Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.999 tác phẩm
2.765 tác giả
259
124.687.934
 
Đôi Điều Nói Lại Về Chữ Tân
Hà văn Thùy

Lịch sử chữ Việt cũng bí ẩn như lịch sử dân tộc Việt. Vì vậy, việc bàn cãi về nguồn gốc, ý nghĩa của chữ này, chữ khác là chuyện bình thuờng và chắc là còn dài dài. Trong bài này, người viết xin nói lại đôi lời về từ Tân Mão.

 

Vào dịp Tết năm Mão xuất hiện một số bài viết cắt nghĩa từ Tân Mão. Có ý kiến cho rằng, chữ Tân (辛) có nhiều nghĩa, ngoài nghĩa cay còn có nghĩa thông với chữ Tân (新) là Mới. Một nhà nghiên cứu dẫn sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán nói rằng: Tân Mão ngoài nghĩa đắng cay còn nghĩa đổi mới…

 

Nếu là người “biết điều” thì có lẽ tới đây nên dừng lại, bởi lẽ các nhà uyên thâm, dẫn những cuốn sách đồ sộ đã lên tiếng… Vẫn biết vậy nhưng do muốn đi tới tận cùng sự việc để may ra tìm được chân lý, cái của hiếm có khi không thuộc về số đông, tôi viết bài này.

 

Trước nay các đại gia Hán Nôm thường cố công thủ đắc những cuốn từ điển chữ Hán mới nhất, lớn nhất để làm vốn chữ. Ai biết nhiều nghĩa của một từ thường được tiếng là người lắm chữ, tiếng nói trở nên có trọng lượng. Tuy nhiên cách làm này có khi không khỏi bất cập về phương pháp luận.


Thử xét trường hợp từ Tân Mão. Đúng là chữ Tân có nhiều nghĩa, nảy sinh trong thời gian lịch sử dài. Tuy nhiên, trong từ Tân Mão, chữ Tân chỉ được dùng với những nghĩa mà nó có tới khi từ Tân Mão ra đời. Đó là nguyên tắc, bởi lẽ, như luật bất hồi tố, người ta không thể áp những nghĩa mới có cho một từ cổ. Vấn đề là phải tìm xem từ Tân Mão xuất hiện khi nào? Điều này không dễ nhưng không thể bỏ qua nếu muốn làm một việc tận bờ sát góc.

 

Ta biết, Tân Mão cùng các Địa chi là ký hiệu được dùng để ghi ngày, giờ, tháng, năm trong lịch của người Việt. Như vậy nó phải xuất hiện rất sớm, trước khi có cuốn lịch đầu tiên và càng sớm hơn cuốn sách Dịch đầu tiên. Đó là thời gian nào trong lịch sử? Rất khó xác định. Nhưng nếu căn cứ theo truyền thuyết Phục Hy làm Dịch thì nó phải có trước Phục Hy, tức trước 4000 năm TCN. Thời kỳ quá xa xôi diệu vợi, không thể với tới được. Nhưng ta có thể dựa vào dấu vết sớm nhất còn lại, đó là Giáp cốt văn và Kim văn, cuốn từ điển đầu tiên mà ta biết. Giáp cốt, Kim văn được phát hiện ở kinh đô nhà Thương-Ân, khoảng 1500 năm trước Công nguyên. Ở Giáp cốt văn cũng như Kim văn, chữ Tân* là dụng cụ được nung lên để thích vào mặt phạm nhân bị tội đồ. Như vậy có thể nói rằng, thoạt kỳ thủy, chữ Tân, một công cụ hành hình, vừa gây đau đớn vừa sỉ nhục con người, không hợp với nghĩa Mới! Chẳng nhẽ việc bị kết tội, bị thích chữ vào mặt rồi lưu đầy phương xa lại là đổi mới – theo chiều hướng tốt đẹp – cho con người? Ta cũng biết quy luật rằng, chữ tượng hình ban đầu được tạo ra theo hình của con (hay đồ) vật có thực nên thường đơn nghĩa. Chỉ sau này, do nhu cầu, người ta thêm nghĩa vào cho nó. Có thể đoán rằng, từ xa xưa, một dụng cụ để thích vào mặt tội đồ đã có, được gọi là cái tân (). Rồi chữ Tân được vẽ ra theo hình tượng của vật này, với nghĩa đắng cay, đau khổ, xót xa, nhục nhã. Từ đó có thể tin rằng, nghĩa đen của Tân Mão là đau khổ, nhục nhã và nghĩa bóng là cay đắng, tân toan.

 

Có thể thấy điều này trong lịch sử Trung Hoa. Ông vua cuối cùng của nhà Thương là Trụ vương (紂王 1154  - 1123 TCN), lại được gọi là Trụ Tân (紂辛) hay Đế Tân (帝辛).Chữ trụ theo nghĩa Hán là tàn nhẫn bất nhân, nhưng theo gốc Việt cổ, lại là đụ. Quả là vết ô nhục thích lên mặt ông vua hoang dâm, tàn bạo. Trong danh xưng Đế Tân, Trụ Tân, chữ Tân cố nhiên không thể là mới vì nếu vậy sẽ phản nghĩa với chữ Trụ ở trên. Do đó, nó chỉ có thể mang nghĩa cay đắng, nhục nhã.

 

Đó là bằng chứng xác nhận, sau khi từ Tân Mão xuất hiện nhiều nghìn năm, tới thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, chữ Tân vẫn chỉ có nghĩa đắng cay, nhục nhã.

Từ thời Chu, Trung Hoa có nhiều biến đổi. Vào lúc nào đó, dụng cụ hành hình được thay bằng vật khác nên cái tân bị loại khỏi đời sống. Do không bị lệ thuộc vào một đồ vật cụ thể, theo quy luật sáng tạo chữ vuông, chữ Tân () được thêm nét cho đẹp (辛)đồng thời mất nghĩa đen đau đớn, nhục nhã, chỉ còn lại nghĩa bóng là cay.

 

Do giao tiếp tăng lên, cuộc sống đòi hỏi phải có thêm nhiều chữ. Nhưng vì không có chữ cái để ghép vần, việc làm ra chữ vuông mới quá khó, buộc phải thực hiện hạ sách là thêm nghĩa cho những chữ đã có. Một trong những cách làm là chuyển nghĩa của những chữ đồng âm cho nhau. Chữ Tân (辛)được thông với chữ Tân (新) để có nghĩa là Mới bên cạnh nghĩa Cay.

 

Sau hơn nghìn năm, tới đời Tần Hán, cái tân để thích vào mặt tội đồ không còn. Cũng do không biết tới Giáp cốt, Kim văn nên không biết rằng chữ Tân (辛) vốn là công cụ hành hình, gây đau đớn, nhục nhã. Cái nghĩa đen nặng nề mất đi, chỉ còn nghĩa là Cay và Mới. Trong tình hình như vây, khi làm sách Thuyết văn giải tự, Hứa Thận viết:

 

"Giáp là vỏ, muôn vật sơ sinh, phải phá vỡ vỏ mà ra. Ất là uốn mềm, vạn vật sinh ra, mềm mại quanh co mà lớn dần lên. Bính là sáng, vạn vật được mặt trời chiếu sáng, ấm nóng mà phát triển. Đinh là mạnh mẽ, vạn vật ngày càng lớn lên mạnh mẽ. Mậu là rậm rạp, cây cỏ ngày càng tốt tươi. Kỷ  là ghi nhớ, vạn vật định hình có thể ghi nhớ hình dạng. Canh là thay đổi, vạn vật vừa phát triển vừa thay đổi liên tục. Tân là cay, lại giống với Tân là mới, vạn vật luôn thay cũ đổi mới. Nhâm là hoài thai, vạn vật lớn lên rồi mang cái  nhân mới trong mình. Quý là tiêu đi, vạn vật phát triển cực độ ắt phải tiêu đi thay mới".

 

Xét đoạn văn trên ta thấy, Canh đã là thay đổi mà ngay dưới nó, Tân cũng lại “thay cũ đổi mới” quả là không bình thường! Chỉ có mười chi, mà hai chi giống nhau là nghĩa làm sao? Liệu có khỏi trùng lặp, trái với đặc tính cô đọng, hàm súc của cổ văn? Hơn nữa, cùng một từ mà giải theo hai nghĩa đối lập là điều khó thông!

 

Ta cũng biết từ ghép canh cải. Cùng một nghĩa thay đổi, cải nhấn mạnh ý của canh. Cũng như vậy, trong tân toan, toan được ghép thêm để nhấn mạnh nghĩa cay của tân. Điều này cho thấy, trong chữ tân, nghĩa cay là chủ đạo. Có lẽ không phải các vị Thiều Chửu, Đào Duy Anh không biết nghĩa mới của chữ tân nhưng đã không đưa vào từ điển của mình vì nó ít được sử dụng? Vậy, phải chăng việc đưa mới vào giải nghĩa từ Tân Mão vừa vẽ rắn thêm chân, vừa đánh mất sự hiểu biết tế vi về chữ nghĩa?!

 

Phải chăng nghĩa “thông tân” mới phát sinh, bị áp đặt một cách khiên cưỡng vào giải nghĩa từ Tân Mão cổ?

 

Phải chăng, trước chúng ta hơn 2000 năm, Hứa Thận đã mắc sai lầm về phương pháp luận?

Và đúng là “Tân không chỉ cay” nhưng Tân Mão không hề là Mới!

 

Ngày Trọng Đông năm Tân Mão

                                                        

 * Hình chữ Tân trong Kim văn  

                                                               

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 9730
Ngày đăng: 17.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cậu Un “Em Chả! Em Chả!” - Khuất Đẩu
Nghiên cứu tri thức bình dân - Lê Hải*
Trao Đổi Lại Với Giáo Sư Dương Chấn Ninh Về Kinh Dịch - Hà văn Thùy
Trao đổi về giống chim - Vương Trung Hiếu
Tây Cũng Tam Sao Thất Bản - Vũ Anh Tuấn
Hội thảo Thơ Việt Nam Hiện Đại Nhìn Từ Miền Trung: Những Vấn Đề Còn Đó… - Bùi Công Thuấn
Hướng đi tới cho tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa - Thái Văn Cầu
Nhân ngày 1/12(2011) Ngày Thế Giới Phóng Chống HIV/AIDS: Đức Giáo Hoàng không dùng bao cao su - Vũ Ngọc Anh
Lâu Đài Sụp Đổ Suy Ngẫm Từ Công Trình Khoa Học Lớn - Hà văn Thùy
Hiểu Việt Nam qua Wikileaks - Lê Hải*
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)