(viết về thơ của chính mình)
Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, một cây bút chuyên nhận định, phê bình thơ văn, một cây bút từng mang đến cho bạn đọc nhiều vóc dáng tác phẩm, tác giả qua những cuộc phong vấn, cặn kẽ, dài hơi. Trong một bài viết có đề Thơ Văn Nhạc Giáng Sinh, phổ biến rộng rãi trên nhiều trang điện báo. Ông phát biểu quan niệm chung của đại đa số giới sinh hoạt nghệ thuật: “Nói về mình đã thấy kỳ, nói về thơ mình lại kỳ hết sức...”
Người làm thơ, xưa nay vẫn thường đọc lại thơ của mình cho chính mình, cho bè bạn, và cho cả đám đông cùng nghe. Nhưng viết về thơ mình thì gần như chưa có, đúng như nhận xét trên của anh Nguyễn Mạnh Trinh. (dĩ nhiên, không kể đến những người viết sách ngợi ca mình dưới một tên khác). Việc làm vô duyên, “kỳ hết sức” này, hôm nay tôi xin được thực hiện.
Thật ra, những gì tôi sẽ viết dưới đây, nghiêng nhiều về chuyện kể lễ diễn tiến và cách làm thơ của mình, không đặt nặng phần nhận xét, khen chê. Không mang tinh thần của một bài điểm sách, giới thiệu tác giả. Nói tóm lại sẽ na ná một một câu trả lời, được ai đó phỏng vấn. Và mục đích của tôi rất cụ thể:
Thứ nhất, viết về thơ mình là tạo cơ hội sống lại những xúc cảm cũ, qua đó vuốt ve thêm một lần nữa những hình ảnh, những kỷ niệm một thời, có tuyệt vời đau xót, có cao điểm lạc thú .
Thứ hai, viết về thơ mình cũng là một cách làm thơ thú vị.
Thứ ba, nếu có xen vào vài dòng, vài chữ tự khen, tự chê, xin hãy xem giùm như một cách tự sướng trong lúc cao hứng. Làm thơ mà không biết tự sướng, tự khoái, khó làm thơ được. Có ông thi sĩ nào không tự khoái với thơ mình không ?
Để bạn đọc tự quyết định nên đọc tiếp, hay bỏ ngang tại đây, tôi thấy phải xác định về cái tôi một chút xíu.
Tôi là một người làm thơ thứ thiệt. Thiệt đồng nghĩa với có nghề, có duyên nợ. Dám vỗ ngực tự xưng thứ thiệt, cũng bởi:
- đã có in ấn, phổ biến.
- đã được trích dẫn, lưu giữ.
- đã được lai rai nói tới, nhắc qua.
- đã được nhận xét đánh giá bằng văn bản.
- đã có chút ít bạn đọc.
Thật ra giá trị của cái thiệt này không chắc chi hơn được những thi thần của những cái “ảo”. Ảo ở đây là những vị lười xuất hiện, không ham có “danh” với đời, vốn rất dồi dào, giữa cuộc sống của chúng ta.
Khoe là thiệt để tự vững tâm ngồi gõ những dòng về thơ mình. Tuy không giống ai, nhưng không lập dị, hợm mình. Ngoài một chút liều mạng lẫn băn khoăn có thật.
Khuynh hướng của một người làm thơ thường được định danh qua tác phẩm quen tay của họ. Từ đó, chúng ta có những nhà thơ tình, những nhà thơ quê hương, những nhà thơ dấn thân, tranh đấu, những nhà thơ trừu tượng, hiện sinh, vân vân và vân vân.
Nội dung hiện ra chủ đề. Chủ đề làm nên khuynh hướng, cá tính. Tôi vốn ba phải, gặp gì chơi nấy, nên nghiêm chỉnh xếp mình vào loại linh tinh. Tuy rằng cái khoa thả lời tán gái, ngợi ca người đẹp hơi lấn số trang trong tổng số giấy in đã phổ biến.
Vì linh tinh, nên khi viết về thơ của mình, tôi phải chia từng cụm nhỏ, từng chủ đề. Hôm nay, những ngày cận Tết, không gì hợp hơn, là viết về những bài thơ có hơi hám Xuân và Tết.
Có thể nói, Xuân là đề tài khởi nghiệp thơ của tôi. Cơ duyên giản dị:
Thân phụ tôi chững chạc là một ông đồ, dù theo học trường Lasan Pellerin Huế. Đa số ông đồ đều biết thơ phú. Thân phụ tôi cũng không thoát khỏi chuyện làm thất ngôn bát cú, song thất lục bát, lục bát. Chuyện đùa chơi với vần điệu của ba tôi có vẽ không là cái nghiện của ông. Khi tôi có chút ít trí khôn, tôi thường bắt gặp ba tôi làm thơ nhiều nhất vào những ngày sắp tết. Việc khai bút đầu năm của ông, rõ ràng không mấy khi nằm trong ngày mùng một âm lịch của tháng giêng. Thường thường ông viết trước đó chừng nửa tháng, với mục đích cụ thể: tặng bạn bè, cấp trên. Một bài thơ được chép nhiều bản trên giấy đỏ với mực xạ đàng hoàng. Người chép thơ, ngoài ông, còn có sự trợ giúp của hoa tay tôi. Và từ đó, tôi cũng tập làm văn vần với đề bài ngợi ca mùa xuân.
Thật khó có thể giới thiệu những bài thơ Xuân, Tết của mình theo thứ tự thời gian, dù tôi muốn dựa theo bố cục này. Dẫu sao, cũng cố gắng trước khi phải viết linh tinh theo đúng tinh thần linh tinh của tôi.
Không kể những bài thơ xấu số bị hủy bỏ, lãng quên, bài Mùa Xuân là một trong nhiều bài khác, được nhà xuất bản Văn Học Sài Gòn, trước bạ hẳn hoai, dưới tên chung Về Trời, năm 1964. Bài thơ nhại thể tự do trong cách chấm câu, xuống dòng. Vụng về, làm dáng, bốn từ có thể ghi đỏ bên rìa bài thơ. Không thể giấu bạn:
“anh trở thành trẻ thơ
nằm trong chiếc hòm sơn đỏ
hãy đắp mặt anh
đóa hoa hồng
và nụ cười nhỏ
bây giờ là mùa xuân
mùa của anh trong ngực
mở cửa cuối cùng
chim hót miệng em
cũng là bài ca dao
anh viết ban đêm
có đủ mặt
tự do
tình yêu
đời sống
xin cho em,
thế hệ nắng đầu mùa
súng nổ ngang đầu
không sợ
không thua
mặt trời vỡ làm sao làm mắt
treo niềm tin, đầu đồng đạn sắt
đâm thủng
đôc tài
nô lệ dã man
trái tim xanh dạ hội huy hoàng
các em mở cửa đường hy vọng
phổi hồng khăn thơm phủ lên mái tóc
anh trở thành
bát ngát mùa xuân
trong chiếc hòm đen
trong giọng hát oai hùng
bước chân sáo bay tay cờ phất phới
thế hệ hôm qua
không còn gì quan trọng
anh vui lòng nhận phần đất quê hương
“an giấc ngàn thu” thân thế có hoang đường
xin em nhận mùa xuân làm hơi thở
ôi hồn anh đã vì em tan vỡ
(Mùa Xuân)
Chắc ý tôi lúc bấy giờ hoang mang cho thân phận tuổi trẻ, trước chiến cuộc ngày một qui mô, với mức độ tàn phá khốc liệt gia tăng.
Viết lại những tháng năm đã sống, dựng lại những hình ảnh cũ, là cái thú tôi vẫn thường lặp lại trong thơ mình. Thời niên thiếu, theo cha mẹ, rời Hội An, tản cư qua nhiều vùng Quảng Nam rồi tạm trú ở đất rừng Tiên Châu. Tôi hồi tưởng và lưu giữ khá nhiều hình ảnh năm tháng ấu thơ ấy trong thi phẩm Trôi Sông, ấn hành năm 1966.
Một ngày, năm cùng tháng tận của trời đất, tôi vẽ lại như sau:
vồng cải đầu sân chớm trổ hoa
buổi chiều nắng muộn gió se da
trời xam xám ngủ trong mây ướt
đất ngậm câm phơi dấu chân gà
bó gối, tôi nghe tiếng thở tôi
ngón chân-cái đỡ một con ruồi
cánh rung thỉnh thoảng, chừng suy tưởng
chừng nhớ nhung về ai đó thôi
tôi trở thế ngồi, ngó vẩn vơ
đầu kèo con nhện thả sợi tơ
buông mình lơ lửng bơi lên xuống
thong thả tìm vui giết thời giờ ?
tôi trở về tôi, bẻ ngón tay
chẳng biết đời đang mất một ngày
tiếng chân quen thuộc chạm đầu ngõ
thơm trái tim thơ dáng mẹ gầy
(Tiên Châu, Chiều Cuối Năm)
Hay ho không có, nhưng ngây ngô rõ ràng. Ưu điểm ở chỗ: thấy được hình ảnh của tôi một thời. Đó là một thằng bé chừng như không biết đùa nghịch, không có sáng kiến để hóa giải cái tịch mịch đang bao bọc mình. Những nhịp tim sinh vật đâu đó không thiếu. Một con ruồi, một con nhện, cộng thêm những con gà, dĩ nhiên rất động. Nhưng cái động này dường như chỉ làm tăng cái tĩnh một cách an bình của không gian. Trời xam xám ướt, đất ngậm câm. Cảnh cuối năm thật lạnh, thật buồn, cũng may vừa lúc ở đầu ngõ vào nhà, vang lên tiếng những nhịp chân, báo hiệu hình ảnh người mẹ sắp xuất hiện, đủ để phá cái thời khắc cô tịch tuyệt đối: bó gối, tôi nghe tiếng thở tôi.
Bài thơ chính hiệu là một bài văn tả cảnh. Và cảnh sắc không lạ gì với những ai từng ở miền núi, ở nông thôn. Vuông sân đất trong những tháng giáp tết, hiện rõ nhan sắc, chức năng của nó: chứa đựng những vồng cải trổ ngồng vàng mướt, những cụm hoa vạn thọ vàng đậm, cùng những dấu chân gà loạn xạ, hằn trên những bụi rác cáu bẩn. Những hình ảnh quê mùa, tầm thường, nhưng rất mực đậm đà chất núi rừng hoang sơ. Sống cùng với cảnh, là những cử động đời thường của con ruồi, con nhện, của cả cậu-bé-tôi. Hơi thơ không buồn, không vui, nhưng bâng khuâng gợi nhớ. Chỉ vậy thôi.
Tôi làm thơ về mùa xuân, ngày Tết không nhiều cũng chẳng ít. Hầu hết những bài viết, đều đã cho chạy trên các báo xuân trước và sau 1975, tại hai quê nội, ngoại. Độc giả hẳn có đọc qua và đã quên cho nhẹ lòng.
Với bất cứ đề tài nào, với tôi, “cái tôi” của mình luôn luôn là điểm chính. Rất ít khi, tôi viết chung chung, để thích hợp tâm trạng với nhiều người. Gợi nhớ về kỷ niệm, là một cái thú, lặp lại hoài. Thực đơn tinh thần tôi ngày hôm nay, thường có một phần những gì đã xảy ra hôm qua. Tôi đã từng giới thiệu nhiều mùa xuân, ngày tết cũ của mình, qua nhiều địa danh. Mấy Thời Lững Thững Theo Xuân, gồm nhiều đoạn lục bát, không xuất sắc, nhưng gói gọn từng phần chân dung tôi theo tháng ngày.
“áo cổ bẻ, quần giây treo
chân đeo kiềng bạc, cổ đeo bùa vàng
gỡ tay chị, chạy làng quàng
chân phải, chân trái hai bàn vấp nhau
chống tay, chùi cát lên đầu
đâu ngờ tóc sữa xanh màu đến nay
Cẩm Phô trộn nắng vào mây
gió mùa xuân lót gót giày tháng năm”
(Hội An, 1945)
Tôi thật sự hạnh phúc đã có được một tuổi thơ êm ả như vậy. Chuỗi ngày thần tiên sau khi hồi cư về quê nội cũng khá ngon lành. Một trong năm mùa Tết nhà quê, nơi không xa Đà Nẵng bao nhiêu; nơi ngày nay nhà cửa, nghĩa địa của dòng họ Lê chúng tôi, đã bị san bằng không còn nhận ra. Địa danh Liêm Lạc đã mất, một Hòa Xuân sau 1975 cũng biến dạng. Vùng đất đã thuộc về thành phố. Năm (05) năm tôi ở đấy, hương Tết ấu thơ còn đọng rất thô kệch, quê mùa:
“sáng ra thấy mẹ mỉm cười
thấy cha hút thuốc rung đùi ngâm thơ
thấy xôi bánh ấm bàn thờ
thấy con se sẻ bất ngờ vô hiên
thấy tôi coi bộ có duyên
giày quai rọ, bê rê nghiêng tóc bồng
cả làng Liêm Lạc sạch bong
nắng tơ gió lụa lòng vòng ngọn tre”
(Hòa Đa, 1953)
“Mẹ mỉm cười, cha rung đùi ngâm thơ” hình ảnh có vẽ ước lệ, nhưng tôi bảo đảm có thật. Ba mẹ tôi có đóng kịch không thì tôi không biết. Những hình ảnh tiếp theo đều có thật trăm phần trăm. Tôi còn như sờ được những hiện vật cũ.
Ở tuổi 11, cũng thời đang hít thở cùng quê nội, tôi nhớ ra tôi như in:
“tôi dậy theo trầm hương ngát bay
đưa tay lên gối tìm đôi giày
đầu mền tuột khỏi vòng vai nhỏ
lọt khói trà cha đang trổ tay
ngụm nước đầu tiên, tê cả môi
hai tay vuốt má nước bay hơi
rùng mình một cái tan ngay lạnh
tôi lớn lên thêm một tuổi rồi!
bộ áo quần xanh màu lá cây
thắt lưng nhựa láng, bút nịt dày
bê rê đen lệch trên vầng trán
tay thọc túi quần, tôi bảnh thay !
thả bước chân ra đầu ngõ trông
lá cờ phướn lượn giống con rồng
đường sương chưa có ai qua lại
để thấy lòng tôi đang trổ bông
rồi pháo, rồi tia nắng sớm mai
dẫn tôi lững thững ngóng chờ ai
chợt già hơn bạn cùng trang lứa
bởi chiếc tằm ai gắn lỗ tai”
(Trôi Sông 1966)
Gần đây, bà xã tôi có đọc bài này, và tinh nghịch hỏi lọt khói trà cha đang trổ tay là ý gì ? Dù nhận thấy hơi tối nghĩa, tôi cũng giải thích: khi cái mềm bị tuột, làm hở một khoảnh trống bã vai, khói trà từ ba tôi đang pha bay lọt vào, và ngoài mùi hương trà, còn có hương tưởng tượng từ những câu thơ ông khai bút cùng lúc với uống trà. Trổ phải được hiểu nghĩa đen là viết. Dùng động từ trổ để đẩy sự hình dung đến những câu thơ đẹp như hoa đang nở. Hai câu cuối bài, cho thấy tôi đã biết để ý đến một nhóc nữ nhi nào đó, cùng lứa với thứ nữ trang của thời bấy giờ.
Cái “để ý dễ thương” ấy, theo thời gian, lớn cùng tình xuân trong lòng tôi. Có vẽ rất phù hợp với tiết xuân đất trời. Tôi sớm bị thu hút bởi mùi hương của nhan sắc thiếu nữ :
“... chập chùng xuân ảnh vải hương
ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
giả vờ châm thuốc nhâm nhi
nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình”
(Đà Nẵng, 1960)
Đấy là lúc tôi đã định cư tại Đà Nẵng. Đến thời đã vào lính, những ngày chuẩn bị đón Tết ở quân trường Thủ Đức, mùa xuân với tôi như là mùa tình yêu :
“đánh giày, chùi súng xong xuôi
trải bao thuốc lá lên đùi làm thơ
nắng xuân chín ửng ngọn cờ
vớt theo tình mộng vu vơ bên trời
nhớ em, quả thật nhớ rồi
nhớ thêm đôi mắt chịu chơi Biên Hoà
chẻ lòng trộn nét chữ hoa
đọc thầm cho cả bao la thấm đều”
(Thủ Đức, 1967)
Đôi mắt Biên Hòa ở đây không có thật. Có chăng là hồ thu của chị em Kim, Dung ở đường Phan Thanh Giản, trước Salon Xuân Quang của Sài Gòn, vào những cuối tuần tôi ra phép.
Nhưng mùa xuân và ngày tết đặc biệt nhất của đời tôi là một biến cố riêng, thật tàn khốc, khó có thể quên. Tiếng nổ trong buổi sẫm chiều hăm lăm tháng chạp, tại Thi Phổ Quảng Ngãi như còn âm vang. Lúc ấy tôi còn hồn vía đâu để nhìn trời, ngó đất. Nhưng tôi đoán mây ở khá cao, cỏ lá thật vô tư xanh biếc. Tôi thay đổi đời tôi một cách vội vã, bất ngờ trong khoảnh khắc ấy:
“rút quân từ ngọn đồi Mười
về ngang Thi Phổ, đất cười chào xuân
mới hay giọt máu thơm lừng
phổ lên cỏ lá trùng trùng âm giai
anh thần chết lộn, chạy dài
vấp ngang tảng đá ngã nhoài, tịnh tâm
bàn chân ta rụng dưới hầm
cúi đầu thấy lệ anh đồng minh rơi”
(Quảng Ngãi, 1969)
Đồi 10 là đại bản doanh của nhiều tiểu đoàn thuộc sư đoàn 2 Bô Binh, thay phiên nhau, giữ an ninh một vùng rộng lớn. Đồi nằm sát quốc lộ 1, về bên phải, nếu từ Quảng Ngãi đi về hướng Bình Định. Thi Phổ lúc bấy giờ là một làng mồ côi. Mồ côi vì chỉ lơ thơ một chùm nhà thấp nằm ôm nhau giữa cánh đồng xanh, cỏ nhiều hơn lúa. Làng bình thường, thanh bình thơ mộng như cái tên của nó. Buồn thay, chỗ này đã thấm nhiều giọt máu tôi, vay mượn của tôi một ít thơ. Trong đoạn thơ, tôi có dùng chữ « đất cười » vốn là tiếng lóng của đám lính chúng tôi, để chỉ sự đạp mìm, vướn lựu đạn.
Thời điểm tôi chia tay một phần chân trái, thuộc mùa Tết, nối chân nguyên đán Mậu Thân. Trên ngọn Núi Vàng, Đức Phổ, giữa những thương binh da trắng, mũi cao, độc nhất một mình tôi, người lính Quốc gia, trị và dưỡng thương. Không biết từ đâu có những lát mức gừng, mứt dừa. Tôi khóc thay vì ngậm chúng. Lạ lùng thay tôi được được cảm thông bằng những giọt lệ trắng lặng lẽ. Món quà lí xì mừng thêm một tuổi sống vô cùng quí báu. Nhìn khoảng trống một góc cơ thể, tôi vô cùng đau đớn. Tôi sắp được làm cha. Đứa con chuẩn bị ra đời không chỉ không có cha bên cạnh, mà vĩnh viễn không được nhìn thấy cha nó chạy nhảy như thế nào. Nhưng dĩ nhiên còn may, còn rất may.
Và cũng nhờ thần chết chấm lộn, (như tôi từng có lần chấm sai tọa độ, gọi pháo binh, trước đó, ở An Mô), tôi có thêm những mùa xuân đợi xuất cảnh ở Sài Gòn. Những mùa xuân sau này ở quê người, có ngậm ngùi, có hoan lạc :
“sáng ra 1B Duy Tân
chiều về Lê Lợi phơi chân, uống trà
chưa đi xa, đã nhớ nhà
thả tình vào ướp xóm hoa qua ngày
ngó con đường, ngó hàng cây
buồn không khắc nổi dấu tay để đời
ghé lăng Ông, ngó qua thôi
hồi chuông mùng một bỏ tôi lâu rồi”
(Sài Gòn, 1985)
Phần đời dài đúng mười năm, (1975-1985), sau ngày đất nước liền chung một dãi, thơ Xuân của tôi không được mùa, dù :
“... em vẫn là em bởi đời vẫn tết
quần áo rách dần ý chí còn nguyên
đời cũng say như men nồng rượu mạnh
sảng khoái làm thơ con cóc khẩu truyền... ”
(Một chút xuân quê nhà)
Hình ảnh ghi lại Ba Ngày Tết Năm 1978, không phải chỉ có chua xót mà còn hiện rõ tính trung trực của một giai đoạn xã hội. Bi thảm này không riêng với tôi, một ngụy quân, một ngụy quyền, có chút “nghiệp vụ” được lưu dụng, mà chế độ mới, dành đãi ngộ toàn dân vùng đất vừa bị “giải phóng” :
“mùng một, theo gương bác
vác cuốc đi trồng cây
luống đời gieo nước mắt
cây ơi đừng đắng cay
tuổi ta không còn trẻ
nhưng đôi tay chưa già
đất ơi ta cuốc nhẹ
sao nghe ngươi thở ra ?
ta trồng cây gì nhỉ
cây khế hay cây xoài
mấy năm sau có trái
trong trái có chứa dòi ?
mùng hai, ta tiếp khách
cửa hé đón xuân vào
áo sờn nhưng chưa rách
trông ta còn bảnh bao
chào ông anh thuế vụ
chào anh bạn công an
chào ông phường đội trưởng
chào chế độ vinh quang !
miệng ta cười còn khá
lời ta chúc còn trơn
khách về tàn thuốc lá
vấn lại hút còn thơm
xuân ơi xuân đẹp lắm
tết ơi tết muôn năm
cảm ơn đảng quản lý
ngày mùng ba trống trơn”
(Hơi Thở Việt Nam, 1986)