VI. BÉ BỊ NHỐT
Ta hãy trở lại với Bé lúc ban ngày.
Bé đã giơ tay toan đón chiếc kẹo từ tay Gi Pích, nghe đến tiếng “cơm” đột nhiên rụt tay lại, quay mặt nhìn ra cửa băn khoăn:
- Em về thôi. Ông và mẹ chờ cơm.
- Được rồi! Anh đưa về ngay đây mà. Xe máy phóng chỉ một nhoáng thôi. Em cầm lấy để anh còn đi chuẩn bị xe.
Bé miễn cưỡng cầm chiếc kẹo cho vào mồm. Nhưng từ lúc ấy, đống kẹo bánh trên bàn chẳng còn hấp dẫn Bé nữa.
Một lúc sau, Gi Pích lử khử quay vào vò đầu, nhăn mày nhăn mặt:
- Chết thôi! Thằng Gồ làm hỏng xe rồi. Chữa chưa biết bao giờ cho xong đây!- và quay sang lão Sẹo- Để Bé Thanh tạm nghỉ lại đây, xem bé thích ăn gì vào bữa thì kiếm cho bé, nhỉ !
Bé kêu lên: - Không! Em về. - Và Bé xăm xăm đi ra.
Gi Pích chắn đường:
- Về thế nào được! Phải chữa xe đã chứ.
- Em đi chân.
- Xa lắm. Đến anh cũng chịu nữa là.
- Xa cũng đi.
- Em lạc đường mất thôi.
- Không! Đưa trả cặp sách đây!
Gi Pích cáu: - Bướng có nòi. Giỏi thì cứ đi đi!
Bé đi thật, quên cả đòi cặp sách. Nhưng Bé vừa bước vòng qua Gi Pích thì bị anh ta tóm lấy chỏm đầu. Bộ dạng hoà nhã, vui vẻ, tử tế của anh ta bay đâu mất. Mặt anh ta hầm hầm, mắt long lên. Nhưng Bé chẳng sợ. Bé vùng vằng giơ đôi tay tí hon cố gỡ cái bàn tay thô bạo ra. Mặt Bé đỏ gay. Lão Sẹo chạy tới hất tay Gi Pích rồi cúi xuống Bé nói rất dịu dàng:
- Được, nếu anh Gi Pích bận chữa xe thì để qua đưa về. Nhưng phải ăn chút gì đã chứ.
Bé lắc đầu. Lão xuê xoa:
- Ờ, không ăn thì uống. Không thì khát chết.
Nghe vậy, Bé thấy mình khát thật. Lão Sẹo lại phía tủ loay hoay một lúc rồi mang tới cho Bé một cốc nước màu phớt hồng. Bé uống. Nước ngọt và thơm, không ra nước cam, không ra nước xi-rô, hơi hắc. Bé uống xong, lão Sẹo dắt đến bên phản:
- Em nằm đây mà nghỉ. Mười lăm phút nữa ta đi. Qua cũng phải ăn chút gì đã.
Nói rồi lão đi ra. Gi Pích cũng không còn trong phòng. Bé không nằm mà ngồi ở mép giường, mặt bần thần. Im vắng quá nhỉ. Ở nhà thì ông nội đã bắt vào giường ngủ trưa rồi đây. Ơ, buồn ngủ quá. Mắt Bé ríu lại, đầu gật mấy lần suýt giật cả người lộn xuống sàn nhà. Bé cố cưỡng. Nhưng… Thì mình cứ nằm tạm xuống đây cái đã. Mười lăm phút rồi. Phải đưa tôi về! Ông mắng… Mẹ lo… Ông… Mẹ… Ý nghĩ chìm đi, tan mất. Bé lịm dần vì liều thuốc ngủ pha trong cốc nước.
Lão Sẹo và Gi Pích hiện ra ở cửa. Lão Sẹo nhìn Bé rồi nhìn Gi Pích cười đắc chí. Nhưng Gi Pích sầm mặt:
- Đèo bòng của khỉ còm này chẳng ăn thua gì đâu. Bỏ món cha con thằng thuế quan à ?
Lão Sẹo cả quyết:
- Con lão thuế quan sẽ săn bằng được. Còn của này đã trót thì trét. Còm cũng moi được tiền chuộc. Tiền chuộc mà còm quá thì mang quách theo. Ra nước ngoài, món hàng này có giá đấy.
- Nó làm om lên thì lộ mất. Của này chẳng dễ bảo đâu.
- Không lo! Không lo! - Lão ngừng lại nghĩ ngợi - Có khi ta phải vù sớm hơn dự định. Được. Để tính sau. Đêm nay đến úm mẹ nó và ông nội nó.
- Đi bằng gì ? Không nên lượn mãi Honda, chỉ tổ làm mồi cho bọn mú.
- Bảo thằng Gồ đi khều thằng Tài Râu. Thằng này chiều nay phải đánh xe sang tỉnh bên nhận hàng vào sáng sớm mai, nhưng vì dính bồ nên hiện đang còn tốp xe ở đây. Bắt nó chở. Đến nơi để nó chờ ngoài đường cái. Mình tao vào. Chú mày với thằng Gồ trấn bên ngoài. Phải đợi cho khuya khuya một tí. Bây giờ đi nhậu đã. Thằng nhóc này thì phải đến sáng mai mới tỉnh dậy được.
Hai người đi ra, đóng cửa, cài móc sắt bên ngoài.
Đêm hôm ấy, chúng đã đến nhà Bé, như chúng ta đã biết.
VII. MỰC ĐẾN CỨU BÉ VÀ BÉ CỨU MỰC
Bé tỉnh dậy sớm hơn lão Sẹo tưởng. Có lẽ hơi lạnh đêm khuya và sự quạnh vắng rợn người đã đánh thức Bé dậy. Xung quanh tối om. Bé định thần, cảm thấy giường chiếu lạ bốc lên mùi hôi hôi. Không có chiếc gối xinh xinh Bé vẫn gối. Không có chiếc chăn mỏng mẹ vẫn đắp ngang người Bé. Có tiếng loạt soạt, lộp rộp. Bé giật thót người. Những cái gì ấy nhỉ ? Hay là ma? Mấy anh thanh niên tếu hay kể chuyện ma hù doạ trẻ con. Mẹ bảo không có ma. Nhưng… Hình như cái bàn đang cựa, cái ghế đang bò. Thật ra thì đó chỉ là những chú chuột bự đang tấn công đống bánh kẹo trên bàn thấy động nên chạy tán loạn và nhảy bừa từ trên bàn xuống sàn nhà. Dĩ nhiên là Bé không có cặp mắt của chú mèo để có thể nhìn được trong bóng tối. Bé cất tiếng gọi: “Mẹ ơi! Mẹ!”. Hay là mẹ đi họp? “Ông ơi!” Tiếng gọi bị nhốt trong gian phòng hẹp đóng kín dội lại đập vào tai nghe bùng nhùng. Bé bỗng cảm thấy ớn lạnh dọc sống lưng vì vừa chợt nhớ ra mình đang ở đâu. Không được khóc! Ông nội vẫn bảo: “Vì yêu thương mà khóc thì có thể được. Vì sợ hãi mà khóc thì không nên”. Mấy người kia đi đâu cả nhỉ ? Chuẩn bị xe gì mà lâu thế! Chẳng lẽ bỏ mặc mình ở đây. Đói bụng. Về nhà hãy hay. Chà! Sao mà mót đái. Bé nhìn thấy một cái khe sáng lờ mờ. Cậu lần mò tụt xuống giường sờ soạng đi về phía đó. Cậu va phải một chiếc ghế. Chiếc ghế đổ đánh rầm. Có tiếng những con vật kêu “chí, chí”. Nghe những tiếng kêu đó Bé đâm ra vững dạ. À! Hoá ra chỉ là những con chuột. Bé đã lần đến chỗ có vệt sáng và sờ thấy cánh cửa ra vào. Ánh sáng lờ mờ bên ngoài lách qua một khe nứt nhỏ trên cánh cửa ấy. Bé đẩy cánh cửa. Nó chỉ dịch một tí ti. Bé lay và xô mạnh. Ở ngoài vướng chiếc móc.
- Mở ra! Anh gì ơi! Mở ra, để em về.
Không có tiếng đáp lại. Phải gọi to nữa.
- Anh gì ơi! Mở cửa cho em.
Vẫn chẳng ai thưa. Ức quá! Ức phát khóc được đây này. Không! Không được khóc!
- Anh gì ơi! Mau mở cửa cho tôi!
Bây giờ là tiếng la chứ không còn là tiếng gọi nữa. Nhưng cũng chẳng ăn thua. Bé đẩy mạnh cửa từng chập, nhịp với tiếng la:
- Mở ra! Mở ra! Mở cho ông về!
Cô giáo vẫn răn Bé không được xưng “ông”, cả ông nội, cả mẹ nữa cũng bảo vậy, nhưng lúc này tức quá, Bé quên béng đi.
Đột nhiên “gâu! gâu!” rồi tiếng móng chân cào cửa. Chú Mực! Trong khoảnh khắc, người Bé nhẹ lâng đi như vừa thở phào một tiếng rõ dài, rồi có một luồng máu ấm lan truyền khắp cơ thể. Bé dồn sức lay tấm cánh cửa. Bên ngoài Mực không sủa nữa, chỉ kêu hực hực và gần như đứng dựng hai chân sau, áp mõm vào cánh cửa, chân trước cào mạnh. Chú cào vào đúng chỗ cái móc lúc này đang bập bênh do Bé xô phía trong. Giá là chú khỉ thì có khi đã biết khều cái móc ra. Đằng này Mực chỉ biết dùng móng chân bươi. Nhưng cũng may! Bé ở trong vừa đẩy mạnh vừa lay, Mực ở ngoài cào lên cào xuống nên cái móc cứ tuồi ra dần dần. Đến một lúc: “phựt”, cái móc bật ra và cánh cửa xô mạnh vào Mực làm chú ngã vật xuống. Còn Bé thì như bị ai dúi một cái bổ soài trên thềm nhà. Mực vừa bị ngã, vừa bị va vào cánh cửa đau điếng. Như mọi lần thì chú đã kêu tướng lên “ăng! ăng! đau! đau!” làm nũng với cậu chủ. Nhưng lúc này chú vội vùng dậy chạy đến bên Bé xoắn xít ngửi hít và thè lưỡi liếm. Đang nằm sấp và cảm thấy đau ê ẩm, Bé xoay người vòng tay ôm lấy cổ Mực, suýt ứa nước mắt ra. Cậu tựa vào cái thân hình rắn chắc và ấm nóng của con vật đứng lên. Bấy giờ, cậu mới biết mình bị thương ở cùi tay và đầu gối.
Giờ thì Bé đã thấy vững tâm. Cậu cũng thấy phải mau mau rời khỏi nơi đây. Cậu vuốt lưng và xoa đầu, xoa sống mũi Mực để làm nguội bớt cơn mừng rỡ cuống quít của chú bạn bốn chân, rồi lần bước tìm đường ra. Chừng như Mực hiểu ý chủ, lon ton chạy trước. Bé đi khập khiễng, mỗi bước mỗi thấy đau rát nơi chân, nhưng ý nghĩ của cậu đang hướng về nhà, hướng tới mẹ và ông nội chắc đang nóng lòng lo cho cậu. Lối ra tối tăm và khuất khúc. Với Mực thì đó chỉ là chuyện vặt, nhưng với Bé thì lại là chuyện khác. Mực không biết điều đó hay vì nôn nóng đưa cậu chủ ra thoát nhanh nên chú quên mất ? Thành thử chốc chốc chú phải quay lại đón Bé. Lần mò mãi rồi Bé cũng ra tới chiếc cổng sắt. Bé đứng tần ngần trước bức tường và tấm cánh cổng nhẵn lì và quá cao ngay cả với người lớn. Mực đã chui tọt ra ngoài. Quay lại nhìn không thấy Bé, chú kêu ấm ức trong cổ có vẻ phàn nàn và thúc giục. Chú lại chui qua lỗ vào trong cắn quần Bé lôi đến bên cái lỗ. Chú lại quên! Bé chui sao lọt!
Mực bỗng rít lên, cuống cuồng day day chủ. Bé chưa đoán ra tại sao thì đã nghe bên ngoài loáng thoáng tiếng người. Có tiếng mở khoá. Theo phản xạ tự nhiên, Bé định tìm nơi núp, nhưng rồi cậu vẫn đứng yên. Cánh cổng hé ra, hai bóng người lách vào. Đó là lão Sẹo và Gi Pích. Hai người từ nhà Bé trở về trong chiếc xe đã vô tình chở Mực, sau khi cho Gồ xuống xe trước để lo liệu gì đó, đã đi ăn nhậu với Tài Râu, bây giờ mới khật khưỡng về tới đây. Họ bỗng giật mình toát mồ hôi, tỉnh cả rượu, khi thấy lờ nhờ có người đứng ngay trước mặt. Lão Sẹo bấm đèn pin. Khi nhận ra Bé, lão trấn tĩnh ngay, lấy giọng hồ hởi:
- Thanh đấy à? Bọn qua đi mua thức ăn về cho em đây. Em đi đâu đấy? - Lão lờ tịt không hỏi làm sao Bé thoát ra khỏi phòng được.
Bé giận dỗi:
- Đi về nhà. Chờ các anh lâu quá.
Nói rồi, Bé xăm xăm đi về phía cánh cổng đang mở hé. Lão Sẹo ra hiệu cho Gi Pích khép nhanh cánh cổng lại rồi tiến lại gần Bé:
- Các anh chữa xe mà chẳng được. Thôi để đến mai. Bây giờ quá khuya rồi, đi đường công an họ bắt chết.
Bé kêu to: - Không! Và, né tránh lão, Bé chạy đến bên cổng định mở ra. Nhưng Gi Pích đã cài sập then lại rồi. Anh ta túm lấy Bé lôi trở vào. Bé vùng vẫy một cách bất lực:
- Bỏ tôi ra! Bỏ tôi ra!
Nãy giờ, Mực đứng trong bóng tối lừ mắt trông chừng. Đến lúc này, chỉ hai bước chân, chú chồm tới ngoạm vào tay kẻ đang bức hiếp chủ và là bạn của chú. Gi Pích thét lên một tiếng đau đớn buông Bé ra, đưa tay trái chịt chỗ bị cắn. Lão Sẹo lia đèn pin, kêu lên kinh ngạc:
-Ở đâu ra con quỉ này? Chà mẩy ghê. Được chầu nhậu trời cho đây.
Nhanh như làm trò ảo thuật, lão rút ra một con dao găm nhọn hoắt giấu ở đâu trong người không biết, lấy thế lừ lừ tiến lại gần con chó. Bé vội lao tới đưa cả hai tay giữ chặt cổ tay cầm dao của lão, kêu to như quát:
- Không được đụng tới chó của ta!
- À, té ra là chó của bé Thanh. - Lão Sẹo thốt lên ra vẻ thán phục - Giỏi nhỉ! Tìm được đến đây với chủ cơ đấy. - Lão gỡ tay Bé một cách dễ dàng, thu dao lại - Dữ khiếp! Thôi được. Biết bảo vệ chủ thế là tốt. Qua sẽ thưởng. Nhưng Bé phải dỗ nó để nó đừng hiểu lầm bọn qua, nghe! - Lão ra hiệu ngầm cho Gi Pích đang muốn quật chết tươi con vật.
Bé không thấy cái hiệu ngầm ấy, nhưng cậu cảm thấy trong giọng nói ngọt xớt của lão Sẹo mối đe doạ đối với bạn của cậu. Trong vùng ánh sáng của chiếc đèn pin, Bé thấy Mực đang ém mình thủ thế, mắt hết liếc chủ lại gườm gườm nhìn hai kẻ kia. Bé đến bên Mực vuốt nhẹ từ đầu đến cổ rồi bất ngờ chỉ tay ra phía cái lỗ hổng, miệng suỵt. Hiệu lệnh có nghĩa là “chạy đi!” đã quen thuộc đối với Mực mỗi lần chú theo chủ đi xa khỏi nhà mà Bé muốn Mực quay về. Lần nào Mực cũng làm theo ngay. Nhưng lần này Mực vẫy đuôi, thè lưỡi liếm mép nhìn chủ, lưỡng lự. Gi Pích vẫn ôm tay đau đứng cạnh lão Sẹo, bèn huých cùi tay vào lão có ý giục lão phải ra tay ngay kẻo con mồi sổng mất. Song lão ghé tai y bảo nhỏ: “Điều cần là làm yên bụng thằng bé và giữ được con chó ở lại với nó, rồi thịt sau”. Lão hắng giọng bảo Bé:
- Thôi mà! Cứ để chú khuyển này ở lại cho vui, quanh quẩn làm bạn với em càng tốt chứ sao. Chẳng ai làm gì nó đâu. À, qua có quà cho nó đây.
Lão vừa dứt lời thì một mẩu bánh mì kẹp ba tê thơm phức rơi bộp xuống cạnh Mực. Mực đưa mũi ngửi ngửi nhanh rồi ngửng nhìn chủ dò hỏi. Chú đã được luyện không ăn từ tay người lạ. Bé xua tay và đẩy nhẹ lưng Mực ra lệnh, giọng dứt khoát: “Mực! về nhà!”. Mực ngọ nguậy đôi tai, quất nhẹ đuôi, xoay người, và chỉ một thoáng đã trườn qua lỗ hổng.
Gi Pích dậm chân, nhưng lão Sẹo lại cười lên khà khà:
- Úi chà! Xua chó đi rong ngoài phố, người ta cấm đấy. Họ đập chết mất thôi. Kìa! Gọi nó trở lại đi!
Bé đâm bối rối, nhưng cậu quyết định ngay:
- Mở cổng ra để tôi về cùng nó!
Lão Sẹo sầm mặt lại, nhưng rồi tươi cười ngay:
- Nói vui vậy thôi. Con chó này khôn chán. Chẳng ai làm gì được nó đâu. Nào! Bé Thanh hãy vào đây chờ một lát để anh Gi Pích đi kiếm xe đưa bé về nhà nào. Kiếm hẳn một chiếc ôtô ấy.
Lão lại gần, giơ tay định xoa đầu Bé. Bé nguẩy người tránh, phụng phịu:
- Chẳng cần xe nữa đâu.
- Cần chứ! - Lão Sẹo vồn vã - Đi bộ hết đêm cũng chẳng tới nơi được. Cứ vào đây đã, bé phải ăn chút gì chứ. Cả ngày nhịn đói rồi. - Bé lắc đầu - Ừ, không muốn ăn thì thôi, nhưng cũng phải vào lấy cặp sách. Hay là vứt sách vở đi để đến trường cô giáo không cho vào lớp.
Bé cắn móng tay nghĩ ngợi rồi miễn cưỡng quay vào.
VIII. BƯỚC PHIÊU LƯU TIẾP CỦA MỰC
Ra thoát ngoài bức tường, Mực quay đầu nhìn lỗ hổng giây lâu rồi mới rời đi. Ban đầu chú bước rồi chuyển sang chạy. Đã quen lối nên chẳng mấy lúc chú đã ra đến đường phố lớn lúc này vắng tanh vắng ngắt. Đi hướng nào bây giờ? Gay quá! Đường phố vốn là chốn khá xa lạ đối với Mực. Đường phố nơi đây lại thênh thang và dài tít tắp làm chú ngợp. Chú nghi ngại, trông trước, ngó sau, nhìn ngược, ngóng xuôi, cái đuôi quặp xuống. Lưỡng lự mấy thoáng rồi chú rẽ phải. Hãy cứ thế đã. Chú chạy gằn trên vỉa hè sát trước các nhà dọc phố. Chốc chốc chú dừng lại làm cái việc đánh dấu đường đi, có nghĩa là chú ghếch một chân sau tè ra ít giọt vào gốc cây, gốc cột điện hoặc một góc khuất trước hiên một nhà nào đó. Đấy là thói quen của họ nhà chó mỗi khi đi vào xứ lạ. Rõ ràng việc này phạm vào qui tắc vệ sinh đường phố. Nhưng cũng chẳng sao. Một là, quả tình chú không biết, chẳng như con người có khi biết sai mà vẫn cứ làm bừa. Hai là, chẳng ai mắng chú cả, vì có bóng người nào đâu. Ba là, chỗ chú són ra chẳng bằng một tẹo so với những gì mà một số cậu bé ngỗ nghịch và xấu tính vẫn đứng ngay trên hè đường ngang nhiên phóng bậy ra. Vậy là Mực ta vừa chạy vừa đánh dấu đường đi. Tất nhiên là cả đánh hơi nữa. Nhưng chẳng có gì để đánh hơi ở đây. Chú cứ tiến hoài theo đường phố thẳng. Đôi lúc thân hình chú khẽ run lên. Hơi lạnh đêm khuya thấm vào hay nỗi cô đơn, lạc lõng làm chú rùng mình? Chưa bao giờ chú đi xa mà không có cậu chủ. Mà lần này thì xa quá là xa! Phải về được đến nhà tìm ông chủ lớn. Cậu chủ còn ở nơi kia không chui ra được.
Chú vừa chạy quá một ngã tư thì từ một phố ngang nghe có tiếng chân rầm rập, rồi những tiếng quát giật giọng: “Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!”. Chẳng hiểu mô tê gì, chú hoảng kinh soãi chân phóng. Đằng trước chú cũng có một kẻ đang chạy, vác một bọc to sù. Tiếng chân chạy và tiếng quát phía sau vẫn đang bám theo. Kẻ chạy trước Mực ngoái cổ lại trông thấy Mực mỗi lúc một gần bèn quẳng cái bọc nghe đánh “phịch”. Mực giật thót mình, nhảy chéo sang một bên tránh theo bản năng loài chó. Rồi cũng theo bản năng, chú dừng vội ngửi cái bọc. Chẳng có gì dính dáng đến chú. Chú lại tiếp tục chạy. Thằng trộm đã biến mất. Những người mất của chạy đến vui sướng nhặt cái bọc lên. Hẳn họ không biết Mực đã vô tình góp công quyết định giúp họ lấy lại của bị trộm.
Mực càng không biết công tích ấy của chú. Chú đi tiếp con đường. Phía trước hiện lên một đám cây, rất nhiều cây, giống cái vườn của chủ Mực, mà cũng không giống hẳn vì rộng hơn nhiều, thưa cây hơn, có bãi cỏ, có ghế đá, có mưa trên một cái ao tròn. Mực đi vào đó luẩn quẩn một lúc rồi đứng lặng, đuôi bất động, tai giương lên, lưỡi hơi thè ra, mắt hơi đung đưa. Ấy là dấu hiệu chú đang nghĩ lung lắm. Khó ghê! Chú liếm mép, hấp háy mắt, rồi quyết định quay lại phía đường. Chợt chú nép vào dưới một lùm cây. Có hai người đang đi đến. Mực vẫn đứng yên trông chừng. Bỗng chú quẫy đuôi rồi vẫy loạn lên. Đó là hai người công an, trong đó có một người đã đến nhà Bé lúc ban chiều sau khi được báo Bé bị lạc. Còn người kia hay đến nhà Bé xin nước mưa pha trà. Anh này cũng đã có lần giúp ông nội của Bé tập cho Mực. Hai người phát hoảng khi thấy một con chó từ bụi cây xồ ra. Một anh đã đưa tay sờ bao súng đeo bên hông. Nhưng con vật không có vẻ gì là có ác ý. Trái lại, nó nhẩy quẩng lên hoan hỉ, đuôi ngoáy lia lịa. Anh kia nhìn kĩ nghi hoặc:
- Quái! Hình như là con Mực nhà bé Thanh. Làm sao mà nó lang thang ở đây nhỉ? Bọn ta đi tìm chủ nó thì lại vớ được nó.
Số là ở nhà Bé, sau khi lão Sẹo đi rồi, ông nội đi báo công an. Mẹ hơi lo vì lời đe doạ bóng gió của kẻ kia. Nhưng ông đã quyết. Người công an trực đồn nghe ông tả kẻ đến tống tiền cứ gật gù. Trong trí anh ta, đang hiện lên hình dạng của một tên lưu manh lợi hại mấy lần tự nhiên lặn mất. Sau đó, một điều tra viên được phái đến nhà Bé tìm hiểu thêm. Anh này chú ý đến chiếc khăn tay lão Sẹo để lại. Anh thận trọng dùng cặp gắp bỏ vào một tờ giấy sạch gói lại mang về đồn.
Sự việc được báo gấp lên cấp trên. Chừng một giờ sau, mấy tốp công an tuần tra được giao nhiệm vụ săn lùng kẻ gian vừa ló ra đã lại biến đi. Có tốp mang theo chú béc-giê mà Mực đã biết và không mấy thiện cảm. Có tốp đi xe ba bánh. Hai người mà Mực bắt gặp trong công viên thuộc tốp thứ ba. Anh người quen của gia đình Bé đang định cúi xuống xoa đầu Mực thì chú đã cắn áo anh giật giật, rồi nhả ra chạy đi. Hai người công an ngớ ra. Mực chạy một quãng, ngoảnh đầu lại thấy họ vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ, chú bèn kêu lên: “Gâu! gâu! mau! mau!”. Hai người chợt hiểu, bèn đi theo con vật. Chú chó mừng rỡ rít lên khe khẽ quay ngoắt lại chạy trước dẫn lối. Lúc đầu chú còn hay ngoái lại dòm chừng. Về sau, thấy hai người vẫn bám sát chú, chú yên tâm tập trung vào việc nhận đường.
Đã đến đầu đường phố lớn trổ vào công viên. Tới đây, Mực lâm vào thế lúng túng to. Lúc nãy, mải chạy hoảng vì cảnh đuổi trộm, chú đã quên đánh dấu đường một quãng dài. Chú sục xuống ngửi lòng đường, hè phố mãi mà chẳng lần ra. Chú bối rối đưa mắt nhìn hai người ra vẻ chịu lỗi rồi lại cúi xuống đánh hơi rà tìm. Lúc lúc chú lại liếc mắt nhìn hai người. Chú mong được trợ giúp, hay chú sợ bị họ cho là chuyện vớ vẩn, họ chán họ bỏ đi mất? Mà một trong hai người đã định bỏ đi thật, nếu người kia không khuyên ráng chờ. Vừa lúc tốp đi xe ba bánh trờ tới. Hai tốp bàn định với nhau. Sau một hồi bàn cãi, họ đồng ý với nhau là kiên nhẫn đợi xem chú chó này giở trò gì. Anh công an quen lại gần vẫy tay động viên Mực. Mực vững tâm dò tìm xa ra mãi. Khi tất cả mọi người đều đã bắt đầu sốt ruột thì thấy Mực chạy tới, đuôi ngoắt tíu tít. Mực chỉ kịp kêu lên một tiếng “gâu!”, ý giả là giục “mau!”, rồi vòng gấp chạy ngược trở lại. Cả hai tốp tuần tra vội ngồi dồn lên chiếc xe ba bánh bám theo Mực. Chú vừa chạy, vừa đánh hơi nhận đường. Hết đoạn phố lớn, rẽ vào ngõ, Mực dẫn công an đi mãi. Và kia, chiếc cổng sắt không còn xa lạ đối với Mực đã án ngữ trước mặt. Mọi người xuống xe đứng nhìn ngắm và quan sát một lúc. Đây là mặt sau khu tiểu công nghiệp bị thua lỗ đang chờ thanh lí mà lại đang vướng chuyện tranh chấp đất đai. Toàn bộ đang bỏ trống, nơi ẩn náu lí tưởng cho chuột bọ và kẻ gian. Chẳng biết bọn nào đang lót ổ tại đây? Mọi người tiến đến chiếc cổng. Cánh cổng khép kín, lì lợm, bí hiểm. Một người, rồi hai người ghé vai đẩy vẫn không chuyển. Đã mấy lần Mực chui qua lỗ hổng vào trong rồi lại chui ra chạy đến bên đám người đang bàn tính, cặp mắt ướt ngước nhìn như chất vấn, như hối thúc. Mấy người xúm lại công kênh một người trèo lên nhảy vào trong. Phía trong cài then ngang rất chắc. Cánh cổng vừa mở ra, Mực đã bươn bả chạy trước.
Nhóm người để một anh ở lại trông xe rồi theo Mực xông vào. Họ đi đến căn phòng mà Bé vừa bị nhốt. Cửa phòng đóng. Nhưng khi một người thử kéo cánh gỗ thì nó kêu rít lên và mở ra ngay. Dưới ánh đèn pin sáng loá, trong phòng bày ra một cảnh tượng lộn xộn, bừa bãi những thứ vất đi. Không còn đống bánh kẹo trên bàn. Những ngăn tủ gỗ xấu xí há rộng phô ra những vỏ đồ hộp, những vỏ chai, những vỏ bao thuốc lá nhập lậu. Nhóm công an quyết định giữ nguyên hiện trường chờ bộ phận chuyên môn đến làm việc. Mọi người đang định quay ra theo lối cũ thì Mực đã kêu lên một tiếng chạy tót về hướng ngược lại. Đầu chú chuồi tới trước, mõm rà sát đất, đuôi ngúc ngắc. Chú chạy gằn, không ngoái lại dòm chừng từng lúc nữa, tin chắc mọi người sẽ đi theo. Mực dẫn nhóm người theo một lối đi ngoắt ngoéo, có khi len giữa các bức tường, cuối cùng lần đến một cái cửa ngách nhỏ trổ ra một đường phố hẹp tối om không có đèn đường. Đến đây, Mực nhảy cẫng lên, rồi tung tăng chạy quẩn giữa đám người ra vẻ hể hả lắm. Nhưng chú sớm thất vọng. Mấy người công an sau khi cúi xuống lò dò xem xét một hồi, ngửng lên ra hiệu cho chú dẫn đường tiếp. Nhưng Mực cũng đang bí. Mới đầu, Mực hăm hở vì hơi người thân dậy lên, nhưng rồi chú chỉ bắt được hơi ấy trong một vòng khá hẹp. Đến một lúc, chú đành dừng lại, đứng yên, đuôi lia ngang rồi thõng hẳn xuống, đầu ngửng lên thẳng đơ, mắt hấp háy, và … chú lại liếm mép. Mấy người kia cũng bối rối không kém.
IX. BÉ TÌM CÁCH THOÁT THÂN
Để Mực sổng mất không chỉ là mất bữa đánh chén, mà sẽ tai hại hơn nhiều. Gi Pích muốn đuổi theo giết; lão Sẹo biết không thể, trừ phi chúng sẵn súng. Mà dù có súng thì dùng lúc này khác nào “lạy ông tôi ở bụi này” còn gì! Thế là chúng quyết định chuyển ổ. Hai người bàn nhau bằng tiếng lóng nên bé không hiểu, nhưng qua thái độ và giọng nói của họ, cậu cảm thấy có điều gì mờ ám. Nhưng Bé tạm yên lòng vì lão Sẹo cả quyết rằng sẽ dùng ô tô chở cậu về nhà. Sau khi Gi Pích đi, lão Sẹo vơ trên bàn, trong tủ những thứ cần mang đi nhét đầy một bị lớn. Xong, lão cẩn thận khép cửa phòng lại, rồi dắt Bé theo một lối mà chẳng bao lâu sau đó Mực đã lần ra. Đến cái cửa ngách, lão Sẹo loay hoay không mở được vì lão đã để lạc mất chìa khoá. Bực mình, lão dùng một thanh sắt nhỏ ngoéo một cái, ổ khoá bị bật tung. Ngoài đường đã có một chiếc ô tô chờ sẵn, trong ca-bin là Tài Râu và Gi Pích. Tài Râu cằn nhằn:
- Người ta đang ngon giấc cũng cứ lôi dậy.
Lão Sẹo giọng giễu cợt:
- Phải rời mèo vào giờ này thì cũng sầu đời đấy nhỉ.
Lão đẩy Tài Râu ra, tự mình ngồi vào trước tay lái:
- Để tao lái cho. Chú mày dành sức mai vù đi sớm lấy hàng cho kịp kế hoạch của chúng nó, không thì chúng nó gõ vào sọ chú mày lại liên luỵ đến bọn anh.
Lão để Bé ngồi sát bên cạnh, đưa cho Bé một chai nước mở nút sẵn bảo uống. Bé nói mình không khát, lão cũng cứ ấn vào miệng. Trong bóng tối, Bé không thấy rõ là nước gì. Nhưng khi nhấp một tí, Bé nhận ra thứ nước màu hồng mà lão đã đưa cho Bé uống hồi trưa. Bé sợ mùi nước thơm hắc này. Bé sực nhớ hồi nãy trước khi đi gọi xe theo lệnh lão Sẹo, Gi Pích lục tủ lấy một chai đưa lên miệng định tu thì lão Sẹo quát khẽ:
- Chớ đụng vào chai nước màu hồng!
Gi Pích lầu bầu:
- Bừa thật! Để lung tung thế này thì có ngày ông cho tôi gục trên tay lái khi xe đang lao nhanh.
Lão Sẹo đã mở máy. Chiếc xe rung lên rồi chuyển bánh. Lão lái một cách tự tin. Bé liếc nhìn lão rồi lén giấu cái chai xuống dưới ghế ngồi. Gi Pích và Tài Râu đang chuyền tay nhau một cái chai khác. Mùi rượu mạnh hoà trong mùi xăng. Bé dựa người vào lưng ghế, duỗi người ra, nhắm mắt lại. Bé đã mệt lắm, song không muốn ngủ, không thể ngủ được. Mẹ và ông nội đang lo lắm đây. Còn Mực nữa. Chẳng biết nó đã về tới nhà chưa? Buổi chiều có cuộc họp lớp bàn chuyện đi cắm trại, vậy mà…
Xe đã rẽ qua mấy phố hẹp. Lão Sẹo dừng xe, bảo Gi Pích và Tài Râu chạy đi lấy những gì đó mà lão bảo “phòng xa”. Lão thò đầu ra ngoài cửa xe dặn hai người, giọng khê nặc:
- Chớ có la cà! Không phới nhanh thì om xương đấy!
Hai người kia đi rồi, lão Sẹo xoè lửa soi Bé. Mắt lão gườm gườm. Chẳng còn đâu vẻ mặt xởi lởi mà lão vẫn trưng ra với Bé. Thấy Bé có vẻ ngủ say, lão nhếch mép cười ruồi. Lão châm một điếu thuốc lá, ngả người chếch đầu vào thành ghế phì phèo hút. Trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi ấy, lão vẫn luôn luôn đảo mắt quan sát phía ngoài xe và lắng tai nghe động tĩnh. Ánh sáng đèn thuỷ ngân cao áp từ một ngã tư phía xa chiếu lờ mờ đường phố nhỏ nơi chiếc xe đang đậu. Chợt lão dụi tắt vội điếu thuốc lá và thu người lại. Phía sau, có hai người đi tới mang theo con gì to bằng con bê mấy tháng tuổi. Đến cạnh xe, con vật khịt khịt mũi, rồi kêu hực lên chồm cả hai chân xô mạnh vào cánh cửa buồng lái, nơi lão Sẹo đang nép người cảnh giác theo rõi. Nhanh như cắt, lão xoay người, vừa sửa thế ngồi sau tay lái, vừa đưa tay mở nút công-tắc-điện, khởi động máy và dậm chân ga. Một tiếng quát: “Đứng lại!”. Nhưng chiếc xe đã rú máy phóng vèo đi để lại đằng sau mấy tiếng sủa ồm ồm tức tối. Đúng là tiếng sủa của chú béc-giê đã từng được nói tới trên kia. Sau khi được ngửi chiếc khăn mà kẻ gian đã để lại trong nhà Bé, chú được hai công an đưa đi sục ở những khu vực nghi bọn Sẹo lẩn quất. Và chú đã đánh hơi đúng kẻ cần phải truy lùng. Nhưng tiếc thay!
*
Lão Sẹo lái xe lao nhanh ra đường phố lớn, đèn pha bật đàng hoàng, Lão không cho xe chạy qua các đồn công an, các trạm gác, và chú ý phát hiện từ xa những toán tuần tra. Tay lão ôm vòng lái, mắt lão chăm chăm nhìn ra trước, nhưng óc lão đang suy tính lung lắm.
… Lão cho xe sà vào một quãng đường tối và đỗ sát dưới một tán cây rậm. Lão cúi xuống Bé khẽ gọi: “Bé Thanh, Bé Thanh!”. Đợi một tí lại gọi: “Thanh! Thằng Thanh sún ăn c …”. Thằng nhóc có bị xách tai cũng chẳng tỉnh dậy. Thuốc mê này là nhạy lắm. Lão nhanh nhẹn rời buồng lái, nhẹ nhàng khép cửa và biến đi.
Nhưng “thằng nhóc” chẳng ngủ say như lão Sẹo nghĩ. Sự thật thì nỗi lo âu và mối nghi ngại chẳng thể giúp Bé cưỡng nổi cơn mệt mỏi và buồn ngủ. Lại thêm tí thuốc mê trót nhấp phải. May mà lúc Bé đang ríu mắt lại thì tiếng chân con béc-giê cào mạnh ngoài cửa xe làm cậu giật mình mở mắt ra. Bé đang định ngồi thẳng dậy thì chiếc xe rồ máy giật chồm lên, cậu bị ép mạnh vào thành ghế. Chiếc xe xóc và lắc dữ. Một thoáng đèn đường hắt vào, Bé nhìn nghiêng thấy mặt lão Sẹo đanh lại dữ tợn. Bé cảm thấy sợ. Hai người kia chưa trở lại, lão đã vội cho xe chạy. Tiếng quát. Lão hoảng tiếng quát. Thế thì lão đúng là chẳng phải người tử tế. Ông ơi! Mẹ ơi! Bé nhớ đến những chuyện đọc được hoặc nghe kể về những bạn nhỏ dũng cảm không may sa vào tay kẻ gian hoặc quân địch. Bé nhắm mắt mường tượng. Nếu các bạn ấy lâm vào cảnh ngộ của mình… Lão Sẹo đã cho xe dừng. Lão nghiêng xuống bên Bé. Bé nghe rõ từng lời lão chọc tức mình. Bình thường thì Bé đã “bật lò xo” ngay. Nhưng lúc ấy có gì xui Bé giả vờ ngủ. Tim Bé đập hơi mạnh. Bé như nghe tiếng ông nội mách bảo: “Cứ nhắm mắt nằm im!”, “Đừng thưa!”. Nghe thấy tiếng lão tụt xuống xe. Tiếng đóng cửa xe. Bé hé mắt, rồi mở hẳn. Phía trên cửa xe có một khoảng mờ mờ. Bé đưa tay sờ, đụng phải tấm kính dày. Dịch lên nữa. Tay Bé thò qua một khoảng trống. A, cánh cửa này hở trên. Bé đâu biết tấm kính ấy nằm trong cửa xe có thể nâng lên hạ xuống bằng một cái tay quay. Vừa nãy, khi ngồi hút thuốc, lão Sẹo đã hạ tấm kính ấy xuống nửa vời để thông gió. Sau đó, mải lo chạy trốn, lão không nghĩ tới nữa. Bé thò đầu định chui qua. Không được! Phía ngoài chẳng có chỗ nào để bám cả. Phải cho chân ra trước rồi đu hai tay mà thả chân xuống như lần cùng lũ trẻ đố nhau tụt tường cạnh ngõ ấy mà. Lần ấy bị ông nội mắng và mẹ phạt đứng quay mặt vào tường trong góc phòng. Nhưng bây giờ… Phải nhanh lên mới được! Khó khăn lắm Bé mới trườn được nửa người dưới ra ngoài. Hai chân Bé chơi vơi trong không khí. Bề mặt cánh cửa trơn nhẵn, đạp chân vào cứ chuội đi. Nhưng rồi may, chân quơ đúng tay nắm cánh cửa xe. Tì một chân vào đó, Bé từ từ thả chân kia, vừa thận trọng kéo đầu ra ngoài khung cửa. Khi cả thân mình đã lủng lẳng đầu hai cánh tay, Bé mới buông hai bàn tay đang bám vào mép tấm kính dày ra. Cậu rơi phịch xuống và ngã ngồi trên đất. Ôi chao! Mông đau ê đi, hai tay buốt xót vì bị sượt mép kính lại vừa phải chống mạnh xuống đường. Bé gượng đứng lên, chỉ nhăn nhó tí ti thôi. Cậu ngó về phía lão Sẹo vừa đi, rồi chạy về phía ngược lại. Dẫu có hơi cà nhắc thì vẫn là chạy.
X. PHẢI TÌM CHO ĐƯỢC MỰC
Nơi chú Mực và mấy người công an đang tìm kiếm thì sao? Câu chuyện có vẻ nghiêm trọng đây! Quan sát kĩ mặt đất, những người truy tìm biết rằng có một chiếc xe tải đã đến đây, đỗ lại, và đã chạy đi chưa lâu lắm. Như vậy là những người mà họ đang truy tìm đã lên xe rồi, Mực còn đánh hơi vào đâu được nữa! Họ bèn lộn trở lại bàn nhau cử một người đến báo với đồn công an gần nhất, cắt một người phục lại giám sát căn phòng và khu nhà. Số còn lại lên xe về báo cáo cấp trên xin chỉ thị mới. Họ quên Mực. Còn lại một mình, Mực đứng nhìn bọn người bỏ đi, đuôi thõng phân vân. Cậu chủ biến đi đâu nhỉ ?
Nhưng chú chẳng bỏ cuộc. Không đời nào! Chú tiếp tục sục tìm.
*
Bé chập choạng chạy. Có vẻ như Bé đã chạy được thật xa, nhưng đường phố trước mặt cứ hun hút và vắng vẻ. Bé rờn rợn. Cứ cảm thấy ớn sau lưng mà không dám ngay cả liếc nhìn lại. Giá có con Mực bên cạnh lúc này! Bé nhặt vội hai hòn đá thủ vào hai tay và vẫn chạy. Bước chân Bé đã chuệch choạc lắm. Bỗng có tiếng gọi: “Cháu ơi! Chạy đi đâu đấy?”. Bé giật mình, càng cố chạy nhanh hơn. Có tiếng chân đuổi theo phía sau, chỉ một chốc đã gần kịp. Bé quyết định dừng lại, xoay người thủ thế, mắt giương to, miệng mím lại, sẵn sàng sử dụng thứ vũ khí đang nắm chặt trong tay. Nhưng người chạy tới chỉ là một cô còn trẻ. Cô này đang đi gánh nước đêm, trông thấy một đứa trẻ đang hớt hải chạy lúc khuya khoắt thế này bèn đặt đôi thùng xuống đuổi theo hỏi sự thể ra sao. À, một người không quen, chẳng làm hại gì mình. Bé nghĩ vậy, định tiếp tục chạy đi. Người đàn bà giữ lại:
- Cháu làm sao? Cho cô biết xem cô có giúp được gì cháu không.
- Nó bắt. - Tiếng Bé gần bị lấp trong hơi thở dồn.
- Ai?
- Ở đằng chiếc ô tô ấy. - Bé chỉ tay về phía xa.
- Kể rõ cho cô nghe nào!
Bé chẳng biết kể thế nào, nói lộn xộn chẳng đâu ra đâu, nhưng chị đoán chừng đã có một tai hoạ xẩy đến với Bé. Chị đưa Bé đến đồn công an phường gần đó.
* *
*
Bé rời chiếc xe độ mươi phút thì lão Sẹo từ trong một ngõ hẻm quay trở ra. Vừa đi, lão vừa lầm bầm mắng người đi bên cạnh lão:
- Ngủ gì mà ngủ kĩ thế? Réo mãi mới chịu thòi mặt ra.
Vừa ngồi vào sau tay lái, lão đã mở máy ngay. Nhưng lão sớm nhận thấy mất đứa bé. Lão lặng đi, nhưng rồi lão cũng đoán ra được khi nhìn thấy kính cửa xe để hở. Dù đang rất vội, lão cũng nhảy xuống đường nhìn ngược, ngó xuôi, đưa mắt sục sạo khắp xung quanh. Lão muốn lùng đuổi theo, nhưng lại không dám nấn ná. Lão gầm gừ trong cổ. Lão cáu lắm. Lão muốn bóp chết tươi “thằng nhãi”. Vì không thể làm thế nên lão càng cáu. Lên lại xe, lão tháo cái cáu vào đầu tên tay chân đang ngồi cạnh ngẩn tò te chẳng hiểu chuyện gì đã xẩy ra.
Lão Sẹo chuồn xe ra ngoài thành phố. Nhưng mới đến chiếc cầu nằm rìa ngoại ô, lão đã bị tóm. Lão không biết rằng nhờ Bé mách về chiếc ô tô, mạng lưới săn lùng của cơ quan an ninh đã kịp thời thít lại.
Lão bị giải về trụ sở công an quận. Ngồi trước bàn hỏi cung, lão tỏ vẻ ngoan ngoãn phục tùng cam chịu tội lái trộm xe người khác. Khi bị truy hỏi về bé Thanh, lão tỏ ra ngơ ngác không hiểu gì cả. Có tiếng mở cửa sau lưng lão, và một tiếng nói nghiêm khắc cất lên:
- Anh có biết em bé này không?
Lão giật mình quay lại. Bé đang đứng cạnh một người công an. Lão sụp mắt nhìn xuống. Óc lão quay cuồng. À, thằng bé này ghê thật!
*
Ông nội và mẹ được báo tin. Không chờ người ta đưa cháu về trả, ông nội đạp xe đến đón. Vừa thấy ông, chưa để ông kịp mừng, Bé đã hỏi ngay:
- Ông ơi, con Mực đã về tới nhà chưa?
- Cháu tìm thấy nó ở đâu? - Ông ngạc nhiên.
- Nó tìm đến chỗ cháu đang bị nhốt không ra được.
- Giỏi! Nó không đi theo cháu à?
- Cháu sợ người ta giết mất nó, cháu đuổi về.
- Ông chưa thấy nó về, nhưng bây giờ thì chắc nó đã ở nhà rồi. Ta về thôi, cháu!
- Nó bị lạc rồi. - Bé lo lắng.
- Con Mực nhà ta khôn lắm chẳng lạc được đâu.
- Không! Nó lạc rồi. Cháu phải đi tìm.
Cả ông nội, cả mấy người công an không khuyên dỗ được Bé. Nhưng tất nhiên Bé không được phép tự đi tìm. Bé ngồi ỉu xìu. Bây giờ Mực ở đâu?
Ông nội đoán rằng nếu Mực lạc thì hẳn nó lại tìm về những chốn có hơi hướng Bé. Lúc này có thể nó đang quẩn quanh nơi Bé bị nhốt vừa mới đây.
XI. CÓ MỰC ĐÂY
Mực vẫn mải mê sục sạo đánh hơi khi mấy người công an đã rời đi. Mực quẩn quanh trong ngõ tối mờ mờ. Chợt Mực dỏng tai. Có tiếng chân người. Ai đó đi có vẻ lén lút về phía cái cửa ngách nhỏ mà lúc nãy Mực dẫn người đi ra. Hơi người quen quen. Mực bèn lẹ chân đi theo. Bóng đen chui qua cửa ngách, lần theo lối đi về cái phòng mà bọn gian đã giữ Bé. Khi gần tới, bóng đen thụt lại nấp sau một gốc cây nhòm ngó. Đó là Gi Pích. Gi Pích và Tài Râu lo xong việc lão Sẹo sai làm quay lại thì chiếc xe đã vù đâu mất. Chúng đoán đã có chuyện. Tài Râu bèn đi cất giấu những thứ vừa mang đến. Còn Gi Pích thì lẻn về phòng cũ để xem kĩ lại có gì cần phi tang không. Đang đi, y ngửi thấy mùi thuốc lá. Đứng ở chỗ nấp, y nhìn thấy bóng một người ngồi nép cạnh cửa phòng, điếu thuốc lập loè trên môi. Bọn cớm. Hừ! Rình chộp người ta mà không nhịn thèm được, y cười thầm. Y rón rén quay lui, rồi luồn nhanh trở lại lối cũ. Nhưng Mực đã chồm tới quát to: “Gâu! gâu! Chạy đâu?”. Gi Pích cố lẩn. Mực đớp một miếng vào bắp chân y. Y xoay người rút dao đâm một nhát sượt mang tai Mực. Đã được luyện, Mực ngoạm vào tay cầm dao của đối thủ. Con dao rơi xuống. Gi Pích cố sức bóp cổ Mực. Mực đưa hai chân trước cào liên hồi vào ngực, vào tay kẻ thù, có nhát chân đập trúng cằm Gi Pích. Hai bên đều quyết liệt. Gi Pích to khoẻ, đêm nay đi lại thong dong toàn ngự trên xe, ăn nhậu xả láng. Không như Mực long đong gần suốt đêm, đầu hôm ăn cũng không ra bữa. Mực đuối sức dần. Bỗng Gi Pích oằn người khuỵu xuống. Thì ra anh công an ngồi gác hiện trường đang thả hồn theo khói thuốc thì choàng tỉnh vì tiếng Mực sủa. Anh ra rút súng cầm tay lần tới chỗ vật và người đang quần nhau. Không cần đến súng, một nhát chém tay vào gáy rất ngọt, thế là kết thúc trận kịch chiến cứu nguy cho Mực. Gi Pích bị dẫn đi. Còn Mực thì ngã vật xuống gần như ngất lịm, chỉ còn thoi thóp. Một lần nữa, Mực lại bị bỏ quên.
Chưa hốt trọn bọn gian còn náu mình thì chưa yên được. Người ta đến nghiên cứu căn phòng đã giữ Bé và khu nhà. Bé cũng được đưa tới cùng ông nội. Người ta chăm chăm muốn hỏi Bé kĩ hơn về bọn gian, nhưng Bé chẳng bụng dạ nào để trả lời. “Cháu phải tìm thấy con Mực của cháu”.
Mực đang nằm thở khó nhọc trong tình trạng nửa mê, nửa tỉnh. Bỗng nhiên như có phép thần trợ giúp, chú cất đầu dậy, dỏng tai lên. Chú vừa thoảng nghe giọng nói thân thương. Đúng rồi! Cái hơi hướng thân thuộc. Chú bật dậy một cách kì lạ. Chú bước đi, ban đầu còn hơi lảo đảo, rồi chú lao đi. Mọi người còn chưa kịp ngạc nhiên thì đầu Mực đã đặt gọn vào lòng Bé, một bên đầu đang chảy máu.
*
Một chiếc com-măng-ca được dùng để đưa ông nội, Bé và Mực về nhà. Chiếc xe đạp của ông được buộc sau đuôi xe. Sắp lên xe thì Bé sực nhớ đến chiếc cặp sách. Trước đây, lúc đưa Bé đi, lão Sẹo và Gi Pích đã hứa là sẽ đem lên ô tô. Sau đó, Bé mệt quá nên quên hỏi. Đến lúc này, Gi Pích cũng ngẩn ngơ ra không nhớ đã quẳng chiếc cặp nơi nao. Chúng quả quyết là chỉ để quên ở đâu đó trong khu vực chúng giữ Bé, và xin đi tìm, - cố nhiên có người kèm.
Ông nội bảo Bé:
- Thôi, để rồi mẹ cháu sẽ mua cho cháu chiếc cặp khác đẹp hơn.
Ông lo Bé ốm, mà mấy người công an cũng đã phờ ra rồi. Nhưng Bé bần thần:
- Trong cặp của cháu có sách giáo khoa nhà trường cho mượn, và vở làm bài của cháu nhiều điểm chín, điểm mười cơ.
Ông nội khó nghĩ. Đã mất khá thì giờ mà xem ra vô vọng, thì may quá! Mực (lại chính là Mực!) đã chạy tót về, miệng ngoạm cái cặp sách.
Trên chiếc xe con, Bé ngồi cạnh ông nội. Chú bạn bốn chân ngồi dưới chân cậu chủ. Cái đầu quấn băng trắng vươn lên hướng về Bé, đôi tai quặp lại. Thỉnh thoảng chú đưa cái mũi ướt hít hít quần áo Bé hoặc đưa lưỡi liếm tay Bé. Bé ấp hai bàn tay phía trên cổ Mực xoa nhẹ. Trong ánh sáng lờ nhờ của đêm về sáng, cậu thấy đôi mắt mà ánh đèn đường thỉnh thoảng rọi vào ánh lên long lanh đang nhìn cậu không rời. Mọi nỗi lo âu đã tan biến đi. Bây giờ là một sự bình yên ấm áp dễ chịu.
Nhà đây rồi. Đèn vẫn sáng. Nghe tiếng xe, mẹ chạy ra ngõ. Bé ngã vào lòng mẹ. Từ khi lạc vào tay kẻ gian tới giờ, chưa lúc nào Bé để nước mắt ứa ra. Vậy mà lúc này đây, Bé đang khóc rấm rứt trong vòng tay của mẹ. Chú Mực chạy quýnh lên quanh hai người, đuôi thì nhong lên hoan hỉ, mồm kêu cuống quít: “Âu! âu! (Đừng khóc! đừng khóc!)”. Rồi chú len vào giữa, rúc mõm vào bụng Bé dụi dụi như cù. Bé bị nhột bật cười lên nắc nẻ.
Hải Phòng, sửa lần cuối 01-1996