Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.235
123.154.099
 
Sáu Mươi Năm Vang Vọng Lời Kêu Cứu Trái Đất
Hoàng Hưng

 

Thật tình cờ, giữa những ngày lòng người trên toàn thế giới quặn đau và hoang mang vì những đại họa không thể tưởng tượng giáng liên tiếp, ngày càng khốc liệt xuống khắp các châu lục, tôi nhận được đề nghị từ Thụy Điển, thông qua các bạn ở Trung tâm Đông Tây: chuyển tiếng Việt một “sử thi” (epic) hiện đại của tác giả đoạt giải Nobel 1974 Harry Martinson, một “sử thi” mang nội dung “khoa học giả tưởng”. Tóm tắt nội dung của tác phẩm được coi là một trong những “sử thi” lớn nhất của thời hiện đại, tác giả được coi là nhà thơ đầu tiên của thời đại vũ trụ: Một trong số những con tàu vũ trụ khổng lồ mang tên Aniara chở người tỵ nạn thoát khỏi Trái Đất đã nhiễm xạ nguyên tử nặng nề và có nguy cơ bị hủy diệt bởi những vũ khí quái lạ khác do trí tuệ con người tạo ra, bị lạc trong không gian, bị kết án lưu đầy vĩnh viễn cho đến khi được cái chết giải thoát.

 

Tôi nhận lời dịch Aniara thoạt là do tò mò muốn biết một thiên “sử thi” mà nội dung lại là “khoa học giả tưởng” sẽ ra sao? Và quả thật, những khúc ca đầu không làm tôi hứng khởi lắm khi vấp phải không ít thuật ngữ về vũ trụ và công nghệ mà tác giả chế ra (neologism) miêu tả con tàu không gian độc đáo gondolde  và kể về chuyến phiêu lưu bất tận của nó ở “ngoại trường”. Thú thật nhiều lúc không khỏi nản lòng thấy mình chắc khó có khả năng chuyển chúng thành “thơ” đúng nghĩa. Nhưng rồi cảm hứng bừng lên khi óc tưởng tượng mạnh mẽ của tác giả chiếu lên một cuốn phim cảnh tượng không gian siêu thực ám ảnh ma quái cõi trống không trong suốt, lạnh giá, bất động trân trân nhìn ta suốt ngày này sang ngày khác, năm nọ tiếp năm kia. Thành tựu đáng kể nhất về giả tưởng công nghệ có lẽ là “nhân vật” Mima, trí tuệ nghe-nhìn nhân tạo có khả năng bắt sóng của sự sống từ mọi hành tinh xa để chiếu lại qua màn hình của phi thuyền, với sự trung thực “không thể mua chuộc”, lại có thể tự sáng tạo độc lập với cả người thiết kế, một phúng dụ về vai trò của văn nghệ trong thời đại khoa học lạnh lùng.

 

“Khoa học giả tưởng” dẫu sao cũng chỉ là cái vỏ của một “sử thi” – bài thơ chép sử, tức là chép chuyện một cộng đồng người. Harry Martinson không chậm trễ đưa ta vào, càng lúc càng sâu, càng lúc càng dồn dập, đời sống bên trong của cộng đồng thuyền nhân. Từ nhớ thương, hy vọng, hoài nghi, đến hoảng loạn, bế tắc, cuồng hoan, hận thù, tuyệt vọng; thất tình lục dục của 8000 con người tị nạn bộc lộ cực điểm trong hoàn cảnh lưu đầy vĩnh viễn khỏi quê hương, nhốt chung trong một cỗ quan tài thủy tinh thường trực đối mặt với hư không và cái chết.

 

Nhiều người than rằng Aniara sao buồn, sao tuyệt vọng (đúng nghĩa từ cổ Hy Lạp ἀνιαρός  từ gốc mà nó được phái sinh và cộng hưởng điệp âm “a” như tiếng kêu dài của tác giả). Không buồn, không tuyệt vọng sao được khi Doris -Trái Đất quê hương nhiễm xạ nặng nề không còn chỗ cho sự sống dung thân, rồi nổ tung vì những thứ vũ khí hủy diệt của chính con người sau khi vừa thoát khỏi ngàn năm băng giá do tinh vân băng hàn từ vũ trụ trút xuống. Thiên tai không giết nổi Trái Đất, thì nhân tai đã giết.

 

“Ta được chở che khỏi bất cứ điều chi:

tàn phá, hỏa tai, bão bùng, băng giá,

hay bất cứ điều gì óc ta hình dung được -

nhưng chẳng được chở che khỏi chính loài người.”

 

Harry Martinson viết một mạch 14 ngày 29 bài ca đầu tiên sau một đêm mùa thu năm 1953 ngắm qua kính thiên văn thiên hà Tiên Nữ, trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân lên cao trào với việc chế ra bom H. Những trang kinh hoàng nhất là cảnh tượng hủy diệt thành Dorisburg qua ký ức của đá – người mù và người điếc hóa đá, của Kẻ Bị Nổ. Những trang đau đớn nhất được viết nên khi Mima, con mắt trí tuệ nhân tạo, sự an ủi thần thánh của nghệ thuật, từ chối phản ánh sự thực khủng khiếp là cái chết tan tành của Trái Đất – Thung Doris vì trận “bão quang”, và tự phân rã. Nhà thơ khóc cho sự bất lực của cái đẹp không còn thể cứu chuộc thế giới.  (Ông sẽ dành ba năm nghiên cứu về vũ trụ và công nghệ để viết tiếp 74 bài ca nữa, và Aniara ra đời với 103 bài ca).

 

Tác giả rất ý thức về lời cảnh báo vô hiệu của mình, ông hiểu mình đồng số phận với nữ tiên tri Cassandre: “Giống như nàng, tôi biết rằng mình cảnh báo bằng thừa. Người ta nghe Cassandre được một lúc, rồi quên béng lời bà.” (trích theo các tác giả bản dịch tiếng Pháp Ylva Lindberg & Samuel Autexier). Hai dịch giả này cho rằng Aniara “tự đăng ký vào hàng ngũ các dystopia” (ngược nghĩa với utopia, tạm dịch là xã hội không tưởng đen).

Lời cảnh báo vẫn còn nóng hổi đến hôm nay, khi Trái Đất biết đến nhiều nguy cơ gấp bội không chỉ từ chạy đua vũ trang mà còn, ghê gớm hơn, từ chạy đua bóc lột thiên nhiên vô độ.

 

Không chỉ tàn phá môi sinh ngoại cảnh, lối sống lầm lạc của con người hiện đại cũng tàn phá ngay tâm hồn của họ. Luận đề phê phán này được tác giả thể hiện qua những trang miêu tả sinh hoạt của cộng đồng thuyền nhân tị nạn ra không gian vẫn giữ nguyên những thói quen Trái Đất. Sự trống không của vũ trụ hóa ra không đáng sợ bằng sự trống rỗng nội tâm. Sự trống rỗng không thể đắp điếm bằng cách tự lừa dối với những tín điều như chiếc bàn thờ đã long sơn, với việc lao vào những lạc thú cuồng hoan, ngay cả bằng niềm tin vào khoa học thuần túy được chính tác giả gửi gắm thông qua nữ nhân vật Isagel mà ông không giấu lòng yêu mến.

 

Sự lầm lạc của con người hiện đại còn bị tác giả phê phán mạnh mẽ ở tổ chức xã hội méo mó mà nó tạo ra: chế độ chuyên chế, từ phát xít đến toàn trị, qua những hình tượng khu trừng giới, lò hơi ngạt, “phiếu đục lỗ” kiểm soát con người, Sếp Số Một mà ông định danh một cách sáng tạo là “kẻ tự thực” (autophage)… Một âm hưởng của Trại Súc vật, 1984 (Georges Orwell) bằng thơ…

 

“Họ bị đập tan thành những tế bào của một nhà nước

luôn yêu sách họ như thói đã quen

dù đã làm tan chảy cấu trúc tâm thần

đã được họ giữ làm vật cống.”

 

Song, màu đen tuyệt vọng không trùm kín Aniara đến ngạt thở. Trong quá trình dịch, nhiều phen ngón tay tôi trên bàn phím cao hứng chạy như mê theo những dòng tràn đầy xúc cảm hướng thượng của tác giả. Những dòng về Nobby người con gái hiện thân của Phước Thiện, tác giả mượn lời một thủy thủ không gian nói rằng nếu không có nàng, thì “chẳng đáng sống làm gì cái cuộc đời tôi”.  Những trang xuất thần về người ca sĩ mù đã được tôn làm nữ tư tế của Thần Ánh sáng:

 

“Trong thế giới này xuất hiện một nữ thi nhân

với những bài ca nâng chúng tôi hướng thượng

vượt bản thân, lên cõi tinh thần.

Đem lửa thếp vàng vách nhà tù tăm tối

và đem trời cao vào tận buồng tim

lời tro nguội bỗng biến thành lửa cháy.”

 

 

Và đối lập với niềm tin mê muội vào tôn giáo, vào giáo điều của mọi thứ “lý tưởng” trừu tượng luôn có sản phẩm phụ là lòng thù hận, Martinson đề cao “niềm vui trần thế”:

 

“Tranh đấu vì trời cao là tranh đấu cho niềm vui:

Thiên đường là mục tiêu của mọi trái tim người.

Nhưng ác nỗi những thế lực đầy hắc ám

dẫn dắt cuộc đấu tranh và tập họp dưới cờ

lũ ích kỷ đầy lòng căm giận

khiến đường đi u tối bởi oán thù,

bởi trả hận, bởi bạo hành khoái cảm.

Nhân loại khó lòng cảm nhận về chân lý

như sự thực hành niềm mê đắm tự nhiên.”

 

Mê đắm tự nhiên trước hết là mê đắm thiên nhiên, một thiên nhiên chưa bị tàn phá, đủ sức “thu xếp” nhu cầu cho con người. Ta gặp lại ở thiên sử thi “khoa học”  những khúc ca tuyệt đẹp về thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là thiên nhiên Bắc Âu, với bút pháp quen thuộc của một Martinson “nguyên sơ” (primitivist) nhưng tha thiết hơn nhiều trong bối cảnh giả tưởng là tất cả đã bị tiêu vong. Tôi không thể nhịn trích một đoạn thơ tuyệt vời của ông về cảnh thu trong tưởng tượng của cô gái mù:

 

“Thu về rồi. Người ta bảo những cây phong bốc lửa.

Và đôi người tôi nghe bước chân qua

khoe cảnh chiều tà trong thung gần đấy.

Họ tả cảnh chiều rực đỏ

với những sọc dài màu tím hoàng hôn.

Và đối diện là cánh rừng, họ nói,

rực lên trên nền bóng đêm.

Họ cũng bảo dưới tàng cây, bóng tối

trắng lên vì giá đọng,

cỏ giống như tóc mùa hè

bạc đi vì tuổi tác.

Đây là cảnh qua lời họ tả:

Một tấm phông màu trắng giá sương

trên nền vàng kim rực lên khi mùa hạ

trả hết cho cái lạnh món nợ đời.

Và họ nói về sự hào phóng của mùa thu:

Tất cả vàng kim rắc trên mồ mùa hạ.

Vẻ huy hoàng trải trước mắt ta

giống một lễ tang của đám digan đó:

Những giẻ vụn màu vàng màu đỏ

và những băng vải vàng kim từ xứ Ispahan.”

 

Mê đắm tự nhiên cũng là mê đắm sự vui sống trẻ trung, ở đây được hiện thân nơi cô nàng “Daisi róc rách, vô tư và hạnh phúc/ và tất cả con người nàng được tạo hóa sinh ra/ để hát ngợi ca quay cuồng điệu yurg.” Thiên sử thi về chuyến trường chinh lạnh giá nhiều lúc nóng lên những khúc tình ca say đắm, hoan lạc ngất ngây mà Bài ca của Dục Nương chỉ là một thí dụ:

 

“Hỡi người kỵ sĩ từ hoang mạc Thiên Cầm

cứ cưỡi ngựa tới cửa em và gõ cửa.

Hãy để sự sống của em nảy mầm với chủng tử của anh,

sự sống nhỏ xinh mà anh có thể tìm vào được.

 

Trời chằm chằm nhìn ta. Cái nhìn lạnh băng ngoài cửa.

Hãy vào đây, em sưởi ấm anh mà.

Giá anh cùng em làm tan cái lạnh

  • ý nghĩ này nóng bỏng giữa không gian.”

 

 

“Sự khôn ngoan của bánh mì mộc mạc”, minh triết mà nhân vật nam chính của Aniara xin được trở về một kiếp nào xa lắm để học lại, chính là điều tác giả gửi gắm để “phản biện” lối sống “hiện đại” quá dư thừa thông minh đến trở thành tàn phá. Triết lý giản dị ấy thật dễ hiểu với Harry Martinson (1904-1978), một con người ra đời trong cùng khổ, trưởng thành trong lam lũ. Nhà thơ tương lai sớm bị đưa vào trại trẻ mồ côi cùng với sáu anh chị em của mình, trở thành thủy thủ, công nhân, đủ nghề luân lạc, một Maxim Gorki của Bắc Âu, tự học và viết, để rồi trở thành Viện sĩ Hàn lâm của xứ sở đương cai gỉai Nobel. Minh triết quá giản dị mà những siêu trí tuệ hiện đại không biết hoặc quên mất từ lâu.

 

“Chúng ta vốn người Địa cầu, Doris,

hòn ngọc sáng ngời trong hệ thái dương,

quả cầu độc nhất dành mảnh đất lành

đầy sữa, mật dâng cho Sự sống.

Hãy miêu tả tạo vật xinh tươi

đã may áo liệm cho nòi giống

cho đến khi Chúa Trời và Quỉ vương tay nắm tay

khắp xứ sở tan hoang, nhiễm độc,

chạy lên núi và nhào xuống vực

để trốn khỏi loài người – vua của tro than.”

 

Lời cảnh báo của Harry Martinson không thừa. Hành tinh của chúng ta vẫn chưa bị khai tử chính là nhờ những hồi chuông báo động liên tục, kế tiếp nhau không mệt mỏi như thế. Nhưng những “kẻ tự thực” tham lam và đầy quyền lực không biết rằng ăn thiên nhiên, ăn đồng loại là ăn chính mình, vẫn đầy nhóc khắp nơi để sẵn sàng hủy diệt Trái Đất. Bộ Văn hóa Thụy Điển chọn Aniara để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam hôm nay chắc không hề ngẫu nhiên. Cuộc chiến cuối cùng của cả nhân loại chính là cuộc chiến để cứu lấy ngôi nhà chung hành tinh đang lâm nguy này.

 

Bán đảo Tân Phong, mùa thu-đông 2011.

 

 

Trích thơ

 

10

 

Không gian cằn cỗi rỗng không kích động nỗi hãi hùng.

Vây bọc chúng tôi cái nhìn chằm chằm lạnh trong như kính

và các hệ tinh tú đứng im qua khung tròn cửa sổ

bằng pha lê trong suốt của phi thuyền.

Đó là lúc nâng niu những ảo ảnh trong mơ từ thung Doris

và gìn giữ từng giấc mơ từng cảm xúc tuôn trào

ở nơi này, trong đại dương đây,

nơi nước chết[1], không sóng nào chuyển động.

Tiếng thở dài nhè nhẹ giống như hơi gió êm,

tiếng khóc như một nguồn nước chảy,

khi con tàu như một con hươu cái

im lặng lao về chòm Thiên Cầm đầy sao.

Những chòm sao quá xa không trí óc nào có thể

biết được rõ ràng khoảng cách hay thời gian,

không dịch chuyển sang bên dù một centimet.

 

Mọi vật trông như đông đặc lại

như đóng băng vào đá vĩnh hằng,

giống những hạt kim cương giữa tinh thể thạch anh,

tinh thể ấy giam kín bưng sự vô tận

trong đại sảnh trong veo nhưng hữu hạn.

Nhưng có những từ đã bị dùng đến mòn đến chán,

đã bị dùng sai để mô tả vùng nước vùng non,

những phong cảnh mà chúng không thích hợp.

Những thế hệ đã dùng chúng từ lâu không hề biết

rằng những từ mình dùng đến sờn mòn

lại có thể có ngày cực kỳ thiếu thốn

đúng ở nơi chúng thích hợp nhất: nơi này,

trên phi thuyền không gian đang nhắm chòm Thiên Cầm bay tới.

 

Còn lại gì cho chúng tôi, những kẻ

cần đến mỗi từ diễn tả Cõi Âm

vô hạn, xa lắc xa lơ không thể nào đo được?

 

Chúng tôi buộc phải tìm ra những từ khác

có khả năng giảm, co, để an ủi chính mình.

Từ Tinh Tú giờ đây đã thành tục tĩu,

Âm hộ và Vú, hai từ trở nên thanh cao.

Óc trở thành cơ quan nhơ nhuốc

vì theo lệnh nó mà Cõi Âm thu lượm ta vào.

 

 

42

Bài hát của Dục Nương trước gương

 

Sự sống của em đã thành trớ trêu.

Hãy đến đây nhìn và sờ vào nó.

Nếu anh khẩn cầu em sẽ tặng anh luôn

anh sẽ được sự sống em bé nhỏ.

 

Anh phi nước đại tới cụm Thiên Cầm

và anh sẽ mang theo kỷ niệm.

Sự sống nằm đây giữa những nếp lụa là óng ả,

sự sống nhỏ xinh mà anh có thể tìm vào.

 

Hỡi người kỵ sĩ từ hoang mạc Thiên Cầm

cứ cưỡi ngựa tới cửa em và gõ cửa.

Hãy để sự sống của em nảy mầm với chủng tử của anh,

sự sống nhỏ xinh mà anh có thể tìm vào được.

 

Trời chằm chằm nhìn ta. Cái nhìn lạnh băng ngoài cửa.

Hãy vào đây, em sưởi ấm anh mà.

Giá anh cùng em làm tan cái lạnh

  • ý nghĩ này nóng bỏng giữa không gian.

 

Thì Dục Nương sẽ được mọi người ngưỡng mộ,

không bị vấy nhơ bởi lũ heo kia.

Hãy ngắm thân hình em, ai cũng thèm muốn nó,

nó đã thành tranh vẽ và thơ.

 

49

Người đàn bà mù

 

Con đường dài tôi đi từ xứ Rind

đến chốn này cùng một màu đêm tối

như con đường tôi bước trên Rind.

Tăm tối như xưa. Như mãi mãi.

Nhưng bóng tối bỗng trở nên lạnh lẽo.

Đó là nơi sự thay đổi diễn ra.

Bóng tối dịu êm đã bỏ tôi rồi

trên thái dương tôi và trên ngực

vốn thuộc về mùa xuân

bóng tối lạnh lùng đã tới

và ở lại.

Tiếng xạc xào buồn từ những hàng dương

rộ lên trong đêm. Tôi rùng mình vì lạnh.

Thu về rồi. Người ta bảo những cây phong bốc lửa.

Và đôi người tôi nghe bước chân qua

khoe cảnh chiều tà trong thung gần đấy.

Họ tả cảnh chiều rực đỏ

với những sọc dài màu tím hoàng hôn.

Và đối diện là cánh rừng, họ nói,

rực lên trên nền bóng đêm.

Họ cũng bảo dưới tàng cây, bóng tối

trắng lên vì giá đọng,

cỏ giống như tóc mùa hè

bạc đi vì tuổi tác.

Đây là cảnh qua lời họ tả:

Một tấm phông màu trắng giá sương

trên nền vàng kim rực lên khi mùa hạ

trả hết cho cái lạnh món nợ đời.

Và họ nói về sự hào phóng của mùa thu:

Tất cả vàng kim rắc trên mồ mùa hạ.

Vẻ huy hoàng trải trước mắt ta

giống một lễ tang của đám digan đó:

Những giẻ vụn màu vàng màu đỏ

và những băng vải vàng kim từ xứ Ispahan[2].

 

Nhưng tôi đứng lạnh, im trong bóng tối,

chỉ nghe thấy mọi điều tôi hằng mến hằng yêu 

tan biến trong cơn gió tối tăm băng giá

và tiếng xạc xào sau chót của rừng dương

nói với tôi mùa hạ trên xứ Rind sắp chết.

 

Rồi gió quay ngược chiều

và trong đêm

xộc tới cái nóng đen và khủng khiếp.

 

Tôi rơi vào lòng ai đó

đang chạy lại phía tôi.

Người ấy làm tôi sợ.

Làm sao tôi biết được trong bóng tối kia nóng hổi

người ấy là ai

mà đỡ lấy và ôm tôi khi tôi ngã

là ai đây, là quỷ hay người.

Vì tiếng ầm ào càng lớn, gió nóng mạnh lên

thành bão lốc,

và kẻ ôm tôi hét lớn

mà giọng vẫn còn như tự xa xôi:

Che mắt đi. Nó đang đến. Cô sẽ bị mù.

Khi đó tôi cố làm cho giọng mình the thé

rít lên: tôi đã mù rồi

nên chẳng sợ gì. Tôi chỉ cảm thấy thôi

chứ xứ Rind tôi chưa từng nhìn thấy.

 

Người ấy buông tôi ra, chạy đi tìm đường sống

tôi chẳng biết là đâu, tiếng ầm ào tối nóng

bỗng át đi vì khủng khiếp sấm rền

từ chốn xa nào lăn đến chỗ tôi.

Tôi lại ngã và bắt đầu mò mẫm

trườn qua những cánh rừng tăm tối xứ Rind

 

Tôi tới được một miệng hang

nơi cây cối vẫn còn và cái nóng chưa quá gắt.

Tôi nằm đó, vui vui, giữa đá

và cầu thần Rind phù hộ hồn mình.

Bỗng có ai từ hỗn loạn bước vào hang

(ôi phép lạ)

cõng tôi đến một chiếc xe thùng kín,

rồi có ai chở tôi qua màn đêm

tới sân bay Rind

ở đó nhân viên tỵ nạn

giọng lạc đi, khàn khàn réo gọi

số và tên tôi, cho tôi nhập dòng người

đang hướng về cổng phi thuyền mở sẵn.

 

*

 

Những năm tiếp theo làm thành số phận.

Trên lãnh nguyên Sao Hỏa, như sứ giả của Rind,

tôi làm mềm lòng những người lính gác

bằng những lời khóc than định mệnh ngặt nghèo.

Tôi học thứ chữ Braille của những tiếng kêu

trên những khuôn mặt mà tay tôi sờ soạng.

Và như ca sĩ của phong trào “Cứu trợ Lãnh nguyên”

tôi có dịp trở về quê hương xứ sở.

 

Rind đã trụi trơ. Cây cỏ héo tàn.

Nhưng những ý chí sắt gang vẫn khăng khăng kế hoạch

cải tạo đất đai bằng hóa chất

geosan mà khoa học phát minh.

Kế hoạch ra sao tôi không thể giải trình

và nhiều người tin chắc là thất bại.

“Chẳng ai làm được đâu tuy ai cũng muốn”

đó là câu cửa miệng mỗi ngày.

Khi đó tôi bỏ nhà và bỏ nguồn bài hát xứ Rind

để kiếm việc làm một chân ca sĩ

trong Phòng Ba, từ đấy tôi thường hát

“Ôi Thung lũng buồn, ôi cuộc đời tôi”

và “Con chim nhỏ trong Rừng Hồng”.

Nhưng tôi cũng hát “Bài ca gang thép”

mà những người Gond hay hát ở phi thuyền.

 

*

 

Tranh đấu vì trời cao là tranh đấu cho niềm vui:

Thiên đường là mục tiêu của mọi trái tim người.

Nhưng ác nỗi những thế lực đầy hắc ám

dẫn dắt cuộc đấu tranh và tập họp dưới cờ

lũ ích kỷ đầy lòng căm giận

khiến đường đi u tối bởi oán thù,

bởi trả hận, bởi bạo hành khoái cảm.

 

Nhân loại khó lòng cảm nhận về chân lý

như sự thực hành niềm mê đắm tự nhiên.

Khó biết được lối đi từ sớm.

Khó đứng lên rao gỉang trước bàn thờ,

cầu một vị thần mà ta không biết luật   

chỉ biết rằng ông sẽ luôn phiền muộn

khi sự phụng thờ không thỏa mãn mười phân.

 

Thật khó dung hòa niềm tin với cuộc sống hàng ngày.

 

Giáo thuyết về hy sinh khó lòng nắm bắt.

Khó mà nghĩ suy lặng lẽ trong lòng:

Có phải máu hy sinh vẫn còn phải đổ?

Vì sao loài đao phủ vẫn thong dong?

 

Khó mà nghĩ suy lặng lẽ trong lòng.

 

Và khó làm sao biết cách ban ân sủng

khi chẳng bao giờ nói chuyện với vong linh,

không nghe đáp lời từ bao nấm mộ

nơi những nàng tiên chẳng dám đặt chân,

nơi chỉ một sinh linh thoát được xiềng cái chết

để gặp Chúa Trời[3], còn lại phải đui mù  

và câm nín trong khốn cùng rữa nát,

phải nằm trơ đến cùng tận thời gian.

 

Khó mà tin ở cuộc đời trong thế giới bên kia.

 

Ước cuộc đời bên kia là ước đúng.

Là thể hiện niềm vui được sống,

mê đắm sự hồi sinh vẻ đẹp của đời,

không chịu chết giản đơn như kiếp phù du.

 

Vui được sống là niềm vui rất đúng.

Đặt cuộc đời trên cái chết, đúng làm sao. 

Vặn vẹo trong đáy mồ là điều thật khó.

Thật dễ dàng tin cuộc sống mai sau.  

 

Cả thế hệ nằm dài chìm trong đất

giữa đêm đen dưới ngọn gió mùa xuân

và tất cả đồng thanh cao tiếng hát

bài hát người mù ca tụng xứ Rind.

 

Dù tứ chi nát tan trong lòng đất

vẫn ngày đêm xưng tụng vị Chúa mù

kẻ biết tất và chẳng cần nhìn ngó

những bóng âm thầm trang điểm ngôi vua.

 

*

 

Những thành tố mềm sẽ mau thối rữa.

Những thành tố cứng hy vọng sẽ còn.

Nhưng thời gian qua và sẽ có ngày

thành tố cứng cũng tan thành đất mủn.

 

Khi ấy bản đồng ca dâng cao vút

lên ngọn cây, từng chiếc lá thầm thì

cho làn gió bay qua biết rằng cái chết

đang xạc xào vui trong lớp áo mùa hè.

 

Không tự biết mình, hồn sự sống ra đi

như mùa hạ không thể nào nắm bắt,

những mùa hạ đáng yêu đi mất

và mỗi năm như mới lại trở về.

 

Chúng tôi nghe cô gái mù, mê đắm.

Rồi có những người nói tiếng lòng sâu thẳm:

Ôi những lời cô hát đáng yêu sao,

những lời ca đến tự xứ Rind kia.

Nhưng lời chỉ là lời, là gió thoảng.

 

 



[1]Dead water: thuật ngữ hàng hải chỉ môi trường nước trong đó tàu thuyền rất khó di chuyển, khi một lớp nước ngọt hoặc nước lợ nằm trên lớp nước rất mặn mà không hòa tan vào nó.

[2] Một tỉnh của Iran, thủ phủ là thành phố cùng tên, lớn thứ hai của nước này, nổi tiếng với những kiến trúc Hồi giáo trung đại.

[3] Ý nói Jesus Christ.

 

Hoàng Hưng
Số lần đọc: 2009
Ngày đăng: 26.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Rạng Xuân - Nguyễn Đông Nhật
Dù Sao Vẫn Cám Ơn Đời - Phạm Cao Hoàng
Đoạn ghi chiều mùng một Tết - Đinh Cường
Đầu Năm, Níu Xuân Trôi - Âu thị Phục An
Đánh Thức Mùa Xuân - Đặng Kim Côn
Nhâm thìn - Trần Hồ Thúy Hằng
Chiều Ba Mươi /Trước Nửa Đêm /Giao Thừa - Nguyễn Đông Nhật
Nhắn quê xa lắc tiếng kêu thầm… - Nguyễn Minh Phúc
Nhịp Xuân Huê Tình /Nơi Bắt Đầu Mùa Xuân - Nguyễn Thị Khánh Minh
Cắn - Hoàng Xuân Hoạ
Cùng một tác giả
Bài Lorca: (nghệ thuật)
(tiểu luận)