Học trò bây giờ không biết đến cây roi của ông thầy là gì, sướng thật!
Nhớ lại cái thời đi học của tôi ngày xưa từ khi vào lớp vỡ lòng cho đến khi hết bậc Tiểu học, Trung học đệ nhất cấp ít có ai không bị thầy, cô đánh đòn nhất là bọn con trai. Người siêng năng học giỏi, lễ phép thì cả năm, cả cấp học mới bị thầy đánh nhẹ một roi. Kẻ làm biếng, học dốt thì bị đánh, phạt lu bù.
Vào thời đó, những năm sáu mươi của thế kỷ trước, người ta không cấm thầy, cô giáo đánh đòn học trò của mình trong lớp học.
Tuy vậy, không phải giáo viên nào cũng sử dụng hình thức đòn roi trong dạy học. Thầy cô giáo lớn tuổi hay dùng cây roi nhiều hơn thầy, cô giáo trẻ tuổi. Cô giáo cũng ít có người mang roi đến trường như là thầy giáo. Ở nông thôn, ông giáo dạy tư tại trường làng với cây roi trên lớp là hình ảnh dễ nhìn thấy hơn so với ông thầy dạy trường công nơi phố thị.
Thông thường, khi đánh đòn học trò, ông thầy dùng cây roi, cây thước. Học trò sợ nhất là cái roi mây, roi tre. Roi càng nhỏ, càng dẽo thì đánh càng đau, đau đến chảy nước mắt, đau quắn đít. Còn cây thước kẻ bảng, học trò không sợ lắm bởi lẽ cây thước thường dẹp, dài, to bản khi bị đánh khó mà đau được.
Ngoài việc đánh đòn bằng roi vọt, học trò còn có thể bị thầy, cô phạt với các hình thức khác như quì gối, thụt dầu, nhéo tai... Tùy theo mức độ vi phạm: không thuộc bài, không làm bài, làm bài sai, làm mất trật tự trong lớp mà thầy cô định hình phạt hoặc cho học trò tự chọn hình phạt. Có nơi thầy, trò định ra qui ước bất thành văn để xử phạt như: Không thuộc bài-mười roi, không làm bài ở nhà-năm roi, phá phách trong lớp-năm roi, đi học trễ-thụt dầu năm chục cái...
Còn nhớ khi học ở trường làng, thầy của tôi là một ông giáo cao niên, rất nghiêm khắc. Thầy dạy một lúc ba lớp trong một phòng học. Bọn trẻ con như tôi thì học lớp “i – tờ”, nhóm lớn hơn một chút thì học lớp bốn, lớp ba, vài anh lớn tuổi hơn thì học lớp nhất. Thầy kết hợp dạy luân phiên cho từng lớp, từng trò xen kẽ nhau hoặc trò lớn dạy cho trò nhỏ. Trên vách gần chỗ thầy ngồi bao giờ cũng có cây roi tre. Khi cây roi này hư thì trưởng lớp phải đem cây roi khác đến cho thầy. Mỗi khi đánh đòn, ông bắt học trò nằm trên bàn nói rõ vi phạm, hứa hẹn khắc phục lỗi lầm rồi mới đánh. Bị đánh đau, có đứa về nói với cha mẹ:
- Ba má ơi! Thầy đánh đau quá, con nghỉ không học nữa đâu!
- Tại mầy ngổ ngáo, học dở thầy mới đánh. Không được nghỉ, phải ráng mà học.
Có hôm nhiều đứa cùng bị đòn một lúc, thầy phân xử xong rồi giao cho các học trò tự mình luân phiên đánh đòn nhau. Khi ra chơi, tụi nó cãi vã:
- Mầy chơi xấu! Tại sao tao đánh mầy nhẹ, đến lượt, mầy lại đánh tao mạnh?
- Mầy không thấy lúc đó thầy đang nhìn tao hay sao? Đánh mầy nhẹ ổng bắt đánh lại gấp đôi cũng như không!
Vậy mà đến khi thầy bệnh rồi qua đời, phụ huynh và học trò đến thăm viếng, dự đám tang thầy rất đông. Nhiều trò đã thương khóc thầy như ông, bà, người thân ruột thịt.
Đôi lúc cũng có trường hợp thầy, cô lạm dụng việc đánh đòn học trò, làm cho hình phạt, roi vọt trở nên thường xuyên trong lớp.
Hồi còn học Tiểu học, trường tôi có bốn lớp nhất, lớp nhất 1 toàn con gái, ba lớp nhất còn lại toàn là con trai. Tôi đã từng chứng kiến thầy dạy lớp nhất 2, nhất 3 đánh đòn học trò rất nặng tay. Thầy có thể dùng phấn để chọi, dùng tay hoặc quyển sách cuốn tròn lại để đánh, ném, cú lên đầu học trò. Bọn học trò lớp nhì thấy vậy rất sợ lên học lớp nhất của hai thầy. Ngay trong lớp nhất của mỗi thầy cũng có một số học trò xin chuyển trường hoặc nghỉ học luôn. Một số ít thì trở nên lì lợm hoặc nhát đòn hay nói dối, khóc lóc, mất tự chủ khi bị kiểm tra bài. Một số đông hơn thì cố gắng học khá giỏi. Lớp rất có kỷ luật và có tỉ lệ đậu vào lớp đệ thất hàng năm khá cao. Nhưng cách này nhiều lúc đã làm tổn hại quan hệ giữa phụ huynh với thầy giáo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của học trò.
Ở một vài trường, có khi học trò đã lớn xộ rồi mà còn bị thầy đánh đòn.
Thầy dạy Anh văn lớp mười của tôi ở một trường tỉnh luôn đến lớp với một cây roi mây. Lúc đó hầu như cả trường chỉ còn có một mình thầy còn dùng roi. Có thể đó là thói quen sau hàng chục năm đi dạy của thầy. Tính thầy rất hài hước. Mỗi khi lớp học tốt, thầy vừa lòng thì cây roi dùng để chỉ bảng, để múa nhịp cho chúng tôi đọc bài. Mỗi khi thầy giận do lớp học kém, cây roi mây lại vút lên chan chát trên bàn viết của thầy, trên bảng, trên bàn viết của chúng tôi và cả vào mông nữa (dĩ nhiên là nhẹ thôi). Cả lớp chỉ còn biết ngồi im thin thít. Nhưng những khi vui vẻ, có dịp gần gũi thầy, chúng tôi nhỏ nhẹ:
- Thưa thầy! Vào lớp thầy la rầy dạy bảo chúng em thế nào cũng được, thầy đừng đánh đòn bằng roi nữa thầy ơi!
Thầy lại phán cho chúng tôi một câu ngạn ngữ tiếng Anh:
- Spoil the roid, spair the child (Bỏ quên cây roi làm hư đứa trẻ)
- Nhưng tụi em có phải là the child, là children nữa đâu thầy. Tụi em là gentlemen là ladies hết rồi thầy ơi!
- Chưa được! Chưa là người lớn đâu. Khi nào các em đậu tú tài, vào đại học thì mới là người lớn, biết chưa. Còn bây giờ là con nít mà lại học dỡ thì còn bị đòn.
Chúng tôi lại phải đấu dịu:
-.... Nhưng thầy có đánh thì đánh bọn con trai chúng em thôi, đừng đánh các bạn gái tội nghiệp lắm thầy ơi! Nếu có bạn gái nào đáng đánh đòn thì tụi em chịu đòn thế cho thầy ơi!
- Chắc không? Thử coi! - Thầy vui vẻ hỏi lại và giơ roi lên.
Cả lớp, thầy trò cùng cười ồ!
* *
*
Đó là những mẫu chuyện tôi xin góp nhặt lại về cây roi của ông thầy.
Nhưng có lẽ câu chuyện đáng nhớ nhất đối với tôi là lần bị đòn bằng cây thước kẻ.
Tôi nhớ lại rất rõ lúc đó là năm giờ chiều rồi mà lớp nhất 4 vẫn chưa tan học. Cả trường các lớp khác học trò đã ra về. Anh lao công đang lần lượt khóa các cửa phòng học lại. Sân trường vắng lặng. Bốn đứa chúng tôi nhà xa lại làm bài sớm được thầy cho về trước. Nhưng khổ nỗi bọn tôi phải chờ thêm hai đứa nữa để về cùng đường, chung xuồng. Chúng tôi bèn nghĩ ra trò chơi lăn ống cống.Ở giữa sân trường có một ống cống lớn bằng bê tông để làm giếng nước còn dư lại. Chúng tôi luân phiên nhau, hai đứa ra sức đẩy cho ống cống lăn tròn, còn lại một đứa đứng lên trên thân ống cống và một đứa chui vào ống. Hai đứa nầy phải di chuyển sao cho phù hợp với tốc độ và chiều hướng lăn tới, lui của ống cống. Đứa nào không theo kịp hoặc bị trợt té thì thua và phải đẩy ống cống. Mãi chơi, một đứa đã trợt chân vào đường lăn của ống cống bị kẹt chân. Nó la lên nhưng không còn kịp. Chúng tôi chỉ còn cách kéo nó ra khỏi chỗ kẹt. Nhưng mọi chuyện đã làm vang động đến tai thầy Hiệu trưởng đang làm thêm việc ở văn phòng. Thầy gọi chúng tôi vào. Chúng tôi lấm lét vừa đi vừa nhìn nhau. Ba đứa đi thẳng, một đứa phải nhắc cò cò, phải kè cặp mới đi được.
Thầy nói từng tiếng một:
- Tên gì? Lớp nào? Kể ra?
Chúng tôi nhao nhao.
- Dạ! Dạ!....
- Nói từng em một, rồi ghi họ tên vào sổ cho thầy.
Chúng tôi làm xong. Thầy hỏi tiếp:
- Các em có biết lỗi gì không?
- Dạ! Tội lăn ống cống - Tôi nhanh nhẩu đáp.
- Còn lỗi gì nữa không?
- Còn tội phá phách la lối om sòm - Thằng Phong bổ sung thêm.
- Đã kể hết chưa?
- Dạ chắc hết rồi ạ! - Thằng Định ấp úng nói.
Thầy lại hỏi.
- Các em có biết lăn ống cống như vậy nguy hiểm như thế nào không?
- Dạ biết! Trợt té gãy tay, gãy chân.
- Biết như vậy mà vẫn làm, đáng tội chưa?
- Dạ! Đáng!
Thầy quay sang thằng Bửu.
- Chân em có sao không? Đau nhiều hay ít? Vừa nói thầy vừa xem xét chỗ đau của Bửu. Mặc dù rất đau, nó vẫn làm bộ tỉnh táo đáp.
- Dạ đau ít, trầy sơ thôi thưa thầy.
- Bây giờ cô y tá không có ở đây, em về nhà kiếm thuốc nhớ chưa?
Thầy nói tiếp:
Thời buổi chiến tranh, nguy hiểm không lường được. Các em nhà xa phải đi đến nơi về đến chốn, cha mẹ lo lắng chờ đợi ở nhà, tan học xong phải về sao lại không về mà còn la cà bày ra trò chơi nguy hiểm nữa chớ. Bốn đứa lại đây.
Thầy nắn nắn cây thước nhỏ trên tay, đó là loại thước bằng gỗ vuông nhỏ nhắn, cỡ bằng ngón tay cái, dài khoảng bốn năm tấc dùng để kẻ hàng trên giấy. Nó không phải là cái dùng để đánh đòn nhưng có lẽ đây là lần phạt đòn bất đắc dĩ của thầy.
- Bây giờ thầy khẻ mỗi đứa mười khẻ cho nhớ! Xòe tay ra!
Chúng tôi lãnh mỗi đứa mười khẻ đau buốt. Riêng thằng Bửu chỉ có năm khẻ thôi. Nó được thầy châm chế. Chúng tôi lần lượt ra về sau khi mỗi đứa nói một câu:
- Thưa thầy từ nay em không dám như vậy nữa. Thưa thầy! Em về!
Chúng tôi kè cặp nhau về đến nhà quá tối. Gia đình đứa nào cũng có người đi tìm kiếm nháo nhác. Thằng Bửu cái chân sưng vù to như cái bắp chuối xiêm phải nghỉ nhà đắp thuốc cả tuần, mới hết. Chúng tôi phải thay phiên nhau chép bài, giảng bài giúp cho nó lại còn bị thầy giáo phê bình một trận ra trò tại lớp.
Sau lần đó, tôi hết sức cảnh giác và quyết tâm cố gắng không để thầy, cô đánh đòn, quở phạt gì quá đáng trong lớp nữa. Và thật vậy ; đó cũng là lần phạt đòn cuối cùng trong cái thời đi học của tôi.
Bây giờ, tôi vẫn thường gặp lại thầy Hiệu trưởng, thầy nghỉ hưu, đã gần hai chục năm nay, thầy vẫn khỏe mạnh, sáng suốt, phong cách vẫn chửng chạc ân cần như ngày nào. Những buổi họp mặt cựu học sinh, lễ tết, thầy thường là trung tâm để chúng tôi hỏi han, tìm hiểu về bạn cũ thầy xưa, thầy có rất nhiều địa chỉ như vậy.
Những khi thư thả, thầy khéo léo chỉ cho chúng tôi những kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế cho tốt.... hoặc dẫn chúng tôi đi xem vườn cây, ao cá của thầy. Thầy dặn dò:
- Nhà thầy có nhiều mai vàng đẹp lắm. Đứa nào thích kiểng mà chưa có mai vàng, cứ đến, thầy cho.
Những lúc vui vẻ chúng tôi thường kể lại với nhau, với thầy về cái thời đi học ngày xưa của mỗi đứa. Câu chuyện cây thước kẻ cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò.
Ngày nay, việc đánh đòn và sử dụng hình phạt đối với học sinh không còn trong nhà trường nữa. Đó là một việc tốt và là một sự khẳng định quan trọng. Nhưng tốt hơn cả và quan trọng hơn hết vẫn là tấm lòng của người thầy, điều đó rất cần thiết cho công tác giảng dạy hiện nay.