Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.271
123.157.604
 
Văn-Hóa Việt-Nam 13
Nguyễn Thế Thoại

9.

Giao Lưu Văn Hóa

VIỆT ẤN

 

Người ta gọi lề thói hiện hành là văn hóa, và gọi những trạng thái đã qua là man rợ. Phong hóa hiện tại sẽ bị gọi là man rợ khi chúng sẽ là những phong hóa đã qua. [1]

 

 

 

[31]       Di chỉ Văn hóa Ốc Eo

 

Vào những năm ‘40 của thế kỷ 20, M. Malleret đã dùng phi cơ để nhìn sâu mãi xuống những luồng nước vùng Long Xuyên. Sau đó, từ từ người ta khai quật được nhiều di chỉ. Qua Ốc Eo, Ba Thê thuộc An Giang, người ta tưởng đã đủ với Văn hóa Trăm Phố chìm lặng ở bìa rừng U Minh. Vậy mà những di tích dẫn người ta tìm mãi qua Long An, Đồng Tháp, lên tận thượng lưu sông Đồng Nai.

 

Thực ra, những di chỉ loại này tỏa ra cả vùng Đông Nam Á, nhưng người ta cứ gọi là Văn hóa Ốc Eo. Văn hóa này còn gây kinh ngạc thích thú vì những phế tích của đền đài hoành tráng, của những ngôi mộ kim tự tháp đổ nát. “Bên mình những người quá cố là hàng ngàn, hàng vạn đồ trang sức, hoa tai, nhẫn, ấn triện bằng đá quí, bằng vàng bạc khắc chạm tinh vi mang đậm nét phong cách Tây Phương Thiên Trúc.

 

Từ những đổ nát hoang tàn hôm nay, khảo cổ học đang dõi tìm về thời vàng son của một quốc gia thịnh vượng, kỷ cương, đã tiến ra biển Đông, vượt vịnh Bengal, tới La Mã cổ kính tồn tại từ buổi đầu công nguyên đến thế kỷ thứ VII. Phải chăng đây là dấu tích của quốc gia Phù Nam như sử sách đã ghi?

 

Chúng ta chưa hết ngạc nhiên bởi sự phát hiện những công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo trên vùng sình lầy nơi đây, thì lại càng khó hiểu hơn bởi sự tàn lụi của nền văn minh này…[2]

Chúng ta hẳn biết được rằng trên địa bàn rộng lớn như thế, người văn hóa Ốc Eo không thể đồng nhất và không dễ gì có được những vùng “Trăm Phố” thứ hai, thứ ba. Đây là vài chi tiết của cái nhìn khảo cổ:

 

1. Nông nghiệp

 

Nói chung, dân văn hóa Ốc Eo làm nghề nông. Họ trồng lúa nước hoặc lúa rẫy và nhiều cây loại ngũ cốc, loại cây ăn trái. Do đó, họ phải biết làm thủy lợi, dầu chỉ mới là tưới tiêu theo thủ công và đào kênh mương.

Chăn nuôi chỉ như phần phụ vào nông nghiệp.

 

2. Ngư nghiệp

 

Ngư nghiệp lại không phải phụ như thế. Người miền văn hóa Ốc Eo sống với nhiều sông rạch tự nhiên và kênh đào.

Đồng ruộng của họ vẫn phần lớn ngập nước. Chính vì thế mà nghề đánh bắt cá nước ngọt không thua ngư nghiệp biển.

 

3. Thủ công – Mỹ nghệ

 

Thủ công và Mỹ nghệ của họ, không ai phủ nhận được. Khảo cổ đã phát hiện bao nhiêu đồ gốm xuất xưởng bằng bàn xoay. Bao nhiêu vòng tay, khuyên tai, nhẫn bằng đá quí và thủy tinh. Hiển nhiên bằng đất nung nữa. Đồ đá không thiếu, nhưng dụng cụ bằng sắt nhiều hơn.

 

Có thể vì giao thương với nhiều vùng trên thế giới, người văn hóa Ốc Eo đã biết dùng tiền đúc. “Có 12 đồng tiền và những mảnh cắt của tiền đã được phát hiện ở các di tích.” [3]

Những dụng cụ trên đồng thời cũng cho thấy nghề điêu khắc của họ đã tới trình độ khá cao. Họ thực hiện với nhiều kích cỡ khác nhau và trên nguyên liệu đa dạng: đất nung, đá quí, vàng bạc và thủy tinh.

 

4. Tín ngưỡng

 

Khảo cổ Trăm Phố cũng phát hiện dấu ấn của lớp người sống văn hóa giao lưu trong một thời kỳ dài: cùng với tôn giáo “phồn thực” và bái vật như các nước trong vùng Đông Nam Á này, họ còn chấp nhận cả một phần Ấn giáo và Phật giáo. Hiển nhiên những biểu tượng thờ Linga, thần Siva và Visnu tới đây trước Phật giáo Bắc và Nam tông. Phật giáo không thể tới sớm hơn 3 thế kỷ trước Công Nguyên.

 

Theo các tài liệu của thư tịch cổ Trung Quốc, giáo sư Trần Quốc Vượng nhận rằng người văn hóa Ốc Eo đã có sinh hoạt văn nghệ tôn giáo như ca, múa, nhạc. Hơn thế, họ có cả chữ viết nữa. [4]

 

 

[ 32 ]     Giao lưu văn hóa CHĂM

 

Không như “người Ốc Eo”, người Chăm vẫn còn và là một trong các dân tộc làm nên người Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn lại nét hưng vong của dân tộc Chăm, để từ đó nhận định về văn hóa Chăm.

 

1. Người Chăm

 

Người Chăm hoặc Chàm ngày nay đã thành “đồng bào” Việt Nam, một dân tộc thành tố của nhân dân Việt Nam. Dầu lạc quan cũng phải nhận rằng các chính quyền Việt Nam chỉ mới trong ba thế kỷ nay dám nhận dân Chăm là “thần dân” của mình. Muốn gọi họ là “đồng bào”, thì phải nói rằng “cái bọc Âu Cơ” ở đây chính là chủng Mã Lai (hoặc Malayo-Polynésien). Từ gần ba ngàn năm trước Công Nguyên, khi tổ tiên Lạc Việt tới vùng Vĩnh Phú, thì một lớp người Malayo-Polynésien cũng tới vùng ven biển chúng ta ngày nay. Khi quân Bắc bành trướng tràn ngập giang sơn của Bà Trưng thì cũng xâm lăng họ. Nhưng cuối thế kỷ thứ hai [5], thoát ách nô lệ, họ lập hai tiểu quốc Lâm Ấp và Chiêm Thành (Panduranga). Mãi tới thế kỷ thứ VI, hai tiểu quốc mới thống nhất thành nước Champa.

 

Sau 30 năm chúa Nguyễn được yên ổn đối với chúa Trịnh phương Bắc Việt Nam, nên chúa Phúc Chu hướng dẫn Nam-tiến. Năm Đinh Sửu 1667, Ông gồm cả Phan Rang, Phan Rí làm phủ Bình Thuận, coi như không còn nước Champa. Năm Mậu Tý 1708 chúa Nguyễn lại dùng Mạc Cửu làm tổng binh trấn Hà Tiên, giang sơn Việt Nam hình thành giống ngày nay, và người Chăm thành phụ thuộc trên chính quê hương của họ. Một dân tộc đấu tranh ngoan cường với quân Tàu, mà khi đối đầu với người Việt Nam, lại co cụm lại và hao mòn dần, nên chỉ còn lại là một trong 50 dân tộc ít người ở bìa rừng Ninh Thuận, Châu Đốc và Tây Ninh. Dân số không vượt trăm ngàn.

 

Có thể nói một trong những nguyên nhân suy vong của họ là do nền văn hóa ít thích ứng môi trường địa lý và xã hội của họ.

 

2. Văn hóa Chăm

 

Văn hóa Chăm có những nét độc đáo, rất nên nghiên cứu. Đây chỉ là vài nét chính:

 

2.1.       Kiến trúc

 

Nói đến văn hóa Chăm, ai cũng nghĩ ngay tới Tháp Chàm, như một kiến trúc đặc sắc, lác đác nổi

bật trên chân trời miền Trung Việt Nam, từ Quảng Bình tới Ninh Thuận, và có hướng lên cả Tây Nguyên. Đúng ra, người Chăm ưa xây dựng cả một quần thể: Thành quách, Đền chùa và Tháp. Tiêu biểu nhất là Tháp, mà người Chăm gọi là Kalăng. Họ cũng ưa kiến trúc ba tháp hơn là một tháp sừng sững mà cô đơn. Xét chung, các tháp đều hướng Đông và nhiều tầng tứ giác. Mỗi tầng đều có những tháp nhỏ nhọn vút lên, nên đất tầng trên hẹp vào một ít. Trên cùng là chóp tròn hoặc phiến đá vuông. Không một tầng, một góc tháp nào suông đuột, tất cả đều đầy hình nhân, động và tĩnh vật, hoa văn giàu nét điêu khắc mỹ thuật, biểu lộ tâm linh. Nghệ thuật cũng như nội dung tâm linh này phản ánh giao lưu văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á châu.

 

2.2.       Tôn giáo

 

Tôn giáo người Chăm cũng biểu hiện tiếp biến văn hóa. Với chủ thần Brahma, thần Siva và Visnu có thể người Chăm theo tôn giáo cổ truyền hội nhập Ấn giáo. Đa số đó được gọi là người Chăm Ahier (hoặc Kafia). Còn một thiểu số theo tôn giáo cổ truyền hội nhập Hồi giáo. Đó là người Chăm Awal (hoặc Bani). Nếu thờ Linga (sinh thực khí) vừa do Ấn giáo (thần Siva), vừa là di ảnh của tôn giáo phồn thực, thì việc thờ quốc mẫu Po-Nagar và thờ cúng tổ tiên phải là do tôn giáo cổ truyền. Những niềm tin tôn giáo đó còn biểu lộ dồi dào qua mỹ thuật.

 

2.3.       Mỹ thuật

 

Mỹ thuật Champa khởi sắc nhất được lưu lại trong phạm vi tôn giáo: các kiểu thức và trang trí đền tháp, các ngày lễ hội. Có thể một số người không lưu ý thấy những hình nhân đang đấu tranh quyết liệt với dã thú. Nhưng ai cũng thấy những hình người đang nhảy múa, nhất là hình vũ nữ với bộ ngực no tròn và các bộ phận toàn thân như cũng uốn cong tròn. Thêm vào quanh đó là những Linga, những hoa sen.

 

Philippe Stern có một nhận xét về nghệ thuật Chăm thường được giới chuyên môn tán thưởng: “Nghệ thuật Chăm cổ trong hình thức đẹp nhất, có thể coi như phục hưng nghệ thuật Ấn Độ ”.

Tuy thế, người ta vẫn có thể đề vào những tác phẩm nghệ thuật này đôi ca dao Việt Nam:

 

Công cha như NÚI Thái sơn

Nghĩa mẹ như NƯỚC TRONG NGUỒN chảy ra.

 

Lâm Ấp và Chiêm Thành cũng như Chân Lạp cổ thời chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ; nhưng cơ bản văn hóa Đông Nam Á vẫn còn, mà mẫu hệ chỉ là một nét tổng quát.

 

2.4.       Ngôn ngữ và văn chương

Ngôn ngữ Chàm vẫn còn giống ngôn ngữ các tộc Mã-Lai cổ với tỷ lệ rất cao. Hơn nữa, những thể văn cũng còn dễ nhận ra bà con. Người Chàm có ca dao, tục ngữ, truyện cổ, thần thoại, thi phú… Tác giả “Việt sử xứ Đàng Trong” [6] cho rằng người Chăm “ban đầu, thi phú ghi bằng chữ Phạn ”. Còn sau? – Bằng thứ chữ Khâr Tapuk.

Nghiên cứu về “Đồng bào sắc tộc thiểu số Việt Nam”, Nguyễn Trắc Dĩ nhận thấy: Người Chăm “về phương diện ngôn ngữ có sự hỗn hợp giữa các từ vựng Sanscrit – Việt và Môn – Khmer. Ngôn ngữ Chàm giống với thể dân Atjet vùng Bắc Sumatra.” [7]

Bình Nguyên Lộc đã kể cả hai dân tộc đó vào chủng “Mã-Lai đợt II”. Chúng ta gọi “mẫu số chung” đó là Đông Nam Á.

 

2.5.       Nghệ thuật âm thanh

 

Người Chăm diễn tả nỗi lòng bằng âm thanh nhạc khí và ngôn ngữ cử điệu, tức là múa, hơn bằng lời ca.

 

Họ có đàn độc huyền Rabap Katoh, đàn hai dây Kuni Kara, trống bịt hai đầu Ganan, trống bưng một mặt Baranon và trống lớn Hagar, ống sáo, tù và, kèn Sarinai bảy lỗ… Như vậy đủ thấy khung nhạc của họ cũng rất phong phú.

 

Có hai điểm không thể bỏ qua khi nhắc tới âm nhạc Champa : Vũ và than.

 

Vũ đi liền với nhạc. Trong sinh hoạt, trong nghi lễ thần thánh hoặc hội hè, vũ luôn luôn đi liền nhạc giống như người Phi Châu, người châu Mỹ La-tinh, không thể đứng hoặc ngồi yên mà nghe nhạc. Nhạc trỗi lên là thân hình uốn éo. Các vũ công có những điệu vũ rất điêu luyện với chân, với tay và cả thân mình. Họ khai thác tới từng cách nhìn, từng rung động của một lóng tay và dáng diệu của cánh tay, bàn tay và ngón tay. Nghệ thuật diễn cảm rất tinh vi.

 

Tinh vi nhất về âm điệu than oán, khắc khoải. “Việt sử tiêu án ” không tin rằng mình lộng ngữ khi viết: “Âm điệu Chiêm Thành, tiếng nghe ai oán, ai nghe cũng nhỏ lệ ”.

 

Người Chăm không thành thạo nghề biển hoặc khai thác rừng, nhưng nghe nhạc của họ, giáo sư Lê Văn Chưởng nghĩ rằng: “Vũ điệu và âm nhạc Chăm vừa phản ánh cái bao la của biển cả, vừa hàm chứa cái bí ẩn, cái hắt hiu của núi rừng miền Trung khi đêm xuống ” [8].

 

Chúng ta đều có thể đồng ý với nhạc sư Trần Văn Khê khi nói về điệu Nam-ai:

Điệu Nam là phản ánh của lối nhạc Chăm ai-oán, và qua nhạc Chăm, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhạc Ấn Độ ” [9].

 

Hẳn không sai lầm nếu chúng ta giải thích một trong những nguyên nhân phát sinh chất đậm đà ai oán đó bằng lịch sử xã hội Ấn Độ và Chiêm Thành: Nỗi oán buồn kiếp sống nghèo khổ, nỗi hận vong quốc.

 

Tóm lại, qua người Ấn, nhất là qua người Chăm, chúng ta có giao lưu văn hóa Ấn Việt và Chăm Việt, ở miền Trung và Nam Việt Nam đậm đặc hơn ở miền Bắc.

 

Chúng ta còn tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa Ấn qua Phật giáo, nhưng ảnh hưởng này ào ạt hơn trong thời Lý Trần, chúng ta sẽ kể sau.

 



[1] Anatole France “Sur la pierre blanche

[2] Trần Độ, sđd., tr. 36-37

[3] “Văn hóa Óc Eo”, nxb. KHXH, 1995, tr. 337

[4] “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, tr. 124-125

[5] khoảng năm 192

[6] Phan Khoang, tr. 41

[7] Sđd. 1972. Tr. 89

[8] “Cơ sở Văn hóa Việt Nam”. 1999. Tr.74

[9] Lê Văn Chưởng dẫn Bách Khoa, số 25-26. 1958

 

Nguyễn Thế Thoại
Số lần đọc: 1804
Ngày đăng: 15.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quan Điểm Của Các Nhà Nhân Học Về Vấn Đề Sử Dụng Biểu Tượng - Đinh Hồng Hải
Văn-Hóa Việt-Nam 12b - Nguyễn Thế Thoại
Hành trình mười lăm năm lưu lạc của nàng Kiều - Hồ Bạch Thảo
Cấu Trúc Luận Trong Nghiên Cứu Biểu Tượng: Từ Ký Hiệu Học Đến Nhân Học Biểu Tượng - Đinh Hồng Hải
Ý nghĩa nhân tính trong văn hóa Cổ Hy lạp - Nguyễn Đăng Trúc
Văn-Hóa Việt-Nam 12 - Nguyễn Thế Thoại
Sự Ám Ảnh Của Văn Hóa Nông Nghiệp Và Môi Trường Sông Nước Trong Ngôn Ngữ Việt Nam - Mai Bá Ấn
Khám Phá Những Biểu Tượng Trong Văn Học - Đinh Hồng Hải
Quan Niệm Về Thơ Trong Lý Luận Phê Bình Văn Học Đô Thị Miền Nam 1954 – 1975 - Trần Hoài Anh
Văn-Hóa Việt-Nam 11 - Nguyễn Thế Thoại