Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.150.034
 
Ngôi Miếu Thờ “Những Thành Hoàng Làng Đội Mũ Cối”
Vũ Ngọc Tiến

Một ngày đầu năm 2012, tôi tình cờ quen biết các cựu chiến binh trung đoàn 207, nhận lời cùng họ về miền Tây thăm lại chiến trường xưa. Nơi ấy vào hai ngày 3-4/10/1973 đã diễn ra trận đánh khủng khiếp, đúng hơn là cuộc phá vây trong tình thế quân ta hoàn toàn cô lập và bị động. Giữa đầm nước mênh mông, lưa thưa những gốc tràm, mỗi người lính E207 giống như bia thịt cho pháo, trực thăng và những cây súng bắn tỉa của đối phương thả sức tiêu diệt. Đêm trước lúc lên đường, tôi ngồi đọc tài liệu của anh Phan Xuân Thi kể lại mà lòng như xát muối. Họ - những người lính tử trận năm ấy - đa phần là sinh viên trẻ măng của trường Đại học Xây dựng, một số khác đến từ các trường Đại học Bách khoa, Thủy lợi, Sư phạm…

 

Tận thẳm sâu trong ký ức, hình ảnh những ngày hè nóng bỏng năm 1972 ở Hà Nội lại hiện về. Hồi đó, theo lệnh tổng động viên toàn miền Bắc nên hàng vạn sinh viên các trường đại học, các kỹ sư trẻ ở cơ quan nghiên cứu và các Bộ, Ngành đều nhập ngũ, ào ạt ra chiến trường, náo động cả thủ đô Hà Nội. Họ chỉ được huấn luyện qua loa, kinh nghiệm chiến trường không có nên cái chết đến nhanh, nhiều khôn kể xiết. Em trai thứ sáu của tôi nằm trong số đó, hy sinh ngày 5/8 âm lịch năm 1972 ở xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam. Cũng năm ấy, hàng ngàn sinh viên, kỹ sư trẻ chết ở thành cổ Quảng Trị, rồi còn biết bao liệt sĩ sinh viên nằm xuống rải rác khắp các chiến trường khốc liệt. Nhưng có lẽ cái chết ngây thơ của gần 300 lính trẻ sinh viên thuộc E207 ở ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Mộc Hóa tỉnh Kiến Tường cũ (nay là huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) năm 1973 mới là điển hình của sự mất quân vì những lý do lãng xẹt trong chiến tranh cứ ám ảnh tôi suốt đêm.

 

Sáng, tôi thức dậy từ 4h00, chuẩn bị hành trang kịp ra điểm hẹn vào lúc 5h00. Cùng đi với tôi về ấp Đá Biên có các ông Phan Xuân Thi, Phạm Văn Thông, Trần Văn Dũng trong Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 207, các nhà báo trẻ Phùng Nguyên (báo Tiền Phong), Đoàn Mai Hương (báo Sài Gòn Giải Phóng) và chị Ngô Thị Thúy Hằng ở Trung tâm thông tin về liệt sĩ (MARIN) mới từ Hà Nội vào. Dọc đường, các cựu chiến binh thay nhau hồi tưởng lại sự kiện bi thảm xảy ra trong hai ngày 3-4 tháng10 năm1973, tức ngày 8-9/9 âm lịch năm Quý Sửu. Chuyện kể rằng, E207 là trung đoàn độc lập thuộc Quân khu 8 vừa thành lập, quân số đa phần là sinh viên, đóng quân ở khu vực Mỏ Vẹt, giáp biên giới Căm-pu-chia thì ngày 2/10/1973 nhận lệnh hành quân bí mật về Đồng Tháp Mười chuẩn bị đánh lớn. Rạng sáng ngày 3/10 bộ phận đi trước của đơn vị gồm trung đoàn bộ và tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3 tạm dừng chân ở bãi tràm ngập nước ở ấp Đá Biên, thuộc vùng đối phương kiểm soát. Lính ta trong lúc nghỉ hồn nhiên phơi quần áo, rủ nhau đun nước pha trà và vì không có kinh nghiệm, lộ khói đun trà, võng nằm buộc túm vào ngọn cây tràm non vô tình vạch tán lá hở hoác cho máy bay trinh sát của đối phương phát hiện. Lập tức hai trận địa pháo của địch ở Kiến Bình và Tuyên Hóa thi nhau nhả đạn, gom quân ta vào giữa vòng vây nhỏ hẹp cho trực thăng quần đảo bắn tỉa từng người, sau đó xe lội nước đổ quân chà đi xát lại nhiều đợt. Trận đánh phá vây ác liệt kéo dài sang ngày 4/10, ta thoát được ra ngoài, nhưng 450 người bị vây chỉ còn lại 150 người, hy sinh 291 người, vài người bị địch bắt. Có 2 người bị thương nặng, lội nước ẩn nấp trong bãi tràm “muỗi dày kêu như sáo thổi, đỉa nhiều nom như bánh canh”, may mắn được dân địa phương cứu chữa là Trần Oanh, hiện sống ở Cần Thơ và Nguyễn Lập, hiện sống ở Thanh Hóa. Riêng tiểu đoàn 2 đi sau chặn hậu, không bị bao vây nên được an toàn. Đối phương thì thắng lớn, lại có đủ nhân chứng, vật chứng tuyên truyền ta phá hoại Hiệp định Paris ký vừa ráo mực. Sau trận này, chính ủy và trung đoàn trưởng bị tòa án binh mặt trận khép tội rất nặng, nhưng điều vô cùng đau xót là công tác tử sĩ đã không thể làm chu đáo. Vài ngày sau, ta cử một nhóm 9 người do lính trinh sát Phạm Hậu chỉ huy quay lại tìm kiếm được khoảng 80 thi thể đã bị trương thối, gói xác từng người vào bao ni lon rồi buộc tạm dưới gốc tràm, chờ khi nước rút sẽ nhờ du kích địa phương chôn cất, nhưng vì nhiều lý do, họ cũng không thực hiện được. Bãi tràm ngập nước quanh ấp Đá Biên vì thế trôi dạt, lẩn quất rất nhiều hài cốt lính trẻ sinh viên của trung đoàn 207. Ông Tư Tờ kể rằng, hồi đó còn nhỏ, rất mê đi tìm mũ cối, có lần lượm được mũ thì rụng rời phát hoảng vì bên trong mũ còn nguyên đầu lâu của lính. Sau năm 1975, khi dân khẩn hoang hay vật đất làm nhà thường gặp hài cốt liệt sĩ. Đồn rằng lính ngoài Bắc chết trận oan uổng, bị bỏ rơi, hài cốt trôi dạt không ai còn được nguyên vẹn nên rất thiêng, thường về báo mộng cho dân địa phương kêu đói hoặc thi thể đau đớn mắc kẹt giữa lùm cây trong bãi tràm. Ai có lòng làm cơm cúng lính Bắc đều được lính phù hộ. Có người trong ấp khi gom củi khô và lá tràm đốt lấy tro bón ruộng, vô tình đốt lẫn cả hài cốt, bị hồn ma lính về phạt vạ mắc bệnh tâm thần chữa mãi không khỏi. Lời đồn huyễn hoặc trong dân ấp Đá Biên còn chưa rõ thực hư, nhưng riêng chuyện xảy ra với gia đình ông Tư Tờ thì không thể phủ nhận. Ông năm nay 51 tuổi, vợ là chị Tiết, sinh được 4 con (3 gái, 1 trai). Con gái đầu của ông tên Nguyệt, sinh năm Tân Dậu (1981). Năm 1990, ông Tư Tờ làm ruộng phát hiện thấy 3 bộ hài cốt không còn nguyên vẹn, bùi ngùi cảm thương đem chôn cất tử tế và thầm khấn với hồn ma lính có linh thiêng thì phù hộ cho gia đình vụ mùa bội thu, nếu được 500 giạ thóc sẽ lập miếu thờ cúng hương hồn tất cả mấy trăm người tử trận. Năm ấy quả nhiên ông Tư Tờ trúng vụ mùa lớn, đạt hơn 500 giạ thóc, nhưng ông mải làm ăn nên quên mất lời hứa. Bé Nguyệt mới 9 tuổi đời, đang khỏe mạnh bỗng lăn ra ốm, chữa chạy khắp các bệnh viện không khỏi. Ông ân hận vội lập một miếu thờ thì ít ngày sau bé Nguyệt lành bệnh. Từ đó ông và dân làng đặt tên cho miếu thờ là miếu “Bắc Bỏ” (bộ đội người Bắc chết bỏ xác nơi đây), không ai nói ra thành lời, nhưng thầm suy tôn các liệt sĩ làm “Thành hoàng làng đội mũ cối”. Lúc đầu miếu thờ còn nhỏ, lợp gianh lá cỏ, cột và khung mái làm bằng mấy cây gỗ tràm khẳng khiu, dựng trên mô đất rộng chừng 20 m2. Sau này, mỗi năm gia đình ông Tư Tờ cùng bà con trong ấp vật đất đắp bồi nên khuôn đất rộng cả trăm m2, cất lại ngôi miếu to cao hơn, lợp mái tôn vừa làm nơi thờ cúng liệt sĩ, vừa làm chỗ cho dân đi làm ruộng có chỗ nghỉ chân hay trú mưa, tránh nắng. Hơn 20 năm, ngôi miếu đơn sơ ấy tồn tại giữa vùng quê nghèo Đá Biên, các cựu chiến binh trung đoàn 207 và thân nhân của 291 liệt sĩ không hề hay biết…

 

Đoàn chúng tôi về tới bến đò gần thị trấn Thạnh Hóa, bên bờ kênh 79, còn gọi là kênh Võ Văn Kiệt vì chính ông là người chủ xướng việc đào kênh năm 1979, chia lũ cho mấy huyện của Long An, Đồng Tháp và mở ra tuyến giao thông đường thủy chuyên chở vật tư, phân bón, sản phẩm nông nghiệp quanh vùng rất tiện lợi. Ông Tư Tờ đã đi xuồng tam bản, trực sẵn ở bến chờ đón khách. Từ thị trấn vào ấp Đá Biên xa chừng 3 km đường chim bay, nhưng phải đi xuồng dọc kênh 79 khoảng 7 km rồi rẽ vào Rạch Giữa hơn 2 km nữa mới đến nhà ông Tư Tờ. Đá Biên là ấp thuần nông trồng lúa, dân nghèo xơ xác. Mỗi gia đình dựng nhà trên một mô đất biệt lập, bao quanh là tràm và nước. Việc đi lại trong ấp, đi làm đồng, việc học của con trẻ hay giao lưu với bên ngoài…, tất cả đều dựa vào chiếc xuồng tam bản. Kiếp người ở đây thật đúng như như câu ngạn ngữ địa phương “sống ngâm da, chết ngâm xương”. Gia đình Tư Tờ cấy lúa được hơn 10 công, mỗi năm trừ chi phí sản xuất, ăn uống đạm bạc chỉ còn được 10-15 triệu đồng, không đủ chi dùng cho bao việc lớn nhỏ trong nhà, nói chi đến lúc ốm đau, ma chay, cưới hỏi… Nghèo là vậy, nhưng dân ấp Đá Biên ai cũng giàu lòng nhân hậu, thủy chung, hiếu khách. Chúng tôi nghỉ ngơi chốc lát rồi tiếp tục lên xuồng đi thăm miếu Bắc Bỏ, cách nhà chừng 500 mét. Tới nơi, tôi nghẹn ngào nhìn ngôi miếu thờ thực ra chỉ là cái lán lợp tôn, bốn bề trống hoác. Bao quanh lán lưa thưa vài gốc cây tràm làm bóng mát cho hương hồn gần 300 liệt sĩ. Bệ thờ vỉa vài hàng gạch, trên láng xi măng, đặt bát nhang lớn và đồ tế lễ. Phía sau bệ thờ dựng một tấm tôn, treo lá quốc kỳ, dưới bầy ba khung ảnh của các liệt sĩ sinh viên trường Đại học Xây dựng (xem ảnh, từ trái sang phải): Nguyễn Đình Lựu quê Hải Phòng và Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Tế quê Hà Nội. Đó là kỷ vật của ba gia đình gần đây biết tin về miếu Bắc Bỏ đã tìm về thắp nhang bái vọng người thân, gửi ảnh nhờ ông Tư Tờ cúng giỗ vào ngày 8/9 âm lịch hàng năm. Nguyễn Mạnh Sơn trong ảnh có gương mặt tuấn tú, trẻ đẹp như diễn viên điện ảnh. Tôi quỳ xuống thẫn thờ ngắm 3 bức ảnh, nước mắt cứ trào ra mặn ướt. Đã 39 năm kể từ ngày các anh hy sinh, rất nhiều gia đình thân nhân của 291 liệt sĩ vẫn lang thang khắp nơi tìm mộ. Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Tế đã tốn hàng trăm triệu đồng đi tìm theo sự chỉ dẫn của ba nhà ngoại cảm nghe nói đều rất nổi tiếng, nhưng kết quả xét nghiệm ADN lại cho biết họ đã mang nhầm về quê bộ hài cốt liệt sĩ vô danh từ nghĩa trang Tam Nông ở tỉnh Đồng Tháp! Trong hoang mang, đau đớn tột cùng, họ tình cờ gặp được ông Phạm Xuân Thi mới biết người thân của mình chết trận ở Đá Biên. Ngày 27/7/2011, khi ông Thi cùng gia đình liệt sĩ Tế tìm về đây lại càng thêm đau đớn biết thêm rằng, ngôi miếu Bắc Bỏ thờ “những Thành hoàng làng đội mũ cối” đã có từ năm 1990 ở cõi đời nhiều nghịch cảnh, lắm sự oái oăm này…

 

Đắm chìm trong nỗi ưu tư, tôi bàng hoàng theo mọi người về nhà ông Tư Tờ nghỉ ngơi, ăn cơm trưa. Trong bữa ăn tôi được ông Trần Văn Dũng cho biết, nguyện vọng tha thiết của tập thể cựu chiến binh trung đoàn 207 và nhân dân ấp Đá Biên muốn Ban liên lạc đứng ra tổ chức quyên góp xây ngôi miếu Bắc Bỏ thật đàng hoàng để tưởng nhớ 291 liệt sĩ sinh viên thân xác tan rữa vào bãi tràm ngập nước, xương cốt trôi dạt quanh mảnh đất Đá Biên nghèo đói (chính xác là năm 1992, Phòng lao động thương binh huyện Mộc Hoá do bà Phạm Thị Đấu làm trưởng phòng đã cho người về thu gom nhưng chỉ được một ít xương đặt vừa 9 cái tiểu, đem về nghĩa trang huyện Mộc Hoá xây mộ tập thể). Ông Phạm Văn Thông còn khoe, mấy tháng qua Ban liên lạc đã quyên góp hòm hòm được 100 triệu đồng, tạm đủ để cạp đất, san nền, còn UBND huyện Thạnh Hóa cũng đã đồng ý cấp đất xây miếu. Theo quy hoạch của tỉnh và huyện, sắp tới sẽ mở con đường từ thị trấn qua ấp Đá Biên, khi ấy miếu thờ sẽ thành điểm du lịch tâm linh về nguồn rất có giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương. Tôi chân tình góp ý với ba ông bạn cựu chiến binh Thi- Thông- Dũng rằng 100 triệu chưa chắc đủ đóng kè, cạp đất, tôn nền, nhưng ta cứ phải làm ngay, càng nhanh càng tốt. Có được khuôn viên rồi, ta vừa làm vừa quyên góp tiếp vì biết đâu sau ngày mở đường sẽ có nhiều thay đổi vô lý bất ngờ, không ai lường được…

 

Rời đất Đá Biên, ngồi trên xe tôi miên man suy nghĩ. Mấy năm qua phong trào xây tượng đài, chùa miếu nở rộ khắp nơi, có công trình tốn hàng trăm tỷ đồng, lẽ nào một ngôi miếu Bắc Bỏ cho gần 300 liệt sĩ E207 chết tức tưởi giữa rừng tràm chúng ta không cùng nhau xây được? Tôi viết mấy dòng cảm hoài gửi lên mạng như một nhu cầu được chia sẻ và hy vọng các nhà hảo tâm, đặc biệt là các doanh nhân xuất thân từ sinh viên trường Đại học Xây dựng, đã từng nhập ngũ năm 1972 sẽ nhiệt tình ủng hộ cho công trình này cả về chất xám và tiền bạc. Mọi sự liên hệ xin gửi về địa chỉ Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 207, do ông Phạm Văn Thông, Phó Ban liên lạc  làm đại diện- Email: phamvanthong1154@gmail.com ;  Mob: 0908314929 - Tài khoản: 1130100201008, Ngân hàng MB (NH Quân Đội), Phòng giao dịch Thống Nhất, Tp Hồ Chí Minh. Ngàn lời tri ân và cảm tạ!

       

Đêm SG 13/01/2012

 

Tham khảo:

Thư ngỏ của BLL CCB trung đoàn 207 v/v xây miếu thờ liệt sĩ:

http://www.e207.com.vn/index.php/thong-bao/thong-tin-mi/43-th-ng.html

Thông tin trên Nhantimdongdoi:

http://www.nhantimdongdoi.org/?mod=chitiet&subcate=5&id=3510

 

 

 

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 2200
Ngày đăng: 16.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng 1 Năm 2011 Có Gì Đáng Nhớ - Mây Ngàn Phương
Theo Dấu Người Đi Mở Đất - Chế Diễm Trâm
Kim Tuấn, Chiều Đông Nào Nhung Nhớ - Đinh Cường
Lạc Lõng Dưới Trần Gian - Phạm Đình Trọng
Lên Với Xứ Hoa Đào - Xuân Tuynh
Về Rừng Ăn Cá Lóc Nướng Trui - Mây Ngàn Phương
Tiếng Nguồn - Nguyễn Hồng Nhung
Giữa Cơn Thèm... Kịch - Nguyễn Hàng Tình
Thức với Mũi điện Khe Gà - Phan Chính
Mù Căng Chải, Sóng Sánh Mùa Vàng - Minh Nguyễn
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)