34. TRƯỜNG DẠY NGHỀ
Bố mẹ tôi muốn tôi vào một trường đại học, nhưng tôi thích thử một cái gì đó như là một trường dạy nghề.
Bạn thật may mắn có được những bậc bố mẹ như thế!
Những trường dạy nghề và những trường đại học theo chương trình 4 năm, mỗi loại trường đều có những ưu điểm của nó. Trong xã hội hiện nay, những người có khả năng chuyên môn, có thể có một thuận lợi trong khi tìm chỗ làm. Nhưng tôi cũng nghĩ, thật là tuyệt vời nếu bạn theo học chương trình đại học 4 năm, và rồi về sau, theo một ngành chuyên môn nào đó.
Theo học một trường đại học là tự phô mình ra trước một phạm vi rộng gồm nhiều khóa học, đây là một cách tốt để trau dồi tri thức và phát triển chính mình như là một con người. Ngành giáo dục sau đại học cũng còn là một công cụ quan trọng cho việc xây dựng tính cách nữa.
Sống trong ký túc xá, tự nó cũng đã là một bài học trong đời – một cơ hội để cho bạn học cách rèn đúc những mối dây của tình bạn, và xây dựng những quan hệ bền vững giữa người với người.
Những cá nhân được giáo dục và rèn luyện tốt khắp thế giới, đều chia sẻ một mẫu số chung : kiến thức rộng và sự uyên bác trong học thuật. Giáo dục cung cấp cơ hội để con người tự nâng mình lên một mức cao hơn trong sự phát triển cá nhân.
Nó giống như việc leo một ngọn núi. Bạn càng leo lên cao, thì tầm nhìn của bạn càng rộng thêm, và thế giới càng trải rộng ra trước mắt bạn. Bạn bắt đầu thấy những điều mà trước đây bạn không thể thấy.
Dù thế nào đi nữa, thì câu hỏi về việc bạn học ở đâu – tại một trường dạy nghề, một trường cao đẳng 2 năm, hay một đại học 4 năm – là một cái gì đó mà chỉ có bạn mới có thể quyết định, dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả hoàn cảnh gia đình của bạn, khả năng học vấn và những ước vọng cá nhân của bạn. Dĩ nhiên, trong khi quyết định phải làm cái gì, điều quan trọng là bạn nên hội ý với những người khác – bố mẹ bạn, các thầy cô, bạn hữu. Nhưng một khi bạn đã quyết định và bắt tay vào hành động, thì đừng nhìn lui phía sau. Bạn không được phép sống đời mình với quá nhiều sự lưỡng lự và tiếc nuối dai dẳng.
Thành công hay thất bại trong đời, thì được quyết định trong chương cuối [của đời bạn], chứ không phải trong chương mở đầu.
35. TẦM QUAN TRỌNG CỦA
VIỆC ĐỌC SÁCH.
Tôi chưa bao giờ quan tâm đến việc đọc sách. [1]
Nhiều người xem đọc sách là một công việc vặt vãnh ở nhà. Có lẽ TV kéo nhiều người xa khỏi những cuốn sách. Hay có thể là computer hay trò chơi điện tử, thì hấp dẫn hơn. Dù sao đi nữa, một số người trẻ thích đọc sách và một số khác thì không. Nhưng có một điều rõ ràng: Những ai mà biết đến niềm vui của việc đọc sách, họ có một cuộc sống phong phú hơn và có tầm nhìn rộng hơn. [2]
Sách giới thiệu bạn với những bông hoa của đời, những dòng sông, những con đường, và những cuộc phiêu lưu. Bạn có thể tìm thấy những ngôi sao và ánh sáng, cảm nhận sự sảng khóai, hay phẫn nộ trước sự bất công. Bạn được thả trôi dạt trên một đại dương bao la của cảm xúc trong một con tàu của lý tính, lay động bởi làn gió mát vô hạn của thi ca. Những giấc mơ và những vở tuồng dần dần diễn ra. Toàn bộ thế giới sống dậy.
Đọc sách là một đặc quyền mà chỉ con người mới có được. Không có sinh vật nào trên hành tinh này có thể đọc sách. Gặp một cuốn sách hay, thì giống như gặp một vị thầy vĩ đại. [3] Qua đọc sách, ta tiếp xúc với hằng trăm hằng ngàn cuộc đời và giao cảm, trò chuyện với những hiền nhân và triết gia từ hơn hai ngàn năm trước.
Đọc sách là một cuộc hành trình. Bạn có thể du hành về phía đông hay phía tây, bắc hay nam, và khám phá ra những con người và những địa danh mới mẻ.
Việc đọc sách vượt lên thời gian. Bạn có thể làm một chuyến viễn chinh với Alexander Người Hy Lạp, hay kết bạn với Socrates và Victo Hugo, và đối thoại với họ.
Gần như không có ngoại lệ, những vĩ nhân qua suốt lịch sử đều có một cuốn sách mà họ nâng niu yêu quý trong suốt thời trẻ tuổi của họ – một cuốn sách mà đóng vai một người hướng đạo, một nguồn động viên, một người bạn thân và nhà cố vấn.
Để được sự thoả mãn thực thụ từ bất cứ cái gì, cần phải thực tập, rèn luyện và nỗ lực. Bạn không thể trở thành một vận động viên trượt tuyết hay lướt ván mà không rèn luyện nó. Chơi piano hay sử dụng computer cũng vậy. Tương tự như thế, muốn thưởng thức sách, cần phải kiên trì và nhẫn nại.
Việc đọc sách đưa bạn tiếp cận với những kho tàng của tinh thần con người – từ mọi thời đại và khắp mọi vùng đất của thế giới. Kẻ nào nhận biết điều này, sẽ sở hữu sự giàu có vô song. Nó giống như làm chủ vô số ngân hàng, mà từ đó bạn có thể rút ra một cách vô hạn. Và những ai đã nếm được niềm vui này, xem những cuốn sách như những người bạn, họ là những người mạnh mẽ.
36. HỌC CÁCH THƯỞNG THỨC
VIỆC ĐỌC SÁCH.
Bằng cách nào tôi có thể thưởng thức việc đọc sách nhiều hơn?
Bước đầu tiên, là tập thói quen đọc sách. Bạn có thể khởi đầu bằng cách tìm một cuốn sách về một chủ đề gây hứng thú cho bạn. Một tiểu thuyết gây hồi hộp, là một cuốn sách tốt để giữ cho bạn có thói quen đọc sách. Những thư viện và nhà sách, thì có vô số những cuốn sách với những tình tiết hấp dẫn, mà một khi đã đọc vào, tự nhiên bạn cứ muốn đọc tiếp để xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sau khi bạn đã chọn ra một danh sách, hằng ngày hãy để ra một vài khoảnh khắc rảnh rỗi để đọc, có thể trong khi bạn đang ngồi xe buýt tới trường hay đang xếp hàng đợi, hay trước khi đi ngủ. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình tiến bộ nhanh chóng ra sao.
Việc đọc sách là điều kiện cốt yếu cho tư duy. [4] Có lẽ, bạn thậm chí có thể nói răng, đọc sách là một dấu hiệu [ biểu lộ] nhân tính của ta. Ta không nên giới hạn đời mình vào một lãnh vực, và loại trừ mọi thứ khác. Bất luận người ta có địa vị xã hội cao tới đâu, nếu họ chưa đọc những tiểu thuyết vĩ đại của những tác giả nổi tiếng của thế giới, thì họ không bao giờ có thể hy vọng trở thành một lãnh tụ xuất chúng. Xây dựng một xã hội nhân đạo, nơi mà người ta sống với phẩm cách, đòi hỏi những lãnh tụ cần phải am hiểu những tác phẩm văn học vĩ đại. Điều này là hết sức quan trọng. [5]
37. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỬ HỌC.
Tại sao chúng ta cần học lịch sư? Những giờ học lịch sử thật là chán, với những danh sách dài những sự kiện và nhật kỳ phải học thuộc lòng.
Môn sử quan trọng, bởi vì nó cho ta một điểm nhìn rộng hơn.
Hãy xem xét điều này: Nếu ta luôn nhìn xuống đất khi ta bước đi trên phố, ta có thể bị lạc đường. Bằng cách nhìn lên và chọn những dấu mốc nhất định để định hướng, ta có thể chắc chắn là ta đang đi đúng hướng. Hoặc, hãy tưởng tượng ta đang nhìn xuống từ một ngọn núi cao. Từ một lợi thế trên cao, thật dễ chọn con đường để tiến bước.
Cuộc đời cũng tương tự như vậy. Nếu bạn luôn có một tầm nhìn nông cạn và chỉ chú ý đến những chi tiết nhỏ sát bên mình, chắc chắn bạn sẽ sa lầy trong những quan tâm bé tí teo và không bao giờ tiến về phía trước. Ngay cả những cái rào cản tương đối nhỏ, cũng sẽ trông có vẻ như không thể nào vượt qua được. Nhưng nếu bạn có một tầm nhìn rộng lớn về cuộc đời, thì bạn sẽ tự nhiên phát hiện ra đáp số cho những vấn đề – bất luận chúng thuộc phạm vi cá nhân, xã hội, hay thậm chí liên quan đến toàn thế giới.
Bạn có càng nhiều vấn đề, bạn càng nên đọc lịch sử. Học lịch sử đưa bạn trở lại với những biến cố và cuộc đời của những người mà họ có thể soi sáng cuộc đời của riêng bạn. Bạn gặp những nhà cách mạng nhiệt thành và những kẻ phản bội đáng khinh bỉ, những kẻ độc tài kiêu ngạo và những anh hùng với kết cục bi thảm. Bạn sẽ biết đến những con người tìm kiếm một cuộc sống hòa bình, nhưng bị buộc phải lang thang qua miền hoang dã. Bạn trải qua những khoảnh khắc ngắn ngủi của hòa bình, giống như một bóng mát dịu êm giữa mặt trời cháy bỏng, giữa những giai đoạn dường như dài vô tận của chiến tranh.
Bằng cách học lịch sử, bạn sẽ thấy vô số những người bị hy sinh cho cái mà bây giờ chúng ta biết là sự mê tín điên rồ; bạn cũng thấy những người đàn ông và phụ nữ với lý tưởng của họ - họ hy sinh đời mình vì thương yêu những người đồng thời với họ. Bạn gặp những con người vĩ đại, họ tự kéo mình lên từ vực thẳm khổ đau để làm cho cái bất khả trở thành hiện thực. Bạn có thể quan sát cái “tấn tuồng” này từ xa, hay tưởng tượng rằng bạn đang ở giữa nó. Quan sát tấn tuồng này, nhìn nó diễn ra trong trí bạn, bạn tự nhiên học cách nhìn cuộc đời từ một điểm nhìn bao quát. Bạn có thể thấy chính mình đang nhấp nhô trên đỉnh sóng của dòng sông lớn của lịch sử. Chúng ta thấy từ đâu mà chúng ta đến, ta đang ở đâu, và ta sẽ đi về đâu.
Hiểu biết lịch sử, tức là hiểu biết chính mình. Ta càng hiểu biết chính mình và bản chất con người, thì bức tranh ta có về lịch sử càng chính xác. Theo quan điểm Phật giáo, lịch sử là một bản ký lục, nó ghi chép những xu hướng con người, của nhân và quả. Nó là khoa học của hoạt động con người, là ngành thống kê về chủng loại người.
Chẳng hạn, mặc dù ta không thể dự báo thời tiết với sự chính xác hoàn toàn, ta có thể dự báo những xu thế dựa trên tính xác suất và thống kê. Trái tim con người cũng không thể dự đoán trước, nhưng lịch sử cho phép chúng ta thấy những xu hướng và những con số thống kê, chúng cho ta cái nhìn sâu vào trong tương lai.
Do vậy, học lịch sử là học về con người. Lịch sử là một tấm gương hướng dẫn ta trong việc định hình tương lai. Lớp trẻ là những nhân vật chính, là những người sẽ viết những trang sử mới của ngày mai. Bạn cần một tấm gương để thấy khuôn mặt của chính mình. Tương tự như vậy, trang bị với tấm gương của lịch sử, bạn có thể thấy cái gì cần được làm trong thế giới xung quanh bạn.
Người cố vấn tinh thần của tôi, Josei Toda, dạy rằng, lịch sử là một tấm biển chỉ đường giúp ta di chuyển với sự chắc chắn lớn hơn – từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai, về phía những mục đích của chúng ta : hòa bình, và sự sống chung hòa điệu của toàn nhân loại.
Bởi vì lịch sử được ghi lại như thế thì quá phong phú, nên không thể trông đợi một người có thể am hiểu được hết thảy mọi cái trong đó. Điều cốt yếu là đạt được một tầm nhìn bao quát, một sự hiểu biết về những nguyên lý lịch sử cơ bản. Nếu ta có thể học bằng cách nghiên cứu lịch sử, về những khuynh hướng tiêu cực của nhân loại, thì ta có thể cảnh giác và tránh khỏi việc lặp lại một khứ đen tối, thảm khốc. Lặp lại những những điều kinh tởm của lịch sử, có nghĩa là ta đã không học được những bài học của nó. Như triết gia George Santayana [6] đã nói, “ Những ai không thể nhớ quá khứ , họ bị kết án phải lặp lại nó.”
38. CHÂN LÝ VÀ LỊCH SỬ.
Càng học lịch sử, tôi càng phát hiện ra rằng, cái mà tôi đã được dạy là không đúng với sự thực.
Lịch sử không phải là cái rõ ràng, dứt khóat. Nó có thể được giải thích trong nhiều cách, đó là lý do tại sao ta không được phép mù quáng tin cái mà ta đọc trong những cuốn sách lịch sử. Napoleon mô tả lịch sử như là một câu chuyện được người ta đồng tình chấp nhận. Cái đó đúng trên vài phương diện – lịch sử được viết từ một nhãn quan đặc thù và không phản ánh chân lý tuyệt đối, khách quan.
Dĩ nhiên, chúng ta biết những nhật kỳ của những biến cố nhất định nào đó; đó là những sự kiện không thể tranh cãi. Song những kết luận dựa trên những nhật kỳ này thì không đáng tin cậy lắm. Đôi khi, chính cái trái ngược với sự thật, lại trở thành ý kiến thắng thế. Và những sự thật quan trọng hơn nhiều, thì không được ghi lại chút nào cả.
Thí dụ, hãy nhìn vào những cuộc Thập Tự Chinh, được phát động bởi những người Ky tô giáo Âu Châu chống lại những thế lực Hồi giáo trong suốt thời Trung Cổ, từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Những bản tường thuật của châu Âu và Hồi giáo về những cuộc Thập Tự Chinh hầu như không có điểm nào chung! Đương nhiên, những cuốn sách lịch sử của Hồi giáo không dùng từ “thập tự chinh” – một từ nghe có vẻ anh hùng; sử Hồi giáo mô tả những ai xâm lăng những vùng đất của họ như là những kẻ gây hấn.
Thật ra, vào thời Thập Tự Chinh, nền văn minh Hồi giáo thì tiên tiến hơn nhiều so với nền văn minh châu Âu. Đạo quân Thập Tự Chinh xâm lăng những vùng đất của người Hồi giáo, tước đoạt và cướp bóc, để lại đằng sau một dấu vết của sự hủy diệt. Những cuốn sử Hồi giáo ghi chép những hành động dã man kinh hoàng mà những đạo quân Thập Tự Chinh đã gây ra.
Học về Thập Tự Chinh cũng không phải chỉ là một vắn đề hiểu quá khứ. Thành kiến và lòng thù hận giữa những nền văn minh Kytô và Hồi giáo vẫn còn tồn tại đến hôm nay, đổ một cái bóng đen lên những cơ may hòa bình thế giới của chúng ta. Đó là vấn đề của hôm nay. Nó là một vấn đề cho tương lai.
Một thí dụ khác: Cách đây không lâu, học sinh đã được dạy rằng, Christopher Columbus đã khám phá ra Châu Mỹ. Nhưng thực ra, người ta đã sống ở đó từ rất lâu rồi. Nói “khám phá”, chỉ là cách nói theo cái nhãn quan của châu Âu. Vấn đề là, khái niệm về sự “khám phá” đã mặc nhiên hạ thấp những thổ dân nguyên thủy của châu Mỹ. Một vài kẻ chinh phục của cái mệnh danh là “Thế Giới Mới”, thậm chí còn không xem những dân tộc bản xứ như là những con người!
Trong khi những người châu Âu giong thuyền từ một đảo thuộc biển Caribbe tới một hòn đảo khác, họ tàn sát những thổ dân hoặc bố ráp họ để làm lao động nô lệ, và gần như xoá sạch toàn bộ dân số. Những cư dân bản địa đã chào đón họ với vòng tay rộng mở, và những kẻ xâm lược của châu Âu đáp lại bằng bạo lực. Chúng ta có thể nói gì về cái “sự thật lịch sử” này? Cái quan điểm rằng, Columbus khám phá ra châu Mỹ đã hợp pháp hóa những kẻ “khám phá”, và do vậy, hợp pháp hóa những hành động tương tự bởi những người khác. Bên trong từ “khám phá”, là một quan điểm lịch sử tự-thị, [7] một quan điểm về nhân loại (humanity) mà rất thường khi, biện minh cho sự nô dịch hóa những dân tộc khác vì quyền lợi của những kẻ chinh phục.
Cái này được gọi là quan điểm thực dân, là cái mà đã gây ra vô số bi kịch khắp thế giới từ bình minh của lịch sử nhân loại. Đây là lý do tại sao việc hiểu lịch sử là quan trọng. Lịch sử của nhân loại về “khám phá” trở thành một tương lai của sự thống trị dẫn tới khốn khổ và bi kịch.
Nằm đằng sau sự xâm lăng châu Á của nước Nhật, là cái quan điểm thực dân hẹp hòi về lịch sử. Từ thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji), bắt đầu vào năm 1868, những người Nhật chúng ta kiên quyết bắt kịp châu Âu và [nhắm vào việc] trở thành những người châu Âu của châu Á. Chúng ta ngược đãi những người châu Á bạn bè của chúng ta tương tự như cách mà những người châu Âu đối xử với những dân tộc bản địa của châu Mỹ sau khi Columbus đến. Chúng ta đã trở thành nô lệ và nịnh bợ những người da trắng, trong khi ngạo mạn và tàn nhẫn với tất cả những chủng tộc khác.
Cố nhiên, cái mà lẽ ra chúng ta đã phải làm, là xây dựng những mối dây thân ái với những bạn bè châu Á của chúng ta và làm việc với họ để đạt tới hòa bình thế giới. Nếu những nhà lãnh đạo Nhật đã có cái nhãn quan ấy – và tầm nhìn về tương lai – thì lịch sử gần đây của nước Nhật có lẽ đã hoàn toàn khác.
Bởi vậy, bạn thấy đó, một biến cố lịch sử riêng lẻ có thể mặc lấy những ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào cách nó được thuyết minh, tùy thuộc vào việc bạn ở phe nào. Cả hai hình ảnh, hai cách thuyết minh này có thể hiện ra như thể là chúng có cơ sở lý luận vững chắc ngang nhau, nhưng chân lý thì lại nằm một nơi nào đó ở giữa.
39. NGHỆ THUẬT CÓ KHẢ NĂNG
CHUYỂN HÓA TRÁI TIM.
Người ta đã bảo tôi rằng nghệ thuật rất là quan trọng, song những lớp dạy về thưởng ngoạn nghệ thuật lại có vẻ rất ngột ngạt và dọa dẫm.
Đúng là việc giáo dục thẩm mỹ chính quy trong nhà trường có vẻ là như vậy. Nhưng chắc chắn, không ai xem một khúc hát của một con chim như là “chính quy” hay đáng sợ. Tôi cũng không chắc rằng, có ai cảm thấy khiếp sợ khi ngắm nhìn một cánh đồng hoa. Ai lại không bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của những bông anh đào đang nở rộ dưới ánh trăng? Và vào một ngày nắng vàng rực rỡ, tất cả chúng ta nhìn lên bầu trời xanh và nghĩ, “Tuyệt vời biết bao!” Tiếng róc rách của một dòng suối làm sảng khóai đôi tai, làm tươi mát giác quan ta. Tất cả những cái đó đều là những thí dụ của lòng yêu cái đẹp của ta, nó hồn nhiên, có tính trực giác.
Nghệ thuật là cái đẹp. Những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, y như cái đẹp nội tại trong thiên nhiên, là một chất nhựa thơm của tinh thần – một nguồn sức sống. Nghệ thuật có thể làm an tịnh, và xoa dịu tâm hồn ta – nó không khiến ta phải tự vệ hay làm ta khó chịu. Nó có thể động viên ta khi ta buồn nản, nâng tinh thần ta lên khi ta căng thẳng.
Nhiều hình thức sinh hoạt hằng ngày của ta thì đầy chất nghệ thuật và văn hóa. Chẳng hạn, khi ta cố gắng để hiện ra đẹp nhất trong mắt người khác, hay làm sạch bóng căn phòng bẩn của ta, là ta đang phấn đấu để tạo ra cái đẹp. Một bông hoa riêng lẻ trong một bình hoa có thể hoàn toàn biến đổi một căn phòng, đem lại cho nó một nét ấm áp, dịu dàng. Đó là quyền lực của cái đẹp .
Nghệ thuật là sự giải phóng nhân tính bên trong bạn. [8]
Những thiết chế xã hội đối xử với ta như thể ta là một cái máy. Chúng giao phó cho ta những địa vị, thứ bậc và đặt một áp lực đáng kể trên ta, buộc ta phải chu toàn những vai trò đã được xác lập của ta. Ta cần một cái gì đó để giúp ta thu hồi lại nhân tính đã mất và bị làm méo mó. [9] Mỗi người trong chúng ta đã đè nén những cảm xúc, và điều này đã tạo nên một tiếng kêu không lời tận đáy linh hồn ta, đợi chờ sự biểu lộ. Nghệ thuật, cả trong sự sáng tạo lẫn trong thưởng ngoạn, đem lại cho những cảm xúc này giọng nói và hình thể.
Để cho những cảm xúc đó thóat ra bằng sự theo đuổi lạc thú, điều đó có thể đủ trong chốc lát. Nhưng về lâu về dài, những trò tiêu khiển như thế không mang lại sự thoả mãn thực thụ nào, bởi vì bản ngã thực của ta, những đòi hỏi chân thực của trái tim ta, chưa được giải phóng. Nghệ thuật là tiếng kêu của linh hồn từ đáy sâu bản thể của một người.
Khi ta sáng tạo hay thưởng ngoạn nghệ thuật, ta giải phóng cái linh thức (spirit) bị kẹt bẫy ở bên trong. Đó là lý do tại sao nghệ thuật khơi dậy niềm vui như thế. Nghệ thuật – dù có được thực hiện khéo hay không – là cảm xúc, niềm vui thích của việc biểu đạt cuộc sống như nó là. Những ai thưởng ngoạn nghệ thuật đều được lay động bởi niềm đam mê và sức mạnh của nó, cường độ và vẻ đẹp của nó. Đó là lý do tại sao không thể nào tách rời cuộc đời ra khỏi nghệ thuật. Có thể là những diễn biến chính trị và kinh tế dường như thống trị trên các bản tin thời sự, nhưng văn hóa và giáo dục mới thực sự là những lực lượng định hình một thời đại, bởi vì chúng chuyển hóa trái tim con người. [10]
Mỗi loài hoa có hương sắc khác nhau, chẳng hạn, hoa anh đào, hoa mận, hoa lan …; cũng vậy, mỗi người nên sống nghiêm chỉnh, đúng với cá tính độc đáo của mình; khái niệm này có nhiều cái chung với văn hóa và nghệ thuật. Văn hóa là sự nở hoa của nhân tính đích thực của mỗi cá nhân, đây là lý do tại sao nó vượt lên những ranh giới quốc gia, giai đoạn lịch sử và những phân biệt khác. Cũng tương tự, một kết quả của sự luyện tâm, là ta có thể sống một cuộc đời thực sự có văn hóa và biến mình thành một nguồn cảm hứng cho những người khác.
40. THƯỞNG NGOẠN
NGHỆ THUẬT. [11]
Làm thế nào tôi có thể thưởng ngoạn nghệ thuật ngay cả khi không theo những lớp học chuyên ngành?
Chắc chắn rồi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chỉ đơn giản thưởng thức nghệ thuật. Đó là bước đầu tiên quan trọng nhất. Hãy xem những tác phẩm hội họa đẹp. Hãy nghe âm nhạc hay. Việc trải nghiệm nghệ thuật hay, sẽ phát triển và nuôi dưỡng tâm hồn bạn.
Hãy biết điều này: Nếu bạn bắt đầu tiếp cận nghệ thuật bằng cách phân tích hay theo kiểu học giả, rốt cục bạn rất có thể bối rối không biết nghệ thuật thực sự là cái gì. Tôi không tin rằng, những người lắng nghe một khúc hát của chim hay nhìn một đồng cỏ đầy hoa, mà lại đi phân tích nó.
Một tác phẩm nghệ thuật lớn là một tác phẩm gây cảm hứng cho bạn. Khi bạn trải nghiệm nó, chính bạn bị xúc động. Đừng nghe nhạc với đôi tai của người khác. Hãy phản ứng lại một tác phẩm nghệ thuật với những cảm xúc của riêng bạn, với trái tim và khối óc bạn. Nếu bạn tự cho phép mình bị dao động bởi những ý kiến của người khác – “Nó phải hay, bởi vì mọi người khác thích nó,” “Nó phải dở vì không ai khác thích nó” – thì những cảm xúc của bạn, tính nhạy cảm (sensibility) của bạn (mà đây chính là cốt lõi của kinh nghiệm nghệ thuật), sẽ lụi tàn và chết.
Muốn thưởng thức nghệ thuật cho tới mức đầy đủ, bạn phải từ bỏ tất cả những khái niệm có trước. Hãy tiếp xúc với tác phẩm một cách trực tiếp, với toàn thể tồn tại (being) của bạn. Nếu bạn bị xúc động sâu xa, thì tác phẩm đó, đối với bạn, là một tác phẩm nghệ thuật lớn.
Những tác phẩm nghệ thuật lớn đều có giá trị phổ quát. Chúng nó sống động, được thấm nhuần sức sống và tinh thần mạnh mẽ của nhà sáng tạo. Nhà điêu khắc nổi tiếng của Pháp, Rodin, làm việc vào những năm ’80 của thế kỷ 19, nói rằng điều quan trọng cho những nghệ sĩ là, “cảm nhận, yêu thương, hy vọng, run rẩy, sống. Nghĩa là, là một con người trước khi là một nghệ sĩ.” Những cảm xúc con người này – hy vọng, yêu thương, giận dữ, sợ hãi – được truyền thông tới chúng ta qua tác phẩm của nhà nghệ sĩ. Những rung động của tinh thần nhà nghệ sĩ khơi dậy những rung động tương tự bên trong trái tim của riêng ta. Đây là kinh nghiệm của nghệ thuật. Nó là một cảm xúc được chia sẻ, nối kết nhà sáng tạo và người thưởng ngoạn, vượt qua những biên giới thời gian và không gian.
Dĩ nhiên, để thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật lớn, ta cần tập trung. Nhưng sự thưởng ngoạn bắt đầu với việc đơn giản trải nghiệm tác phẩm. Với âm nhạc, chẳng hạn, ta bắt đầu bằng cách lắng nghe. Với hội hoạ, ta bắt đầu bằng cách nhìn. Với văn học, ta bắt đầu bằng việc đọc. Tôi e rằng, nhiều người quá chú tâm đến việc phân tích nghệ thuật đến nỗi họ không thực sự nhìn thấy nó. [12]
Chắc hẳn cách tốt nhất là xem hay nghe càng nhiều những kiệt tác được công nhận rộng rãi của nghệ thuật thế giới càng tốt, điều ấy sẽ trau dồi và tinh lọc cảm quan của bạn. Bạn sẽ tự nhiên học được cách phân biệt tác phẩm hay với tác phẩm dở.
Tiếp xúc với thứ nghệ thuật hạng hai hoặc hạng ba, sẽ không giúp bạn hiểu thứ nghệ thuật hạng nhất, nhưng nó sẽ dạy cho bạn thấy sự khác biệt. Con mắt phê phán của bạn sẽ xuất hiện. Đó là lý do tại sao bạn nên làm một nỗ lực để trải nghiệm thứ nghệ thuật hay nhất ngay từ đầu.
Bạn có thể thấy nghệ thuật lớn trong những cuốn sách, dĩ nhiên, nhưng nhìn cái thực, thì hoàn toàn khác. Nó là sự khác biệt giữa việc xem một tấm hình của một ai đó và con người bằng xương bằng thịt của người ấy. Nghệ thuật đích thực, văn hóa đích thực, sẽ làm giàu cá nhân, khích lệ việc tự biểu hiện, và mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, không liên quan gì tới danh vọng hay giàu sang. Nghệ thuật và văn hóa đích thực nuôi dưỡng cái tinh thần đó, chúng làm phong phú đời ta và làm cho nó thực sự đáng sống. Bởi vậy, sẽ là rất tuyệt vời, nếu bạn có thể tìm thấy thời gian để theo những lớp học – cả trong việc thưởng ngoạn nghệ thuật lẫn trong sáng tạo nghệ thuật – bởi vì chúng có thể làm tăng trưởng con người chúng ta.
[1] Hiện nay, do sự “ xâm lấn” của TV, và nhất là Internet, việc đọc sách đã bị … “ quên lãng” rất nhiều! Đây là một hiện tượng toàn cầu. Nhiều người đã tỏ ra quan ngại về sự sa sút của “ văn hóa đọc.” Sự quan ngại đó là có cơ sở. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng phải thừa nhẫn rằng, trừ một thiểu số rất ít, đa phần các bạn trẻ hiện nay đều rất hiếm khi đọc sách [ hay nếu có, thì đó cũng chỉ là một số sách chuyên môn cần thiết cho ngành nghề của họ]. Quả thực, sự suy thoái của văn hóa đọc – nhất là trong giới trẻ – là một hiện tượng rất đáng lo ngại!
[2] Bạn đã bao giờ thấy vui khi đọc được một cuốn sách hay? [ Dĩ nhiên, không kể các sách chuyên ngành!] Nếu có, thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng, bạn đã có sự tăng trưởng trong đời sống nội tâm của bạn.
[3] Cầu mong cho bạn sẽ gặp được vài cuốn sách như vậy!
[4] Rất đúng! Nếu ta không chịu đọc sách, thì tư duy của ta thường hời hợt, thiếu cơ sở.
[5] Câu này không chỉ dành cho các bạn trẻ, mà còn dành cho những… lãnh tụ!
[6] George Santayana ( 1863-19520: Nhà thơ, triết gia Mỹ.
[7] Tự thị: [ Self-important] Tự cho là mình quan trọng hơn người khác.
[8] Đây là một nhận xét rất sâu sắc.
[9] Đây là một trong những tác dụng của nghệ thuật mà có lẽ ít ai ngờ tới.
[10] Nhận xét này rất đúng: Kinh tế và chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người, nhưng chính văn hóa và giáo dục mới là những lực lượng định hình một thời đại. Thêm vào đó, văn hóa và giáo dục có tác dụng rất lâu dài.
[11] Các bạn lưu ý: Có loại nghệ thuật đích thực, và loại nghệ thuật… “ dỏm” ! Các bạn cần phân biệt được hai loại đó! Hiện nay trên các phương tiện truyền thông đại chúng [sách báo, TV…] đều cùng tồn tại hai loại “ nghệ thuật” nói trên. Bên cạnh đó, dĩ nhiên cũng có những “ thần tượng đích thực” và những “thần tượng dỏm” ! Có một câu cách ngôn phương Tây: “ Hãy nói cho tôi biết, bạn giao du với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn là người như thế nào.” Cũng tương tự, ta có thể nói: “ Hãy nói cho tôi biết thần tượng của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn là người như thế nào.” Do vậy, bạn hãy cẩn thận: Nếu “ thần tượng” của bạn thuộc loại “ dỏm,” thì bạn cũng có nguy cơ thuộc loại… “ dỏm”!
[12] Nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận sự phân tích, phê bình văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu chú trọng quá nhiều đến việc phân tích mà bỏ quên cảm xúc hồn nhiên, thì không chừng, đó là cách tốt nhất để… giết chết nghệ thuật!