Dù Shakespeare từng cho nhân vật của mình khái quát thế giới loài người như một sân khấu lớn, nhưng phải chờ đến những công trình của GS Erving Goffman (1922-1982) thì giới nghiên cứu xã hội mới thực sự có phương pháp và phương tiện để quan sát và phân tích vở kịch của xã hội. Là chủ tịch thứ 73 của hiệp hội xã hội học Hoa Kỳ, Goffman đem luồng gió mới vào các ngành hoa học xã hội và nhân văn trên thế giới bằng góc nhìn vi mô (micro) đối lập với cách nhìn phổ biến trước đó là vĩ mô (macro) [1]. Theo đánh giá của báo Times năm 2007, Erving Goffman là học giả được trích dẫn nhiều xếp hàng thứ 6 trên thế giới, đặc biệt là quyển sách The Presentation of Self in Everyday Life - Thể hiện của bản thân trong cuộc sống hàng ngày, mà có thể dịch khái quát là Sân khấu cuộc đời [2].
Có thể thấy, không cần phải lên sàn diễn mà bất kỳ ở nơi đâu người ta đều đang thủ một vai diễn/vai trò nào đó và đồng thời đang là khán giả của cùng một vở kịch trên đường phố. Chỉ cần một "diễn viên" (actor/character/performer) không làm theo "kịch bản" (script) của mình thì mọi chuyện sẽ rối loạn cả lên. Bạn nghĩ sao nếu người phục vụ ở một tiệm phở góc đường đi làm bằng xe Mercedes, mặc đồ hiệu, còn khách vào quán ăn mặc rách rưới đi chiếc xe máy cà tàng trông như xe ôm, lại còn phải thưa gởi khi nói chuyện với người phục vụ. Nhưng bạn cũng đừng nghĩ chuyện ngược lại mới là đương nhiên, bởi vì nếu là ở nước Áo thì chuyện vừa kể không có gì lạ lẫm. Trang phục trong nhà hàng có thể do hãng thời trang nổi tiếng thế giới thiết kế. Sinh viên nhà giàu vẫn đi làm bồi để có tiền tiêu vặt hoặc tích lũy kinh nghiệm cho hồ sơ xin việc sau này. Dân lao động nghèo vẫn có thể mua xe mắc tiền trả góp. Khách hàng không gọi "ê, bồi", mà lịch sự thưa gởi với "ông phục vụ": Herr Ober. Lúc đó một anh trọc phú chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang với nguyên vẹn thói quen ứng xử kiểu Hà Nội mới là người "sai kịch bản". Ví dụ này cho thấy qua nghiên cứu chỉ đơn giản một tình huống đời thường nhỏ lẻ nhưng phổ quát người ta có thể nhìn thấy rất nhiều điều trong toàn xã hội.
Sinh ra ở Canada trong một gia đình Do Thái Ukraina, cậu thanh niên Erving lẽ ra sẽ theo nghề hóa chất nếu không làm việc một thời gian cho tập đoàn quốc gia sản xuất và phát hành phim của Canada, và bị lôi cuốn trước những màn kịch của xã hội, mà giới chuyên gia sau này dùng thuật ngữ dramaturgy. Để xác định đâu là sân khấu ta chỉ cần xem bối cảnh (setting) lúc đó là gì, đang ở màn nào (scene) và quan trọng nhất, đâu là "sân khấu" (stage), còn đâu là cánh gà (backstage). Khi vào trong cánh gà diễn viên cởi bỏ lớp nhân vật vừa diễn, để rồi lại vào vai, hay theo cách nói quen thuộc là quay trở lại vai trò trước đó làm phụ nữ, làm mẹ, làm khách hàng, hay đơn giản là làm khán giả (của một vở kịch khác hay chính vở kịch lớn đang tiếp diễn của xã hội). Như dân gian ta hay "trông mặt bắt hình dong" và "đi với Phật mặc áo cà sa", khái niệm và sự thể hiện của gương mặt cùng dáng vẻ bên ngoài qua quần áo là những thứ mà mỗi diễn viên trong cuộc đời luôn chuẩn bị trước khi nhập vai (impression management). Nhiều lúc chính người đang lắng nghe cũng là diễn viên vì người nói đang là khán giả quan sát nét mặt của anh hay chị ta để mà hào hứng nói tiếp hay chán nản buông xuôi. Để thành công trong kinh doanh không ít người theo học các khóa diễn xuất hay luyện giọng để chuẩn bị tối đa cho "vai diễn" của mình (dramatic realisation). Các hãng hàng không hay các cửa hàng lớn thường hướng dẫn nhân viên nói chữ "cheese" để tạo ra nụ cười - bộ mặt của nơi kinh doanh. Mỗi nền văn hóa sẽ hình thành nên chuẩn mực hành xử riêng trên "sàn diễn" trong mỗi tình huống cụ thể, ví dụ như người Việt nổi tiếng về chuyện cười để xin lỗi thay vì giữ bộ mặt biết lỗi hay ăn năn [3].
Khi quan sát một vở kịch xã hội trong sân khấu cuộc đời, chúng ta có thể tập trung vào cấu trúc thoại giữa hai nhân vật, nơi có vô số điều mà người trong cuộc không cần nói ra vì đã trở thành ước lệ, thành nguyên tắc văn hóa ứng xử [4]. Chúng ta cũng có thể đặt lời thoại này trong bối cảnh không gian hay thời gian để hiểu lịch sử xã hội đó qua trải nghiệm bản thân [5] hay tương tác giữa các nhân vật trong không gian văn hóa [6]. Đối tượng nghiên cứu có thể là thành viên trong xã hội hay đang bị xã hội đẩy ra ngoài rìa [7] hay đặt trong tình trạng cách ly [8]. Khi đó thì con người phải sống trong một khu khép kín và dưới quyền kiểm soát của một cơ quan toàn trị mà Goffman gọi là total institution. Xét ra, cũng giống như nghiên cứu kinh điển của Émile Durkheim về hiện tượng Tự sát nhưng thực ra là về xã hội, những quan sát của Goffman không đơn thuần là về những người điên trong trại mà chính là về những người bình thường đang sống trong môi trường ít nhiều chịu sự kiểm soát của một hay nhiều cơ quan toàn trị kiểu như vậy, muốn tất cả mọi người cùng thức và ngủ giống nhau, rèn luyện để tiến bộ theo chuẩn mực đạo đức đã định (moral career). Chuyện coi cuộc đời là vở kịch có lẽ không lạ với nhiều độc giả người Việt, vì những câu chuyện đời thật vẫn thường được được kể lên báo hay dựng phim, và không ít người chấp nhận cuộc sống trong một không gian bị kiểm soát chặt. Thế nhưng nếu đọc sách của Goffman người ta có thể ý thức thêm được rằng ngay chính người giữ vai trò kiểm soát xã hội cũng chỉ là một vai diễn và bản thân người đó cũng lại nằm trong một không gian bị kiểm soát chặt nào đó mà người kiểm soát có thể chính là người bị kiểm soát trong vở kịch hay màn kịch này, giống như pha thay đổi ngôi vị thường gặp trong các bộ phim Hollywood vậy.
[1] Có thể tham khảo kho lưu trữ online do Dmitri N. Shalin biên tập (Bios Sociologicus: The Erving Goffman Archives, CDC Publications 2009) ở địa chỉ cdclv.unlv.edu//ega/
[2] Goffman, Erving 1959, The Presentation of Self in Everyday Life, Doubleday
[3] Có thể xem nhanh giải nghĩa các thuật ngữ (metaphor - hình ảnh biểu trưng) dùng trong pp Goffman's Dramaturgical Approach ở địa chỉ
http://www.clas.ufl.edu/users/krisj/spring02/syp3000/dramaturgy.html. Độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn có thể đọc rất nhiều sách của Goffman trình bày các phân tích chi tiết về nghi lễ giao tiếp (interactional rituals). Goffman cũng là tác giả thường xuất hiện trong các giáo trình cho ngành quảng cáo.
[4] Goffman, Erving 1981, Forms of Talk, University of Pennsylvania Press
[5] Goffman, Erving 1974, Frame Analysis: An Essay on the Organisation of Experience, NorthEastern University Press
[6] Goffman, Erving [1961] 1972, Encounters: Two Studies in the Sociology of Interaction, Penguin University Press
[7] Goffman, Erving [1963] 1990, Stigma: Notes on the Management of Spoiled Identity, Penguin University Press
[8] Goffman, Erving 1961, Asylums: Essays on the Social Situation of the Mental Patients and Other Inmates, Doubleday