Bút ký thơ
1. Nhìn lại Tử Cấm thành
Dưới cánh máy bay
Tử Cấm Thành
tựa một thứ đồ chơi con trẻ
Nơi tôi từng mỏi gối chồn chân
giờ chỉ nằm gọn trong vài ni tấc
có phải, đấy cũng là một trò đùa tạo hoá ?
Bên dưới kia:
đất nước của những Đại hảo hán, Đại mỹ nhân, Đại gian hùng, Đại thái giám, Đại thi hào, Đại kiến trúc…
bị thu gom vào những hình hộp
giống vết triện nung lửa hằn trên da thịt người
làm vật sở hữu cho bao Đại vương triều, Đại gia tộc
làm bùa hộ mệnh, đồ trang trí, làm vật hy sinh, làm phương tiện đe doạ và trấn áp
Chúng biến thành tiếng nấc nghẹn nơi lãnh cung
thành dáng người quỳ mọp trước sân rồng
thành chút run rẩy bản năng thơ ngây thánh thiện bị nhốt trong lồng ngọc khung vàng
Còn Đại nhân ái, Đại tự do bị lùng sục khắp hoàng cung
buộc hoá thân trong tiếng thở dài,
thành bóng ma lẩn quất trong các điện thờ, trong các viên ngói lưu ly, giữa các móng rồng bờm sư tử…
Và cuối cùng, sau rất nhiều “bữa tiệc ăn thịt người” 1
Đại nhân ái biến thành hình hoa sen, hình rùa trên gạch lát
cho khách hành hương dẫm chân qua
còn Đại tự do biến thành con Thần tài 2
để người đời sau vuốt râu sờ mông cầu may mắn
chúng canh giữ các Đại cố cung, Đại lăng mộ, Đại chùa chiền, Đại siêu thị, Đại ngân hàng…
___________
1. Chữ dùng của văn hào Lỗ Tấn
2. Con vật sau cùng trong hệ thống Rồng của tâm linh Trung Quốc cổ đại
2. Màn hình lớn ở bến Thựơng Hải
Bên sông Hoàng Phố
bữa tiệc ánh sáng mê hoặc ê hề
có một bà lão còng lưng xin bố thí
mái tóc đượm tuyết sương
chân run trong gió lạnh
Tôi đặt vào tay bà một Tệ1
rồi mang bóng dáng bà theo suốt đoạn sông dài
Màn hình điện tử chính là mặt buyn-đinh
nhưng tôi không còn nhìn thấy
những biểu đồ, những con số thành tích vượt trội
những chim bay bướm lượn
cùng bao biểu tượng của sự giàu sang tột đỉnh…
Trước mắt tôi
trên hàng vạn điểm sáng
một lòng bàn tay dăn deo với những đường chỉ chằng chịt ngoằn ngoèo
như ma trận dành cho phận người lưu lạc
như tấm bản đồ Trung Hoa nát nhàu lổ loang vết máu
Rồi lại chợt hiện lên:
một hàng xóm xưa của bà -
thím Tường Lâm cầm giày đỏ khùng điên đi tìm con bị sói ăn thịt 2
Rồi tổ tiên của bà-
lớp lớp người gục ngã bên Vạn Lý Trường Thành…
Chợt hiển hiện chồng bà và các con các cháu
tất tưởi rời làng xóm, phiêu bạt tứ phương
khi chẳng còn đất ruộng đất vườn
khi dòng sông chết trước nhà bốc mùi thối rữa
một cháu trai của bà bị còng tay sau cuộc xô xát với cảnh binh
một cháu khác đang kêu cứu trong lò than vừa sập
còn đứa chắt khóc ngằn ngặt trên tay cháu dâu
đang mếu máo chờ vào khám ngộ độc sữa
Tôi lại thấy:
đồng bào của bà ngoi ngóp trong các trận lụt dữ dằn của Hoàng Hà, Dương Tử Giang
và những đồng hương của bà có gì khác năm xưa:
trong túi vải chỉ có vắt rau lẫn mớ cám 3
rồi lại nhặt táo trộm cầm hơi trong vườn hàng xóm
nếu vẫn còn những người như ông già Đỗ Thiếu Lăng 4
Bà là công dân bất đắc dĩ của thành phố hoa lệ này
bà đâu biết:
cứ mỗi tầng nhà khu phố Đông ngoi cao lên
lưng bà lại còng thêm một chút
những đại lộ xuyên qua lòng sông
đâu thể giúp bà rút ngắn đường về cố hương?
thêm một giàn đèn màu áp đảo bên sông
mắt bà lại bớt đi một tia sống
và ngắt đi một ánh hy vọng:
có một mái nhà đơn sơ nhưng bình yên
với những ngày tạm lửng bụng
bên tiếng cười vui của cháu con…
Bà có biết
một đồng Tệ của tôi biếu bà
chưa mua nổi một phần ba bát mì sủi cảo
nhưng lại bằng giá một mét vuông đất ngọc đất vàng Thượng Hải
một đại quan chức đã mua cho người tình ?
Đêm nay, giữa đất Trung Hoa mênh mông
bà sẽ đi đâu, sẽ ngủ tạm nơi nào
trong cơn gió thu rớt bão ?
Màn hình lớn bất hợp tác với tôi
nhấp nháy mê lộ đời người…
__________________
1. Tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc
2. Nhân vật trong một truyện ngắn của Lỗ Tấn, đã được đưa lên màn ảnh
3. Trong bài thơ “ Sở kiến hành” của Nguyễn Du khi đi sứ Trung Quốc.
4. Nhà thơ Đỗ Phủ một lần chạy loạn có thuê một căn nhà nhỏ, trong vườn có cây táo, hàng ngày một bà lão hàng xóm vẫn chui qua hàng rào nhặt táo để cầm hơi. Khi rời căn nhà, ông viết bài thơ “ Hựu trình Ngô lang”, nhắn người chủ mới là chớ rào kín lại, để bà già có thể sống qua ngày…
3. Đêm Hàng Châu1
Khi những hàng cây ngô đồng, những rặng liễu bắt đầu nhúng trong nghiên mực khổng lồ
cũng là lúc tiếng sóng vỗ sông Tiền Đường như một lời nấc nghẹn
xen lẫn nỗi thở than của Tô đê, Bạch đê 2
Tôi thao thức bên những rừng cây, những lâm viên, những bồn hoa đẹp mê hồn san sát
gió Tây Hồ dịu ngọt đắm đuối làm sao
vậy mà như uống nhầm thuốc đắng!
Đây là nơi các sứ thần-thi sĩ Việt Nam từng nghỉ lại
trên đường vạn dặm tới Trung Nguyên
Nỗi cảm hoài của các vị về vận Dân, vận Nước
khiến vẻ đẹp Đường thi, Tống thi cũng trở nên nhạt nhẽo, vô duyên
và thiên nhiên tráng lệ càng tô đậm nỗi xót đau tựa căn bệnh kinh niên
Những khắc khoải của các vị
đến tận giờ vẫn còn đeo đẳng
trong lồng ngực ọp ẹp đói dưỡng khí trong lành của tôi…
__________________
1. Thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Giang Tô, vùng Giang Nam, được coi là thành phố lãng mạn nhất của Trung Quốc.
2. Các con đê do Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị cho xây đắp thời các ông làm quan
TÚP LỀU TRÊN ĐỈNH PHA ĐIN
Ống kính nhoè rồi nét
Túp lều hiện chơ vơ
Cành ban trên mép vực
Chỉ lối tới nương ngô
Bé ở trần mút dãi
Gà, lợn ngả bóng chiều
Váy mẹ buông trễ nải
Quả bầu khô vách xiêu
Quăng dao vào lu-cở
Cuộn gai cứa sáp ong
Nhúm lông gà máu ứa
Vẫy theo tàn lửa đêm
Thú nào lọt chưa săn
Yếm nhuộm chàm khô quắt
Khóm bụi nào chưa đốt
Gầy guộc vết chân chim
Nơi tầng cao sơn cước
Túp mái lá che sơ
Thấy nỗi buồn Tây Bắc
Treo cột khói xanh mơ…
TRỞ VỀ
I
Tôi ngồi trên thuyền đuôi én lắp máy coler chạy ngược sông Đà nơi
thượng nguồn
bên những hàng hoá chất chồng, những khuôn mặt lầm lụi, những dáng nguời tất tưởi
có mấy ai chăm chú nhìn cái mũi thuyền sứt sẹo
giống con chim bị thương nặng vẫn kiêu hãnh vươn cổ đón sóng
Đang mùa hoa ban
tôi nghển cổ mệt nhoài tìm hai bên bờ sông
chỗ rậm rì nơi hoang vắng
chỉ có những vệt máu tươi hay những khoảng xám đen loang lổ
trên các sườn núi, vạt đồi…
Bè nứa mảng tre lao vun vút qua tôi
trên đó là những chàng trai cô gái -
nguyên mẫu của những mối tình xưa từng đi vào truyền thuyết
nhưng hiện thân của họ- những chiếc lá hình hai trái tim người,
cùng những cánh hoa trắng muốt có sắc tím bầm ở giữa
chạy trốn đâu mất rồi
giữa mùa đốt nương, giữa vùng đất nham nhở làm gạch, đào vàng?
hay chúng đã nhập vào phi bản, phi mường1
rồi hoá thành ve rừng ra rả
khóc thương cho củ sắn cỗi cằn như mơ ước
cho hố mài sâu hun hút tựa nỗi tuyệt vọng
và khóc thương bởi không biết vì sao phải khóc thương…
II
Tôi lang thang trở lại con đường xưa
vẫn mái sàn cũ
nơi từng có cô gái ngồi khâu vá bên cửa sổ tò mò trộm ngắm nhìn tôi
một chàng trai thường dạo quẩn quanh qua bản vắng lúc chiều tà
cô nghiêm trang nhưng không giấu nổi cái liếc nhìn, nét cười sau vạt
khăn piêu
còn chàng trai thì cố tình tảng lờ
cô không biết, và lạy giời, đừng bao giờ cô biết
chàng trai mơ mộng kia thường đi dạo để lãng quên cái đói
sau xuất ăn tập thể độn sắn độn mì
nhưng chẳng hiểu sao vẫn có thể ngẩn ngơ hết sớm này qua chiều khác, mùa ban này tới mùa ban sau
trước một sắc hoa rừng truyền thuyết…
Giờ, cô gái xưa đang ở bản mường nào
bếp tro mới2 đã thành cũ của vợ chồng cô có thường đỏ lửa?
Tôi nhìn quanh quẩn
rừng ngập bóng tà
những vệt ban rừng chạy trốn tít nơi đâu, xa lắc, giữa đại ngàn?
Nắng đỏ quạch màu đồng hun
không gian cô đặc lại, bị già nua miễn cưỡng
Và sau đó
tôi bị màn đêm nuốt chửng
Sơnla,2007
______________
1. Tức các hồn ma, theo tín ngưỡng đồng bào Thái Tây Bắc
2. Phong tục ở rể của người Thái- sau ba năm sống ở nhà vợ, đôi vợ chồng trẻ mới được tách ra thành một gia đình mới, làm một ngôi nhà sàn mới