Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.227
123.153.540
 
Cây Đa Cần Cái Miếu…
Nguyễn Hải Triều

Dựa lưng vào ngọn núi đứng có con dốc cao, nằm dọc con đường xuyên Việt mới mở là khu bệnh viện vừa xây dựng. Hằng ngày người ra vào tấp nập. Quán xá chen chúc. Tiếng còi hú của xe cấp cứu, tiếng nói cười, kêu réo náo nhiệt một vùng. Chẳng bù lại cho thời gian trước, hoang vắng, um tùm, cỏ dại mọc lút đầu người. Kẻ yếu bóng vía không dám tới vì ở đây còn có một ngôi miếu hoang lâu đời nằm dưới táng cây đa cổ thụ. Ngôi miếu cổ thờ bà Chúa  Xứ nổi tiếng linh thiêng. Dân trong vùng còn lưu truyền nhiều giai thoại hoang đường nhưng cũng rất thú vị về cây đa và ngôi miếu cổ.

 

Cụ Ba Thuyết sống gần trăm tuổi bảo rằng, ngày còn nhỏ từng nghe kể lại, khi ông nội cụ ở tuổi thiếu niên cũng đã thấy ngôi miếu và cây đa ấy rồi. Ông nội còn nói thời chăn trâu cắt cỏ đã từng vào ngủ trưa trong ngôi miếu ấy nữa kia.

 

Người ta kể rằng, cách đây hơn trăm năm, một hôm bỗng dưng xuất hiện người đàn ông tên Khảnh lang bạt từ đâu tới; không gốc tích, không cửa nhà , vợ con. Hắn ta lấy ngôi miếu làm nơi tá túc. Tuổi trạc ngoài ba mươi, vai u thịt bắp, dáng vẻ phong trần, ít nói nên chẳng ai hiểu kỹ về con người này. Buổi sáng từ ngôi miếu Khảnh ra làng. Ai nhờ chi làm nấy: cuốc ruộng, lợp nhà, xay lúa, đốn cây…Làng xóm trả công bao nhiêu hắn cũng chẳng nề hà thua thiệt, không mất lòng ai. Công việc nặng nhọc, Khảnh coi như chuyện chẳng khó khăn tí nào. Hết một ngày, ghé ra quán gió cuối làng của cô Ba Trừng, một người đàn bà quá lứa không chồng làm vài xị, rồi băng đồng đi về ngôi miếu đánh một giấc đến sáng. Có hôm trời nắng chang chang Khảnh cởi trần đào mương thủy lợi. Người ta thấy trên bắp tay hắn có hình xăm con rồng xanh thật to trông dữ tợn. Dân trong vùng xầm xì, thêu dệt về xuất xứ của con người này, nhưng chẳng có lời nào nghe lọt tai. Cho đến một bữa, từ miệng của cô Ba Trừng, mọi người mới biết mang máng về gốc tích của hắn. Theo cô Ba (Khảnh kể ra thân phận mình trong một lần say ở quán), rằng: Hắn cũng con nhà tử tế, giàu có ở miệt xuôi. Cha làm một chức quan to trong huyện đường. Dù có chút sáng dạ, nhưng tính tình ham chơi, ỷ lại vào người cha và gia đình có nhiều tiền của, hắn thường xuyên bỏ bê học hành, la cà với đám bạn bè bất hảo; tụ tập thành nhóm giang hồ quậy phá, ăn nhậu, cờ bạc, đánh lộn, đâm chém… làm thú vui. Nhờ có sức vóc, liều mạng và thích làm gương nên đàn em phục tùng răm rắp. Nghe đâu lên tới chức đại ca của nhóm giang hồ.. Nhiều lần quan huyện sai người bắt giam nhưng nhờ uy thế cha mình, Khảnh đều lọt lưới pháp luật. Hành vi bất trị, côn đồ của hắn làm người cha nhục nhã và nổi giân. Một lần do không kiềm chế trước lời la mắng, hắn vung tay múa chân làm cha hắn bị thương. Họ hàng, làng xóm phẫn nộ lên án. Còn sót chút sĩ diện trong người, nhận ra hành động của mình bất hiếu, vô đạo; hắn bỏ nhà đi biệt xứ, quyết tâm làm lại cuộc đời và hắn trôi dạt đến đây.

 

Vào thời điểm ấy, vùng đất Phú Lộc nổi lên nhân vật Chánh Hiển là chánh tổng đương quyền. Vốn là dân ngụ cư, từ đời ông nội đến đời cha chỉ là người “quơ bổi thổi trâu” trong làng. Tự ái cho thành phần xuất thân hẩm hiu ở một xã hội nặng nề phân biệt giai cấp, nên ông ta chí khú học hành, quyết tâm đổi đời. Nhưng do tư chất tối dạ, học trước quên sau, chẳng vào đâu cả. Tuy “văn dốt-võ dát”, bù lại được cái miệng lưỡi. Chánh Hiển bề ngoài như người của công việc, miệng nói tay làm nên dễ ma mị người đời. Tính lại thích nói nhiều, luôn ra vẻ quan trọng mọi vấn đề từ lớn chí nhỏ. Làng xóm nhầm tưởng ông ta là kẻ thông thái, uyên bác và đặt cho biệt danh là “ngài quan trọng”. Thấy chánh tổng xuất hiện, họ kháo nhau rằng: “Muốn cho lão chết thì không cần gươm dao chi cả; chỉ cần lấy vải bịt miệng lão  khoảng một canh giờ thôi, không nói được là lão chết ngay!”. Chánh Hiển luôn tranh thủ lấy lòng các quan trên bằng sự luồn cúi, lo lót, biếu xén để chạy chức quyền; theo đường ấy, từ một thủ ấn (người giữ tráp ấn chỉ) của làng, lão nhanh chóng phất lên làm chánh tổng chẳng ai ngờ tới.

 

Bà vợ cưng của Chánh Hiển đang bình thường, bỗng trở chứng nói lãng. Ngồi một mình lầm rầm trong miệng như người cõi trên. Chạy chữa nhiều nơi mà bịnh tình không thuyên giảm. Làng xóm mách rằng bà Chúa Xứ linh thiêng, nên lão bèn vào miếu cầu bà xin thuốc chữa bệnh cho vợ. Chánh Hiển nhờ Khảnh ngồi xác đồng. Thế là hai người quen nhau. Thời buổi ấy, vai vế trong vùng như Chánh Hiển mà  kết giao với Khảnh, một kẻ tứ cố vô thân thì cũng hơi lạ, mà lại rất thắm thiết nữa chứ. Một chức quyền, một lưu linh lạc địa thành một cặp bài trùng. Khảnh đến nhà Chánh Hiển chăm sóc vườn tược, cày cuốc ruộng nương, phục vụ du hí cho ngài chánh tổng thích ham vui. Bà vợ của Chánh Hiển thấy chồng đem về một anh lực điền siêng làm, chạy việc mà trong lòng phấn khích. Nhìn Khảnh với thân hình vạm vỡ, đôi mắt hồi xuân của bà nhiều khi cũng lúng la lúng liếng thèm thuồng. Chánh tổng đi đâu Khảnh đều theo dắt ngựa. Có hôm hai thầy trò đang chén thù chén tạc ở quán cô Ba Trừng. Thấy chủ quán tuy quá lứa cũng còn nước non. Động lòng “trắc ẩn”, chánh tổng ướm lời tán tĩnh. Nhìn ông chủ ve vãn người tình của mình, Khảnh giả lơ, “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà trong lòng cứ ấm ức. Bỗng có người mách tin bà vợ già  đi tìm. Tránh mặt “sư tử Hà Đông”, Chánh Hiển phóng qua hàng rào sau vườn ẩn nấp, không may vấp phải hòn đá bị sái cổ chân nằm một chỗ. Giữ thể diện cho thầy, Khảnh tung tin rằng chánh tổng đi công việc, do sơ ý bị ngựa đá., may không trúng chỗ hiểm mà chỉ trầy dái sái xương. Các ông trùm, hương, lý trong vùng nghe vậy, đua nhau mang quà cáp đến thăm hỏi để tranh thủ lấy lòng. Sự việc diễn ra, ngài chánh vừa khen Khảnh kín tiếng; vừa cười thầm trong bụng, miệng  lẩm bẩm: “Trong cái rủi có cái may! Hớ hớ…!”

 

Vào một buổi chiều, sau khi cầu cơ hốt thuốc bà cho vợ xong, hai thầy trò chén thù chén tạc trong ngôi miếu hoang. Rượu vào lời ra, Chánh Hiển vỗ vai thằng đệ tử hứa hẹn: “Bắt đầu từ ngày mai con dọn về ở với ông. Đừng tá túc trong ngôi miếu hoang ni mà lạnh lẽo, cô độc. Giỏi việc, mai mốt ông xuống huyện đường thưa với quan trên, ông làm chánh tổng, đề bạt cho con làm phó tổng, sung sướng một đời con hỉ?”. Khảnh trố đôi mắt trắng dã nuột ừng ực từng lời hứa của thầy như nuốt rượu. Bất chợt hắn nói: “ Con cảm ơn ông! Ông phúc đức mấy đời cho con nhờ, con kết cỏ ngậm vành!”. Rồi xúc động ôm mặt khóc hu hu như đứa trẻ. Nước mắt, nước mũi, nước rượu tràn lan ra cả nền ngôi miếu hoang. Lúc sau, không biết nghĩ răng, tự nhiên hắn nói tiếp: “ Ông là cây đa, còn con là cái miếu. Cái miếu cần cây đa, cây đa cần cái miếu! Ông hỉ?”.Nói xong hắn đứng dậy cụng be sành  với thầy hắn nghe cốc…cốc, rồi hít một hơi cạn sạch.

Nửa đêm hôm đó, sau khi uống hết hủ rượu gạo nguyên chất lấy ở quán cô Ba, Chánh Hiển chệnh choạng đi ra sân miếu mở dây cương quất ngựa băng đồng về với vợ. Khảnh còn lại một mình. Trong cơn say, hắn chìm nghỉm vào tâm trạng cô độc. Hắn nhớ lại lời của Chánh Hiển hứa khi nãy; Hắn nhớ lại câu ví cây đa và cái miếu của hắn. Bất giác hắn cười sặc sụa như một gã điên; tiếng cười của hắn xoáy vào đêm tối giữa đồng không mông quạnh nghe mà rởn tóc gáy. Rồi trong phút giây thất thần ấy, bản chất giang hồ du côn trong con người hắn trỗi dậy. Hắn tự hỏi: “Cái miếu cần cây đa hay cây đa cần cái miếu? Nếu thử đốt cái miếu thì cây đa sẽ thế nào nhỉ?”.  Ý nghĩ vừa thoáng qua và hắn hành động ngay. Phút chốc ngọn lửa bùng lên dữ dội sáng rực một góc trời.  

 

Dân làng nửa đêm tỉnh giấc hốt hoảng. Họ gióng trống mõ báo động rồi kéo nhau băng đồng chạy đi trị hỏa nhưng không kịp. Khi đến nơi thì ngôi miếu cổ chỉ còn lại đống tro tàn. Cây đa bị héo lá ủ rủ, thân loang lỗ các vết cháy sém, ứa ra những dòng nhựa bầm tím, thê lương. Tung tích của Khảnh cũng chẳng thấy đâu. Có người nói hắn đã chết thiêu cùng với ngôi miếu; lại có kẻ cho là hắn đã thoát ra được và trốn về quê cũ.

 

Cô Ba Trừng dỡ quán, bỏ làng đi biệt tích. Người ta bảo cô về xứ thằng Khảnh để tìm hắn.

 

Hai tháng sau, trong một trận mưa giông, cây đa bị sét đánh chẻ đôi thân rồi chết khô. Riêng chánh tổng Hiển, vì không làm được việc, lại để thất thoát công quỹ, chán chường lâm vào cờ bạc, gia sản tiêu tán. Bị quan trên cách chức về làm dân thường./.

 

Cuối đông 2011

Nguyễn Hải Triều
Số lần đọc: 1700
Ngày đăng: 19.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người Chiến Binh Ánh Sáng 2 - Cao Thu Cúc
Chuyện Cổ Tích Của Ông Ngoại - Diệp Hồng Phương
Hãy đi đi! - Đặng Chương Ngạn
Bền Đậu - Xuân Tuynh
Bến Nước Mười Ba - Trần Minh Nguyệt
Người Chiến Binh Ánh Sáng - Cao Thu Cúc
Quế - Lê Văn Thiện
Sáu Bẹo - Mang Viên Long
Vàng Bông Vạn Thọ - Nguyễn Lệ Uyên
Chiếc điện thoại trong tủ lạnh - Vũ Lập Nhật