Đọc truyện “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương, ai cũng nhận ra tác phẩm viết thật phức tạp, chuyện này bắt qua chuyện khác, quá khứ hiện tại tương lai không theo thứ tự, nhân vật khi có tên khi không tên, nội dung khó hiểu vì thiếu mạch lạc theo cảm nhận thông thường. Các nhà văn học, với những bài viết mà người viết bài này đã đọc qua nói về tác giả này: như Hoàng Đăng Khoa, Thụy Khuê, Phạm Xuân Đài, Phan Tấn Hải… đều nhận xét tác giả viết theo lối tân kỳ, hoặc là Hậu-Hiện-Đại, hoặc pha trộn vài khuynh hướng khác như Viết-Theo-Dòng-Ý-Thức; Hiện-Thực-Huyền-Ảo, Tiểu-Thuyết-Mới. Nói chung, họ đều nhận xét đây là tác phẩm đóng góp được nét sáng tạo vào văn học Việt Nam. Có thể cấu trúc vạch ra đây không đúng trăm phần trăm, nhưng chắc cũng có phần nào được hé lộ. Phần viết trọng tâm thứ hai của bài này: thử nêu ra Tính Thơ Huyền Ảo, điều này có màu sắc khác với Siêu Thực Huyền Ảo hay Hiện-Thực-Huyền-Ảo mà tác giả có ý định đưa vào. Phần viết thứ ba, xin thử nêu ra một thông điệp tiềm tàng trong tác phẩm, những thông điệp không phải phỏng đoán mà do những điều tác giả thường lặp lại, hàm chứa thông điệp ta bắt gặp khi đọc dù chỉ một lần.
Mấu chốt của cấu trúc, theo thiển nghĩ, nằm ở vài từ ngữ đồng-dạng tác giả sử dụng làm cho ta sơ ý không nhận ra chỗ nào là điểm ráp nối của một toàn truyện. Mấu chốt thứ hai ta thấy: đáng lẽ phần cuối truyện mới là phần đầu truyện, nhưng tác giả đã đảo lộn. Mấu chốt thứ ba ở chỗ các nhân vật không tên, các nhân vật này có khi ở những đoạn chữ xiêng, có khi ở những đoạn chữ đứng, làm cho ta nhập nhòa không rõ xe lên xe xuống: xe nào là xe ma, xe nào là xe của người dương-thế. Từ ngữ đồng dạng làm cho ta nhập nhòe nằm ở trang 7 và trang 11, đó là từ ngữ “bay”. Bay ở trang 7 là bay từ phi trường Nội Bài Hà Nội lên vùng biên giới Việt Trung; còn bay ở trang 11 là lao xuống vực thẳm. Và hoán đổi thời gian: đáng lẽ câu truyện “buôn lậu thanh toán” thuộc hai nhóm băng đảng bắt đầu từ lúc trên xa lộ cao tốc Thăng Long để ra phi trường Nội Bài, nhưng tác giả đã sắp xếp nó xảy ra ở đọạn cuối cuốn sách, từ trang 286 đến kết thúc cuốn sách ở trang 293. Vậy thì ta thử nêu cấu trúc theo thứ tự bình thường của tuyến thời gian đầu đuôi trước sau, như thế này: Trang, nhân vật nữ mà suốt 285 trang ở phần trên cuốn sách chỉ là một cô gái đẹp, dễ thương, hiền lành; tuy đôi khi cũng táo bạo trong vấn đề tình dục, hoặc có ưu thế da thịt mê hoặc người nam phái; nhưng thực sự Trang là thủ lãnh tàn bạo thuộc một băng đảng buôn lậu giữa Hà Nội và vùng biên giới Việt Trung. Vân Ly, một phần tử trong băng đảng và cũng là tình địch của Trang, nàng bị nghi ngờ ém nhẹm hàng không giao. Và Trang ra lệnh đồng đảng thiêu sống Vân Ly trên khoảng đường vắng của xa lộ cao tốc, sau khi tra hỏi hàng cất giấu ở đâu không hiệu quả. Xong hành động tội ác đó, Trang cùng người tình tên là Hiếu đáp máy bay lên biên giới để lấy hàng, cũng là dịp để Hiếu tìm lại nơi anh mình bị quân Trung Quốc bắt làm tù binh trong cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979. Khi đến vùng biên giới, Trang và Hiếu bị ba người trong băng đảng khác chận xe. Nhớ lời anh mình “đừng bao giờ để bị bắt” trong cuốn sổ ghi chép trong thời gian làm tù binh, Hiếu quyết định cho xe lao xuống sườn núi để may ra chạy thoát. Đoạn này tác giả tả “bạt ngàn ức triệu lá với cành rào rạt” khiến ta nghĩ xe của Hiếu đang lao xuống dốc thoai thoải, nhưng thực sự xe đang “bay” xuống vực. Dĩ nhiên Trang và Hiếu đã chết, biến thành hai linh hồn tháp tùng cùng xe với ba người đã định chận bắt họ. Vậy kể từ đây họ nhập đoàn cùng ba người dương thế trong chuyến hành trình xe đi tới đỉnh Tà Vần, đỉnh núi ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nơi xảy ra các trận chiến năm 1979 và 1984. Ba người trên dương thế rõ là những nhân vật không tên, gồm có “người cầm bộ đàm”; “người to cao”; “người nhỏ bé”; họ là người thật. Còn hai nhân vật không tên nữa là “lái xe” và “hắn”, không rõ ràng hai người này là ma hay người, vì chuyến xe lên hay xe xuống, đoạn chữ xiêng hay đoạn chữ đứng, đều có hai người này hiện diện. Cũng như hai hồn ma Trang và Hiếu (thường tự xưng mình) luôn luôn có mặt trên hai chuyến xe. Ta nghĩ chính hai nhân vật “lái xe” và “hắn” làm ta không rõ đâu là xe ma đâu là xe thật, đâu là xe lên đâu là xe xuống, dù đôi khi tác giả nói thoáng qua “hắn” là Phó chủ tịch huyện, hoặc “hắn” là Ủy viên Văn hóa Trung ương; còn ma hay người thì “lái xe” nào cũng có thể. Riêng những đoạn chữ xiêng mới có mặt “người cầm bộ đàm, người to cao, người nhỏ bé”. Vậy đoạn chữ xiêng là xe của dương thế có tháp tùng hai hồn ma Trang và Hiếu. Đoạn chữ đứng là xe ma, dĩ nhiên cũng có mặt hai hồn ma Trang và Hiếu. Còn xe nào lên xe nào xuống thì không rõ ràng. Chính tác giả cũng tiết lộ ta sẽ không nhận rõ đâu là lên với xuống ở vùng biên giới sương khói mập mờ: “Mà làm sao để phân biệt lên với xuống ở cái vùng biên ải lúc nào cũng hoang lạnh, bồng bềnh này” (trang 293). Đúng ra phải nói là khó phân biệt khi tác giả chủ tâm viết rối mù theo khuynh hướng tân kỳ văn chương, phối hợp nhiều dáng vẻ như Hậu-Hiện-Đại ; Viết-Theo-Dòng-Thức-Hỗn-Tạp ; Hiện Thực Huyền Ảo; Tân Tiểu Thuyết… Nhưng ta có thể phân biệt hai chuyến xe đều cùng đến đỉnh Tà Vần; một chuyến đến đó để theo dõi thủ lãnh Trang và họ đã suýt bắt được nếu Trang không lao xuống vực thành ma; một chuyến gồm toàn hồn ma đến đó để thăm lại chiến địa nơi người anh của Hiếu dự trận và bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến biên giới Việt Trung. Lồng vào hai cái khung đó là bao nhiêu chuyện: chuyện thổ phỉ biên giới; chuyện ma quỷ đường rừng; chuyện gia đình đôi co vì quyền lợi tranh chấp; chuyện tà dâm; chuyên tình tay ba; chuyện người điên; chuyện người các dân tộc miền núi; chuyện tiếng đười ươi nói chuyện với nhau thật buồn và có lẽ đười ươi chỉ là người thiểu-số miền núi; chuyện đồi núi thiên nhiên với giải thích nghiêng về địa-chất-học; chuyện lịch sử đầy bạo lực; chuyện ăn thịt người; chuyện đại bàng quắp con nít bỏ quên ngoài nương rẫy; chuyện anh hùng cát cứ; chuyện các trận đánh cận chiến đẫm máu và tàn bạo giữa Viêt Nam và quân Trung quốc; chuyện nhà nhà vùng biên bị triệt hạ mà thay vì hỏa thiêu thì bị làm sập để người Việt mất thì giờ dọn dẹp cốt làm chậm đà phục hồi kinh tế của Viêt Nam sau cuộc chiến; chuyện nguồn gốc và bản chất truyền kiếp phản kháng của người Mèo; chuyện Từ Hy Thái Hậu muốn khu rừng hóa thạch của đất Việt thuộc về Trung Quốc; chuyện ngày xưa sông Đỗ Chú bị cố tình làm cho sai lạc vị trí để mốc biên giới bị cắm sâu vào đất Việt, chuyện Đại Trưởng (Đại Đội Trưởng) bị rắn lục cắn phải bỏ mạng; chuyện bí mật thí nghiệm gì đối với tù binh bị bắt giữ… Nhưng các truyện lồng vào đó cũng có khi đảo lộn thứ tự; chuyện này xen kẽ vào chuyện kia; chưa hết chuyện đã bắt qua chuyện khác; xen kẽ vào đó những câu nhắn tin qua điện thoại cầm tay ; đầy những câu nói dung tục bằng những lời không cần e dè ; lắm khi có những đoạn gợi dục như khi tả hành vi chú Trinh và Hằng (trang 41-42); hoặc chị Thu và Hiếu đàm thoại khích dục (trang 76-77); thật mâu thuẫn với khi tác giả tả kín đáo, ám chỉ úp mở hai con trăn đang giao cấu với nhau trên đường rừng (trang 123-124). Những chuyện lồng trong hai chuyến xe hành trình đến đỉnh Tà Vần đó đều là chuyện vùng biên giới có thật, hoặc lưu truyền trong dân gian người dân tộc, cho nên không nên coi là chuyện hoang đường. Chẳng hạn chuyện người bị Pháp cắt đầu được chôn cất với một củ chuối tròn thay thế cho đầu người; chẳng hạn sông Nho Quế năm 1767 với hàng trăm người bị băm nhỏ đổ xuống sông, làm cho loại cá lăng một thời phình căng không ai dám ăn. Đó là do lưu truyền kể lại, có thêm thắt, nhưng chưa phải chuyện siêu thực huyền ảo.
Ta thử phân biệt Siêu Thực Huyền Ảo với Hiện Thực huyền Ảo. Theo thiển nghĩ, hiện thực huyền ảo là chuyện được kể lại với đức tin tôn giáo, cho dù có những nét hoang đường đối với người thiếu đức tin. Trong cuốn “Trăm Năm Cô Đơn” của Gabriel Garcia Marquez, bà lão kể cho cháu nghe những chuyện đời xưa có nhiều nét phi phàm, nhưng bà kể với đức tin đó là chuyện thật với lòng sùng kính và hào hứng, và đứa trẻ nghe cũng đắm chìm vào huyền ảo đó, cho nên thế giới trong truyện lúc đó hoàn toàn là thật, không phải ảo hay kể nghe chơi mà hai bà cháu đều ở ngoài cuộc. Lúc nhỏ ta nghe kể chuyện ma, đến lúc dễ sợ ta ngồi sát vào nhau, như vậy đó cũng là chuyện hiện thực huyền ảo. Còn những chuyện phi phàm tác giả kể cho ta nghe thuộc về siêu thực huyền ảo. Thiển nghĩ tác giả vẫn ở ngoài không khí truyện, nên toàn là truyện siêu thực huyền ảo, không phải hiện thực huyền ảo. Ta nghĩ, tác giả sưu tầm truyện truyền-khẩu vùng biên giới; lắm truyện cũng rất phi phàm; đôi chuyện có thể nhờ vào giải thích của khoa học như địa-chất-học, sinh-lý-học, thực-vật- học; điểm xuyết trên hai chuyến hành trình đến đỉnh Tà Vần: - Cây mọc từ đá phát triển sinh lực dồn vào phần trên - Cái đầu hươu lâu đời của thợ săn những ngày nắng gắt nghe có tiếng nó ọ-ẹ thê lương - Hồn ma anh, một cựu tù binh trong cuộc chiến Việt Trung trở về; khi sống thì như một “homeless” lang thang hung hãn, “cô độc như mặt trời”; khi chết thành hồn ma thường lướt thướt cùng bầy đom đóm trước cửa xe lên đỉnh Tà Vần - Giếng mắt rồng ăn thông với cái hồ ngầm vĩ đại trong lòng đất - Mê-trận-đá , cả một quãng bao la chỉ toàn đá là đá - Người có đôi mắt kim loại, sét trời đánh xuống bị thu hút - Khi mộ anh vừa mới lấp, có tiếng gọi từ trên không, ngước mắt lên thì thấy vừa xuất hiện một đám mây trắng xòe ra, đó là Bạch Long Phù - Con đường ngắn nhất qua biên giới Trung Quốc là một cái hang vừa đủ cho một con trâu đi lọt, cái hang có khi hút người vào mất tích trong vách đá, nhưng khi nhiều người với súng ống trang bị thì lại qua an toàn - Thằng bé người dân tộc chận xe trên đường đèo, bám vào cửa xe, rồi bay mất hút vào bóng tối - Đá trên đỉnh sương mù khi đem xuống đồng bằng khí hậu khô thì có khả năng phát ra âm thanh - Ngồi vào bộ bàn ghế gỗ thịt như ngồi vào lòng hổ, có thể thăng quan tiến chức - Thâm-tiềm hay Thâm-tuyền, con suối không rõ từ đâu, hiện ra dưới chân núi một quãng rồi biến mất vào chân núi, con suối duy nhất trong vùng tải theo cát trắng - Đỉnh Tà Vần, sườn phía Trung Quốc thì cây ngã rạp theo hướng Trung Quốc, sườn phía ta thì cây cỏ ngã rạp về phía việt Nam; có phải do hai luồng gió thổi nghịch chiều hay do sách trời phân định... Ta thử đặt câu hỏi: Không biết khi viết những điều huyền bí như trên, tác giả có tin đó là thật hay không? Nếu tin, đó là tác giả viết theo lối “hiện thực huyền ảo”. Nếu không tin, đó là những truyện kể thuộc “siêu thực huyền ảo”. Mà khi viết những điều huyền hoặc trong cuốn “Trăm Năm Cô Đơn”, nhà văn giải Nobel Văn Chương Gabriel Garcia Marquez nhập thân vào truyện viết, hay viết như một người kể đứng ngoài cuộc, điều này ta chưa thấy bài báo nào đề cập, hay đã có mà ta chưa đọc tới. Nhưng chắc rõ ràng, nhà văn là một người Mỹ Châu La Tinh có Đức Tin Thiên Chúa Giáo. Ta đã thử phân biệt “hiện thực huyền ảo” và “siêu thực huyền ảo”, bây giờ xin chỉ giới hạn vào tính thơ huyền ảo trong tuyện của tác giả Nguyễn Bình Phương, tính thơ này không thuộc về siêu thực mà là “huyền ảo đời thường” để phân biệt với “hiện thực huyền ảo”. Hiện Thực Huyến Ảo vốn là một khuynh hướng lớn của văn chương thế giới sau khi Gabriel Garcia Marquez được Giải Nobel. Tính chất huyền ảo đời thường có từ lâu trong văn chương ta, cũng như trong văn chương thế giới, chỉ là những cảnh quang đẹp của trời đất, nhờ bút pháp của nhà văn nhà thơ làm cho những cảnh quang trời đất ấy tăng vẻ mỹ cảm nhờ ngôn từ nghiêng về thơ. Tính chất này, ta thấy khá nhiều trong truyện của Nguyễn Bình Phương. Bút pháp tác giả huyền-ảo-hóa một cao điểm từng là chiến địa đẫm máu Việt Trung năm 1979, là nơi lưu trữ thời gian “do hồi ức” trong tâm hồn người từng dự trận. Đó là thời-gian tâm-lý, khác với thời-gian vật-lý đo-đạc địa-chất-học (chẳng hạn như nơi lưu trữ hàng triệu hàng tỉ năm ở những tầng-địa-chất trong Hẻm Vực Grand Canyon Hoa Kỳ). Tác giả viết: “Vùng này giống như cái kho lưu trữ thời gian, tất cả những gì đã tuột qua ở nơi khác thì dồn lại ở đây. Dưới kia không mấy ai nhớ tới cuộc chiến nữa, nhưng trên đây nó vẫn tồn tại dai dẳng, vẫn vang vang trong đầu mỗi người” (trang 203). Bút pháp tác giả tiếp tục huyền-ảo-hóa, như khi viết về tiếng hót hay của chim họa mi, tác giả thăng hoa nó thành tiếng hót của Họa Mi Chúa vùng núi Tây Côn Lĩnh, riêng cái tên núi này nghe thật kỳ-bí cũng nhờ ngôn từ: “Đỉnh cao hoang lạnh ấy cũng là nơi họa mi chúa sống. Con họa mi chúa trắng từ đầu đến chân, hiếm ai nhìn thấy, nó thống trị tất cả họa mi ở dải Tây Côn Lĩnh. Mỗi khi họa mi chúa hót, lá trên đỉnh Lũng Tẩu đổi màu và sương sẽ rơi xuống như mưa” (trang 220). Ngoài hai đoạn đặc sắc kể trên, còn những đoạn thơ-văn-xuôi như vậy trong “Xe Lên Xe Xuống” của Nguyễn Bình Phương, xin chỉ trích dẫn ba đoạn nữa để thấy rõ búp pháp của Nguyễn Bình Phương, một bút pháp thiên về mỹ cảm của ngôn từ, tuy đầy dẫy những chỗ tác giả dùng những ngôn từ dung tục một cách không kiên dè. Đó là những khi tác giả viết về tình dục, viết về chuyện bài tiết của con người. Những độc giả khó tính chắc không ưa, nhưng ta có thể hiểu tác giả nằm trong khuynh hướng Hậu-Hiện-Đại muốn viết những gì rất thật của con người phàm tục, của chúng sinh đời thường. Và đây là thêm ba đoạn đặc sắc của bút pháp dùng ngôn từ thiên về mỹ cảm của Nguyễn Bình Phương, một đoạn nói về những cây tùng trên đỉnh cao vì sao vặn vẹo đủ hình dáng, và vì sao tuổi thọ chúng thật cao mà chỉ rất nhỏ bé: “Những cây tùng mọc trên đỉnh núi này có tuổi hàng vài trăm năm mà chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái một chút, dáng của chúng rất đẹp. Theo hắn có hai lý do: thứ nhất cây mọc trên đá nên cằn, thứ hai, gió ở đây nhiều, vì thế mà cây luôn vặn vẹo theo đủ các dáng”(trang 221). Đoạn thứ hai nói về hoa quỳnh nở trong đêm khuya. Cảnh vật đời thường gần gũi được huyền-ảo-hóa, trở thành rất kỳ lạ như chúng có linh hồn và có tính đồng đội để đáp lời gọi nhau hòa điệu một vũ khúc giữa đêm tối trần gian: “Khóm cây như người lên đồng, chao đảo, run bần bật. Những cánh hoa trắng muốt được bọc bởi lớp vỏ hồng hồng giờ rung rung hé lộ bên trong những chiếc nhụy vàng mơ, nhòa nhạt, lẩy bẩy như những cánh tay vươn lên từ trong bóng tối sâu thẳm…” (trang 145). Và đoạn thứ ba nói về trăng thung lũng, trăng tròn đẹp quá và linh thiêng quá làm con người muốn tắt hết đèn để dành quyền cho trăng tràn ngập rừng núi, để cùng nhau “sung sướng” thưởng thức tặng phẩm của Trời Đất ban cho con người. Ngôn từ thơ của tác giả lúc này biểu hiện nỗi sảng khoái đón nhận tặng phẩm cho trần gian ấy: “Ánh trăng giàn giụa chảy xuống thị trấn, xối bạc cả những dãy núi. Cậu nhìn cái khối sáng to như miệng chum lừng lững kề ngay sườn núi trước cửa, ngoác mồm ngáp rồi ra lệnh cho cô: Tắt mẹ nó hết điện cho các cháu nó sướng. Điện tắt, ánh vàng êm ái lan vào trong nhà. Không gian bừng lên, rờ rỡ nhưng cực kỳ cô độc.Trong ánh trăng đổ xuống như thác, những bóng điện yếu ớt, đỏ-dọc trở thành trái cây chín treo rải rác khắp thị trấn” (trang 78)
Khi đặt vấn đề tính thông điệp trong tác phẩm, ta không khỏi liên tưởng đến những câu hỏi “Viết cái gì/ Viết cho ai?” đã có một thời dấy lên từ quan điểm Văn Chương Dấn Thân. Tác giả Nguyễn Bình Phương viết theo các khuynh hướng Tân Kỳ, nên có lẽ những điều như “Trách Nhiệm Nhà Văn/Nhà Văn Không Thể Tách Rời Với Xã Hội” không phải là những trĩu nặng ưu tư. Nhưng qua tác phẩm “Xe Lên Xe Xuống”, ta vẫn tìm thấy tiềm tàng những câu hỏi trên. Tiềm tàng trong những mẩu truyện kể nhỏ, và là những truyện kể được lặp lại nhiều lần, ta bắt gặp dù chỉ đọc qua một lần tác phẩm này. Những mẩu truyện kể khác rất phong phú trong tác phảm, nhưng chỉ được kể một đôi lần, ta đọc dễ quên đi, nên không hàm chứa “thông điệp không nói ra mà vẫn là thông điệp”. Những điều như là buôn lậu, trác táng ăn chơi của những con cái quan chức, những màn tình dục, những lục đục gia đình, những cuộc tình tay ba, những tội ác, dĩ nhiên phải có trong tác phẩm liên hệ đến băng đảng buôn lậu. Những kỳ lạ và ma quái đường rừng, dĩ nhiên là phải có trong bối cảnh hành trình lên đỉnh Tà Vần. Những nếp sống người dân tộc, những cảnh trí ngoạn mục và kỳ bí, dĩ nhiên là phải có trong tác phẩm lấy bối cảnh rừng núi vùng biên giới Việt Trung. Những điên dại tâm bệnh chiến tranh và buôn bán đổi trao bất lợi cho phía Việt Nam dĩ nhiên là phải có trong tác phẩm với thời điểm sau cuộc chiến tranh ngắn ngủi biên giới năm 1979 và 1984. Những dị đoan và ma thành tinh, dĩ nhiên là phải có trong tác phẩm nhuốm màu siêu thực huyền ảo, và không gì thích hợp hơn bằng cách đưa bối cảnh của truyện lên vùng người dân tộc miền biên giới. Những bất đồng nam nữ trong cuộc sống, những bí ẩn về khiếm khuyết hay lệch lạc tình dục, những ẩn ức tâm lý, những thầm kín tình dục, những công khai tình dục, những phơi bày xác thân, kể cả những điều thuộc về bài tiết, dĩ nhiên không thiếu trong tác phẩm nghiêng theo lối viết Hậu-Hiện-Đại như đã nói trên. Những quá khứ lịch sử được khơi lại, dĩ nhiên là phải có trong tác phẩm với bối cảnh liên hệ đến cuộc chiến Việt Trung mà anh một nhân vật trong truyện bị bắt làm tù binh và bị bệnh tâm thần do ám ảnh chiến tranh tàn bạo. Những khơi dậy lịch sử đó như nguồn gốc dân tộc Mèo và bản chất phản kháng truyền kiếp của bộ tộc này; hoặc khơi dậy lịch sử vụ Từ Hy thái Hậu, vụ sông Đỗ Chú, và vụ cả một bản Mèo không còn tồn tại bên bờ sông Nho Quế (các vết tích lịch sử ấy là hư cấu hay có thật?). Những tội ác như thiêu sống, giết người bỏ xuống vực, dĩ nhiên là phải có trong tác phẩm trong bố cục phức tạp như trinh thám về thanh toán băng đảng. Phức tạp thêm phức tạp trong sắp xếp rối mù theo lối phân-mảnh tránh tập trung, muốn viết thành những tiểu-tự-sự theo lối Hậu Hiện Đại hơn là đại-tự-sự theo lối Tiểu Thuyết Cổ Điển; viết theo dòng ý thức lộn xộn của các khuynh hướng văn chương tân kỳ. Kèm theo là những câu, tưởng đâu là vô nghĩa nhưng thật ra là làm lạ ý nghĩa (lạ hóa), chẳng hạn: “những người già có ý thức: Sinh mạng chỉ là thứ duỗi dài ra”; “Nếu đôi trăng tấn công, nếu chúng hất chiếc xe xuống vực, thì mình đã biết trong Trang là gì rồi”; “Da thịt là thứ cô đơn nhất vì dễ bị ruồng bỏ”… Bên cạnh những điều ta liệt kê là dĩ nhiên đã kể trên, có hai điều được lặp lại nhiều lần, và căn cứ vào những vãng lai đó ta tìm thấy thông điệp của tác giả Nguyễn Bình Phương. Chủ trương Hậu Hiện Đại là viết phân-mảnh, tránh đại-tự-sự, không tập-trung-hóa một điều gì. Hai điều vãng lai mà bất cứ ai đọc qua một lần đều nhận thấy trong tác phẩm, đó là Tính Bạo Lực giữa người với người, và Tính Chiến Đấu chống đe dọa xâm lấn bờ cõi. Bạo lực trong tội ác băng đảng là điều dĩ nhiên đi với cấu trúc (mặc dù cấu trúc đó tác giả làm cho rối rắm không mạch lạc thứ tự) của một truyện dài hai băng đảng buôn lậu thanh toán nhau. Bạo lực ta đề cập ở đây là bạo lực trong các sắc tộc biên giới, bạo lực trong lãnh vực hùng cứ của thổ phỉ, bạo lực qua lại giữa Việt-Trung, bạo lực trong lịch sử chiến tranh, bạo lực trong cuộc chiến Việt Trung mới đây. Bạo lực trong lịch sử xưa có Lý thường Kiệt; vua Gia Long; quân Tây Sơn; thời rắc rối biên giới xưa, cả một bản Mèo bị giết không còn một ai; trùm phỉ Chu Chồ Sền; trùm phỉ Lý Dương Tài tự xưng mình là vua An Nam; phỉ biên giới Nam Dương Hoa Kiều Hiệp Hội; ông của Hiếu (nhân vật thường tự xưng Mình trong toàn truyện) cũng là một trùm phỉ bị Pháp cắt đầu và bà đã chôn ông bằng một củ chuối tròn thay thế cho đầu… Bạo lực trong lịch sử mới đây, cuộc chiến Việt Trung năm 1979 và 1984: cái hố quân Trung Quốc chôn lấp chín nữ binh thuộc đội văn nghệ quân đoàn; một đại-trưởng Việt Nam hành quyết tù binh sau khi khai thác biết đủ tin tức địch; vài trăm người gồm cả dân và lính Việt bị giết sạch tại Thung Lũng Oan Khuất; một số tù binh Việt bị hỏi cung rồi không thấy về sau khi họ được khám nghiệm y-khoa. Nổi bật trong truyện Xe Lên Xe Xuống, ngoài sự vãng lai như đã nói trên, còn vẻ hào hứng tô đậm nét tính chiến đấu gan dạ chống xâm lăng trong cuộc chiến Việt Trung: Chuyện người đàn bà có quá khứ từng ăn thịt một cô gái trẻ để được trẻ mãi không già, nhưng khi chiến đấu tỏ ra vô cùng gan dạ, bà xõa tóc đứng thẳng bắn một quả B40 phá tan hầm chỉ huy Đại đội Pháo binh địch, và hai vợ chồng đã cắt đầu 17 quân địch. Và trận cận chiến diệt ổ 6 lính rồi ổ 3 lính của quân địch, được dành đến 7 trang để mô tả sự khốc liệt và hào hùng, từ trang 174 đến 180. Rồi trận cận chiến thứ hai, pha trộn giữa phiêu lưu và chiến đấu, khi đám tù binh thoát khỏi trại giam tìm đường trở lại địa phận Việt Nam, cũng được dành 4 trang mô tả khốc liệt và gan dạ, từ trang 270 đến 274; nhưng lần này ghê rợn với việc Đại Đội Trưởng bị rắn lục cắn phải bỏ mạng… Tác giả Nguyễn Bình Phương tố cáo tính bạo lực trong vùng biên giới; trong lịch sử xưa; trong chiến tranh không lâu mới đây, có khi kể cả thuộc quân Việt Nam (như vụ hành quết tù binh thám báo Trung Quốc). Đồng thời ông hào hứng đề cao tính chiến đấu hào hùng của quân dân Việt chống xâm lấn bờ cõi. Vậy tác giả Nguyễn Bình Phương chắc muốn nói lên một thông điệp gì, mặc dù chủ đích có lẽ trên hết của tác giả là đóng góp cho Văn học Việt Nam một tác phẩm viết theo lối tân kỳ, ít nhiều chịu ảnh hưởng các trào lưu văn chương quốc tế như Hậu-Hiện-Đại, Viết-Theo-Dòng-Ý-Thức-Hỗn-Tạp, Hiện-Thực-Huyền-Ảo, Tân-Tiểu-Thuyết… Thông điệp gì trong hai cách thấy gần như mâu thuẫn, Tố Cáo Bạo Lực đồng thời đề cao Tính Hào Hùng Chiến Đấu, thiết nghĩ câu hỏi đó không phải là khó trả lời./.
City of Walnut, California, tháng 1 năm 2012