Ngựa trắng nằm phơi thân trên mỏn đá xanh
Ngựa hồng lang thang vào bão cát
Mây nổi bọt đầy trời
Mỵ Châu ơi, Mỵ Châu !
Biển đau quặn sóng xô gầm vỡ đá
Đỗ Quý Toàn
Những chiếc lông ngỗng từ tay Mỵ Châu vẫn còn bay lang thang trong suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử. Cái màu trắng lạnh lẽo ấy thực tương phản với màu đỏ nóng bỏng vọt ra từ chiếc cổ thanh tân.
Những giọt máu của nàng cũng đã mấy ngàn năm vẫn không tan theo bọt sóng mà lại hóa thân thành những hạt ngọc trong lòng những con trai biển.
Mây nổi bọt đầy trời và biển đau quặn sóng
Đất trời rung động vì đây là một cái án oan thiên cổ.
Chiều Cổ Loa! Hàng ngàn cái trống đồng muốn vỡ toang vì reo mừng thắng trận. Quân Triệu Đà nằm chết chồng chất dưới mặt thành. Nhưng chỉ ít lâu sau, cũng tại kinh thành này, một đám cưới vương giả mà tân lang chính là con trai của Triệu Đà!
Đang mưu bá đồ vương bỗng kết thông gia thân thiện.
Đang lưu manh xỏ lá bỗng quân tử chính nhân!
Đó là Triệu Đà.
Và một người đang tỉnh táo bỗng chốc hóa ra mê muội!
Một người đã xây nên thành Cổ Loa bỗng dưng mở cửa thành đón giặc!
Người đó là An Dương Vương!
Thành Cổ Loa cũng như thành Đồ Bàn, nay chỉ còn là một bờ đất. Nhưng cái kỳ công hình trôn ốc ấy chính là một ý tưởng quân sự độc đáo có một không hai trong lịch sử cổ kim. Không bốn cửa đông, tây, nam, bắc. Chỉ duy nhất có một ngõ vào mà không lối ra. Như nước xoáy, như gió trốt, như vòi rồng. Chỉ một thành mà hóa ra nhiều luỹ. Leo vào thành là rơi vào tử địa. Triệu Đà đánh mãi không được là vì cái kỳ thành còn hơn bát quái trận đồ ấy chứ không phải vì cái nỏ thần.
Cho nên, mới đưa con ong tay áo Trọng Thỉ vào thành ở rể. Và cái con ong ấy chẳng những đã tỏ đường đi lối về với Mỵ Châu ngà ngọc, mà còn tỏ cả đường về lối đi trong thành Cổ Loa. Có cần gì phải thay một cái lẫy nỏ giả. Nói theo kiểu bây giờ, đó chỉ là cách tạo hịên trường giả để đổ lỗi cho Mỵ Châu mà thôi. Cái lỗi lớn nhất chính là An Dương Vương đã không nhận ra cái tâm địa lươn lẹo của cha con Triệu Đà và vị thần Kim Qui hộ mệnh của ông cũng mù tịt trước dã tâm đen tối nọ.
Nước đã mất ngay từ lúc hôn lễ cử hành.
Cha đã giết con ngay từ khi gả con cho quân lừa lọc.
Cần gì phải chạy tới chân núi Mộ Dạ. Cái lưỡi gươm oan nghiệt ấy lẽ ra phải được chính ông tự cắt đầu mình như Hạng Võ trên bến Ô giang. Cái ánh thép long lanh ấy tiếc thay không sáng được trong ý thức lỗi lầm của ông. Và ông lại mang thêm một cái tội lớn trong trời đất là giết con gái một lần nữa bằng lưỡi gươm oan nghiệt của mình!
Nước Văn lang của 18 đời vua Hùng đã mất vào tay ông. Rồi chính vì ỷ lại vào vị thần hộ mệnh của mình và vì thiếu sáng suốt, thiếu cảnh giác ông đã để nước mất vào tay Triệu Đà. Vậy thì ông có công trạng gì mà được thờ phụng ở đền Con Cuông ( Nghệ An) và được đặt tên đường tên phố?!
Mỵ Châu ơi ! Bao nhiêu tội lỗi đều trút lên đầu nàng!
Tội thứ nhất là đem cái nỏ thần cho Trọng Thỉ xem để hắn có dịp tráo cái lẫy nỏ giả. Hắn là sư phụ của bọn làm đồ dỏm. Và vì đồ dỏm nên nỏ thần cũng hết linh. Ở đây ta lại thấy cái sơ suất chết người của An Dương Vương. Nỏ thần bắn một phát làm chết hàng vạn người, đâu có phải là súng bắn nước của trẻ con mà để cho ai xem cũng được. Cái sức mạnh vạn năng là bí mật của quốc gia, cũng như bom nguyên tử ngày nay phải được giữ gìn hết sức cẩn mật. Dù có yêu chiều con gái đến đâu, cũng không có một vị vua nào hay một vị nguyên thủ quốc gia nào, lại hớ hênh buông tuồng như thế!
Tội thứ hai là rắc lông ngỗng dẫn đường cho giặc đuổi bắt phụ vương. Đọc sử đến đây nhiều người phải khóc thét lên rằng ngu ơi là ngu! Một nhà thơ hậu bối đã mỉa mai: trái tim lầm chỗ để trên đầu!
Tôi không tin như vậy. Tôi chỉ tin một điều nàng quá yêu chồng. Mà yêu chồng thì có tội tình gì? Vì yêu nên tin. Vì tin nên nghe theo. Vì nghe theo nên rắc lông ngỗng cho chồng biết đường mà tìm. Nàng ngây thơ quá chứ không phải quá ngây ngô. Nàng yêu chồng cũng như trẻ con yêu con gấu nhồi bông. Chúng làm sao tin được rằng con gấu thực cho dù ở trong sở thú cũng rất hung dữ đáng sợ. Nàng làm sao tin chàng là giặc trong khi chính cha nàng cũng tưởng chàng là một hoàng tử đáng yêu! Vậy nên khi cha đưa nàng lên ngựa chạy trốn, nàng chỉ nghĩ duy nhất một điều là làm sao để chàng tìm được nàng. Trong khi cha già đã 70 tuổi rạp mình trên lưng ngựa thì nàng vẫn ngoái đầu ra sau và vẫn không ngừng bứt lông ngỗng thả xuống trong cát bụi mịt mù.
Cái hành động ấy làm ngứa gan các nhà viết sử cho dù là huyền sử và chính họ đặt vào miệng thần Kim Qui bảo nàng là giặc. Không một chút nghi ngờ, không một chút xót xa, An Dương Vương vẫn còn đủ sức vung gươm lên như một ánh chớp và chỉ một nhát thôi đã chém đứt đầu nàng. Nếu là phim quay chậm ta sẽ được thấy như thế này: đầu nàng tuy rời khỏi cổ nhưng vẫn còn bay theo nàng, trong khi nàng một tay vẫn còn ôm ngang hông cha, một tay vẫn còn nắm một chiếc lông ngỗng chưa kịp thả xuống mặt đường.
Nàng chết quá nhanh, nhanh đến nổi nàng chưa biết là mình đã chết và cũng không kịp hiểu ai đã giết mình và vì sao mình bị giết. Oan nghiệt là chỗ đó, tức tưởi là chỗ đó. Nên chi xương thịt nàng đã hòa tan cùng cát bụi nhưng những giọt máu của nàng vẫn không tan được. Những giọt máu đã thành ngọc nhưng là những viên ngọc tối xám u buồn. Mãi đến khi được rửa bằng nước giếng Trọng Thỉ thì ngọc mới chói sáng xinh đẹp. Đó cũng chính là những hạt lệ ăn năn để lại cho đời.
Hai cha con biết được sự tình thì cũng đã muộn rồi.
Kính thưa Mỵ Châu, kẻ hậu sinh chẳng biết gọi người bằng cụ kỵ đến bao nhiêu đời, nhưng vì cái chết kỳ lạ gây xót thương tấm tức đến tận ngàn sau, nên người vẫn mãi mãi là nàng công chúa trong trắng thơ ngây, nàng công chúa có số phận nghiệt ngã nhất trong số những nàng công chúa xinh đẹp của cuộc đời. Bài viết này cho dù không giải được cái oan cho nàng thì cũng mong được nghe những tiếng thở dài đồng cảm./.