Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
920
123.136.436
 
Sống Chụ Son Sao 6
Nguyễn Khôi

920. Mồng hai làm cỗ xin đòi đón dâu
Trong nhà rượu cùng nhau mời mọc
Hòm xiểng đi đã sắp ngoài sân
Lao xao nắng xế non ngàn
Buồng cau trong thúng, họ hàng tiễn đưa

 

925. Nhà trai đón giữa trưa tất tưởi
Tóc búi cao, chồng mới em theo
Trái tim xưa vẫn còn treo
Anh ở đâu? Vía còn đeo trong hồn

Về chồng mới em buồn, cáu gắt

 

930. Phơi thóc thì mắng cót chửi sàn
Hạch chồng giữa chốn làm quan
Vào nhà cười bác, ra sàn khích anh
Nói xấu mẹ, đành hanh với bố
Vào bếp chân đá đổ chậu nồi
 

935. Dỡ xôi làm vỡ mâm xôi
Khách vào, mặc áo để lòi vú ra
Vú quả mướp vòng ba vòng bảy
Ngủ đệm chê… rận chấy như sung
Tỉnh ra lại mắng nhiếc chồng
 

940. Tóc em chải ngược, ghế lồng lật ngang
Cha mẹ than: mua nàng dâu dữ
Nhà chẳng yên, xấu hổ, cơm toi
Bạc mười ta trả đủ rồi
Thôi tống ra chợ lấy mươi ba đồng

 

945. Đổi gạo chẳng ai màng đến đổi
Đổi muối chẳng ai tới đổi cho
Nghìn lần, chín chợ vòng vo
Lá dong một cuốn đổi cho xong đời
Trớ trêu lại về người tình cũ(*)

 

950. Ngôi nhà xưa anh ở em yêu
Chàng đâu biết, mặc em theo
Để ngoài cối gạo sớm chiều chớ thây
Chồng mới đưa dao dầy, rựa mỏng
Đưa giần sàng, củi cám… khoán cho
 

955. Lòng riêng một mối tơ vò
Kêu ca cùng lợn, tựa lò thở than
Tưởng mong gặp được làm vợ quý
Thành vợ yêu mới mẻ bên chàng

Mà nay bỏ dưới gầm sàn

 

960. Để vương khói bếp phủ làn tóc tro
Mắt trộm ngó bạn xưa tình tự
Em mới thưa: đây có vật tin
Đàn môi xin gửi anh nhìn
Đàn môi em gảy bạn tình nhớ chăng?
 

965. Chàng mới bảo: tiếng đàn kẻ khó
Kẻ hèn kia sao có đàn môi?
Tình tang một khúc bên trời
Thoảng chừng đàn giống tiếng lời ngày xưa?
Chàng dò hỏi thuở vừa đôi tám
 

970. Mới nhận ra ôi bạn trăm năm
Thoả tình yên trí làm ăn
Mắt thương soi mắt ăn nằm có nhau
Cành ban nở bên cầu vừa thấy
Sắm lụa là may váy em thương

 

975. Lại như hoa sớm ngậm sương
Như gái Mường Muổi khăn hường thêu chim (*)
Đã nên duyên thì xin chớ phụ
Yêu đến khi tóc ngả hoa râm
Đến khi đầu bạc răng long

 

980. Chẳng chê vụng dại cũng không chê lười
Muối dưa chớ cười dưa chua quá
Rượu ủ lâu đắng lạ chớ chê
Bên nhau hạnh phúc thoả thuê
Nhờ trời phù hộ em về cùng anh
 

985. Còn vợ cũ duyên tình chẳng bén
Nàng có công vun vén cửa nhà
Anh chìa vàng bạc lụa là
Tiễn người vợ cũ có xa đừng phiền

Em yêu nói: trầu têm đừng chặt

 

990. Têm chặt e vôi gắt trầu non
Yêu nhau yêu nóng chóng mòn
Bình tâm sắp đặt, bản mường khó chê
Người ấy bảo: mọi bề em chịu
Đừng vứt em như xéo lá bay
 

995. Em xin giã gạo đỡ chày
Em xin phơi lúa đổi tay đỡ chàng
Đã có kiềng xin làm gạch cạnh
Gặp chị xưa, xin phận thứ hai
Chịu đau được đỡ đầu roi
 

1000. Được che ngọn kiếm chịu lời nhỏ to
Làm đầy tớ sớm khuya hầu rượu
Làm kẻ hầu buồng chiếu vợ chàng
Ngoài hiên nằm ngủ cũng cam
Cúi xin anh chị được làm vợ hai

 

1005. Chàng mới bảo: chớ nài nèo nã
Nhà rác đầy bởi vỏ măng tre

Hay gì cả lẽ, đa thê
Quanh năm xích mích, trở về đi thôi!
Người vợ cũ tìm lời dặn lại
 

1010. Xin chào anh má ấp vai kề
Chào con nhỏ để mẹ đi
Về ông bà ngoại cùng dì cậu ta
Trông ra thấy có hoa cài tóc
Khăn Piêu đen phất toả đuôi voi
 

Sống Chụ Son Sao 5

 

1015. Nàng đi nàng đã đi rồi
Chàng thương đưa tận ra ngoài đường quan
Xin chúc cô bình an lành lặn
Giữ gìn đừng dãi nắng dầm mưa
Đồi dong chớp nhoáng bên bờ

 

1020. Mưa sa núi trám gió đưa bước nàng
Trời xui khiến bên chàng nên vợ
Trúng hồng tâm mũi nỏ thần yêu
Chỉ vào guồng cuộn tơ gieo
An cư lạc nghiệp bao nhiêu là tình.

 

Góc Thành Nam - Hà Nội

26-12-1995

 

 

VỀ 4 CHỮ “SỐNG CHỤ SON SAO”

 

Đúng ra phải gọi là “Tiễn dặn bạn tình”, còn dịch là “Tiễn dặn người yêu” (cách nói của thời hiện đại) coi như đạt được sự tương xứng về cấu trúc, nhưng lại chưa lột tả được hết ý nghĩa hàm ẩn. Từ SON vừa có nghĩa là DẶN, nhưng còn có nghĩa là SỰ HỌC - bài học, nghĩa sau mới là nghĩa chính.Với tâm tư sâu sắc của người yêu cũ đã trải nghiệm qua một cuộc tình đầy bi thương, với cốt lõi của truyện thơ hàm tải trong chừng 400 câu thơ đã diễn tả lời TIỄN DẶN của nhân vật ANH YÊU, lấy tiếng thơ là tiếng lòng mà gửi gắm bầu tâm sự với người BẠN TÌNH muôn đời không dứt (Yêu nhau mà không lấy được nhau).

Truyện thơ SỐNG CHỤ SON SAO là một bản trường ca trữ tình (chứ không phải là “sử thi”- trường ca anh hùng). Đó là nghệ thuật kết hợp giữa truyện dân gian và thơ dân gian

(điệu hát KHẮP - hát thơ rất phổ cập ở Dân tộc Thái Sơn La - Tây Bắc - Việt Nam) nên gọi nó là “Truỵên thơ” là hợp lý nhất.

Theo truyền thuyết: Đây là một câu chuyện tình có thật của một đôi trai gái ở Bản Panh và Bản Sái thuộc xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu (Mường Muổi), tỉnh Sơn La ngày nay.


Vì thế hai bản (làng) này có thể gọi chung là “Bản Panh Sái” cũng được (mà Panh Sái là cách nói lái tiếng “Sai Pánh” mà ra, “Sai Pánh” là tiếng gọi âu yếm yêu thương). Nguyễn Khôi tôi đã có thời gian làm “Cán bộ cắm bản” (nói theo kiểu đối phương là “Việt cộng nằm vùng” ở đây hồi năm chiến tranh 1966-1967) nên đã được nghe già làng và bà con cô bác kể và hát cho nghe về thiên tình sử lâm ly bi thương này (kiểu như ở Vêrônna bên Ý).

SỐNG CHỤ SON SAO là đỉnh cao của văn học Thái (Thái đen - Việt Nam) mà ngôn ngữ (tiếng) Thuận Châu, Mường La là tiêu biểu (khi được truyền lên Lai Châu - Điện Biên, sang Lào - Thái Lan, vào Hoà Bình - Thanh Hoá - Nghệ An thì phát âm và câu chữ có biến đổi…). Truyện thơ được sáng tác trong xã hội thịnh trị của Thế kỷ 17 ở vùng Tây Bắc Đại Việt, ngôn ngữ thơ đã đạt trình độ điêu luyện, tài tình, hầu hết các thể thơ Thái thông dụng đã được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong SỐNG CHỤ SON SAO, từ thể Khắp Bắc câu dài 11, 12 chữ đến thể Khống Khái câu ngắn 5, 6 chữ, những thể thơ này được dùng xen lẫn với nhau rất hài hoà tuyệt diệu.

Nguyễn Khôi tôi (Chàng trai Đình Bảng) vốn là một kỹ sư nông nghiệp, năm 1963 lên Sơn La công tác, đã có hàng chục năm ở bản, cùng sống với đồng bào hết sông Mã laị Mai Sơn (Mường Mụa), Thuận Châu, Mường La… Cứ như vậy, năm tiếp năm, trải 21 mùa hoa ban nở (Ban pún), mùa con ve Y Liếng kêu ran với tiếng chim Tăng Ló gọi khi mùa lũ về suốt cả thời gian tuổi trẻ. Lòng quê Quan họ đã thấm đượm hương sắc bản Mường, say mê với những khúc tình thơ xứ Thái… Phải chăng vì thế đã nhập hồn vào các câu thơ Sống Chụ… để rồi bằng thể thơ truyền thống của Người Kinh Bắc (với Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm) Nguyễn Khôi đã “diễn Nôm” ra 1024 câu “TIỄN DẶN NGƯỜI YÊU” dâng tặng cho quê hương xứ sở… Đây là những câu tuyệt đẹp:

- Có đêm chuyện chừng quên gà gáy

Đeo mộng về trăng rải như mơ.

- Quả cau đã buộc dây trầu gỡ sao.

- Cầm sào dời bến lòng đau nuốt hờn.

- Nhớ quê đồng đã vào mùa

Mạ ai gieo, để ai bừa ruộng em.

- Nhưng còn đây trái tim hồng

Dây tơ vương vấn theo từng bước anh

Người đi xa quẩn quanh vía bám

Dây trầu leo lên quấn hồn yêu.

- Cho dù đã vợ người ta

Đã yêu xin xẻ lòng chờ đợi nhau

Mùa hoa bưởi hoa ngâu hẹn đợi

Hoa mạ vàng chờ tới tàn phai

Hoa tàn em nhúng sương mai

Hai mươi năm gói khăn mùi còn thơm.

- Xa em lên Mường Lay núi biếc

Lối Mường So đá xếp quanh co

Cheo leo dốc dựng bên bờ

Chênh vênh cuối thác sóng xô bên trời

Áo anh đã tă tơi xơ xác…

- Khi anh đi cải ngồng cánh bướm

Anh trở về cải muộn đơm hoa

Khi đi Piêu mới rủ là

Khi về áo trẻ khắp nhà giăng phơi.

- Sông Mã cạn lòng trơ bằng đĩa

Sông Đà nông bằng đũa hãy quên.

- Đêm nằm không mảnh lót lưng

Cơm ăn như cát đói từng đêm đêm

Mà nay bỏ dưới gầm gàn

Để vương khói bếp phủ làn tóc tro, v.v…

Và 3 câu “kết” (dịch) người dịch lấy 3 ý theo 3 kiểu:

- Một câu thơ Tây (kiểu Pháp - Ý) “Trúng hồng tâm mũi nỏ thần yêu” vẫn hàm ý thơ gốc Sống Chụ với ý thơ Xuân Diệu (Cứ mỗi sớm Thần vui hằng gõ cửa, Thần ái tình bắn những mũi tên vào tim Chàng và Nàng).

- Một câu thơ Thái “Chỉ vào guồng cuộn tơ gieo”.

- Một câu là con cháu cụ Nguyễn Du: xin trở lại thời điểm ra đời của Sống Chụ với hương vị “Ngâm khúc” cổ điển:

“An cư lạc nghiệp bao nhiêu là tình” âu cũng là khẳng định một xã hội thịnh trị với trai thanh gái lịch của vùng quê Quan họ, vùng đất Thuận Châu của bản Sai Pánh (bản Chiềng Ly chưa đi đã nhớ) thân yêu ơi, nơi giầu tiếng dân ca óng mượt lời vàng ý ngọc. Ôi quả thực là đất nào người ấy (Người là hoa của đất), đồng

 

VỀ CHỮ “CHỤ” CỦA NGƯỜI THÁI

 

Cũng như nhiều Dân tộc anh em khác, người Thái quan niệm con người ta có phần XÁC và phần HỒN (Vía) - khuôn, phi khuôn, khuôn ngau.

Người ta tin rằng số phận con người phụ thuộc chặt chẽ vào quan hệ cái gọi là MINH-NÉN-KHOK:

- MINH: là mặt bằng không gian của đất (cõi trần).

- NÉN: là trục dọc có hình tựa cây măng mọc thẳng (Nó nén), đáy NÉN ở mặt đất, còn đỉnh NÉN chạm tới không gian Trời (Then).


NÉN được coi là sinh, kiếp, số mệnh: đóng vai trò sự sống với trời và đất, giữa cái thịnh và cái suy, giữa cõi sống và cõi chết.

NÉN tốt: Người khoẻ mạnh, gặp nhiều may mắn (Nén sáng: Nén hung, Nén saư).

Còn NÉN xấu là Nén mờ: người yếu ớt, tâm tính xấu, làm ăn lụn bại.

Có số phận là có duyên kiếp lứa đôi. Hợp duyên kiếp thì sẽ đạt tới hạnh phúc lý tưởng, ngược lại thì vợ chồng phải chịu số phận hẩm hiu của Minh-Nén.

Chia lìa là vứt bỏ Minh - Nén đi vào Mường Ma (cõi chết). Duyên chồng vợ do “Then bày - Trời đặt”, còn tình yêu do “Lẽ Trời tạo ra” - vì thế mà người Thái mới có cái gọi là CHỤ.

CHỤ là NGƯỜI TÌNH mà không phải là vợ hoặc chồng, là cái gì đó cao siêu, đẹp đẽ và lớn lao lắm đối với mỗi con người cụ thể.


Bởi lẽ Xíp Nén báu to Nén Chụ cáu “(mười Nén không thể bằng một Nén của người tình cũ). Khi yêu nhau, trai gái đến nhờ bà MỘT (cô đồng) có thể giao tiếp với Thần linh để “bói” xem: thắp 2 ngọn nến đặt cạnh nhau, khấn “Then chăng, Then bua” đẻ nhờ Then (Trời) xem duyên phận hạnh phúc, “so tuổi” ngày giờ tháng năm sinh đôi lứa có hợp không?…Nến cháy to, sáng, cháy đều là “Nen feng” hợp duyên phận. Ngược lại là tình duyên trắc trở, đôi bạn không nên vợ nên chồng, họ sẽ trở thành CHỤ (người tình) của nhau.Vì thế có trường hợp quá yêu, cả hai chấp nhận “quyên sinh” cùng nhau đi vào cõi “tử” (chết)! Chết là MINH=O, NÉN đứt, hồn lìa khỏi xác.

 



(*) Người chồng thứ ba chính là người tình cũ. Người thứ hai đã trả đủ giá nên có quyền đem ra chợ bán, không ai thèm mua chỉ đổi được một cuộn lá dong, trớ trêu lại gặp người tình cũ, là chàng trai đóng vai người tình tiễn dặn ở trên.

(*) Gái đẹp Thuận Châu.

 

 

Nguyễn Khôi
Số lần đọc: 3090
Ngày đăng: 17.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sắc Tài Thán Phú - Kha Tiệm Ly
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 5 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 5 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 4 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 3 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 3 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Xuân (thơ)