Người ta bảo tôi giống chị Trầm. Thuở nhỏ tôi vẫn thường đỏ bừng mặt lên vì sung sướng khi có ai nói với tôi điều ấy. Chi Trầm là chị họ xa của tôi nhưng tôi mê chị từ khi mình còn là cô bé con lớp đệ thất trường Trung học Thành Nội, và chị, nữ sinh lớp đệ tam trường Đồng khánh. Chị có mái tóc dài quá lưng. Mùa thu, xõa tóc thề, mùa hạ buộc tóc bằng chiếc khăn lụa trắng. Từ đó tôi không chịu để mẹ cắt tóc bom-bê nữa. Tôi chăm chút mớ tóc chấm vai của mình, đòi mẹ may một bộ áo dài lụa mịn màng và đi học còn bày đặt đội thêm một chiếc nón lá to quá khổ. Mẹ lắc đầu bảo trông tôi cứ như cái nấm biết đi, mà lại vừa đi vừa nhảy.
Trường học tôi rất gần nhà. Buổi sáng để đến trường tôi chỉ cần men theo những con đường nhỏ đầy cỏ đẫm sương được che mát bằng những tàng nhãn xanh um. Quanh quẫn bên tôi bầy se sẻ mắt nâu bay lên, đáp xuống hớn hở mừng tôi bằng tiếng kêu ríu rít. Cứ thế, chúng theo tôi. Cả khi trong giờ học, lơ đễnh nhìn ra cửa lớp, trên vòm cây long não tôi bắt gặp chúng nhảy nhót trên những cành xanh um sắc lá đầu xuân. Một bữa, cô Thoa dạy môn vạn vật đã đặt cho cả lớp một câu hỏi “Lòai chim nào em yêu thích nhất?” Thế là cứ tha hồ… họa mi, Hoàng yến, sơn ca… Khi được hỏi tôi đã mất hết mấy giây ấp úng rồi mới trả lời: “Thưa cô, em thích chim sẻ.” Tôi còn nhớ đôi mày cong rất đẹp của cô nhướng lên. Rất dịu dàng, rất từ tốn cô hạ tia nhìn xuống rồi mỉm cười bảo tôi lãng mạn. Trở về nhà, đầu óc non nớt của tôi mơ hồ lo sợ vì từ ngữ lạ lùng đó. Người lớn đầu tiên mà tôi gặp và đặt trọn niềm tin cậy là anh Hoàng ở cạnh nhà. Anh lớn hơn tôi rất nhiều tuổi, vẫn thường chiều chuộng và giảng bài rất cặn kẻ cho tôi. Tôi lột ngay chiếc nón lá, ấm ức hỏi anh. Anh vuốt nhẹ mớ tóc lòa xòa của tôi bảo: “Bởi vì em yêu một lòai chim không đẹp và hót không hay.” Tôi không chịu, nghiêng nghiêng mái tóc dẩu môi hỏi nữa: “Vậy nếu em thích con chim cú mèo thì em có lãng mạn không?” Anh Hoàng bật cười thành tiếng ký đầu tôi đùa cợt: “Vừa lãng mạn vừa lý sự cùn.” Tôi ấm ức vì thái độ của anh trước một vấn đề “nghiêm trọng” như thế quày quả bước đi. Quanh tôi, lũ sẻ vẫn không ngừng lích chích.
Cho mãi về sau này tôi mới khám phá ra không phải chỉ một mình tôi mê chị Trầm mà còn rất nhiều, rất nhiều người nữa. Trong đó có cả anh Hoàng “của tôi”. Khi tôi mười lăm tuổi thì mối tình của anh chị đã làm xôn xao cái dư luận vốn dĩ rất dễ xôn xao của thành phố nhỏ bé này. Cũng như bao nhiêu cuộc tình khác , hầu như bất cứ một nguyên nhân vô nghĩa nào cũng dễ dàng gây ra sóng gió. Anh Hoàng trở nên trầm tĩnh, ít nói và buồn nhiều hơn. Với trái tim non nẻo của cô gái mười lăm tôi chỉ biết thầm lặng nhìn anh mà nghe lòng chùng xuống. Mười lăm tuổi tôi mơ làm người lớn. Năm học lớp đệ tứ trôi qua sao quá chậm chạp và nặng nề. Tôi mong chờ cuối năm để được chuyển qua Đồng Khánh. Trường tôi chỉ là chi nhánh của Đồng Khánh nên không có lớp đệ tam. Tôi vẫn yêu những vòm long não xanh non sắc lá của tôi nhưng ngôi trường mới có cánh cổng rộng lớn và đầy bí ẩn kia lại quyến rũ tôi rất nhiều. Ngôi trường quay mặt ra bờ cỏ sông Hương. Gió buổi sáng, buổi chiều tràn về lồng lộng. Một khoảng trời mở ra bát ngát mênh mông rồi bất chợt khép lại sau cánh cổng cao của một ngôi trường nghiêm trang, cổ kính… Tóc tôi đã dài quá lưng, tôi đã biết đưa tay khép hở đôi tà áo khi trời nhiều gió, và dưới vành nón lá tôi không còn là cái nấm biết đi.
Mùa hè năm đó, khi hay tin cả nhà sẽ bỏ Huế vào Nam tôi lặng lẽ ra bờ sông ngồi một mình. Phía bên kia là Phu Văn Lâu, là Đại Nội với dãy thành loang lỗ nhuộm vàng sắc nắng. Đôi bàn tay nâng lấy cằm, khuôn mặt tôi đầm đìa nước mắt…
Tôi bỗng chớp mi, ngơ ngẩn thấy mắt mình ráo hỏanh. Ừ nhỉ, đã lâu lắm rồi tôi không khóc. Có lẽ những vui buồn giờ cũng đã khác xưa. Tôi đặt bàn tay lên thềm nhà. Hơi lạnh thấm dần vào da thịt. Nền xi-măng láng bóng loang lỗ ánh mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá. Cũng bậc thềm này đây, một chiều xa xưa lắm tôi ngồi một mình rưng rưng nước mắt. Bức thư nhỏ anh Hoàng nhờ trao cho chị Trầm đã bị bác gái bắt được tận tay xé tan ra từng mảnh. Bác mắng tôi té tát:
- Ai dạy mày làm chuyện này? Mới nứt mắt ra mà đã… Này, khôn hồn thì đừng dẫm lên bước chân con Trầm.
Tôi xót xa lầm lũi chạy về, ra sau hè nhà anh ngồi úp mặt vào đôi tay rưng rưng nước mắt. Chẳng biết cách nào để báo tin xấu cho anh. Chắc anh phải buồn, buồn ghê lắm. Chuyện của anh đã gần như bế tắc. Bị chị Trầm hiểu lầm, bị gia đình ngăn cấm… Tôi nghe bước chân anh đi lại trong phòng. Căn phòng chỉ cách bậc thềm tôi ngồi bằng một cánh cửa gỗ mỏng sơn nâu. Tôi ngước nhìn lên cây sầu đông. Mùa này cây đã kết những chuỗi trái thuôn tròn biếc xanh như ngọc. Gió lùa qua hàng cây, gió lùa vào mái tóc tôi. Tóc tôi cũng suông, cũng đen huyền óng ả chảy tràn trề quá lưng như tóc chị Trầm. Nhưng tôi, tôi không phải là chị Trầm. Vì vậy bước chân anh Hoàng sau bức vách kia cứ phải quay quắt khổ sở hết tới lại lui. Tôi không phải chị Trầm nên bức thư tội nghiệp kia đã bị xé nát tan từng mảnh. Tại sao tôi không phải là chị Trầm? Nếu tôi đẩy cửa bước vào anh có lầm tôi với chi? Anh có mỉm cười vì hạnh phúc bất ngờ? Không, hẳn nhiên là không. Tôi chỉ biết ngồi một mình cắn môi quay quắt. Và tôi chợt hiểu ra cuộc đời có những niềm đau không thể nào chia xẻ được…
Tôi nhìn qua hàng rào chè tàu cắt xén cẩn thận phẳng phiu. Bên kia là nhà tôi hồi đó. Cửa sổ phòng tôi ngó sang cái chái này. Nơi đây chiều chiều anh Hoàng thường ngồi xem sách. Đêm cuối cùng trước khi bỏ Huế ra đi tôi mở hết hai cánh cửa ngồi đón ánh trăng. Dưới cửa sổ là một bụi nhài ra hoa trắng muốt ngan ngát hương đưa. Phía vườn bên kia tôi bắt gặp mái tóc dài của chị Trầm gục vào bờ vai anh Hoàng mà khóc. Tôi chợt lặng người trước hạnh phúc của anh. Mười lăm tuổi tôi hiểu thế nào là một đêm thức trắng. Vâng, vẫn cái hè nhà này đây, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu biến đổi. Hơn hai chục năm trời còn gì…
- Ua, dì ở đây mà con đi tìm khắp.
Tôi quay lại bắt gặp con bé Trầm Mi trong bộ đồ xanh điểm lấm tấm những bông hoa trắng.
- Mẹ đâu rồi hở Mi?
- Dạ, mẹ con đi bẻ măng vòi.
Tôi đang còn ngơ ngác thì có tiếng mở cổng. Trầm Mi chạy ra. Chị Trầm thong thả đi vào, trên đôi tay đầy những đọt măng bé chỉ bằng đầu ngón tay. Giao bó măng cho con gái, chị lột chiếc nón lá quạt lấy quạt để khuôn mặt còn đầm đìa mồ hôi. Chị cười quay sang tôi:
- Chiều nay rảnh, chị đi kiếm măng mai làm ít tôm chua gởi vô biếu chú thím. Tôm chua phải làm với măng vòi mới thơm chứ măng mụt mua ở chợ mùi vị lạt lẽo lắm.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây bên cạnh chị:
- Lâu lắm rồi em quên mất món ăn Huế.
- Em vô Nam cũng hăm mấy năm rồi. Cứ đi biền biệt không còn nhớ ai.
Tôi cúi đầu nhận lấy lời trách hờn của chị. Trong thâm tâm tôi không hiểu sao mình lại đi biền biệt mặc dù Huế vẫn thở trong tôi, vẫn sống cùng tôi. Bầy sẻ mắt nâu vẫn như xưa ríu rít trước hiên nhà, trong tàng mít xanh um tùm lá. Giàn hoa dạ lý vẫn buông những chùm hoa hồng phấn ngan ngát yên bình. Chị bật cười khẽ:
- Mà không, em có về một lần chứ. Dạo đó vào dịp tết. Con bé Trầm Mi mới đầy năm.
Tôi lại thấy hiện ra hình ảnh chị, vừa dỗ con, vừa loay hoay với bếp lữa mù mịt khói. Chị luộc một nồi sắn bảo đùa là để đãi khách phương xa. Huế năm đó mùa đông trời rét dữ và cuộc sống đang vào hồi cơ cực nhất. Đồng lương giáo viên ít ỏi của anh Hoàng không đủ để lo cho con thơ và mẹ già. Chị phải tính toán, bươn chải, lo toan. Thế nhưng bên bếp lửa bập bùng tôi thấy đôi mắt chị ngời lên ấm áp cái nhìn hạnh phúc. Bàn tay gọn gàng bẻ vụn những nhánh củi khô nhặt nhạnh đâu đó sau vườn đun vào bếp lửa, chị than thở với tôi gia cảnh nhà mình. Lời than mà sao lên bỗng xuống trầm cứ như tiếng hát. Dạo đó tôi cũng có một tình yêu. Và tình yêu của tôi cũng như chị ngày xưa, đang thời kỳ vượt qua giông bão. Tiếng chị vẫn êm đềm bên tôi:
- Cuộc sống chị chừ thỏai mái hơn rồi. Tuy nghèo vẫn cứ nghèo thôi.
Tôi chợt nhìn quanh nhà. Những đồ đạc đơn sơ cũ kỹ như chúng vốn sinh ra và đã ở đúng vị trí của mình hàng chục năm, hàng trăm năm không hề di chuyển. Chiếc sập gụ, chiếc tủ thờ, những hàng cột gỗ đã lên màu nâu bóng. Trên chiếc bàn con kê bên cử sổ, một lọ hoa tím cánh mỏng manh run nhẹ theo hơi gió như một nụ cười thầm lặng, một nhịp tim rất khẽ, rất bình yên. Cạnh đó, trên chiếc kệ cao cao, chiếc máy điện thoại điểm xuyết vào bức tranh sẫm màu một vệt sơn trắng. Đó là phương tiện để người anh chồng đi làm ăn xa được thường xuyên thăm hỏi sức khỏe mẹ già. Hôm đầu tiên ngồi trong căn phòng quen thuộc này chị Trầm đã vui vẻ giới thiệu với tôi sự có mặt củ thành viên mới đó.
Tiếng thằng Vũ cao giọng lên như muốn tranh cãi một điều gì làm tôi giật mình. Trong góc phòng, hai bố con đang mãi miết làm việc. Hai đầu tóc đen cắt ngắn, hai chiếc áo thun trắng, một lớn, một nhỏ mê mải trước tấm bảng đen. Bàn tay thằng bé tập tành bắt chước bố cầm viên phấn vạch nên một đường thẳng. Nét phấn vô tình của anh Hoàng ngày xưa cứa vào trái tim tôi rạch ròi và mạnh mẽ. Tôi bỗng cúi đầu và thở ra rất nhẹ. Tiếng chị lẫn vào tiếng ve râm ran:
- Chỉ cầu mong sao cha làm thầy nhưng con đừng đốt sách.
Tự nhiên tôi mướn khóc. Chị tưởng điều của chị cầu mong là đơn giản lắm, là tầm thường lắm so với muôn vàn điều ước của thế gian này sao. Còn tôi, tôi ao ước những gì? Tôi tìm kiếm những gì? Chị bỗng đổi giọng vui vẻ:
- Em biết không, hôm đọc được bài thơ đầu tiên ký tên Hoàng Đan Thư trên báo, anh Hoàng quả quyết đoan chắc với chị là của Đan Thư nhà mình.
Tôi không đáp, chỉ mỉm cười bâng quơ. Chị bỗng ngước mắt lên, đưa tay vén mấy sợi tóc mây lòa xòa:
- Chị thì hơi ngờ ngợ. Bởi nếu là em thì phải là Hoàng Thị Đan Thư chứ. Răng lại bỏ đi chữ “Thị”?
Tôi cúi đầu, tóc phủ xuống che một phần khuôn mặt rồi vờ dõi theo bầy chim sẻ mắt nâu. Bầy chim sẻ lúc nào cũng là bạn bè của tôi, chúng hiểu và giúp tôi mọi lúc. Một con chim vỗ cánh bay tít lên lẫn vào cây mít sum suê sắc lá. Chị cũng nhìn theo cánh chim:
- Chịu em là tài. Làm việc căng thẳng như em mà còn viết lách được.
Tôi ngả người ra tựa vào thành ghế mây khép hờ đôi mắt. Một thế giới hỗn độn âm thanh và sắc màu nhảy nhót quanh tôi. Ở đó, vì công việc mỗi đêm, mỗi ngày tôi phải nói, nói và nói thứ ngôn ngữ vô hồn xa lạ. Giọng tôi đập vào micro rồi dội lên trong gian phòng ngột ngạt nóng bức. Hàng nút đều đặn trên chiếc máy cassette cứ bấm rồi buông, bấm rồi buông… Am thanh phát ra từ đó trống rỗng, vô hồn. Vài ba tháng lại hết một khóa dạy. Trước tôi là những khuôn mặt mới nhưng tôi và chiếc máy cassette thì vẫn như xưa. Có chăng là cả hai cùng mòn mỏi đi, già nua đi. Rồi cũng như cái máy giọng tôi sẽ dần dần rè đi, lạc cung, lạc bậc. Người ta chỉ việc bấm chuông, thế là tôi bắt đầu nói chừng ấy chuyện, chừng ấy lời. Những câu pha trò của tôi được lập đi, lập lại không biết bao nhiêu khóa học đến nỗi chúng đã nhạt thếch trong tôi…
- Lớn lên chị sẽ cho thẵng Vũ vào Nam học Đại học cho rộng đường, còn Trầm Mi thì giữ lại đây lo chuyện chồng con… Thế còn em…
Chị bỗng ngập ngừng khi đề cập đến một vấn đề mà người khác hỏi thăm rất nhẹ nhàng, rất lưu lóat như một câu pha trò kinh điển vậy. Tôi chợt nhận thấy mình đã im lặng quá lâu giữa khu vườn yên tĩnh này. Chị bứt một chiếc lá của bụi ngâu gần đấy rồi nhìn mãi những đường gân chằng chịt:
- Cũng phải tính em ạ. Hết đời chu thím em sẽ thấy cô đơn.
Nắng đã tàn trên ngọn cây cao. Tôi nghe tiếng mình lẫn với tiếng ve dội lên từng hồi ray rứt:
- Sống một mình cũng cô đơn, sống hai mình chắc gì không cô đơn. Mà cái cô đơn thứ hai này mới đáng sợ.
- Em nghĩ nhiều quá. Nghĩ nhiều quá thì sẽ khổ.
Chiếc lá xanh bé nhỏ kia đang nằm gọn gàng trong bàn tay chị. Năm ngón tay khép lại nhẹ nhàng và đơn giản làm sao. Còn bàn tay tôi, sao cứ phải xòe ra? Suốt đời chị chiếm giữ dễ dàng tất cả những gì tôi mơ ước , tôi quay quắt kiếm tìm thản nhiên như đang nắm giữ chiếc lá xanh kia vậy. Trong khi đó tôi trượt dài, vấp ngã với trò chơi cút bắt. Tôi hăm hở tập tành vượt qua bão giông nhóm cho mình một bếp lửa bập bùng hạnh phúc như của chị ngày xưa nhưng… Hỡi người tình đầu tiên của tôi! Biết làm sao khi anh không thể hiểu được rằng trong khốn khó tôi đã chạy đến cùng anh để xin chia phần trái đắng, thế nhưng khi trên tay anh đầy quả ngọt ngào thì tôi lại quay mặt bỏ đi chỉ vì anh không có ý mời tôi. Anh thích thú chờ tôi cuống quýt chạy đến tranh giành với người khác. Không, tôi không biết tranh giành. Tôi biết mình luôn luôn là người tha cuộc trong mọi cuộc tranh giành. Cứ thế, trong khi chị thản nhiên lấy chồng, thản nhiên sinh con, thản nhiên ngày mỗi ngày tính toán chi li những đồng tiền chợ thì tôi va vào mối tình thứ hai, vấp phải mối tình thứ ba…
*
Tôi giữ chiếc ống nghe trong tay. Ở đầu dây kia tiếng người đàn ông dồn dập:
- Thế là xong. Tòa mới xử ly hôn hồi sáng qua. Cứ lấn cấn mãi vụ cái nhà. Còn em, chừng nào em vào?
- Thì em cũng tính…
- Còn tính gì nữa. Anh mong em mãi. Gọi điện để anh đi đón nhé.
Tôi ậm ừ rồi cúp máy. Trong góc phòng hành lý đã xếp gọn gàng cho một chuyến đi. Từ hôm qua đến nay, điện thoại của gia đình, của bạn bè cứ gọi mãi. Cái thế giới nhộn nhịp trong kia bắt đầu len lỏi, tìm tòi, nhắc nhở tôi một mảnh đời đang hiện hữu. Kể cả người đàn ông đó nữa. Người đàn ông lấn cấn mãi vì một cái nhà trong một cuộc ly hôn. Điều này quan trọng lắm chứ. Suốt cuộc đời chắc gì người ta tạo dựng được một cái nhà trong thành phố đất chật người đông đó. Còn tôi, tôi nào tìm một chỗ trú thân. Tôi tìm một con người kia mà, một con người rất thật…
Tôi cắn môi ngó ra cửa sổ. Sau vườn, bên bụi chuối đong đưa tàu lá, vạt hoa mười giờ nở bung hết cánh đỏ rực lên đằm thắm nồng nàn. Sợi dây thép căng ngang đang trĩu áo quần mới giặt xong nước còn nhỏ giọt. Trầm Mi tóc cột cao, vẩy vẩy bàn tay cho ráo nước ngó vào bắt gặp cái nhìn của tôi:
- Chắc dì bắt đầu chán Huế rồi. Điện thoại cứ gọi dì liên tục.
Đáp lời Trầm Mi, tiếng chuông lại reo. Tôi nhắc máy. Tiếng Thanh ở đầu kia vui vẻ:
- Mày đấy hả Thư? Tao tưởng mày chết tiệt ở xó xỉnh nào rồi chứ.
- Không, tao vẫn sống để phụng sự mày.
- Ai phụng sự ai? Tao đang ì ạch gánh giùm mày lớp học ở nhà. Lớp buổi tối phải năn nỉ tụi con Lan, con Thương giúp giùm. Mày vào gấp vì tụi tao ỏai quá rồi.
- Được rồi, chiều nay tao trình diện mày.
- Hả? Chiều nay hả? Bay chuyến nào?
- Chuyến bốn rưỡi. Sáu giờ có mặt ở Tân Sơn Nhất.
- Vậy hả? Tao sẽ đi đón mày. Biết không, cái shop ở Nguyễn Trãi mới ra mấy kiểu đầm lịch sự lắm. Vào mà chọn với tao. Còn chuyện này mữa, tao mới khám phá ra một quán bò tùng xẻo…
- Điện thoại đường dài đấy. Cúp đi. Tốn tiền lắm.
- Mày để tao nói cho đã ghiền. Không có mày tao thiếu đủ thứ. Buổi tối dạy xong cô đơn đi ăn phở, cô đơn chạy xe một mình, cô đơn xách cassette băng qua cái sân mênh mông trống trải. Tao…
- Cuối tháng rồi. Cạn túi chưa?
- Mày đừng nhắc khéo tao tiền cước phí điện thoại. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Để cho tao nói… Đến đâu rồi nhỉ?... À này, tin động trời. Mày có nhớ thằng Jones không? Nó bị tóm rồi.
- Hả? Sao thế? Vì tội gì? Thằng đó đàng Hoàng học thức lắm mà.
Tiếng Thanh đầu giây kia cười ngất đến sốt ruột:
- Mày biết ai tóm nó không? Con Hồng móm mày ạ. Nó tuyên bố rồi. Tháng sau cưới. Một dạo tên Jones lẻo đẻo bám váy mày tao đã bảo mày chỉ cần quay người lại là tóm gọn. Mà này, chiều nay đến Tân Sơn Nhất có đụng phải “cái đuôi” của mày không?
- Không, tao không báo ngày vào.
- Mày không thích hắn thì cắt đi. Sao lại để lòng thòng thế?
- Không cần thiết. Cứ để từ từ rối sẽ rụng.
- Ha, mày làm tao nghĩ đến con nòng nọc. Thế là chiều nay chỉ có tao với mày thôi phải không? Bye-bye nhé! Sáu giờ nhé! OK?
- OK.
Tôi gác máy. Tiếng nói đầu giây kia đã dứt nhưng còn âm vang mãi trong tôi. Một khoảng trời khác, một mảnh đời khác và giọng nói tiếng cười của tôi cũng khác. Những mối dây ràng buộc vào nhau vừa thân thiết vừa ngột ngạt. Cứ thế, cuộc sống lăn đi…
An với chị Trầm một bữa cơm cuối cùng tôi xách hành lý ra đi khi mặt trời mùa hạ chói chang đổ lửa. Xe tôi ngang qua Đồng Khánh, ngôi trường mơ ước của tôi cửa khép im lìm; ngôi trường mà tôi chưa hề có diễm phúc chạm tay vào một thân cây, một ô cửa lớp. Có lẽ trong vuông sân rợp bóng mát kia có rất nhiều chim sẻ. Thôi thì cứ để chúng thay tôi bay nhảy, ríu rít, đùa vui. Xe chạy dọc theo bờ sông cỏ mượt. Nước vẫn xanh, xanh đến nao lòng. Xe đi qua ruộng đồng, bờ bải, lũy tre, mái đình… Lại thêm một lần tôi rời bỏ Huế, thêm một lần tôi làm kẻ ra đi.
Gởi xong hành lý, tôi tựa người vào tường ngó mông lung ra cửa. Sân bay Phú Bài bát ngát chói chang. Bờ mi tôi trĩu xuống. Đêm rồi, lại thêm một đêm mất ngủ. Mà cũng là một đêm trăng. Cánh cửa sổ mở tung ra khu vườn ngan ngát hương hoa. Anh trăng tràn vào đầm đìa trên gối. Đêm cuối cùng tôi thức cùng Huế, thức cùng ký ức, thức cùng sắc vàng bàng bạc trăng khuya. Mảnh đất này đã giữ hết của tôi ước mơ, hạnh phúc, níu giữ tất cả những gì bấy nay tôi khao khát đi tìm để rồi hóa thân thành những vần thơ khắc khỏai , những vần thơ ray rứt cồn cào tận đáy tim tôi. Anh trăng mơn man trên đôi cánh tay trần. Vẫn vầng trăng xưa cũ nhưng tôi thì đã khác xưa. Mười lăm tuổi, trước một chuyến đi, tôi đã thức trắng đêm để tự dỗ dành mình rằng sẽ quên đi, quên đi rất dễ, rằng tất cả chỉ mới bắt đầu, tất cả còn là phía trước. Những gì của chị Trầm vẫn là của chị Trầm. Tôi sẽ tìm cho tôi những gì thuộc về tôi để chăm chút như chị ngồi vo tròn hạnh phúc. Hơn hai chục năm sau, giờ đây tôi lại thấy mình bơ vơ trơ trọi dưới ánh trăng. Những gì của chị vẫn thuộc về chị. Còn tôi, trước hạnh phúc tôi vẫn là con bé con vụng về ngờ nghệch trong chiếc nón lá to quá khổ như một cái nấm biết đi. Tôi miệt mài mơ ước, miệt mài tìm đến hụt hơi những gì giống như chị có mà không hay những gì trong tay chị là duy nhất, không hề có một phiên bản thứ hai. Chỉ có tôi, tôi trở thành một phiên bản vụng về thô ráp của chị. Mà đau đớn thay, lại là một phiên bản có linh hồn. Thời gian qua… tôi nhìn lại tôi, lớp sơn màu trôi tuột đi, loang lỗ… Anh trăng ngòai kia cứ ngời lên sắc màu huyền họăc. Đêm đã khuya quá rồi. Tôi vịn tay vào song cửa. Lẫn vào bóng lá lung linh một bóng đen bất động bên hè nhà tựa cột ngó mông lung. Tôi nhòai người ra. Bóng đen lẫn vào trong biến mất. Ai đấy? Chị Trầm chăng? Tôi mở cửa bước ra. Đêm vắng lặng. Bãng lãng quanh đây gió phả mùi thuốc lá cay cay. Tựa vào cánh cửa sơn nâu, tôi úp mặt vào đôi tay. Vẫn chỉ là tấm cửa gỗ mỏng manh ngày đó. Cảm ơn một người đã cùng thức với tôi trong đêm trăng huyền hoặc này. Một chiều xa xưa tôi cũng ngồi một mình bên thềm đá… Vâng, tôi hiểu, hiểu từ khi vừa tròn mười lăm tuổi, cuộc đời này có những nỗi đau không thể nào chia xẻ được…
Hơn hai mươi năm rồi… Trầm Mi đang ở vào tuổi tôi hồi đó. Cô bé có như tôi, yêu lòai chim sẻ, cónhư tôi, chiều chiều thả bộ trên đường phượng bay, có như tôi, ra bờ sông ngó mãi những con đò xuôi ngược… Và cô bé thân yêu của tôi, đã bao giờ thao thức đến trắng đêm?... Tôi cắn môi, nghe một giọt nước mắt ứa trên rèm mi nóng hổi. Bất giác tôi lùa năm ngón tay vào mái tóc rối bời rồi bỗng giật mình ngơ ngác. Như người mộng du, tôi tìm phòng điện thoại nhấn vào những con số thân quen. Một giọng nói trong veo ở đầu giây kia. Tôi im lặng, tưởng tượng ra ngôi nhà cổ im lìm với khu vườn rợp mát, tưởng tượng ra tiếng gió lao xao và bầy chim lích chích đáp xuống bay lên. Tiếng “allo” nhắc lại một lần nữa. Tôi thấy chiếc ống nghe run lên trong lòng tay, giọng tôi nghẹn lại:
- Trầm Mi ơi! Dì có để quên một giải lụa buộc tóc phía trên đầu giường. Con giữ giùm dì, Mi nhé!
Một tiếng “dạ” rất khẽ tưởng như tan vào trong gió nắng. Tôi cúp máy lặng người đi. Tiếng cô xướng ngôn viên cất lên gióng giả báo giờ bay. Tôi tiến về cửa ra phi trường. Nắng chói chang. Bốn bề bát ngát. Đường băng kéo dài tít tắp. Con chim sắt khổng lồ đang chờ tôi ở đo. Tôi sẽ đáp xuống Tân Sơn Nhất lúc sáu giờ, khi thành phố lên đèn. Tôi sẽ ngồi sau lưng Thanh ôm quàng lấy nó thân thiết. Nắng phản chiếu trên đôi cánh máy bay làm chói mắt tôi. Đôi cánh chông chênh này sẽ đưa tôi đi, lạnh lùng băng mình về phía trước, bỏ lại sau lưng một vầng trăng… vầng trăng xa khuất…/.