Tôi có may mắn quen 20 năm cuối đời của anh Xuân Sách, và bản Hồi ký tôi được đọc từng đoạn và gửi gắm đọc, anh viết kỹ, tôi ngoài việc còn bỏ vài đoạn trùng lắp, tôi không biên gì thêm. Với tôi, anh là bạn và là thầy, nhớ anh tôi trích một đoạn anh viết về Xuân Diệu.
Tài liệu này chưa công bố lần nào.
Nguyễn Hòa vcv
10 - Xuân Diệu
Cỡ như Xuân Diệu thường gửi thư tới báo nào cũng đều đăng. Một lần ông gửi tới Văn nghệ Quân đội, không thấy báo đăng, ông gọi điện tới, hỏi như điều bất thường. Tôi cầm máy và trả lời :
- Thưa anh, tôi thấy bài thơ của anh chưa hay, hình như anh đang gửi loại thơ hạng hai đến cho chúng tôi, vì vậy không đăng được.
- Cậu là ai?
- Tôi là Xuân Sách, trực thơ tòa soạn.
Cúp máy. Tôi không lo ông giận tôi, nhưng ngại ảnh hưởng tới toà soạn . Được ít hôm, Xuân Diệu đạp xe tới gặp tôi, lần đầu ông biết tôi:
- Cậu cho mình lại bài thơ gửi hôm trước, lần này mình đem tới bài khác, loại 1 đấy.
Từ đó thỉnh thoảng tôi có gặp ông. Ông nói làm lãnh đạo ngoài tài đức ra còn cần có năng khiếu. Như Huy Cận, ông ấy vừa làm thơ vừa làm được Bộ trưởng, còn mình làm tổ trưởng tổ tam tam cũng không xong.
Lần khác, ông nói không hiểu vì sao mà CNXH lại cho ra nhiều sản phẩm médiocre (kém cỏi). Và tôi có thiện cảm với ông. Tôi mời ông và Huy Cận tới một đơn vị công binh nói chuyện thơ với bộ đội. Là đơn vị cần chuyên môn nên lính tráng được chọn người có học. Chính ủy đơn vị là một người có bằng tú tài thời Pháp yêu văn nghệ. Đơn vị đón tiếp nồng nhiệt và thân tình. Buổi nói chuyện thơ của hai bên đều hào hứng. Bữa cơm hôm ấy có thịt con bò của lính tăng gia. Ngồi ăn chung quanh đống lửa trại, cũng có chút rượu ngon. Tôi có nghe nói Xuân Diệu có cái tật, xin lỗi, tham ăn. Tôi để ý thấy không phải thế, ông ăn đúng như người từ lâu không được miếng ngon, vừa ăn vừa khen làm người khác phải thèm. Từ bé tôi đã biết khi gia đình có khách, khách ăn nhiều ăn ngon khiến chủ nhà rất hài lòng. Các cụ xưa đã tổng kết con người trong đời sống thường có tứ khoái, thì ăn đứng hàng đầu, rồi tôi lại thấy nhà thơ Huy Cận ăn cũng tốt, cũng nhiều như bạn, nhưng vì ông là thứ trưởng nên cái đức ăn đó được coi là vị quan có tính cách suồng sã bình dân, dễ hòa đồng với quần chúng. Bất công vậy đó!
Trên đường về, Xuân Diệu vẫn hưng phấn nói với tôi:
- Bộ đội các cậu văn minh lịch sự, từ thưởng thức thơ đến ăn uống. Cậu nhớ lần sau lại cho bọn mình đi nhé!
Tôi nói:
- Xin lỗi anh Cận, không biết anh có cần ăn như anh Diệu không, chứ lính tráng thì cần thơ lắm. Có dịp chúng tôi lại mời các anh.
Thời đó một trong những loại tư tưởng cần phải loại bỏ, nhất là trong giới văn nghệ, đấy là tư tưởng tiểu tư sản, gọi tắt là “tạch tạch sè”. Đó là thứ tư tưởng đẻ ra loại văn thơ lãng mạn ủy mị, mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Và chúng ta đều biết trong văn chương, cá tính của từng người rất cần bộc lộ, thì tác phẩm mới khác nhau, mới không thành “hợp tác xã viết văn” do ban chủ nhiệm lãnh đạo.
Ở Hà Nội có một câu lạc bộ thể thao, và đặc biệt hấp dẫn là có bán bia hơi, cán bộ trung cao cấp không phải xếp hàng. Xuân Diệu nhà ở gần câu lạc bộ. Anh được ưu tiên cấp thẻ, buổi chiều có thể vào uống bia mà thơ anh ca ngợi “cốc bia vàng như đồng lúa chín..” Anh lại nói với tôi bộ đội các cậu văn minh thật.
So với những nhà thơ cùng lứa với ông thì thơ Xuân Diệu không hay như trước, mặc dù ông cố gắng hòa đồng với xã hội, thành tâm đi theo cách mạng, thành tâm cải tạo. Có lẽ mỗi ngày ông lại thấy khó viết, tự do sáng tạo không được như ông nghĩ. Những tập thơ như “Hai đợt sóng dâng” “Một khối hồng”. Những bài như Ngói mới được coi là có sáng tạo nhưng thực đó vẫn là những trái cây chín ép, mất đi cái run rẩy trong thơ, cái chung và cái riêng khó hòa hợp. Trong triết học cái chung nằm trong cái riêng. Nhưng trong văn chương ngược lại. Tất cả phải đi theo một định hướng, một khuôn mẫu cứng nhắc, thô thiển. Cái mới mẻ, sáng tạo đáng lẽ được khuyến khích nhưng ngược lại thường bị xăm xoi vô lối. Với một người đã trải qua cuộc đời như Xuân Diệu thật khó cưỡng lại, khó vượt qua. Có lẽ thế mà ông quay sang viết phê bình nghiên cứu. Lĩnh vực này ông gặt hái được khá hơn.
Xuân Diệu sống độc thân, ông phải mượn người giúp việc lo cho cái ăn. Phải xoay xở tằn tiện mới đủ. Những chuyện đó khiến ông tự co mình lại, để hòa nhập với thời thế. Đúng là ngói mới nhưng nhà không mới. “Riêng còn chẳng có, có gì chung?” Tôi viết về ông như vậy thật ra không phải nói về hoàn cảnh riêng đời thường của ông. Mà chính là nói tới sáng tác nếu không phát huy được cái riêng của mình, cũng có nghĩa là anh ta cũng chẳng góp được gì đáng kể cho cái chung. Cũng giống như các xã viên đi làm cho hợp tác xã chẳng bao giờ bỏ hết công sức, vì lợi ích riêng của họ bị thiệt thòi.
Hai đợt sóng dâng một khối hồng
Không làm trôi được chút phấn thông
Chao ôi ngói mới nhà không mới
Riêng còn chẳng có có gì chung.
Khi được nghe bài thơ này, Xuân Diệu đem vại bia đến cụng với tôi: “Cậu viết thế là sâu sắc đấy. Chúc mừng họ Ngô nhà ta.”