Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
460
123.365.811
 
Phân giai cấp qua khẩu vị
Lê Hải*

Đó chính là nội dung của tác phẩm được coi là sáng giá nhất của triết gia Pháp Pierre Bourdieu (1930-2002): Distinction - A Social Critique of the judgement of Taste, dịch từ bản gốc tiếng Pháp La Distinction - Critique sociale du jugement. Nếu Các Mác chỉ nói đến tài sản vật chất là thước đo phân định giai cấp, thì Bourdieu thấy xã hội đương đại còn dùng thêm thước đo khác nữa: tài sản văn hóa (cultural capital), bên cạnh tài sản xã hội (social capital) là những gì mỗi cá nhân được thừa hưởng từ gia đình, làng xóm và quá trình công tác.

 

Hơn 600 trang trong tác phẩm vừa kể của Bourdieu phát triển từ các phân tích sự chọn lựa mỹ học (aesthetic disposition) của người Pháp trên cơ sở vị trí xã hội (social consitions) và xây dựng nên một hệ thống khái niệm cho phép người ta liên kết khẩu vị (taste) với quan điểm chính trị và sự vận hành của quyền lực trong xã hội. Để làm được như vậy thì cũng cần phải cùng lúc tháo bỏ định nghĩa giới hạn về văn hóa, trải rộng ra theo cách hiểu trong ngành nhân học, bao gồm cả những gì rất đời thường như là khẩu vị của món ăn hàng ngày, tức là văn hóa (trong) tiêu thụ. Khi đó sẽ thấy người tiêu thụ có đóng góp vào quá trình sản xuất ra sản phẩm mà anh/chị ta tiêu thụ, bằng cách nhận diện và giải mã cũng như trong lao động nghệ thuật, tạo ra hệ thống tiêu thụ và hưởng thụ, vốn cần thời gian và được định hình theo thời gian. Người ta có thể thấy những loại hàng hóa thông thường được đẳng cấp hóa, nâng việc thưởng thức lên đến mức "nghệ thuật" với cả một hệ thống văn chương riêng biệt, như rượu Cognac chẳng hạn, mà tất nhiên đều đã được tính vào giá thành cả rồi [1]. Sản phẩm không đơn giản là vật chất được sản xuất ra để phục vụ nhu cầu sinh học của con người mà còn cả nhu cầu khẳng định bản sắc, là vật thể hiện mối quan hệ giữa khẩu vị và vị trí kinh tế và xã hội, văn hóa. Phân biệt khẩu vị không còn đơn giản là chuyện thích lựa chọn sống như thế nào mà là yếu tố hình thành nên giai cấp và phân chia quyền lực.

 

Dù sử dụng khái niệm tiếng Anh giống nhau là social capital, nhưng tài sản xã hội của Bourdieu như phân tích ở trên không giống với vốn xã hội như cách nhìn quan hệ trong xã hội dân sự của Robert Putnam. Với cách hiểu của Bourdieu người ta có thể tiếp tục vận dụng biện chứng duy vật để nắm bắt tác nhân xã hội như là một nhân vật có thật, tồn tại thật trong các mối quan hệ phát triển, nhận thức và tình cảm, chịu ảnh hưởng của những cơ cấu thực tại và thể chế trong khu vực. Chìa khóa cho hệ thống tư duy của Bourdieu có thể coi là xoay quanh khái niệm habitus, một tập hợp mang tính lý thuyết và phát triển dần theo các công trình nghiên cứu của ông. Trong tập sách có thể coi là kinh điển này, habitus được định nghĩa như là mối quan hệ khách quan giữa tình huống và thực hiện, qua công thức [(habitus)(capital)] + field = practice. Nhưng cũng thật kỳ lạ, trong lúc hầu như mọi phác thảo của Bourdieu đều cộng hưởng mạnh trong dòng lý thuyết tiếng Anh, thì khái niệm habitus vốn khó hiểu từ bản gốc tiếng Pháp cũng bị tránh né diễn giải. Cũng có thể là do hệ thống lý thuyết của Bourdieu còn quá mới, chỉ bắt đầu hoàn chỉnh vào thập niên 1980s mà thôi. Một phần có lẽ là do cách định nghĩa giai cấp của Bourdieu rất phức hợp, không phải đơn giản dựa trên một thuộc tính nổi trội hay một nhóm thuộc tính, hay chuỗi thuộc tính bắt nguồn từ một thuộc tính cơ sở nào đó, mà là tất cả các mối quan hệ giữa những thuộc tính có ảnh hưởng với nhau và với hoạt động.

 

[1] Có thể dễ dàng tìm thấy chất "nghệ thuật" này qua các bài báo tiếng Việt mô tả về rượu Cognac, vốn thường được hãng rượu tài trợ, hoặc do người hâm mộ

 viết: http://www.viendongdaily.com/thuong-thuc-ruou-cognac-esj8cw2T.html, http://congdongnamflorida.com/noidungvanhoanghethuat.php?id=78

http://www.tuyettran.de/index.php?id=1485, http://www.wineshop.com.vn/n2-ruou-cognac.html, http://www.anhtrang.vn/tin-tuc/doi-song/van-hoa/thai-ha-tinh-tu-voi-quang-hoa-trong-lau-dai-co/, http://muabanruoubia.com/2010/hang-ruou-martel-cognac-mo-tiep-tan-gioi-thieu-san-pham-moi/.

 

Lê Hải*
Số lần đọc: 3933
Ngày đăng: 27.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lê Thánh Thư Viết Trong Bóng Tối - Vũ Trọng Quang
Nhớ lại ý nghĩa Thi Ca của Cổ Nhân: Đọc tập thơ Kinh Vô Thường của nhà thơ Võ Thạnh Văn - Nguyễn Đăng Trúc
Chạm Bóng – Chạm Vào Cõi Nhân Sinh - Trần Hoài Anh
Ngoảnh Lại 15 Năm... - Hoàng Hưng
Để Có Thể Ăn Xà Bông ! - Nguyễn Đông Nhật
Lý Luận - Phê Bình Trong Ngòi Bút Trần Hoài Anh - Lê Tú Anh
Lời Tiên Tri Của Giọt Sương – bản hợp xướng với những tấu âm lạ... - Nguyễn Hữu Tình
Phiên Bản Của Một Nỗi Buồn - Lê Huỳnh Lâm
Giấc Mơ Trên Bọt Sóng - Nguyễn Đông Nhật
Bùi Huy Phác - Cát Bụi Thân Một Hạt - Nguyễn Khôi
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)