Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.148.314
 
Bọn đạo chích - Bước đầu tìm hiểu William Faulkner
Phạm Văn

 

William Faulkner là tác giả có thành tựu đặc biệt trong văn học Mỹ. Sự nghiệp của ông kéo dài bốn thập niên với giải Nobel Văn chương, hai giải Pulitzer, và hàng chục tuyệt tác thường được nhắc đến như The Sound and the Fury (1929), Absalom, Absalom! (1936), Go Down, Moses (1942), A Fable (1954), The Reivers (1962)... Toàn bộ tác phẩm của ông có thể được xem là một cuốn trường thiên tiểu thuyết mô tả những thăng trầm của nước Mỹ từ sau Nội chiến đến giữa thế kỷ 20. Truyện của ông tràn ngập tình tiết phức tạp, chằng chịt mối liên hệ dòng tộc nối từ tác phẩm này sang tác phẩm khác. Câu văn của ông đôi khi tràng giang đại hải, lời đối thoại thiếu mạch lạc nhưng đầy chất hiện thực và sống động. Hình ảnh chủ đạo trong tác phẩm của ông là sự chuyển biến trong xã hội miền Nam nước Mỹ, từ những kẻ tiên phong đi mở đất đến trận Nội chiến tương tàn giữa thế kỷ 19, từ chế độ nô lệ và nạn kỳ thị chủng tộc đến trào lưu đòi hỏi bình đẳng và công bằng để có thể tiến bộ và tồn tại, tất cả hoà lẫn trong những nét dí dỏm lẫn bi kịch riêng của vùng đất ấy. Chính vì sắc thái phong phú và đặc thù đó, Faulkner là một tác giả khó đọc đối với nhiều người.

 

Muốn hiểu một mảng quan trọng của văn học Mỹ nửa đầu thế kỷ 20 độc giả phải tìm đến Faulkner, nhưng chúng ta bắt đầu từ đâu trong sự nghiệp đồ sộ và khó nắm bắt ấy? Có lẽ câu trả lời nằm trong cuốn tiểu thuyết Bọn đạo chích (The Reivers), xuất bản một tháng trước khi ông mất năm 1962 và được trao giải Pulitzer 1963. Một sản phẩm hư cấu và trào phúng mà ông đặt cho nó tiểu tựa Hồi tưởng (A Reminiscence) với kinh nghiệm của một nhà văn sắc sảo trong tác phẩm cuối cùng của mình. Bọn đạo chích là câu chuyện mạo hiểm kỳ thú của cậu bé Lucius da trắng với hai gia nhân trung thành, một Boon lai da đỏ chất phác và một Ned da đen tinh ranh. Bắt đầu từ vụ ăn trộm chiếc ô tô của ông nội Lucius, cả ba lao vào cuộc phiêu lưu tới một “nhà trọ” toàn phụ nữ nơi đó người đàn ông duy nhất là “chủ đất” có thể bị đuổi bất cứ lúc nào, rồi từ đó dẫn tới vụ ăn trộm ngựa và tổ chức đua ngựa với đủ thứ mánh khoé cười ra nước mắt của thế giới cờ bạc.

 

Faulkner sử dụng truyền thống kể chuyện khôi hài và phóng đại của miền Nam nước Mỹ. Trong buổi giao thời của các phương tiện vận chuyển dùng sức ngựa và sức máy, ông dựng lên cảnh chiếc ô tô của ba kẻ giang hồ bị lún sình ở Lạch Âm ti phải nhờ một ông nông dân dùng hai con la “không biết phân biệt màu sắc” (không biết phân biệt chủng tộc) kéo ra khỏi bãi lầy do chính ông ta tạo ra. Âm mưu rắc rối và thậm vô lý để đổi chiếc ô tô ăn cắp lấy con ngựa đua thích ăn cá mòi có xuất xứ đáng ngờ cũng là cách bịa chuyện hài hước điển hình của người dân miền Nam cũ. Cuộc phiêu lưu của ba kẻ đạo chích làm người đọc nhớ tới Huckleberry Finn và Tom Sawyer của Mark Twain, bối cảnh cũng là những thị trấn bên cạnh dòng sông Mississippi, những âm mưu vừa ngây thơ vừa quỷ quyệt và những lối lý luận gian ngoan làm người đọc bật cười. Cũng như Huck Finn, qua chuyến đi Lucius sẽ trưởng thành, “mười một tuổi đã bị đứt tay vì một vụ đánh nhau trong ổ điếm”, và hiểu ra rằng “một người lịch lãm nhận trách nhiệm về hành động của mình và chịu hậu quả của nó, ngay cả khi anh ta không chủ mưu mà chỉ đồng lõa”.

 

Cuộc phiêu lưu của ba kẻ đạo chích xảy ra trong thời đại còn ảnh hưởng nặng nề của chế độ nô lệ. Dân da trắng thường gọi người da đen là “boy” hay “nigger”, bất kể tuổi tác, bất kể khinh miệt hay không, và tập quán kỳ thị ăn sâu trong họ như một bản tính tự nhiên, tuy mỗi người ở một mức độ riêng. Gã cảnh sát Butch luôn đánh giá thấp trí thông minh và danh dự của người da đen trong khi chính gã ngu dốt, vô đạo đức và lạm dụng quyền thế. Tự nhiên và không ác ý, ông nhà giàu Van Tosch có thể tỏ ý muốn bán con ngựa đua và mua anh Ned da đen. Ngay cả Poleymus, một nhân vật được mô tả là chính trực cũng dè dặt khi biết đứa bé da trắng Lucius định ngủ đêm với một gia đình da đen, mặc dù ông có thể gạt bỏ thành kiến để tôn trọng sự tự do chọn lựa của Lucius. Ông nhân viên đường sắt Sam sốt sắng giúp đỡ cô điếm Corrie và gã tình địch Boon mà không cần được đền đáp, cũng hết lòng tin tưởng và bênh vực người da đen trước bọn quyền thế. Họ là những kẻ vừa tạo nên hoàn cảnh vừa chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh ấy.

 

Tác giả mô tả miền quê nước Mỹ sau thời Nội chiến qua mảnh đời của những kẻ đi tiên phong mở đất. Quá trình biến Giao lộ Wyott thành Bến phà Ballenbaugh là hình ảnh lập quốc sống động của Hoa Kỳ. Ở đó có bọn lái buôn và phu bốc vác ăn nói dữ dằn, bọn trộm cướp sát nhân và đám dân quê mất bò, và ông tuyên úy Nam quân lừng lẫy một tay cải hoá vùng đất bằng nắm đấm của mình, “từng người một nếu có thể, hai hay ba đứa cùng lúc khi bắt buộc”. Sự quê mùa của cô Ballenbaugh năm mươi tuổi than thở về hai con gà mái bị xe cán chết nhưng “dù sao một mẩu nhỏ của chúng cũng đã được đi ô tô”. Everbe từ thôn quê ra thành thị làm điếm là thí dụ điển hình về vai trò và điều kiện sinh sống rất giới hạn của phụ nữ thời ấy. Faulkner cũng muốn gạt bỏ hình ảnh rập khuôn về người da đen khi mô tả Ned “chẳng bao giờ là Chú Remus khi chỉ có tôi [Lucius] và những người cùng chủng tộc với ông ở chung quanh”.

 

Bọn đạo chích xảy ra năm 1905 ở Mississippi và Memphis, khi luật phân biệt chủng tộc còn hiệu lực. Câu chuyện được thuật lại qua hồi tưởng của Lucius nửa thế kỷ sau đó. Tình thân giữa các nhân vật da đen và da trắng được mô tả một cách vừa tế nhị vừa mạnh mẽ. Lòng trung thành của Lucius đối với Ned, “một khi chúng tôi đã nhập cuộc thì tôi phải đi tiếp, phải làm xong, cả Ned lẫn tôi ngay cả nếu mọi người khác đã bỏ cuộc”, và Ned dạy Lucius về sự tai hại của trò cờ bạc, “cậu quá trẻ để dính dáng với tiền cờ bạc. Chẳng ai đủ lớn để có tiền cờ bạc, nhưng cậu chắc chắn chưa đủ”. Mối liên hệ giữa bà chủ Reba da trắng với cô người làm Minnie da đen thực chất là tình bạn thắm thiết và bình đẳng. Quan hệ kình địch nhưng lịch thiệp giữa ông nội Lucius và Ned người đánh xe ngựa của gia đình, “Ned không bao giờ tỏ lời khinh rẻ hay xúc phạm tới quyền sở hữu và sự hiện diện của chiếc ô tô, ông nội không bao giờ bảo Ned rửa và lau bóng xe”. Khi Lucius bơ vơ không còn ai thân thuộc bên cạnh, cụ già da đen Parsham Hood trở thành người thay thế cho ông nội và là chỗ dựa cho Lucius một cách tự nhiên. Dưới cái nhìn của Lucius, cụ Parsham “một cụ già gầy đạo mạo, toàn đen và trắng: quần đen, áo trắng, khuôn mặt và chiếc mũ đen dưới râu tóc trắng và oai vệ” là “tổ phụ… nhà quý tộc của chúng tôi và phán quan của chúng tôi”. Gần đây các học giả tìm thấy cuốn sổ mua bán nô lệ da đen của một chủ nô hồi giữa thế kỷ 19 mà Faulkner đã căn cứ vào đó để đặt tên cho nhiều nhân vật da trắng trong truyện của ông, như McCaslin, Caruthers, Edmund, Moses, Isaac, Sam, Mollie…

 

Cuộc phiêu lưu của ba tay trộm nghiệp dư đầy những tình cờ và trắc trở, dằn vặt và phấn khởi, với những câu văn trào lộng đặc thù của Faulkner sẽ mang lại thích thú cho độc giả. Nếu Âm thanh và cuồng nộ là một trong những tuyệt tác đen tối và khó đọc nhất của Faulkner, thì Bọn đạo chích có thể là cuốn tiểu thuyết khôi hài và dễ đọc nhất của ông. Lần đầu tiên đến với Faulkner qua Bọn đạo chích, chúng ta có thể bắt đầu bước vào thể văn triền miên quen thuộc của ông mà không đến nỗi lạc lối, dõi theo một phần gia phả của những dòng họ ở quận hạt Yoknapatawpha trong bản trường ca bi tráng của miền Nam nước Mỹ mà không bị choáng ngợp vì sự rối bời của nó. Chúng ta có thể bắt đầu bằng tác phẩm cuối cùng của Faulkner để chuẩn bị hành trang đi ngược về quá khứ vào cuộc phiêu lưu hào hứng tìm hiểu toàn bộ sự nghiệp của ông.

 

Tháng Giêng 2012

 

Phạm Văn
Số lần đọc: 2478
Ngày đăng: 31.01.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai là đại gia ở Việt Nam? - Lê Hải*
Truyện ngắn hay NON NƯỚC - Trần Trung Sáng
Những câu chuyện thời hậu chiến (*) - Huỳnh Như Phương
Mục mới của VCV---Điểm sách - Nguyễn Hòa vcv
Đón đọc Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả
Trung thành (truyện ngắn)
Gã bịp (truyện ngắn)