Kính dâng hương hồn Ba!
Cứ mỗi lần thắp nhang, con lại ngậm ngùi nhìn chiếc máy thu thanh hiệu Philips, được trang trọng đặt kế bên di ảnh ba trên bàn thờ. Đó là kỷ vật lúc sinh thời ba luôn giữ gìn đặc biệt cẩn thận. Một vật dụng xa xỉ độc nhất mà cả đời ba từng sắm được.
Bà nội thím kể về ba trong rưng rưng thương cảm. Ông bà nội mất từ khi ba mới ngoài mười tuổi. Chỉ vài năm sau, cô Hai – người thân duy nhất còn lại của ba – cũng bị bệnh qua đời lúc chưa tròn đôi mươi. Bỏ lại mình ba bơ vơ, lẻ loi, ngơ ngác... Từ đó ba như cọng cỏ mong manh trôi dạt giữa dòng đời chảy xiết. Nổi trôi hết nhà này sang nhà khác, ba lây lất sống bằng cách chăn trâu, giữ bò, cắt cỏ... mướn kiếm ăn qua ngày. Mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm.
Ba lớn lên trong vô vàn cơ cực. Dù còi cọc, ba vẫn tự chống chọi và đứng vững. Được hun đúc, trui rèn trong hoàn cảnh cay nghiệt đó, nên ý chí tự lập, nghị lực sống của ba vô cùng mạnh mẽ, như cây xương rồng vươn lên giữa sa mạc. Đến lúc tuổi ngoài hai mươi, nhờ người quen mai mối, ba gặp mẹ và nên vợ chồng. Lại vẫn bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Có lẽ vì thế trong ba tồn tại những tính cách trái ngược nhau. Ba bộc trực, thẳng thắn, nhưng không ác ý, hiềm khích. Ba tiện tặn, khắc khổ, nhưng lại sẵn lòng giúp người. Ba khô cứng, lạnh lùng, cố chấp trong ứng xử. Nhưng lại tận tụy, siêng năng, tháo vác trong công việc. Nói đến sức làm việc bền bỉ, dẻo dai của ba, bà con làng xóm ai cũng thán phục. Ba có thể miệt mài làm lụng quên trưa quên tối, thậm chí quên cả ăn uống. Dường như ba quên cả sống cho đời mình!
Con vẫn còn bị ám ảnh vì những tháng ngày khốn khó ấy. Cơm đùm cơm gói chỉ với muối mè, muối đậu phụng, nửa khuya ba vác rựa, đòn gánh vào tận núi Trà Lý đốn củi gánh về. Đường xa vài chục cây số, đi trong sương lạnh, về trong nắng rát. Khi tro bếp tích góp đã đầy mấy đôi thúng to, ba lại gánh đến tận làng Đông Yên xa lắc xa lơ để đổi lấy sắn khoai. Vẫn là đi bộ, từ nửa đêm cho đến tối mịt mới lại về tới nhà. Mồ hôi nhễ nhại, nói không ra hơi, hai bàn chân ba phồng rộp.
Thế nhưng, khủng khiếp nhất đối với con là những bó lá keo oằn đòn gánh, trĩu vai, còng lưng, mà những sáng sớm ba gánh đi xa hàng chục cây số đến chợ Lai Nghi để bán. Những gánh lá keo ba bảo đã lên vai là buộc phải đi đến nơi, dù mệt đứt hơi cũng không được nghỉ, vì hễ đặt xuống thì chắc chắn không thể tự mình gánh lên nổi, nếu không có người giúp. Mỗi lần nhìn gánh lá keo to đùng chuyển động nhịp nhàng, che khuất chẳng thấy ba đâu, con không hiểu nổi với vóc người ba nhỏ nhắn như thế, mà sao lại tiềm tàng một sức mạnh ghê gớm đến vậy!?
Có phải khi xưa số phận khiến ba phải chịu cảnh mồ côi quá sớm, từ nhỏ dại đã thiếu thốn tình thương, nên bây giờ ba dành hết yêu thương cho con cái?! Những ngày gió mưa lụt lội, chợ không thể họp, trong nhà không biết lấy gì làm thức ăn, ba phải mang tay lưới ra đồng ngập nước bắt cá. Lúc trở về, người ba ướt sũng, toàn thân tím tái, dù run lập cập nhưng ba vẫn cười khoe cái vợt đầy cá rô, cá giếc. Để rồi ngay trong bữa ăn sau đó, ba lại tỉ mẩn mút đầu, đuôi và xương cá, còn phần thịt thơm ngon, ba đã nhường hết cho con mình. Và, chúng con – những đứa trẻ còn dại khờ - vẫn vô tâm lựa cơm trắng để ăn, mặc ba trầy trật nuốt sắn khô độn đầy nồi.
Thế đó, cả cuộc đời ba gian lao, khắc khổ và quên mình. Cho đến một ngày ba dốc sức lao động quá độ và ngã bệnh. Nằm liệt giường khoảng một năm, ba ra đi vĩnh viễn. Trong khi con vẫn chưa kịp đền đáp để ba có một ngày thảnh thơi, thong thả. Đám tang ba, con cháu về nghe xóm giềng kể, khi hay tin cháu nội đậu đại học, ba lọ mọ đi khoe khắp làng trên xóm dưới, nước mắt ba rơi, mà miệng ba cười tươi rói.
Người ta nói đó là lần đầu tiên nhìn thấy ba khóc. Và cũng là lần đầu tiên được thấy ba cười mãn nguyện!./.