Có nói quá hay không khi có một số người gọi Tam Đảo là thiên đường thứ hai?
Xét về mặt cấu tạo địa hình thì, Tam Đảo là một dãy núi được hình thành cách đây hơn hai trăm năm, do hoạt động phun trào dung nham của núi lửa qua nhiều đợt, xếp chồng lên nhau, chạy theo hướng Tây-Bắc Đông-Nam, thuộc địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nhờ có độ cao cùng dốc đứng, Tam Đảo tạo nên rất nhiều suối, thác nước, rừng nguyên sinh cùng với hệ động thực vật đa dạng và phong phú.
Để rõ thực hư ra sao, tôi quyết định đến Tam Đảo một lần, tìm hiểu cho trọn vẹn lời đồn đại kia. Chợt nhớ Nhã có lần đã rũ tôi đi chơi Tam Đảo, nhưng do bận công việc tôi phải bay ngay vào trong Nam, từ đó quên luôn lời rủ rê. Không biết bây giờ Nhã có rảnh rang hay lại bận thay gia đình trông coi cái khách sạn bề thế trên Lạng Sơn? Thôi, cứ thử email hỏi cô xem có muốn tháp tùng cùng tôi đi lên Tam Đảo, khám phá “thiên đường thứ hai” như nhiều người vẫn ví von hay không? Sau một lúc do dự, Nhã từ đầu dây phía bên kia trả lời - Ok. Vậy là chúng tôi hẹn gặp nhau vào trưa hôm sau tại bến xe Vĩnh Yên, với điều kiện giờ giấc phải chính xác.
Tưởng điều kiện gì khó khăn, chứ việc hẹn hò với một cô gái xinh đẹp như Nhã thì làm sao tôi có thể bê trể. Hơn nữa, do tôi biết cô có thời gian dài đi du học nhiều năm ở nước ngoài nên, việc tiếp cận tác phong công nghiệp từ các nước tiên tiến, giúp cô thay đổi phần nào quan niệm lạc hậu về giờ giấc song, tục ngữ có câu “nhập gia tuỳ tục”. Nghĩa là sống ở đâu phải theo phong tục tập quán nơi đó. Vì vậy, tôi không thấy phiền hà khi Nhã ra điều kiện như thế, nhưng nếu ở trong nước mà áp dụng thời gian một cách cứng nhắc quá, có khi gặp phải cảnh dở khóc dở cười như chơi. Tôi kể cho Nhã nghe chuyện đi ăn cưới vào thời @ ở Sàigòn. Thí dụ, vào một ngày đẹp trời nào đó bạn nhận từ bạn bè tấm thiệp mời tham dự tiệc cưới. Trên thiệp có ghi rõ “trân trọng kình mời . . . vui lòng đến dự buổi tiệc rượu, chung vui cùng gia đình chúng tôi tai . . . vào lúc 17 giờ 00 ngày . . . Sự hiện diện của . . . là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi. KÍnh mời”. Nhưng xin bạn chớ có dại dột hiện diện vào đúng giờ giấc ấy. Tại sao? Vì người dân ở đây có thói quen “xài” giờ cao su chứ còn gì nữa. Nếu chẳng may, bạn là người khách lịch sự đến đúng giờ hẹn như đã ghi trong thiệp mời, lúc đó bạn chỉ còn biết nghệch mặt ra chờ đợi giờ khai mạc, trong cảnh bụng sôi ùn ục vì đói meo. May lắm, tới 19 giờ hoặc hơn nữa, sau một hồi lễ lộc diễn ra tưng bừng, bạn mới được đụng tới đủa, gắp vào chén miếng ăn đầu tiên. Nghe kể thế, từ đầu bên kia Nhã kêu chí chóe trong điện thoại “Eo ơi! Thời gian là vàng bạc, giờ giấc cao su đến thế thật là phản khoa học, là ăn bữa giỗ lỗ bữa cày” đấy? Biết vậy, nhưng có lỗ đến hàng chục bữa cày chăng nữa, sự lạc hậu vẫn cứ được xã hội đồng tình chấp nhận, riết rồi trở thành thói quen tuốt tuột.
Mùa hè, thời tiết ở Hà Nội rất nóng, ngồi trước chiếc quạt máy vặn hết cở, hơi nóng cứ sầm sập phả lên người làm cho cái nóng lại càng thấy nóng hơn. Nhiều gia đình có điều kiện, vào mùa này thường chọn cho mình nơi nào có khí hậu tương đối mát mẻ để đi nghỉ dưỡng. Có lẽ, nhờ cách Hà Nội chỉ hơn tám mươi cây số đường láng bong, ngoại trừ mười mấy cây số đường đèo, Tam Đảo được coi là thiên đường tránh nóng. Vì vậy, mỗi cuối tuần chỉ cần bắt xe khách ở bến Mỹ Đình, chậm lắm cũng chỉ mất hơn hai giờ đồng hồ chạy dọc theo quốc lộ 2, vượt qua những cánh đồng bao la sẽ dễ dàng nhận ra ba đỉnh núi Thạch Bàn, Thiên Thị, Máng Chỉ nhô lên như ba hòn đảo nhỏ giữa mây trời nên, được nhiều người gọi luôn nó là Tam Đảo?
Đến bến xe Vĩnh Yên, tôi gặp Nhã đúng giờ như đã hẹn. Chưa kịp hàn huyên, chuyến xe buýt số 7 đi Tam Đảo cũng vừa trờ tới. Lên xe, chạy đến cây số thứ 11, gọi bác tài dừng lại cho xuống. Từ đây, bắt xe ôm leo tiếp con đường độc đạo 2 B để lên Tam Đảo. Con đường đèo không dài, nhưng nghe thiên hạ “kháu” nhau về độ cao cùng sự nguy hiểm nơi nó, chẳng thua gì đi trên đèo Ba Vì. Con đường đi lên vừa ngoằn ngoèo, dựng đứng, gấp khúc, vừa ngập sâu trong màn mây trắng xóa. Nhìn sang hai bên, thấy một bên là vách núi, một bên là vực sâu mọc lên tua tủa những ngọn thông xanh rì, đua nhau vượt tầm cao. Có lẽ, do chưa lần nào nếm trải thú đi xe máy qua các đoạn đường đèo, một số người ngồi sau các tay lái đã phải nhắm mắt, luôn miệng cầu kinh địa tạng hoặc sợ muốn té “nước” ra quần.
Càng chạy lên cao, nhiệt độ càng thấp xuống, gây ra chứng ù tai. Bù lại, vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng miền trung du đẹp hút hồn người. Ngồi sau tay xe ôm quen đường, tôi yên tâm giao số phận mình cho anh ta, tha hồ thưởng thức cảnh vật đẹp tuyệt vời ở hai bên đường. Thấp thoáng bên sườn núi, những mái ngói đỏ au của những ngôi biệt thự xinh xắn, ẩn hiện trong lớp mây trắng tạo ra trong tôi thứ ảo giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nào đó. Chưa kịp nhìn no mắt phong cảnh tuyệt vời quanh đây, đến lúc ngẩng đầu lên đã kịp trông thấy thị trấn Tam Đảo mờ ảo hiện ra trong mây, đẹp như vườn Babilon treo cao trên chín tầng mây. Thì ra, Tam Đảo không chỉ đẹp mà còn thơ mộng chẳng thua gì một Đà Lạt phương Nam hay một Sapa bên Lào Cai do có nhiều núi non, ghềnh thác, sông suối, cho đến những khu vườn trồng cây su su bạt ngàn với màu xanh của lá. Tuy Tam Đảo chỉ là một thị trấn nằm gọn trong lòng thung lũng nhỏ, nhưng lại sở hữu vườn quốc gia thuộc vào loại lớn nhất-nhì miền Bắc. Không chỉ có vậy, Tam Đảo còn thừa hưởng không biết bao nhiêu mây là mây nên còn được ví như “thành phố trong mây”. Thật vậy, đi đến đâu cũng chỉ bắt gặp toàn mây với mây. Mây trên đầu, mây dưới chân, mây trắng xoá bên sườn núi, mây bò ngang đoạn đường đèo, mây sà xuống bên khóm hoa, mây giăng trên vai, mây chạm trên tóc, mây đậu trên giàn su su, mây đuôi theo từng bước chân đôi tình nhân, mây vương vải đôi chút mùi vị ngai ngái trong không gian làm xao xuyến hồn người. Tôi tự hỏi “phải chăng nhờ những ưu điểm có được này mà Tam Đảo trở thành thiên đường thứ hai trong mắt nhiều người”?
Leo lên hết con đèo, xe chạy đến trung tâm thị trấn Tam Đảo, dừng lại bỏ chúng tôi xuống. Trong lúc chờ lấy tiền, tay lái chở Nhã không quên trao vào tay cô cái name card có ghi số điện thoại đi động, tiếp thị dịch vụ xe ôm. Tôi cười, trêu chọc: “Người đẹp có khác, vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến đây đã có người ngưỡng mộ xin chữ ký rồi”. Nhã cũng chẳng vừa, đối đáp lại ngay “Bộ anh ghen hay sao - Được ghen đã phúc. - Chùa hả! Ai cho anh quyền được ghen mà chưa gì đã kêu phúc với tội ”?
Vừa đùa tôi vừa đeo ba-lô sau lưng, đi bộ cùng Nhã loanh quanh nơi thị trấn, khám phá thung lũng Tam Đảo ở độ cao hơn một ngàn mét so với mực nước biển. Đối với tôi hình ảnh quen thuộc bắt gặp ở bất kỳ phố núi nào cũng đều giống nhau. Từ con đường dốc cao quanh co với nhiều tầng nấc, xuất hiện cùng với lớp sương mù lãng đãng, nghe thấy cái lạnh quanh năm mùa đông về thắm trên da thịt các cô gái cho má thêm đỏ, cho môi thêm hồng. Chẳng vì vậy, anh chàng nhà thơ lãng tử đất Quảng trong một lần bay từ Đà Nẳng lên Pleiku chơi với bạn, đã phải kêu lên “anh khách lạ đi lên đi xuống /may mà có em đời còn dễ thương”.(*) Tất nhiên, phố núi nào cũng đầy mây, đầy sương mù, đầy gió lạnh rét mướt, nhưng lại hài hòa trong sắc màu bên hàng chục loài hoa phong lan rừng nở ra thơm ngát, xen lẫn đây đó màu vàng rộm của dã quỳ tạo nên một quang cảnh vừa thơ mộng vừa kỳ vĩ xiết bao. Nhã cố đi sát vào tôi, tìm chút hơi ấm bên thứ khí hậu lạnh lẽo đang phả lên từ dưới đáy vực mà chỉ trong chốc lát đây, chúng sẽ ngưng tụ thành những đám mây huyền ảo treo lơ lững trên các sườn núi cao sừng sững trước mặt. “Thế nào,đã bớt lạnh hơn chưa hả cô bé - Vẫn. Phải chi anh cho mượn đở vòng tay chắc sẽ ấm hơn - Thì em cứ ôm đại cho anh nhờ, mắc chi phải mượn – Phải hỏi trước, ngộ nhỡ có ai trông thấy gọi vào trong Nam mách với chị, e sẽ gây phiền hà cho anh - Xin lỗi! Anh còn độc thân em à - Nói vậy mà không phải vậy phải không người Sàigòn”?
Trước mắt tôi và Nhã là cây cầu cổ tuyệt đẹp, bắc qua con suối Bạc chảy róc rách dưới chân, in đậm dấu vết thời gian được nhìn thấy qua hai hàng lục bình xi măng còn sót lại bên thành cầu; tạo ra nơi tôi cái cảm giác như đang trở về với quá khứ, nhưng đi liền ngay sau đó là sự thất vọng tràn trề, bởi sự đan xen giữa quá khứ-hiện tại bỗng bị phá hỏng một cách đáng tiếc bởi bàn tay ai đó đã quét lên công trình nghệ thuật một thứ vôi vữa trắng toát, đánh mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có từ một chiếc cầu với tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Biết làm thế nào được, buồn, tôi đành cúi đầu giữ lấy bàn tay Nhã dẩn tới đứng cạnh thành cầu, nhìn xuống dòng nước trong vắt, nhẹ nhàng chảy lướt bên bờ đá, trước khi len lỏi trong đám lau sậy để đến với đám hoang tàn gạch đá rêu phong đổ nát, thấy mọc lên những ngôi biêt thự tráng lệ in bóng trên thềm mây, bên sườn núi hay giữa một màu xanh bạt ngàn đặc trưng của những mảnh vườn su su mà bất kỳ ai một lần ghé lên Tam Đảo đều cố mua về một ít làm quà. Đúng lúc đó, có người đàn ông lớn tuổi đi ngang, biết chúng tôi từ xa lên đây nên vui vẻ chỉ cho con đường đi đến ngôi nhà thờ cổ, xây dựng bằng đá từ thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại một cách nguyên vẹn. Hay quá, tôi lôi Nhã đi theo hướng có cái tháp truyền hình nằm trên đỉnh Thiên Thị làm chuẩn đi tới. Sau một hồi vật lộn trên đoạn đường trãi bê tông, cuối cùng ngôi nhà thờ cổ bị bỏ hoang gồm hai tầng cũng hiện ra. Tôi leo lên cầu thang bên trái, ít bị rêu phong cây cỏ rậm rạp che phủ; trái lại, Nhã lí lắc chạy sang cầu thang bên phải, nhanh chân đợi tôi ở điểm dừng, trước khi cùng nhau tiếp tục leo lên khoảng sân khá rộng nơi tầng hai. Từ đây, nhìn ra phía trước thấy có nhiều ô cửa vòm xây theo phong cách Châu Âu, toát lên vẻ đẹp đầy thơ mộng và lãng mạn. Được biết, đây là dấu tích còn sót lại nguyên vẹn, nhờ là nơi thờ phượng tôn giáo nên được coi trọng mà không bị phá huỷ. Đi rảo quanh một vòng , tôi chỉ cho Nhã thấy tấm bảng ghi chú “có thể sắp xếp chỗ ngủ miễn phí cho người nghèo”. Nhã nheo mắt nói “anh muốn đêm nay được ngủ trong sự trông nom của Chúa thì đến đó đăng ký, còn em về khách sạn vì sợ lạnh lắm”. Tưởng chúng tôi là cặp đôi đi hưởng tuần trăng mật, mấy tay nhiếp ảnh vồ vập chào mời chụp ảnh kỷ niệm. Nhã nghe mà chẳng thấy thể hiện sự bối rối, trái lại còn tỉnh bơ trêu chọc “Anh yêu! Ngôi nhà thờ đá đẹp như trong phim, sao anh không lấy máy ảnh ra chụp lấy một tấm để sau này còn hù con nít”? Đoán, bám đuôi riết chắc khó lấy được tiền cô gái lém lỉnh này, mấy tay phó nhòm chào thua, quay đi tìm mối khác cho được việc. Chỉ chờ cơ hội đó, tôi đưa Nhã leo tiếp 1400 bậc đá lên đỉnh Thiên Thị, nơi có tháp truyền hình cao gẩn trăm mét với bốn bề lộng gió. Tiếc cho Nhã đã phải bỏ công nài nĩ khô cả cổ nhưng mấy chàng làm việc ở đây vẫn kiên quyết không cho người lạ vào xem qua phòng máy. Không còn cách nào khác, chúng tôi leo tiếp 200 bậc thang nữa để lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Ngôi đền thuộc loại cổ, nằm ven sườn núi trên một địa thế hữu tình. Đứng từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ thị trấn bên dưới lờ mờ qua màn mây trắng. Tương truyền, bà chúa Thượng Ngàn cũng như nhiều vị thần khác được xem là hồn thiêng sông núi, có mặt khắp nơi để cứu nhân độ thế, khi ở rừng núi khi ở đồng bằng dẫn dắt con cháu từng bước tiến lên. Vì vậy, bà rất được người dân kính trọng lập bàn thờ thờ phụng ở nhiều nơi; nhất là ở miền núi hay các cửa rừng. Đặt biệt, với những dân chuyên đi rừng, muốn săn bắt, khai thác đạt kết quả mong muốn hoăc cầu xin tai qua nạn khỏi, thường đến thắp hương cầu sự che chở phù trợ nơi bà. Gần đây, nhiều người mê tín còn đến đây vái lạy bà, xin cho con cháu đi thi đỗ đạt cao, thăng quan tiến chức mau, kể cả việc cầu xin sinh con trai hay con gái.
Chờ cho Nhã thắp nhang quay ra, tôi hỏi cô vừa cầu xin bà chúa những gì? Cô cười trả lời: “Bí mật – Nghe kể, bà ở đây linh hiển lắm, cầu tình được tình cầu tài được tài. Trông sắc mặt tươi rói của em, anh đoan chắc em vừa cầu tình phải không - Ơ! Cái anh này, người ta bảo bí mật sao cứ hỏi lắm thế - Biết để anh còn giúp đở cho”? Bất ngờ, lúc quay sang nhìn cô, tôi vô tình bắt gặp nét thẹn thùa cùng với đôi má ửng hồng như vừa được thoa lên lớp phấn đỏ. Xấu hổ quá, Nhã dấu mặt sau cánh tay tôi, cùng rẽ vào con đường mòn dốc sâu dẫn xuống thung lũng. Tới cái quán nước thấy treo bảng cho thuê dép Lào, hỏi thăm mới biết đi men theo vách núi xuống 253 bậc đá tới thác Bạc. Tôi chọn thuê hai đôi dép, một cho tôi một cho Nhã, cùng mọi người đi xuống dưới thác. Không ngờ, bên dưới có mặt rất nhiều bạn trẻ đang vui đùa, bơi lội bì bõm dưới màn nước trắng xoá.
Rời đỉnh Thiên Thị về đến trung tâm thị trấn, tôi cùng Nhã đi lang thang qua những cây cầu có lối kiến trúc khá đẹp, do biết kết hợp khéo léo giữa sắt thép và đá núi. Nghe kể, ngày xưa từ cây cầu này sẽ đưa tới khu biệt thự hoành tráng gồm bể bơi, vườn chơi trẻ con, bãi đậu xe hơi, nhà hàng khách sạn Thác Bạc hay còn có tên Hotel - Restaurant de la d’ Argent. Về sau, trong thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến” chống thực dân Pháp, hàng trăm công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật lớn nhỏ tại đây hầu như đã bị phá hủy toàn bộ. Có chăng, chỉ còn hiện hữu trong tâm thức một số người lớn tuổi mỗi khi có dịp đi ngang qua những phế tích còn sót lại, được nhìn thấy với từng đống gạch vụn, mảng tường, khu nhà bếp của khách sạn lớn nhất thời đó, đang lẩn khuất trong đám cây cỏ mọc hoang dại để mà hoài niệm .
Tối đến, khí hậu Tam Đảo trở lạnh do hơi núi ngưng tụ từ bốn phía đổ về khiến khí hậu nơi đây luôn độc đáo nhờ, một ngày trải qua đến bốn mùa. Buổi sáng thức dậy, ngồi nhâm nhi chút cà phê nóng hổi trong chiếc quán dựng cheo leo bên sườn núi, ngắm mấy khóm đỗ quyên nở rộ nghe mùa xuân đang về. Buổi trưa, may mắn lắm mới bắt gặp chút nắng hiếm hoi lách mình qua những kẽ mây nghe mùa hè thoáng hiện trong phút chốc, sau đó nhường chỗ cho buổi chiều se lạnh làm lam tím trên hai hàng bằng lăng trổ hoa ven đường gợi nhớ mùa thu, để cuối cùng khi màn đêm tràn về mang theo cái lạnh lẽo giá rét của mùa đông. Nhã đi sát bên tôi, miệng luôn kêu lạnh dù đã được cảnh báo mặc thêm áo len dày cao kín cổ, nhưng thôi, đi bên người đẹp dù có bị làm nũng một chút cũng thấy đáng yêu chứ có sao đâu. Hơn nữa, do trót từ chối lời mời tham dự buổi sinh hoạt đốt lửa trại do nhóm bạn mới quen tổ chức ở sân sau khách sạn để đi bắt con muồm muỗn với dân địa phương. Một loại côn trừng giống như cào cào, có đầu vuông rất cứng, chuyên ăn lá cây rừng, chúng tôi đành phải từ chối khéo trong sự nuối tiếc.
Chập tối, chúng tôi chùm nón đội đầu, mang găng tay len, nai nịch gọn gàng rồi ra đi. Đến nơi, mỗi người được phát cho một chiếc thùng nhỏ, đi theo đám đông dọc hai bên đường, tìm dưới chân các cột đèn, đến các nơi công cộng. Được biết, những nơi này muồm muỗm thường xuất hiện rất nhiều, có đêm bắt được tới vài kí. Vì là lần đầu tiên đi bắt muồm muỗm nên chộp được một con cũng là kỳ công, bởi chúng nhảy nhót lung tung. May mắn, chỉ vài tiếng đồng hồ sau cả nhóm đã bắt được rất nhiều muồm muỗm nhốt vào thùng. Thấy chiến lợi phẩm đã tạm đủ cho một lần thực tập, tất cả dừng tay để còn về nhà trổ tài nấu nướng. Muồm muỗm sau khi bắt về, cắt cánh, bẻ càng, rửa sạch, cho vô chảo dầu sôi, cho hành khô, gừng, nước mắm, chiên tới khi giòn, cho thêm lá chanh vào rồi bắt ra dùng. Thưởng thức món muồm muỗm tươi ngon ở Tam Đảo, tôi chợt nhớ chuyến đi khám phá đất nước chùa tháp - Campuchia, trên đường đến phà Neak Luông, thị trấn Skun, cạnh chơ Oxay, Russia, Ocada đâu đâu cũng thấy người ta mời chào, mua bán côn trùng chiên sẳn, ăn như món fast foot dế, bò cạp, nhện đen, bọ cánh cứng, kể cả loại rắn lục được tẩm ướp màu đỏ lòm . . . vừa ăn vừa thấy run, không biết mấy món này đã chiên từ bao ngày trước? May sao, lần đó về tới nhà bình an, nhưng mấy thứ côn trùng lỡ mua không dám mang đi tặng ai. Nghĩ lại, càng thấy sợ vì vấn đề vệ sinh ở đây xem ra không mấy an toàn; ngược lại, muồm muỗm ở Tam Đảo chiên nóng hổi, giòn tan trong miệng ăn đến đâu thấy béo ngậy đến đó. Để góp vui, tôi kể lại kinh nghiệm bắt côn trùng (dế) do chính mắt trông thấy, tai nghe ở Campuchia cho mọi người có mặt cùng nghe. Trước hết, người ta đóng hai thanh tre cao hai mét, ngang bốn mét, trên đó căng một tấm ni-long trắng, bên trên thắp đèn néon có ánh sáng màu tím bằng điện hay acqui. Phía dưới tấm ni-long được cuộn lại thành chiếc máng, bên trong chứ nước. Côn trùng nhìn thấy ánh sáng bay đến, đụng tấm vải nhựa rớt xuống mánh nước, sáng ra người ta chỉ việc thu hoạch côn trùng một cách rất nhẹ nhàng.
Không biết, khi chia sẻ kinh nghiệm bắt côn trùng ở Cam đến nay đã có ai thử áp dụng mô hình trên hay chưa? Nhưng sáng hôm sau, tôi phải gọi Nhã năm lần bảy lượt cô mới bò dậy nổi để đi ăn sáng vì đêm qua thức khuya quá. Trên đường đi, tôi đưa Nhã ghé thăm chợ quê họp ngay trung tâm thị trấn. Gọi là chợ nhưng thấy chỉ lèo tèo vài chục người dân địa phương mang sản vật tự cung tự cấp ra bày trên mấy tấm vải nhựa đặt dưới lòng đường. Nhiều nhất vẫn là món rau su su nổi tiếng ở Tam Đảo, chuối rừng, đậu rùa, cá Thính, gà đồi; riêng mấy chai lọ bằng sành không hiểu đựng thứ gì bên trong, tôi nghi chắc là rượu. Người đàn ông bán hàng vui tính, bắt mạch đúng tim đen của tôi, giới thiệu món rượu Chít ngon, bổ, khỏe, chữa được bệnh “trên bảo dưới không nghe”. Cảm giác chưa đủ độ tin trước khách hàng, ông kể trong rừng Tam Đảo cây Chít mọc rất nhiều. Cây cho lá dành để gói bánh, hoa làm chổi, thân có con sâu màu trắng dài khoảng hai đốt tay. Chính con sâu này từ xưa đến giờ vẫn được xem như biệt dược, bắt mang về cho vào chai ngâm chung với rượu khoảng một tháng thì uống được. Công dụng bổ thận tráng dương, có thể so sánh ngang hàng với đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng. Cẩn thận hơn cầu kỳ hơn, người ta rửa sâu Chít với nước muối pha loãng, sau đó vớt ra để ráo rồi, bắt lên bếp rang chung với nếp cho tới khi cả hai vàng như nhau, kế đến đổ ra ngâm rượu cho tới khi có màu vàng, mang ra uống có mùi rất thơm. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi hỏi xem rượu Chít ăn với món đặc sản nào hợp? Để chứng tỏ mình là người hiếu khách, người đàn ông cho biết, ở các nhà nhà hàng trên Tam Đảo; ngoài đặc sản về su su ra còn có món thịt bò tái kiến đốt, ngon rẻ hơn mấy món thịt rừng kiểu “hồn Trương Ba da hàng thịt” vì thịt rừng ở đây đã bị cấm từ lâu. Kiến đốt là sao? Có nghĩa là thịt bò sau giết mỗ còn nóng, cắt thành tảng từ 1-2 kí, chọn ổ kiến to trên cây mang treo gần đấy. Chọc cho lũ kiến hung dữ bung ra, bám vào tảng thịt, đốt cho thỏa thích. Sau đó, lấy thịt xuống mang đi rửa lại bằng nước muối loãng, để ráo, nướng trên bếp than hồng và thái mỏng, ăn kèm chuối chát, rau ngổ, chấm tương Bắc hay tương làm từ ngô, đậu tại địa phương có pha thêm chút đường chút gừng băm nhỏ, ăn nhớ đời.
Ăn sáng xong, xe ôm cũng vừa đổ xịch ngay cửa đón chúng tôi đi Tây Thiên như đã hẹn. Theo “Kiến Văn tiểu lục” (**) mô tả Tây Thiên “ . . .bên dưới sắc nước như chàm, sâu thăm thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, có tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi. Trên đỉnh có chùa Đồng Cổ, khe Trường Sinh, suối giải oan, suối Vàng, suối Bạc, hồ sen với nước luôn xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và sen đỏ nở hoa bốn mùa“. Quả thực, khi đặt chân đến xã Đại Đình mới thấy đường lên Tây Thiên đi đứng không dễ dàng chi, nhưng đã lên đây thì không thể không đi hết các hệ thống đền chùa, thảo am, các thắng cảnh nổi tiếng được phân bổ hầu hết trên dãy Thạch Bàn nơ đây, cho dù phải băng rừng lội suối, vượt qua nhiều dốc cao dựng đứng đi nữa. Bởi cảnh quang thiên nhiên Tây Thiên không chỉ hùng vĩ, thơ mộng, hữu tình mà còn có giá trị về mặt tín ngưởng, tâm linh do con người biết lợi dụng thế núi cùng bàn tay lao động sáng tạo gầy dựng qua nhiều thế kỷ.
Điểm đầu tiên tôi và Nhã đặt chân tới là đền Thống hay còn gọi đền Trình. Trước đền là khoảng sân rộng, từ xa có thể nhìn thấy cây đa chín cội, vươn vai thẳng ngọn lên bầu trời, trông như một gã khổng lồ đứng thỏng đôi tay một cách oai phong, trấn giữ ngôi đền. Đi vòng ra sau, gặp suối Giải Oan chảy ngược dòng nước lên trên, gặp một con thác rồi hợp lưu tại một hồ sen, trước khi đổ vào khe có cùng tên. Tiếp tục trèo thêm mấy bậc núi, vượt qua con đường cao hơn, bắt gặp một rừng trúc bạt ngàn cùng với núi Rùng Rình. Tới đây Nhã đủ thấm mệt, cô ngồi lại bên mô đá, lấy nước ra uống để có thêm sức đi ngược lên ba cây số tới chùa Đồng Cổ, thích thú đến ngạc nhiên khi nghe giới thiệu mọi thứ đồ vật lưu giữ tại đây đều được đúc bằng đồng. Tạm biệt chùa Đồng Cổ, rẽ phải đi thêm hai cây số chúng tôi đứng đối diện với ngôi đền Thượng Tây Thiên. Đây chính là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên - Tăng thị Tiêu. Tương truyền, bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lượt; từng giúp vua Hùng thứ 6, Hùng Chiêu Vương, không chỉ đánh giặc bảo vệ nước Văn Lang mà còn giúp vua mở mang bờ cõi. Xong việc lớn, bà không màng danh lợi, quay về nơi mình sinh ra, dạy dân trồng lúa, an hưởng cuộc sống thanh nhàn rồi “hóa thánh” tại đây. Để ghi nhớ công lao của bà, từ ngàn xưa người dân đã xây dựng đền thờ Quốc Mẫu ở rất nhiều nơi, chứ không riêng gì trên sườn núi Thạch Bàn-Tam Đảo này.
Xuống núi, đã có xe ôm chờ sẳn mời gọi chúng tôi đến viếng thăm Trúc Lâm Thiền Viện. Nhã cảm thấy quên hết mệt nhọc, nhảy tót lên xe ôm, ngồi phía sau cho tay lái chở đi. Tôi vội vàng lên chiếc xe ôm khác đuổi theo cô chạy đến thiền viện. Từ dưới đường nhìn lên, thiền viện Tây Thiên hiện ra thật bề thế giữa núi rừng bạt ngàn nơi đây. Theo bút tích ghi dấu, thiền viện xây dựng lại vào năm 2004 trên nền ngôi chùa cổ Thiên Ân, do các nhà sư trụ trì tại đây cùng với các hoà thượng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng đúng vào ngày chánh hội Tây Thiên. Được biết, đây là một trong ba thiền viện lớn nhất nước gồm: thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Tam Đảo. Muốn đặt chân lên cổng tam quan bề thế có treo bảng “Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên”, phải leo hàng chục bậc thang lộng gió lên cao. Từ cổng tam quan leo tiếp thêm nhiều bậc thang, mới chạm mặt với khu tiền sảnh rộng nguy nga của thiền viện. Đến đây, tha hồ chiêm ngưỡng những tuyệt tác do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân bậc thầy, thể hiện một cách khéo léo qua hình ảnh những mái đình lợp ngói đỏ au, uốn lượn cong vút, bay bổng bên rừng thông bạt ngàn có đến hàng trăm tuổi. Đây là lối kiến trúc tuyệt đẹp mang đậm bản sắc văn hoá Á Đông, hoàn toàn phù hợp với tinh thần dân tộc nước ta. Hiện nay, thiền viện Trúc Lâm Tam Đảo ngoài việc là trung tâm tu học lớn ở miền Bắc mà, còn là nơi được nhiều gia đình dưới Hà Nội gửi gắm con em lên đây nhờ các nhà sư dạy dỗ, tu học vào các dịp hè; thay vì tập trung ở các khoá huấn luyện quân đội.
Theo dự tính, tôi và Nhã sẽ làm một chuyến trekking từ Tây Thiên về Tam Đảo bằng con đường đi xuyên rừng nguyên sinh, nghe nói đẹp đến mê hồn, bởi nơi đây còn lại những cánh rừng chưa bị bàn tay con người can thiệp nên hiện diện nhiều loại chim, gà rừng, bươm bướm, nhất là bắt gặp những con ve to hơn ba ngón tay chập lại. Tuy nhiên, người dân địa pương lại khuyên, không nên mạo hiểm với quảng đường dài hơn mười cây số vì có rất ít người qua lại; ngoại trừ giới đi rừng chuyên nghiệp. Thế là, chúng tôi đành phải đi xe ôm về lại thị trấn, mất dịp trổ tài bấm máy ghi lại các bức ảnh đẹp và nghe những tiếng ve kêu đến điếc tai.
Về đến trung tâm thị trấn Tam Đảo, nhìn đồng hồ tay thấy còn sớm, tôi rũ Nhã đi thưởng thức món su su nổi tiếng, trước khi chào tạm biệt nơi này vào lúc xế trưa. Nhã đồng tình ngay vì lên Tam Đảo mà chưa đi ăn các món su su luộc chấm vừng, su su xào tỏi, su su xào tôm, su su xào trứng, su su nấu canh tôm khô; nhất là ăn món đọt su su tẩm bột chiên giòn . . . coi như chưa đặt chân đến Tam Đảo?
Điều này đúng hay sai để tôi còn hỏi lại Nhã khi tiễn chân cô ở bến xe Vĩnh Yên. Tuy nhiên, việc ai đó coi Tam Đảo là “thiên đường thứ hai” theo tôi nghĩ nên gọi Tam Đảo là “thành phố trong mây” có lẽ thích hợp hơn. Bởi, bầu trời quanh đây lúc nào cũng đầy ắp những tầng mây, tạo ra cho tôi cái cảm giác dễ dàng bị nuốt chửng trong nó bất kể thời gian nào trong ngày.
(*) Nhà thơ Vũ Hữu Định
(**) Sách Lê Quí Đôn