Tiếng Đàn Của Mẹ
Kính tặng mẹ
Cứ mỗi sớm, nắng rọi một góc nhà
tiếng đàn của mẹ lại ngân lên
con ngắt dây điện thoại bàn và tắt máy cầm tay
bất giác thở nhè nhẹ…
Giờ đây, mẹ có quyền mơ mộng bên khúc Réveri1
sau nhiều năm tháng, người mơ mộng là mẹ phải cố bơi trong dòng lũ đục ngầu
dòng lũ từng bị ô nhiễm bởi lửa đạn khói bom, bởi máu tươi, bởi giọt nước mắt mồ hôi nhọc nhằn tem phiếu
và giờ lại đang bị ô nhiễm bởi đủ thứ quái gở đời thường…
Mặc kệ hết, mẹ thổn thức trong giai điệu của người anh nhạc sĩ quá cố:
“Tình yêu đôi ta lỡ làng…”
để chiêm nghiệm cái “Bẽ bàng”2 bằng hạnh phúc đơn sơ, nghèo nàn
đẹp như bức tranh lụa tả người thiếu nữ mơ mộng
của người chồng hoạ sĩ vẽ trong thời thất nghiệp…
Bên cái thực tại hổ lốn, thực tại nhờ nhờ
tiếng đàn của mẹ thanh tao, yếu đuối và tự tin biết chừng nào!
Bản Sérenade của người nhạc sĩ thiên tài cái gì cũng dở dang
tia nắng xẻ đôi,
cơn mưa vội vàng chỉ kịp ướt lòng người
nụ cười chưa kịp trao người yêu dấu
giọt lệ nuốt thầm một nửa
Ai hôm nay không tìm thấy mình trong bản Giao hưởng dang dở 3?
Con thay mặt cuộc đời cảm ơn mẹ.
Cháu gái lên ba ngồi chễm chệ bên bà
mắt nhìn hau háu vào những phím đàn ngọc ngà và đôi bàn tay nhỏ xanh xao như của bà Tiên
miệng trẻ bi bô hát theo: lúc ở nhà mẹ là cô giáo…
Mắt bà vui rầng rậng nước.
Mẹ cuốn con trở về nơi có lũ ống, lũ tràn , lũ quét, lũ muộn
nơi rừng hoang bị đốn, thú hoang trốn chạy
có những em bé ra vào lán cỏ như đàn thú nhỏ
có nắm xôi trong ếp khẩu chấm chéo4 ngọt bùi đến độ làm con cay mắt
có bước xoè chuếnh choáng ôm vào lòng tình thương không nghi kỵ
con như nhìn thấy trong lòng bàn tay
những nẻo đường đi của miếng ăn cái mặc, của lời nói bài ca dân dã
chúng thật và xót xa đến nao lòng khiến con không sao giả dối nổi -
cả những khi cần đến lời nói dối…
Những nỗi ngao ngán chợt lặng đi. Nhưng chúng không tắt ngấm
Và con ngơ ngác đi tìm cái mà chúng chuyển hoá thành. Chưa tìm thấy
nhưng con chợt nhận ra:
những dòng người đang nhớn nhác, những toan tính nhỏ mọn, những mời mọc trơ tráo
Chưa tìm thấy
nhưng có một sức mạnh vô hình đưa con trở về những năm tháng nẻo rừng
thời mà cái đói thường ám ảnh con
Nhưng chỉ cần ngả nghiêng bước trên con đường mòn
sững sờ trước vệt ban rừng hoang dại
là con thấy đời con không vô nghĩa
và chỉ còn thấy khổ tâm khi không diễn tả nổi sự ngây ngất của mình
cũng như, lúc này đây con day dứt, hoang mang
bởi không tìm được cách nắm bắt con thú hoang xúc cảm
đang rải nốt mưa nốt nắng, nốt buồn nốt vui
đang hiển hiện ra như cái đích của đời con…
2007
1. Bản nhạc “ Mộng mơ” của nhạc sĩ Shuman
2. Tên một bài hát của nhạc sĩ Lê Yên
3. Bản giao hưởng của nhạc sĩ Shubert
4. Làn đựng cơm nếp đan bằng mây, tre của đồng bào Thái &Thức chấm đồ ăn được làm từ nhiều loại gia vị trên rừng
Khóc Bạn - Một Nhà Thơ, Nhà Báo
Nhớ Trần Hoà Bình
Bạn ơi, thế là từ nay
bạn không còn được ngẩn ngơ trước một ngọn gió heo may
không còn phải băn khoăn ngày đi họp Khoa buộc phải mặc com-lê, cà-vạt
không còn nỗi lo sợ khi trót đụng chạm tới quan tham
không còn phải bận tâm sẽ ăn gì, uống với ai lúc màn đêm sập bóng…
Còn đâu nữa những tối vui Quán Xưa
vài chén rượu nhạt
mấy câu chuyện bâng quơ
và thăm thẳm nỗi thương đời…
Những kẻ trói gà không chặt
lại lo chuyện trên trời dưới bể
Những kẻ gân cổ lên cãi khi ai đó gọi là đồ gàn đa cảm
lại nhiều nước mắt hơn cả nàng Kiều 1
trước những số phận oan khiên, bất hạnh
Cả khi nước mắt xót thương đã trở thành đồ xa xỉ
và cũng chẳng còn nước mắt mà khóc nữa
nỗi đau càng tích tụ
hoá thành bệnh “Giời đày”!
Nhưng không khổ bằng cái bệnh
phải mỉm cười khi mếu, phải cất giọng hát khi đau
phải cho nước mắt lăn vòng vào đoạn kết có hậu
Và chỉ còn biết lẩm bẩm vu vơ:
“ Tất cả đều thiếp ngủ
Chỉ mình tôi ngồi khóc như người nguyền rủa” 2
Giờ đây, nếu như bạn vẫn còn vương chút máu mê nghề nghiệp-
cái nghề nghiệp không được bảo hiểm
bạn sẽ hơn hẳn chúng tôi
vì có thể tự do ra vào những ngôi nhà bí hiểm
được làm ra bằng những đồng tiền bí hiểm cũng không kém
những ngôi nhà thật to thật đẹp chứa đựng những hình nhân
đang hoá thân thành những con bọ khổng lồ theo nguyên mẫu của Kafka3
và trái tim còn băng giá hơn cả bà Chúa Tuyết! 4
Nhưng khổ thân cho bạn
vì dưới suối vàng bạn đâu đã hết mối thương tâm và phẫn nộ…
Ở nơi dù không có viên đạn sắt và thanh kiếm thép nào đe doạ nhà thơ, ký giả
song lại có điều đáng sợ khủng khiếp hơn
đó là sự nghi kỵ, thù hằn, miệt thị
Không ít người trong chúng ta
nếu không bị đánh văng kính, sưng vù mặt mũi, vỡ tan ống kính,
không bị cướp giật bản thảo
thì cũng phải cúi đầu gạt thầm giọt lệ tủi nhục…
Chúng tôi như đang nghe thấy tiếng bạn kêu to từ đáy huyệt sâu
cặp kính trắng long lên giận dữ:
“ Dù nỗi xót xa, lời an ủi của nhà thơ không thay thế được miếng cơm
manh áo
dù cái sắc sảo tinh tường của ký giả không đem lại được công lý cuối cùng
nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa
ai dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch?
và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo
ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà?”
Bạn ơi,
thương thay!
và cũng đáng yêu thay!
khi nhắm mắt bạn vẫn không quên nổi Sứ mệnh làm Nhà thơ, Ký giả
và bạn lại đặt thêm gánh nặng lên vai chúng tôi
những kẻ đang cố ghìm tiếng khóc
giữa khi đã quá nhiều tiếng khóc…
1. “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” ( Truyện Kiều )
2. Taras Chevsenco: “Bức thư gửi những người đồng bào của tôi”- Thuý Toàn dịch
3. Tác phẩm Hoá Thân của F. Kafka
3. Nhân vật trong truyện của H. Andersen
Hồn Nhiên
Tùy bút thơ
Những đàn bồ câu hồn nhiên bay lượn và đậu yên bình cũng hồn nhiên như thế trước Hoàng cung dát vàng
Những con rắn thần Naga hồn nhiên rời bỏ chốn linh thiêng kiêng kỵ để hòa nhập với cộng đồng người nơi mỗi góc phố, công viên
Những anh xe lôi hồn nhiên nằm ngủ trong khoang xe đợi khách
Những em bé đi học về hồn nhiên chạy qua cầu đảo Kim Cương1
Nhà sư áo vàng chậm rãi hồn nhiên khất thực giữa đám người du lịch tò mò
Những tượng Phật, những tháp chùa hồn nhiên bắt nắng trời và bụi trần gian...
Ở đâu tôi cũng bắt gặp cái hồn nhiên của sự sống, nhiều và thường xuyên đến độ khiến tôi quên rằng chúng cần thiết làm sao trong cái cuộc đời nhiều lo toan trắc trở
Cho tới khi tôi bước vào nhà tù cũ Tuol Sleng...
Bên những lan can trường học vô tình mang tên định mệnh Đồi Độc Dược2 còn dây thép gai chằng chịt như chưa hết sức mạnh đe dọa bất cứ kẻ nào hồn nhiên đòi tự do và công lý
Trong những căn phòng vốn dành cho thầy giảng và trò học là những ngăn xà lim xây vội nham nhở nhưng lại có đủ khả năng bóp nghẹt mọi tia sáng của nhân tính hồn nhiên
Tôi bỗng giật mình:
Thì ra Tội ác cũng mang cả khuôn mặt hồn nhiên!
Kẻ Ác hồn nhiên lấy Thánh đường của Giáo dục làm nơi hành hạ con người, hồn nhiên cướp đi sự hồn nhiên của trẻ thơ và hồn nhiên biến cái hồn nhiên đáng yêu thành nỗi kinh hoàng, thành máu chảy và đầu lâu lăn lóc...
Tôi chợt hoang mang sợ hãi:
Còn những điều sỉ nhục và hạ thấp Con Người nào đang mang vỏ bọc Hồn Nhiên?
Pnom Penh, cuối tháng 12-2010
1. Nơi xảy ra thảm họa khiến 353 người thiệt mạng ngày 22/11/2010
2. Tuol Sleng còn có nghĩa là Đồi độc dược( Theo từ điển Khme)