Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.144.417
 
Chợ Hoa Ngày Tết
Võ Xuân Phương

Giáo viên bây giờ không có nghề gì làm thêm khó sống, đó là sự thật, là chân lý cuộc sống hôm nay!

 

Gia đình thầy giáo Võ Xuân Hoàng sống trong khu tập thể của trường, một vợ hai con, không có nghề gì làm thêm mà vẫn cứ sống, cứ lên lớp 22 tiết mỗi tuần, đó là sự thật. Đó là sự thật bi đát của đời sống gia đình thầy giáo Võ Xuân Hoàng.

 

Vốn là giáo viên lưu dung, dạy một năm rưỡi dưới thời Mỹ Ngụy, là giáo sư tư nhân dạy giờ, gần một năm trời chưa kịp nhận lương thì giải phóng. Trở lại nghề dạy với tâm huyết đào tạo lớp trẻ xây dựng lại quê hương.

 

Không có nghề nào khác. Vợ vừa dạy vừa chắc chiu chén cơm, bó rau để nuôi heo, chồng hốt phân, xúc từng xô đất ngoài ruộng ủ phân trồng bông bán vào dịp tết. Những đêm thức khuya vừa bắt sâu cho bông, vừa soạn bài, vợ lục đục cho heo ăn thêm, múc từng thìa cháo dỗ dành.

 

Có đêm mưa lớn, vừa che bông, vừa chấm bài, vừa củng cố hồ sơ để kiểm tra! Vợ tìm giấy bìa cứng che tạm chuồng heo, rồi tháng ngày cũng qua, heo thương người, chăm ăn chóng lớn, hoa cảm cảnh xanh tốt đâm bông, gần 20 chậu cúc vàng rực.

- Hồng à, bình quân 1.000đ một chậu, thì tết này mình được 20.000đ.

- Heo gần tạ đấy anh ạ! Chắc được 40.000đ.

 

Chiều 26 tháng chạp mới nghỉ tết, thầy giáo Võ Xuân Hoàng vót que, chẻ lạt sửa sang lại 20 chậu hoa, vợ lăng xăng rang nếp làm bánh.

 

Sáng 27 tết thầy giáo Võ Xuân Hoàng mượn xe cải tiến của một phụ huynh, cùng vợ và con lớn thằng Phú kéo 20 chậu hoa về sân văn hóa huyện để bán.

 

Sân văn hóa huyện được rào vội vã bằng các tấm ván bìa làm cọc căng kẽm gai chung quanh, bên trong chia từng khu vực, gian hàng bông, gian hàng cây cảnh, phía bên phải mới cất nhà ván, lợp tôn khang trang làm câu lạc bộ. Thầy giáo Võ Xuân Hoàng được chỉ định chờ để hoa ở phía trái, khoảng đất khá rộng. Mới 6 giờ sáng mà các chủ bán hoa, cây cảnh đã đông đủ, nhiều nhất là giáo viên, vài ba xã viên nông nghiệp cũng góp năm ba chậu thược dược, bông giấy, sống đời.

 

Sân văn hóa bỗng tươi hẳn lên, như có văn hóa, mặc dầu hoa, cảnh không nhiều nhưng quanh năm suốt tháng bãi cát khô, nóng cùng rác, chỗ sân chơi mọi trò của trẻ con, thì hôm nay bỗng gọn gàng, ngay ngắn, sạch sẽ tươi mát với nhiều màu sắc thì bảo không có văn hóa sao được.

 

Sắp xếp xong hai mươi chậu hoa, thầy giáo Võ Xuân Hoàng rút khăn lau mồ hôi, mở ví lấy thuốc vấn hút. Rải rác có khách đến xem, hỏi.

- Hồng này, em về cho heo ăn và nấu cơm, coi cu Vinh dậy chưa, nếu nó đòi lên thì em cứ cho nó lên đây chơi cho vui.

- Sáng nay em làm mức dừa, mức gừng, trưa em lên thay anh về ăn cơm. Nếu đông khách anh bảo thằng Quí về gọi em lên nghe! Hồng cười rồi tất tả lấy xe đạp về.

Thằng Quí đứa con đầu mười tuổi, học lớp năm, biến đau mất theo mấy gian hàng hoa, cảnh hoặc với lũ nhóc bắn bùm quanh nhà văn hóa.

 

Thầy giáo Võ Xuân Hoàng quay nhìn hai bên, phía phải là anh bạn làm thú y hằng năm bán chậu cảnh đủ loại, chậu cảnh của anh thật hữu tình các loại cây bồ đề, sanh, dừa nước, năm nay anh lại có thêm mấy tiểu trì đắp non bộ khá công phu, phía trái là cụ Bá hưu ở thôn trên, cụ nổi tiếng về hoa cúc, chậu cúc của cụ thì ít ai chê được, phải thành thật mà nói chậu cúc của cụ là tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, đứng ở góc độ nào cũng thấy đẹp trang nhã thanh cao, anh phụ trách văn hóa huyện nhận xét vậy. Cụ thường nói tôi chọn phẩm chứ không chọn lượng, chậu hoa ra chậu hoa, chứ không phải trồng cúc để cắt cắm bình, cụ ngắm nghía chậu cúc rồi giả giọng lẩy Kiều: Hoa này giá đáng ngàn vàng cũng cam! Năm nay cụ có 2 chậu hoa thật đẹp, hoa nở đều, xây từ miệng chậu lên trên.  Cụ nói cặp này năm ngàn xứng đáng.

 

Thầy giáo Võ Xuân Hoàng đưa mắt nhìn các gian hàng khác, nhìn vào câu lạc bộ thấy đã có nhiều người vào uống càphê, thầy chắp lưỡi giá có chén trà đậm.

 

Thằng Quí đi đâu mất lúc nãy, giờ trở lại xin tiền ăn bánh mì, thầy gióa Võ Xuân Hoàng bảo về nhà ăn cơm, chắc má đã nấu rồi, nó phụng phịu rồi chạy đi đâu mất.

 

Mặt trời lên khá cao, khách xem đông, mua ít, cuối năm gạo lên vùn vụt 280, 300, 380, đúng giá 480 đồng một cân đong! Nói vậy chứ sáng nay thầy giáo Võ Xuân Hoàng bán 4 chậu được 5.000đồng, hơn tháng lương của thầy.

 

Buổi chiều, chiều 27 tết, người khá đông, xem cũng có, mua cũng có, thằng Quí không chạy chơi nữa, nó giúp bán hoa. Vợ thầy Hoàng, cô Hồng bắc chiếc ghế thấp ngồi bên, nắng chiều chiếu rát lưng, cô kéo nón ra sau che ót, được rảnh đôi chút thầy giáo Võ Xuân Hoàng vấn thuốc hút, nói chuyện với anh bạn thú y.

- Giáo viên bây giờ không có nghề gì làm thêm thì khó sống nổi. Có tiếng xe cup dừng lại trước gian hàng, thầy nghe tiếng thằng Quí – mời cô chú xem hoa, hoa của cháu đẹp nhất vùng, tánh nó lúc nào cũng vậy láu cá vặt, được cái nhanh nhảu công việc, nhưng hơi lười học, hay nói chuyện, thầy nghe tiếng vợ nói – cô chú cứ lựa đi, mỗi chậu một ngàn rưỡi, thầy mường tượng nếu bán được 2 chậu thì tiền được gần tháng lương! Thầy Hoàng quay lại, nghe có tiếng chào thưa thầy, thầy Hoàng ngước lên mỉm cười – À, anh Phúc, anh đi mua hoa?

- Dạ, thưa thầy tụi em đi mua hoa. Anh thanh niên quay sang cô bạn giới thiệu – đây là thầy anh, thầy chủ nhiệm năm mười một – anh quay sang thầy giáo, thưa thầy đây là vợ em, thầy Hoàng và cô gái mỉm cười chào nhau. Thầy Hoàng nhìn anh thanh niên mặc áo kẻ ô vàng, xen màu xanh đỏ, may đẹp bó gọn gàng trong chiếc quần zin đắt tiền đang cầm lái chiếc xe cup, cô gái trang điểm khéo léo đứng xem hoa,

- Thưa thầy, thầy vẫn ở chỗ cũ

- Vâng tôi vẫn ở khu tập thể phía sau trường

- Chỗ đó mùa hè nóng quá, mùa đông hơi ẩm thấp, thầy chưa ra ngoài được à.

 

Thầy Hoàng mỉm cười, tính thầy vẫn vậy, lúc nào có người ái ngại cuộc sống của giáo viên, của gia đình thầy, thì thầy chỉ mỉm cười

- Thế bây giờ anh làm gì?

-Em làm ở cảng. Sau lúc em nghỉ học năm mười một, do gia đình khó khăn, sau đó em đi nghĩa vụ sang Campuchia, xong nghĩa vụ em về làm ở cảng

- Vợ anh cũng làm ở cảng,

 

Thưa thầy không, cô ấy làm ở công ty ngoại thương thành phố. Lúc học hết cấp hai, gia đình cô ấy cũng khó khăn, cô ấy nghỉ học, có ông chú họ làm phó giám đốc, xin vào làm cho đến nay.

- Anh chị đã nghỉ tết,

- Tụi em vừa xin nghỉ khi sáng, vừa nhận tiền thưởng cuối năm, giờ về thăm nhà ghé mua hoa.

 

Cô gái nhìn quanh các dãy để hoa, rối quyết định mua cặp cúc của cụ hưu.

- Hai chậu cúc này đẹp anh nhỉ! Nếu trồng trong hai chậu sứ thì giá trị hơn, mai em với anh đi Qui Nhơn mua hai chậu sứ về sang, độ năm ngàn nữa chớ mấy!

 

Anh thanh niên quay sang hàng cảnh mua thêm một tiểu trì đắp non bộ năm nghìn đống, rồi thuê xe thồ là anh giáo viên cấp hai chở về. Anh đến bắt tay thầy Hoàng.

- Thưa thầy, Giáo viên bây giờ, không có nghề gì làm thêm thì khó sống nổi!

 

(Chiều 26 tết-nhằm ngày 19-02-1988)

Võ Xuân Phương
Số lần đọc: 1623
Ngày đăng: 28.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sóng biển hồn người - Nguyễn Minh Phúc
Quy Hoạch Của Diêm Vương /Hội Thi Dáng Đẹp - Tiêu Đình
Thành phố cao nguyên - Đặng Chương Ngạn
Bên Thềm - Hà Thúc Sinh
Con Rồng - Nguyễn Đình Bổn
Đêm Muôn Màu - Văn Chấn Ngọc
Vẫn Mãi Mãi Biệt Tăm - Phạm Văn Nhàn
Đền Bà Ru Con - Tiêu Đình
Ông Ba Say - Võ Xuân Phương
Cây Đa Cần Cái Miếu… - Nguyễn Hải Triều
Cùng một tác giả
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Hoa Mai Nở Muộn (truyện ngắn)
Gió Chướng *** (truyện ngắn)
Đường Chỉ Tay (truyện ngắn)
Ông Ba Say (truyện ngắn)
Chợ Hoa Ngày Tết (truyện ngắn)
Đêm Nghe Gà Gáy (truyện ngắn)
Mùi Lạ (truyện ngắn)
Rượu Người (truyện ngắn)
Hơn - Sức (truyện ngắn)
Bọn Bốn Đứa (truyện ngắn)
Bông Sen Trắng (truyện ngắn)
Hương Bùn (truyện ngắn)