Về quá trình chuyển hoá của kiến trúc đền-tháp Champa
Qúa trình chuyển hoá của kiến trúc đền-tháp Champa, có thể được sắp xếp thành bốn giai đoạn tiêu biểu như sau.
Giai đoạn thứ nhất, là giai đoạn của những kiến trúc Ấn Độ giáo từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 8 được xây dựng chủ yếu tại miền Bắc vương quốc. Theo bi ký, những kiến trúc bằng gạch đã được xây dựng ở Mỹ Sơn vào khoảng thế kỷ thứ 7/8. Tuy nhiên, chúng ta chỉ biết rằng ngôi đền Mỹ Sơn E1 đã được xây với tường gạch rất thấp, có bốn đế cột bằng sa thạch để đỡ bốn cột trụ bằng gỗ đặt ở bốn góc trong lòng tháp; vì ngôi đền này không có tường cao bọc kín chung quanh nên không có cửa giả; ở cửa chính có hai trụ cửa tròn và một mi cửa (fronton) lớn bằng sa thạch, có lẽ, chúng được chống đỡ bằng một khung cửa gỗ rất dày; khung sườn mái tháp bằng gỗ và ngói bằng đất nung hoặc bằng gỗ; kỹ thuật xây mái bằng vòm-giật-cấp/corbel có thể chưa được xử lý trong giai đọan này. Ngôi đền quan trọng Mỹ Sơn E1 đã bảo lưu kiểu thức xưa nhất của những công trình tôn giáo bằng gỗ vào thời kỳ đầu của các vương triều Champa như từng được nhắc đến nhiều lần trong minh văn Chàm. Kiểu thức ngôi đền gỗ này trong tiếng Chăm hiện đại gọi là ‘janùk’. Giai đoạn kiến trúc này còn được gọi là giai đoạn ngôi-đền-có-không-gian-mở (Trần Kỳ Phương 2011: 283; 2008b: 61-7) [Minh họa #3]
Minh họa #3: Cấu trúc khung gỗ (janùk) của ngôi đền Mỹ Sơn E1, khoảng đầu thế kỷ thứ 8, tiêu biểu cho kiểu thức ngôi-đền-không-gian-mở trong giai đoạn sớm của kiến trúc Chàm. (Theo Trần Kỳ Phương, Oyama Akiko & Shine Toshihiko (eds.), 2005. Nhà Trưng Bày Mỹ Sơn, Việt Nam.)
Giai đọan thứ hai, từ giữa thế kỷ 8 đến giữa thế kỷ 9. Trong thời kỳ này, những kiến trúc Ấn Độ giáo bằng gạch có kích thước khiêm tốn với mái tháp được xây bằng bằng kỹ thuật vòm-giật-cấp/corbel được dựng rải rác khắp vương quốc ở cả hai miền Nam và Bắc cho đến khoảng cuối thế kỷ thứ 8; chẳng hạn, ngôi đền chính của nhóm tháp Phú Hài với những trụ-áp-tường hình tròn tương tự kiểu hai cột cửa của tháp Mỹ Sơn E1 nhưng lại bằng gạch và đã xuất hiện cửa giả trên tháp. Đặc biệt, những kiến trúc ở Mỹ Sơn bắt đầu được tạo dựng bề thế hơn để xứng đáng với tầm vóc của một thánh đô của vương quyền ở miền Bắc vương quốc với những ngôi đền như A’1, A’3, F1, F3, C7 cùng với ngôi đền quan trọng C1 trước khi nó được trùng tu lại vào những thế kỷ sau này. Ở miền Nam vương quốc phải kể đến những kiến trúc như Phú Hài, Pô Đam/Pô Tằm, Hoà Lai; trong đó, nhóm ba tháp Hoà Lai là công trình gạch có kích thước lớn, chạm trổ cầu kỳ, tạo nên ấn tượng. Ở giai đoạn này, các kiến trúc chủ yếu bằng gạch nhưng đã bắt đầu xử dụng sa thạch một cách khiêm tốn trong một vài bộ phận, thường là để trang trí. Những ảnh hưởng của nghệ thuật Phù Nam và Chân Lạp/thời Tiền Angkor đã xuất hiện trên các bộ phận trang trí nhất là ở các tháp gạch tại miền Nam. Giai đoạn kiến trúc này còn gọi là giai đoạn ngôi- đền-có-không-gian-kín (Trần Kỳ Phương 2011: 291-6; 2008b: 67-9). [Minh họa #4]
Minh họa #4: Kalan Mỹ Sơn A1, thế kỷ thứ 10, tiêu biểu cho ngôi-đền-không-gian-kín áp dụng kỹ thuật vòm-giật-cấp (corbelling) thể hiện kiểu thức ngôi đền-núi shikhara của kiến trúc Hindu. (Theo Trần Kỳ Phương, 2008. Vestiges of Champa Civilization.)
Giai đoạn thứ ba, kéo dài từ giữa thế kỷ 9 đến cuối thế kỷ 10 thuộc vương trìều Indrapura bao gồm cả kiến trúc Phật giáo và Ấn Độ giáo. Thời kỳ này có nhiều mối quan hệ giữa vương quốc Champa và Java, được đánh dấu bằng những chuyến hành hương tới Java (Yavadvipapura) của các vị thượng quan trong triều đình Indrapura ở miền Bắc vương quốc năm 913 (Coedes 1968: 123). Đặt biệt, cũng tại miền Bắc vương quốc, nhiều công trình đồ sộ của Phật giáo và Ấn Độ giáo được xây dựng với những phong cách mới; những kiến trúc có tường bao bọc và mặt bằng hình chữ nhật được xử dụng rộng rãi. Sa thạch được chú trọng trong việc xử dụng nhất là ở các bộ phận chịu lực. Đây là giai đoạn tổng hợp được những yếu tố ảnh hưởng rộng từ những nền nghệ thuật bên ngoài như Khmer, Java, Hoa Nam/Vân Nam. Ngôi đền Mỹ Sơn A1, được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 10, là một kiệt tác của kiến trúc Champa cả về nghệ thuật trang trí cũng như kỹ thuật cấu trúc, đánh đấu thời kỳ phát triển cường thịnh nhất của vương quốc Champa (Trần et al. 2005a: 10-3).
Giai đoạn thứ tư, khoảng từ thế kỷ 11 kéo dài đến thế kỷ thứ 16, đây là giai đoạn bảo lưu và phát triển những kiểu thức cổ. Là giai đoạn của những vương triều Ấn Độ giáo và Phật giáo muốn phô trương quyền lực của mình qua những công trình kiến trúc bề thế. Nhiều ngôi đền có xu hướng dựng trên những ngọn đồi cao gây ấn tượng hơn. Phong cách kiến trúc tổng hợp được nhiều yếu tố ngoại lai trong trang trí cũng như trong kỹ thuật xây dựng, kiến tạo được nhiều đền-tháp cao rộng hơn so với công trình của những giai đoạn trước. Nhiều ngôi tháp trang trí bằng những trụ-áp-tường to lớn hơn nhưng không chạm trổ hoa văn, bằng những vòm cuốn có nhiều lớp to nặng hơn. Sa thạch rất được ưa chuộng và xử dụng phong phú, phổ biến ở các bộ phận trang trí và chịu lực, cho thấy một kỹ thuật cấu trúc đã đạt tới trình độ tinh xảo khi kết hợp nhuần nhuyễn được hai loại chất liệu- gạch và đá, có độ chịu lực và độ bền hoàn tòan khác nhau trên cùng một công trình xây dựng. Phần nhiều đền-tháp được tập trung xây dựng tại những trung tâm cảng-thị nơi có nhiều giao tiếp có tính chất quốc tế. Những ảnh hưởng của nghệ thuật Khmer xuất hiện trên những công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ 12-13. Vào khoảng cuối giai đoạn này, ở những thế kỷ 15-16, đền thờ vẫn được xây trên đồi nhưng với kích thước khiêm tốn, trang trí giản lược hơn, bộc lộ quá trình suy thoái của nền kiến trúc này. [Minh họa #6]
Minh họa #6: Quá trình phát triển phức hợp đền-tháp của nhóm Mỹ Sơn B-C-D qua ba thời kỳ kiến trúc: (1) khoảng thế kỷ thứ 7-8; (2) khoảng thế kỷ thứ 9-10; (3) khoảng thế kỷ thứ 11-13. (Theo Trần Kỳ Phương & Shige-eda Y. (eds.), 2005. Khu di tích Mỹ Sơn, Việt Nam.)
Nhìn chung, kiến trúc đền-tháp Champa ngay từ thuở ban đầu đã có những bước đi riêng biệt đầy cá tính ở cả hai miền của vương quốc. Trong suốt quá trình chuyển hoá của nền kiến trúc này, nó đã tiếp nhận những ảnh hưởng, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ những nền kiến trúc lân cận trên bán đảo Đông Dương như: Campuchia, Lào, Java, Đại Việt, Sri Dvaravati/Thái Lan, Nam Trung Hoa; và xa hơn, có thể kể đến Miến Điện hay Vân Nam (Shige-eda 2001: 100-7).
Về phân loại phong cách và niên đại kiến trúc đền-tháp Champa
Người tiên phong trong công cuộc nghiên cứu kiến trúc cổ Champa chính là kiến trúc sư và nhà khảo cổ học người Pháp, Henri Parmentier. Ông đã để lại những công trình đồ sộ và cơ bản về nền kiến trúc này được công bố trong những thập kỷ đầu của thế kỷ trước (Parmentier 1909, 1918).
Kế thừa những thành quả của Parmentier, từ năm 1942, Philippe Stern, nhà lịch sử nghệ thuật, đã phân loại kiến trúc đền-tháp Champa theo từng phong cách dựa trên sự chuyển hóa của nghệ thuật trang trí trên những bộ phận kiến trúc như: vòm cuốn, trụ cửa, trụ-áp-tường, vật-trang-trí-góc. Dựa trên sự tiến hoá của các kiểu thức trang trí của từng di tích tiêu biểu, Stern đề xuất một bảng phân loại các kiến trúc Chàm theo sáu phong cách sau: (1) Phong cách cổ hay Phong cách Mỹ Sơn E1; (2) Phong cách Hoà Lai; (3) Phong cách Đồng Dương; (4) Phong cách Mỹ Sơn A1; (5) Phong cách chuyển tiếp giữa Phong cách Mỹ Sơn A1 và Phong cách Bình Định; (6) Phong cách muộn (Stern 1942). Hầu hết các nhà nghiên cứu nghệ thuật Champa tại Việt Nam đều đã từng áp dụng cách phân loại theo phong cách của Stern trong các công trình của họ (Trần Kỳ Phương 1988; Ngô Văn Doanh 1994; Nguyễn Hồng Kiên 2000).
Gần đây, từ năm 1994, nhà lịch sử kiến trúc Nhật Bản, Shige-eda Yutaka đã phân loại và trình bày sự chuyển hoá của kiến trúc Champa dựa trên bố cục bình đồ/mặt bằng của kiến trúc đền-tháp; và ông đã phân nhóm kiến trúc Champa dựa vào vị trí địa lý và những biến cố lịch sử. Shige-eda đã xếp những kiến trúc đền-tháp Champa còn đứng vững thành sáu nhóm như sau: (1) Nhóm Mỹ Sơn; (2) Nhóm kiến trúc Quảng Nam; (3) Nhóm kiến trúc Bình Định; (4) Nhóm Pô Nagar Nha Trang; (5) Nhóm Phú Hài; (6) Nhóm kiến trúc muộn (Shige-eda et al. 1994: 99-100). [Minh họa #8]
Minh họa #8: Bố cục nhóm tháp Pô Nagar Nha Trang, thế kỷ thứ 8-13; cùng với Mỹ Sơn là hai thánh địa lớn nhất của hoàng gia Champa, được xây dựng qua nhiều thời kỳ kiến trúc. (Theo Trần Kỳ Phương & Shige-eda Y., 1997. Champà Iseki [Di Tích Champà].)
Kết quả của hai cách phân loại theo Stern và Shige-eda đã có những yếu tố tương đối bổ sung cho nhau và nêu lên được một bảng niên đại chung nhưng cũng chỉ mang tính tương đối chính xác cho từng công trình kiến trúc đền-tháp Champa. Như đã trình bày ở trên, những đền-tháp Champa hiện còn đứng vững đều đã trải qua nhiều lần trùng tu trong suốt nhiều thế kỷ bởi các vương triều cổ; và, trong khi trùng tu hoặc xây dựng mới các nơi thờ tự, người Chàm xưa kia có truyền thống xử dụng lại các vật liệu của những công trình trước đó; thậm chí, còn tái xử dụng nhiều yếu tố, bộ phận và hoa văn trang trí từ các kiến trúc cũ; nhiều ngôi đền mới được dựng ngay trên nền của các ngôi tháp cũ[1]. Vì vậy, việc đoán định niên đại cho từng di tích một là một công việc không dễ dàng.
Tuy nhiên, bằng vào kết quả các công trình nghiên cứu của Stern, dựa theo các đặc điểm của kiểu thức hoa văn trang trí; và của Shige-eda, dựa theo bình đồ kiến trúc; cùng với sự phân tích kỹ thuật xây dựng và cấu trúc của từng giai đoạn kiến trúc tại từng di tích một; đồng thời, dựa trên những minh văn có liên quan đến các di tích và so sánh với những biến cố lịch sử có liên quan đến sự hưng vong của các vương triều Champa. Chúng tôi đã có thể sắp xếp các phế tích đền-tháp Champa theo từng nhóm kiến trúc, theo sự phát triển kỹ thuật xây dựng đền-tháp tại các di tích lớn và theo từng vùng địa lý, như Shige-eda đã đề xuất, bổ sung thêm những nhóm kiến trúc của từng vùng, rồi nhận định niên đại cho từng công trình một, như sau[2]:
Bảng sắp xếp nhóm kiến trúc và niên đại các di tích Champa:
Tên nhóm kiến trúc
|
Tên di tích
|
Niên đại
|
Địa điểm
|
Nhóm phía Bắc/ Tiểu quốc (?) Ulik (Ô-Lý)
|
Mỹ Khánh
|
Đầu t.k. 8
|
Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế
|
|
Hà Trung
|
Đầu t.k. 10 và tu bổ về sau
|
Gio An, Gio Linh, Quảng Trị
|
|
Linh Thái
|
T.k. 11-13
|
Vinh Hiền, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế
|
|
Liễu Cốc
|
T.k. 11-12
|
Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên-Huế
|
Nhóm Mỹ Sơn/ Tiểu quốc (?) Amaravati
|
Mỹ Sơn A1
|
Đầu t.k. 10 (trước 982/3)
|
Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam
|
|
Mỹ Sơn A10
|
Giữa t.k. 9 (khoảng 875)
|
|
|
Mỹ Sơn A13
|
Đầu t.k. 9 (trước 875)
|
|
|
Mỹ Sơn B1
|
Cuối t.k. 11 (khoảng 1074/81) và t.k. 13 (khoảng 1234/5)
|
|
|
Mỹ Sơn B2
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
|
Mỹ Sơn B3
|
Giữa t.k. 10 (trước 982/3)
|
|
|
Mỹ Sơn B4
|
Giữa t.k. 9 (khoảng 875)
|
|
|
Mỹ Sơn B5
|
Đầu t.k. 10 (trước 982/3)
|
|
|
Mỹ Sơn B6
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
|
Mỹ Sơn B7
|
Giữa t.k. 10
|
|
|
Mỹ Sơn B14
|
Giữa t.k. 7 (?) (khoảng 658?)
|
|
|
Mỹ Sơn C1
|
Cuối t.k. 8 và cuối t.k. 11
|
|
|
Mỹ Sơn C2
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
|
Mỹ Sơn C3
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
|
Mỹ Sơn C4
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
|
Mỹ Sơn C5
|
Giữa t.k. 10
|
|
|
Mỹ Sơn C6
|
Giữa t.k. 9
|
|
|
Mỹ Sơn C7
|
Đầu t.k. 8 và tu bổ về sau
|
|
|
Mỹ Sơn D1
|
Đầu t.k. 10 (trước 982/3)
|
|
|
Mỹ Sơn D2
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
|
Mỹ Sơn E1
|
Đầu t.k. 8 và tu bổ về sau
|
|
|
Mỹ Sơn E7
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
|
Mỹ Sơn F1
|
Cuối t.k. 8 và tu bổ về sau
|
|
|
Mỹ Sơn F2
|
Giữa t.k. 10
|
|
|
Mỹ Sơn G
|
Giữa t.k. 12 (1157/8)
|
|
|
Mỹ Sơn H
|
Đầu t.k. 13 (khoảng 1234/5)
|
|
|
Mỹ Sơn K
|
Cuối t.k. 11-12
|
|
Nhóm Quảng Nam/ Tiểu quốc (?) Amaravati
|
Đồng Dương
|
Cuối t.k. 9 (khoảng 875)
|
Bình Định, Thăng Bình, Quảng Nam
|
|
Khương Mỹ
|
Đầu t.k. 10 và tu bổ về sau (khoảng cuối t.k. 11- giữa t.k. 12)
|
Tam Xuân, Núi Thành, Quảng Nam
|
|
Chiên Đàn
|
Cuối t.k. 11- giữa t.k. 12 (khoảng 1074/81 và khoảng 1157/8)
|
Tam An, Tam Kỳ, Quảng Nam
|
|
Bằng An
|
Khoảng t.k. 12
|
Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam
|
Nhóm Bình Định/ Tiểu quốc (?) Vijaya
|
Dương Long
|
Cuối t.k. 12- đầu t.k. 13 và tu bổ về sau vào t.k. 14-15 (trước 1471)
|
Bình Hòa, Tây Sơn, Bình Định
|
|
Hưng Thạnh/Tháp Đôi
|
Cuối t.k. 12- đầu t.k. 13
|
Đống Đa, qui Nhơn, Bình Định
|
|
Cánh Tiên
|
Cuối t.k. 13-t.k. 14/15
|
Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định
|
|
Thốc Lốc/Phú Lốc
|
Cuối t.k. 13-14
|
Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định
|
|
Thủ Thiện
|
Cuối t.k. 13-14
|
Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định
|
|
Bình Lâm
|
Đầu t. k. 11 (khoảng 1000)
|
Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định
|
|
Bánh Ít/ Tháp Bạc
|
Đầu t.k. 11 (khoảng 1000) và tu bổ về sau
|
Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định
|
Nhóm Pô Nagar Nha Trang/Tiểu quốc (?) Kauthara
|
Pô Nagar Nha Trang (Tháp Tây-Bắc)
|
Giữa t.k. 10
|
Xóm Bóng, Nha Trang, Khánh Hòa
|
|
Pô Nagar Nha Trang (Tháp Chính/Kalan)
|
Giữa t.k. 11 (khoảng 1050) và t.k. 12
|
|
|
Pô Nagar Nha Trang (Tháp Nam)
|
T.k. 12-13
|
|
|
Tháp Nhạn
|
Khoảng t.k. 11-12
|
Tuy Hòa, Phú Yên
|
Nhóm Hòa Lai/ Tiểu quốc (?) Panduranga
|
Hòa Lai
|
Cuối t.k. 8- đầu t.k. 9
|
Tân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận
|
|
Phú Hài
|
Giữa t.k. 8- đầu t.k. 9
|
Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận
|
|
Pô Đàm/Pô Tằm
|
T.k. 8
|
Phong Phú, Tuy Phong, Bình Thuận
|
Khu Pô Klaung Garai
|
Pô Klaung Garai
|
T.k. 13-14
|
Lưu Vinh, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
|
Nhóm tháp muộn
|
Yang Prong
|
T.k. 14-15
|
Ea Rốc, Ea Súp, Đắc Lắc
|
|
Pô Ramê
|
T.k. 15-16/17 và tu bổ đến t.k. 19
|
Hữu Đức, Ninh Phước, Ninh Thuận
|
Tạm kết
Di sản phong phú của kiến trúc tôn giáo Champa/Chiêm Thành đóng góp những bằng chứng cụ thể vào những hiểu biết của chúng ta về quá khứ của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á. Những di tích kiến trúc đền-tháp này phản ảnh sinh động cấu trúc kinh tế-xã hội cũng như những xu hướng văn hóa của [các]vương quốc Champa qua nhiều giai đoạn lịch sử; chúng cũng cung cấp những bằng chứng sinh động để nghiên cứu đối sánh mối quan hệ nghệ thuật, kiến trúc và tôn giáo trong vùng.
Giá trị tự thân của di tích kiến trúc Champa đã được thừa nhận bởi UNESCO khi tổ chức này quyết định công nhận Thánh địa Mỹ Sơn (Mỹ Sơn Sanctuary) là Di sản Văn hóa Thế giới vào tháng 12 năm 1999. Những lý do chính để UNESCO công nhận Mỹ Sơn là di sản thế giới như sau:
Tiêu chuẩn (ii): Thánh địa Mỹ Sơn là một ví dụ ngoại lệ của sự tương quan chuyển đổi văn hóa, với sự giới thiệu nền kiến trúc Ấn Độ giáo của đại lục Ấn Độ vào Đông Nam Á;
Tiêu chuẩn (iii): Vương quốc Champa đã là một hiện tượng quan trọng trong lịch sử chính trị và văn hóa của Đông Nam Á, được minh họa sinh động bởi phế tích Mỹ Sơn (UNESCO 1999).
Nghiên cứu sâu về nền kiến trúc Champa cũng cho phép chúng ta hiểu biết rõ hơn về vai trò nổi bật của vương quốc Champa đặt trong mối quan hệ của các vương quốc cổ Đông Nam Á đối với hai nền văn hóa lớn Ấn Độ và Trung Hoa.
Thư mục tham khảo
Acharya, P. K. 1996. Hindu architecture in India and Abroad. New Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers.
Binda L., Condoleo P., Tedeschi C. 2009. ‘Materials Characterisation’. In Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam) (eds. Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese). Singapore: NUS Press, 2009, pp. 283-311.
Baptiste, Pierre & Thierry Zephir (eds.) 2005. Trésors d’art du Vietnam: la sculpture du Champa, Ve - XVe siècles. Paris: Musée Guimet.
Boisselier, Jean 1963. La Statuaire du Champà: recherches sur les cultes et l’iconograpghie. Paris: EFEO [ Publications de l’Ecole fransaise d’Extreme- Orient 54].
Coedes, George 1968. The Indianized States of Southeast Asia. Honolulu: East-West Center [Translated from the French by Sue Brown Cowing, ed. by Walter F. Villa].
Dumarcay, Jacque 2003. Architecture and its models in South-East Asia. Bangkok: Orchid Press.
Đào Duy Anh 1957. ‘Sự thành lập nước Lâm Ấp’. In Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, quyển Thượng. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa, Cục Xuất Bản–Bộ Văn Hóa, pp.122-34.
Golzio, Karl-Heinz (ed.) 2004. Inscription of Campà. Aachen: Shaker Verlag.
Guy, John 2005. ‘Échanges artistiques et relations interrégionales dans les territories cham’. In Trésors d’art du Vietnam: la sculpture du Champa, Ve - XVe siècles (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zephir). Paris: Musée Guimet, pp. 141-53.
Hardy, Andrew 2009. ‘Introduction’. In Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam) (eds. Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese). Singapore: NUS Press, 2009, pp. 1-13.
Higham, Charles 1989. The Archaeology of Mainland Southeast Asia. Cambridge University Press.
Hồ Xuân Tịnh 1998. ‘Découverte d’une tête en or au Quang Nam’. Lettre de la Société de Amis du Champa Ancient, No. 4, p. 10. Paris: Societe des Amis du Champa Ancient/Sacha.
Kramrisch, Stella 1976. The Hindu Temple (2 vols.). Dehli: Motilal Banarsidass Publisher.
________.1981. The Presence of S’iva. New Jersey: Princeton University Press.
Kreisel, Gerd 1987. Linden-Museum Stuttgart, Sudasien-Abteilung (Katalog). Stuttgart: Linden-Museum Stuttgart.
Lafont, P.-B. 1996. ‘Mythologie du Champa: les Dieux du Champa’. In L’Âme du Việt Nam. Paris: Editions Cercle d’Art, pp. 41-9.
Lê Vân 2000. ‘Đã năm thế kỷ bị lãng quên’. Báo Lao Động, 12-2-2000. Hà Nội: Báo Lao Động.
Lobo, Wibke 1992. Palast der Gotter (Katalog). Berlin: Staatliche Museen zu Berlin- Museum fur Indische Kunst.
________.2005. ‘«Linga» et «Kosa» au Champa culte et iconographie’. In Trésors d’art du Vietnam: la sculpture du Champa, Ve - XVe siècles (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zephir). Paris: Musée Guimet, pp. 88-95.
Michell, George 1988. The Hindu Temple. Chicago & London: The Chicago University Press.
Momoki, Shiro 2011.’”Mandala Champa” seen from Chinese sources’. In The Cham in Vietnam: History, Society and Art (eds. Tran Ky Phuong and Bruce M. Lockhart). Singapore: NUS Press, pp.120-37.
Nguyễn Hồng Kiên 2000. ‘Đền tháp Champà’. Kiến Trúc, số 4 (84), pp. 49-52. Hà Nội: Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam.
Ngô Văn Doanh 1994. Tháp cổ Chămpa, sự thật và huyền thoại. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn Hóa- Thông Tin.
Parmentier, Henri 1909. Inventaire descriptif des monuments Cams de l’Annam: vol.I. Description des monuments. Paris: Leroux [Publications de l’Ecole Francaise d’Extrême- Orient 11].
_________.1918. Inventaire descriptif des monuments Cams de l’Annam: vol. II. Étude de l’art Cam. Paris: Leroux [Publications de l’Ecole Francaise d’Extrême- Orient 11].
_________.1948. L’Art architectural Hindou dans l’Inde et en Extrême-Orient. Paris: Van Oest.
Nakamura, Rie 1999. Cham in Vietnam: Dynamics of Ethnicity (Ph.D. dissertation).
Department of Anthropology, University Washington.
_________.2009. ‘Awar-Ahier: Two keys to understanding the cosmology and ethnicity of the Cham people (Ninh Thuan Province, Vietnam). In Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam) (eds. Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese). Singapore: NUS Press, 2009, pp. 78-106.
Shige-eda Yutaka 1999. ‘Champa kenchiku-shi jo-setsu’ [A brief introduction on Champa architectural history]. In Champa: rekishi, matsuson, kenchiku [Champa: history, descendant, architecture] (eds. Momoki Shiro, Higuchi Hideo and Shige-eda Yutaka). Tokyo: Hatsukoo Mekong, pp. 145-255.
________. 2001 ‘Betonamu no Kenchiku’ [Kiến Trúc Việt Nam]. In New History of World Art, Vol. 12, Toonan Asia (ed. Takashi Koezuka). Tokyo: Shogakukan, pp. 100-7. Shige-eda Yutaka & Momoki Shiro (eds.) 1994. Artifacts and culture of the Champà Kingdom (Catalogue). Tokyo: The Toyota Foundation.
Southworth, William 2004. ‘The coastal states of Champa’. In Southeast Asia from prehistory to history (eds. Ian Glover and Peter Bellwood). London and New York: RoutledgeCurzon, pp. 209-33.
Stern, Philippe 1942. L’art du Champà et son évolution. Paris: Publication du Musee Guimet.
Tadgell, Christopher 1990. The History of Architecture in India. London: Phaidon Press Limited.
Tjahjono, Gunawan (ed.) 1998. Indonesian Heritage- Architecture. Jakarta: Archipelago Press.
Trần Kỳ Phương 1988. Mỹ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm. Đà Nẵng: Nhà xuất bản Đà Nẵng.
________ .2005a. ‘Phù điêu astadikpalaka của chóp tháp/amalaka Vân Trạch Hòa và hình tượng dikpalakas trong điêu khắc Champa’. In Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, Tập II (eds. Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, pp. 653-77.
________ .2005b. ‘Recherche sur le temple de My Son E1: Nouvelles données sur le réemploi d’éléments de décor architectural dans un temple hindou du Champa’. In Trésors d’art du Vietnam: la sculpture du Champa, Ve - XVe siècles (eds. Pierre Baptiste and Thierry Zephir). Paris: Musée Guimet, pp. 132-9.
________.2008a. Vestiges of Champa Civilization. Hanoi: Thế Giới Publishers.
________.2008b. ‘The relationship between architecture and sculpture in Cham sacred art of the seventh to the ninth centuries CE’. In Interpreting Southeast Asia's Past: Monument, Image and Text (eds. Elisabeth Bacus, Peter Sharrock and Ian Glover). Singapore: NUS Press, pp. 55-72.
________.2009. ‘The Architecture of the Temple-Towers of Ancient Champa (Central Vietnam)’. In Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam) (eds. Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese). Singapore: NUS Press, 2009, pp. 155-86.
________.2010. ‘Interactions between uplands and lowlands through the ‘riverine exchange network’ of central Vietnam- A case study in the Thu Bon river valley’. In 50 years of Archaeology in Southeast Asia: Essays in honour of Ian Glover (eds. Bellina, B. & L. Bacus & T.O. Pryce & J. Wisseman Christie). Bangkok and London: River Books, 2010, pp. 206-15.
________.2011. ‘The Integral Relationship between Hindu Temple Sculpture and Architecture: A New Approach to the Arts of Champa’. In The Cham in Vietnam: History, Society and Art (eds. Tran Ky Phuong and Bruce M. Lockhart). Singapore: NUS Press, pp. 277-99.
Trần Kỳ Phương & Shige-eda Y. 1997. Champà Iseki [Di Tích Champà]. Tokyo: Rengoo Shutsupan.
_______.2002. ‘Phế tích Champa: khảo luận về kiến trúc đền-tháp’. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Số 1 (35), pp. 75-88; Số 2 (36), pp. 41-52. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên-Huế.
Trần Kỳ Phương & Shige-eda Y. (eds.) 2005a. Khu di tích Mỹ Sơn, Việt Nam. Tokyo: Product of Open Research Center Project, Nihon University [My Son Site, Vietnam. Tokyo: Product of Open Research Center Project, Nihon University].
Trần, Kỳ Phương, Oyama Akiko & Shine Toshihiko (eds.) 2005b. Nhà Trưng Bày Mỹ Sơn, Việt Nam. Tokyo: Product of Open Research Center Project, Nihon University [My Son Site Museum, Vietnam. Tokyo: Product of Open Research Center Project, Nihon University].
Trần Kỳ Phương & Rie Nakamura 2008. ‘The Mỹ Sơn and Pô Nagar Nha Trang Sanctuaries: On the Cosmological Dualist Cult of the Champa Kingdom in Central Vietnam as Seen from Art and Anthropology’, ARI Working Paper, No. #100, February 2008, www.ari.nus.edu.sg/pub/wps.htm
Trần Quốc, Vượng 1999. ‘Từ một cái nhìn Thánh Địa Mỹ Sơn ..’. In Di Tích Mỹ Sơn (eds. Sở Văn hóa –Thông tin Quảng Nam). Quảng Nam: Sở Văn hoá- Thông tin Quảng Nam, pp. 26-34.
Trịnh Nam Hải 2001. ‘Kết quả khai quật tháp Mỹ Khánh’. Thông tin Khoa Học và Công Nghệ, số 3 (33), pp. 72-83. Huế: Sở Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường.
Uka, Tjandrasasmitra 1992. ‘Notes on the reflection of the holy mountain conception of some temples in Indonesia and Cambodia’. In Study on Historic Cities in Lower Northeast Thailand, A.D. 8th -13th Centuries. Tokyo: Institute of Asian Cultures, Sophia University (Cultural Heritage in Asia [7]) , pp. 229-33.
UNESCO 1999. http://whc.unesco.org/en/list/948
Viện Khoa Học, Công Nghệ Xây Dựng 1999. Báo Cáo Nghiên Cứu Kỹ Thuật Xây Dựng Các Tháp Chăm Phục Vụ Trùng Tu và Phát Huy Giá Trị Di Tích (eds.Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng). Hà Nội: Bộ Xây Dựng.
Vickery, Michael 2011. ‘Champa revised’. In The Cham in Vietnam: History, Society and Art (eds. Tran Ky Phuong and Bruce M. Lockhart). Singapore: NUS Press, pp. 363-420.
Williams, Joanna G. 1982. The Art of Gupta India: Empire and Province. New Jersey: Princeton University Press, Princeton.
Zolese, Patrizia 2009. ‘Results of the archaeological investigations at My Son G Group (1997-2007)’. In Champa and the archaeology of My Son (Vietnam) (eds. Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patrizia Zolese). Singapore: NUS Press, pp. 197-237.
Minh họa #9: Nhóm Tháp Bạc, thế kỷ 11-12; tiêu biểu cho đền-tháp Chàm được dựng trên đồi cao. Tỉnh Bình Định. Photo: TKP.
Minh họa #10: Nhóm đền-tháp Mỹ Sơn, thế kỷ 4-13, được dựng trong một thung lũng kín đáo dưới chân ngọn Núi Thiêng Mahaparvata/Đại Sơn Thần. Tỉnh Quảng Nam. Photo: TKP.
Minh họa # 11: Nhóm Tháp Dương Long, thế kỷ 12-13; kiến trúc bằng gạch cao nhất Đông Nam Á, cao 42 mét. Tỉnh Bình Định. Photo: TKP.
[1] Cuộc khai quật khảo cổ học phục vụ trùng tu tại nhóm tháp Khương Mỹ năm 2007 đã chứng minh di tích này được trùng tu nhiều lần trong các thế kỷ 11-12. Các đế-tháp bằng sa thạch thuộc nhiều giai đoạn kiến trúc khác nhau đã được phát hiện tại ngôi Tháp Nam của nhóm Khương Mỹ. Tại đây, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy những bằng chứng về việc sao chép các kiểu thức hoa văn của các công trình có niên đại sớm hơn vào các công trình được trùng tu về sau (Trao đổi cá nhân với nhà khảo cổ học Nguyễn Chiều, Khoa Lịch sử, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tại Tam Kỳ, Quảng Nam tháng 10-2007).
[2] Việc sắp xếp các kiến trúc Champa theo từng phong cách của Philippe Stern dựa theo phương pháp phân tích những đặc điểm trang trí của các nhà lịch sử nghệ thuật Pháp đề xuất từ đầu thế kỷ 20 được áp dụng để nghiên cứu nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á gọi là phân tích mô-típ (analyse de motif). Phương pháp này đã mang lại những kết quả khả quan trong sự tiếp cận niên đại của tác phẩm nghệ thuật bằng cách phân tích các họa tiết/mô-típ trong từng chi tiết và so sánh chúng với nhau (Williams 1982: 6-7). Tuy nhiên, phương pháp này vẫn không tránh khỏi những thiếu sót, vì nó không đặt các công trình nghệ thuật vào sự chuyển hoá chung trong bối cảnh lịch sử đặc thù của từng di tích một, nhất là không chú trọng đến tính địa phương của từng công trình nghệ thuật và quá trình phát triển kỹ thuật cấu trúc của từng di tích kiến trúc. Trong trường hợp của nghệ thuật Champa, nếu dựa vào cách sắp xếp các giai đoạn nghệ thuật theo từng phong cách như Stern đã đề xuất, thì, rất khó ứng dụng để phân nhóm và đoán định niên đại cho từng di tích/nhóm di tích, chẳng hạn: Phong cách Mỹ Sơn E1 được cho là một giai đoạn nghệ thuật lớn nhưng lại không có kiến trúc tiêu biểu, chỉ dựa vào hoa văn trang trí của một đài thờ và dựa theo các vật trang trí kiến trúc như trụ cửa, fronton của ngôi đền Mỹ Sơn E1, nhưng những vật trang trí điêu khắc bằng sa thạch thì có thể đã được thêm vào trong các lần trùng tu về sau (Trần Kỳ Phương 2005b: 132-9). Về không gian phân bố, nếu dùng tên của một di tích tiêu biểu để gọi chung cho một giai đoạn nghệ thuật bao gồm nhiều di chỉ khác nhau trải rộng trên nhiều vùng và nhiều tiểu quốc mang những yếu tố địa lý khác nhau, thì cũng không thuyết phục, vì, yếu tố vùng và địa lý đã đóng một vai trò rất quyết định trong việc hình thành các đặc điểm của từng di tích Chàm; hơn nữa, đối với từng di tích một, tự thân chúng cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu nên khó có thể tiêu biểu cho một giai đoạn nghệ thuật nào. Chẳng hạn, nhóm Chiên Đàn được xây dựng trong các thế kỷ 11-12, nhưng có thể đã được trùng tu thêm vào thế kỷ 13 trước khi châu Amaravati bị bỏ phế, nhóm tháp Chiên Đàn có những yếu tố trang trí tương tự với ngôi đền chính của nhóm Pô Nagar Nha Trang nhưng về bình đồ cấu trúc thì khác hẳn, cho nên không thể xếp chúng vào chung một phong cách theo cách gọi của Stern là “Phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định” được; tuy rằng, những đặc điểm kiểu thức trang trí của hai nhóm tháp này như tường tháp chỉ trang trí đơn giản bằng những đường gờ thẳng và không có hoa văn hình chữ S nối nhau, đó là xu hướng thẩm mỹ của nghệ thuật Chàm trong giai đoạn từ thế kỷ 11 trở về sau, vì vậy, cả hai di tích đều có thể xây dựng cùng thời, khoảng thế kỷ 11-12. Cũng vậy, nếu cho rằng Phong cách Hoà Lai dựa trên nhóm tháp Hoà Lai mà hình thành và tiêu biểu cho các công trình khác trải dài từ Nam đến Bắc vương quốc thì thật khó chấp nhận, bởi lẽ, các kiến trúc của Mỹ Sơn ở vào giai đọan này như F1, F3, A’2, C7, v.v.. về kỹ thuật cấu trúc, bình đồ cũng như hoa văn trang trí hoàn toàn không tương tự với các tháp thuộc nhóm Hòa Lai, nên khó có thể dùng tên một di tích để gọi chung cho những vùng nghệ thuật khác nhau; và, về mặt không gian thì rất cách xa nhau, trong khi đó, tự thân các khu di tích quan trọng đều có quá trình phát triển riêng của chúng.
Do đó, khuynh hướng sắp xếp các công trình kiến trúc theo từng vùng hay từng nhóm kiến trúc và các di tích trọng yếu như Shige-eda đề xuất, thì, chúng ta sẽ có cơ hội để tiếp cận với sự phát triển qua nhiều giai đoạn của các công trình kiến trúc có cùng chung những yếu tố địa lý và tín ngưỡng; và đặc biệt, nêu rõ được tính địa phương hoặc truyền thống địa phương trên từng công trình nghệ thuật cũng như nêu lên được đặc trưng của từng vùng nghệ thuật, tuy rằng giữa những vùng nghệ thuật này đều có những ảnh hưởng qua lại với nhau, bởi vì trong nền kiến trúc Chàm có những di tích phát triển liên tục trong nhiều thế kỷ như Mỹ Sơn hoặc Pô Nagar Nha Trang bao gồm nhiều giai đoạn nghệ thuật kế thừa nhau. Hơn nữa, việc phân loại các kiến trúc Champa theo từng vùng cũng phù hợp với xu hướng nghiên cứu hiện nay khi cho rằng [các]vương quốc Champa được hình thành bởi nhiều tiểu quốc độc lập về kinh tế cũng như chính trị chứ không phải là một vương quốc thống nhất như trước đây đã từng đề xuất (Trần Kỳ Phương et al. 1997: 33-5; Vickery 2011: 377-89).