Mắt tôi đen huyền thăm thẳm, mắt Krystel lại biêng biếc một màu xanh đại dương. Krystel là học viên của tôi, còn rất trẻ. Cả cách ăn mặc cũng vậy. Ao sát nách, quần jean, áo khóac không mặc mà buộc ngang hông. Cô ăn mặc như thế trong ngày đầu tiên được giới thiệu với tôi. Tôi thấy mình già dặn và chững chạc hẳn trước vẻ nghịch ngợm trẻ trung đó. Qua buổi đầu tiên làm việc tôi biết Krystel đã có đôi chút vốn liếng tiếng Việt vì đây là một môn học cô tự lựa chọn cho chương trình Đại học của mình. Nhân tiện đến Việt Nam cô muốn trau giồi thêm đôi chút. Học có mục đích thế này là dấu hiệu đáng mừng. Nản lòng nhất là gặp phải học viên chỉ học chừng dăm bữa để biết dăm câu tiếng Việt chào hỏi cho vui. Thật tình với đối tượng này tôi chẳng biết dạy dỗ ra sao vì tôi không muốn công việc của mình trở thành một trò giải trí. Krystel đến lớp khá đều đặn. Gọi là “lớp” nhưng chỉ có một thầy một trò. Căn phòng nhỏ yên tĩnh. Khung cửa sổ rộng mở ra một hành lang dài có trồng vài chậu trúc lá xanh lòa xòa lao xao tiếng gió, hai cây cau kiểng trái đỏ thắm như son. Chừng như vòm cây lá đông phương này quyến rũ Krystel rất nhiều. Đôi mắt xanh trong veo lơ đễnh mơ màng nhìn ra dãy hành lang hun hút. Một đôi mắt thế này nếu có nỗi buồn sẽ giấu vào đâu?
Tôi lật sách, tiếng giấy lọat sọat làm Krystel quay lại chớp mắt cười như biết mình phạm lỗi. Cô cúi xuống bài học dở dang, vầng trán hơi cau lại cố đặt một câu cho đúng ngữ pháp:
- Cha tôi là người Normandie. Anh ấy đến Paris…
- Ong ấy đến Paris.
Tôi cười sửa lại. Krystel quay hẳn người lại, mái tóc vàng bung ra ánh lên rực rỡ. Cô nói rất nhanh, rất hăm hở bằng tiếng mẹ đẻ của mình:
- Sao lại “ông”? Chị chẳng bảo là đàn ông còn trẻ thì gọi bằng “anh” đó sao? Lúc đến Paris ba em còn trẻ lắm, trẻ hơn em bây giờ. Mới vào Đại học mà, chưa vợ mà, tuy bồ thì có đến hàng tá.
Tôi bật cười thành tiếng. Không chờ giải thích Krystel lại liếng thoắng:
- Ong ấy khờ khạo lắm. Lúc nào cũng chạy theo đàn bà. Cả đời chạy theo đàn bà. Hồi ba mẹ chưa li dị em ở cái nhà đẹp lắm.
Krystel vớ ngay tờ giấy vừa nguệch ngọac vẽ vừa giải thích:
- Cái nhà hình chữ L thế này nhé. Có cả thảm cỏ, có cả hoa hồng. Nhưng phòng ba ở đầu này, phòng mẹ ở tuốt tầng hai, đầu kia. Mỗi người một đầu vậy đó mà cãi nhau hòai. Còn đây là phòng em. Mở cửa ra em có thể thấy cả dòng sông Seine. Chị biết không, vào mùa xuân…
Đến đây thì tôi đuối sức không thể nào bắt kịp. Krystel nói rất nhanh, rất hăm hở, say sưa. Cái vốn liếng tiếng Tây còm cõi của tôi đã phải họat động hết công suất. Tôi có cảm tưởng mình đang ngồi trong xe hơi phóng hết tốc lực và thành phố Paris vùn vụt lướt qua. Lóang thóang tôi bắt gặp những tháp chuông, những cây cầu và bầy chim câu sà xuống mổ thóc trên tay người. Hình như Krystel có nhắc đến một con đường đẹp lắm men theo bờ sông nơi chiều chiều người ta đi dạo. Tôi thấy hiện ra hình ảnh anh với chiếc áo ấm xám tro tay cho vào túi thả bước dưới bóng cây lơ đãng nhìn màu nắng ánh vàng trên dòng sông lấp lánh. Hẳn là trời lạnh lắm. Một chiếc áo gió xám tro, phải rồi, và cổ phải có lông xù mới đủ ấm. Tôi mỉm cười với những hình ảnh vẽ vời tưởng tượng. Krystel chấm dứt câu chuyện bằng một câu hỏi. Nghe giọng điệu tôi biết đó là một câu hỏi nhưng không bắt kịp cô muốn hỏi gì. Thế là cả hai cùng cười. Krystel không nhắc lại mà thay vào đó bằng một lời mời: “Khi nào đến Paris thì chị đến nhà em nhé”. Cô lại nói về giá cả đắt đỏ, nói về giá thuê khách sạn và những chi phí linh tinh khác. “Về nhà em tiện lắm. Ba mẹ chia tay rồi. Em ở với mẹ”. Tôi nhìn vào đôi mắt trong xanh của Krystel để tìm dấu tích đổ vỡ của một cuộc ly hôn nhưng chẳng thấy một chút gì đọng lại. Trong đôi mắt xanh ngời trong veo như thế này nỗi buồn sẽ tan biến rất nhanh, như sương tan đi dưới ánh mặt trời rạng rỡ. Ước gì tôi cũng có một đôi mắt không biết đến nỗi buồn như thế. Tôi cúi xuống trang sách loay hoay tìm cách đưa về bài học dở dang. Krystel chừng như không để ý mấy đến những “ông” những “anh” mà cô vừa thắc mắc. Tôi hơi nản lòng. Vậy mà cô nói ở Pháp muốn học tiếng Việt với một “giáo sư” như tôi phải tốn nhiều tiền lắm. Dù giải thích thế nào thì Krystel vẫn trịnh trọng gọi chức danh của tôi bằng tiếng Việt là “giáo sư”. Krystel rất ham nói. Nhưng cứ một câu tiếng Việt lại kèm cả chục câu tiếng Tây thế này thì việc học tiếng Việt của Krystel hẳn không đi đến đâu trong khi vốn liếng tiếng Tây còm cõi của tôi lại khá ra trông thấy. Chẳng lẽ cô đến đây chỉ để tìm tôi như một người bạn tâm tình. Việc này thì hẳn cả hai cùng thất vọng. Ngay cả màu mắt của cả hai đã là điều tương phản. Kim đồng hồ chỉ đúng giờ về. Krystel vén mái tóc vàng hoe bới cao bằng một chiếc cặp nhựa lắc đầu:
- Tiếng Việt của chị rắc rối quá.
Rồi chừng như sợ tôi buồn cô lại ngước nhìn tôi cười, cố gắng hỏi tôi bằng tiếng Việt:
- Tối nay chị làm gì?
Tôi cũng cố gắng tìm mẫu câu đơn giản nhất để trả lời:
- Tôi đọc sách.
Krystel cong đôi mày lên lia một tràng tiếng Tây:
- Sao thế? Hôm nay cuối tuần mà. Thế bạn chị đâu? Hay chị với anh ấy giận nhau?
Tôi chợt bối rối:
- Anh ấy đi công tác xa.
- Đi đâu? Chị bảo anh ấy là thầy giáo mà.
- À, à… anh bạn khác không phải anh thầy giáo.
Krystel có vẻ trầm ngâm, lại mơ màng ngó ra cửa sổ rồi quay lại đột ngột hỏi:
- Chị quen anh ấy lâu chưa? Anh thầy giáo đó.
- Mười năm.
- Mười năm… Người ta sẽ làm gì trong mười năm đó?
Làm gì ư? Tôi cũng chẳng biết. Có những cuộc tình kéo dài cả đến mười năm cũng chẳng biết để làm gì, chẳng đi đến đâu mà cũng chẳng can đảm chia lìa. Tôi nghĩ đến khung trời rộng rãi của Krystel. Những cuộc sống chung, sống thử, sống không cần giá thú… Nhưng cuộc tình như thế đôi khi lại nhẹ nhàng hơn…
*
Tôi có một buổi chiều cho riêng tôi. Một chút son môi, một chiếc váy vừa ý và gót giày nhỏ xíu khua nhẹ lên những con phố thân quen. Chẳng còn bận bịu, chẳng có gì vội vàng tôi nhẫn nha đắm mình trong khoảng trời riêng. Tôi tìm đến một con phố bán nhiều áo ấm, chóang ngợp trước những sắc màu. Chưa phải là mùa rét nên những cửa hàng vắng khách. Tôi chọn một chiếc màu xám, đúng màu xám tro và cổ có lông xù. Chiếc áo như tỏa ra một hơi ấm thân quen nồng nàn tha thiết. Mầu xám tro gợi lên một nỗi nhớ xa xôi mà gần gũi, một bóng hình thân quen đã từ lâu lắm vẫn đợi chờ. Tôi đặt tay lên mình vải. Chị bán hàng nhanh nhẩu:
- Chị mua áo để đi nước ngòai?
Tôi thóang giật mình rồi lại mỉm cười vì nhận ra lọai áo này không thích hợp với vùng đất nhiều nắng ấm như ở đây. Tay tôi lần lên lớp lông xù trên cổ và tìm ra mẩu giấy nhỏ. Một cái giá làm tôi chóang váng. Tôi bước xa vài bước ngước mắt ngắm nhìn chiếc áo lần nữa. Mầu xám tro, đúng là mầu xám tro, cái mầu xám ủ kín những đốm than hồng âm ỉ cháy. Tôi nghĩ đến ví tiền mình. Nếu vét sạch sẽ chưa chắc đã đủ. Bên tai, chị bán hàng vẫn kiên trì thuyết phục. Tôi ngập ngừng trả giá, không tin tưởng mấy với giá mình đưa ra. Quả nhiên chị chỉ lịch sự mỉm cười. Tôi quay đi rồi quay lại. Không biết chị ta đọc được những gì trong mắt tôi, chị cứ chờ tôi trở đi trở lại như thế đến mấy lần. Cuối cùng tôi mua được chiếc áo với giá không kém con số ghi trên mẩu giấy bao nhiêu. Tôi ôm gói hàng trở ra lòng ngân lên một niềm vui nhè nhẹ. Buổi chiều đẹp, đẹp tuyệt vời. Vòm cây lá trên đầu xôn xao, những bước chân người, những vòng xe rộn rã… Tôi băng qua một con phố khác chợt ngẩn ngơ trước một rừng cờ. Người ta bày bán cờ tổ quốc khắp nơi. Ao, nón lá và cả băng-rôn đỏ chói. Đang ngơ ngác nhìn quanh tôi bắt gặp môt mái tóc vàng hoe buộc quanh trán bằng một dãi vải đỏ với ngôi sao vàng chóe. Tôi nhận ra Krystel. Chiếc nón lá trật ra sau lưng, áo thun lửng, một tay xách tòn ten cái giỏ đệm đã sờn, tay kia cầm cờ ve vẩy. Tối nay có trận chung kết giữa đội tuyển Việt Nam và Indo. Hèn gì con phố này rực màu cờ đỏ và những khuôn mặt quanh tôi hớn hở, rạng ngời đến thế. Cả tuần nay đi đâu cũng nghe bàn tán về SEA Games, về bóng đá. Krystel muốn băng qua đường. Tôi thấy cô thò chân xuống đường rồi lại thụt lui, mắt ngó trước ngó sau dáo dác. Con đường trở thành một dòng sông, xe cộ tuôn như nước. Krystel sợ nhất là đường sá Việt Nam với tiếng còi toe toe nhức óc với những kiểu lạng lách kinh hồn. Krystel đã qua được đường phía bên kia. Cô đi lẫn vào đám đông khuôn mặt bừng lên như một bông hoa tràn trề sức sống. Và tôi, giữa rừng cờ đỏ thắm, tôi ôm màu xám tro của mình lặng lẽ trở về.
Khép cửa phòng, tôi đứng trước gương, thấy mình nhỏ bé trong chiếc áo rộng thùng thình dài gần đến gối và mỉm cười với ý nghĩ bao giờ mình cũng nhỏ bé trước anh. Tôi cúi xuống. Lớp lông xù trên áo mơn man đôi má mịn màng ấm áp. Như thế này thì chiếc áo trước khi thuộc về anh nó đã cùng tôi suốt một buổi chiều quấn quýt. Căn phòng nhỏ đắm mình trong giai điệu tình ca buồn buồn. Bài hát cho một cuộc tiễn đưa. Tôi nằm xuống giường, vùi đầu trong tóc đắm mình vào giai điệu trữ tình đắm đuối. Bài hát vỗ về mơn trớn trái tim tôi.
Mẹ lặng lẽ nhìn tôi bằng đôi mắt thật buồn khi biết tôi lại đến với anh. Tôi dẫn xe ra ngõ. Đôi mắt hắt hiu của mẹ níu bước chân tôi. Người mở cửa cho tôi vào không phải là anh. Trên chiếc ghế bành anh đang thỏai mái duỗi thẳng chân. Bờ ngực vạm vỡ mướt mồ hôi như một vận động viên sau khi thi đấu. Trên bàn, võ bia rỗng và thức ăn thừa ngổn ngang. Trận đấu đứng tim, gay cấn đã kết thúc. Phần thắng nghiêng về Việt Nam với tỉ số hai – không. Hèn gì bầu không khí hào hứng sôi nổi đến thế. Thấy tôi, mấy người bạn anh đứng dậy. Anh khóac vội chiếc áo vào người tiễn bạn. Chừng như mọi người vẫn còn nuối tiếc. Câu chuyện dùng dằng đến cổng và tiếng nói cười râm ran vang cả con hẻm nhỏ. Anh trở vào thả người xuống ghế bành uể ỏai vuôn vai. Môt phút im lặng. Tự nhiên tôi cảm thấy lúng túng và không biết mình muốn nói gì:
- Mai anh đi…
- Không phải mai mà là ngày kia.
- Vâng, em biết. Em đến để… để…
Anh cười thản nhiên:
- Chắc không phải để tiễn đưa bởi vì như thế cũng có hơi sớm phải không?
Tôi cười gượng xoay xoay chiếc ly không trong tay. Anh đứng dậy:
- Để anh lấy nước.
Tôi xua tay:
- Thôi anh, em mới ở nhà đến đây mà. Với lại em đâu phải là khách.
Anh lại ngồi xuống. Cổ áo sơ-mi khóac vội vàng kéo trễ xốc xếch và tấm thân mướt mồ hôi như bức bối trong lần vải nhàu nát. Tôi ngửng đầu lên:
- Anh đã chuẩn bị xong hành lý chưa? Có cần em…
- Đủ rồi Vy ạ. Cũng không có gì nhiều.
- Anh nhớ mang theo nhiều vớ, áo ấm và cả khăn quàng vì trời sẽ lạnh, rất lạnh.
- Cảm ơn Vy, tất cả đã đâu vào đấy rồi.
Anh chỉ cho tôi chiếc va-li lớn cuối góc phòng. Tất cả dây kéo đã được kéo lại gọn gàng, tươm tất. Ổ khóa lủng lẳng ở đó như một khẳng định lạnh lùng. Chiếc va-li cũng như anh, đầy đủ và sung mãn. Hai bàn tay tôi, trái tim tôi là thừa. Tôi run người khi nghe anh trầm giọng:
- Chỉ đơn giản thôi, Vy à. Anh đi ba năm rồi về.
- Ba năm…
- Khoảng cách đôi khi lại cần thiết.
Tôi ngơ ngác nhìn anh. Giá tôi cũng biết suy luận để lý giải vấn đề rạch ròi khúc chiết như anh. Tôi đưa hai tay nâng cằm, cánh chỏ tì lên chiếc bàn gương, cảm thấy khuôn mặt mình nóng bừng bừng. Chẳng phải anh đang cố tình giữ một khoảng cách giữa tôi và anh đó sao. “Mười năm… người ta sẽ làm gì trong mười năm đó?” Mười năm và một khoảng cách ngày một lan rộng ra. Tôi bất lực đứng phía bên này mơ về một bãi bờ xa lắc. Đau đớn nhất là những giây phút như lúc này đây, trước anh, một khuôn mặt đóng im ỉm không vui, không buồn, không cảm xúc, một cái nhìn khép kín dửng dưng. Tôi cúi đầu nghe mưa gió mười năm trời vọng lại. Từ cái nhìn đầu tiên tôi đã nghe định mệnh phán truyền rằng cuộc đời tôi phải thuộc về anh. Tình yêu của anh là nơi con tim tôi trú ngụ. Dẫu biết nơi ẩn náu của mình đã rách nát tiêu điều tôi chỉ biết vá víu chỗ này, chắp nhặt chỗ kia. Tôi sợ đổi thay. Làm sao có thể dứt bỏ một cuộc tình vun vén gần chục năm trời. Còn anh, anh lại nhàm chán với những lối mòn, đơn điệu. Cuộc tình này như một cuốn sách anh đã thuộc lòng từng đọan, từng chương. Tôi không hề chuẩn bị tinh thần. Cách đây ba hôm anh ghé nhà báo tin sắp đi Pháp. Đến vội vã và ra về vội vã, bỏ lại tôi hụt hẫng rối bời. Tôi có cảm tưởng chuyến đi này với anh là một giải thóat. “Khoảng cách đôi khi là cần thiết.” Vâng, tôi hiểu, điều này là cần thiết cho anh. Tôi đứng lên:
- Mai anh đi…
Anh cười nủa thực nửa đùa:
- Ừ, thì anh đi. Nhưng nếu có muốn ở lại luôn thì người ta cũng đuổi anh về kia mà.
Anh dẫn xe tôi ra ngõ, im lặng một lát rồi trầm giọng xuống. Cái nốt trầm vẫ làm rung động tận đáy lòng tôi.
- Cảm ơn em đã đến. Như thế này cũng đã là tiễn đưa nhau rồi đấy.
Tôi phóng xe đi, không dám ngóai lại nhìn anh. Bây giờ những giọt nước mắt mới tự do trào ra thành giòng trên má. Trước giỏ xe chiếc áo gió xám tro tội nghiệp vẫn cuộn tròn nằm đó. Tôi nhớ đến chiếc va-li căng phồng sung mãn và kiêu hãnh. Tôi nhớ đến dây kéo chằng chịt và ổ khóa sáng bóng. Tất cả đã đầy, đã tràn, đã khép chặt từ lâu. Chiếc áo màu xám tro tôi nghiệp của tôi. Chiếc áo mà tôi mua trong một buổi chiều lãng mạn và đã lãng mạn mặc vào người để gói ghém gởi theo anh một chút hơi hớm tình yêu. Như một cái máy, tôi vòng xe qua vài con hẻm rồi bỗng ngơ ngác trước vẻ náo nhiệt của con đường. Cả thành phố đang xuống đường tung hô ủng hộ nền bóng đá nước nhà. Tôi bị cuốn vào dòng người và xe cộ. Cuộc sống vỡ òa ra trước mắt ào ạt, bất ngờ. Dòng người cuốn tôi đi, rừng cờ cuốn tôi đi cùng tiếng hò reo, tiếng trống, tiếng gầm rú của đòan xe. Một chiếc xích lô chở năm sáu em bé cởi trần, mặt bôi xanh, bôi đỏ cầm cờ la hét. Một thanh niên dẫn đầu đám đông vừa đi vừa đánh xập xèng vang góc phố. Và trong rừng người hỗn độn đó, tôi vẫn nhận ra bên kia đường, dưới ngọn đèn cao áp, trong một nhóm người nước ngòai, mái tóc vàng hoe của Krystel, áo hở eo, hở cả lưng, cánh tay trần đưa cao lá cờ sôi nổi ủng hộ Việt Nam. Tôi nhìn xuống giỏ xe. Chiếc áo ấm tội nghiệp cuộn tròn thu mình câm lặng. Màu xám chỉ còn là mớ tro tàn lạnh lẽo. Nước mắt đã khô. Nỗi buồn đã lặn vào trong mắt tôi nhưng không hề tan biến. Tôi biết, sáng mai nó sẽ hiện ra trong mầu mắt thăm thẳm đen huyền.
*
Buổi học cuối cùng trôi qua trong tẻ nhạt và dài lê thê. Cả hai cùng lơ đãng, cùng mong những phút cuối cùng chấm dứt. Mắt Krystel dõi mãi ra ngòai hành lang hun hút như muốn ngóng chờ một điều gì đó thật xa xôi. Tôi tự hỏi sao cô lại bắt mình chịu đựng một công việc vô bổ nhàm chán đến thế này. Cô cứ việc để thì giờ nghỉ ngơi giải trí. Đến Việt Nam, Krystel chẳng đi chơi đâu xa, chẳng rời thành phố quá ba bữa. Cô đến lớp đều đặn nhưng lơ đễnh đến bực mình. Tôi áy náy vì gần nửa tháng trời làm việc cô chẳng thu nhận được gì nhiều so với học phí bỏ ra. Điều này gần như khác hẳn với những học viên trước. Mai Krystel về Pháp rồi. Buổi cuối cùng cô vẫn đến nhưng lần này không còn liến thoắng hết chuyện nọ đến chuyện kia nữa mà cứ ngồi trầm ngâm trước trang sách mở. Những tháng ngày ở đây đã thực sự làm Krystel nuối tiếc? Tôi vẩn vơ tự hỏi. Nhưng thế này lại may cho tôi vì chiều nay tôi cũng chẳng còn đầu óc đâu để làm việc. Anh đi rồi! Đi thật rồi! Tôi thấy mình hụt hẫng. Buổi sáng đến phi trường trời còn mờ tối, khó khăn lắm tôi mới tìm thấy anh trong đám người và hành lý ngổn ngang hỗn độn. Cả hai cứ đứng bên nhau như thế thật lâu. Anh phả khói thuốc vào tóc tôi và tôi nghe trái tim mình nức nở. Có lẽ đây là giây phút dịu dàng cuối cùng anh dành cho tôi. Ngòai kia trời trở gió như có một cơn bão rớt sắp đi qua thành phố. Hơi ấm của anh quyện lấy người tôi nồng nàn ngây ngất. Anh đặt tay lên bờ vai tôi, nâng cằm tôi lên như lần đầu tiên… Tôi khép mắt run rẩy đợi chờ…
- Thôi, em về đi và… đừng chờ thư anh.
Hụt hẫng tôi mở mắt ra chỉ kịp thấy anh quay người với những bước chân quả quyết. Tôi sững sờ như tượng mấy phút sau mới tỉnh ra. Cuống quýt tôi chen vào đám đông. Anh ở đâu? Cánh cửa rộng mở ra trước mắt tôi. Trong kia, dưới ánh đèn sáng choang là những quầy tấp nập hành khách làm thủ tục. Một tấm bảng trước cửa ra vào đập vào mắt tôi: “Qúy khách đã làm xong thủ tục không trở ra sảnh tiễn”. Tôi ngơ ngác. Ngòai kia, bầu trời xám đục báo hiệu một ngày không có nắng…
Krystel đưa tôi bài tập ngữ pháp cô vừa làm xong. Chẳng biết vô tình hay cố ý hôm nay cả hai cùng chọn lối học ít lời này. Tôi sửa cho cô vài lỗi nhỏ và gần như nhẹ cả người khi kim đồng hồ chỉ đúng giờ về. Có lẽ cô quyến luyến căn phòng này thật. Tôi thấy cô thu xếp sách vở rất chậm rãi và từ tốn, trái với thói quen mọi ngày. Krystel bỗng ngước nhìn tôi chớp mắt:
- Đi uống cà-phê với em chị Vy nhé.
Tôi hơi bị bất ngờ nhưng vẫn gật đầu. Krystel đã tìm thấy gì ở tôi. Trong khi cô hồn nhiên hăm hở nói hết về mình thì tôi lại e dè khép kín và tìm cách né tránh mọi vấn đề riêng tư. Nói ra để làm gì. Chẳng có một điểm nào tương đồng giữa chúng tôi thì dễ gì hiểu được nhau đâu. Căn phòng nhỏ nơi tôi ủ kín cuộc tình buồn và khoảng trời rộng rãi tràn trề gió nắng mà Krystel vùng vẫy… Tôi đưa Krystel đến một quán cà-phê, chọn một chiếc bàn con nơi góc khuất. Chùm đèn trên tường hắt ánh sáng vàng vọt xuống chiếc bàn phủ khăn trắng tinh. Bóng tôi và Krystel lờ mờ trên ô cửa kính. Cả hai cùng im lặng trong vùng bóng tối riêng tư.
- Chị Vy này, nếu như chị gặp một người tên là Bertrand Labrot…
Tôi bừng tỉnh vì ngạc nhiên. Krystel bối rối:
- Anh ấy sẽ đến đây, thế nào anh ấy cũng đến viện. Tụi em học cùng lớp tiếng Việt. Cả hai đã hẹn nhau sẽ đi du lịch Việt Nam.
Tôi vẫn im lặng như đợi chờ. Krystel hạ tia nhìn xuống. Hàng mi dày và đẹp xôn xao:
- Nhưng giờ thì chia tay rồi.
- Giận nhau phải không?
Krystel lùa tay vào mái tóc óng vàng, mái tóc bồng bềnh phủ vầng trán đẹp:
- Cũng không hẳn thế. Buổi tối khi về nhà mở hộp thư thọai em nhận được lời nhắn của anh ấy. Chỉ đơn giản thôi “Mọi chuyện coi như kết thúc”.
- Nhưng tại sao?
Đặt câu hỏi rồi tôi mới nhận thấy rằng hầu như trong những cuộc tình câu trả lời là không cần thiết. Lặng lẽ tôi vắt chanh vào ly trà Lipton tỏa khói rồi dùng thìa khuấy nhẹ. Giọng Krystel xa xôi:
- Rồi sau đó em không thấy anh ấy nữa. Em đến Việt Nam một mình.
- Và Krystel đến viện chỉ để ngóng mãi ra dãy hành lang…
Vuốt một lọn tóc vàng óng, Krystel nhìn tôi. Đôi mắt u uẩn của nàng tiên cá khi đã đánh đổi giọng hát của mình để được đến với tình yêu. Tôi nghe tiếng những đợt sóng ngầm ngân dội lên từ đáy đại dương sâu thẳm:
- Em yêu anh ấy.
Giọng em xô sóng vào lòng tôi. Tôi chông chênh thấy cát dưới chân mình cuốn theo từng đợt sóng:
- Và em khổ, phải không?... Tôi cũng vậy.
Krystel ngước lên. Tôi nhìn thấy những chấm sao khuya lấp lánh trong đôi mắt hòang hôn:
- Em biết, có một người… Anh ấy có thể là thầy giáo có thể không. Nhưng chắc chắn anh ấy làm chị buồn, buồn thật sự.
Tôi nhìn ra ô cửa kính lấp lánh ánh đèn. Đêm quá mông lung:
- Anh ấy đi rồi…
Giọng tôi nhẹ như tiếng thở dài, và tiếng thở dài lại lịm đi trong giai điệu tình ca. Nhịp tim em hòa cùng nhịp tim tôi thổn thức. Tôi nhìn mái tóc vàng kim óng ả phủ xuống đôi bờ vai trần nõn nà như ngọc. Tôi nhìn vào đôi mắt xanh màu biển, màu trời… Sao mà gần gũi với lòng tôi đến thế. Cả em, cả tôi chỉ là những hạt cát. Thế gian này quá rộng và người ta mải miết kiếm tìm nhau. Tôi thấy em nhỏ nhoi lạc lõng. Tôi thấy tôi bơ vơ kiếm tìm anh. Những sân ga, những bóng đèn vàng vọt, những chuyến tàu mất hút vào đêm…
Trời lại mưa khi chúng tôi ra khỏi quán. Chiếc taxi trờ tới đỗ bên lề. Krystel quay lại nhìn quanh rồi ngập ngừng:
- Cho phép em hôn chị nhé.
Tôi quàng tay qua người Krystel, xiết lấy tấm thân mềm và ấm. Krystel cúi xuống. Một nụ hôn đậu trên trán tôi cháy bỏng. Nước mắt em lăn trên má tôi. Cửa xe mở, em bước lên đưa tay vẫy. Tôi chợt nhớ đến câu nói còn bỏ lửng của Krystel “Nếu chị có gặp một người…” Nếu có gặp một người… Hỡi người tôi yêu và mãi mãi còn yêu, giờ này anh đang ở đâu giữa đất trời thăm thẳm? Tôi đứng lặng dưới hàng hiên. Trước mặt một màn mưa giăng lấm tấm. Con phố vắng hun hút hai dãy đèn vàng. Một bài hát cũ ngân lên từ đáy lòng tôi quấn quýt
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly…
“Trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly…” Suốt đời làm chia ly… Những bóng đèn nhòe nhọet. Một giọt nước mắt thấm vào môi tôi mằn mặn. Nước mắt của tôi hay của Krystel?./.