1.
Từ xưa nhân dân ta thường cúng đủ thứ như :cúng ông bà ,cúng tổ tiên, cúng thánh thần, cúng vườn , cúng đất….Đến ba ngày tết thì cúng rước ông bà về cùng ăn tết .Hết ba ngày tết thì cúng tiễn ông bà đi.Trong các cái cúng ấy còn có cúng chuồng bò, cúng giếng nước ,mà nhân dân ta thường ít gọi là “cúng” mà hay gọi là “tết “, tết bò ,tết giếng.Điều đó cũng có cái lý của nó .Gạt bỏ ra những mê tín dị đoan, thì trong cái tết bò ,tết giếng ấy còn có giá trị nhân văn. Nhân dân ta rất coi trọng ơn nghĩa. Trong cuộc sống sinh hoạt, nhờ cái nhà cái đất để ở, nhờ cái giếng có nguồn nước để uống , nhờ trâu bò sản xuất có cái để ăn . Năm hết tết đến , ngày tết lại càng thể hiện ân tình hơn lúc nào hết nên phải tết ơn đủ thứ như tết thầy, tết vườn, tết bò, tết giếng….
2.Tết bò
Từ sáng 30 người ta chăn bò đi ăn và lo cắt cỏ để dành. Dân ở các tỉnh Quảng Ngãi , Quảng nam, Bình Định …gọi việc dẫn bò đi ăn là “chăn bò”, còn dân Phú Yên , Khánh Hoà …gọi là”chặn bò”. Chiều 30 chuồng trại được được dọn dẹp sạch sẽ , người ta lùa bò vào chuồng nhốt lại cẩn thận .Hết ba ngày tết ,đến sáng sớm mùng bốn người ta bắt đầu tết bò.Lễ vật tết bò được bày trên một cái bàn kê cạnh chuồng bò gồm bánh ,mứt ,hoa quả…trong đó dứt khoát phải có bánh tét , bánh chưng .Số lượng bánh tét , bánh chưng tuỳ thuộc vào đàn bò.Bò đực thì mỗi con cúng một cái bánh tét.Bò cái mỗi con cúng một cái bánh chưng.Cả con nghé cũng có phần, gọi là bánh nghé . Bánh tét , bánh chưng dành cho nghé thì nhỏ hơn , chỉ bằng một nửa bánh lớn. Đàn bò có 5 con ( 3 đực, 2 cái) thì cúng 3 cây bánh tét và 2 cái bánh chưng .Sau khi khấn vái xong , người ta lấy giấy vàng mã dán lên sừng bò mỗi con một miếng . Con nghé chưa có sừng thì người ta dán ngay vào giữa trán . Bánh tét , bánh chưng cúng xong, cho hết trẻ mục đồng .Sau ba ngày bị nhốt trong chuồng ,bò được thả ra ,chúng nhảy cỡn lên sung sướng ,còn trẻ mục đồng ngồi chễnh chệ trên lưng bò, cổ đứa nào cũng đeo lủng lẳng những đòn bánh tét mới cúng trông rất oai phong.
Ở nước Nepal cũng có tết bò. Người ta ăn tết theo lịch Nepal bắt đầu từ 1 đến ngày 8/5.Họ vẽ hình con bò lên mặt, đội lên đầu hai cái sừng bện bằng rơm. Mọi người đều hoá trang thành bò nhảy múa
3.Tết giếng
Từ xưa người ta rất coi trọng cái giếng .Cả làng dùng chung một cái giếng nên gọi là giếng làng.Về sau thường nhà nào cũng có giếng riêng,không phaỉ cất công đi gánh nước khổ sở nữa, nên không mừng ,không ơn nghĩa sao được.
Ngay từ tối 30, người ta xách nước đổ đầy các vại , các lu đầy đủ .Rồi lấy một cái nong to đậy kín miệng giếng vì sợ ôn hoàng rải dịch bệnh vào trong nước .Công việc ấy phải hoàn tất trước giao thừa. Từ giờ khắc giao thừa đến trước khi tết giếng không ai được chạm vào mặt nước của giếng .Chỉ đến khi nào tết giếng xong thì mới được múc nước.Thời gian cúng tết giếng mỗi nơi khác nhau ,có khi sáng mùng 2 , mùng 3 hoặc mùng 4.Lễ vật cúng bày trên một cái bàn đặt cạnh thành giếng gồm bánh mứt , bánh tét , bánh chưng, hoa quả và một bát nước mới vừa được múc từ giếng lên để tạ ơn Long vương hà bá đã cho nguồn nước uống .Ở giếng làng , người ta đợi tết giếng xong là gánh nguồn nước mới về nhà để lấy hên, xem đó như một hình thức cầu tài , cầu lộc
Tết bò ,tết giếng là một trong những phong tục tết có từ lâu đời .Ngày nay không còn phổ biến như trước , nhưng tục lệ này đây đó các nơi vẫn còn duy trì .