Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
630
123.242.059
 
Văn-Hóa Việt-Nam 2
Nguyễn Thế Thoại

2.

 

MỘT CHÚT

VĂN HOÁ HỌC

 

"Đặc điểm của con người là chỉ đạt nhân tính đích thực và trọn vẹn, nghĩa là nhờ việc trau dồi những ưu phẩm và giá trị của bản tính. Do đó, mỗi khi đề cập đến đời sống con người là nói đến bản tính và văn hoá gắn liền với nhau hết sức chặt chẽ" [1]

 

 

 

[ 4 ]      Nguồn gốc Văn hoá

 

Minh nhiên nói về Văn Hoá trong các văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II thì không đâu bằng Hiến chế mục vụ "Vui Mừng và Hy Vọng". [2] Ở đây có một phát biểu thật ngắn về nguồn gốc văn hoá:

"Con người làm nên văn hoá

 

Bất cứ ở trong đoàn thể hay quốc gia nào, cũng có một số người càng ngày càng đông, đàn ông và đàn bà, ý thức được rằng mình đóng vai trò chủ động trong việc tạo lập và phát triển văn hoá của xã hội mình" [3]

Do đó, Công Đồng nhắc các Kitô-hữu nhớ nhiệm vụ mình phải cộng tác với những người lương thiện để xây dựng văn hoá tốt, xứng nhân phẩm:

 

"Thực ra, mầu nhiệm Đức tin của người Kitô-hữu còn đặc biệt thúc đẩy và nâng đỡ họ, để họ chu toàn sứ mạng đó hăng say hơn và khám phá được đầy đủ ý nghĩa các sinh hoạt của con người. Nhờ đó, văn hoá có được một chỗ đứng đặc biệt quan trọng trong sứ mạng toàn diện của con người.

 

Thực vậy, khi con người cày cấy, với hai bàn tay và những phương tiện kỹ thuật, để trái đất sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng cho toàn thể gia đình nhân loại cũng như khi con người tham gia một cách ý thức vào đời sống xã hội, tức là con người thể hiện ý định của Thiên Chúa, ý định đã được tỏ rõ ngay từ đầu là loài người phải làm chủ trái đất [4] và hoàn thành công cuộc tạo dựng" [5].

 

Theo cách nhìn của Các Nghị Phụ Vatican 2, những tín đồ và những nhà lãnh đạo cọng đồng tín đồ, Văn Hoá khởi đầu từ việc Thiên Chúa tạo dựng con người và trao trách nhiệm "làm văn hoá" để phát triển bản thân, đồng loại, và điều hành vũ trụ mà Ngài đã tạo thành.

Với tư cách nhà khoa học, người ta không nhìn theo đức tin, nên không đả động tới quan phòng hoặc định mạng. Người ta chỉ nhìn hiện tượng tự nhiên và nhận rằng:

. Con người, tập thể con người làm nên văn hoá.

. Tuy thế con người đã và vẫn chịu ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên

. và hoàn cảnh lịch sử

để hình thành nền văn hoá của mình.

 

Đồng thời, con người lại bị chi phối do chính văn hoá đó.

 

 

[ 5 ]      Ba yếu tố của Văn Hoá

 

Văn hoá do con người, nhưng không phải mỗi khi người ta bảo rằng mình làm văn hoá thì sản phẩm của người đó là văn hoá. Cần có những yếu tố chính như: Tính nhân linh, giá trị bao quát và giá trị trường tồn.

 

1.         Tính nhân linh

           

Nếu thành quả trong đời sống con người thường có pha trộn "công ơn" của trời đất, nghĩa là "thiên thời" và "địa lợi" thì giá trị cốt yếu của văn hoá phải cân nhắc là ở Con Người. "Thiên thời địa lợi" chỉ là thiên nhiên. Thiên nhiên này thường khi chung cho cả phàm nhân, không riêng gì cho những người hoạt động văn hoá. Thiên nhiên này chung cho cả các chủng, các dân tộc… nhưng mỗi chủng hoặc dân tộc lại hình thành những nét văn hoá của mình.

 

Dẫy núi vẫn là dẫy núi, thời chiến là thời chiến chung cho mọi người trong vùng ảnh hưởng. Nhưng người để lại nét văn hoá vì nhìn núi như "mẹ bồng con", như "vọng phu", rồi hình ảnh theo quan niệm đó lại tác động vào tâm tư bạn, để hình thành những vần thơ, những dòng nhạc… thì tất cả những danh xưng đó, những vần thơ và dòng nhạc đó đều là những nét văn hoá, bồi đắp vào nền văn hoá sẵn có của một địa phương, một dân tộc.

 

Quan sát một hành động bình thường, người trân trọng thiên nhiên hoặc yêu mến con người cũng thêm nét văn hoá thơ mộng vào bối cảnh văn hoá sinh hoạt trước mắt:

 

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi!

 

Tuy thế, không phải hoạt động nào của con người trong vũ trụ này đều tô thêm văn hoá. Phải là hành động nhân linh.

Con người vượn không ghi lại nét văn hoá nào.

 

Con người thời văn minh hái lượm, nghĩa là chỉ biết theo bản năng mà hưởng dùng thiên nhiên, cũng chỉ để lại dấu vết hoá thạch của thân thể họ, không ghi dấu ấn văn hoá nào.

 

Con người đi vào thời kỳ đồ đá thô, rồi đồ đá mài v.v… càng sử dụng nhiều phẩm chất tinh thần (nhân linh) khi sử dụng thiên nhiên, càng để lại dấu vết những tầng văn hoá phong phú hơn.

 

Con người tác động vao thiên nhiên có thể mang tính vật chất hoặc mang tính tinh thần.

 

Lượm đá để ném muông thú hoặc trái cây, đã bắt đầu là một động tác có tính văn hoá, mà dã thú không thể có được. Nó đòi vận dụng "trí khôn".

 

Tất nhiên, mài đá thành dụng cụ, khai thác quặng mỏ, rừng giá, thuần phục thú hoang v.v… cho đến những công nghệ cao… đều là những nét trong công trình văn hoá, và kết quả nhìn thấy ngay trên khoáng chất hoặc thú vật. Nhìn thấy thế, nên con người gọi là hoạt động văn hoá có tính vật chất. Thực ra, cái làm nên tính văn hoá không là vật chất, mà là tính sáng tạo của tâm não con người, tức tinh thần. Vì thế, Văn hoá phải là hành động nhân linh.

 

Ngay những con người văn minh, từng có những tác phẩm giá trị văn hoá cao, khi hành động hoàn toàn theo bản năng mù quáng, thì cũng không có giá trị văn hoá.

 

2. Giá trị bao quát

 

Tuy sản phẩm văn hoá có chịu ảnh hưởng và ghi dấu thời đại, địa lý, chủng tộc v.v… giá trị của công trình văn hoá thường vượt khỏi sự đánh giá của tác nhân hoặc xã hội trong đó tác nhân sống.

Khi tôi có một ý sáng tạo, một mô hình trong óc tôi, tôi thưởng thức được, nhưng không có biểu hiện nào để một ai hưởng được, thì ý đó, mô hình đó không thể được đánh giá như một hoạt động văn hoá. Trái lại, ý tưởng hoặc mô hình như đã được diễn tả, có ảnh hưởng cho tôi, cho tha nhân… càng nhiều thì càng có giá trị văn hoá.

 

Tất nhiên tính Bao Quát không nhất định về trương độ phải như thế nào; nhưng nó vẫn cần được chấp nhận thực sự do tuyệt đại đa số nhân dân trong phạm vi của nó, ổn định một thời gian tương đối, để có thể đi vào nếp sống "giống như tự nhiên", rồi lại tái phát hiện nơi con người hoặc môi trường sống của con người như nhà cửa, ngôn ngữ, thơ văn.

 

Một bộ tộc ít người như BRAU ở huyện Đắc Tô, chỉ còn cỡ hơn trăm người, nhưng họ vẫn có những nét văn hoá riêng. Trong khi đó, hàng mấy chục ngàn người của một công ty, hàng triệu người của một chính đảng có những kiểu nói, những y phục, những cung cách độc đáo của họ… mà vẫn không thể nhìn nhận rằng họ làm thành nét văn hoá riêng.

Chính vì thế, giá trị công trình văn hoá, khi được dân tộc hoặc loài người thưởng thức, thường vượt xa phạm vi mà người làm văn hoá tưởng.

 

Tôi ca một bài ca

Nó bay đi nơi nào tôi không biết

Vì ai mà theo được tiếng ca bay trong không gian…

…… Nhưng ngày kia

tôi thấy bài ca nở trên môi một người…

 

Nguyễn Du chấm dứt Đoạn Trường Tân Thanh với định giá rằng tác phẩm đó "mua vui  cũng được một vài trống canh"; không ngờ nó là thi phẩm siêu tuyệt hàng thế kỷ !

 

Những người xây Tháp Bà không thể ngờ được rằng cả mấy thế kỷ trôi qua, công trình của mình vẫn được coi là một điểm văn hoá Chăm, mà nhiều người khắp các đại lục biết đến. Micaelangelo có hài lòng cầm búa gõ vào trán tượng Môsê ông tạc ở Đền Thánh Phêrô Vatican và giục "nói đi!" hoặc cảm động muốn khóc khi nhìn khối cẩm thạch trắng đã thành tượng Pietà… thì cũng không thể ngờ được đó là công trình văn hoá thiên kỷ ! Không thể ngờ được rằng người các châu lục sẽ ngưỡng mộ công trình của mình. Đối lại, có những cá nhân, những gia tộc, những trường phái hoặc phe đảng vì muốn nổi tiếng toàn cầu, lưu danh thiên cổ mà "sáng tạo ra những tác phẩm gọi là văn hoá", nhưng không đủ giá trị nhân linh… thì cũng chỉ là công dã tràng. Công trình của họ không được chấp nhận rộng rãi và lâu dài, nên không thể cấu thành yếu tố văn hoá trong đời sống xã hội.

 

Khi kỹ thuật thông tin càng tinh vi và bao trùm, thì giá trị nhân linh càng đòi hỏi cao, để có thể phổ biến và tồn tại. Do đó, tác phẩm văn hoá ngày càng cần có phẩm chất cao hơn.

 

Tính bao quát cùng với tính trường tồn của văn hoá sẽ cho người ta khả năng phân biệt văn hoá bảo tàng văn hoá sinh hoạt.

 

Văn hoá Bảo Tàng là những công trình văn hoá, có khi giá trị rất cao, nhưng thực sự không còn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống con người nữa. Nó dành cho những người nghiên cứu, những học giả, những du khách. Nó cũng gián tiếp mang lại lợi ích cho một số người. Thí dụ: Những Tháp Chàm, những lăng tẩm các vua, những thứ ở trong các Bảo tàng viện, dù là bảo tàng viện quân đội hoặc chính trị, những tục lệ như vẽ mình, nhuộm răng, thách cưới v.v thuộc loại này, văn hoá bảo tàng.

 

Trái lại, văn hoá sinh hoạt vẫn còn bàng bạc hoặc nổi bật trong đời sống người dân, không kể nó đã ra đời bao lâu. Tục lệ Đầu Báo kéo theo nghĩa vụ "sống tết, chết giỗ", nếp sống tình làng nghĩa xóm hoặc lượng giá tiếng chào cao hơn mâm cỗ. Ngôn ngữ, văn tự quốc ngữ, kiểu cất nhà cửa, trang trí bàn thờ gia đình… cũng chính là những nét văn hoá sinh hoạt rất giá trị, nhiều khi không thể thay thế, nhưng người ta quá quen, nên thường khi không nhận ra giá trị văn hoá của chúng, mà chúng vẫn bao trùm và nuôi dưỡng toàn dân.

 

3. Giá trị trường tồn

 

Không thể thành văn hoá, nếu đã không đủ độ dài lịch sử. Người ta gọi đó là tính lịch sử của văn hoá. Để tránh lầm với giá trị lịch sử của một nét văn hoá nào đó trong một giai đoạn nào đó, chúng tôi gọi đây là giá trị trường tồn. Nó phải "làm đẹp và cảm hoá" con người trong một thời gian nào – thường phải nhiều thế hệ – mới đủ để coi như một nét văn hoá của xã hội này. Nhảy "sol-đố-mi" đã có hồi phổ biến cả miền Bắc, nhảy "lam-bâ-đa' cũng từng sôi lên khắp nước với cả ngàn loa phóng thanh; nhưng nó đã lịm tắt và không thể là nét sinh hoạt văn hoá của Việt Nam như đã và vẫn là nét văn hoá của một số nước. Chúng không sao đạt được tầm mức của tuồng, chèo, quan họ và lý….

 

Chính vì thế, một dân tộc quá bén nhậy tiếp thu những nét đẹp của các nền văn hoá bạn, lại dễ trở thành dân tộc nghèo nàn về văn hoá đặc trưng. Y phục nam giới của chúng ta gần mất trọn nét văn hoá của mình, văn hoá Mã-lai như đa số các nước Ấn Hồi còn giữ được. Nếu không có Le Mur (hoạ sĩ Cát Tường) và báo Phong Hoá Ngày Nay thì hẳn y phục nữ của chúng ta cũng chung số phận rồi ! Ca sĩ thì chưa, nhưng nhạc công ngũ âm của chúng ta đã có nhiều người nghẹo cổ nhịp chân giống nhạc công tân nhạc Tây phương, và cây tiêu hoặc huyền cầm trong tay họ không chịu nổi cử điệu họ. Đó là nét văn hoá lai căn.

 

Trái lại, khi nét đẹp văn hoá đã có một trương độ bao quát và trường độ thích đáng, nó có thể trở thành văn hoá truyền thống. Văn hoá truyền thống phải là từ thế hệ qua thế hệ. Bởi Truyền là chuyển qua, Thống phải có manh và có mối, có gốc và có ngọn… có thể tập hợp lại được. Văn hoá truyền thống có phần tái tạo, nhưng phải có gốc rễ trước. Chính vì thế, nó về Truyền thống, hoặc Văn hoá truyền thống mà người này chỉ "cái này do tôi", "cái kia là của chúng tôi" thì không có gì là truyền thống; mà e rằng cũng khó có Văn Hoá, bởi chưa phải là giá trị phổ quát !

 

Đừng vội ! Những gì có giá trị Chân Thiện Mỹ sẽ tồn tại.

 



[1] Vaticano II “Vui mừng và Hy vọng” 53.1

[2] Nh. Ph.2 ch.2

[3]     VMVHV. 55.

[4]  St 1,28

[5]     VMVHV. 57

 

Nguyễn Thế Thoại
Số lần đọc: 1697
Ngày đăng: 27.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn-Hóa Việt-Nam 1 - Nguyễn Thế Thoại
Một Cái Nhìn Lướt Về Thơ Việt Nam - Hoàng Hưng
Das Klagelied der Odaliske - CUNG-OÁN NGÂM-KHÚC CỦA ÔN-NHƯ HẦU NGUYỄN JA-THIỀU 3 - Nguyễn Quỳnh USA
Das Klagelied der Odaliske - CUNG-OÁN NGÂM-KHÚC CỦA ÔN-NHƯ HẦU NGUYỄN JA-THIỀU 2 - Nguyễn Quỳnh USA
Das Klagelied der Odaliske - CUNG-OÁN NGÂM-KHÚC CỦA ÔN-NHƯ HẦU NGUYỄN JA-THIỀU 1 - Nguyễn Quỳnh USA
Kroeber và cầu nối cho Khảo cổ vào Văn hóa - Lê Hải*
Xã hội hiểu qua lăng kính Cơ khí - Lê Hải*
Văn chương Việt hiểu qua lăng kính Động lực học - Lê Hải*
Giambattisty Vico và điểm khởi đầu cho lịch sử văn hóa - Lê Hải*
Von Herder và văn hóa dân tộc - Lê Hải*