Ngày Xuân mà chơi câu đối cũng là cái thú văn chương tao nhã.
Cũng nhân ngày hết Tết đến Xuân về…bạn mình gửi dăm ba câu đối để vui Xuân và trong đó có câu đối…trong giới văn nhân gọi là “cái nợ văn chương chửa trả xong”:
[Đó là:
- Vế ra của Hồng Hà nữ sĩ mà Cống Quỳnh chịu thua, không đối được:
Da trắng vỗ bì bạch
(bì bạch là da trắng, bì bạch còn là tiếng tượng thanh)
Sau nầy có mấy vế đối nhưng đều không đạt, chỉ có câu sau tạm gọi là trúng cách:
Trời xanh màu thiên thanh
(thiên thanh là trời xanh, tuy nhiên vế đối không chỉnh vì thiên thanh không phải là tiếng tượng thanh).]
Ấy nhưng trong kỳ Hè năm 1976 - thông lệ những năm ấy - các giáo chức tỉnh Lâm Đồng (gồm cả Dalat và Bảo Lộc) tụ về trường Bùi Thị Xuân Dalat học tập chính trị.
Trong một buổi chính trị, một cán bộ chi viện từ miền Bắc…trong lúc lang bang sang chút văn chương, ông ta có nhắc đến bằng câu chuyện kể về câu đối: “Da trắng vỗ bì bạch” với một kết luận: từ nay cái nợ văn chương đã trả xong !
Chuyện rằng: Vào một đêm vừa gió lại vừa mưa…tẩm tã. Các chiến sĩ trên Trường Sơn – một đêm dừng quân – ngồi sử lạnh bên bếp lửa hồng…lang bang nhiều chuyện lại lạc vào miền văn học. Thế rồi “cái nợ văn chương da trắng vỗ bì bạch” lại được đem ra bàn. Một chiến sĩ giải phóng quân mới trả món nợ ấy:
Da trắng vỗ bì bạch
Rừng sâu mưa lâm thâm
Lâm là rừng…sâu là thâm. “Lâm thâm” đối với “rừng sâu”. Cái hay của vế ra là: “bì bạch” là từ Hán mà cũng có nghĩa là “da trắng”…thì “lâm thâm” cũng là từ Hán có nghĩa là “rừng sâu”. Đối chan chát với nhau như vậy sao không gọi là chuẩn. Cho nên từ ấy: cái nợ văn chương đã trả xong.
Đến giờ break time…các bạn tụm năm tụm bảy bàn về câu đối ấy. Một chị gv. Cấp 3 ở Bảo Lộc bảo: “lâm thâm” là tiếng địa phương của miền Bắc bị biến từ “râm râm” mà ra. Như mưa lâm râm…mưa rã rich…“mưa rừng ơi mưa rừng…giọt mưa như thương ai nhớ ai…mưa triền miên !” Và…từ “lâm thâm” hay “lâm râm” là từ tượng hình chứ không phải là từ tượng thanh như “bì bạch”. Chị ấy tiếp: “cái ông này trả nợ bằng tiền âm phủ đây !”
Lại có một chị ở trường Trại Mát Dalat thêm: “bì bạch” là tiếng tượng thanh của tiếng Việt chứ đâu có phải là từ Hán. Từ Hán không dùng cấu trúc tính từ đứng sau danh từ (mà nó bổ nghĩa). Tiếng Hán giống tiếng Anh: White House = Bạch Ốc (tính từ đứng trước, danh từ đứng sau) chứ không như cấu trúc tiếng Việt: “Nhà Trắng” (danh từ đứng trươc, tính từ đứng sau). Nếu nói “da trắng”… “da đen” thì tiếng Hán gọi là “bạch bì”…“hắc bì” chứ không lộn sòng sang tiếng Việt đặt danh từ trước, tính từ sau. Tiếng Hán đâu có nói: bì bạch…bì hắc…đâu !
Tuy nhiên, trong tiếng Hán: "tính từ" (adj) có thể biến thành "động tử "(verb) khi nó đứng sau một "danh từ" (noun)...nó biến nghĩa theo động từ đó...diễn cái nghĩa "hóa nên...","biến thành..."...
- bì bạch = da biến thành trắng/da hóa trắng [như trong trường hợp bệnh "bạch tạng".
- do đó "bì bạch" của bà Đoàn Thị Điểm không đồng nghĩa với "da trắng"...mà nó muốn diễn cái âm thanh chứ không diễn cái nghĩa "da bạch tạng !".
Cấu trúc tiếng Việt khác với cấu trúc tiếng Hán:
- Tiếng Việt đặt trọng từ trước phụ từ: sông Bạch Đằng…cung Thủy Tề…vịnh Cam Ranh…nhật báo Nhân Dân…VN Xã Hội Chủ Nghĩa…/ sông có nhiều tên, cung có nhiều loại cung, vịnh có nhiều nơi, nhật báo có nhiều tựa, VN có nhiều hình thức (VN Dân Chủ Cộng Hòa)…từ làm chủ đạo (chính) đứng trước, từ phụ đứng sau bổ nghĩa.
- Tiêng Hán đặt phụ từ trước trọng từ sau: Bạch Đằng Giang…Thủy Tề Cung…Cam Ranh Vịnh...Nhân Dân Nhật Báo…Xã Hội Chủ Nghĩa VN…(cấu trúc Hán ngược lại cấu trúc Việt)
Thế là câu chuyện bì bạch sang ngang !
“Bì bạch” là thuần Việt. “Da trắng” là thuần Việt.
Vậy là trong vế ra của câu đối này: “Da trắng vỗ bì bạch” hoàn toàn Việt, không lẫn một chút Hán nào hết; cho nên người đối không phải chuyển “da trắng” thành tiếng Hán mà chỉ yêu cầu là một từ gợi âm thanh khi vỗ vào da trắng đó mà thôi. Ví dụ: “da đen sờ sột soạt” ! Da đen đối với da trắng chưa chuẩn vì cũng lặp lại “da”. Vậy thì: “Răng đen đánh lộp độp/cắng răn rắc” – “tóc đen bay phành phạch”. Có lẽ chọn “phành phạch” để đối với “bì bạch”…nghe ra nó ành ạch…!!! Tiếc là “ì ạch” không phải là từ tượng thanh. [nhưng có người giải nghĩa nó là từ tượng thanh]
Không biết vế đối “Da trắng vỗ bì bạch” có phải của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm không ???
Khó thuyết phục được là của bà Đoàn Thị Điểm vì bà thâm nho cả Hán lẫn Nôm, lẽ nào bà lại xuất ra vế đối…quá dễ như vậy hoặc nhầm lẫn như vậy ? Còn cái ông Cống Quỳnh (Trạng Quỳnh nào đó ?) quên cấu trúc tiếng Hán, tiếng Việt rồi chăng ?
Cái quá khó là làm sao tìm cho ra một từ Hán giải nghĩa được của từ “da trắng” mà nó lại phải là một âm thanh. Cho đến nay, cái khó này đã gây ra một món nợ văn chương chưa ai trả được !!!
Còn nó là Việt cả…thì…thoải mái thôi:
- Chân dài lội bì bỏm !
- Mưa phùn rơi lộp độp !
- Gà mái kêu oang oát !
Và không quên nổi...cái vế của bà Đoàn Thị Điểm da trắng... Nên, nếu được đối...Xin thưa:
Da trắng vỗ bì bạch !
Trai tơ mơ ầm ầm !
Câu đối có nhiều cách đối: đồng nghĩa, trái nghĩa, đối âm, đối từ, đối ý, đối lái...đối Hán Việt - Việt Hán..v.v...nhưng chủ yếu là "CHƠI CHỮ".
Nhưng "Da trắng vỗ bì bạch" vs "Trai tơ mơ ầm ầm"...chẳng có gì chơi ở đây cả.
Trớt hướt !!!
Tuy nhiên, theo truyện kể: bà Đoàn Thị Điểm đang tắm; ông Trạng Quỳnh đòi vào tắm chung. Bà bảo: nếu đối được câu này thì bà sẽ cho vào. Ông Quỳnh mừng húm...OK ngay ! Nhưng sau khi nghe được rồi, ông ta tịt ngòi...rông tuốt !
Câu đối thường là 2 vế: vế ra và vế đáp. Vế ra là của người ra câu đối. Vế đáp là của người trả lởi (hồi đáp).
Ắt hẳn Nữ Sĩ nhà ta vận dụng cả nghĩa của vế ra..."là vế của bà", cho nên bà mới trình diện cái vế của bà: "Da trắng vỗ bì bạch" (lúc ấy bà đang tắm...chắc là ông Quỳnh đang nghe cả tiếng vỗ bì bạch). Ý bà là (chắc là bà đang nói): đây, vế của tui đây: da trắng vỗ bì bạch ... ông nghe chưa ?- vì ông đang đứng cạnh đó - Bà đang chơi chiêu...chắc là kế Khổng Minh: nói cái quá tầm thường làm sao người trí nghĩ ra nổi...họ chỉ nghĩ đến điều cao siêu. Ông Bà đã chơi chữ với nhau nhiều rồi...quá hiểu nhau. Đó là điều bà vận dụng: bà chơi kiểu khác: chơi toàn bằng tiếng Việt !!! Bà biết chắc Quỳnh sẽ sụp bẩy này. Quả là bà tuệ hơn cà người trí !!! Và Trạng Quỳnh lọt hố thật !!!
Chẳng những Trạng Quỳnh lọt hố…mà cả những bậc thâm nho Annamit nhà ta cũng hố hàng luôn…với cái “bì bạch” của Hồng Hà nữ sĩ ! Từ đấy ngậm nho như ngậm bồ hòn !!!
Xin tặng nho khô câu đối mà bà Đoàn Thị Điểm đã dành sẵn:
"da trắng vỗ bì bạch"
“mồm câm tát bèm bẹp”