1 Đã lâu lắm rồi Cao Vân mới có dịp về quê thăm mẹ. Mẹ kế của Cao Vân người thon thả, mắt sáng tinh anh. Mẹ nói nhà mẹ ai cũng thế, có thể thua kém người vẻ đẹp vóc dáng, riêng đôi mắt nhất định chẳng ai qua. Mẹ nói khiêm nhường vậy thôi, chứ bây giờ mà mẹ còn đẹp như rứa huống hồ hồi con gái. Làng xóm ai cũng khen mẹ đẹp cả nết cả người. Cha của Cao Vân, cụ Quyền Trực kể, trước đây mẹ ruột Cao Vân còn sống cũng đẹp lắm. Ông ngoại rất mến cha của Cao Vân vì uyên thâm nho học, có uy tín trong làng Tư Phú, có tâm trường, luôn bày tỏ lòng yêu nước thương dân trước cảnh giặc Pháp xâm lược. Cụ Quyền Trực có ba người vợ, sáu con trai và ba con gái. Bà Đoàn vợ cả, sinh hai trai một gái, Cao Vân con đầu khôi ngô tuấn tú, thời nhỏ có tên Công Thọ, vốn tư chất hơn bạn cùng trang lứa, suy nghĩ mạnh bạo… Có lần, Cao Vân hỏi cha: “Tại sao trong làng cùng làm ruộng nuôi tằm mà nhà Hương Hản giàu, còn ông Năm Quýt làm việc chăm chỉ vẫn nghèo xơ xác mướp. Sau này lớn lên, con sẽ “đổi lại”, ai cũng phải như ai!”. Tưởng đó chỉ là sự mơ tưởng trẻ thơ, vậy mà lớn lên bên cạnh trau dồi kinh sử đông, tây, Cao Vân hay giao du với các bậc anh tài nhiều nơi. Năm mười bảy tuổi, Cao Vân xin cha mẹ đi ra kinh thành Huế dự thi, trong thâm tâm nghĩ là dịp mở mang sự hiểu biết về thời cuộc. Đến kinh thành nghe hung tin Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết tại thành Hà Nội, không kịp về dự lễ tang cụ ở làng Xuân Đài, cách làng Tư Phú mấy cây số, nhưng cùng các sĩ tử đi thi năm đó Cao Vân có thêm nhận thức sâu sắc về hành động anh hùng của Tổng đốc Hoàng Diệu - người con Quảng Nam. Sự lẫm liệt của bậc anh hùng thôi thúc người thanh niên đồng hương đầy nhiệt huyết tìm đường cứu nước, cứu dân.
2 Năm Ất Dậu (1885), kinh thành Huế sa vào tay người Pháp, vua Hàm Nghi cùng quần thần xa giá rời đô, phong trào Cần Vương nổi dậy khắp nơi. Cao Vân đứng ngồi không yên. Biết tâm ý con, mẹ kế nói: “Con cứ đi làm phận sự của thất phu, việc nhà có mẹ!”. Cao Vân đi dự thi lần thứ hai không mong muốn có danh phận gì khi vương triều đang thời rệu rã, chỉ mong tìm phương tiếp nối công cuộc chống Pháp. Hỏng thi, Cao Vân về lại Cổ Lâm làng An Định sống ẩn dật, gặp cô Ba Bàn em của bạn tri kỷ Thừa Tô. Ngay từ ánh mắt đầu tiên, Cao Vân đã chọn cô Ba Bàn. Đôi trai tài gái sắc nên nghĩa vợ chồng năm Tân Mão (1892), cùng chung lưng đấu cật lo việc nước việc non, nhiều lần cùng nhau vào sinh ra tử, vào tù ra tội. Vợ chồng chỉ rời xa nhau lúc Cao Vân bị tù đày ở Côn Đảo, còn lại khi thì ở làng Đại Giang, khi vào đất võ Bình Định, khi mở trường dạy học, lúc chuyên tâm truyền bá thuyết Trung thiên dịch - Trung thiên đạo, khi cùng chí sĩ Võ Trứ tụ tập nghĩa binh đánh giặc Pháp từ Bình Định tới Phú Yên…
Làm thế nào để diện kiến vua Duy Tân, câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu Cao Vân. Số là vào cuối năm 1915, Thái Phiên mời Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Đỗ Tự (Quảng Nam), Lê Ngung, Nguyễn Mậu, Lê Khiết (Quảng Ngãi), Nguyễn Chính (Quảng Bình)… tham gia Việt Nam Quang Phục hội, thăm dò được biết vua Duy Tân luôn sẵn lòng yêu nước thương dân nhưng chính nhà vua cũng đang cảnh chim lồng cá chậu tiến thoái lưỡng nan. Được các đồng chí giao phó trách nhiệm, Cao Vân dự định đi Phú Xuân tìm cách tiếp xúc với vua Duy Tân.
Ngồi cả mấy giờ đồng hồ rồi mà Cao Vân viết không xong bức thư, bởi công việc trọng đại quá. Cao Vân cố định thần và viết, nội dung thư bày tỏ ý thức của thần dân trước nỗi nhục nước mất nhà tan, kể tội chính quyền bảo hộ và bọn chuyên quyền khuynh đảo hoàng tộc khiến vua Thành Thái bị thực dân Pháp bắt đi đày, mộ vua Tự Đức bị đào xới, vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị truất ngôi và bị bức tử mong muốn khơi dậy lòng yêu nước thương dân chắc chắn có trong tâm tư nhà vua. Thấy chồng ngồi trầm ngâm đến nỗi bát nước chè xanh pha từ sáng đến giờ còn nguyên, cô Ba Bàn sè sẹ xuống bếp rót lại bát nước chè xanh nóng hổi, vịn vai chồng hỏi nhỏ: “Có điều chi mà chàng lo lắng?”. Cao Vân ngẩng đầu nhìn vợ: “À! không có gì đâu! Đất nước đang hồi loạn lạc, việc thi cử khoa bảng thôi anh tạm thời ngưng lại, nàng đừng buồn”. Cô Ba Bàn nhìn chồng, nói: “Tùy chàng quyết định, thiếp luôn ủng hộ mọi việc chàng làm”.
Được tổ chức đồng ý, Cao Vân cùng Thái Phiên dùng tiền vận động người tài xế của vua Duy Tân thôi việc, thay vào là Phạm Hữu Khánh, một thanh niên có tài, có tâm. Chẳng bao lâu, chính nhà vua cũng cảm mến người tài xế mới của mình: “Trẫm lo chuyện nước nhà quá!”. Như mở cờ trong bụng, Phạm Hữu Khánh thưa: “Bẩm hoàng thượng, thần tài hèn sức mọn nay được phụng sự hoàng thượng thần xin cố gắng hết lòng trung thành”. Được dịp tỏ bày bao nỗi ưu tư lâu nay, nhà vua nói nhiều chuyện khiến Phạm Hữu Khánh như được bồi bổ thêm lòng can trường, rồi mạnh dạn lấy từ trong túi áo một phong thư, kính cẩn dâng vua Duy Tân. Nhà vua kinh ngạc, nhìn chăm chăm vào mặt người tài xế hỏi: “Cái chi rứa?”. “Bẩm hoàng thượng, thần mạo muội làm chuyện tày trời, bẩm hoàng thượng tha tội chết cho thần”. Nhà vua đọc bức thư Cao Vân gởi, có đoạn: “Thiên khải thánh minh hữu bài Pháp hưng binh chí khí. Địa sinh tuấn kiệt hữu truất dân thảo tặc chi quyền” (Trời sinh vua thông minh sẵn có tài chí cử binh chống Pháp. Đất sinh người tài giỏi có quyền đuổi giặc thương dân)… Đọc xong bức thư, vua Duy Tân trầm tư suy nghĩ, gật gật đầu nói với Phạm Hữu Khánh: “Yêu nước mà có tội chi!”, xong nhà vua giục Phạm Hữu Khánh cùng đi vào cung giao mật dụ.
3 Đội viên đội thị vệ trong kinh thành Nguyễn Quang Siêu và tài xế Phạm Hữu Khánh vâng lệnh vua Duy Tân sắp xếp để Thái Phiên và Cao Vân yết kiến nhà vua tại Hậu hồ. Trời trong xanh nước hồ phẳng lặng, mọi việc y như dự định. Thái Phiên và Cao Vân giả làm hai người câu cá, còn vua Duy Tân vi hành, giờ khắc hội họp thật thiêng liêng, sau khi nghe tường tận đường đi nước bước của công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Pháp, vua Duy Tân đồng ý nói: “Trẫm sẽ ra mật dụ thi hành” và khuyên hai nhà cách mạng nhanh chóng tổ chức thực hiện.
Đại sự bại lộ, vua Duy Tân cùng tất cả thủ lĩnh nghĩa binh đều sa vào tay giặc. Trần Cao Vân cùng Thái Phiên, Phạm Hữu Khánh hiên ngang ra pháp trường. Trước giờ giặc xử chém, Trần Cao Vân giật mảnh khăn đen giặc bịt mắt, nhìn đất trời An Hòa - mảnh đất gần kinh thành Phú Xuân - nơi các anh hùng từ biệt non sông, đồng bào với bài thơ ứng khẩu đầy nghĩa khí: “Trời chung không đội với thù Tây/ Quyết trả ơn vua nợ nước này/ Một mối ba giềng xin giữ chặt/ Thân dù thác xuống rạng Đài Mây”.
* Làng Tư Phú nay thuộc xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam
** Làng ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam
*** Tên thật là Võ Thị Quyền
- Truyện ngắn viết nhân kỷ niệm 95 năm ngày Chí sĩ Trần Cao Vân và các Chí sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa năm 1916 hy sinh (03/05/1916 - 03/05/2011).