Buổi chiều, nghe tiếng kèn lá “ò í e…” trong ngõ hẽm nhà mình là tôi nghĩ ngay tới một đêm mất ngủ. Ở những vùng ven thành phố như cái quận Gò Vấp này, nhất là trong những xóm lao động, đám ma nơi những gia đình theo đạo thờ cúng ông bà - hay người lương, phân biệt với nguời công giáo, thiên chúa giáo - thường buồn bã một cách hết sức ồn ào. Có người giải thích rằng phải có sinh hoạt hát hò, nhậu nhẹt mới giúp cho tang gia cùng khách khứa khỏi buồn ngủ mà cùng nhau canh thức bên quan tài. Như thể trong những đêm tang chế lẽ ra là chỉ có khổ đau, u sầu lặng lẽ ấy, phải có thêm những tiếng trống, tiếng đàn áo não của ban nhạc đám ma – còn gọi là ban nhạc hiếu – hòa cùng những tiếng trò chuyện, nhậu nhẹt, cười nói không cần kềm chế và một ít tiếng khóc lạc lõng, tiếng cãi cọ bị can ngăn của tang gia cùng một lô thân-bằng-quyến-thuộc thì linh hồn người chết mới siêu thoát được. Cho nên bạn bè, nhất là đám thanh niên, đến chia buồn thì mang theo cây guitar để cùng tang gia hò hát và ngâm thơ Vân Tiên, kêu lô-tô… cho đến gần sáng. Và cao trào tột đỉnh huyên náo sẽ là đêm cuối cùng để ngày mai động quan, kết thúc tang lễ : show văn nghệ chuyên nghiệp của dân pê-đê, bóng rỗi! Có điều là không thấy giới lesbian làm nghề này, cũng không thấy kiểu văn nghệ tạp lục, rất đại chúng này được trình diễn ở những đám ma nhà giàu, nhà cán bộ và đám ma người Hoa ở những khu trung tâm thành phố tráng lệ, sang trọng.
Đám ma bữa nay trong xóm tôi là một đám nhà nghèo, nhà cửa chật hẹp và chỉ mời có một thầy chùa đến tụng. Đám ma nghèo nên phần ẫm thực suốt đêm chắc chỉ có cháo trắng, dưa muối mặn chớ khó mà có cháo gà, cháo vịt, có điều là không hề thiếu 1 - 2 can rượu thuốc, rượu đế rẻ tiền cùng đậu phộng, cóc, ỗi… Nhưng kìa, giàn âm thanh điện tử, không rõ do tang gia đi mướn hay do ai đó hỗ trợ miễn phí, ba ngày nay đã khuếch đại tiếng cây đàn lục huyền cầm và tiếng micrô dành cho thầy tụng nghe vang vang tới tận cuối hẽm. Và tang gia đã ráng mướn cả một gánh hát rong pê-đê, nghe nói từ bên hẽm Đội Có, Phú Nhuận qua trình diễn, bắt đầu từ khoảng 11 giờ đêm. Giác này khách viếng đã thưa thớt, ban hộ niệm (tức nhóm Phật tử chuyên tình nguyện đến các đám ma đọc kinh cầu siêu cho người đã mất) và ban nhạc hiếu cũng đã thu dọn nhạc cụ để tạm nghỉ. Sân khấu, nếu có thể nói như thế, vẫn là chiếc chiếu trải ra trước quan tài.
Thật gọn nhẹ: hai ca sĩ và một nhạc công chỉ xách theo cây guitar điện. Nhóm này đến phục vụ tang gia với giá “hữu nghị” 400 ngàn. Thật ra, theo lệ thường, giá cả có thể lên xuống tùy theo số lượng ca sĩ, thời gian trình diễn đến mấy giờ sáng, nhà đám cho ăn uống như thế nào, chơi hai đêm hay một đêm, nhạc công chơi guitar hay keyboard.v.v…, và dĩ nhiên còn tùy theo mối quen biết và tình thông cảm của giới “nghệ sĩ” đối với hoàn cảnh kinh tế của nhà đám. Tôi còn nhớ, trong một chặng ngày tháng vất vả, chà lết kiếm sống là khoảng năm 1980, tại đám ma của một anh bạn đạp xe ba bánh bị xe vận tãi đụng chết, tôi đã hát suốt đêm với hai bạn pê-đê cùng một tay đàn vốn là dân bốc vác trái cây chợ Cầu Ông Lãnh. Quá đả, vừa vì men rượu hà thủ ô rẻ tiền vừa vì mối duyên văn nghệ tuyệt vời nảy sinh qua những liên-khúc-Boléro, tức các trích đoạn của từng bài hát cứ nối tiếp nhau, kéo dài tới mấy chục bản , từ Đời tôi cô đơn, Thành phố buồn, Rừng lá thấp… cho đến Những ngày xưa thân ái, Những bước chân âm thầm… Như một cuộc thi có thách thức nhẹ nhàng, người tham dự cứ luân phiên nhau hát theo tiếng đàn giữ mãi ở gam LA thứ không dừng nghỉ. Sau bốn trường canh của mấy điệu Boléro, Slow boléro, Rumba, Tango Habannera mà ai đó bí, không hát tiếp được thì bị phạt uống một ly, không chờ ly “xây tua”. Đặc biệt là qua đêm “giao lưu” văn nghệ này với mấy bạn bóng, tôi học được một dạng ca khúc rất ngộ nghĩnh, không thể biết do ai sáng tác hay biên soạn. Đó là cứ lấy mấy câu ca dao, đồng dao nào đó - ở thể thơ lục bát – cắt khúc ra rồi phổ vô các nhạc điệu Nam Mỹ hay Rock Bắc Mỹ tùy ý, nghe rất vui nhộn và bụi đời. Thí dụ như :
Ví dầu / cầu ván đóng đinh /
Cầu tre lắt lẻo / gập ghình khó đi.
Khó đi / mẹ dắt con đi /
Con đi trường học / mẹ đi trường đời.
Tôi bèn “chế” tại chỗ hai câu học được qua những ngày bị địa phương kêu đi thanh niên xung phong sau khi học tập cải tạo về, những ngày đào kênh, đắp đê tối tăm mặt mũi ở một nông trường vùng Củ Chi:
Trúc xinh / trúc đứng đầu đình /
Em xinh / em đứng / dưới sình cũng xinh!
Hình như trong một giai đoạn nào đó, mấy loại nhạc liên khúc, cắt khúc tùm lum như trên mà giới phê bình âm nhạc đạo mạo nhất định xem là loại nhạc pê-đê hát đám ma, nhạc của bọn nghèo đi hát rong, loại nhạc phổ từ ca dao, đồng dao một cách “ngoại đạo” không có đăng ký .v.v…, nói chung là loại nhạc tầm-bậy-tầm-bạ, lại là hơi thở, lại là nỗi niềm của bọn chúng tôi. Tôi nhớ có lúc quá hứng, tôi đề nghị anh bạn mới quen cứ giao cây guitar cũ mèm, trầy trụa cho tôi đệm, mặc dù tôi không thể chuyên nghiệp như anh ta và có lúc tôi bày đặt chuyển qua điệu Beguin Rock để hát bài Chiều nay ra khơi… gì đó. Càng hát càng đắc ý, càng khoái nhau, càng phục nhau. Rốt cuộc là đến gần sáng, ban hát rong đã từ tạ ra về mà không lấy tiền thù lao dù nhiều dù ít. Mệt mà vui trong mối đồng cảm dân-nghèo-với-nhau. Mới vừa cùng uống rượu, cùng đàn hát đả đời với nhau mà đã tình-thương-mến-thương!
Nghe bạn bè áo rách ngồi dựa vào cái quan tài hạng chót của mình mà hát hò như thế, chắc anh bạn đạp xe ba bánh của chúng tôi đang nằm trong hòm sẽ rất hài lòng mà ra lịnh: “Được lắm, hát nữa đi các bạn! Đưa ly đây! Vô!”.
Đêm nay, tôi nằm trên gác, ký ức trở mình quay về cái hồi gặp gỡ, học hát và hát đua với mấy bạn pê-đê chợ cầu Ông Lãnh mà chờ nghe mấy em hát bên nhà hàng xóm.
So với nhóm bạn tôi ngày trước, nhóm này tài tình, chuyên nghiệp hơn nhiều. Họ chơi đủ thứ tiết mục, từ tân nhạc, cổ nhạc cho đến múa lửa, uốn dẽo. Một em xưng “nghệ danh” là Trúc Lệ, làm nhớ tới một em khác khá nổi tiếng ở khu Ngã Tư Xóm Gà tên là Mỹ Lệ, cứ đi hát đám về là nhậu ở xe bánh mì ngay ngã tư này vào lúc hừng đông cho tới sáng bách. Trúc Lệ sẵn sàng hát theo yêu cầu của khán giả, nhưng luôn luôn nhắc bà con vỗ tay và thưởng tiền bằng cái giọng rất lãnh lót, nũng nịu. Có khán giả chữi thề, vo tròn tờ hai ngàn liệng đại vô tấm chiếu cho ca sĩ hài lòng mà hát tiếp. Đến phiên em Ngọc Lan, giọng hơi ồ ề, thô thiển nhưng “nghệ danh” của em lại làm nhớ tới nữ ca sĩ hải ngoại Ngọc Lan đã qua đời mà mang đi mất cái giọng trầm buồn tuyệt diệu của mình. Ngọc Lan này rất khiêm tốn, tâm sự rằng “ Mong bà con cô bác thương cho cái phận bịnh hoạn, bán nam bán nữ tụi em. Đời tụi em còn gì đâu, chỉ biết lấy lời ca tiếng hát chia buồn cùng tang quyến, phục vụ bà con…”. Không khí chợt trầm lắng một chút nhưng ngay sau đó lại vui nhộn trở lại ngay khi Ngọc Lan một mình diễn trích đoạn tuồng cải lương Đời cô Lựu…đạn! Đến cuối trích đoạn, nhà nghệ sĩ đa tài của đêm tối đã phăng luôn, cho nhân vật chính đứng ra nhận tội giết người bằng câu nói: “Chính tôi là sát nhân, mấy người không tin thì cứ xét, trong nguời tôi có một cây súng … nước đây. Lọ là phải hỏi!” Khán giả ồ lên, chữi thề, cười rùm, liệng tiền thưởng vô chiếu lia lịa. Vai diễn quá hay, đến nỗi không có ai kịp phân biệt đâu là sân khấu cùng nhân vật cô Lựu hư cấu và đâu là cuộc đời cùng con người bất toàn – các bạn pê-đê không biết tới cái từ văn vẻ, trí thức này – tội nghiệp là em Ngọc Lan đang đứng hát trước quan tài…
Mang nặng tình cảm hoài niệm về những ca nhân bất toàn ấy, ngày 19 tháng Ba ta, tôi đến lễ cúng vía tại ngôi miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương nằm trong khuôn viên chùa Vạn Thọ bên quận Nhứt.
Thường phải là những ngôi chùa cổ như Vạn Thọ mới có thêm ngôi miếu thờ Năm Bà, vì dạng tín ngưỡng đa thần cổ truyền này chỉ tồn tại bên cạnh Phật giáo chứ không là hệ phái chính thống của Phật môn như Đại Thừa, Tiểu Thừa, Trung Thừa. Từ sáng đến chiều, xen kẽ với phần tụng niệm của các vị sư, một nhóm tế chuyên nghiệp đã được ban quản lý ngôi miếu mướn với giá hơn 1 triệu. Ngoài ba nhạc công nam và nữ không hề là dân bóng, ba em pê-đê nghệ sĩ chính của nhóm, rất tài hoa qua những màn ca múa. Nổi bật là một em hơi lớn tuổi, nước da ngâm đen, giọng hơi khàn, váy áo đơn sơ nhưng múa mâm vàng và múa dẽo với một cành hoa huệ dựng đứng trên vai thì thật điệu nghệ. Thiên hạ gần như nín thở khi em đặt dựng đứng một ống nước nhựa dài khoảng 1 mét lên chỗ nhân trung trên gương mặt phấn son của mình, còn đầu kia của ống nước là hai con dao yếm được gá ngang, gá dọc rất lắt léo. Mồ hôi tuôn ra đầy trán đầy cổ, nhà tạp kỹ vừa giữ thăng bằng cho mấy món hung khí, vừa uốn éo theo điệu nhạc lóc cóc leng keng. Thình lình, một bà nọ bước vào sân diễn, tìm cách đặt một tờ 100 ngàn lên mặt người diễn. Lập tức, mấy bước chân nghiêng ngã, loạng choạng, hai con dao và tờ giấy bạc rơi xuống đất. Cũng may không có chuyện đổ máu đổ me xảy ra. Nhiều tiếng xì xào, bất bình. Cái kiểu thưởng tiền kỳ chướng, đầy tính cách khoe của của “con mẹ khó ưa” này đã làm hại người nghệ sĩ. Nhưng ai nấy đều vỗ tay, tán thưởng, khuyến khích em bóng diễn tiếp…
Không có gì nhiều để tôi tiếp tục kể câu chuyện về những ca nhân, những nghệ sĩ đặc biệt của chúng ta. Cuộc sống đô thị đã lần hồi làm mai một một số nghi thức cúng bái cổ truyền, rất dân gian trong đám ma, đám cúng, như tục hát bóng rỗi, khóc mướn, chầu văn … Nhưng tôi cứ giữ niềm hy vọng nhỏ nhoi của mình là sẽ còn được gặp lại những em nghệ sĩ pê-đê mà tôi đã thương yêu như bạn bè, tri âm, tri kỹ.
(Trích tuyển tập ký/truyện THỨ NHỤC DỤC TỦI NHỤC). Bản tác giả