Ngành nghiên cứu dân tộc của (miền bắc) Việt Nam chỉ khởi đầu từ một bộ môn của khoa lịch sử, thành lập vào năm 1958 sau chuyến công tác của hai chuyên gia Nga Arutiunov và Mukhinov, và từ đó chịu toàn bộ ảnh hưởng của lối tư duy sử học mà nay bắt đầu có nhiều ý kiến công khai chỉ trích. Thế nhưng bộ môn này đã từng có một nhà nghiên cứu đúng nghĩa, làm việc gần như độc lập với hoàn cảnh chính trị xã hội, chỉ theo đuổi hệ giá trị khoa học trong công trình, và cũng do vậy mà không ảnh hưởng mấy đến ngành sử Việt Nam, không như sức áp đảo của tư duy cấu trúc luận và chức năng luận của nhân học châu Âu và các ngành xung quanh. Trong bối cảnh hệ thống các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam bị coi là rơi vào khủng hoảng về lý thuyết và định hướng, thì có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn lại những con đường khi trước bị coi là phi chính thống mà tìm ra lối thoát đáng tin cậy[1].
Mặc dù bảo tàng dân tộc học từng có triển lãm đặc biệt giới thiệu Từ Chi vào năm 2005 [2], nghiên cứu sâu nhất cho đến thời điểm này về phương pháp luận khoa học của ông mới chỉ là một bài viết khoa học do TS Trương Huyền Chi trình bày tại Argentina năm 2010. Đặt Từ Chi trong bối cảnh chỉ có một tư tưởng chính thống duy nhất bao trùm toàn bộ nền học thuật Việt Nam, bài viết đã khai sáng không chỉ những điểm độc lập trong tư tưởng của ông, mà còn bàn đến cách mà Từ Chi đối thoại hay biện chứng với hệ tư tưởng Mác-xít Lê-nin-nít chủ đạo. Chọn cách sống bên lề [3], Từ Chi dồn hết công sức và thời gian cho nghiên cứu và truyền nghề cho một số ít sinh viên muốn thực sự vươn lên bằng con đường khoa học chân chính. Khi bài giảng về phương pháp nghiên cứu của Levi-Strauss bị coi là học thuật tư bản và phải dừng ngang bất kể thu hút người nghe đến nỗi phải kéo thêm ngày thì cũng là lúc Từ Chi phải lựa chọn đường đi cho mình. Tài liệu tiếng Anh và tiếng Pháp không có cơ hội dịch thành sách phổ biến thì được dịch tận tay cho riêng nhu cầu của mỗi học viên, những người mà sau này thành đạt không bao giờ quên thầy, như có học viên đi Liên Xô gửi về biếu thầy 2 chiếc quạt điện: một thầy để dùng cho khỏi nóng, một thầy bán mà lấy tiền uống cà phê. Với dáng vẻ bên ngoài chẳng khác gì một ông già bơm xe góc đường, lượng tri thức bên trong đủ để Từ Chi được đánh giá là "nhà khoa học chân chính" [4] - con người mà bộ dạng bên ngoài bị bảo vệ người Việt khinh rẻ, nhưng tổng thống Pháp thì biết tên và nể phục từ lâu [5].
Thực ra thì phương pháp của Từ Chi không có gì lạ, chỉ là dân tộc ký (ethnograph) với ảnh hưởng từ cấu trúc luận của Pháp, chức năng luận của Anh và môi trường học nhân văn của Mỹ - như phát hiện từ nghiên cứu của TS Huyền Chi. Nhưng vấn đề là Từ Chi phải độc lập xây dựng cho mình một hệ thống lý luận để ứng dụng cho phù hợp với thực tiễn nghiên cứu tại Việt Nam của bản thân và của các học trò, liên tục điều chỉnh sau mỗi chuyến điền dã, theo dõi một cách có hệ thống và chỉnh sửa một cách khoa học. Theo đó, mục đích nghiên cứu không phải là công bố điều gì đó đặc biệt chưa ai phát hiện, mà đơn giản hơn nhiều: từ tư liệu thu nhận được trong quá trình điền dã tìm cách đi ngược vào quá khứ với hi vọng sẽ soi sáng được hoàn cảnh hiện tại, dựa trên những hiểu biết vừa đạt được đưa ra một vài nhận xét bình thường thôi nhưng có thể có ích cho các công việc hiện tại. Đối nghịch lại những công thức viết bài luận theo kiểu học từ Liên Xô về như ta hay thấy trong các tập Dư địa chí của các tỉnh, nhất nhất tuân theo nguyên tắc duy vật, là mô tả địa lý, rồi đến một vài phong tục tập quán, quần áo, lịch sử các anh hùng v.v. là lối viết như kể một câu chuyện của Từ Chi, mà nhà nghiên cứu không chỉ được phép mà còn bắt buộc phải xuất hiện trong văn bản lịch sử để bảo đảm tính khách quan và chính xác cho khoa học. Có lẽ hai điều đó là đủ để soi đường cho nhà nghiên cứu lịch sử nào muốn đi tiếp con đường "phi chính thống" của Từ Chi.
[1] Đỗ Lai Thúy từng nhắc đến các công trình nghiên cứu của Từ Chi như nơi để học "phương pháp" khi so sánh ông với một tên tuổi thuộc loại hàng đầu nhóm chính thống là Đặng Nghiêm Vạn http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&id=4952&catid=6
[2] Bộ di cảo được giữ tại Bảo tàng dân tộc học ở Hà Nội http://vietbao.vn/Van-hoa/Di-cao-Tu-Chi-va-cau-chuyen-Con-duong-dan-toc-hoc/40052666/181/. TS Trương Huyền Chi đã nghiên cứu bộ di cảo này và phỏng vấn những người bạn và học trò của Từ Chi. Nội dung bài viết này hầu như dựa chủ yếu vào nghiên cứu đó của TS Trương Huyền Chi, đã được trình bày tại hội thảo về "Các thách thức cho xây dựng các ngành khoa học xã hội tự chủ" được tổ chức ở Mendoza, Argentina 3-6 tháng Mười Một 2010.
[3] Có thể đọc thêm bài của Nguyễn Huệ Chi viết về anh
họ http://daohieu.wordpress.com/category/t%C6%B0-li%E1%BB%87u-t%E1%BB%AB-chi-anh-toi/
[4] http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2005/10/3b9e2ef9/
[5] http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe/nguoi-xu-nghe/3631-nguyen-tu-chi-mot-nhan-cach-hai-hinh-tuong.html