vào một cõi nhân sinh. Và Đinh Tấn Phước, một thi sĩ luôn khao khát sống mãnh liệt giữa cuộc đời như tính cách của anh cũng là một người luôn khát khao đi tìm chiếc bóng của chính mình. Và may mắn cho anh, cũng là hạnh phúc cho anh vì là một thi sĩ, cho nên dẫu anh không tìm được chiếc bóng của mình giữa cuộc đời đầy nhiễu nhương này thì anh cũng đã tìm được chiếc bóng của mình trong thơ bằng một tình yêu bất tử với thơ khi anh đã thật sự đốn ngộ:

 

Giờ thu mấy độ

sương mờ

Cây rơm chất đầy ngọn gió

anh đã bỏ sau lưng mọi thứ

trừ thơ.

(Bây giờ)

 

Sài Gòn, Những ngày mưa tháng 7 - 2011.

 

Chú thích:

* Tên một tập thơ của Chế Lan Viên

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 3535
Ngày đăng: 22.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngoảnh Lại 15 Năm... - Hoàng Hưng
Để Có Thể Ăn Xà Bông ! - Nguyễn Đông Nhật
Lý Luận - Phê Bình Trong Ngòi Bút Trần Hoài Anh - Lê Tú Anh
Lời Tiên Tri Của Giọt Sương – bản hợp xướng với những tấu âm lạ... - Nguyễn Hữu Tình
Phiên Bản Của Một Nỗi Buồn - Lê Huỳnh Lâm
Giấc Mơ Trên Bọt Sóng - Nguyễn Đông Nhật
Bùi Huy Phác - Cát Bụi Thân Một Hạt - Nguyễn Khôi
Cảnh Giang, Tình Thơ Trầm Tích - Ngô Minh
Mô tả Đậm đặc trong truyện ngắn của Lưu Thủy Hương - Lê Hải*
Điểm sách 1Q84 của Haruki Murakami - Nguyễn Thị Hải Hà
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)