Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.239
123.154.462
 
Cái tình tang
Tống Phú Sa

Tiếng kèn đám ma eo óc, tiếng nhị rưng rức và những âm thanh cắc bụp từ tiếng trống căng chùng mặt da tạo nên những âm thanh hổn tạp và buồn  seo thắt…Lão nói, bọn lão, dăm bảy kẻ chằng đụp vá víu nhau, sống tạm bợ trong căn lều  dưới dốc Bọ Trai. Đi một quãng ngắn là bãi đá mênh mông , là nơi cho bọn lái gỗ đổ hàng mỗi lần xuôi từ miền thượng về. Dòng sông ngập tràn cả bãi đá vào những ngày nước lên. Phù sa ngầu đục, đỏ òng phết những đường dài lên cây cối dọc hai  bờ sông. Vào mùa mưa, nước cuộn cuộn gầm thét, tưởng chừng cuốn trôi cả bãi đá và cây cầu lừng lững bắc qua sông.

 

Lão nói, đời lão cực hơn cả con chó hoang  sống chặp vìu ngoài bãi rác. Lão và thằng con bốn tuổi khi buộc phải rứt ra khỏi căn nhà đó đã quây lều sồng bầy bừa bên cạnh khu nghĩa địa. Dưới dốc là bãi rác. Ở đó, lũ chó hoang nhiều vô kể, chúng hơn lão sự tinh mắt, thính mùi và nhanh nhẹn. Vì vậy, chúng đánh chén hết những thức ăn thừa như thịt hộp, cá biển rim mật, có khi là nửa ổ giò đã bốc  mùi. Khi cha con lão tay bị, tay gậy lê được đôi chân tím bầm đến nơi thì lũ chó đã no nê, lười biếng nằm ghếch mỏm gặm những khúc xương bò khô quắt. Lũ chó cái xổ bộ lông tướp táp, gầm gừ trong cổ họng xua đuổi cha con lão.

 

Những ngày mưa gió xập xìu, cha con lão ôm nhau nhịn đói trong căn lều thưng bằng nứa bóc đập dẹt lấy từ những chiếc mả mới chôn. Bầy chó hoang tru lên từng hồi. Cái lạnh thấu xương ở một triền đồi hun hút gió khiến lũ chó chịu không thấu. Chúng lần lượt bỏ bãi rác. Chỉ còn cha con lão và con chó cái già què một chân là trụ lại. Một chiều, con chó cái già ngoặm nửa ổ bánh mì, mon men đến gần lều . Đêm ấy, thằng bé sục cả hai tay hai chân, úp mặt vào bầu vú thỏng thẻo của con chó cái, ngủ say giấc.

 

Con chó sống với cha con lão được nửa năm thì bị  bả chết. Lão bỏ bãi rác và khu nghĩa địa, dắt thằng con đẹn sài, gầy tóc teo ra bến thuyền dưới dốc Bọ Trai. Chủ thuyền nhận lão làm chân chạy “cát”, nhưng  trừ ba mươi phần trăm lương vì có mang theo “của nợ”. Dù vậy, lão cũng thấy mãn nguyện vì từ nay con lão có nhà để ở, có miếng cơm của người để ăn. Thằng bé nhanh nhẹn, theo cha ngược thuyền lên mạn ngược để hút cát, xuôi  chợ ven sông mua thức ăn cho hai cha con. Mỗi chiều nắng đẹp, khi thuyền đã đầy ắp , cha con lão lại xuôi dòng về bãi đá dưới dốc Bọ Trai. Thằng bé ê a đánh vần, thuyền bẻ lái, lướt nhẹ thênh thênh. Ráng chiều hắt lên mặt sông những tia rực rỡ, xuyên thủng mạn thuyền, phơn phớt trên hai gương mặt, một gìa, một trẻ.

 

Ngày giữa tháng, nước sông bãi đá lên nhanh. Thuyền của  lão chưa kịp đổ hàng, neo lại giữa dòng nước mênh mông. Con thuyền gỗ chao lắc cùng những đợt sóng tấp vào mạn . Lão điếng người khi những bụm nước lớn lè lưỡi  và dốc tuột từng ang nước lớn vào thuyền. Mũi thuyền chúi xuống, sức nặng của hàng chục tấn cát nhanh chóng kéo con thuyền, chìm dần, chìm dần.

 

Lão kẹp thằng con vào nách, tay bám riết lấy đuôi thuyền. Người lão cứng đờ vì lạnh, nhưng lão vẫn còn đủ tĩnh táo để nghĩ cách vào bờ. Những ngày nước lên tràn bãi đá thường là những ngày mưa lạnh xập xìu, người có mặt ở bến sông cũng đã nhanh chóng rúc vào chăn để ngủ. Lão phải bơi vào bờ trước khi con thuyền chìm hẵn.

 

Nước rút. Người ta phát hiện ra lão ngất lịm trên bến thuyền. Thằng con trai sáu tuổi nằm gọn trong cánh tay gầy tím tái của lão. Đứa bé đã chết từ lúc nào, mái tóc lơ phơ bết nhèo, cặp mắt mở to hoảng sợ. Lão chôn cất con dưới ghềnh đá, bỏ nghề xúc cát, quây lều sống dưới dốc Bọ Trai, cách mộ  con một quãng. Lão sống dặt dẹo, buồn teo tái từ ngày thằng bé mất. Lão ăn ngủ vạ vật, khi nhớ con, lão lôi kèn nhị lên mộ , nỉ non ai oán đến đói lã. Lâu dần, lão quen nghề, kiếm thêm mấy anh em có cuộc đời buồn như đời lão, sống  bằng nghề kèn trống đám ma eo óc, não ruột.

 

Một dãy lều bạt vá chằng đụp của dân cửu vạn, của kẻ ăn mày khắp xó xỉnh , của lão và đám bạn tứ cố vô thân. Ở chổ lão không khi nào đỏ lửa, bọn họ ních bất cứ thứ gì vào bụng rồi tha xác về lều. Buồn nhất là những ngày tết, không có đám ma để kèn trống, cửu vạn không người  thuê, cả bọn nằm chòng queo, đói rã cả họng. Những ngày ấy, lão là người  buồn nhất. Lão nhớ con, lần mò ra mộ ngồi kéo nhị đến bong cả hai bàn tay. Lão thảng thốt nhìn ra bãi đá mênh mông, thằng con trai bạc mệnh của lão đã vì lão mà chết. Giá ngày ấy lão cứ để cho mụ vợ giữ thằng bé ở lại, giá lão đừng thương nó …giá như… thì nó đâu có đi sớm như vậy.

 

Lão nói, đời lão cực hơn cả con chó hoang  sống chặp vìu ngoài bãi rác.Vướng vá chi vào đời tui cho tủi phận,Bảy à!!!

 

 

*

Ấy là lời lão nói khi gặp chị trong đám ma nhà Tám Nghĩa. Ở thị xã nhỏ như lòng bàn tay, chưa đi đã gặp con đường xuất phát, không ai không biết đến nhà hàng Tám Nghĩa. Cơm bình dân, rẻ tiền và ngon miệng…Bàn ghế, đồ ăn, đồ uống sạch như lau như li. Khách ăn uống mùa nào cũng đông nghịt, ông chủ Tám Nghĩa ngồi xe lăn chỉ huy đám con cháu lên thực đơn, đặt hàng, chế biến món ăn và ghi sổ sách.

 

Bảy được thuê về làm ôsin khi Tám Nghĩa bị liệt hẵn hai chân sau một trận ốm thập tử nhất sinh. Trong kiếp người làm thuê của mình, Bảy đã làm đủ việc, đi đủ nơi . Nhà Tám Nghĩa là nơi chị ở lại lâu nhất. Hàng ngày, ngoài việc lau chùi, dọn dẹp, chị  có nhiệm vụ chăm sóc cho Tám Nghĩa. Cơm nước của ông chủ, chị phải đưa vào  tận phòng. Sáng,  khi có chuông báo cửa, chị vào phòng dọn dẹp và giúp Tám Nghĩa vệ sinh cá nhân. Tám Nghĩa kẹt xỉ, trả công cho chị bao giờ cũng thấp hơn bên ngoài. Dù vậy chị vẫn ở lại vì đây là nơi có thể giúp chị tìm ra gốc gác của mình.

 

Đám ma Tám Nghĩa làm lớn. Trống chiêng, kèn nhị eo óc kéo chùng không gian buồn thảm , não ruột của sinh li, tử biệt. Chị Bảy bận tối mắt, lũ con cháu réo gọi chị khi cần bất cứ thứ gì. Chị như một con chó trung thành và thạo việc, cung cúc từ sáng cho đến tối mịt. Khi đói lã, không còn sức để lấy cho cô Cả cốc nước, cậu Hai điếu ba số, cô Tư thỏi son môi chị Bảy mới nhớ ra là từ sáng đến tối chị chưa ăn  gì. Chị Bảy vào bếp, vục đầy bát xôi còn thừa trong mâm, cho phép mình ngồi mé một góc giữa bộn bề tang lễ, vừa ăn vừa đưa mắt nhìn đám kèn trống  đang nỉ non phía dưới quan tài.

 

Lão nhìn chị, đôi mày rậm rì nhướng lên, đuôi mắt nheo khẽ nháy . Chị cúi xuống bát xôi, đôi đũa tre gẩy gẩy. Phía bên kia, lão đi một “đường” nhị buồn nẫu ruột. Đôi bàn tay thuần thục tạo ra âm thanh chao chát. Chị Bảy nghe lạnh ướt sống lưng, đôi mắt ngước lên, quả quyết nhìn thằng người kéo nhị. Âm thanh không thay đổi cung bực, riết róng trong không gian nhuốm màu tử khí.

 

Chị nghĩ, làm nghề như lão thật kì. Quanh năm suốt tháng  tiễn đưa người chết, đời u ám như rong rều ngoài bãi đá. Làm nghề kèn trống  thức thâu đêm, phải tấu lên những bản nhạc buồn để đưa người đã khuất lên đường. Đã hai đêm, lão không chợp mắt. Khuôn mặt đen xạm, tứ chi dài ngoẵng, râu ria lởm chởm và một mái tóc bết bát, bẩn thỉu. Lão và đám bạn tứ cố vô thân quây lều sống chằng đụp ngoài bãi đá húp xì xụp bát cháo gà  loãng mà gia chủ nấu để bồi dưỡng cho những kẻ canh quan tài, tấu nhạc tiễn đưa người chết. Chị Bảy ngồi nhìn họ ăn, chắt vào bát lão miếng tiết gà to tổ bố. Lão thèn thẹn nhìn chị như biết ơn, rồi cúi xuống xì xụp…

 

Sau đám ma ở nhà Tám Nghĩa, lão và chị Bảy qua lại thân thiết. Đám con nhà Tám Nghĩa không chịu được chuyện tình tang “ phải gió” của hai kẻ già đã đuổi chị đi. Chị Bảy được thuê trông trẻ nhỏ, chị đi hết nhà này sang nhà khác, nhiều thì hai năm, ít thì dăm bảy tháng.

 

Lão kiếm chiếc xe đạp cũ, chạy trên đường kêu rào rào như máy tuốt. Khi không có việc, lão lại đạp xe loanh quanh rồi đến chỗ chị , nói vài câu chuyện vu vơ rồi đi. Chị thường dúi vào tay lão khi thì gói thuốc lào, khi hộp dầu gió, nhiều khi là dăm chục ngàn. Chị Bảy mừng rơn vì có được người thân . “ Anh Năm đừng nghĩ ngợi nhiều. Tui coi anh như anh trai tui. Thỉnh thoảng anh lại tui, cho tui đỡ tủi”. Chị Bảy nghèn nghẹn. Từ bữa đó, chị khoe với mọi người là đã tìm được gia đình . Năm kèn trống đám ma là anh trai của Bảy. Năm kèn trống đám ma là người thân mà Bảy thất lạc từ ngày chào đời. Kiếp ở đợ của Bảy thật không uổng phí. Bảy đã có được người thân, một người thân mà cả đời Bảy khao khát để được chìu chuộng, lo lắng.

 

Cả dãy nhà trọ nơi Bảy trông trẻ tíu tụm nhau lại kể về chuyện của Bảy. Khi chiếc xe cà tàng của lão xuất hiện đầu lối ngõ, bọn trẻ nít đã réo ầm lên “ Cái tĩnh là cái tính tang/ đi xe cà tàng…”. Bảy buồn, lẳng lặng bế đứa trẻ lui cui đầu chái bếp, nước mắt chảy vòng quanh ướt bầm má. Rồi chị thơ thẩn đứng nhìn theo chiếc xe đạp đã khuất không còn bóng. Chiếc áo bông chiều nay anh Năm kèn trống mặc hình như chỉ còn hai chiếc cúc. Giá mà chị có thể khâu lại để anh đỡ cực.

 

Từ bữa ấy, lão không tìm đến chỗ Bảy như mọi lần. Lão biết, đời lão cực hơn cả con chó hoang sống chặp vìu ngoài bãi rác, nhưng lão sống trung thực và ngay thẳng. Lão sợ vì mình mà Bảy mang tiếng, lão sợ mồm miệng của kẻ đủ đầy và nhàn rỗi. “Thôi Bảy ạ, cực một mình tui chịu, Bảy vướng vá vào tui chi cho tủi phận. Nhà tui dưới dốc Bọ trai, dưới là bãi đá với  đám rều cong vêu bên dòng sông ngầu nước. Lúc nào có việc, Bảy đến đó tìm tui nhé ! Đời tui cực lắm Bảy ơi, cực hơn cả con chó hoang sống chặp vìu ngoài bãi rác. Vướng víu vào tui chi cho tủi phận, Bảy à !!!”

 

*

Bảy nói, cho Bảy thêm mấy phong bao lì xì để tết nay Bảy chúc phúc cho anh Năm Bảy và bạn bè của anh ấy. Bảy nói, Bảy cần mấy ký nếp để gói bánh chưng và ít dưa hành để cất mâm cúng thầy mẹ… Bảy nói…

Chị đi giữa phiên chợ tết với chiếc áo len xanh cổ tim chưa bao giờ mặc. Mái tóc túm ngược bằng một tấm voan mỏng, trông chị trẻ trung và đầy cả quyết. Chị xưng Bảy với mọi người, chị nhắc đến anh Năm kèn đám ma một cách dịu dàng. “Anh ấy là anh trai tui, phước phận mấy đời mới giúp tui tìm lại được anh ấy…”. Chị vừa khoe với mọi người, kể cả người mới gặp lần đầu, vừa như phân trần. “ Gớm, cô Bảy năm nay sắm tết to nhỉ, cô Bảy nhớ ghé nhà tui xem mặt thằng bé nhé. Bây giờ nó phổng phao phải biết”. Chị Bảy cười, với ai chị cũng hứa nhất định sẽ ghé vào để thơm vào má thằng cu, cù vào bụng nó để hít hà không khí của một gia đình.

 

Chị Bảy sắm tết. Đầy đủ hương hoa, bánh trái, rượu thịt…Chị còn phá lệ mua cho anh Năm một chiếc áo mới để diện . Đây là lần đầu tiên trong đời Bảy sắm tết. Những năm trước, nếu chủ  về quê thì Bảy ở lại trông nhà, ăn uống qua quýt rồi lấy chổi lau chùi khắp các phòng. Nếu chủ ở lại thì Bảy cung cúc phận sự của một ôsin. Có người thương, qua tết thưởng cho Bảy vài ba trăm, còn không thì đó là bổn phận của Bảy.

 

Con đường mòn dưới dốc Bọ Trai tím ngàn ngạt một màu hoa cỏ may. Trời lây phây. Xa xa, dòng sông cuộn mình, thở ì ạch trong màu nước ngầu đục, lạnh giá. Những ngày giáp tết, bãi đá buồn rũ, eo óc như không còn sự sống. Phía bên kia, dưới dốc Bọ trai là căn lều quây tạm bằng đủ thứ chắp vá nhặt được trên bãi sông đỏ óng  phù sa. Những kẻ làm nghề cửu vạn đã về quê để ăn tết, chỉ còn lão và mấy anh em làm nghề kèn trống tứ cố vô thân nằm lại trong căn lều, đói khát và buồn tủi chờ mấy ngày tết qua đi.

 

Bảy đến. Con đò bất chợt buông neo. Dòng sông dịu dàng uốn chảy. Đám mây rưng rưng nước bất chợt dạt về phía cuối chân trời. Ánh sáng tươi vui, rộn rã đổ dọc triền sông.

 

Chị Bảy long lanh ánh mắt:

- Tết này nhờ có anh Năm và các chú mà Bảy có được một mái nhà. Các chú mỗi người một tay, ta sửa sang để đón tết thật vui.

 

Chị Bảy nói cười rổn rảng, mặt ửng đỏ như tô son. Chị lấy ra nào kéo để bọn đàn ông cắt gọt lại mái đầu bờm xờm, mua xà bông để tắm táp kì cọ đón năm mới, mua hương hoa để đặt lên bàn thờ, mua vài tờ tranh để treo lên chổ thủng trong lều…Chị đi một vòng, cơ man nào là rều, cong vêu dưới bãi đá. Chị nhóm lửa, lửa reo vui trong bếp, nổ lép bép những âm thanh nghe thật vui tai . Anh Năm và đám kèn trống  tắm táp, kì cọ trông ra dáng người, xúm xít vui vẻ. Lão nói:

- Nhờ em Bảy mà anh em ta có tết, thật vui không có gì bằng. Tôi quyết định sang năm, chúng ta phải làm ăn đàng hoàng . Ta phải sửa sang lại nhà, lợp thêm chái bếp, phải tự nấu nướng, không ăn uống vầy và . Các chú nghĩ sao?

 

Bọn họ nhìn Bảy, vỗ tay ràn rạt.

- Nhưng anh Năm cũng phải hứa với tụi tui là không để cho chị Bảy buồn. Anh    Năm phải…

Lão cúi mặt, vành tai đỏ rần. Lão nói lí nhí “ Bậy bạ, cô Bảy là em gái tui…”. Bảy nghe hết chuyện bọn họ nói,di di thanh củi xuống nền nhà, nói đỡ :

- Sang năm, các anh làm ăn cho đàng hoàng, tết tới, tui lại mua bánh trái góp vui,

anh Năm hé !

 

Bảy tránh ánh nhìn đằm đượm của anh Năm, chui ra khỏi lều, xách rổ đi dọc bãi đá. Những hòn đá được chuốt trơn láng, mịn mượt nằm xếp chồng lên nhau. Bảy cảm nhận được những linh hồn đá đang đùa nghịch trên dải đất phù sa phía bên kia. Bảy nói, Bảy đã có gia đình. Linh hồn đá hôn lên má Bảy, rồi theo con gió lướt theo triền sông …

 

Bảy nhặt đầy rổ những thanh củi theo nước dạt vào. Chị xếp chúng gọn ghẽ vào phía sau căn lều, tạo cho căn lều tạm bợ sự vững chãi và kín đáo. Đám đàn ông tròn mắt nhìn Bảy, họ thực sự chộn rộn khi nhìn sự sống mới đang theo bàn tay Bảy về với căn lều quây tạm của anh em họ dưới dốc Bọ Trai. Lão rưng rưng khoé mắt, nén nhang thắp trên mộ thằng bé bập bùng cháy. Lão lùi ra xa ngắm nghía làn khói len lên từ mái lều, ngắm dáng đi tất bật của Bảy giữa bộn bề công việc.Bảy nói, anh Năm à, phía dưới  bãi đá còn đất để trồng bầu bí, trồng dưa …có thể trồng ít giành mạ để lấy lúa nuôi dăm con gà đẻ. Mùa nước lên thì đóng bè thả dây muống, sau này khấm khá hơn thì thả lồng nuôi cá, thả bầy vịt ăn hến, ăn giắt dọc bờ sông,  anh Năm à !

 

Chiều ba mươi tết bất chợt trời quang sáng. Những tia sáng dịu dàng của mùa xuân đổ tràn trên bãi đá, nghe lao xao trong gió những âm thanh ngọt ngào của hạnh phúc giản đơn. Bảy nép dọn nhà cửa, anh Năm che tạm chổ ngủ cho Bảy, ưu tiên Bảy tấm chăn bông duy nhất. Bảy quýet đi quýet lại xung quanh nhà, sắp đá thành một chiếc bàn ăn, bày lên đó một chai rượu trắng và đĩa lạc rang. Nồi bánh chưng sôi ùng ục trong tiếng lửa reo tí tách. Mấy anh em ngồi quây quần bên bếp lửa. Mắt ai cũng cay xè. Thỉnh thoảng, có một người đứng dậy cầm rổ đi nhặt củi dưới bãi đá. Ấy là lúc đôi mắt cay không chịu nỗi, phải vục nước dưới sông phả lên mặt, để rồi  mặc dòng nước mắt không kìm nén tuôn rơi!

 

 

*

Bảy nói, đời Bảy còn cực hơn cả anh Năm. Bảy không muốn nhìn thấy anh Năm buồn . Sang năm, thỉnh thoảng Bảy lại đến trồng dây bầu, dây bí, ấp ìu ổ gà con, quang gọn nhà cửa giúp anh Năm.

 

Bảy đón xới đầy ụ những bát cơm bốc khói trong ánh mắt đằm đượm của  Năm kèn trống. Nụ cười Bảy long lanh, Bảy nói, nói cho một mình Bảy, rằng con Bảy trông trẻ, con Bảy ở đợ đã có gia đình.

 

Bất chợt, gò má Bảy nóng ran. Ngoài kia, dòng sông dịu dàng dâng con nước, bầu trời tách vỏ, dốc Bọ Trai  tím ngàn ngạt một triền cỏ may!!!

 

Những ngày mưa lạnh

13/12/2011

Tống Phú Sa
Số lần đọc: 1458
Ngày đăng: 22.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giông tố - Huỳnh Văn Úc
Hai Người Chưa Gặp - Nguyễn Thị Hải Hà
Đặng Phùng Quân - Vũ Ngọc Anh
Trăng Sáng Trên Núi Trường Úc - Võ Xuân Phương
Chia Tay - Lê Văn Thiện
Chuyện giếng nước Samari /Niêm hoa vi tiếu - Vũ Ngọc Anh
Người Tình - Nguyễn Hữu Tình
Gái - Nguyễn Hữu Tình
Buồn Quán Nhỏ - Hà Thúc Sinh
Chết - Ngọc Châu
Cùng một tác giả
Cái tình tang (truyện ngắn)