Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
339
122.645.949
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4
Tuấn Giang

Chương III

ĐẶC ĐIỂM LÀN ĐIỆU CHÈO.

 

 

1.Mô hình làn điệu chèo.

 

Nói đến ca nhạc chèo nhiều nhà nghiên cứu, hoặc bình luận tuỳ hứng như một điều kỳ diệu không loại nào hay bằng làn điệu chèo. Viết "Đây là mảnh đất riêng, thế giới riêng của sự cảm nhận mà không có bất kỳ một phương tiện nào thuộc phạm trù hình thức lý giải nổi"*. Hình loại nghệ thuật nào chẳng một thế giới riêng cảm nhận, biểu hiện nội dung, nếu khẳng định “không có bất kỳ… hình thức lý giải nổi”, làm sao các nhà sáng tác đến với nhạc chèo. Những gì do con người tạo ra sẽ không có cái chẳng giải thích nổi, ngay những bức màu đen tối nhất của thế giới tự nhiên con người đang từng ngày hé mở đến tận cùng chân lý.

 

Nhiều nhà nghiên cứu còn nêu nhạc chèo như một thể loại duy nhất có mô hình làn điệu, họ quên mất những làn điệu bài bản tuồng chèo cải lương, nhạc truyền thống Việt Nam là nhạc mô hình, những thể loại rock, rap, hip hop… hiện nay là nhạc mô hình, nghệ thuật là mô hình. Nói đến mô hình làn điệu chèo theo tiêu chí nào, một tác giả viết "mô hình lại được xác lập trên một bình diện khác, nó thể hiện những trạng thái tình cảm hỉ nộ ái ố ưu tư khủng”… Mô hình nghệ thuật nào chẳng thể hiện một trong những đặc trưng tình cảm ấy, nhưng phương thức biểu hiện bằng ngôn ngữ, khác với hình thức mô hình. Nói đến mô hình là nói về cấu trúc hình thức không thuộc phạm trù nội dung một tác phẩm, hoặc làn điệu chèo. Bởi khái niệm mô hình là hình khối, đường nét tạo dáng nhìn thấy. Mô hình là những hình mẫu thu nhỏ, mô phỏng cơ chế hoạt động của một vật thể như mô hình máy bay, ô tô, nhà cao ốc… Những mô hình ấy, là cấu trúc hình thức, chỉ là mô hình không có giá trị sử dụng. Mô hình làn điệu chèo, là những hình mẫu cấu trúc hình thức, không thể hiện nội dung bên trong bởi chỉ là mô hình. Dù âm nhạc thuộc loại văn hoá phi vật thể, cảm nhận bằng cái tai với trái tim nhạy bén, nhưng không thoát khỏi cấu trúc hình thức nhìn thấy bằng mắt, đó là mô hình những nốt nhạc và các đoạn nhạc. Mô hình làn điệu chèo có ba loại, ba hình thức cấu trúc khác nhau, hoàn toàn là mô hình. Hình thức kết cấu mô hình làn điệu chèo có thể trình bày dưới dạng đoạn khúc. Làn chèo, loại mô hình hệ thống mở, kết cấu giai điệu âm nhạc tự do. Mô hình làn cấu trúc từ một đoạn đơn đến ba đoạn đơn. Biểu thị mô hình làn:

 

 

Đây là mô hình sắp xếp câu đoạn theo nghiên cứu âm nhạc học, nếu sắp xếp theo quan niệm nghệ nhân sẽ có mô hình Trổ một, trổ hai, trổ ba. Loại làn một trổ tương ứng với một đoạn, loại hai, ba trổ tương ứng với hai ba đoạn nhạc. Nhìn vào hình thức các làn chèo trên, ngay những nhà ngoại cảm siêu phàm không thể nhận thức nổi mô hình này diễn tả tình cảm gì trong mỗi khúc đoạn, hình sóng gấp khúc.

Loại làn một trổ, cấu trúc giai điệu không có nhịp, thường cấu trúc hai câu nhạc, một câu hai tiết nhạc gồm vế trống, vế mái tạo thành câu. Mô hình làn loại một trổ, hai trổ:

 

 

Mô hình làn chèo, giai điệu tự do, loại mô hình nhắc lại A - A', loại không nhắc lại A - B, đây là đặc điểm mô hình làn chèo. Một giai điệu nhạc hát không có nhịp, hai có đoạn nhắc lại câu đầu, hoặc không nhắc lại nét giai điệu chủ đạo, mở đầu hoặc đoạn lưu không. Dựa trên mô hình mở của làn chèo, người sáng tác muốn có làn mới phải tuân thủ cấu trúc mô hình làn chèo:

  • Giai điệu nhạc không có nhịp.
  • Phát triển câu vế trống vế mái.
  • Cấu trúc trổ một, trổ hai…

 

Nếu sáng tác theo chủ đề đoạn âm nhạc không thuộc phạm vi làn, đến muôn đời không có làn chèo mới, ví dụ bài hát trong vở chèo Nàng Xi Ta, một bài hay nhất trong các bài sáng tác cho nhạc chèo đi vào đời sống âm nhạc một thời, mọi người thích hát thuộc lòng nhưng chỉ là ca khúc không phải làn, chẳng bao giờ thành điệu chèo mới. Nguyên nhân nằm ngay ở phương pháp sáng tác, không tuân thủ mô hình làn điệu chèo nghệ nhân dân gian.

 

B.Mô hình điệu chèo.

 

Hệ thống điệu chèo nhiều loại nửa làn nửa điệu ngắn, thường cấu trúc một đoạn, hai đoạn đơn các điệu: Sắp Đốt nhọ bôi mồm, Sắp Nước đục lờ lờ, Sắp Cung quăng cung múa, Sắp Cá rô… loại nửa làn nửa điệu dài, làn một đoạn, điệu ba bốn đoạn tụ tập như điệu Hôm ba mươi tết, Cấm giá, Quá giang, Con gà rừng… Nhiều đoạn, nhiều thang âm đan xen nhau, cấu thành làn điệu độc lập, điệu ngắn một đoạn, dài hai ba đoạn đơn, nhiều thang âm đan xen cấu trúc thành điệu.

 

Những làn điệu, nửa làn nửa điệu, cấu trúc giống nhau mở đầu làn, một câu vỉa, ngâm hát nói, vào một câu hát, hoặc đoạn mở đầu làn, đoạn tiếp theo điệu hát kết hai, ba, bốn đoạn. Loại nửa làn nửa điệu mang hai nội dung âm nhạc, một hình thức tự do diễn kể không có nhịp hoà vào điệu. Loại tự sự ngâm ngợi, hát nói riêng, vào điệu hát theo nhịp độc lập. Mô hình chung có thể biểu thị:

 

1.Loại một đoạn đơn.

 

 
   

Làn                                              Điệu

 

 

Mô hình cấu trúc chung, loại nửa làn nửa điệu mang đặc tính ca nhạc dân gian từ cac loại hát nói diễn kể tự do không có nhịp, sau đoạn mở đầu vào điệu hát theo khuôn nhịp mang tinh chuyên nghiệp kinh điển. Loại điệu độc lập mô hình giống nhau, không có đoạn mở đầu tự do, hát thẳng vào nhịp phách mang tính niêm luật khuôn phép chuyên nghiệp. Những hình thức nửa làn nửa điệu và điệu, cấu trúc giống nhau nhiều thang âm đan xen như đồ rê pha son la đố, rề mi son la đô rế, rề mì son la xi rế… làn phong phú giai điệu âm nhạc.

 

Nguyên tắc phát triển loại nửa làn nửa điệu và điệu, cấu trúc truyền thống theo vế trổ, trổ mở đàu làn, trổ tiếp vào điệu. Loại nửa làn nửa điệu ngắn, câu trổ, vế gồm hai tiết nhạc vế trống, vế mái, câu tiếp theo vào điệu hát. Vế trống tiết nhạc mở, vế mái phát triển nhắc lại như câu Sử bằng: Vẳng i i  nghe i i thấy tiếng cha i i i i i đòi i, hoặc câu Hoài thu: Thập thập nguyệt i i i i i i, câu Hề tiểu: A a trốn linh mà tôi đi i i tu, trốn ưu trần thế… Tuy nhiên có những loại không nhắc lại, đó là sự phong phú cấu trúc câu làn điệu chèo. Muốn có loại nửa làn nửa điệu, sáng tác mới theo niêm luật nghệ nhân dân gian, bằng không chỉ là những ca khúc trong vở chèo mới. Muốn có điệu chèo độc lập, sáng tác điệu mới theo kinh nghiệm chèo truyền thống, còn tư duy câu đoạn ca nhạc mới, hoặc mô phỏng làn điệu sẽ không có điệu. Những ước vọng mong muốn có thêm làn điệu chèo mới của các nhà soạn nhạc hôm nay chỉ là ảo vọng, bởi nghệ thuật chèo đã lột xác thành chèo tác giả vở diễn, đạo diễn, tác giả âm nhạc… Những nhà dựng vở sau không bao giờ lấy lại bài hát của người trước, công chúng không chấp nhận việc làm ấy. Hiện tuợng Tào Mạt sáng tác nhiều "Làn điệu" vào vở chèo bộ ba Bài cai giữ nước theo hình thức mô phỏng làn điệu thành công cao, nhưng không thành làn điệu mới để sử dụng vào các vở sau. Nguyên nhân, những bài hát này chỉ ra đời trong vở diễn ấy chưa đủ đại diện tình cảm chung như những làn điệu chèo cổ. Phương pháp sáng tác làn điệu chèo cổ của nghệ nhân xưa là phương thức dân gian, truyền khẩu từng câu, từng trổ theo thời gian phát triển đầy đủ một làn điệu. Ngày nay không nhạc sĩ nào học sáng tác theo phương pháp nghệ nhân. Ngay Tào Mạt, người hiểu sâu sắc ca nhạc chèo nghệ nhân, nhưng ông chưa làm theo phương pháp nghệ nhân. Phong cách sáng tác của ông là mô phỏng làn điệu mới gần với nghệ nhân chưa làm như nghệ nhân, nên những bài hát trong các vở của ông không thể ra nhập làn điệu chèo cổ. Ngày nay, không có làn điệu chèo mới bởi vốn bài bản làn điệu chèo cổ đủ sử dụng cho các vở chèo cổ và mới. Những sáng tác mới không tuân theo niêm luật làn điệu chèo cổ, không thể có làn điệu mới. Những sáng tác mới muốn có làn điệu mới phải đạt các tiêu chí:

  • Sáng tác làn điệu theo phương thức dân gian.
  • Sáng tác mới đạt những đặc điểm chung làn điệu chèo.
  • Sáng tác mới hay hơn những làn điệu chèo cổ mang tình cảm chung.

 

Những sáng tác mới chỉ đạt một trong ba tiêu chí này, sẽ chẳng bao giờ có làn điệu chèo mới. Nghệ thuật chèo chuyên nghiệp đương đại ngày càng chuyên nghiệp hoá cao, không thể mong muốn có làn điệu mới cho những vở chèo mới. Mỗi sáng tác của nhạc sĩ là của riêng, không còn cái sở hữu cộng đồng dân giã thủa mới ra chèo. Sân khấu chèo không thể tái lập vốn chèo cổ như Chúa đã an bài, dù nhiều nhà nghiên cứu nói: chèo ra đời từ Lý Trần đến nay chỉ có 7 vở chèo không mang tên tác giả. Những vở diễn ấy là tài sản chung, giống như làn điệu chèo chẳng có tên tác giả, chỉ là gia sản chung của nghệ thuật chèo. Những làn điệu chèo độc đáo, đặc sác ấy mang giá trị tồn tại với thời gian, sống mãi trong tinh thần sân khấu chèo, có đặc điểm làn điệu vận dụng vào vở diễn để tồn tại.

 

1.1.Đặc điểm làn điệu chèo.

 

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định làn điệu chèo từ ca dao, thơ, phổ nhạc vào làn điệu hát, thực tế chứng minh ca dao, thơ ra đời trước làn điệu chèo. Làn điệu chèo là những khung giai điệu sinh sau, định hình sẵn lòng bản lồng vào thể thơ như điệu Cách cú lồng thơ 4 chữ, Hát cách, Ru xuân, Đường trường tiếng đàn… lồng thơ lục bát. Làn phổ văn biền ngẫu, điệu phổ các thể thơ lục bát, song thất lục bát… trên khung giai điệu có sẵn, mọi lời ca lồng vào hát theo lòng bản điệu chèo.

 

Làn điệu chèo là những khung giai điệu có sẵn, dù sinh sau văn biền ngẫu, thơ ca nhưng giai điệu lòng bản là những khuôn mẫu lồng điệu lời ca. Làn chèo phổ lời văn theo dân ca, kế thừa dân ca, nhưng lồng điệu làn chèo thêm tiếng đệm, thêm hư từ. Điệu chèo tiến xa hơn, phổ thơ theo phương pháp lồng điệu. Làn có đặc điểm chung:

  • Phương pháp lồng làn điệu.
  • Mô hình giai điệu lòng bản đặc tính dân gian.
  • Giai điệu làn điệu cũ lồng lời ca mới.

Phương pháp lồng dù khác nhau, thì làn điệu có đặc điểm chung lồng điệu lời ca mới trên giai điệu có sẵn. Mô hình giai điệu làn điệu, loại nửa làn nửa điệu, hay những điệu độc lập còn mang tính dân gian diễn kể. Ba đặc điểm âm nhạc làn điệu, là phương thức phát trển âm nhạc dân gian còn xót lại trên làn điệu chèo.

 

1.2.Đặc điểm làn.

 

Lồng điệu làn theo phương pháp bẻ làn nắn điệu, thêm phụ âm, nguyên âm luyến láy để rõ lời văn. Làn không phổ các thể thơ, là sự khác biệt giữa làn với điệu. Làn chèo thể hát nói, ngâm vỉa, dựa theo lời văn lồng lời, làn không có nhạc lưu không nên những phụ âm thường mang nét nhạc chủ đạo của làn. Tuy nhiên không loại trừ có một hai làn hình thành đoạn lưu không, nhưng không có câu nhạc lưu không như điệu. Làn áp dụng phương pháp bẻ làn nắn điệu khác điệu đảo vế, đảo từ, lời văn giữ nguyên trật tự từ ngữ trong câu làm rõ nghĩa trọn vẹn lời văn, không phải văn xuôi - văn biền ngẫu, thể phú. Ông Hoàng Kiều cho rằng, phổ lời chèo có bốn kiểu:

  • Kiểu đảo.*
  • Kiểu xuôi.
  • Kiểu đậm đà.
  • Nhắc lại lời thơ.

 

Cách phân này có vẻ khoa học nhưng rườm rà, chưa phân biệt rõ, còn lẫn giữa làn và điệu. Thực chất lồng lời vào làn điệu chèo phải phân biệt rõ hai phương pháp, đây là phương pháp không phải kiểu. Kiểu là một cách làm, còn phương pháp hình thành những nguyên tắc thực hiện mục đích.

 

  1. Phương pháp lồng lời làn phải giữ nguyên trật tự lời văn, thêm phụ âm, nguyên âm trên giai điệu nhạc có sẵn quy định của làn, gọi là bẻ làn nắn điệu.
  2. Phương pháp lồng lời các thể thơ vào điệu theo giai điệu có sẵn quy định của điệu, được phép đảo vế, đảo từ các thể thơ, phải chọn thể thơ phù hợp từng điệu, lồng lời theo bẻ làn nắn điệu.

 

Đây là những nguyên tắc bất biến của làn điệu chèo cổ. Ngày nay có thể thay đổi bằng cách sáng tác lời thơ theo sát âm thanh phù hợp từng nốt nhạc làn điệu để lồng thơ như điệu. Nếu không có lời thơ dựa trên giai điệu làn, sáng tác thanh âm từ ngữ sát …………………………………………………………………………………

* Trích trang 10 - sách đã dẫn.

từng nốt nhạc, đến muôn đời làn không phổ được các thể thơ. Do đó, đặc điểm làn chèo có những nét riêng khác điệu:

  • Phổ lời văn biền ngẫu - thể phú, giữ nguyên trật tự lời văn, câu văn không chuyển dịch ý tứ ngôn ngữ.
  • Thêm luyến láy, nguyên âm, phụ âm, bẻ làn nắn điệu.
  • Làn chèo không có nét nhạc lưu không. Làn là những đoạn nhạc tự do, không có nhịp.

 

Đặc điểm làn chèo khác biệt điệu, phương pháp phổ lời văn, giai điệu nhạc không có nhịp, không có âm nhạc lưu không, cấu trúc là những đoạn độc lập. Làn chèo mang đặc tính diễn kể, diễn xướng dân gian. Giai điệu nhạc phong phú diễn tả theo tình cảm lời văn khi chậm rãi, lúc nhanh đều như có quy định phách - là cấu trúc đặc biệt phương pháp diễn tả âm nhạc làn.

 

1.3.Đặc điểm điệu chèo.

 

Đặc điểm điệu chèo mang đặc tính âm nhạc chuyên nghiệp, cấu trúc giai điệu, nhịp phách quy định theo nhịp điệu từng điệu hát. Mỗi điệu hát diễn tả đặc tính tình cảm, tâm trạng nhân vật, tình huống kịch . Điệu mang âm điệu âm nhạc kinh điển sân khấu chuyên nghiệp, thoát xa những hình thức diễn kể dân gian.

 

Điệu tồn tại hai hình thức cấu trúc âm nhạc dân gian và chuyên nghiệp, là loại nửa làn và điệu, loại điệu độc lập. Hai đặc tính làn điệu của điệu tạo điều kiện phát triển lâu dài ca nhạc chèo, mang tính trình diễn sân khấu. Đặc điểm cấu trúc giai điệu điệu chèo loại làn kết hợp điệu và điệu độc lập tạo sự khác biệt ca nhạc chèo mà tuồng, cải lương không thể có loại cấu trúc âm nhạc khác lạ ấy. Tuồng chèo cải lương có đặc điểm chung giống nhau, hệ thống các loại hát nói, ngâm vỉa… diễn kể, không có nhịp, sau đó hát vào làn điệu bài bản riêng theo nhịp. Nhưng tuồng, cải lương có hai hệ thống làn và bài bản độc lập, còn chèo cùng chung hai hệ thống làn, điệu, còn thêm hệ thống thứ ba loại cấu trúc nửa làn nửa điệu làm phong phú tình huống sân khấu - tồn tại tính dân gian - tính kinh điển ngay trong một điệu hát. Điệu chèo phong phú giai điệu âm nhạc, kế thừa dân ca theo phương pháp phổ các thể thơ nhưng tạo nguyên tắc, phuơng pháp lồng lời khác biệt với bài bản tuồng, cải lương. Phương pháp phổ các thể thơ thay đổi  xáo trộn bài thơ để đáp án cuối lồng điệu bài thơ tươi mới hấp dẫn, một phương thức dân gian tài tình không thể có ở các thể loại âm nhạc khác. Kinh nghiệm dân gian ấy như những mẹo thuốc dân gian chữa các bệnh thông thường, đó là nghệ thuật lồng điệu, bẻ làn nắn điệu. Đặc điểm các điệu chèo khác biệt làn chèo, khác biệt bài bản tuồng, cải lương, nổi bật câu nhạc lưu không. Câu nhạc lưu không mỗi điệu chèo thuộc loại cùng họ, hoặc cùng hệ thống có các câu lưu không:

  • Là là đô rê mi son la son đố la son mi rê đồ rê mi.
  • Pha… đồ rê, phà son la đô rế đô la son.
  • Son sì son pha rê rê đô… si phà son sí son.
  • La… đố rế rề phà son la đô rế đô la son.

 

Bốn câu lưu không xuất hiện trong hệ thống điệu chèo, dù là điệu độc lập hay làn + điệu phải có câu nhạc lưu không. Phương pháp cấu trúc câu nhạc lưu mang đặc tính thang âm chủ đạo giai điệu lòng bản điệu, là đặc điểm chung cấu trúc điệu. Điệu chèo phong phú hoàn chỉnh tính chất âm nhạc diễn kể, câu lưu không là câu để diễn viên múa, nhịp lấy đà múa, làm phong phú nghệ thuật ca diễn. Đặc điểm điệu chèo:

  • Lồng điệu các thể thơ.
  • Câu nhạc lưu không.
  • Cấu trúc giai điệu nửa làn nửa điệu điệu độc lập.

 

Điệu chèo diễn kể phong phú ca nhạc sân khấu, nghệ thuật hát kỹ thuật chuyên nghiệp vượt khỏi dân ca, làn chèo. Điệu chèo trở thành điệu hát chuyên nghiệp để lại dấu ấn dân gian - kinh điển, là bản sắc hát chèo, một hình thức âm nhạc kinh viện xứ Bắc.

 

2.Đặc trưng làn điệu chèo.

 

Khái niệm thuật ngữ "đặc điểm", "đặc trưng", sử dụng khá phổ biến trong ngôn ngữ nghiên cứu, bình luận, nhận xét các hiện tượng sự vật… Hai thuật ngữ có những nét chung giống nhau dễ lẫn, nhưng không thể là một bởi một khái niệm biểu hiện tượng trưng, còn khái niệm kia chỉ bản chất cô đúc nhất. Đặc điểm, đặc trưng là những đặc tính ý nghĩa khác biệt nội dung các khái niệm. Đặc trưng làn điệu chèo có những nét khác nhau trong quan hệ nội dung, hinh thức âm nhạc.

 

Đặc điểm làn điệu chèo đã phân tích ở các mục 1.1 - 1.3, nói về đặc điểm riêng hình thức làn điệu chèo. Phần đặc trưng là những nét riêng cô đúc của giai điệu nhạc chèo. Theo Từ điển tiếng Việt trang 292 – 293, giải thích đặc điểm khí hậu một vùng. Đặc điểm tâm lý trẻ em… Đặc trưng: "Nét riêng biệt và tiêu biểu được xem là dấu hiệu để phân biệt với những sự vật khác. Nét đặc trưng”… Do đó, đặc trưng làn điệu chèo chỉ những nét riêng biệt của hai hình thức âm nhạc làn, điệu chèo mang những dấu hiệu để nhận biết, phân biệt với các hình thức thể loại âm nhạc khác. Đặc trưng âm nhạc làn điệu chèo dễ cảm nhận qua từng bài hát:

  • Âm nhạc diễn kể tâm trạng tình cảm sân khấu.

 

Dù là những làn hát phổ văn biền ngẫu, những điệu phổ thơ đứng độc lập như làn Ngâm Sổng, Nói lệch, Rỉ vong, Ví hề, Vỉa huế… lời ca mang tính tâm trạng diễn kể sân khấu. Làn lời vãn:

Vẳng nghe tiếng khóc hài nhi

Hạt máu rơi lòng muốn bù trì

Nhưng sữa không có biết lấy gì dưỡng dục

Nhớ lời Phật dậy

Cứu phát nhân đặc kỳ vạn phúc

Cứu một người phúc đẳng hà sa

Miệng thế gian mặc tiếng cười chê…

 

Những lời biền ngẫu thổ lộ nỗi lòng Thị Kính xót thương đứa trẻ bỏ rơi, sẵn sàng vượt  qua dư luận làm việc nhân nghĩa, theo thuyết Phật giáo cứu nạn cứu khổ chúng sinh. Làn Ví hề từ hai nhân vật Nô - Màu trong vở Quan âm Thị Kính, là cuộc tình ăn trái cấm giữa cô chủ rực cháy lửa tình với cậu đày tớ non tơ. Lời văn bỡn cợt, suồng sã nhưng liều lĩnh, bởi sắc màu tình dục không thể kìm hãm:

Nô:       Ới cô Màu ơi

Tôi thương là thương cho cái con chuồn chuồn

Nó mắc phải cái mối tơ vương

Cô Màu gian díu với thầy tiểu mà thầy tiểu chả buồn thương cô Màu

Màu:     Này anh Nô ơi!

Gió xuân nó đánh tốc cái rải yếm đào

Anh trông thấy oản sao anh chả vào thắp hương

Nô:       Ới cô màu ơi! Cô Thị Màu

Cô như cái quả mướp non

Cô nằm bờ nằm bụi rồi đến sớm con cô muộn chồng

            Màu:     Này anh Nô ơi!

Đắp tôi ngoảnh mặt làm ngơ

Rằng không cũng kệ, rằng khờ chớ thây…

 

Họ tỏ tình sàm sỡ, phạm tới điều cấm kỵ nhất đem ra bỡn cợt trong câu "gió tốc rải yếm, trông thấy oản trong rải yếm sao không vào thắp nhang"? lối nói ví von vừa khiêu gợi lại bóng gió xa xôi như thật như đùa mà phàm tục. Cách nói dân gian sâu sắc, hóm hỉnh về cái ấy cũng đáng để thắp nhang lắm, không như ngày nay, thanh nữ tuổi teen đã sống thử hết rồi. Điệu chèo, các bài: Đường trường tải lương, Gà rừng, Gió thổi màn loan, Hát cách… Nội dung lời ca đặc tính tình cảm, tâm trạng con người sân khấu. Lời ca điệu Hát cách:

Cô chủ Từ Thức gặp tiên

Kết duyên cỗi trần

Ngẫm Xuân xanh được mấy lần…

 

Điệu Con gà rừng:

Con cầy ăn lẫn với gà

Rồng kia rắn nọ coi đà sao nên

Nói nên mà ở chẳng nên

Quang rơm, gánh đá sao bền hơn mây…

 

Những lời thơ, các thể thơ mang tính dân gian, hình ảnh sát thực cuộc sống nông gia theo cách nói ví von ca dao, tục ngữ như quang rơm, gánh đá… Mỗi điệu bày tỏ một tâm trạng, nỗi lòng con người, sự tình các nhân vật sân khấu diễn kể. Qua gần 200 làn điệu, do hai nhạc sĩ Hoàng Kiều, Bùi Đức Hạnh biên tập sưu tầm, tuyển chọn là những làn điệu do nghệ nhân sáng tác cho:

  • Các nhân vật trong những vở chèo cổ.
  • Những tình huống tính kịch vở diễn.

 

Đây là những bằng chứng ngày xưa nghệ nhân dựng chèo đã sáng tác làn điệu vào vở diễn, không có làn điệu nào đứng ngoài vở diễn. Còn ngay nay, mời nhạc sĩ sáng tác nhạc vào vở diễn không có gì mới, chỉ là học theo cổ nhân. Nhưng sự khác biệt những sáng tác của họ theo phương thức dân gian, tạo hệ thống làn điệu chèo để lại gia sản văn hoá âm nhạc một hình thức sân khấu cho đời sau. Còn nay, làm đến đâu ăn đến đấy, không để lại một gia sản chung cho tương lai, đó là văn hoá thời công nghiệp – hậu công nghiệp, chuyển sang văn hoá tiêu thụ kinh tế toàn cầu hoá, một thực tế không mong ước mơ mộng gì hơn. Văn hoá nghệ thuật tiêu thụ, một nghịch lý toàn cầu hoá đang diễn ra sau năm 1800 đến nay, tạo những bước nhảy trí tuệ nhân loại phá vỡ mực thước truyền thống. Nhân loại bước vào kỷ nguyên bùng nổ xã hội văn hoá thông tin thay đổi tận gốc lối sống, phương tiện lao động luôn cận kề những điều không thể biết trước trong xã hội tiêu thụ, dù họ có đầy đủ phương tiện, trí tuệ thông minh, dự báo và bất ngờ luôn đồng hành. Nghiên cứu làn điệu chèo truyền thống trở về quá khứ, tìm lại viên ngọc tâm hồn đắm đuối tương lai, những chớp sáng hành trình văn hoá truyền thống đương đại.

 

2.1.Nội dung làn điệu chèo.

 

Nội dung làn điệu chèo nghiên cứu trên cấu trúc thang âm điệu thức, đặc điểm tính chất nội dung giai điệu âm nhạc. Nội dung làn điệu âm nhạc, diễn tả tính cách con người sân khấu… Làn điệu chèo thường gắn liền văn thơ, những nhà nghiên cứu chèo trước đây nhận định thống nhất nhạc chèo phổ thơ và ca dao.

 

Những thế hệ nghiên cứu tiếp theo lặp lại nhận định ấy, nhiều người chưa phân …………………………………………………………………………………..

* Trích trang 20, Giáo trình hát chèo – Trường ĐHSKĐA năm 2000.

 

biệt rõ sự khác biệt làn và điệu. Làn có nhiều cách diễn tả, nhà giáo Trần Thị Tuyết nhận định tại mục 4*: “Tính chất của các loại vỉa, ngâm, kể, đọc của chèo”, gồm các hình thức Nói vần, Nói lửng, Nói lệch, Nói hạnh, Nói sử… Các tác giả Hoàng Kiều, Bùi Đức Hạnh, Nguyễn Thị Tuyết… sử dụng thuật ngữ thống nhất như nhau, và chắc cả giới chèo đã đồng tình. Nhưng sử dụng những thuật ngữ ấy trong làn chèo không chính xác, không phải các loại nói: Nói sử xuân, Nói sử rầu, Nói sử gối hạc, Nói lửng, Nói lệch, Nói hạnh, Nói rỉ vong… Khái niệm nói cụ thể cho từng loại làn không đúng, phải thay bằng khái niệm: Hát nói. Hát nói Rỉ Vong, Hát nói Sử xuân, Hát nói Sử rầu… Vì giai điệu âm nhạc những loại này không phải nói mà Hát nói, một hình thức hát gần với nói. Nghiên cứu làn Nói lệch, vai Thị Mầu sẽ thấy sự khác biệt giữ hát và nói. Nét giai điệu làn Hát nói lệch chính xác theo tên gọi, lệch về cấu trúc giai điệu, câu nhạc nhiều đảo phách tạo cái lệch, cái nghịch trong tâm lý tình cảm bài hát nói. Kết hợp thêm lời ca thì cái lệch quá sáng tỏ về tâm sinh lý Thị Mầu, khác người, khác cái bình thường của mọi người. Màu Hát nói lệch:

 

Nhịp tự do:

&=====C======G===F,===W===9==G====G=====G=,===Y====C===C====9=====! 

                   Chị    em  ơi.                Nay  tư   mai  đã   là  rằm…

Cái đảo phách tiết nhạc đầu son la, thể hiện tâm trạng Mầu chờ đợi, đột biến khấp khởi mừng thầm, sau đó, đảo phách cuối câu la đố nhấn mạnh niềm vui, tâm lý chờ đợi được khẳng định đến một điều mong muốn. Nét nhạc cứ lệch theo tâm lý không bình thường, bùng phát của người thầm yêu. Đó là lối Hát nói lệch của làn trong giai điệu âm nhạc nhiều đảo phách. Giá trị làn hát này là hát nói, không phải nói. Giai điệu âm nhạc tiến hành quãng từ thấp lên cao, những bước nhảy bất thường thể hiện cái lệch trong tâm lý Mầu, nếu làn Hát nói lệch ghi nhịp 2/4 , 3/4… sẽ là hát. Nhưng gọi là hát nói mang tính diễn kể không có nhịp, bằng nét giai điệu lên cao xuống thấp. Biết sai nhưng không thể sửa, vì là thói quen sử dụng thuật ngữ cả giới chèo. Còn là người nghiên cứu, cần hiểu chính xác từng hiện tượng sự vật. Nhiều nhà nghiên cứu nhầm lẫn nói: làn chèo phổ thơ lục bát, thơ bảy chữ… Nhận định này không chính xác. Làn chèo cổ không bao giờ phổ các thể thơ, mà phổ văn biền ngẫu, hoặc thể phú. Văn biền ngẫu nằm trung gian giữa thơ và văn xuôi, lúc đầu không có vần, sau này câu văn đối nhau, có vần. Nhiều nhà nghiên cứu cứ gò vào gọi làn phổ thơ bẩy chữ biến thể, lục bát biến thể… làn chỉ phổ văn biền ngẫu – thể phú, những làn chèo cổ không phổ thơ. Trở lại làn Hát nói lệch vai Thị Mầu, lời văn:

 

Chị em ơi!

Nay tư mai đã là rằm

Ai muốn ăn oản thì năng lên chùa

Thế mà Màu tôi mang tiếng lẳng lơ

Đò đưa cấm giá tôi lên chùa từ thủa mười ba…

 

Đoạn văn trích dẫn trên không thuộc thể thơ nào, nếu quy chiếu theo niêm luật các thể thơ Việt cổ. Đoạn văn trên là văn biền ngẫu, gần giống thơ tự do thời nay. Cái hay của đoạn văn biền ngẫu Hát nói lệch, là cái lệch tâm lý Mầu “lên chùa từ thủa mười ba”. Cái tuổi ham chơi, nếu nhà nghèo phải ra đồng chăn trâu cắt cỏ, con nhà khá giả thì học chữ, đây thêm một cái lệch tình dục Mầu quá sớm. Vì thế, cổ nhân đặt điệu Hát nói lệch, lệch từ nội dung đến hình thức tính cách con người. Lệch cả cấu trúc giai điệu làn hát, sự chính xác sử dụng ngôn ngữ của nghệ nhân sáng tác làn chèo mang tính thống nhất cao. Thời nay học nhiều, học cao sao chưa theo kịp cổ nhân?

 

Nội dung làn điệu chèo tập chung lại ba sự diễn tả, biểu hiện tình cảm âm nhạc, phản ánh tâm trạng, tình huồng, tính kịch sân khấu. Làn điệu chèo diễn tả đặc điểm nội dung tình cảm:

  • Làn điệu vui hài.
  • Làn điệu buồn.
  • Làn điệu trữ tình.

 

Những làn điệu vui, cấu trúc giai điệu diễn tả niềm vui tình cảm bộc lộ nhiều cung bậc, vui bùng phát, vui bất ngờ, vui vừa phải bâng khuâng chợt đến, chợt đi, vui phơi phới… Mỗi làn điệu diễn tả qua cấu trúc giai điệu âm nhạc nói về sắc độ niềm vui. Những làn vui có loại vui hài, vui và hài hước là tiếng cười sâu sắc kế thừa tinh hoa tiếng cười dân gian, thể hiện cái thông minh hóm hỉnh, mục đích phê phán nhẹ nhàng thói hư tật xấu, giúp mọi người hướng thiện. Cười vui châm biếm phê phán quan lại, cả những người dân thường lấy làm điều răn mình. Đây là nội dung làn điệu vui hài trở thành tiếng cười bất hủ nghệ thuật chèo, góp một niềm vui sảng khoái ghi nhớ vào lòng công chúng.

 

Làn điệu buồn nhiều cung bậc, buồn bâng khuâng, da diết, buồn rầu, buồn dầm dề như mưa rầm xứ Bắc, uất hận buồn tủi, buồn thương, buồn lâm ly, tan nát cõi lòng, buồn khổ đau nước mắt tủi hờn côi cút, buồn ngậm ngùi bi thương… có thể thấy trong các điệu Hát nói Rỉ vong, Hát nói hạnh, Làn thảm, Hát Vãn, Con gà rừng… Buồn thể hiện phong phú giai điệu âm nhạc làn điệu chèo, diễn tả sâu sắc con người, môi trường xã hội.

 

Những làn điệu trữ tình. Trữ tình là những làn điệu phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội, tâm trạng tình cảm con người thông qua cảm xúc cá nhân trước diễn biến cuộc sống. Loại làn điệu trữ tình diễn tả nhiều cung bậc tình cảm, cảm tác các nhân vật trong từng vở chèo. Theo Bùi Đức Hạnh, phân loại hệ thống những điệu trữ tình, tác giả không xếp làn vào loại trữ tình. Nhưng các nhận định làn điệu trữ tình thì có điệu, làn trữ tình của tác giả,  có làn trữ tình ở nhiều cung bậc khác nhau, diễn tả qua giai điệu âm nhạc từng làn điệu. Đặc điểm trữ tình bao trùm lên làn điệu chèo, cách phân loại của Bùi Đức Hạnh chưa chính xác, có thể dẫn ra nhiều làn trữ tình như Quân tử vô địch, Chinh phụ, Ngâm sổng, Ngâm bốn mùa, Vỉa vỡ nước… Đặc điểm các làn điệu chèo phổ biến âm nhạc trữ tình, thể hiện cảm xúc vui buồn, hờn dỗi… thông qua cái tôi suy ngẫm. Nội dung trữ tình làn điệu chèo còn thêm mầu sắc âm nhạc tâm linh, tình cảm nhân vật sân khấu chèo.

Nội dung làn điệu diễn tả phong phú, sâu sắc tâm trạng con người ba nội dung làn điệu vui hài, làn điệu buồn, làn điệu trữ tình, mang mực thước ca nhạc chèo. Mỗi nội dung nhiều đặc điểm diễn tả tâm trạng tình huống, tính kịch con người sân khấu chèo. Nội dung ca nhạc chèo từ cuộc sống hiện thực xã hội, thể hiện giá trị mỹ học dân gian – kinh điển.

 

2.2.Giá trị mỹ học làn điệu chèo.

 

Nghệ thuật là những mô hình, ký hiệu học theo ngôn ngữ giới thiệu chiêm nghiệm, biểu hiện giái trị mỹ học. Nghệ thuật không gian, thời gian, nghệ thuật không – thời gian, phần lớn miêu tả, pha trộn miêu tả là nghệ thuật động. Nghệ thuật thời gian văn học là miêu tả, âm nhạc không miêu tả.

 

Nghệ thuật âm nhạc vận động, hạ thấp tính miêu tả, những giai điệu có ngôn ngữ và âm nhạc tổng hợp thành biểu hiện. Sự đối lập ngôn ngữ miêu tả và không miêu tả của văn học, âm nhạc tạo thành mối quan hệ cộng hưởng vận động thời gian cảm xúc bằng nét chủ đạo giai điệu âm nhạc. Nguyên lý sáng tạo âm nhạc phát triển tâm lý qua nhịp điệu tiết tấu từ đơn nhất đến cái chung, cái điển hình thẩm mỹ làn điệu chèo. Dù có tác giả hay không tác giả, mỗi giai điệu làn điệu thể hiện kỹ thuật thời đại, công chúng, tư tưởng xã hội. Làn điệu chèo là loại thể ra đời trong một thời đại, sau đó không xuất hiện – không bao giờ tái diễn nữa. Mỗi làn điệu mang ý niệm thống nhất nội dung hình thức mô hình giai điệu, diễn tả mô hình hiện thực tình cảm con người đời sống xã hội. Làn điệu cấu trúc mô hình, hình tượng giai điệu âm nhạc từ hình thức bên trong đến biểu hiện bên ngoài bằng tên gọi các loại thể. Làn điệu chèo kết tinh từ dân ca, văn học dân gian phát triển thành âm nhạc sân khấu kinh điển, đa mỹ học nhưng không có nghệ thuật siêu hình. Mỹ học làn điệu chèo, biểu hiện tập chung diễn tả cái đồng đại công chúng. Những làn điệu chèo mang đặc tính thẩm mỹ:

  • Mỹ học dân gian.
  • Mỹ học kinh điển
  • Mỹ học hiện đại.

 

Mỹ học dân gian từ nghệ thuật Folklor. Mỹ học Folklor diễn ra nhiều cấp độ khác nhau, có loại âm nhạc của nhân dân, cái mang ý thức hệ xa lạ tôn giáo, phật giáo… Làn điệu chèo mang lại giá trị thẩm mỹ dân gian của nhân dân, một phần giáo lý Phật giáo. Tính nhân dân, thể hiện trong làn điệu qua các hình thức hát nói, diễn kể mang lại thẩm mỹ đại chúng - âm nhạc hương sắc dân ca. Đặc tính dân ca chỉ là âm hưởng, âm điệu kết gắn thành âm nhạc kinh điển, mỹ học kinh điển. Đặc tính âm nhạc kinh điển chỉ thấy trong các thời đại phong kiến, xã hội phong kiến, nghệ thuật cung đình là con đẻ của thưởng thức thẩm mỹ kinh điển. Nghệ thuật kinh điển xứ Bắc khó tìn dẫn chứng cả âm nhạc cung đình và múa… có chăng còn làn điệu chèo. Dù chèo không phải là nghệ thuật sân khấu cung đình, xứ Bắc chỉ nổi bật nghệ thuật tuồng, nhưng những làn điệu chèo mang một phần âm nhạc kinh điển. Tính kinh điển của chèo không đậm mầu cung đình như âm nhạc tuồng. Làn điệu chèo chỉ mang tính kinh điển, đây là sự khác lạ ca nhạc chèo. Giá trị mỹ học kinh điển trong làn điệu chèo chỉ mang mầu sắc, tính chất kinh điển bởi nó bị pha trộn phần mỹ học hiện đại. Dù những làn điệu chèo ra đời sớm nhất cách đây hơn một thế kỷ, nhưng hát lên mỗi giai điệu còn phơi phới tâm hồn con người đương đại. Những làn điệu: Cách cú, Hề mồi, Gánh nước tưới cà, Sắp qua cầu, Xẩm xoan, Đường trường trong rừng, Giáo đầu… Hầu hết làn điệu chèo nếu trở lại những năm đầu cuối thế kỷ XX, những bài hát chèo còn mang đầy tính hiện thực xã hội con người thôn dã Việt Nam. Nhưng sang thế kỷ XXI, cảm nhận này có vẻ hơi xa lạ một chút với con người đất nước Việt Nam hôm nay. Chỉ mấy năm phát triển xã hội công nghệ mọi cái đã thay đổi, làng quê đô thị hoá, bê tông hoá, nhà tầng cao, đường bê tông, cột ăng ten, chảo kỹ thuật số lên tận vùng cao, còn đâu luỹ tre xanh cánh cò ngơ ngác tìm chỗ đậu… Những âm vang làn điệu chèo gợi lại cảm giác đương đại nóng bỏng đang pha trộn vào quá khứ, nhịp sống, xoay vần quá nhanh, nghệ thuật chèo chỉ còn dư vị mỹ học đa chiều.

 

Thẩm mỹ làn điệu chèo phản ánh giá trị âm nhạc sân khấu dân gian kinh điển, tính hài hoà, tính thời đại công chúng. Vì giá trị mỹ học đa chiều, ca nhạc chèo được công chúng đón nhận, nhiều vở chèo cổ, chèo mới còn một chút nhịp thở xã hội công nghệ thế kỷ mới.

 

2.3.Kết luận.

 

Những cánh cò chớp sáng ban mai, đường cày vỡ tung, bông lúa gục, nước xô về nguồn, những làn điệu chèo như đang vuốt lại sau mùa bão lũ. Dù không còn tiếng trống dục giã đồng quê, mỗi mùa xuân sang, chèo đến hẹn lại lên… Chèo tự nguyện sống trong thôn dã chỉ còn trong cõi nhớ. Nhiều làng xứ Bắc có đội chèo, thành phố nhiều nhà hát chèo trình làng vở mới theo đồng tiền “bầu sữa” hằng quý, hằng năm… Chèo đang tồn tại theo cách nuôi “gà trên chuồng” thời công nghệ, chỉ tiếc lại thiếu công nghệ làm chèo.

 

Chèo tồn tại ở nhà hát, đạo diễn, họ cố tìm sự khác lạ nhưng chưa thấy đường ra, mọi sự “đổi mới” chỉ làm thay đổi vị trí cái cũ như râu ở cằm “đeo lên tai”. Làn điệu chèo sau những khảo sát nguồn gốc, đặc điểm cấu trúc âm nhạc, đặc tính thẩm mỹ… khẳng định những giá trị văn hoá chèo muôn đời không đổi. Vậy có nên đổi mới chèo? Nhiều nhà nghiên cứu thế hệ trước từng lớn tiếng hô hào đổi mới: dân ca, nhạc cụ, chèo tuồng cải lương… cả hệ thống vốn cổ dân tộc đòi phải “cải tiến, cách tân”, vì nó cổ hủ không phù hợp… Nay bỗng đứng ra phê phán “xin đừng cải tiến, cách tân gì cả, đừng cho nó là lạc hậu… hãy giữ nguyên của các cụ”, như họ là người yêu dân tộc lắm. Những nhà nghiên cứu ấy vội quên đi chính mình, hô lên những lời phán quyết “nghe ta chửi ta có mà cứ tưởng thằng nào”. Bây giờ ai chẳng biết bản sắc văn hoá chèo phải giữ nguyên, cần bảo cổ nguyên bản cả hệ thống vốn cổ nghệ thuật dân tộc. Nhưng những luận điểm này, xưa là của bọn nghiên cứu tư bản chủ nghĩa, còn xã hội chủ nghĩa phải cải tiến, cách tân mới hợp thời. Một thời chèo, cải lương, opera hoá, các loại đàn sáo dân tộc, cải tiến, sau làm củi đun nước pha trà. Tìm lại nguồn gốc làn điệu chèo, góp một phần xác nhận những nhận định xưa cho tuồng chèo ra đời cả ngàn năm, sự thật làn điệu chèo mới xuất hiện gần đây khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhưng là đặc phẩm văn hoá xứ Bắc. Tìm lại đặc điểm làn chèo nhằm bảo tồn truyền thống, phát triển bản sắc chèo trước cuộc sống mới. Làn điệu chèo một hình thức nghệ thuật mang quy luật chung và riêng như mọi loại thể nghệ thuật, không có cái siêu hình bất biến. Trước biến đổi văn hoá, hội nhập kinh tế cộng đồng, toàn cấu hoá, nhân loại cần an sinh:

  • An sinh kinh tế.
  • An sinh xã hội.
  • An sinh văn hoá.

 

Giữ an ninh văn hoá là bảo tồn vốn văn hoá nghệ thuật cổ, làn điệu chèo, không cải tiến cải lùi, còn những ai dựa vào chèo làm mới chèo, đổi mới chèo… không phải họ là thế hệ vứt đi. Nghệ thuật thời hậu hiện đại nhiều ngã rẽ tự do sáng tạo, chèo cần hai sân khấu: bảo cổ - đổi mới. Bảo cổ những tinh hoa đặc điểm làn điệu chèo, đặc phẩm âm nhạc xứ Bắc, nguồn gốc dân ca Xoan ghẹo Phú Thọ vùng Kinh Châu, nơi đất tổ nguồn Việt. Bảo cổ di sản sân khấu chèo là văn hoá nghệ thuật mọi thời đại. Chèo còn mãi trong các thế hệ tương lai, có nhiều đường đi tới mặt trời.

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 4012
Ngày đăng: 11.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sống Chụ Son Sao 4 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 3 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 3 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 2 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 1 - Tuấn Giang
Bảo tồn nghệ thuật cổ ca Hát Bội phải là một quyết tâm. - Trịnh Thanh Thủy
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần IV: Những lá bài và kết quả của sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần III: Đánh bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần II: Sân khấu bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)