Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.148.777
 
Một Lần Lên Bà Nà
Chế Diễm Trâm

Coi tivi, từ lâu, “Bà Nà hills – đường lên tiên cảnh” đã là mơ ước.

Tôi lên Bà Nà vào một ngày chủ nhật ngập nắng. Rời trường chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, xe sang bán đảo Sơn Trà rồi thẳng Bà Nà. Xếp hàng rồng rắn lên cáp, đồ đạc lỉnh kỉnh, lòng rất nhớ Nha Trang, nhớ Vinpearl, nhớ đường cáp vượt biển độc đáo quê mình. Nhưng quả là cáp treo Bà Nà cũng thú vị, thú vị một kiểu khác.

 

Lên cabin. Bắt đầu hai tai lùng bùng, người chao chênh say say. Tôi chưa thử say rượu nhưng say xe, say tàu biển, say nắng, say… khoai mì Ấn Độ thì đã nếm mùi nên thấy cái say cáp hình như dễ chịu hơn cả. Có vẻ giống đường cáp lên hồ Tuyền Lâm Đà Lạt nhưng rừng thông Đà Lạt dường như không chập chùng hùng vĩ bằng rừng cây nơi đây. Hỏi những người đồng nghiệp, ai cũng lắc đầu không biết đó là cây gì, chỉ thấy nở hoa màu xanh cốm na ná như hoa sữa. Tôi căng mắt thử tìm hoa đào chuông hồng hồng như mình đã xem một clip về Bà Nà mà không thấy, đang là mùa hè, đành chịu vậy. Nhìn xuống nôn nao trong cái cảm giác phiêu phiêu là lạ. Sau này, khi đi tập huấn ở Đà Nẵng, tôi được đọc một bài thơ phá cách, toàn là thanh bằng, chuyển tải được cái cảm giác phiêu phiêu là lạ như thế :

 

đường lên Bà Nà hương rừng liêu xiêu

cầm tay em đi cùng mây bay

đường đồi vòng quanh cây xòe cành yêu

rừng và em trong anh như say!...”

 

Lên đến trạm đầu tiên, một cảm giác lạ lẫm xâm chiếm. Đà Nẵng nắng xát tai, lên đây sương mù luênh loáng, gió sương sà vào tận bàn ăn. Tôi vừa từ Sa Pa về, trên đó cũng đầy sương nhưng là sương trên chân núi, đỉnh núi. Tôi lang thang trong lòng chảo Sa Pa chỉ có mưa và hơi lành lạnh. Tôi nghĩ ai cũng bảo Bà Nà là Sa Pa thứ hai. Vậy mà ở Sa Pa tôi chẳng cần mặc áo ấm, nên lần này lên núi Chúa tôi chủ quan để hết áo ấm, mũ, tất tay tất chân ở Đà thành. Cáp đưa lên một trạm nữa, nhìn xuống thấy con đường bò quanh núi xoắn như ốc. Một người nói trước đây phải chạy xe cả giờ loanh quanh như thế mới lên được đến nơi.

 

Người ta vẫn bảo một ngày Bà Nà có đủ bốn mùa. Chúng tôi lên lúc đã gần trưa, thấy lúc mát lúc lạnh, không biết gọi cho chính xác đang là mùa gì. Mùa xuân ư? Xuân thì làm sao có sương trắng trời? Ừ, mà có thể lắm chứ. Sáng sớm xuân có khi cũng đùng đục thế này. Nhưng sương xuân không bay được như sương ở đây. Rồi bất chợt nắng vàng rực rỡ hiện ra một buổi trưa mùa thu. Có lẽ Bà Nà có hấp lực chính bởi “thoắt thế này thoắt thế kia” như thế này đây chăng? Từ đó, lúc nào trong tôi cũng bám riết một ý nghĩ mình đang ở mùa nào, ý nghĩ đó làm đầu óc tôi bận rộn suốt.

 

 

Vượt qua một đoạn dốc nắng, nhận phòng xong, tôi quyết định phải tắm một cái như đang là giữa trưa hè. Nhưng rồi tôi phải điều chỉnh nước ấm hơn, chính là sợ lạnh quá ốm mất. Người dẫn tour hẹn đến ba giờ rưỡi chiều mới đi tham quan, nằm mãi trên giường thì quá phí. Cả phòng quyết định không ngủ, mở toang của sổ để xem ông trời vần vụ sương gió. Có hơi sợ bọn khỉ xông vào phòng như ai đó cảnh báo, nhưng rồi cũng chẳng sợ nữa. Nhớ trên đường lên khách sạn, chỉ thấy có mỗi một con khỉ lơ đãng ngồi trên hòn đá thấp…

 

Quả nhiên, ngồi trước cửa sổ chừng mười phút, chúng tôi đã chứng kiến đủ cả các loại nắng sương lúc bảng lảng vẫy gọi từ đàng xa, lúc ràn rạt ùa đến cứ như trời đất làm ảo thuật. Phải ở trong tư thế nhăm nhăm bấm máy mới tạm ghi được những cảnh đặc trưng Bà Nà ấy. Mấy dây hoa leo tim tím như hoa muống biển, nhưng tím điệu đà hơn, đang run run trong màn sương. Tôi ngắm mãi không hiểu chúng có lạnh không, chỉ thấy lòng mình mềm đi vì màn hoa tím như rung lên những tiếng kêu khe khẽ. Bên kia, trước khách sạn Morin, người ta trồng cẩm tú cầu ba màu, sang trọng như hoa Đà Lạt, vì vậy tôi mới thương quá mấy bông hoa tím dại bên này. Chắc rằng, không bao lâu nữa, người ta sẽ phá bỏ cái khách sạn này để thành một tổng thể Bà Nà sang trọng và hiện đại. Hoa tím dại mảnh mai sẽ lăn lóc về đâu?

 

Bà Nà càng về chiều càng say người. Chúng tôi xuống một lần cáp để đi thăm “chợ quê” – được giới thiệu trước là có “chợ” mà không có “quê”. Nhưng đến nơi “quê” cũng không mà “chợ” cũng vãn từ hồi nào. Chỉ còn mấy “cô gái quê quê” mặc áo dài cách điệu hiện đại đứng nhìn du khách lăng xăng muốn vào thăm chợ. Lần sang “hầm rượu” nhưng có “hầm” mà không có “rượu”. Đành đứng trước cửa “hầm rượu” chụp một tấm ảnh lưu niệm gót chân mình đã từng đến đây.

 

Xe đưa lên đỉnh núi thăm vườn Pháp đế Đức Phật giảng giải cho năm đệ tử bài học giác ngộ về tứ diệu. Một chuyến đi chừng mươi ngày mà “nhà tour” đã đưa chúng tôi viếng rất nhiều cảnh chùa. Có phải Phật có ở khắp nơi vì có lẽ nhấc con người ta ra khỏi sân si là không dễ? Ngôi chùa nhỏ chon von trên sườn núi nằm lẫn trong khói sương thiền mặc. Ngưỡng bái tượng Phật cao ngất trên đỉnh núi cứ vài ba giây hiện ra rỡ ràng trên nền trời xanh ngắt thì ngay lập tức lại chìm trong màn sương mờ mịt. Có người phục đôi ba lần mà vẫn không chộp được cái khoảnh khắc từ bi độ trì…

 

 

Đi bộ xuống núi mỏi mà vui. Đã định về phòng thì phát hiện tấm bảng có hình mũi tên và hai chữ “cầu treo” bên dưới. Nhiều người quay về, một nhóm tiếc rẻ, một lần đi một lần khó, đi cho biết. Ai ngờ chiếc cầu treo là điều thú vị nhất trong suốt buổi chiều. Chiếc cầu bập bềnh trong những đợt sương mù tạt ngang làm bao nhiêu người à, ồ lên khi có cảm giác mình đang bay lên. Đi qua, rồi đi ngược lại, lần về nhún nhảy cái cầu mạnh hơn cho có cảm giác phiêu bồng. Rồi cười xòa thích thú. Lạ thay, từ trong sương mù đi ra mà mặt ai cũng đỏ bừng, nhìn ai cũng đẹp hơn, có lẽ do đôi mắt long lanh hơn.

 

Ăn cơm tối xong, cả trường quây tròn đốt lửa trại. Thật tiếc là đêm nay trời nhiều sương giá nên không thể chiêm ngưỡng Đà Nẵng về đêm từ Bà Nà. Nghe diễn tả rất tuyệt, như một rừng sao nhấp nhánh bên dưới tầm nhìn, làm cho người ta có cảm giác mình đang đâu đó giữa cõi trời. Có người mặc đến ba cái áo ấm nhưng khi lửa đốt lên, nhạc trỗi lên, lăn vào múa hát, ai nấy quên hết cái lạnh. Đang giữa hè bỗng dưng có một mùa đông, đúng đông, cho mình xuýt xoa, cho mình co ro, cho mình nhớ cái nóng, cái mát quê nhà, làm sao không thú vị. Tiếc nữa là mưa quá sớm, khi đống lửa bắt đầu đượm, nổ tí tách, hoa lửa bay lên, thì mưa đến. Mưa Bà Nà mạnh hạt ran rát buôn buốt. Vẫn còn tiếc, vẫn hát say sưa nhưng khi mưa tràn đến đến thì a lê, thầy trò đội mưa chạy. Thi ai chạy nhanh hơn. Vừa chạy vừa “à hú” rất có không khí sơn cước…

 

Về đến khách sạn, ấn tượng đầu tiên là chúng tôi có rất nhiều vị khách không ngờ. Bướm đêm. Bướm thật chứ không phải bướm đùa! Trời mưa, chúng không có chỗ nấp nên tràn vào hành lang khách sạn. Bên Morin chắc kín cổng cao tường quá nên chúng dạt hết sang bên này. Những con bướm xòe hết hai cánh ra chắc cũng to hơn bàn tay một người đàn ông. Nhưng cánh chúng đang ướt, chúng đành nằm bẹp ngay trên lối đi. Chắc rồi sau này thế nào người ta cũng làm những cái nhà vòm có kính, có lưới, để nuôi bươm bướm như trên vườn hoa Đà Lạt, hoặc như đảo Hoa Lan trên vịnh Nha Phu. Nhìn chúng thật tội nghiệp, có ai đó chắc đã không kịp nhìn thấy nên một thân điệp đã bẹp gí trên nền nhà. Một cảnh tượng làm ai đó định hát tiếp khi về đến khách sạn đành thôi luôn ý định.

 

Mưa đêm, mưa mau mau, mưa rào rạt. Mặt kính cửa sổ nhòe nhoẹt. Muốn nhìn sang dãy đèn vàng bên kia đồi phải lấy tay lau lau rồi áp nhanh mặt mình sát khung cửa, nhìn được vài giây mặt kính lại mờ câm. Những bông lau nghiêng ngả. Không biết con khỉ khi chiều trú ngụ nơi đâu? Cứ thế mà lắng nghe mưa Bà Nà ràn rạt mỗi đợt mỗi khác. Không phải mưa rào rào, cũng không phải mưa rì rầm. Cái mưa kiểu như lúc chiều sương gió bay bay cuồn cuộn đây. Không biết giờ này Đà Nẵng có mưa? Chẳng lẽ nửa đêm lại gọi điện hỏi người dưới phố ở đó có mưa không?

 

Sáng hôm sau chúng tôi rời Bà Nà trên chuyến cáp vận hành đầu tiên trong ngày, cho kịp về đến Nha Trang trước nửa đêm. Vẫn là mùa đông, xung quanh trắng như sữa. Vậy mà có người đã kịp lên đỉnh núi Chúa, chống tay lên cột đá trên đỉnh núi cười tươi chụp hình lưu niệm. Nghe kể mà thấy tiếc mình cứ sợ mưa không dám đi. Thoáng cái, những ánh nắng mùa xuân đã lấp ló, nhìn xuống thấy rõ suối Mơ đang vặn mình mơ màng. Xuống đến bến đợi, tôi bắt chước mọi người ghé vô quầy lưu niệm mua một cái chuông gió, loại chuông bán trong Văn Miếu Hà Nội được mấy cô bán hàng ở đấy gọi bằng cái tên mỹ miều : “Chuông sao Khuê”. Ở Bà Nà người ta gọi đơn giản là chuông gió, tôi gọi là phong linh, bất chợt bật cười một mình vì nhớ trước đây có đọc đâu đó nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đi tìm mua cái “phong linh”, người bán hàng đưa ngay cho cái phone-link không có bà con chi với cái định mua. Cũng là kỷ niệm.

 

Giã từ Bà Nà. Giã từ “đường lên tiên cảnh”. Chắc hai chàng Lưu Nguyễn khi rời động đào trở về cõi tục cũng tiêng tiếc thế này là cùng. Sếp hỏi hôm nào lên lại Bà Nà, ai đi? Tôi nghĩ dẫu thế nào tôi cũng đi. Nhưng chắc là lên vào mùa xuân để tận mục sở thị “đặc sản” đào chuông Bà Nà cho thỏa...

 

(VIII/ 2010)

 

 

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 7307
Ngày đăng: 16.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vườn Vải Xưa Còn Nhòa Lệ Máu... - Nguyễn Anh Tuấn
Hành Hương Chùa Núi Tà Cú - Phạm Nga
Những người giữ đảo - Văn Thành Lê
Thiên Đường Thứ Hai - Minh Nguyễn
Nhớ Một Dòng Sông - Mây Ngàn Phương
Ngôi Miếu Thờ “Những Thành Hoàng Làng Đội Mũ Cối” - Vũ Ngọc Tiến
Sống Với Kỷ Niệm - Phạm Văn Nhàn
Tháng 1 Năm 2011 Có Gì Đáng Nhớ - Mây Ngàn Phương
Theo Dấu Người Đi Mở Đất - Chế Diễm Trâm
Kim Tuấn, Chiều Đông Nào Nhung Nhớ - Đinh Cường
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)