Tin BBC: Bà Suu Kyi bắt đầu tranh cử
Cập nhật: 10:07 GMT - chủ nhật, 29 tháng 1, 2012
Lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã tới thăm thị trấn Dawei trong chuyến đi vận động trước cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng nay bà Suu Kyi ra khỏi phạm vi Rangoon. Chuyến đi lần này được xem như phép thử mức độ tự do mà chính quyền dành cho bà và đảng của bà trong việc vận động bầu cử.
Lời bàn của Khuất Đẩu
Vậy là mùa xuân đang đến trên đất nước Miến Điện xinh đẹp. Một đất nước với với những chùa vàng rực sáng trong ánh hoàng hôn. Cái nụ hoa mong manh đã bị những thế lực phản dân chủ vùi dập trong hơn 20 năm, tưởng chừng tàn tạ héo úa, không ngờ một sáng đầu xuân bừng nở trong tiếng hò reo và những giọt lệ mừng của hàng vạn người dân khốn khó.
Aung San Suu Kyi chính là nụ hoa dân chủ đó.
Bà sinh năm 1945, vừa được 2 tuổi thì người cha anh hùng là tướng Aung San bị ám sát. Bà đã từng tốt nghiệp ở đại học Oxford, từng được trao giải Nobel hòa bình và năm 1990, từng thắng cử vẻ vang nhưng chính phủ độc tài chẳng những không công nhận kết quả mà còn đưa bà vào tù.
Tuy là tổng thư ký của đảng Liên Kết Dân Chủ, nhưng bà không phải là một nhà chính trị theo nghĩa mưu cầu danh lợi, bà chỉ là một người yêu nước, một nhà văn nhân bản, đã thề trước anh linh cha mẹ, chịu đựng xa cách chồng con để phục vụ đồng bào cho đến hơi thở cuối cùng.
Vì thế bà đã bước thẳng tới họng súng đang chỉa vào ngực mình (như anh sinh viên Bắc Kinh trước một đoàn xe tăng ở Thiên An môn), và tuyệt thực để đòi được bị tù cùng với những học trò nhỏ của bà.
Trong suốt 20 năm, phương thức đấu tranh bất bạo động và hình dáng nhỏ bé của bà gợi nhớ đến thánh Gandhi. Một con người vĩ đại trong một thân xác khô gầy ốm yếu, đã chứng tỏ cho thế giới biết cái cao đẹp nhất của một con người chính là lòng nhân ái ngay cả với kẻ thù.
Có lẽ vì cảm phục trước nhân cách của một người yêu nước, đã trở thành biểu tượng của tự do dân chủ, nên tổng thống Thein Sein, một tướng lĩnh cởi bỏ quân phục đã đích thân tiếp kiến và mời bà ra tranh cử.
Khi tuyên bố ngừng xây đập thủy điện Myitsone trên sông Irauaddy do Trung Quốc đầu tư với hơn 3 tỷ rưỡi đô la, Thein Sein đã bước một bước về phía nhân dân, cũng có nghĩa là bước một bước tới gần bà để cả hai cùng song hành đưa đất nước thoát khỏi cái gọng kềm của anh láng giềng độc tài toàn trị đang đói tài nguyên, hội nhập cùng với thế giới tiến bộ.
Công nhận các đảng đối lập, thả những người bất đồng chính kiến, tổ chức bầu cử tự do, Thein Sein đã trở thành một nhà cách mạng còn bất ngờ hơn cả Gorbachov. Sẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử Miến Điện, nếu Thein Sein và Aung San Suu Kyi tuy là hai kẻ đối lập nhưng đạt được cùng một mục đích là đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo trở nên giàu có hùng mạnh.
Sẽ còn quá sớm để nói lên rằng cánh cửa tự do dân chủ đã thực sự mở toang vì thế lực quân đội, những kẻ đã từng bắn vào ngực đồng bào, đánh đập các nhà sư vẫn còn đứng sau sân khấu chính trị với những âm mưu tối ám. Nhưng, dẫu sao, cái luồng gió ngất ngây hương hoa mùa xuân cũng đã làm cho cả thế giới rộn ràng chào đón.
Tổng thống Obama là người nhanh nhạy nhất, đã gửi điện chúc mừng trước khi cử bộ trưởng ngoại giao Hilary Clinton đến gặp cả hai, tổng thống Thein Sein và bà Suu Kyi. Rồi ngoại trưởng Anh, ngoại trưởng Pháp và tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban ki Moon. Các nước Asean thì khỏi phải nói. Vui nhất là Thái Lan. Ngay cả Việt Nam, báo đảng cũng lên tiếng ca ngợi cải cách dân chủ.
Không cần những cuộc biểu tình, không cần những cuộc bắn giết đẫm máu, một Thein Sein, một Suu Kyi cũng đã khởi đầu cho một cuộc cách mạng nhung. Một trang sử mới hết sức bất ngờ đến nỗi những nhà chính trị lão luyện, những nhà bình luận và nhận định thời cuộc sắc sảo nhất, ngay cả tình báo CIA cũng không đoán trước được.
Nhưng, nghĩ cho kỹ thì mọi sự trên quả đất này đều phải thế, hết đêm sẽ tới ngày, hết đông sẽ tới xuân, mọi cánh cửa không thể mãi đóng kín. Có thể là mùa xuân năm nay, cũng có thể là sang năm hay chậm lắm là một vài năm nữa, nước ta cũng sẽ có một Thein Sein, tuyên bố ngừng khai thác bô xít, thả các nhà bất đồng chính kiến, đứng hẳn về phía nhân dân, để đưa đất nước thực sự bước vào khải hoàn môn của Tự Do, Dân Chủ, ít ra cũng có thể sánh vai cùng với Miến Điện.
Tin và mong lắm thay!
30/1/2012