Ở cái xứ đồng không mông quạnh * này, hàng năm ngoài hai vụ lúa, thời gian còn lại là nông nhàn. Đến mùa nước nổi mọi nhà không phải bận việc đồng áng thì lại là lúc thuận tiện cho việc săn bắt chuột đồng, rùa, rắn, cá, ếch...
Năm nay mưa nhiều, nước dâng lên sớm hơn các năm trước. Tuy vậy, gia đình anh Hai Hậu vẫn kịp thu hoạch vụ lúa Hè-Thu muộn. Cũng may cho anh, nhằm lúc mùa vụ đông ken mà thuê được máy suốt lúa nên chẳng mấy chốc đã làm xong gần trăm giạ lúa. Lúa vừa phơi phóng khô ráo, vô bao, vào bồ xong thì con nước cũng vừa trờ tới. Nước sông từ kinh, rạch dâng lên, nước mưa từ trên trời đổ xuống. Một tuần, hai tuần cả cánh đồng hàng trăm mẫu tây đã đầy ắp trắng xóa bởi nước. Mặt nước trải dài nhấp nhô sóng lưỡi búa. đó đây những đụn rơm lớn trôi dật dờ tỏa hơi khói trên nước, xa xa trông như những hòn đảo đá ẩn hiện trên vùng biển sương mù.
Mọi năm, cứ vào thời tiết này, anh Hai Hậu đã rủ mấy người bạn cùng quảy giỏ tre đem theo chĩa, dao, mác dẫn chó xuống xuồng ba lá đi vào mấy bờ sậy, gò đế cao để săn bắt. Ban ngày thì đi săn chồn đèn, chuột cống, xom rắn, bắt rùa; ban đêm thì đi giăng câu, soi ếch, được ít thì nhậu lai rai, được nhiều thì cái để ăn, cái đem bán. Cuộc sống trong mùa nước nổi tuy vất vả nhưng cũng có cái hay và thú vị.
Mấy năm gần đây dân cư vào lập nghiệp ngày một nhiều hơn, ai cũng đi săn bắt như vậy thì của trời cho cũng phải hao mòn. Rùa rắn ít đi, việc săn bắt ngày một thêm khó khăn không còn dễ dàng như trước nữa.
Anh Hai Hậu bây giờ tuổi cũng ngoài bốn mươi lăm vào hàng trung niên, cái tuổi tuy chưa phải là già nhưng cũng không còn nhanh nhẹn, dẻo dai như hồi còn trai trẻ được. Nhiều người cho rằng ở tuổi này, con người đã "lưng mật" rồi, làm việc gì cũng chín chắn, cẩn thận không dám liều lĩnh nữa. đi săn bắt cũng có cái nguy hiểm của nó nhất là đi xom rắn. Rắn càng được giá, nhiều người càng ham đi bắt rắn. Nước lên, các loài rắn trên cạn từ các nơi đổ về những gò cao, rắn hổ đất, hổ hèo, hổ chúa, mai gầm... ở chen chúc, chui lủi vào các bụi cỏ, kẽ đất, hang chuột, nhiều con dài cả thước, to bằng cổ tay, dữ tợn. Người đi săn dùng chĩa nhọn xom theo dấu hang... Nhiều khi bị xom trúng vào phần đuôi, con rắn đau quá chui ngược lại hoặc trổ ngách cất đầu lên mổ vào tay, vào chân người. Nó mà mổ trúng thì cũng khó mà cứu được.
Năm nay anh Hai Hậu không đi săn, đi soi nữa, anh quay ra làm lưới, giăng câu, đặt lọp. Mỗi sáng bắt được năm ba ký cá giao cho chị Hai rọng lại cứ hai ba ngày đem ra chợ bán một lần cũng đắp đổi được, vậy mà "ăn chắc, mặc bền".
Đã sinh sống nhiều năm trong vùng sâu xa xôi này, anh Hai Hậu cũng thấy rất rõ mấy trăm giạ lúa làm được mỗi năm của anh so với chi phí của gia đình cũng chưa thấm tháp gì. ở đây trăm thứ đều trông cậy cả vào lúa: Lúa để trả nợ vay, lúa để ăn, để làm giống, đi đám cưới, giỗ, nuôi con đi học và bao nhiêu thứ phải quấy khác... Do vậy, ngoài lúa còn phải biết xoay sở làm thêm việc khác, phải biết "buông dầm, cầm chèo" thì mới đỡ phải chật vật thiếu thốn.
Mấy tháng trước, chị Hai Hậu cũng mua về năm chục con vịt, hai chục con gà nuôi từ đầu vụ lúa, đến nay vịt, gà đã lớn mây mẩy, sắp sửa cho trứng, cho thịt. Anh chị rất mừng, nhưng khổ một nỗi, nước lên, nhà cửa chật chội, gà vịt ở chung với người hôi hám không chịu được. Bí quá, anh Hai Hậu mới nghĩ cách đi kéo mấy đụn rơm lớn về kết bè lại, bên cạnh nhà, vừa để làm chỗ ở cho gà vịt, vừa để tạo nguồn thức ăn côn trùng cho chúng, đỡ phải hao tốn lúa gạo, lợi cả đôi bề. Được ăn nhiều trùn, dế, đàn gà vịt của anh mau lớn ngó thấy.
Mừng thầm trong bụng, anh bàn với chị Hai Hậu:
- Cuối mùa nước, mình đem bán phân nửa số gà vịt này chắc cũng đủ vốn để làm vụ lúa sớm tới hả bà?
- Tôi định bán hết mới đủ, phân phướng, thuốc sâu bây giờ mắc mỏ! Còn lại bao nhiêu tiền hốt vịt con nuôi lại.
- Còn tiền bán cá không dành dụm được để phụ vô sao?
- Không đủ! Ông tính coi tiền cá một phần gửi về cho má để mấy đứa nhỏ đi học, phần thì mua sắm lặt vặt không còn bao nhiêu. Với lại mấy ngày nay cá đã rẻ rồi, không được giá như trước. ở chợ bây giờ cá đồng nhiều lắm, cả chục người bán, chỉ có năm ba người mua không rẻ sao được, rắn, ếch cũng rất nhiều bán đầy ngoài chợ. Vợ thằng Tám, vợ thằng Mến thường bán ếch ở đó, mỗi lần bán cả chục ký. ếch sống con lớn nó bỏ mối cho mấy người ở xa, ếch nhỏ nó làm sẵn bán luôn tại chợ.
- Tụi nó bắt ếch ở đâu mà nhiều vậy?
- Tôi có hỏi, nó nói chồng nó được ai đó chỉ cách làm mồi thuốc dụ ếch tới ăn rồi bắt cũng ở quanh đây chứ không đi đâu xa. Hỏi nữa thì nó giấu, nó chỉ biết vậy thôi, chứ mồi thuốc ra sao thì không rõ.
- Ôi thôi! Tôi biết rồi!
- Biết! Sao ông không làm?
- Tôi nghe tụi nó bàn với nhau là: dùng cua, ốc, trùn đất đem trộn với một vài vị thuốc bắc tạo thành mùi rồi trộn thêm một số thuốc độc đem đặt ở những chỗ có ếch. Loại mùi này rất hấp dẫn với ếch, khiến chúng tụ tập kéo đến để ăn rồi bị say, bị chết. ếch lớn, tụi nó sẽ cho uống thuốc để giải độc đem bán sống, ếch nào chết tụi nó lột da làm thịt bán, ếch nhỏ, ếch con thì tụi nó bỏ chết không lấy. Bắt được một con, tụi nó bỏ chết tới mười con, có nơi thúi hoắc cả một khoảng ruộng.
- Làm như vậy hủy hoại quá đỗi! Sao ông biết mà không can ngăn nó?
- Can ngăn cái gì! Tụi nó làm sao được thì nó làm. Có can ngăn, tụi nó cũng không nghe. Kệ nó!
- Kệ sao được! Nó làm như vậy riết rồi còn ếch đâu nữa mà bắt? Tụi nó lại trộn thuốc độc cho ếch ăn, rồi lại làm thịt ếch bán cho người ta ăn, biết đâu có người ăn ếch bị chết thì sao? Ông khuyên tụi nó không nghe thì ông bàn với mấy chú trên xã để mấy chú nói với tụi nó. Ông không nói thì tui sẽ nói.
- Ôi! Chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn, bà không nghe người ta thường nói như vậy hay sao? Đi mét với mấy chú trên xã không khéo tụi nó biết được tụi nó thù oán mình thì kẹt lắm... Thôi! Bà muốn vậy thì để bữa nào tôi lựa lời nói với tụi nó thử coi.
Có lẽ anh Hai Hậu ưởm ờ như thế cho qua chuyện, bởi vì sau khi nói xong, anh đi thẳng xuống bếp đốt một điếu thuốc lá rồi vừa lên võng nằm hút vừa nghĩ ngợi điều gì đó ra vẻ chuyện không còn phải bàn cãi gì nữa.
Sáng hôm sau, như thường lệ khi mọi người còn chưa thức giấc, anh Hai Hậu cặp nách cây đèn pin, xách giỏ xuống xuồng đi thăm lưới, giở lọp. Chiếc xuồng ba lá của anh thuộc loại nhỏ đi được từ một đến hai người, dân trong vùng này thường gọi là xuồng "năm quăng". Xuồng được làm bằng loại gỗ xoài hoặc gáo vàng là loại cây gỗ mềm dễ làm xuồng, giá rẻ nhưng rất mau hư, thường chỉ đi được một năm là bỏ nên gọi là "năm quăng". Khi bơi, người đi xuồng thường ngồi ở phía trước bơi bên phải một dầm, xong phải bơi bên trái một dầm và cứ như vậy, xuồng lướt trên mặt ruộng phăng phăng như một lá tre trên dòng nước.
Trời chưa tan tảng sáng, anh Hai Hậu đã về gần đến nhà. Từ xa anh thấy bóng ai như là chị Hai Hậu đang nhảy loi choi trước nhà, tay chỉ chỏ cái gì đó về phía anh. Anh nghĩ bụng:
- Chắc có chuyện gì nữa rồi!
Anh bơi xiết một chập. Đến nơi anh nghe rõ tiếng chị Hai Hậu chu chéo:
- Trời ơi là trời! Gà vịt chết hết rồi! Cái quân ác độc.
Cảnh tượng trước mắt anh thật não lòng. Mấy chục con gà, vịt nằm la liệt đủ mọi tư thế. Có con đã chết hẳn, có con đang ngoắc ngoải, nhiều con đi đứng xiêu vẹo, múa may.
Thì ra hồi hôm này, có mấy đụn rơm theo gió trôi dạt về phía nhà anh tấp vào chỗ chuồng gà vịt, sáng ra đàn gà vịt xúm xít lại ăn phải mồi thuốc ếch và ngã ra chết.
Nghe nhà anh có chuyện, mấy người hàng xóm thương tình qua phụ giúp anh, chị đổ nước chanh, nước bù ngót mong cứu sống những con gà vịt còn lại nhưng chắc gì cứu được.
Nhìn gương mặt đầy nước mắt, méo xệch thảm thương của chị Hai Hậu, bất giác anh chợt thấy hiển hiện lên rõ ràng cái cảnh khốn khổ của vợ chồng anh trong mùa vụ tới: thiếu tiền, thiếu vốn, thiếu phân, xăng... Mất mát này của anh do ai gây ra? Ai có lỗi? Và ai sẽ phải bồi thường cho anh?
Anh cũng tự trách mình và cảm thấy rất thấm thía về cái quan niệm chim trời cá nước cũ kỹ lỗi thời của mình. Chim trên trời, cá dưới nước, chim cá này không là của riêng ai nhưng không phải ai muốn bắt chim, bắt cá theo kiểu gì cũng được.
--------------------------------------------------------------------------------
* Đồng không mông quạnh : Nơi vắng vẻ, giữa đồng ruộng, xa xóm làng