Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
980
123.137.290
 
Tương lai của Lịch sử
Hiếu Tân

Tạp chí Foreign Affairs số tháng 1-2 năm 2012, Hiếu Tân dịch

http://www.foreignaffairs.com/articles/136782/francis-fukuyama/the-future-of-history
 

FRANCIS FUKUYAMA là cộng tác viên kỳ cựu ở Trung tâm về Dân chủ, Phát triển và Pháp trị tại Đại học Stanford và gần đây nhất là tác giả cuốn sách Nguồn gốc của Trật tự Chính trị: Từ thời Tiền sử đến Cách mạng Pháp.

 

Ngày nay trên thế giới đang diễn ra một điều kỳ lạ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng đồng euro đang tiếp diễn đều là sản phẩm của mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính được điều chỉnh nhẹ xuất hiện trong ba thập kỷ qua. Tuy vậy mặc dầu có cuộc nổi giận lan rộng đối với những cuộc cứu trợ tài chính Phố Wall, không có sự bộc phát lớn của chủ nghĩa dân túy phái tả Mỹ hưởng ứng. Có thể hiểu được rằng phong trào Chiếm Phố Wall sẽ giành được sức lôi kéo, nhưng phong trào dân túy gần đây năng động nhất chính là Đảng Trà (Tea Party) cánh hữu, mà mục tiêu chính của họ là tuyên bố ôn hòa nhằm bảo vệ những người dân bình thường khỏi những kẻ đầu cơ tài chính. Sự việc tương tự cũng diễn ra cả ở châu Âu, nơi phái tả thì xanh xao vàng vọt, còn các đảng dân túy phái hữu thì đang tích cực vận động.

 

Có nhiều lý do cho việc phái tả thiếu sức động viên, nhưng lý do chủ yếu là sự thất bại trong địa hạt tư tưởng. Đối với những thế hệ qua, vị trí cao về tư tưởng trên các vấn đề kinh tế thuộc về những người theo chủ nghĩa tự do cánh hữu. Phái tả không có khả năng tạo ra được một sự ủng hộ đáng kể nào cho chương trình nghị sự hơn là quay về với một hình thức không thể nào đạt được của nền dân chủ xã hội lỗi thời. Sự thiếu vắng một sự phản đối cấp tiến đáng tin cậy như thế là điều không lành mạnh, bởi vì cạnh tranh là tốt cho cuộc thảo luận trí thức cũng như cho hoạt động kinh tế vậy. Và một cuộc thảo luận trí thức nghiêm túc là cần một cách khẩn thiết, vì hình thức hiện tại của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đang làm xói mòn xã hội trung lưu là cơ sở của nền dân chủ tự do.

 

LÀN SÓNG DÂN CHỦ

 

Các lực lượng và các điều kiện xã hội không đơn giản "quyết định" tư tưởng, như Karl Marx đã có thời khẳng định, nhưng tư tưởng cũng không trở nên mạnh mẽ nếu chúng không nói lên những mối quan tâm của đại đa số những người bình thường. Nền dân chủ tự do là tư tưởng mặc định trong phần lớn thế giới ngày nay một phần bởi vì nó đáp ứng và tạo điều kiện cho những cấu trúc kinh tế xã hội nhất định. Những thay đổi trong các cấu trúc này có thể có những hậu quả về tư tưởng, đúng như những hay đổi về tư tưởng có thể có những hậu quả về kinh tế xã hội.

 

Hầu như tất cả những tư tưởng mạnh định hướng các xã hội loài người cho đến 300 năm qua là [tư tưởng] tôn giáo về bản chất, chỉ có một ngoại lệ quan trọng là Khổng giáo ở Trung Hoa. Hệ tư tưởng thế tục lớn đầu tiên có tác dụng lâu dài trên toàn thế giới là chủ nghĩa tự do, một học thuyết gắn liền với sự lớn lên của một giai cấp trung lưu trước tiên là thương mại và sau đó là công nghiệp trong một số vùng ở châu Âu vào thế kỷ mười bảy. (Dùng từ "giai cấp trung lưu" tôi muốn nói đến những người không ở trên đỉnh chóp mà cũng không nằm dưới đáy xã hội của họ về phương diện thu nhập, những người có ít nhất học vấn trung học, và có tài sản thực, hàng xài lâu bền hoặc có doanh nghiệp riêng của mình)

 

Như được phát biểu bởi những nhà tư tưởng kinh điển như Locke, Montesquieu, và Mill, chủ nghĩa tự do chủ trương rằng tính hợp pháp của chính quyền nhà nước xuất phát từ khả năng của nhà nước bảo vệ các quyền cá nhân của các công dân của nó, và rằng quyền lực nhà nước cần được hạn chế bởi sự thượng tôn pháp luật. Một trong những quyền cơ bản được bảo vệ là quyền tư hữu, cuộc Cách mạng Vinh quang của Anh những năm 1688-1689 là cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa tự do hiện đại bởi vì trước hết nó thiết lập nguyên tắc theo hiến pháp rằng nhà nước không thể đánh thuế một cách hợp pháp các công dân của nó nếu họ không đồng ý.

 

Đầu tiên, chủ nghĩa tự do không nhất thiết hàm ý dân chủ. Những người của đảng Whig ủng hộ hiến pháp năm 1689 thường là những người sở hữu tài sản giàu có nhất ở Anh; Nghị viện thời kỳ đó đại diện cho ít hơn mười phần trăm của toàn dân cư. Nhiều nhà tự do kinh điển, trong đó có Mill, hết sức nghi ngờ những ưu việt của nền dân chủ: họ tin rằng việc tham gia vào chính trị một cách có trách nhiệm đòi hỏi có giáo dục và có một sự đặt cọc trong xã hội - tức là, sở hữu tư nhân. Cho đến cuối thế kỷ mười chín, hầu như trên khắp châu Âu quyền bầu cử bị giới hạn bởi những yêu cầu về tài sản và học vấn. Cuộc bầu cử Andrew Jackson làm tổng thống Mỹ năm 1828 và sau đó việc ông bãi bỏ yêu cầu về tài sản để bầu cử, ít nhất cho đàn ông da trắng, như vậy từ khá sớm đã đánh dấu một thắng lợi quan trọng cho một nguyên tắc dân chủ lành mạnh hơn.

 

Ở châu Âu, việc loại đại đa số dân cư ra khỏi quyền lực chính trị và sự lớn lên của giai cấp công nhân công nghiệp đã mở đường cho của nghiã Marx. Tuyên ngôn Cộng sản được công bố năm 1848, cùng một năm với các cuộc cách mạng lan rộng trên khắp các nước lớn châu Âu trừ nước Anh. Và như vậy bắt đầu một thế kỷ tranh quyền lãnh đạo phong trào dân chủ giữa những người cộng sản sẵn sàng vứt bỏ nền dân chủ hình thức (các cuộc bầu cử đa đảng) cho cái mà họ tin là dân chủ thực chất (phân phối lại về kinh tế), và những người dân chủ tự do, tin vào sự mở rộng quyền tham dự chính trị trong khi duy trì nền pháp trị bảo vệ các quyền cá nhân, trong đó có quyền sở hữu.

 

Tiếp theo sau là lòng trung thành của giai cấp công nhân công nghiệp mới. Những người Marxist buổi đầu tin rằng họ sẽ thắng hoàn toàn chỉ bằng sức mạnh của số lượng: khi quyền bầu cử được mở rộng ở thế kỷ mười chín, các đảng như đảng Lao động Anh (Công đảng) và đảng Dân chủ xã hội Đức đã lớn mạnh rất nhanh và đe dọa bá quyền của cả những người bảo thủ lẫn những người tự do truyền thống. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân bị cản trở dữ dội, thường bằng các biện pháp không dân chủ; những người cộng sản và nhiều người xã hội chủ nghĩa, đến lượt mình, rời bỏ chế độ dân chủ hình thức và ủng hộ việc trực tiếp cướp chính quyền.

 

Trong suốt nửa đầu thế kỷ hai mươi, có sự nhất trí mạnh mẽ trong phái tả cấp tiến rằng một số hình thức của chủ nghĩa xã hội - sự kiểm soát của chính phủ chỉ huy những cao điểm kinh tế để đảm bảo sự phân phối quân bình của cải - là không tránh khỏi đối với tất cả các nước tiên tiến. Thậm chí một nhà kinh tế bảo thủ như Joseph Schumpeter cũng có thể viết trong cuốn sách của ông năm 1942, Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ, rằng chủ nghĩa xã hội đã nổi lên thắng lợi bởi vì xã hội tư bản đang tự hủy hoại về mặt văn hóa. Chủ nghĩa xã hội được tin là đại diện cho ý chí và quyền lợi của đại đa số nhân dân trong các xã hội hiện đại.

 

Tuy rằng mặc dầu những cuộc xung đột tư tưởng của thế kỷ hai mươi diễn ra  trên bình diện chính trị và quân sự, chính những thay đổi cực kỳ quan trọng diễn ra trên bình diện xã hội đã hủy hoại kịch bản Marxist. Trước hết, mức sống thực tế của giai cấp công nhân công nghiệp tăng lên, đến một điểm mà nhiều công nhân hoặc con cái họ có khả năng gia nhập tầng lớp trung lưu. Thứ hai kích cỡ tương đối của giai cấp công nhân ngừng lớn lên và thực tế bắt đầu giảm xuống, đặc biệt trong nửa sau thế kỷ hai mươi, khi các dịch vụ bắt đầu thay thế sản xuất trong cái được mệnh danh là những nền kinh tế hậu-công nghiệp. Cuối cùng, một tầng lớp mới những người nghèo hoặc kém may mắn hình thành bên dưới giai cấp công nhân công nghiệp - một hỗn hợp lai tạp giữa các dân tộc, chủng tộc thiểu số, những người mới nhập cư, và những nhóm bị loại ra ngoài xã hội như phụ nữ, người đồng tính, và người khuyết tật. Kết quả của những thay đổi này, trong phần lớn những xã hội đã công nghiệp hóa, là giai cấp công nhân cũ đã trở thành nhóm lợi ích khác trong nước, sử dụng quyền lực chính trị của các công đoàn để bảo vệ những thành quả khó khăn lắm mới giành được của thời kỳ trước.

 

Hơn nữa, giai cấp kinh tế không biến thành một lá cờ lớn trong những nước công nghiệp tiên tiến để tập hợp dân chúng cho hoạt động chính trị. Quốc tế Thứ hai kêu gọi thức tỉnh năm 1914, khi giai cấp công nhân châu Âu vứt bỏ những lời kêu gọi đấu tranh giai cấp và sắp hàng đằng sau các lãnh tụ bảo thủ đưa ra những khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa, một mẫu hình vẫn còn đến ngày nay. Theo nhà học giả Ernest Gellner, nhiều người Marxist cố gắng giải thích điều này bằng cái mà ông gọi là "lý thuyết nhầm địa chỉ":

 

Đúng như những người Hồi giáo Shi'ite cho rằng Tổng thiên thần Gabrriel đã nhầm lẫn, chuyển Lời Phán truyền cho Mohamed mà lẽ ra phải truyền cho Ali, những người Marxist cũng vậy, về cơ bản thích nghĩ rằng tinh thần của lịch sử hay ý thức của loài người đã làm một chuyện khờ dại khủng khiếp. Thông điệp thức tỉnh định chuyển cho các giai cấp, nhưng do sai lầm khủng khiếp của bưu điện, lại bị trao cho các dân tộc.

 

Gellner tiếp tục lập luận rằng tôn giáo phục vụ một chức năng tương tự như chủ nghĩa dân tộc ở Trung Đông hiện đại: nó động viên nhân dân một cách hiệu quả bởi vì nó có nội dung tâm linh và cảm xúc mà ý thức giai cấp không có. Đúng như chủ nghĩa dân tộc châu Âu được thúc đẩy bởi sự di chuyển người Âu từ nông thôn ra thành thị vào cuối thế kỷ mười chín, cũng vậy, đạo Hồi là một phản động lực đối với quá trình đô thị hóa và di chuyển chỗ ở diễn ra trong các xã hội Trung Đông hiện đại. Bức thư của Marx sẽ không bao giờ được chuyển đến địa chỉ có dấu "giai cấp".

 

Marx tin rằng giai cấp trung lưu, hay ít nhất lớp có sở hữu tư bản của nó mà ông gọi là tư sản, sẽ luôn luôn vẫn là thiểu số nhỏ và đặc quyền đặc lợi trong các xã hội hiện đại. Nhưng điều xảy ra trong thực tế ngược lại, là tầng lớp tư sản và giai cấp trung lưu nói chung cuối cùng đã tạo thành đại đa số dân cư của các nước tiên tiến nhất, đang đặt ra những bài toán cho chủ nghĩa xã hội. Từ thời Aristotle, các nhà tư tưởng đã tin rằng nền dân chủ ổn định dựa trên một giai cấp trung lưu rộng lớn và rằng các xã hội có cực kỳ giàu sang và cực kỳ nghèo khổ thường dễ bị hoặc là bọn đầu sỏ chính trị thống trị hoặc cách mạng dân túy nổi lên. Khi phần lớn thế giới phát triển thành công trong việc tạo ra các xã hội của giai cấp trung lưu, thì lời kêu gọi của chủ nghĩa Marx biến mất. Nơi duy nhất phái tả cấp tiến vẫn tồn tại dai dẳng như một lực lượng mạnh là những vùng bất bình đẳng cao độ của thế giới, như những phần của châu Mỹ Latin, Nepal, và những vùng nghèo khổ bần cùng của đông Ấn Độ.

 

Cái mà nhà khoa học chính trị Samuel Huntington gọi là "đợt sóng thứ ba" của dân chủ hóa toàn cầu, bắt đầu từ miền Nam châu Âu trong những năm 1970 và lên đến cực điểm trong cuộc sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trong những nước Đông Âu năm 1989, những nền dân chủ bầu cử tăng lên về số lượng trên khắp thế giới từ 45 trong năm 1970 lên 120 vào cuối những năm 1990. Tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến sự xuất hiện của những giai cấp trung lưu mới ở các nước như Brazil. Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ. Như nhà kinh tế học Moisés Naím đã chỉ ra, những giai cấp trung lưu này tương đối có giáo dục tốt, có sở hữu tài sản, và được kết nối bằng công nghệ với thế giới bên ngoài. Họ đòi hỏi khắt khe các chính phủ của họ và động viên dễ dàng do kết quả của việc họ truy cập vào công nghệ. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng những người châm ngòi chính cho những cuộc nổi dậy trong Mùa Xuân A Rập là những người Tunisia và Ai Cập có học vấn, mà hy vọng về việc làm và sự tham dự chính trị của họ đã bị các chế độ độc tài trong đó họ sống ngăn trở.

 

Những người thuộc tầng lớp trung lưu không nhất thiết ủng hộ dân chủ về nguyên tắc: giống như những người khác, họ là những người hoạt động tự lợi chỉ muốn bảo vệ tài sản và địa vị của mình. Trong những nước như Trung Hoa và Thái Lan, nhiều người thuộc giai cấp trung lưu cảm thấy bị đe dọa bởi yêu sách đòi phân phối lại của người nghèo và vì vậy họ liên kết lại trong việc ủng hộ các chính phủ độc tài bảo vệ các lợi ích giai cấp của họ. Cũng không phải các nền dân chủ nhất thiết đáp ứng những mong đợi của các giai cấp trung lưu của chúng, và khi chúng không đáp ứng được, thì giai cấp trung lưu có thể trở nên cứng cổ./.

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2307
Ngày đăng: 27.12.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vượt ra ngoài 'Thượng đế' - Hiếu Tân
Khóc Kim Jong Il - Trần Ngọc Cư
Nhân dân đấu với Putin - Hiếu Tân
Cái chết của Kim Jong Il: Một cơn ác mộng trước Giáng Sinh! - Hiếu Tân
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il , đã qua đời ở tuổi 69. - Hiếu Tân
Vaclav Havel, nhà lãnh đạo Tiệp Khắc (cũ), từ trần ở tuổi 75 - Hiếu Tân
Đọc Haruki Murakami như thế nào? - Hiếu Tân
Cuộc trở lại kỳ ảo của Murakami - Hiếu Tân
Các cải tổ tại Miến Điện bắt đầu thu hút du khách - Trần Ngọc Cư
Christa Wolf, nhà văn nổi tiếng nhất của Đông Đức đã ra đi ở tuổi 82 - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)