( nhân một cuộc lại luận bàn)
Thật khổ. Ngày Xuân, định hầu chuyện vui, nhưng chẳng được. Vì cái chuyện đang râm ran, chuyện trí thức làng Vũ Đại. Hẳn làng này nhiều người biết, có dịp tham quan, và đôi khi chuyện trò với những nhân vật làng. Nào Bá Kiến, nào Chí Phèo, nào Thị Nở. Nhưng ít người tiếp xúc với Mõ.
Mõ làng Vũ Đại trạc trung tuần, nhỏ thó, gầy guộc, nói thì nhướng mắt, vênh mặt, nhưng chỉ vì hai cái nỗi bẩm sinh. Một là mắt kém. Hai là thấp bé, không vênh mặt để người đối thoại thấy dung nhan mình thì bị kết là thiếu trung thực, thành khẩn. Mà vênh thì...Tai ương thế đó, ai bảo Tạo Hoá đã lỡ sinh ra một con người dị dạng, vừa xấu xí, vừa dễ bị hiểu lầm...Nhưng cái gì khiến Mõ liên quan đến Trí Thức. Và lại là tầng lớp trí thức thời hiện đại trong khi cái làng Vũ Đại có một Mõ vốn đã xa xưa. Làng xa xưa truyền thống khi nào cũng có nhân vật Mõ này, kể cả làng Vũ Đại do ông Nam Cao làm giấy khai sinh. Thêm dăm ba nhân vật cũng rất truyền thống: ông Xã, ông Lý và anh Trương tuần. Khỏi cần nói, họ đều có những liên hệ mật thiết với Bá Kiến.
Dân làng Vũ Đại hỏi, trí thức là gì? Làm gì? Ăn nói thưa gủi ra sao? Làng ta thật có một tầng lớp trí thức không? Tầng lớp này, nếu có, liệu có thể coi như là tầng lớp tinh hoa (intelligentsia) của làng không? Ôi thôi, những câu hỏi này sinh ra từ ‘’vấn nạn’’ truyền thông thời thế giới phằng phẳng. Châm ngòi là nhà văn Phạm thị Hoài [i], người đã từng gọi trí thức phò chính thống là trí thức quan văn. Thêm một lần, nhà văn lại sáng tạo ra cụm từ ‘’ đối lập trung thành’’, chỉ những người phản biện (nghĩa là nói ngược) trong những khuôn khổ không đụng đến cốt tủy sự tồn tại của tính thống soái chính trị nằm lù lù trong làng Vũ Đại. Nghĩa là chớ đụng đến quyền uy của bộ tứ Xã, Lý, Trương tuần và ( mới đây, nhất là) Bá Kiến. Ngày chưa xa lắm, có Mõ nhưng Mõ chỉ ú ớ rao lại những lời lẽ cấp trên thông qua, tên là nghị quyết. Hiện thời, bộ tứ ngày một hủ hóa, dân làng Vũ Đại rục rịch lời nọ tiếng kia. Không ai đến chặn họng, thì nói. Những người phản biện làm Mõ tân thời. Họ vạch ra những yếu kém trong Giáo dục, Y tế, Quản lý Tài Nguyên, Bảo vệ biên cương... Họ cũng nêu lên sự cần thiết của Tam quyền phân lập (mong chống tham nhũng!), sửa đổi Hiến Pháp, đòi quyền Tự do Ngôn luận và Tư tưởng. Những Mõ đảng viên ĐCSVN thì rụt rè ‘’xin’’ nới cho chút dân chủ nội bộ. Họ ở trong hệ thống, và nói cho chính xác, họ đề đạt những cải cách nhằm tân trang môi má cho hệ thống mỹ miều hơn.
Muốn thế, họ nói phải có lý luận. Lý luận cho sắc bén thuyết phục, họ phải có kiến thức. Mõ tân thời đi học, có kẻ có học hàm học vị, kiếm sống bằng ngành nghề chuyên môn. Có Mõ tự học, trau dồi kiến thức, và qua những thành tựu họ được dân làng trọng vọng gọi là nhà văn, nhà báo, nhà...nọ nhà kia. Nói chung, dân làng gọi họ là trí thức. Nhưng không phải là Mõ ắt ai cũng làm cái công việc phản biện mong góp phần vào việc lèo lái xã hội làng ta. Hơn kiến thức, họ phải có dũng khí nói lên điều có thể nói được trong những điều kiện o ép của một hiện thực ngặt nghèo. Bộ tam quyền hợp nhất Xã, Lý, Bá sẵn sàng dùng hèo anh Trương tuần để ổn định dư luận. Mõ nào ớn lạnh, trùm chăn, dân làng gọi là ông trí thức câm như hến im như thóc. Mõ nào còn hăng, phản biện nhằm hướng dẫn dư luận trong làng về những gì Mõ thấy hợp lý hơn, tốt đẹp hơn, làng Vũ Đại gọi họ là trí thức chịu chơi phản biện. Ngôn ngữ sang cả hơn, loại này là trí thức dấn thân, chữ của những J.P. Sartre, rồi N. Chomsky.... Kẻ trong nước, người hải ngoại, tầng lớp Mõ này mang đặc thù ‘’ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’’. Khi đi từ đầu làng đến cuối thôn rao và giảng, Mõ phản biện cẩn thận giới hạn lời lẽ mình trong cái khuôn cải lương cải cách, tránh không kêu dân làng làm cách mạng vùng lên và lật đổ bộ tứ quyền uy. Đối lập, dĩ nhiên tí ti. Nhưng để tồn tại, đành trung thành nháy nháy. Chiến thuật giai đoạn này khiến ông Bá, ông Lý không thể sai anh Trương ồ ạt xử dụng hèo ( tên mới là roi điện), chỉ đáp lại phản biện bằng sự im lặng khinh khi. ‘’Đối lập trung thành’’ như thế cũng nhục, nhưng không thể khác được. Và sự ‘’lạc quan vô tận’’, chữ của nhà văn Phạm thị Hoài, nếu có thì... đó chỉ là thuộc tính sìu sìu ển ển của một nền văn hóa ca ngợi dân làng Vũ Đại giẻo như tre yểu điệu múa may trong gió dữ. Ấy, nếu giẻo thế mà giữ được gốc thì ‘’cũng tốt thôi’’. Nhưng e đây mới chính là cái lạc quan tếu vô tận. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Cái gốc đạo lý đang bị đánh bật ra khỏi con người. Cứ đọc tin như học trò đánh thầy, con giết cha, mẹ mang con đi bán...thì ôi thôi!
Mới vừa rồi, lại thêm một cơn Tsunami trong tách trà Thiết quan âm. Số là GS kiệt xuất Ngô Bảo Châu [ii] cho là không có phản biện thì xã hội chết lâm sàng. Nhưng ông lại nêu vấn đề trách nhiệm của những phản biện với cộng đồng, và cảnh báo (?!) nguy cơ phong trào lạm dụng phản biện để được phong ‘’hàm’’ trí thức [iii]. Thế là cộng đồng Mõ rêu rao ‘’ con người tự do thành chú cừu thông thái’’, đưa ngay ông từ vị thế một nhà Toán học sáng láng ‘’ không có lề’’ sang chỗ chú cừu con ‘’lề phải ‘’. Kinh thật. Châm trích, chòng ghẹo, mạ lị...nhiều khi khó thật biết động cơ đằng sau. Nhưng hệ quả là Mõ làng ta nhộn nhạo, chia rẽ, khiến quyền bính đương ngự trị tha hồ vỗ tay khoái chí. Và dĩ nhiên, thế thì chẳng mấy vui buổi trời đất vào Xuân.
Bước khỏi vũng lầy làng Vũ Đại ngày đầu năm, cùng hướng mắt nhìn bốn biển trong ba năm qua thì, khổ thay, lắm chuyện trên thế giới này cũng cần phản biện. Môi trường bị hủy hoại, những tập đoàn tài chính Âu -Mỹ trở thành cướp ngày, tiếp nối mùa xuân Ả Rập có thể sẽ có một mùa đông Hồi giáo chính thống với khả năng Thánh chiến tạo đụng độ giữa những nền văn minh kiểu civilization clash theo Huntington, kinh tế toàn thế giới xuống dốc và, eo ôi, ông Trung Quốc đang hùng hổ dướn người bay lên như Rồng vẫy đuôi ngay cạnh Hữu Nghị quan, dương móng vờn cợt Biển Đông đổi tên thành biển Nam Hải...Kinh tế và chính trị toàn cầu, như chuyện làng Vũ Đại ta, cũng lại cần tái cấu trúc....Thôi, trí thức ở đâu phản biện ở đó, và xin chúng ta cùng hô ‘’ Mõ trên toàn thế giới nhỏ xíu phẳng phằng phăng này, hãy đoàn kết lại!’’. Hô như thế là hô cho cả Mõ làng Vũ Đại ta, quê hương Chí Phèo, Thị Nở, nơi có cái lò gạch cũ. Xin đạo văn [iv] ( trích và có bổ sung ):
Sáng tinh mơ, anh thả ống lươn nhặt được một đứa bé mới đẻ đùm trong cái váy đụp vứt ở lò gạch cũ. Anh đem về cho người đàn bà góa mù, bà này bán lại cho bác phó Cối. Bác cưu mang nó, đặt tên là Chí. Khi bác phó Cối chết, thằng bé bơ vơ, lớn lên như cây cỏ, và mãi năm 18 tuổi đi làm tá điền cho Bá Kiến. Vợ ba Bá Kiến bắt Chí xoa bụng đấm lưng... Bá Kiến ghen, lập mưu khiến một hôm Chí Phèo bị bắt giải lên huyện… Đi tù bảy, tám năm sau, Chí trở lại làng. Về hôm trước thì chiều hôm sau hắn xách vỏ chai đến thẳng nhà Bá Kiến gây sự. Xô xát với Lý Cường, hắn đập vỏ chai, rạch mặt kêu trời ăn vạ. Mấy hôm sau, Chí Phèo đốt quán bà bán rượu... Hắn mang theo một con dao nhọn đến đòi giết Cụ Bá để đi ở tù. Tránh né và rồi nói khích, cụ đã sai được Chí Phèo đến nhà đội Tảo đòi 50 đồng bạc nợ cho cụ. Chẳng phải đổ máu, hắn đã đòi được nợ đem về. Cụ Bá cho hắn 5 đồng và bán cho hắn 5 sào vườn ngoài bãi sông mới cắm thuế của một người làng. Hắn trở thành anh đầy tớ chân tay mới của Bá Kiến, chuyên đâm thuê chém mướn... Hắn đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt... trong lúc say rượu. Say mãi, say bí tỉ, hắn chửi trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi con mẹ chết tiệt nào đẻ ra hắn cho hắn khổ...
Tình cờ một đêm trăng, Chí Phèo lần vô nhà Tự Lãng, tên hoạn lợn kiêm nghề thầy cúng. Hai đứa uống hết 3 chai rượu. Hết rượu, Chí lảo đảo đi về lều. Hắn gặp Thị Nở đang há hốc mồm ngủ dưới trăng. Hắn ôm chầm lấy thị, ăn nằm với thị. Gần sáng Chí bị cảm, hắn được Thị Nở, người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn cho ăn cháo hành. Cũng là lần đầu tiên hắn được ăn cháo do bàn tay một người đàn bà nấu cho. Hắn bâng khuâng nhớ lại một thời trai trẻ, những giấc mơ xưa, và hắn muốn cùng thị xe duyên. Chí Phèo thèm trở thành người lương thiện, vợ con đàng hoàng. Thị Nở xin phép bà cô lấy chồng nhưng bị bà xỉa xói. Thị ton ton chạy về trút giận dữ lên đầu người tình rồi bỏ đi. Chí Phèo ngẩn mặt , chạy theo Thị Nở. Hắn bị thị giúi cho ngã lăn xuống đất. Toan đập đầu ăn vạ nhưng hắn chưa thật say. Và hắn lại uống, uống thêm chai nữa, càng uống càng tỉnh. Hắn nay biết kẻ nào đã dồn hắn vào con đường bất lương. Đến nhà Bá Kiến với con dao ở thắt lưng, hắn đòi lại lương thiện. Chém chết Bá Kiến, hắn đâm cổ tự sát...
Truyện Chí Phèo của Nam Cao kết bằng hình ảnh Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng mình, và thoáng chợt thấy một cái lò gạch cũ bỏ hoang.
Để đỡ bức xúc, mời các bạn thư giãn đọc postcript do tôi bịa ra, với lời xin nhà văn Nam Cao thứ cho cái tội lam nham cắt dán văn bản kiểu hậu hiện đại:
Thị Nở hạ sinh được một đứa con trai. Mặc dân làng Vũ Đại dè bỉu, thị nuôi con, bắt đi học. Trong chiến tranh, nó nhập ngũ, lên đến Thượng Tá rồi mới về hưu. Năm nào, cứ đến Tết, ông Thượng Tá lại dẫn vợ và một đứa con trai trạc mười ba mười bốn về thăm Thị Nở. Nay lưng còng, mặt mũi nhăn nheo, nhưng cụ Nở so ra trông còn đỡ xấu hơn thời con gái. Gia đình bốn người đi lại cái lò gạch cũ, cạnh đó là nơi xưa Thị Nỡ chôn cất Chí Phèo. Họ khệ nệ hương hoa, và bưng theo một chai rượu thật hoành tráng. Cụ Nở bảo đứa cháu:
-
Mộ ông mày đây, cúi xuống nhặt cỏ cho ông đi cháu!
-
Thôi bà ơi, cháu sợ rắn lắm...
-
Cháu không nghe thấy tiếng xe cào, xe ủi đất đang chạy rầm rầm kia à...Rắn nào còn dám ở đây!
Ông Thượng Tá nhìn quanh, hỏi:
-
Bu ơi, họ đền bù có khá không?
-
Tao nghe nói là dân khiếu nại lên đến Trung Ương nhưng chưa ăn thua gì. Ủy Ban ở đây họ đã làm hợp đồng xử dụng đất với một công ty bên Quảng Châu rồi, bảo là tình thế không đảo ngược được nữa, có ăn vạ thì cũng vậy. Bà cụ thở dài, mơ màng - ngày còn sống, ăn vạ là bố mày đập chai rượu lấy mảnh cào cho nát mặt ra mà cũng chẳng ăn thua gì...Những Bá Kiến với Lý Cường lúc nào cũng bình chân như vại thôi! Này cháu, nhặt cỏ với bà đi...
Thằng bé toe toét:
-
Nhặt thì bà thưởng cho cháu cái gì nào?
-
Mày muốn gì, cứ nói bà biết...
-
Cháu muốn một khẩu súng. Súng hoa cải [v], bà ạ!
ngày 2 Tết Nhâm Thìn
[iv] http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%AD_Ph%C3%A8o
[v] Súng này trở thành nổi tiếng sau vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng.