Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.137.797
 
Huỳnh Bội Trân: Người viết sử Mỹ thuật Việt Nam Cộng Hòa
Lê Hải*

 

 

TS Huỳnh Bội Trân (trái) và TS Nora Taylor, ảnh kỷ niệm của TS Nora Taylor

 

Tin TS Huỳnh Bội Trân qua đời không chỉ khiến giới bình luận mỹ thuật Việt Nam xôn xao mà còn làm nhiều nhà nghiên cứu bất ngờ. "Thật là khủng khiếp khi nghe tin một người vẫn đang tuổi trung niên mà đã chết," một chuyên gia chia sẻ trên forum VSG. Một thành viên khác thì nói: "Tôi mới vừa nhận email chúc mừng năm mới của chị mà, một người bạn rất đáng yêu, đầy quan tâm và tốt tính." GS Nora Taylor - sử gia về mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là miền bắc, và là đồng nghiệp thân thiết với chị Bội Trân - nói đây là một mất mát lớn cho giới nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam. "Ngoài là một phụ nữ nhân hậu tuyệt vời, một người mẹ và mới gần đây vừa lên chức bà, chị đã cống hiến lớn lao cho mỹ thuật Việt Nam".

 

Khi nói đến mỹ thuật Việt Nam, nhất là miền nam, người ta luôn gặp các trích dẫn từ tác phẩm vốn là luận văn tiến sĩ của chị ở khoa Lịch sử nghệ thuật thuộc Đại học Sydney, Úc: Thẩm mỹ Việt Nam từ sau 1925 [1]. Sinh năm 1957 và một thời gian dài gắn bó với Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai - cơ sở mỹ thuật với bề dày trên 100 năm lịch sử mỹ thuật Nam Kỳ [2]- TS Huỳnh Bội Trân đã hình thành nên một góc nhìn khoa học về mỹ học Việt Nam, bên cạnh những lý luận ứng dụng như của Nguyễn Quân, hay biên khảo như của Huỳnh Hữu Ủy, dần giáo dục mỹ thuật cho công chúng tại Việt Nam qua báo chí hay hội thảo [3]. Trước hết, có thể thấy công trình nghiên cứu của chị thể hiện sự nghiêm túc và trung thực, chấp nhận chậm và ra nước ngoài mới trình luận văn để bảo vệ tính độc lập cho các nghiên cứu và tư duy của mình, không phải chạy theo trào lưu hay bẻ cong kiến thức cho hợp với một tư tưởng chủ đạo nào khác. Như trong phát biểu cuối cùng trong phần kết luận của luận văn tiến sĩ, Bội Trân hi vọng những thay đổi về lý luận mỹ học ở Việt Nam sẽ giúp làm giàu (enrich) bản sắc dân tộc của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng ngay lập tức chị nhấn mạnh, đó là sự tinh luyện của văn hóa luôn trong quá trình phát triển, chứ không phải kiểu "bảo tồn bản sắc dân tộc" mà các cán bộ văn hóa ở Việt Nam thường hô hào. Do đó, TS Bội Trân mong đợi rất nhiều vào các trường đại học nước ngoài đang hình thành ở Việt Nam, đặc biệt là RMIT của Úc và các trường mỹ thuật tư nhân với đường hướng khác hoặc thay thế lối tư duy văn hóa chính thống xơ cứng. Bản thân chị cũng tích cực đưa mỹ thuật Việt Nam giao lưu với thế giới và khu vực, đặc biệt là qua các dự án mỹ thuật Đông Nam Á ở Singapore. Người ta đọc thấy trong luận văn của chị không phải lời phản kháng, mà là nỗi khát khao, là niềm hi vọng, là một câu hỏi lặp đi lặp lại từ những gì tác giả nhìn thấy qua các công trình nghiên cứu lịch sử mỹ thuật khác, về một lịch sử đúng nghĩa và trung thực cho mỹ thuật Việt Nam. Theo đó, đây cũng là âm thanh từ những ý kiến "câm lặng", luôn thao thức nhưng không dám phát biểu ra, của giới nghệ sĩ và những người làm văn hóa thực sự ở Việt Nam.

 

Khi nhìn mỹ học như một hiện tượng văn hóa thoát khỏi cái nhìn tuyên truyền, TS Bảo Trân nhận thấy lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ thời điểm 1925 trở đi như một quá trình phát triển/thay đổi với ba đặc điểm chính. Một là sự thay đổi khi tiếp xúc với các yếu tố ngoại lai, với các thành tố mới được tạo ra hay biến đổi để hội nhập văn hóa thị giác (visual culture). Hai là sự du nhập có chọn lọc - qua điều kiện kinh tế, chính trị và văn hóa - những yếu tố từ chủ nghĩa hiện đại, cũng là xu hướng chung của nghệ thuật Đông Nam Á thế kỷ 20, như cách nhìn đặc trưng của trường phái nghiên cứu từ Úc của TS John Clark. Và thứ ba là sự xâm nhập của nghệ thuật Việt Nam vào trào lưu hiện đại đó, theo cách tiến hóa (evolution) hơn là phương pháp cách mạng (revolution).

 

Thế nhưng, đóng góp lớn nhất của Bội Trân cho mỹ thuật Việt Nam có lẽ là những phân tích và đánh giá về nền mỹ thuật của Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn từ 1954 đến 1975. Trước đó, giới nghiên cứu mỹ thuật nhắc nhiều đến ba giao điểm quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam là 1) những ngày đầu thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, 2) nền mỹ thuật cách mạng với các họa sĩ kháng chiến và tiếp nối bằng lý luận mỹ học XHCN, và 3) phát triển đa dạng và hội nhập thế giới sau thời Đổi mới. Ảnh hưởng của Victor Tardieu và École Supérieure des Beaux Arts de l’Indochine giai đoạn (1925-1945) đúng là để lại dấu ấn khắp các miền trong lịch sử phát triển mỹ thuật hiện đại của Việt Nam. Tương tự vậy lý luận mỹ học XHCN đã chủ đạo Việt Nam thống nhất từ sau 1975, và tư tưởng đổi mới cũng có tác động tương tự từ thập niên 1980s trở đi. Thế nhưng khó có thể hiểu được mỹ thuật Việt Nam nếu không nhìn thấy di sản đồ sộ của một nền Mỹ thuật Việt Nam Cộng Hòa với Trường Mỹ thuật Quốc gia thành lập năm 1954 và những điểm sáng vào thập niên 1960s (đặc biệt là cuộc triển lãm quốc tế đầu tiên ở Sài Gòn năm 1962) và sau đó là 1970s. Đó là giao điểm thứ 4) được TS Bội Trân đưa vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Giai đoạn này được dành riêng một chương sách và được xét như là "một nền nghệ thuật khác" - The Other. Trường Mỹ thuật Quốc gia ở Gia Định được so sánh cũng giống như số phận ngôi trường trước đây ở Yết Kiêu, Hà Nội: cũng hoạt động chừng 20 năm, và cũng phải chết theo một chế độ. Sau biến động lịch sử 1975, những ai ủng hộ "nghệ thuật vị nghệ thuật" không còn chỗ đứng trong xã hội lẫn lịch sử theo hướng khuyến khích "nghệ thuật vị nhân sinh".

 

Trong lúc đa số các nhà nghiên cứu Việt Nam làm biên khảo còn các nhà nghiên cứu nước ngoài thì tái dựng câu chuyện lịch sử từ những góc nhìn giới hạn, thì TS Bội Trâm nhìn mỹ thuật Việt Nam trong một không gian rất rộng của mỹ học - thể hiện qua những vật dụng trong cuộc sống đời thường như kiến trúc và váy áo - để không chỉ viết sử mà còn là nhìn vào bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Chị không đơn giản là viết một câu chuyện (narrative) lịch sử, mà là người phát biểu (reflection) chính lịch sử văn hóa đã tích lũy lại trong bản thân mình. "Lâu nay Việt Nam thường được nhắc đến như một cuộc chiến" - TS Bội Trân mở đầu phần giới thiệu như vậy, để nói ý muốn luận văn của mình thì khác, "muốn nhìn sâu hơn vào văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật thị giác". Chị mất quá sớm, khiến góc nhìn khoa học này thiếu người dẫn dắt thế hệ tiếp nối bước vào lịch sử khoa học cho mỹ thuật Việt Nam cũng như hệ thống khái niệm cho mỹ học Việt Nam.

 

[1] Bảo vệ năm 2005-2006, TS Eril Baily hướng dẫn. Nguyên bản tiếng Anh: Vietnamese Aesthetics from 1925 onwards, có thể đọc toàn bộ trên trang mạng tại địa chỉ thư viện luận văn của trường ở địa chỉ http://ses.library.usyd.edu.au/handle/2123/633. 

[2] http://dongnaiart.edu.vn/ Tên ban đầu là Trường dạy nghề Biên Hòa và thay đổi cả về cấu trúc lẫn qui mô theo dòng lịch sử phát triển của vùng Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và miền nam Việt Nam nói chung.

[3] Như các bài giới thiệu của Bội Trân thường gặp trên báo Tuổi Trẻ http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=452766&ChannelID=10, hay hội thảo mới đây của ĐH Sài Gòn http://www.giaoduc.edu.vn/news/van-de-su-kien-665/dua-sinh-vien-den-gan-nghe-thuat-duong-dai-174860.aspx. TS Bội Trân mất tại Singapore vào chiều thứ Hai 16.I.2012, thường được biết tên ở nước ngoài qua họ Huỳnh-Beattie sau khi lấy ông Ray Beattie.

Lê Hải*
Số lần đọc: 3057
Ngày đăng: 18.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngệ-Thuật Của Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Quỳnh USA
Khánh Trường, Sức Mạnh Của Im Lặng - Đinh Cường
Mạn Đàm Với Họa Sĩ Nguyễn Văn Trung Về Tranh Sơn Mài. - Đặng Phú Phong
Helen Frankenthaler: họa sĩ trừu tượng Mỹ qua đời - Đinh Cường
Kỷ niệm 9 năm ngày mất 14.12.2002- 14.12.2011: BỬU CHỈ VÀ TĨNH VẬT NHỮNG LY CÀ PHÊ - Đinh Cường
Lão Họa Sĩ Hoài Nam, Giải Mã Hán Việt Nôm Theo Phương Pháp Họa Tự - Ngô Nguyên Nghiễm
Hoàng Đăng Nhuận, vẫn màu son tươi ấy - Đinh Cường
Ann Phong, Biển. - Đặng Phú Phong
Hội Họa Và Du Tử Lê: Trái Tim Vẽ Tranh - Nguyễn Đức Cung
Ngệ-Thuật Của Hoàng Ngoc Biên The Art Of Hoàng Ngọc Biên - Nguyễn Quỳnh USA
Cùng một tác giả
Quê Mẹ (truyện ngắn)
Hiện tượng học (tiểu luận)
Bàn về mỹ nghệ (nghệ thuật)
Việt Nam là gì? (nghệ thuật)