(Kyodo News/AP Photo)
Jean-Nicholas Fievet, ABC News, 20-12-2012, Trần Ngọc Cư dịch
Người dân Bắc Hàn thương khóc Kim Jung Il có thể là thực lòng, nhưng đó cũng là vấn đề sinh tồn của họ
Truyền hình Bắc Hàn mấy hôm nay liên tục chiếu những đoạn video làm thế giới phải sửng sốt về cảnh người dân công khai thương khóc cái chết của “Nhà lãnh đạo kính yêu” Kim Jong Il, mô tả nhiều nhóm gồm cả đàn ông lẫn đàn bà vật vã khóc than, cơ hồ đang chịu một nỗi đau thương tràn ngập không có gì an ủi được. (Xin bấm vào Đây để xem video).
Cách biểu dương tình cảm này nom giống như một cơn điên loạn tập thể (mass hysteria), làm cho chúng ta phải lấy làm khó chịu khi nhìn vào.
Những hình ảnh này khác thường đến độ nhiều người ở ngoài cái vương quốc kín mít kia phải lấy làm thắc mắc là liệu sự thương tiếc này có thành thực hay không, hay người dân Bắc Hàn chỉ giả vờ dưới sức ép của một trong những chế độ toàn trị cuối cùng trên thế giới.
Sự sùng bái cá nhân vây quanh Kim Jong-Il, và sự thần thánh hóa gia đình ông ta khiến cơn sốc mà người dân cảm nhận từ cái chết của ông là có thực, theo ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu về tình hình Bắc Hàn.
“Dân chúng được giáo huấn từ những năm đầu đời là phải coi Kim Jong Il, cũng như cha ông là Kim Il Sung trước đó, như thần thánh”. Đây là ý kiến của Mike Chinoy, nghiên cứu trưởng tại Viện Mỹ-Hoa (the U.S.-China Institute) thuộc Đại học Nam California và là tác giả của cuốn Meltdown: The Inside Story of the North Korean Nuclear Crisis (Tan chảy: Nội vụ của cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn).
“Toàn bộ hệ thống chính trị được tổ chức xoay quanh sự sùng bái họ Kim -- một sự tôn sùng mà quần chúng phải dành cho lãnh tụ, bộ máy tuyên truyền dạy người dân rằng mọi thứ trên đời sở dĩ có được là nhờ lòng nhân từ của vị lãnh tụ ấy”, ông Chinoy giải thích. “Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi cái chết của họ Kim là một cú sốc sâu xa và gây giao động đối với đại đa số người Bắc Hàn”.
Ta cũng không nên lấy làm ngạc nhiên khi sự khóc than này diễn ra như một sinh hoạt tập thể, vì cứ lẽ thường quan hệ giữa xã hội và nhà nước được tổ chức thông qua các cuộc tập hợp quần chúng, các đại hội thể thao và ca múa. Cũng làm tăng thêm sự phức tạp này là sự kiện người Triều Tiên nói chung là rất cảm tính, với phong tục lâu đời là phải “khóc than công khai” (public lamentation)” ở các tang lễ gia đình.
Tuy nhiên, người dân Bắc Hàn cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tham gia vào màn tuyên truyền được dàn dựng cao độ này.
“Người dân Bắc Hàn biết rằng vì lợi ích của chính bản thân họ mà họ cần được người khác nhìn nhận là họ đau khổ đến tận cùng về cái chết của Kim Jong Il, vì thế họ chỉ làm cái điều mà người ta trông đợi ở họ”, Donald Gregg, một cựu Đại sứ Mỹ tại Nam Hàn, đã nhận xét như vậy. “Chính cái khuynh hướng cảm tính tự nhiên của họ giúp họ khóc than dễ dàng đến vậy”.
Một cựu viên chức Bắc Hàn đào ngũ đã mô tả sự suy tra đến lạnh gáy liên quan đến phản ứng của người dân đối với cái chết vào năm 1994 của Kim Il Sung, cha của Kim Jong Il và là người lập ra nhà nước Bắc Hàn.
“Đảng đã cho tiến hành các cuộc thăm dò để thấy ai là người bày tỏ niềm đau đớn nhiều nhất, và lấy đó làm một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá lòng trung thành của các đảng viên”, Hwang Jang Yop, cố viên chức Bắc Hàn đào ngũ, đã viết như vậy. “Các bệnh nhân nằm nán lại trong bệnh viện và các người uống rượu và tỏ ra vui mừng thậm chí sau khi nghe tin lãnh tụ của họ qua đời đều bị lôi ra để trừng trị”.
Nguồn: ABC News