Vào cuối thế kỷ thứ 16, sau khi nhà Lê trung hưng chiếm được thành Thăng Long từ nhà Mạc [1592], bèn chuẩn bị liên lạc ngoại giao với Trung Quốc. Lúc bây giờ quan nhà Mạc khai trước với nhà Minh rằng người tự xưng vua Lê, chính là họ Trịnh nỗi lên đánh giết con cháu nhà Mạc, chứ thực ra không phải là nhà Lê. Nhà Minh đòi hỏi mở hội khám tại Trấn Nam Quan, nên vua Lê Thế Tông phải cất công 2 lần đến dự hội khám.
Lần đi thứ nhất vào tháng 2 năm Bính Thân [1586], không thành công. Theo sử nước ta thì do nhà Minh cố tình chần chừ để đòi hỏi vàng bạc:
“Người nhà Minh lại chần chừ và yêu sách các vật kiện về sự tích người vàng, ấn vàng, họ không chịu đến hội họp, cuối cùng thành ra quá kỳ hẹn. (Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Viện Sử Học. Hà Nội: NXB Giáo dục, 1998, tập 2, trang 212.)
Minh Thực Lục căn cứ vào tin thám báo, cho rằng việc vua Lê tự động trở về trong đêm, là do Trịnh Tùng sai kỵ binh đến gọi:
“Căn cứ vào lời báo của điệp viên, việc Duy Ðàm [Lê Thế Tông] trở về là do Trịnh Tùng sai kỵ binh đến tìm 4 lần trong đêm; Duy Ðàm bèn vượt mưa sấm sét mà đi. Vì Trịnh Tùng sợ khi Ðàm được thiên triều ban cho danh hiệu, thì y không thể phóng túng làm càn thi hành mưu soán đoạt; còn Duy Ðàm ngu ngốc kia rơi vào mưu thuật mà không biết vậy…..( Minh Thực Lục, Thần Tông quyển 298, trang 3a-4a)
Năm sau Sứ nhà Minh là Vương Kiến Lập sang nước ta đem thông điệp về việc hội khám. Vua Lê Thế Tông lại xa giá đến dự tại Trấn Nam Quan, từ đó hai nước giao thiệp hòa hiếu với nhau. Nhân đó nhà vua sai Thượng thư bộ Công Phùng Khắc Khoan làm chánh sứ sang nhà Minh nộp lễ cồng hàng năm và xin phong tước. Vua Thần Tông nhà Minh bèn xuống chiếu ban tước cho vua Lê Thế Tông:
…Lê Duy Ðàm được ban chức Ðô thống sứ An Nam, nay soạn sắc dụ, đúc ấn ban cho để cai trị một phương, vĩnh viễn tuân theo vương hóa. ( Minh Thực Lục, Thần Tông, quyển 315, trang 4a-4b)
Sứ thần Phùng Khắc Khoan tại Yên kinh [Bắc Kinh] nỗ lực hoạt động ngoại giao; nhân lễ vạn thọ vua Minh, dâng 30 bài thơ chúc mừng, được Ðông các đại học sĩ Trương Vị dâng lên, vua Minh rất vui mừng. Cùng lúc, Phùng Khắc Khoan dâng sớ phản đối việc vua nhà Minh phong chức cho vua Lê Thế Tông ngang hàng với nhà Mạc, với lập luận như sau:
“ Họ Lê là dòng giống của vua nước An Nam, giận kẻ bầy tôi bạo ngược là họ Mạc tiếm ngôi vua, cướp mất nước, nên nằm gai nếm mật, nghĩ khôi phục lại cơ nghiệp của tổ tông. Còn họ Mạc kia đời đời làm tôi mà dám giết vua cướp nước, thế thì họ Mạc thực là người có tội với Thiên Triều, mà lại cầu phong chức Ðô thống một cách ám muội. Nay họ Lê không phải là người có tội như họ Mạc, mà lại nhận chức phong như họ Mạc thế là nghĩa lý gì?....” (Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđd, tập 2, trang 221)
Trước lời lẽ cứng rắn của Phùng Khắc Khoan, vua Thần Tông nhà Minh hứa rằng trong tương lai sẽ phong vua Lê tước Vương, qua lời dụ như sau:
“ Chúa nhà ngươi không phải ví như họ Mạc, nhưng vì mới khôi phục được nước, lòng người chưa ỗn định, thì hãy lấy địa vị Ðô thống quản lý mọi việc trong nước, sau này sẽ gia phong tước Vương cũng chưa muộn gì.” (Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđd, tập 2, trang 221)
Chẳng bao lâu nhà Minh mất, nhà Thanh vào Yên Kinh xưng Hoàng đế; hai họ Lê và Mạc tiếp tục liên lạc ngoại giao với nhà Thanh. Qua các văn thư giao dịch, vua Thuận Trị nhà Thanh xưng danh vua Lê Thần Tông là An Nam Quốc vương Lê Duy Kì, còn vua nhà Mạc là Qui Hóa Tướng quân Mạc Kinh Diệu. Về phía nhà Mạc, sau khi Kinh Diệu chết, con là Mạc Kinh Vũ nối chức, nhưng dùng tên là Mạc Nguyên Thanh để giao thiệp với nhà Thanh.
Vào tháng 9 năm Bính Ngọ [1666], nhắm lợi dụng giai đoạn Trung Quốc dưới triều đại mới, nhà Lê trung hưng làm thử một việc đã rồi, bằng cách mang quân tập kích nhà Mạc mà không báo cho nhà Thanh biết trước. Cha con chúa Trịnh Tạc chia đại quân làm hai cánh; quân của Trịnh Tạc theo hướng Lạng Sơn, quân do người con là Trịnh Căn tiết chế theo hướng Thái Nguyên, rồi tiến thẳng đến Cao Bằng. Quân Mạc tan rã, Mạc Kính Vũ tức Nguyên Thanh chạy trốn sang châu Tiểu Trấn An, thuộc phủ Trấn An, tỉnh Quảng Tây:
Lúc ấy, Mạc Kính Vũ lại lẩn lút chiếm cứ Cao Bằng. Tạc thân hành thống suất đại binh đi đường Lạng Sơn, hạ lệnh cho tiết chế Trịnh Căn đốc suất các tướng đi đường Thái Nguyên, bọn thái phó Trịnh Đống, thiếu úy Trịnh Kiền, Lê [Thì] Hiến, thiếu phó Trịnh Ốc, đô đốc đồng tri Đinh Văn Tả và Lê Châu làm thống lãnh, bọn thị lang Nguyễn Năng Thiệu, Lê Sĩ Triệt, Dương Hạo, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Văn Thực và Trương Luận Đạo làm đốc thị, chia đường cùng tiến thẳng đến Cao Bằng. Hay tin đại binh tiến đến, Kính Vũ trốn sang châu Tiểu Trấn Yên nhà Thanh. Quan quân đuồi theo tróc nã, bắt được họ hàng, đồ đảng, ngựa và khí giới không sao kể xiết. Những người xin hàng phục cùng người trước kia bị Mạc Kính Vũ bắt hiếp phải theo đều được khoan hồng tha bổng. Tạc yên ủi chiêu tập dân trong châu để họ đều trở lại làm ăn như cũ. (Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđd, tập 2, trang 318)
Bị đuổi ra khỏi nước, Mạc Nguyên Thanh [Kính Vũ] đến tỉnh Vân Nam dâng sớ tố cáo. Biện minh cho việc đánh Mạc, vua Lê Huyền Tông [Lê Duy Hỷ] cũng đem việc tổ tiên của Mạc Nguyên Thanh là Mạc Ðăng Dung đã giết vua Lê và quốc mẫu ra tố cáo. Nhưng lập luận của vua Khang Hy coi sự việc đó là chuyện cũ đã giải quyết xong, rồi sai Sứ thần Lý Tiên Căn mang sắc dụ sang nước ta đòi phải trả lại đất cho nhà Mạc:
Ngày Canh Dần tháng 4 năm Khang Hy thứ 7 [1/6/1668]
Khởi đầu Ðô thống sứ nước An Nam Mạc Nguyên Thanh bị Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ bức bách, chạy vào Vân Nam dâng sớ trình bày và tố cáo; Thiên tử mệnh an trí Mạc Nguyên Thanh tại Nam Ninh (1). Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ cũng dâng sớ nói về đầu đuôi việc hưng binh trả thù. Thiên tử sai bọn Nội bí thư viện thị độc Lý Tiên Căn mang sắc tuyên dụ Lê Duy Hỷ. Sắc như sau:
“ Hoàng đế sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ: Theo lời tâu của ngươi có những lời rằng tổ của Mạc Nguyên Thanh là Mạc Ðăng Dung là kẻ cừu thù đã bức giết tiên Quốc mẫu cùng Vương nối dõi, làm việc giết người để đoạt lấy nước, nên nay hưng binh đánh dẹp. Lại nói báo phục mối thù trước, nên tiễu trừ họ Mạc. Nhưng về việc Mạc Kinh Cung, Mạc Kinh Khoan chiếm cứ Cao Bằng, trước kia nước ngươi đến đánh, rồi có thề ước hòa hảo. Cứ như vậy, thì mối thù đã trả xong, đã kết giao hòa hảo, mỗi bên chiếm cứ đất riêng.
Những người họ Mạc làm loạn nay đã chết, sự việc đã giải quyết xong thời Gia Tĩnh triều Minh, thuộc thời xưa năm cũ. Thời nay,Mạc Nguyên Thanh trước tiên đến nạp cống dốc lòng thành qui phụ, trẫm ban chức Ðô thống sứ; sau đó ngươi cũng đến nạp cống qui phụ, đã được phong Vương. Nay ngươi sinh sự hưng binh, bảo là phục cừu; đáng lý ra trước khi hưng binh, phải trình tấu mọi tình tiết, để nghe theo sắc chỉ. Rồi chưa xin chiếu chỉ, đã hưng binh gấp, tàn phá địa phương Cao Bằng, chém giết binh dân, việc làm thực không hợp. Nay đã xưng tuân chỉ bãi binh, hãy đem địa phương nhân dân Cao Bằng trao lại cho Mạc Nguyên Thanh, mỗi bên giữ đất yên ỗn sinh sống, để đáp ứng với lòng chuộng lẽ phải yên dân của trẫm, tận xứng đạo nghĩa phiên bang, vĩnh viễn được phúc ân sủng. Hãy cẩn thận suy nghĩ, tuân kính; đừng trái lệnh! Ðặc dụ! ( Thanh Thực Lục,Thánh Tổ Thực Lục quyển 25, trang 25-26)
Dưới áp lực của nhà Thanh, vua Lê Huyền Tông [Duy Hỷ] phải trả lại cho nhà Mạc vùng đất tương đương với tỉnh Cao Bằng thời Nguyễn; gồm các châu Thạch Lâm [ các huyện Thạch Lâm, Thạch An đời Nguyễn], Quảng Nguyên [huyện Quảng Uyên], Thượng Lang [huyện Thượng Lang], Hạ Lang [huyện Hạ Lang]:
Ngày Giáp Tuất tháng 6 năm Khang Hy thứ 8 [10/7/1669]
Bộ binh bàn rằng :
“ Sứ thần đến An Nam Lý Tiên Căn xong việc, mang tờ sớ của Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ về nước; sớ nội dung ‘Cẩn trọng tuân dụ chỉ, đem các đất Thạch Lâm, Quảng Nguyên, Thượng Lang, Hạ Lang thuộc phủ Cao Bằng trả lại cho Mạc Nguyên Thanh; xin ra lệnh cho Mạc Nguyên Thanh qui thuộc bản quốc’. Ðáng chấp thuận theo lời xin.”
[Thiên tử phán] chấp nhận. ( Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 30, trang 6)
Riêng sử nước ta cho biết cuộc hội đàm với Sứ thần Lý Tiên Căn rất gay go, trong 10 ngày đầu nhà Lê chỉ chịu trả cho họ Mạc một châu Thạch Lâm; lại phải giằng co đến hơn 40 ngày rồi qua lời khuyên của chúa Trịnh Tạc, triều đình mới chịu trả cho 4 châu như đã nêu trên:
Tháng giêng, mùa xuân. Sứ thần nhà Thanh sang nước ta, dụ bảo vua nhà Lê đem bốn châu thuộc Cao Bằng cho Mạc Kính Vũ.
Trước đây, Mạc Kính Diệu sang đầu hàng nhà Thanh, ,chưa kịp nhận tước phong, Diệu đã mất, con Diệu là Kính Vũ nối nghiệp cha, tiếm xưng niên hiệu Thuận Đức, đặt tên giả Nguyên Thanh. Nhà Thanh trao cho chức An Nam đô thống sứ, theo như hiệu cũ mà nhà Minh đã phong cho Đăng Dung khi trước. Đến nay quan quân thu phục được Cao Bằng, sai Vũ Vinh Tiến làm đốc trấn để trấn trị. Kính Vũ chạy sang nhà Thanh kêu ca thảm thiết và xin cứu viện. Viên tổng đốc Lưỡng Quảng đem việc này tâu bày, vua nhà Thanh nhận cho Kính Vũ đầu hàng, hạ lệnh cho dời Kính Vũ đến ở tạm tại Nam Ninh, rồi ra đặc chỉ cho nội viện thị độc Lý Tiên Căn và Binh bộ chủ sự Dương Doãn Kiệt sang nước ta dụ bảo, bắt trả lại đất Cao Bằng cho họ Mạc.
Tháng giêng, năm ấy (tức năm Kỷ Dậu 1669), sứ nhà Thanh đến Thăng Long, triều đình nhà Lê dùng lý lẽ biện bác bắt bẻ, kéo dài đến hơn 10 ngày mới tuyên bố sắc văn, rồi lại bàn cho họ Mạc được giữ một châu Thạch Lâm, nhưng Lý Tiên Căn cũng cố giữ lẽ, không nghe, thành ra giằng co đến hơn 40 ngày. Sau Tạc lấy cớ rằng "thờ nước lớn cần phải cung kính theo mệnh lệnh", mới tâu với vua gượng gạo theo lời. Triều đình bèn bỏ đất bốn châu thuộc Cao Bằng cho Kính Vũ, mà triệu Vinh Tiến về. (Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđd, tập 2, trang 320-321)
Năm Giáp Dần [1674] vua Lê Gia Tông [tên xưng với triều Thanh là Lê Duy Ðịnh] lên ngôi, bèn sai Chánh sứ Hồ Sĩ Dương sang cống nhà Thanh, cùng đòi lại đất Cao Bằng đã giao cho họ Mạc. Nhắm ly gián, trong tờ tấu của vua Lê có đoạn tố cáo rằng, Mạc Nguyên Thanh, trong văn tế cha là Mạc Kinh Diệu, đã có lời xúc phạm đến triều đình nhà Thanh:
Ngày Bính Tuất tháng giêng năm Khang Hy thứ 13 [26/2/1674]
Người nối dõi tước Vương nước An Nam Lê Duy Ðịnh dâng sớ ‘ Anh của thần, Quốc vương An Nam Lê Duy Hỷ bệnh mất, căn dặn thần quyền quản nhiếp quốc sự, kính cẩn dâng tấu và sai bọn Bồi thần Hồ Sĩ Dương tiến nạp tuế cống cho năm Khang Hy thứ 8 và năm thứ 11.’ Ðem sự việc báo cho bộ dưới quyền hay biết.
Lê Duy Ðịnh lại có lời sớ rằng: ‘ Các Quốc vương của thần trước đây đời đời giữ nước An Nam, trong nước đều là lãnh thổ của thần. Sau đó bị tên nghịch thần Mạc Ðăng Dung giết rồi cướp ngôi, nhờ tổ của viên Phụ quốc Trịnh Ý tiễu trừ khôi phục. Tàn dư giặc Mạc, chiếm cứ địa phương Cao Bằng, lúc thần phục, lúc phản; truyền đến Mạc Nguyên Thanh, sợ người trong nước thần đánh bắt, nên trốn tránh vào nội địa, lấy danh nghĩa thành tâm qui thuận, nhưng thực chất là tránh tội. Vào năm Khang Hy thứ 8, Khâm sai sứ thần Lý Tiên Căn tuyên đọc thánh chỉ mệnh trả lại cho Mạc Nguyên Thanh phủ Cao Bằng, anh thần là Lê Duy Hỷ [vua Huyền Tông] phiền muộn khôn xiết. nhưng phụng thừa mệnh Thiên tử, không dám không tuân. Nhưng Mạc Nguyên Thanh là kẻ thù không đội trời chung của thần, Cao Bằng là đất thần đời đời giữ, mà chúng làm phản chiếm cứ, đối với kẻ nối dõi thực khó cam tâm. Khẩn khoản đội ơn Thiên tử, lệnh đưa đất Cao Bằng trở lại nước thần. Ngoài ra trước đây Mạc Nguyên Thanh có lời thề, cùng trong bài tế cha y là Mạc Kinh Diệu, có lời chống lại Thiên triều. Nay xin tiến trình, cùng tiến cống sản vật địa phương.’
Ðược chiếu chỉ ban: “ Giao bộ bàn kỹ rồi tâu, những sản vật địa phương tiến cống cho trả về.” ( Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 45, trang 10-11 )
Lời tố cáo của vua Lê Gia Tông không lung lay được ý định triều đình nhà Thanh muốn chia rẽ nước An Nam để dễ bề khống chế, nên tình trạng hai nhà Lê, Mạc cát cứ, vẫn giữ yên như cũ:
Ngày Ðinh Mùi tháng 2 năm Khang Hy thứ 13 [19/3/1674]
Bộ binh bàn rồi phúc tấu:
“ Người nối tước Vương nước An Nam là Lê Duy Ðịnh xin Mạc Nguyên Thanh được thần thuộc. Tra năm Khang Hy thứ 7, dụ Lê Duy Hỷ trả lại Mạc Nguyên Thanh Cao Bằng và hai bên hòa hảo với nhau. Nay Lê Duy Ðịnh bảo rằng thu được văn từ lời thề, theo dấu tích thực thì đây là tế văn, văn này viết đã lâu, văn từ lời thề liên quan đến Mạc Kính Diệu. Bản văn này tịch thu được từ thời Mạc Kinh Diệu, hoặc tại thời Mạc Nguyên Thanh ngày nay, trong sớ không đề cập rõ; nên rất khó phán xét. Vậy nên sắc dụ người nối chức Vương tại An Nam Lê Duy Ðịnh tra rõ ràng, đề xuất đầy đủ, rồi sẽ bàn lại.”
[Thiên tử] chấp thuận. ( Thanh Thực Lục,Thánh Tổ Thực Lục quyển 46, trang 6-7)
Nhưng rồi thời cuộc đổi thay, tại Trung Quốc Bình tây vương Ngô Tam Quế làm phản ở Vân Nam; nhà Mạc tại Cao Bằng đã liên lạc giúp đỡ binh lương. Thừa lúc quân Thanh kéo đến Quảng Tây, triều đình nhà Lê một mặt báo cho biết việc nhà Mạc cấu kết với Ngô Tam Quế, một mặt mang quân đánh dẹp. Nhà Mạc tan rã, Mạc Kính Vũ [Nguyên Thanh] lại phải chạy sang đất Trung Quốc trốn:
Mùa xuân năm Ðinh Tỵ [1677]. Sai Đinh Văn Tả đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Kính Vũ trốn sang đất nhà Thanh. Địa phương Cao Bằng hết thảy đều bình định được.
Trước đây, Kính Vũ dựa vào thanh thế triều đình nhà Thanh, lại chiếm cứ đất Cao Bằng. Đến khi Ngô Tam Quế làm phản ở Vân Nam, Kính Vũ theo theo đế hiệu tiếm ngụy của Tam Quế và giúp binh lương. Tam Quế chết, quân nhà Thanh kéo vào Quảng Tây. Vì thế, triều đình bàn nhân cơ hội này tiến quân tiễu trừ bọn Kính Vũ. Trước hết đưa thư cho Lại Tháp Lị, tướng quân nhà Thanh, kể rõ tội trạng Kính Vũ; rồi sai Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đăng đem quân đi đánh, Thân Toàn giữ chức Thị sư, Đoàn Tuấn Hòa tham tán việc quân. Tháng 8 năm này, bọn Đinh Văn Tả đánh phá được Kính Vũ ở Cao Bằng, Kính Vũ chạy sang Long Châu, đồ đảng còn lại đều tan vỡ.
Dư đảng nhà Mạc chiếm cứ Cao Bằng, kể từ Kính Dụng đến Kính Vũ, trải 3 đời, 85 năm, đến nay mới dẹp tan, triều đình nhà Lê khôi phục được hết đất Cao Bằng. (Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđd, tập 2, trang 340)
Qua cuộc nội chiến tại Trung Quốc, thấy được cách ứng xử và bản lĩnh chính trị của 2 nhà Lê, Mạc. Nhà Mạc vội vàng thừa nhận Ngô Tam Quế, nên cuối cùng bị lỡ việc. Riêng triều đình nhà Lê thì ung dung với chính sách chờ xem [Wait and see], khi biết rõ nhà Thanh trên đà chiến thắng, thì bắt đầu ra tay, mang quân dẹp tan nhà Mạc, rồi gửi văn thư chúc mừng vua Khang Hy:
Ngày Nhâm Tý tháng 11 năm Khang Hy thứ 18 [23/12/1679]
Quốc vương An Nam Lê Duy Trinh [Ðịnh?] chúc mừng thắng lớn, sớ rằng;
“ Nghịch tặc Ngô Tam Quế gây biến loạn mấy năm, ngăn cản đường nước thần đến cống; lại mấy lần sai ngụy quan tìm mọi cách hiếp dụ, bắt thần phục tòng. Thần nhất quyết giữ tấm lòng trung, không dám theo giặc. Nhưng tên nghịch thần trong nước là Mạc Nguyên Thanh bội ơn theo giặc, ngầm cấu kết với Ngô Tam Quế, mang hơn 1 vạn quân mã ngầm vào đất Cao Bằng thuộc nước thần; mưu đồ đánh úp. Nay nhờ uy trời, bọn đảng giặc tại phía nam Vân Nam, sẽ bị bắt trong vài ngày; thần xin sửa soạn nghi lễ cống, một mặt sai Bồi thần đến kinh đô chúc mừng, một mặt đuổi bắt đảng nghịch Mạc Nguyên Thanh, để làm rõ tội.”
Ðược chỉ ban: ‘Lệnh Nghị chính vương và đại thần hội nghị’
Sau đó phúc tấu: “ Viên Quốc vương không quên ơn Thiên tử, hết sức trung thành, không chịu theo giặc; Nay lại đến chúc mừng tiến cống, đáng giao cho bộ lễ, tuân hành theo lệ cũ Quốc vương An Nam tiến cống. Còn việc viên Quốc vương xưng Mạc Nguyên Thanh đầu thuận nghịch tặc nên sai quân truy bắt, thì không cần bàn đến.”
[Thiên tử] chấp thuận. ( Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 86, trang 13-14)
Qua văn bản nêu trên thấy được sự chuyển biến của triều đình nhà Thanh, không còn kết án việc nhà Lê diệt nhà Mạc nữa. Ðể rồi sau đó nhà Thanh chính thức cách chức Ðô thống sứ của Mạc Nguyên Thanh , cùng sai sứ sang nước ta, ban cho 4 chữ “Trung hiếu thủ bang (2)” do vua Khang Hy đích thân chấp bút viết (3):
Ngày 10 Ðinh Hợi tháng 4 năm Khang Hy thứ 21 [16/5/1682]
Bộ binh bàn rồi phúc tấu:
“ Tuần phủ Quảng Tây Hác Cốc dâng sớ tâu: ‘Ðô thống sứ An Nam Mạc Nguyên Thanh cùng em là Mạc Kính Quang bị Trịnh Tộ nước An Nam đánh đuổi, chạy vào nội địa; cũng không có bằng chứng theo giặc trợ ác làm hại địa phương.’ Nhưng viên Tướng quân nguyên nhiệm Mãng Y Ðồ thì tâu rằng: ‘ Mạc Nguyên Thanh bỏ Cao Bằng, thua bại chạy đến Phú Châu (4).’ Lại còn Quốc vương An Nam Lê Duy Chính [Lê Hy Tông] dâng sớ tâu: ‘ Ngô Tam Quế gây biến, Mạc Nguyên Thanh đồng ác tiếp giúp, biện lương cho giặc.’
Mạc Nguyên Thanh chịu ơn lớn của Hoàng thượng, được phong làm Ðô thống sứ, trú giữ Cao Bằng, không lo báo ân; lúc Ngô Tam Quế phản loạn, lại theo giặc trợ ác, lý ra đáng trị tội nặng. Nhưng riêng bản thân, cách chức Ðô thống sứ, miễn nghị xử; riêng Mạc Kính Quang mang gia quyến theo, nạp ấn đầu thuận, miễn bị xử phạt. Nhưng bọn chúng người ngoại quốc, không tiện cư trú tại nội địa; nên viên Tổng đốc cần đưa Mạc Kính Quang và gia quyến trở về An Nam, dặn dò viên Quốc vương đừng giết hại bọn Mạc Kính Quang, lệnh tìm chổ thuận tiện cư trú. (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 102, trang 5-6; tập 5, trang 24-25)
*
Duy trì hai triều đại Lê, Mạc để chia rẽ, nhắm làm suy yếu nước ta, là chính sách nhất quán của Trung Quốc từ triều Minh đến Thanh. Phá vỡ chính sách này để thống nhất đất nước không dễ, nhà Lê trung hưng phải mất hàng thế kỷ đấu tranh, cuối cùng mới chọn đúng thời cơ. Lúc này tại Trung Quốc, vua Khang Hy đang dồn mọi nỗ lực để dẹp nhiều cuộc nỗi dậy trong nước, như Bình tây vương Ngô Tam Quế tại Vân Nam, Tỉnh nam vương Cảnh Tinh Trung tại Phúc Kiến, Sáp Cáp Nhĩ tại Mông Cổ, con Bình nam vương Thượng Khả Hỷ tại Quảng Ðông. Nhân nhà Mạc phạm sai lầm về ngoại giao liên lạc giúp đỡ Ngô Tam Quế, lợi dụng việc này triều Lê trung hưng ra tay dẹp Mạc; khiến vua Khang Hy đành bó tay thuận theo, không còn có thể che chở cho nhà Mạc như trước.
Chú thích:
1.Nam Ninh: tên phủ, hiện nay là Nam Ninh thị, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.
2.Trung hiếu thủ bang: trung hiếu để giữ nước.
3.Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, sđd, tập 2, trang 353.
4.Phú Châu: tên một Thổ châu, thuộc phủ Quảng Nam, tỉnh Vân Nam.